Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập
Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com
PHẦN THỨ BA
CUỘC CHIẾN ĐỢT II: (TRẬN CHIẾN TIÊU HAO)
KẾT TỪ
Tôi viết cuốn Chiến Tranh Đông Dương III này cách nay đã hơn mười lăm năm và cuộc chiến cộng sản tương tàn cũng đã hoàn toàn chấm dứt cách nay hơn hai mươi năm.
Trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm đó, thế giới đã trải qua bao nhiêu đổi thay, chiến tranh lạnh chấm dứt, đế quốc Liên Xô sụp đổ, phong trào Hồi giáo quá khích và khủng bố phát triển, kinh tế thế giới ngày càng mang tính cách toàn cầu… Riêng đối với Việt Nam, chính sách đổi mới từ 1986, bỏ đi mô hình kinh tế của Mác, áp dụng kinh tế thị trường đã đưa đến một số thành quả kinh tế nhất định, quan hệ ngọai giao đối với hai quốc gia lân bang thù nghịch, nhất là đối với Trung Hoa, tương đối đã được cải thiện, nhưng vẫn luôn luôn bất cân xứng.
Một câu hỏi thường được đặt ra khi viết về một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia là liệu cuộc chiến đó có thể tái diễn hay không. Trong cuộc tranh chấp Việt - Trung, các nhà quan sát thời sự trên thế giới hiện nay đều đang coi vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam và Trung Hoa là một “điểm nóng”, dễ trở thành một nguyên nhân gây ra một cuộc chiến mới.
Tuy nhiên, nếu “điểm nóng” biển Đông có thể trở nên một ngòi nổ gây ra một cuộc chiến tranh địa phương hay một cuộc chiến qui mô lớn, điều này chỉ có thể xảy ra khi Trung Hoa đụng chạm trực tiếp tới quyền lợi của Hoa Kỳ như gây chiến với Nhật Bản, tiến chiếm đảo Senkaku hay thô bạo xâm lấn Phi Luật Tân. Trong khi đó, chướng ngại quan trọng và trực tiếp trên bước đường mưu toan bá chủ biển Đông là Việt Nam thì trong suốt ba mươi năm qua, vẫn đang cô thế chịu đựng sự áp chế của Trung Hoa trên mọi phương diện.
Có nhiều nguyên nhân đưa tới phản ứng thụ động và tình trạng gần như bất lực của Việt Nam. Dĩ nhiên là có những nguyên nhân khách quan như hoàn cảnh của một nước nhỏ yếu hơn bên cạnh một nước đông dân cư và hùng mạnh. hay nhu cầu cần chiếm đóng một vùng biển nhiều tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng của Trung Hoa. Tuy nhiên, có những nguyên nhân chủ quan cũng rất quan trọng là chính quyền Việt Nam đã tự đặt mình vào một thế hạ phong và bất lợi, mà căn bản là sự du nhập và áp đặt chủ nghĩa cộng sản vào đất nước Việt Nam đưa đến một chính sách đối ngọai thụ động, khép nép cầu cạnh, nhường nhịn và đầy nghịch lý đối với Trung Hoa.
Chính sách đối ngọai khép nép này bắt đầu được thể hiện từ năm 1988 khi hải quân Việt Nam được đưa ra bảo vệ Trường Sa nhưng lại “không được phép nổ súng “ và trở nên rõ ràng, chính thức năm 1990, khi Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô muối mặt cầu hòa. Kể từ đó đến nay, hai mươi năm trôi qua, Việt Nam và Trung Hoa đã trải qua nhiều đợt cầm quyền, nhưng mưu đồ và tham vọng của Trung Hoa vẫn không thay đổi, luôn luôn lấn ép Việt Nam về biên giới trên bộ hay trên biển, thường xuyên bắt giữ và sát hại ngư phủ Việt Nam, áp lực các công ty ngọai quốc khai thác tài nguyên tại vùng biển của Việt Nam, từng bước hợp thức hóa hầu hết biển Đông.
Trong khi những hành động lấn chiếm và ức hiếp Việt Nam là nằm trong bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu rõ ràng và dài hạn của Trung Hoa là khống chế biển Đông, sau đó phát triển ảnh hưởng đe dọa miền Tây Hoa Kỳ và Úc Châu, tranh giành địa vị siêu cường với Hoa Kỳ rồi bá chủ thế giới, thì chính sách đối phó của Việt Nam chỉ là tạm thời, vá víu, mong giữ được nguyên trạng - status quo, để rồi hy vọng Trung Hoa sẽ nể tình một nước cộng sản đàn em đang hết lòng nhường nhịn mà không lấn lướt qúa đáng, từ đó đảng vẫn độc quyền hưởng đặc quyền đặc lợi. Những vụ bắn giết ngư phủ, lấn chiếm hải đảo .. đều được phản ứng bằng những lời phản kháng xuông của những phát ngôn viên chính phủ là xác nhận chủ quyền và hứa sự việc sẽ được giải quyết bằng những cấp cao, trong “tầm nhìn đại cuộc”. Nhưng những cấp cao này, từ tổng bí thư, chủ tịch nước đến thủ tướng Việt Nam, mỗi khi gặp đối tác của Trung Hoa, tất cả đều chỉ luôn nhắc đến “mười sáu chữ vàng” hay “bốn tốt” mà Giang Trạch Dân đã chỉ dạy.
Với chủ trương coi trọng sự sống còn của đảng hơn là sự tòan vẹn lãnh thổ, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã có một thái độ khép nép qui phục đối với Trung Hoa, nhưng đối với nhân dân trong nước, họ lại có một đường lối quyết liệt hơn. Một mặt họ che dấu thông tin (bản đồ chi tiết biên giới Việt Trung vẫn chưa được phổ biến, ranh giới lãnh hải vịnh Bắc Bộ được ca tụng một cách hàm hồ khó hiểu là “thắng lợi cho cả hai bên”), những tàu Trung Hoa bắt bớ và tàn sát ngư dân Việt suốt hai chục năm nay đều chỉ được gọi là tàu lạ. Mặt khác, những người biểu tình chống đối Trung Hoa bị đàn áp hay bắt giữ, một số bị gán cho những tội vu vơ để bỏ tù giam giữ nhiều năm. Đảng viên được học tập là đảng lúc nào cũng anh minh, sẽ giải quyết được mọi chuyện.
Chính sách thụ động và khép nép cầu hòa này của Việt Nam rất phù hợp với Trung Hoa trong giai đọan hiện tại. Trong khi họ dùng tài nguyên kinh tế khổng lồ để nhanh chóng tăng cường và hiện đại hóa không quân và hải quân chờ ngày đối phó với Nhật Bản và Hoa Kỳ thì tại biển Đông, Trung Hoa từ từ, âm thầm gậm nhấm theo chiến thuật tầm ăn lá dâu rồi dần dần sẽ có ngàybất chiến tự nhiên thành.
Để kết thúc cuốn sách này, tôi muốn mượn lời của hai cán bộ chính trị cao cấp. Đầu tiên là của đại tá Nguyễn Đăng Thanh. Ông là phó tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, giáo sư học viện Chính Trị của Tổng Cục Chính Trị. Trong bài lên lớp ngày 19/12/2012 với những khoa trưởng, giáo sư đại học, những trưởng phòng công tác chính trị, quản lý sinh viên, các bí thư đòan …, ông đã dạy mọi người phải đời đời nhớ ơn Trung Hoa, phải bỏ qua những va chạm hay bất đồng đáng tiếc và ông đe dọa là những cấp lãnh đạo của trường sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để sinh viên biểu tình chống Trung Hoa. Cuối cùng, ông khuyên mọi người : “ phải làm mọi cách để bảo vệ bằng được tổ quốc Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa”, vì có như vậy mới bảo vệ được sổ hưu khi về già.
Một cán bộ chính trị cao cấp khác, thượng tướng Bùi Văn Huấn, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, trong một bài phỏng vấn đăng trên mạng lưới của Trung Tâm Phát Triển Văn Học Nghệ Thuật ngày 18/3/12, khi trả lời về mưu toan chiếm đọat biển Đông của Trung Hoa, ông “đăm chiêu một lúc rồi nói với giọng thật buồn: “Trung Quốc lấy cái gì của ta thì ta đành phải chịu thôi”.
Hai cán bộ chính trị cao cấp của đảng cầm quyền, dù có hai thái độ khác nhau, nhưng thái độ nào cũng khiến cho tôi cảm thấy buồn khi kết thúc cuốn sách này.
|
BS Hoàng Xuân Trường tức nhà văn Hoàng Dung |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015