Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Hồi còn bé, tôi hay thắc mắc vì tên của các chị và em gái tôi đều có chữ Thị nhưng tên tôi lại không có. Hỏi người lớn trong nhà thì được trả lời “vì tôi là con trai”. Nhìn quanh xã hội thì đúng vậy, đàn bà Việt đến hơn 90% đều có chữ Thị trong tên lót ngay sau tên Họ (Nguyễn Thị, Trần Thị, Lê Thị, vân vân…). Báo chí Việt ngữ cũng gán thêm chữ Thị vô tội vạ cho phái nữ như Thị Mẹt, Thị Mầu.
Phật Bà Quan Âm của Việt Nam cũng có tên Thị Kính. Thế nhưng mẹ tôi, một Công Nương Hoàng Phái cuả họ Nguyễn Phúc thì lại Thoát được chữ Thị trong nhũ danh và thay vì một chữ Thị, lại được thay thế với bốn chữ Công Tằng Tôn Nữ dài lê thê trong khi anh của bà chỉ có một chữ lót là Bửu (theo một bài thơ chữ Nho để biết thứ tự của Đế Hệ con cháu Vua Minh Mạng). Tuy không phải mang chữ Thị, tên cuả mẹ tôi vẫn có chữ Nữ để ai nghe tên cũng biết ngay giới tính của bà.
Qua những năm học tiểu học, tôi say mê đọc truyện Tàu và đã thấy rằng đàn bà Tàu không có chữ lót Thị trong tên của họ, ví dụ như Chung Vô Diệm, Phàn Lê Huê, Phan Kim Liên,…. Tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao cha mẹ Việt cứ bị ám ảnh về chuyện đặt tên lót để chỉ rõ ràng giới tính cuả con gái (trong bách tính phải dùng chữ Thị đã đành, mà ngay cả vua chúa hoàng tộc cũng phải dùng chữ Nữ). Tại sao? Câu trả lời từ các cô thầy thường là ấp úng với: “Ù, Ờ….vì đó là tục lệ (truyền thống) của người Việt”.
Lên trung học, tôi dò trên cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và sau này thêm cuốn Việt Sử Toàn Thư cuả Phạm Văn Sơn để xem đàn bà Việt nào đầu tiên trong lịch sử có tên lót với chữ Thị? Người đó là bà Triệu (Tàu gọi xấu là Triệu Ầu) với tên cúng cơm là Triệu Thị Trinh. Bà khởi nghĩa chống Tàu Đông Ngô đang thống trị Giao Chỉ vào năm 248 AD (sau Công Nguyên).
Trước Bà Triệu, thời huyền thoại của sử Việt, ta có bà Âu Cơ, công chúa Tiên Dung, cô Mị Nương; qua thời sử sách có chứng cớ ta có Mỵ Châu rồi dĩ nhiên là hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Không ai có chữ Thị mà cũng chẳng ai có chữ Nữ trong tên lót.
Sau Hai Bà Trưng thì chữ Thị đã trở thành tên lót chính thức của phụ nữ Việt trong suốt lịch sử như Đặng Thị Huệ (Bà Chúa Chè) hay Bùi Thị Xuân (mãnh tướng Tây Sơn) cho đến ngày nay (Nguyễn Thị Vinh).
Tương truyền, quân đội của Hai Bà Trưng có cả từ 35 đến 70 nữ tướng (theo di tích bia đá, truyền khẩu và chầu văn lên đồng…) nhưng không tới hơn 4 vị có chữ Thị trong tên chính thức. Rõ ràng là sự thất bại của Hai Bà Trưng đã dẫn đến việc dùng chữ Thị rất thông dụng cho tên Việt của phái nữ. Lý do cũng dễ hiểu vì nhiều bộ tộc ở Giao Chỉ, Cửu Chân thời ấy vẫn còn theo Mẫu Hệ (Thị Tộc, con lấy họ mẹ), một truyền thống để lại từ thời thượng cổ trước liên minh Âu Lạc với nhiều nghề săn bắn và chài lưới hơn là canh nông, nay bỗng dưng bị các thái thú Đông Hán ép buộc đồng hóa vào văn hóa Trung Hoa với xã hội Phụ Hệ (Gia Tộc, con lấy họ cha) thích hợp hơn trong kinh tế nông nghiệp.
Cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng cùng các lãnh tụ Thị Tộc được hưởng ứng nhiệt liệt nhưng khi họ bị thua và hy sinh dưới tay Mã Viện thì các thái thú Hán kế tiếp đã thẳng tay đàn áp và đồng hóa dân Giao Chỉ kể cả cưỡng bức Phụ Hệ và buộc đàn bà con gái Việt phải có chữ Thị trong tên để họ sẽ bị trừng phạt nếu truyền họ mẹ cho con cái. Tên Thái Thú hoàn tất chính sách cưỡng bách phụ hệ trên dân Việt là Nhâm Diên vì sử sách có kể rằng đàn ông Giao Chỉ sùng bái hắn và nói rằng “nhờ có ông Nhâm mà nay tôi biết được các con của tôi”.
Tôi không chống Phụ Hệ vì truyền thống ấy thích hợp hơn cho xã hội văn minh, cả từ thời Canh Nông cho đến thời Kỹ Nghệ Cơ Khí hôm nay, khi người chồng và cha sáng đi làm việc đồng áng, cơ xưởng, công sở, tối lại về nhà với gia đình. Nhưng tôi cảm nhận nỗi đau đớn ê chề của đàn bà Việt đang là trụ cột lãnh đạo của xã hội Thị Tộc bỗng dưng vì thua trận mà tan nước vỡ nhà rồi lại bị đồng hóa bởi văn hóa Hán Nho vào trong một xã hội khắc nghiệt và áp bức nữ giới với Tam Tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) thật là quá bất công.
Ở Nam Kỳ, có nhiều phụ nữ Việt không dùng chữ Thị trong tên một phần vì ảnh hưởng của người di dân Minh Hương xưa và một phần vì ảnh hưởng của văn hóa Pháp sớm hơn các vùng khác. Sau tháng Tư 1975, rất nhiều người Việt đã ly hương qua sinh sống ở các nước Tây Phương; các bé gái gốc Việt sinh ra ở hải ngoại cũng được “Thoát Thị”. Dùng chữ Thị trong tên lót chỉ là một thói quen sót lại từ thời Bắc Thuộc tủi nhục gần 2 ngàn năm trước. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên từ bỏ thói xấu ấy và chấm dứt việc dùng chữ Thị trong tên của phái nữ Việt Nam bắt đầu từ bây giờ.
Phạm Hiếu Liêm
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015