Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
CÜ«i Ng†n SÃm - Ride The Thunder (24)
 
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An

Nguyên tác tiếng Anh
soibien
 
Huy hiệu Sói Biển - Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
 

Chương 19

Tổng công kích “Mùa Hè Đỏ Lửa”

T
rận công kích mà Bắc Việt gọi là Chiến dịch Nguyễn Huệ vào tháng Ba năm 1972 được người Tây phương biết đến dưới cách gọi của họ là Tổng Công Kích mùa Phục Sinh 1972 (VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa). Trận tổng công kích này, giống như trận Tết Mậu Thân 1968 là một kế hoạch táo bạo nhằm đánh một trận quyết định về quân sự và chính trị để tiêu diệt cái mà chúng cho là tay sai của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Cùng một lúc, bọn vẽ kế hoạch phương Bắc hy vọng sẽ tập trung được tối đa tất cả sức mạnh quân sự để tạo ra sự hoảng hốt và hỗn loạn ở miền Nam. Bởi nguy cơ về một cuộc xâm lăng ra Bắc vượt vĩ tuyến 17 do quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã không còn nữa, chúng có đủ lý do an toàn để tung hết sức ra đánh xả láng thêm một lần. Ngoại trừ một số phải ở lại để sử dụng các hệ thống phòng không, chúng nghĩ không cần phải giữ lại lực lượng chính quy bộ binh nào tại Bắc Việt, tuy vậy vẫn có một số đơn vị trừ bị được để lại trong một thời gian vô hạn định ở phía Bắc của khu phi-quân-sự.

Với tác động của một cú sốc lớn nhờ vào sự phối hợp về bộ binh, thiết giáp và pháo binh, cộng thêm việc sử dụng tối đa các hệ thống phòng không tối tân nhất do Liên Xô viện trợ được mang vào tận các vùng tiền phương, mục tiêu tối hậu của Bắc Việt là phải chiến thắng toàn diện.

Trong khi những người dân bình thường của Bắc Việt không có chỗ nào để trút được sự bất mãn về việc các thanh niên cũng như người lớn tuổi đã bị hy sinh quá nhiều cho niềm vinh quang của "Cách mạng" thì cấp lãnh đạo của họ hoàn toàn ý thức được cái giá phải trả về nhân mạng cho chiến tranh. Cho tới thời điểm này, tâm lý các nhân vật nắm quyền hành tại Bắc Việt vẫn chưa bị chạm đến ngưỡng phải chịu thua.

Nỗ lực Việt Nam hóa chiến tranh rõ ràng đang tiến hành tốt đẹp. Bộ sậu lãnh đạo Cộng sản ý thức được là, như một quốc gia, Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tinh thần tự do báo chí và các sự biểu lộ phản đối chiến tranh đang lan rộng trong các trường đại học. Trong khi các thái độ tương tự sẽ bị đàn áp một cách thẳng tay tại Hà Nội hay Hải Phòng, hay bất cứ nơi nào khác phía trên vĩ tuyến 17, bộ chính trị Cộng sản ngồi rung đùi sung sướng khi thấy có quá nhiều người Mỹ đủ sức để tạo ảnh hưởng như vậy đến chiều hướng của chiến tranh.

Hậu quả của Tết Mậu Thân là một sự thất bại toàn diện giáng lên các lực lượng Cộng sản bởi quân đội Đồng minh. Dân chúng tại miền Nam đã không chịu nổi dậy chào đón các "chiến sĩ giải phóng" như chúng đã tính toán. Tuy là chiến thắng, nhưng vì cái giá phải trả quá cao đã đánh gục quyết tâm tiếp tục chiến đấu của dân Mỹ. Đầu tư về xương máu phải đổ ra để đánh đổi lấy những điều ít ỏi đạt được đã bị đánh giá là quá cao. Người Mỹ quý trọng mạng sống con người và hết sức chú ý đến việc hồi hương các tù binh chiến tranh của họ. Tất cả những điều này đã phù hợp với các nhận xét của giới lãnh đạo tại Bắc Việt.

Hành động của quân đội Mỹ tại Mỹ Lai đã trở thành một biểu hiệu có tầm mức quốc gia về sự nhục nhã, về sự sám hối, một hình thức tự hành hạ, và người Mỹ lại có vẻ thích thú một cách bệnh hoạn khi cho rằng mình đích thực là thủ phạm. Trong khi đó các tội ác và sự tàn bạo thường lệ của Cộng sản nhiều gấp bội của người Mỹ lại rất hiếm khi được bàn tán hay tường thuật một cách đàng hoàng trên báo chí.

Một trong các mối lo ngại chính của các tay vẽ kế hoạch Bắc Việt là liệu Hoa Kỳ có quay ngược lại nỗ lực lớn rút chân ra khỏi Việt Nam hiện nay đang tiến hành càng lúc càng nhanh và càng rộng lớn tựa như tảng băng đang lăn nửa đường xuống dưới chân đồi hay không? Chúng đánh giá là không. Việt Nam Cộng Hòa không có bạn bè chính trị trong nội bộ nước Mỹ. Không có ai chịu vận động thật tình để bênh vực cho họ, để đối phó lại một cách có hiệu quả ảnh hưởng của các sinh viên đang nổi giận, hoặc của những nhóm nhỏ khác gồm các cựu chiến binh Việt Nam cũng phản chiến do lòng cay đắng mà tiếng nói của họ ngày càng mạnh hơn. 

Cũng không hề có truyền thống, khác với trường hợp Trung Cộng, là các nhà truyền giáo Hoa Kỳ làm việc ở đó, hoặc có kết hợp lâu dài với những người yêu chuộng tự do tại Việt Nam. Trong bài diễn văn nổi tiếng trong lễ nhậm chức năm 1961, những lời Tổng thống Kennedy đã phát biểu rằng Hoa Kỳ sẽ "trả bất cứ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, đáp ứng bất cứ sự khó khăn nào để giúp đỡ tất cả các bạn bè chống lại bất kỳ kẻ thù nhằm bảo đảm sự trường tồn và thành công của nền Tự Do" đã không còn được áp dụng đối với Việt Nam nữa.

Bắc Việt tính toán là khả năng Hoa Kỳ sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân trong một mức độ chưa từng thấy cũng cần phải lưu ý tới. Hệ thống phòng không tối tân nhất do Liên Xô cung cấp có thể sẽ hạn chế hay vô hiệu hóa được nỗ lực trả đũa của Hoa Kỳ. Thời tiết cũng sẽ giúp họ trong những ngày đầu tiên. Không chừng nếu bộ đội Bắc Việt có thể chiếm được một phần lãnh thổ nào đó đủ để khi thời tiết trở nên bất lợi cho họ, họ có lẽ cũng đã gây đủ thiệt hại cho đối phương để có thể tuyên bố là đã thành công hay bằng cách nào đó, lật đổ được cái chế độ Nguyễn Văn Thiệu đáng ghét.

Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không đưa binh lính hay TQLC trở lại chiến trường. Giới truyền thông và các đối thủ phản chiến trong Quốc Hội sẽ không bao giờ cho phép chính quyền làm điều đó. Nếu Nixon đủ điên rồ mà làm chuyện đó thì tất cả các trường đại học trên toàn quốc sẽ bùng nổ trong một cơn giận dữ khiến cho sự kiện tại Kent State sẽ thành mờ nhạt khi so sánh với biến động này. Còn đối với hỏa lực không quân thì Bắc Việt sẽ đành phải chấp nhận ăn thua đủ, đánh ván bài đỏ đen vậy.

Việc chuẩn bị cho cuộc tổng công kích và các hành động táo bạo của Bắc Việt đơn giản là sự khẳng định lại những điều bi quan nhất mà các nhà phân tích tình báo của Đồng minh đã lo ngại từ lâu. Phải mất tới vài ngày, khi khói lửa chiến tranh ban đầu đã tan mới đủ để cho bộ chỉ huy hỗn hợp Việt - Mỹ quá chậm chạp trong việc phát triển xong một kế hoạch phòng thủ liên hiệp nào đó và bắt đầu lên kế hoạch phản công.

Thần chiến tranh có vẻ ủng hộ phe xâm lược. Trong những ngày và tuần lễ trước khi cuộc tấn công được phát động, lực lượng phòng không gồm pháo binh và hỏa tiễn địa đối không Bắc Việt tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay Hoa Kỳ đang thực hiện các phi vụ yểm trợ như thường lệ trong khu phi-quân-sự. Hệ thống phòng không tốt hơn và thời tiết xấu đã làm cho khả năng quan sát trên không về sự di chuyển của địch thủ bị hạn chế một cách đáng kể.
Việc sử dụng một loạt các trọng pháo tầm xa do Liên Xô và Trung Cộng cung cấp, lâu nay vẫn chỉ được dùng đến để chống các lực lượng Đồng minh khi được bắn đi từ vùng Cơ Rốc bên Lào đến các mục tiêu như Khe Sanh, vượt suốt chiều dài của khu phi-quân-sự và các vùng sát biên giới với Lào, đã lộ ra là khả năng của kẻ thù vượt xa các dự đoán. Ngay cùng một lúc, có vẻ như tất cả các vị trị đóng quân của các đơn vị Quân Lực VNCH và TQLC cùng với các khu dân cư quan trọng trong tầm tác xạ đều bị pháo kích với một cường độ mãnh liệt và chính xác.

Từ hầm trú ẩn đến lòng chảo nóng

Chẳng ai có thể xác định được phe Cộng sản có thể chọn một  thời điểm nào thuận tiện hơn để tung ra các loạt tấn công lớn khủng khiếp vượt qua khu phi-quân-sự và qua địa phận Tây Bắc của Lào hay không. Nhưng cũng chẳng cần phải là Tôn Tử, Clausewitz hay McArthur, hoặc ngay cả bất cứ khóa sinh hạng bét nào trong các trường trung cấp quân sự tại Hoa Kỳ hay Liên Xô, ai cũng thấy Cộng sản đã chọn được một thời điểm lý tưởng để chơi xả láng.

Cho dù vô tình hay cố ý, có vẻ như lực lượng Đồng minh đã bị ru ngủ bởi một cảm giác an toàn giả tạo vì không ai có thể nghĩ đến một cuộc tấn công theo hết chiều rộng của khu phi-quân-sự. Bọn Cộng sản chưa hề làm chuyện đó bao giờ và dĩ nhiên họ không có quyền làm điều đó theo Hiệp định Genève. Ngay lúc này thì thời tiết xấu đã hỗ trợ cho  địch quân vì các đám mây mù xuống thấp khoảng từ 1.000 đến 1.500 bộ trên khắp Vùng I Chiến Thuật trên thực tế đã làm cho không quân yểm trợ chiến thuật hoàn toàn vô dụng.

Thêm vào sự xáo trộn và hỗn loạn, đặc biệt là ở câu hỏi phải chăng đã có những hành động xảo quyệt và phản bội từ cấp chỉ huy cao cấp của QLVNCH, là ngay đúng vào lúc đó có hai trong số ba Trung đoàn của Sư đoàn 3 BB đang thực hiện một thao tác gọi là hoán chuyển vị trí tác chiến. Trong thao tác này, hai đơn vị thường là cùng cấp số với nhau di chuyển thay vị trí với nhau với mục đích đánh lừa đối phương. Trong những điều kiện thực tập bình thường, thì động tác chiến thuật này cũng đã là một sự nhức đầu cho cấp chỉ huy và tiếp vận rồi. Trong tình huống đang giao chiến thì thật sự là một cơn ác mộng. Đối với Sư đoàn 3, chuyện đó là một sự thảm hại.

Sư đoàn 3 được thành lập sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 và còn chưa kỷ niệm được đệ nhất chu niên như một sư đoàn nữa. Được tạo thành từ ba Trung đoàn bộ binh - Trung đoàn 2, 56 và 57 - chỉ có Trung đoàn 2 là có lịch sử thâm niên hơn đơn vị chủ quản và được các sĩ quan Hoa Kỳ vừa mới phục vụ trong vai trò cố vấn quân sự đánh giá là tạm đủ sức chiến đấu. Hai Trung đoàn 56 và 57, tuy là những đơn vị quân sự hợp pháp nhưng có vẻ giống như là lực lượng dân quân nhiều hơn vì đa số binh lính được tuyển mộ tại địa phương như Quảng Trị hay các tỉnh lân cận. Với quân lính được huấn luyện sơ sài, lãnh đạo ở hầu hết mọi cấp bực cũng giống như vậy, là thiếu kinh nghiệm và không được trui rèn đúng mức. Một số khá lớn binh sĩ trong các Trung đoàn này là đã bị sung vào vì tội đào ngũ từ những đơn vị Quân Lực VNCH khác. 

Trên nhiều khía cạnh, sự tương quan giữa Quân Lực VNCH và Quân đội Hoa Kỳ cũng y hệt hình ảnh của TQLC Việt Nam và TQLC Hoa Kỳ vậy. Trong khi Quân đội Hoa Kỳ chỉ nhỉnh hơn binh đoàn TQLC Hoa Kỳ một chút thì Quân lực VNCH lớn hơn binh chủng TQLC Việt Nam rất nhiều. Tuy nhỏ và có nhiều hạn chế hơn nhưng binh chủng TQLC Việt Nam có vẻ như đang phát triển toàn diện trong các nhiệm vụ, và dù được thành lập khá muộn màng trong cuộc chiến, binh chủng này vẫn giữ được nhiều tiêu chuẩn rất cao. Các đơn vị QLVNCH cũng có rất nhiều binh sĩ dũng cảm và các cấp chỉ huy đơn vị cấp nhỏ táo bạo. Tuy nhiên vấn đề đau lòng đối với họ là đã bị lẫn vào một số lớn hơn các đồng đội được chỉ huy và động viên tinh thần một cách quá yếu kém. Mặc dù Quân đội Hoa Kỳ đã nhiều năm qua sử dụng các cố vấn để giúp các đơn vị này nhưng tầm vóc đơn vị cũng là một vấn đề lớn. Với tiến trình Việt Nam hóa chiến tranh và việc giảm thiểu liên tục các lực lượng Hoa Kỳ, rất ít đơn vị VNCH còn đủ cố vấn quân sự thông hiểu tình thế hầu là chỗ dựa trong những tình huống nguy kịch. Trong ngày 30 tháng Ba 1972, Trung đoàn 2 không còn được sự cố vấn trực tiếp nào nữa từ phía Hoa Kỳ. Cả hai Trung đoàn 56 và 57 thì vẫn còn một ít nhưng chỉ ở cấp trung đoàn mà thôi.

Bắt đầu vào giữa trưa giờ địa phương ngày 30 tháng Ba 1972 cả 12 căn cứ hỏa lực cố định trải dài toàn bộ chiều ngang từ Đông sang Tây của khu phi-quân-sự và khoảng 20 cây số từ Bắc xuống Nam sát với biên giới Lào, cùng một lúc chịu đựng những cuộc pháo kích khốc liệt và liên tục của trọng pháo và hỏa tiễn với mức độ chưa từng thấy bao giờ. Một lần nữa, ở vị thế phòng thủ, các đơn vị VNCH và TQLC hoạt động chung quanh các căn cứ hỏa lực cố định, dễ thấy và dễ bị xác định tọa độ bởi tiền sát viên Bắc Việt. Ngoại trừ bốn khẩu 175 ly của VNCH tại căn cứ Camp Carroll, các đơn vị VNCH và TQLC khi đụng trận chỉ có thể gọi được pháo binh 105 và 155 ly. Với tầm tác xạ tối đa vượt xa cả hai loại 105 và 155 ly, quân Bắc Việt ung dung bố trí trọng pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly của chúng ra khỏi tầm bắn của VNCH và tự do pháo kích họ mà không sợ bị trả đũa.

Kế hoạch của Bắc Việt là những đợt pháo kích đầu tiên nhắm vào các vị trí pháo binh VNCH mà chúng đã rõ. Đó là chưa kể bên VNCH phản pháo cũng chậm chạp. Các pháo thủ VNCH chưa quen bị pháo kích như vậy. Sau khi các đơn vị pháo binh của VNCH bị tắt tiếng - vì bị tiêu diệt hay ngưng hoạt động vì quá sợ - kẻ thù có thể tự do chuyển qua các mục tiêu khác. Ngoài ra, những đợt pháo kích đầu tiên cũng đã phá hủy được một số lớn các phương tiện liên lạc của VNCH và làm tăng thêm cái cảm giác bị hỗn loạn, bị cô lập như rắn mất đầu.

Đằng sau những cuộc pháo kích là hơn 30.000 lính Bắc Việt và, lần đầu tiên tại Việt Nam có hằng trăm chiến xa T-54 và PT-76 do Liên Xô cung cấp đã lăn bánh tiến về phía trước giống như một gã khổng lồ không thể ngăn cản nổi. Kiểu chiến tranh quy ước mà quân Mỹ vẫn luôn mong muốn được dàn ra đánh tại Việt Nam sau khi thắng một lần trong kỳ Tết 1968 lại được Bắc Việt tung ra, lần này với một tầm cỡ lớn hơn rất nhiều.

Cuộc tổng công kích của quân Bắc Việt không chỉ hạn chế ở các mục tiêu quân sự. Trong vài năm qua, người dân thường Việt Nam đã bị đánh lừa bởi cái cảm giác an bình nên không hề nghĩ tới chuyện họ sẽ bị quân xâm lược tấn công như vậy. Các cuộc pháo kích vào khu đông dân cư bởi quân Bắc Việt đang tiến dần về phía Nam là một mục đích trọng yếu của kế hoạch nhằm gieo rắc hoảng loạn và phá chặn các mạng lưới giao thông quan trọng, từ đó làm chậm thêm phản ứng của Quân lực VNCH và TQLC.

Nhìn từ khía cạnh những người phản chiến hung hăng nhất tại Hoa Kỳ thì phản ứng chậm chạp, hay thụ động của Quân lực VNCH là điều đương nhiên có thể dự đoán trước được. Trong khi nhiều đơn vị VNCH cố gắng chống cự và chiến đấu thì có một số đơn vị bộ binh, pháo binh và yểm trợ khác tưởng chừng là đã tan biến đi, vào nhiều nơi mà không còn hiện hữu nữa. Trong những giờ đầu tiên khi quân Cộng sản mở cuộc tấn công, các con đường dẫn xuống phía Nam và xa vùng giao tranh bị tràn ngập bởi hàng ngàn và hàng ngàn dân chúng đi bộ, chạy trốn, thậm chí bò dưới  đất, một cách hỗn loạn. Họ cưỡi bất cứ con vật nào hay lái loại xe nào có bánh nhằm thoát khỏi cơn bão lửa từ phía Bắc. Lẫn lộn với dân chúng có hàng ngàn thanh niên vẫn còn mặc quân phục nhưng không còn đeo bảng tên, cấp bậc hay phù hiệu đơn vị nữa. Một số lớn những người đó là lính của Trung đoàn 57 đã buông khí giới chạy theo Quốc lộ 1 về nhà gần đó để di tản gia đình về phía Nam nhằm lánh xa cuộc tàn sát. Gần như tất cả các nơi ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị đều bị bắn phá tan tành. Không có một tin tức nào là tốt đẹp cả.

Cùng với việc không có một tin mừng nào để báo cáo, trong những giờ đầu tiên của cuộc tấn công của Cộng sản, nguồn thông tin đưa xuống Sài Gòn ở phía Nam chỉ là những sự chỉ trích lẫn nhau qua hệ thống điện đàm chiến thuật của Quân lực VNCH. Có lẽ vì cuộc tấn công quá bất ngờ nên các sĩ quan cao cấp của Quân lực VNCH có cảm giác bị lúng túng - có khi bị mất mặt là đằng khác - do đó họ khó chấp nhận các tin xấu và làm chậm trễ đi việc loan báo các thông tin nầy.

Người Mỹ không hề bị vướng mắc về vấn đề sĩ diện, vì vậy Gerry Turley, lúc đó đang ở trong hầm trú ẩn của Trung tâm Hành quân Sư Đoàn 3, tuy chỉ giữ vai trò quan sát và không chính thức, đã lập tức nắm lấy tình hình và bắt đầu báo cáo về Sài Gòn. (đường liên lạc giữa TTHQ Sư Đoàn 3 và Trung Tâm MACV ở Sài Gòn chạy qua một đường dây điện thoại duy nhất, lỗi thời và vận hành bằng tay gắn trong hầm trú ẩn. Gerry không biết là đường dây liên lạc này có chạy thẳng vào Sài Gòn hay nó được chuyển qua những trạm tiếp vận hay không. Ông chỉ lo ngại về phẩm chất của các cuộc điện đàm, nếu tốt lắm cũng chỉ lúc được lúc không). Những vị ở MACV cũng phản ứng chậm chạp không khác gì bên phía bạn VNCH nhưng vì các lý do khác nhau. Họ tin chắc trong đầu là nếu có tổng tấn công xảy ra thì các mục tiêu sẽ xa hơn ở phía Nam chứ không thể nằm trong vùng phi-quân-sự được. Do vậy họ nghĩ đợt tấn công này chỉ là đánh nhử mà thôi. Quả thật, rất khó thông cảm được sự ẩm ướt của sương mù San Francisco nếu người đó chỉ sống trong nắng ấm Los Angeles. Do đó, cũng thật khó để mường tượng được chiến tranh toàn diện tại Quảng Trị trong khi Sài Gòn vẫn sinh hoạt như thường lệ. MACV vẫn chưa tỏ ra có dấu hiệu gì bối rối lắm.

Quang cảnh và hoạt động tại TTHQ Sư Đoàn 3 tại Ái Tử lúc này là ngoài sức tưởng tượng. Ngoài việc bị lãnh pháo kích và hỏa tiễn như các nơi khác, tại đây còn là chỗ tiếp nhận, theo sát các dữ kiện và báo cáo điện đàm từ các đơn vị phụ thuộc, rồi ghi chú lên những tấm bản đồ hành quân lớn cho những người có trách nhiệm điều phối số lượng tăng viện vốn ít ỏi có thể ra quyết định được, là chỗ nào cần tiếp thêm máu, chỗ nào cần thắt lại hay cắt bỏ đi.... Tất cả những nhân sự trong quân đội Hoa Kỳ giữ vai trò yểm trợ, cũng như các nhân viên VNCH đều chưa hề được chuẩn bị cho các cuộc tấn công với tầm vóc và cường độ lớn như vậy.

Nằm trong hầm trú ẩn TTHQ là một cách tiếp cận với mặt trận gần nhất - trong trường hợp các đơn vị tiền tuyến bị đụng độ - mà không thực sự chạm địch. Tình hình biến chuyển liên tục được thể hiện bởi các điểm được di chuyển liên tiếp theo hướng xấu nhất đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho thấy tất cả các điểm quân ta ở trên bản đồ sắp sửa bị tràn ngập. Đối với các nhân sự trong Trung tâm Hành quân thì tình hình giống như trong một cuộc tranh giải vật lộn trong trường đại học, chỉ có điều là không hề có thời hạn hay trọng tài nào cả. Trên từng cái chiếu tranh tài cách biệt nhau, các đối thủ chỉ biết phạm vi không gian của mình. Họ vật lộn sống chết với nhau mà không cần biết bên cạnh chuyện gì đang xảy ra. Chỉ có những người trong TTHQ mới có cơ hội để quan sát một bức tranh toàn diện hơn. Khi ánh nắng tắt dần vào ngày 30 tháng Ba 1972, bức tranh này không cho thấy một tia hy vọng nào cả.




























Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading