Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

SVQY/21 V ũ Đức Giang

SVQY/21 V ũ Đức Giang

Huế

Huế

Hoàng Th‰ ñÎnh Khóc Bån

Dưới đây là một trích đoạn trong hồi ký của chúng tôi. *

…Huế, những ngày tháng 3 năm 1975. Căn cứ Giạ-Lê, Tổng Hành Dinh Sư-Đoàn 1 Bộ-Binh. Tại đơn vị Tiểu-Đoàn 1 Quân-Y, bác-sĩ Bùi Hữu Út, tiểu đoàn trưởng đi họp ở Bộ Tham Mưu Sư-Đoàn, tôi tạm thay thế để điều động đơn vị dù chưa chính thức bổ nhiệm tiểu đoàn phó.

Điện thoại reo, hạ sĩ quan quân cảnh ở cổng Bộ Tư Lệnh báo là có một bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến muốn vào gặp tôi, chưa rõ là ai, nhưng nghe bác sĩ quân y, tôi vui mừng mời vào. Trong khi chờ đợi, tôi thầm đoán có lẽ đây là vị bác sĩ TQLC đã từng dẫn toán quân y của anh đến cùng làm việc với toán của tôi trong mấy cuộc hành quân phối hợp Việt-Mỹ vào những năm 71, 72 tại 18th Surgery Hospital của quân đội Hoa-Kỳ tại Ái-Tử Quảng-Trị. Đến khi gặp người bác sĩ trẻ và lạ, tôi hơi bỡ ngỡ, bác sĩ Giang tự giới thiệu khi bắt tay tôi. Trong khi mời uống nước, tôi tò mò hỏi Giang:

- Làm sao Giang lại biết tôi?

-Tôi nghe một số đàn anh bên Nhảy Dù nói anh là tay đàn guitare Classique điêu luyện và chơi cả Flamenco nữa, nên tôi tìm đến xin anh cho thưởng thức.

-Thế anh Giang thích bài nào? Tuy trong tình trạng chiến tranh nầy tôi vẫn rất sẵn sàng làm vui lòng bạn mộ điệu.

-Tôi nghe bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiêu nói anh chơi bản Romance hay lắm, tôi có nghe Đỗ Đình Phương độc tấu guitare bài nầy qua radio, nhưng lại không có đoạn introduction.

-Đúng vậy, tôi may mắn có đoạn introduction do Vincent Gomez soạn, bản in từ Paris và ông ấy ghi đề bản nhạc là Jeux Interdits cùng với chữ “Romance d’Amour” trong dấu ngoặc đơn.

-Thế chắc anh học trường nhạc từ lâu?

-Không, thật ra tôi chẳng học trường nhạc nào cả, từ 11 tuổi, tôi tự học guitare theo sách Caruly và Léo Laurant, gia đình tôi đều chơi nhạc.

Giang ngồi chăm chú, vừa nghe vừa theo dõi từng ngón tay của tôi. Dứt bản đàn, Giang còn yêu cầu tôi chơi lại đoạn introduction.

-Có dịp, tôi sẽ chép lại cho anh đoạn nhạc nầy, Giang cũng chơi guitare?

-Không, tôi không biết đàn, nhưng biết thưởng thức nhạc.

Trong câu chuyện khi hỏi về gia đình Giang cho biết anh còn mẹ và hai em ở Sài-Gòn, Giang còn thổ lộ với tôi rằng anh rất mong được phép về thăm nhà dù mình mới bổ dụng ra đơn vị không bao lâu. Lần đầu gặp gỡ tôi đã cảm thấy mến Giang lạ lùng, dù trong bộ quân phục rằn ri, Giang vẫn toát ra một tính chất nho nhã, hiền lành và lãng mạn. Giang và tôi lại cùng một cảnh ngộ chỉ khác là vợ con tôi đang lánh nạn tại Đà-Nẵng xa vùng chiến tuyến đang ác liệt, người yêu của Giang thì ở mãi tận Sàigòn.

-Và bây giờ, mình chơi bản nầy tặng cậu nhé, bản Letter à Elize (Fur Eliz) của Beethoven, chắc Giang biết bài nầy?

-Vâng, vâng, xin anh! Tôi có nghe bản nầy nhưng với đàn piano, và… tôi lại có kỷ niệm đẹp qua bài nầy.

Rõ ràng Giang đang lắng hồn trong ý nhạc của Beethoven viết khi chờ đợi Elize, cô học trò dương cầm mà ông yêu. Ngưng đàn, tôi khẽ hát: “Au dernier rayon du soleil dort…” Nhạc đã dừng nhưng Giang vẫn còn ngồi im thả hồn về đâu, mắt anh chớp chớp, tôi nghĩ là anh đang nhớ nhà, nhớ người yêu…Thật ra, lúc đó, bên ngoài xa vẫn vang vọng tiếng hỏa tiển 122 ly của Việt-Cộng đang nã vào vòng đại căn cứ Sư Đoàn 1.

Một lúc sau, Giang ngẩng lên nhìn tôi, thoáng ngượng ngùng, anh kéo chiếc ghế đang ngồi để phá tan không khí im lặng đó, chính tôi cũng tự trách mình đã để âm nhạc ru lòng người bạn trẻ mềm yếu và buồn nhớ, dù chỉ là nhất thời. Tôi lại cầm đàn và rải hợp âm Mi trưởng thật dòn khởi đầu cho bản nhạc Flamenco “Los Sitios Di Zarogoza” với thể điệu hành khúc hùng tráng, bản nhạc dài 8 phút, chấm dứt thật mạnh và dứt khoát. Giang đứng phắt dậy, hai tay ghì chặt bàn tay tôi:

-Anh Định! Phải thành thật mà nói là… tuyệt! Cảm ơn anh rất nhiều! Mong lần khác đến thăm anh và sẽ được nghe anh đàn nữa, bây giờ tôi phải đi, phải ra tận Quảng-Trị.

-Vâng, khi khác vậy. Giang đi nhé! À, có dịp gặp bác sĩ Trương Thanh Trừng, cũng TQLC, nhờ cậu nói là mình gởi lời thăm, Trừng là bạn học rất thân với mình.

*Chiến cuộc ngày càng xấu đi cho QLVNCH, thật sự, có nhiều đơn vị uất ức vì chưa được đối đầu với địch mà lệnh trên buộc rút lui để rồi hai tỉnh phía bắc đèo Hải-Vân gần như bị Việt-Cộng khống chế trong thời gian ngắn vào cuối tháng 3-1975. Đêm 25 tháng 3, đêm cuối cùng của Huế Tự-Do diễn ra ở bãi biển Thuận-An, một đêm hỗn loạn cả quân và dân, và không ngờ đêm đó Giang cũng ở Thuận-An mà tôi không được gặp.*…

Thời gian hơn 1 năm lao động khổ sai ở trại 1 Ái-Tử Quảng-Trị, tôi không biết có Giang ở trại 3. Tổng trại tù Ái-Tử có 5 trại, trại 1 giam các sĩ quan từ cấp đại-úy đến trung-tá, trại 2 cho cấp sĩ quan chuẩn-úy và thiếu-úy, trại 3 và trại 4 giam các sĩ quan cấp trung úy và trại 5 dành cho hạ-sĩ-quan, binh-sĩ, Địa-Phương quân, Nghĩa quân cùng anh em Chiêu-Hồi (quân VC về với VNCH), mỗi tiểu trại cách nhau chừng vài cây số đường đồi núi. Mỗi tiểu trại chứa trên 500 tù binh, ban giám thị mỗi trại giam gồm chừng 30-50 bộ đội, tất cả đều trực thuộc Đoàn 76. Họ cũng tổ chức ban y-tế cho tù binh thuộc từng tiểu trại, nhưng chỉ chọn các y tá sơ cấp hoặc nhân viên hành chánh quân y; còn tất cả bác sĩ và sĩ quan trợ y đều bị đưa đi lao động khổ sai.

Đặc biệt ở trại 3 có vài dược sĩ và bác sĩ được đưa vào toán Đông-Y đi rừng hái lá, đào rễ, bới củ về làm thuốc; trong số đó có dược sĩ Lê Bá Thuận và bác sĩ Vũ Đức Giang. Ban quản lý tổng trại giam Ái-Tử với cái tên Đoàn 76 và trạm xá là 2 cơ sở cạnh tiểu trại 3, chỉ các nhau 10 phút đi bộ qua mấy ngọn đồi, vùng nầy gồm toàn những đồi tranh và lau lách. Trạm xá Đoàn 76 gồm một số nhà tranh vách đất trên sườn đồi thoai thoải, phần lớn trạm xá dành cho bệnh nhân bộ đội với khoảng 20 bộ đội đảm trách và kiêm việc kiểm soát trạm xá nhỏ dành cho tù binh. Họ có một bác sĩ, vài y tá và một nửa căn nhà làm kho thuốc. Trạm xá của tù binh chỉ gồm vỏn vẹn một nhà nhỏ với 4 giường cho bệnh nhân tù binh từ các tiểu trại đưa đến, nếu là bệnh nặng, có 3 tù binh trong đó chỉ có một người là y tá sơ cấp và hai người thuộc hành chánh quân y được chọn coi sóc thuốc men và ăn ở cho bệnh nhân tù ngoài ra còn đảm trách những việc trồng trọt, chăn nuôi và sai vặc cho bộ đội nữa.

Tháng 5 năm 1976, một hôm bị bệnh, tôi được sung vào toán “lao động nhẹ”, “nhẹ” nghĩa là vượt 7 cây số đường núi đồi từ tiểu trại 1 đến trạm xá Đoàn 76 để cuốc cỏ tranh xung quanh các nhà nơi đây. Sau giờ ăn trưa, được nghỉ ngơi nửa giờ, tôi nằm dài trên đất dưới mài hiên một nhà nào đó để mong được hưởng hơi mát từ đất, dưới ngọn nắng gay gắt, chói chang và gió Nam Lào hừng hực tôi thiếp đi trong mệt mõi. Tôi được đánh thức giậy bằng mấy cái đá nhẹ vào đùi, bừng mắt thấy một cán binh bộ đội sừng sững nhìn tôi.

-Anh là Định? Theo tôi vào làm việc!

Tôi bàng hoàng chẳng biết mình có làm điều gì sai phạm để phải bị “làm việc”, mọi tù binh đều rất sợ chữ “làm việc” vì có nghĩa là bị thẩm vấn, tra hỏi về vấn đề gì không tốt cho mình. Theo người cán binh bộ đội vào nhà, không khí bên trong mát dịu làm tôi tỉnh táo, tôi thầm nghĩ:

-Mang thân phận tù là tận cùng rồi thì còn sợ cái quái gì nữa?

Một người bộ đội đứng tuổi với phong cách như là vị chỉ huy nhìn tôi không có vẻ gì ác cảm, giọng nhẹ nhàng làm tôi khá bở ngỡ, ông ta hỏi tôi:

-Anh là bác sĩ bên đối tượng? Anh phẫu được?

Bộ đội Cộng sản dùng từ “đối tượng” để chỉ tù binh và từ “phẫu” nghĩa là giải phẫu.Tôi gật đầu:

-Thưa, tôi là bác sĩ giải phẫu.

-Có một anh bị tai nạn lao động, cần anh vào xem.

Thế là với bộ áo quần tù lem luốc, tôi được hướng dẫn đi rửa tay. Một y tá bộ đội giọng ra lệnh:

-Rửa tay thật kỹ vào! Không có bao tay (gloves) đâu.

Tôi đang rửa tay, anh y tá bộ đội quấn lên đầu tôi một mảnh vải thay thế mủ trùm đầu, rồi dùng một chiếc khăn vuông gấp chéo, quàng quanh mặt tôi, gọi là mask. Lúc đó trông tôi chắc là giống mấy tay cowboys trong phim Western. Một gian nhà tranh vách đất nhỏ được gọi là phòng mổ với bên trong được bọc kín bằng một loại vải mùng, nền là những tấm ghi sắt sân bay ghép lại. Tôi đã giải quyết cho một anh tù binh trẻ thuộc tiểu trại 2, tên Huấn, cấp bực chuẩn úy bị tai nạn lao động do cuốc phải đầu đạn M72. Bác sĩ bộ đội và toán giải phẫu của ông ta định cắt bỏ cánh tay trái của Huấn sau hơn 3 giờ không tìm được mạch máu bị cắt cũng như mảnh đạn.

Để chứng tỏ có nhân chứng xác nhận là họ đã tận tình cứu chữa nhưng không cách gì khác hơn là phải hy sinh cánh tay người tù trẻ, họ hỏi ý kiến anh Quý, một tù binh phục vụ trạm xá, anh ta bối rối không dám quả quyết một vấn đề quan trọng như vậy và anh đã đề nghị họ gọi tôi. 20 phút sau khi giải quyết xong trường hợp của Huấn, tôi còn phải mổ thêm cho một anh tù binh khác cùng bị tai nạn do quả M72 nổ, anh nầy bị mảnh đạn xuyên má bên trái, cắt ngang hai cái răng, mọi việc tốt đẹp, từ đó họ giữ tôi ở lại trạm xá, đây là điểm y tế gọi là cao nhất và là cuối cùng cho anh em bệnh nhân tù. Càng ngày, vùng khai hoang càng nới rộng, số anh em tù bị đẩy đi lao động khổ sai càng gặp nhiều tai nạn; phần lớn là do bom, mìn, đạn dược vung vãi khắp những nơi mà trước đây là vùng giao tranh ác liệt.

Với một số ít dụng cụ y khoa sản xuất tại Trung Quốc, điều kiện thuốc men hạn chế, phòng ốc thiếu vệ sinh…, tôi phải giải quyết mọi trường hợp mổ lớn y như là một bệnh viện. Trên nguyên tắc, trạm xá tù chỉ điều trị cho tù binh mà thôi, nhưng khi dân chúng quanh vùng gặp những trường hợp cấp cứu, phía bộ đội lại giao cho chúng tôi giải quyết, có người đã được chúng tôi mổ nối ruột non và tạo hậu môn nhân tạo - artificial anus. Ngay cả phía bệnh nhân bộ đội, có nhiều người đã yêu cầu tù binh chúng tôi giải phẫu cho họ, để giữ an toàn, chúng tôi đã tế nhị đòi hỏi họ viết tờ cam đoan với sự xác nhận từ bác sĩ bộ đội của họ là sẽ không làm khó dễ toán y tế tù nếu xẫy ra những điều bất như ý hoặc tai nạn khó lường trong giải phẫu. Tôi còn yêu cầu họ đóng một bàn mổ theo bản vẽ thiết kế của tôi, còn về thuốc men cho tù binh ở trạm xá cũng như các tiểu trại, tôi cũng xin được bổ túc thêm, nhất là dành cho cấp cứu tại chỗ.

Vì nhu cầu y tế ngày càng tăng, tôi đã đề nghị bác sĩ bộ đội cho chúng tôi thêm nhân sự, được chấp thuận, tôi viết danh sách gồm nhiều bác sĩ và sĩ quan trợ y ở khắp các tiểu trại, và họ đã chọn những người từ tiểu trại 4 trong đó có BS Trương Ngọc Hiền, thuộc TQLC và BS Nguyễn Văn Thông, Bộ Binh, cùng với 3 sĩ quan trợ y là các anh Lê Như Thành, Nguyễn Văn Tường, Lê Văn Đàn; những sĩ quan trợ y nầy trước đây là những trung đội trưởng trong đại đội quân y do tôi làm đại đội trưởng. Ban giám thị trạm xá còn dựng một phòng bệnh khá vững chắc có sức chứa 40 bệnh nhân tù và có cả phòng ăn kế bên, số anh em tù từ các tiểu trại bị bệnh khá nặng đều được chuyển đến trạm xá chúng tôi. Một ngày trời mưa tầm tả và bắt đầu se lạnh của tháng 10 năm 1976, tôi đang viết danh sách số thuốc yêu cầu cho bệnh nhân tù thì liếp cửa bật mở, BS Giang bước vào, người anh ướt đẫm từ đầu đến chân, anh vừa cười vừa rũ nước trên chiếc nón vải nặng trĩu.

-Hay quá! Có anh ở đây!

Tôi rất mừng gặp bạn, nhưng sợ phạm phải tội liên lạc với người khác trại nên tôi vội bước ra ngoài nhìn qua lại xem có giám thị trạm xá thấy Giang vào đây không, không có ai qua lại, tôi yên chí cầm túi vải ướt đẫm nước của Giang vào nhà. Trong tất cả các trại giam thuộc Đoàn 76, trạm xá nầy là nơi độc nhất không có hàng rào kẽm gai vây quanh, nhưng chẳng tù binh nào dám trốn trại, vì khắp vùng đều nhan nhản bộ đội và dân quân tuần tra nghiêm nhặt. Đưa khăn cho Giang lau mặt, tôi ái ngại nhìn bạn:

-Cậu đi đâu về mà ướt đẫm thế nầy?

-Em đi rừng đào củ Hà Thủ Ô, còn rộng thì giờ, em vào đây nghe anh đàn.

Tôi kéo bếp than nóng để cạnh bạn và đưa trà nóng cho Giang, Tôi luôn có trà nóng nhờ bếp than dùng nấu syringues và kim chích. Sau khi hít một hơi thuốc Lào dài, tôi cầm cây đàn guitare. Tù binh chúng tôi chống lại với cái lạnh buốt tới xương của vùng rừng núi ẩm thấp của phía tây Quảng-Trị nầy bằng cách hút thuốc lào một loại thuốc rẻ tiền nhất. Sau 30 tháng 4 1975, trong giấy trình diện mà họ gọi là “đi học tập cải tạo” có phần bị chú ghi “trại viên nên mang theo dụng cụ thể thao, âm nhạc…”, điều đó làm cho mọi người nghĩ rằng thời gian “học tập” chắc sẽ chỉ vài ngày hoặc vài tuần. Sự thật thì không phải học tập mà là đi tù và đơn vị thời gian không phải là ngày, tuần, tháng mà là năm hay chục năm. Biết bạn thích những bản nhạc nào, tôi đàn ngay, Giang ngồi sưởi ấm vừa nhấm nháp trà vừa nghe nhạc, sau khi chấm dứt bản nhạc Panpancuillo của Francisco Tarréga, Giang ung dung đặt chén trà xuống bàn:

-Bản nầy nghe âm hưởng như nhạc Nhật Bản, phải không anh Định?

-Đúng vậy! Giang còn nhớ bản nhạc Tranonto không?

-Tiết tấu của bản đó hay thật, nhưng nghe buồn đến héo hắt, y như cái buồn của kẻ lưu đầy, của người mất nước.

Nghe lời bình phẩm của Giang qua giọng Bắc nhẹ nhàng đầy truyền cảm của anh, lòng tôi se thắt chợt nghĩ đến thân phận tù đày hiện tại của mình cũng như các chiến hữu thuộc mọi binh chủng VNCH và kể cả toàn dân miền Nam đang sống trong một nhà tù rộng lớn. Tình cảm giữa Giang và tôi ngày thêm mật thiết, chúng tôi trở thành đôi tri kỷ; từ đó, mỗi lần soạn thêm bản nhạc nào hoặc có bài ca nào mới sáng tác, tôi lại nhờ mấy bạn tù thân thiết nhắn Giang sang thưởng thức. Có lần, sau khi đã cẩn thận xem xung quanh không có ai, tôi khẽ hát cho Giang nghe đoạn nhạc mở đầu bài ca đang sáng tác:

“Huế ơi! Huế ơi! Em đã tắt nụ cười, Dưới cờ đỏ máu tươi, Xơ xác thân hao gầy, đói cơm xót xa từng ngày..”

Giang gật gù thích chí, rồi trang nghiêm xuống giọng:

-Nầy anh Định! Anh đừng viết lời ca nầy ra trên giấy nhé!

Tôi thầm cảm ơn Giang đã lo lắng cho tôi, chúng tôi ngầm hiểu rằng nếu giám thị trại giam đọc được lời bài nhạc nầy, họ sẽ xử tôi với nhiều tội danh, thế là tôi đã viết nhạc ra giấy còn lời thì ghi khắc trong trí. Một đôi lần Giang rủ Dược sĩ Lê Bá Thuận cùng sang thăm tôi, tôi cố tránh không đàn những bản nhạc quá buồn gợi Giang buồn nhớ người thân. Trong hoàn cảnh tù đầy buồn tủi, uất hận, vợ con tôi thường xuyên bới xách thức ăn, thuốc men, nhất là với tình yêu chồng, thương cha của vợ con tôi đã là một hỗ trợ lớn lao cho tinh thần tôi được thoa dịu, người thêm sức sống, lại thêm người bạn tri kỷ về âm nhạc, thật là một an ủi lớn cho tôi.

Thế rồi, năm 76 qua đi từ hồi nào, xuân 77 đến, anh em tù binh náo nức về cái Tết Đinh Tỵ sắp đến, mọi tù binh bàn tán xôn xao vì cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, lại có một số người được phóng thích trước Tết. Anh em tù binh truyền miệng, thông báo cho nhau biết họ tên của những người khắp các tiểu trại giam được về với gia đình, trạm xá có BS Hiền và BS Thông cùng được nhận giấy tha, trại 1 cũng có hai bác sĩ được ra khỏi trại đó là BS Bùi Hữu Út, thiếu tá và BS Vĩnh Tráng, đại úy. Ban giám thị mỗi tiểu trại rất rõ về sự xôn xao trong số tù binh còn lại, họ sợ bất cứ những bàn tán, bình luận, truyền miệng nhau trong đám tù binh, từ đó có thể dẫn tới những bất mãn rồi đi đến chống đối, mà họ gọi là “phản động”. Cá nhân uất ức có thể tự giãi quyết cho mình bằng cách trốn tù hoặc tự sát. Những sự việc như vậy sẽ gây tiếng vang khắp các tiểu trại và lan ra đến dân chúng, bất lợi cho họ; điển hình là trường hợp anh Q., một thiếu úy trẻ đã lớn tiếng chưởi bới, đả đảo Cộng Sản.

Họ đã dàn cảnh để anh Q. đi đốn củi trong rừng sâu rồi bắn chết anh rồi phao tin là Q. trốn trại và bị dân quân địa phương bắn chết. Mấy ngày sau, dân chúng đi rừng phát giác xác chết của anh Q. với áo quần tù binh, họ mang về trao cho trại, thú rừng đã xâu xé gần hết cơ thể của người tù binh xấu số. Họ muốn dằn mặt, đe dọa tù binh bằng phương cách dã man đó, mặt khác, họ lại xoa dịu tù nhân bằng cách tổ chức những buổi sinh hoạt vui chơi, ca hát, ăn uống… hoặc bày ra những lớp học chính trị, buộc tù binh phải phát biểu, phê bình kiểm điểm bản thân và chiến hữu. Về sau, dược sĩ Lê Bá Thuận kể lại chi tiết về những ngày gần cuối đời của BS Giang sau đợt phóng thích tù binh nhân dịp Tết. Giang còn ở lại trong tù anh chán chường thất vọng đến rũ rượi.

Chiều 30 Tết, trong đội của Giang, mọi người đang ngồi gom lại trong một căn để sinh hoạt gần cuối lán, BS Giang cáo bệnh không ăn, anh nằm trùm chăn im lặng. Bạn bè vẫn nghĩ rằng Giang bệnh, để yên cho anh ngủ, khoảng một giờ sau, mọi người nghe Giang vùng mạnh trong chăn rồi ự, ự lên mấy tiếng. Dược sĩ Thuận, người vẫn nằm cạnh Giang chợt nghĩ có điều gì bất ổn cho Giang, anh vụt đứng dậy, chạy lại giật tấm chăn trên người bạn, mọi người cùng xúm lại, toàn thân Giang run lên, tay chân co quắp rồi từ từ duỗi ra bất động. Thuận lay mạnh vai bạn:

-Giang! Giang! Cậu làm sao vậy?

Im lặng hoàn toàn, Thuận hốt hoảng:

- Ái! Ái ơi! Cậu xem Giang sao vậy nầy!

Nguyễn Đình Ái, Y sĩ trung úy trưng tập, cùng đơn vị với tôi. Ái giật chiếc ống nghe trên đầu nằm của Thắng, y tá trại 3, vừa nghe tim vừa tìm mạch trên cườm tay Giang. Không còn nhịp tim mạch.Thường ngày Ái rất nhỏ nhẹ, ăn nói từ tốn, lúc đó anh thét lớn:

-Adrénaline ngay!

Trong khi chờ đợi y tá sửa soạn thuốc, BS Ái bảo DS Thuận xoa bóp lồng ngực Giang còn mình thì dùng phương pháp bouche à bouche (mouth by mouth) mong cứu sống bạn. BS Ái chích Adrénaline trực tiếp vào cơ tim Giang và cùng DS Thuận tiếp tục làm cấp cứu hồi sinh, dù biết rằng nếu cứu được chỉ sẽ xẩy ra trong vài phút, nhưng BS Ái và DS Thuận vẫn cố cứu bạn suốt cả giờ. Vô vọng, hai người quỳ gối bên xác bạn, BS Ái gục đầu giữa đôi vai, tay buông xuôi, rã rời, DS Thuận thì khóc như chưa bao giờ được khóc, bạn tù trong đội sững sờ, đứng im như những pho tượng. Một cảnh tang tóc thảm sầu. Gần 6 giờ chiều, trời đã nhá nhem tối, bên phía trạm xá Đoàn 76, cách trại 3 chỉ một ngọn đồi, tôi chẳng biết chuyện gì cho tới khi BS Phan Xuân Tín, trưởng trạm xá bộ đội hấp tấp tìm tôi.;-Định, theo tao qua trại 3 có việc gấp! Mang theo túi cấp tứu!

Trên đường đi, người bác sĩ bộ đội vắn tắt với tôi về sự việc một trại viên vừa chết, dường như là tự tử, vừa thấy tôi, DS Thuận nước mắt ràn rụa, chụp lấy tay tôi, giọng lắp bắp:

-Anh Định! Giang đó…Vũ Đức Giang…chết rồi!

Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi bổng thấy đầu óc thoạt trống rỗng, sửng sốt, rồi bao nhiêu hình ảnh Giang dồn dập chen chồng ập tới. Tôi theo chân DS Thuận đi về phía Giang, đứng yên nhìn người bạn trẻ im lìm trong chăn phủ kín. Cả lán im lặng một thứ tịch mịch đến rùng rợn, tôi cố trấn tỉnh đảo mắt xung quanh tìm BS Ái, rồi đến bên anh dọ hỏi, Ái lắc đầu thiểu não. Ông Tín dục:

-Anh Định! Cố thử xem có làm được gì hơn không!

Tôi tin tài của BS Ái, biết chẳng còn gì cứu vãn được nữa, nhưng vẫn đến ngồi bên Giang, lật chăn để nhìn bạn lần cuối. Tôi quan sát thấy đồng tử của người bạn xấu số đã hoàn toàn nở rộng. Thật hết rồi!Tôi ghé sát miệng Giang và ngửi mùi hăng hắc đặc biệt ở những người tự tử bằng Chloroquine. Chống tay đứng dậy, tôi cảm thấy mình yếu xuội hẵn đi. Tôi hỏi anh y tá của trại 3, anh nói nhỏ bên tai tôi:

- Mất đến mấy chục viên CP (Chloroquine-Primaquine).

Sau đó anh em trong lán mỗi người một tay lo phần cuối cùng cho người bạn tù, tôi đến xin BS Tín để được ở lại với Giang một lúc, ông ta gật đầu rồi bỏ ra ngoài. Nhà kế bên là nơi dành cho toán thợ rèn, vào dịp Tết nên lúc đó không ai làm việc, chúng tôi vào chung sức dọn dẹp đồ đạc để có một khoảng trống cho chiếc quan tài vừa đóng vội. Các bạn tù thân nhất của Giang và tôi mang xác anh ấy sang để cạnh quan tài, hầu hết anh em trong lán đều còn trẻ, chưa biết thủ tục liệm xác. Tôi nhờ một số anh nấu một nồi nước ấm rồi tắm rửa cho Giang, đang lau khô thân thể bạn, anh đội trưởng của lán mang lại đưa cho tôi một bộ quần áo tù mới tinh, anh nói:

-Ban giám thị vừa đem xuống cho anh Giang.

Tôi tần ngần, một ý nghĩ thoáng vụt qua, tôi đứng dậy kéo DS Thuận ra xa mọi người:

-Cậu tìm trong hành lý của Giang có bộ đồ trận nào không, mình nhớ có lần Giang qua mình chơi với bộ đồ trận.

Thuận vội vả đi và trở lại trao cho tôi một bộ áo quần bộ binh VNCH của Giang với cả đôi vớ lính, Thuận hiểu ý tôi là không muốn Giang đã chết mà còn mang bất cứ cái gì thuộc về nhà tù theo với anh. Vừa mặc cho Giang, tôi thầm nghĩ như đang nói với bạn: “Nếu có bộ đồ TQLC mặc cho cậu thì hay hơn, thôi đành vậy nhá! Còn lá cờ vàng ba sọc đỏ thì…bây giờ thật khó quá… Dù thế nào, cậu vẫn mãi mãi trong lòng các bạn và chiến hữu” Thật may mắn cho tôi, vừa đặt Giang vào quan tài thì BS Tín trở lại gọi tôi về lại trạm xá. Tôi còn dặn DS Thuận cố gắng có một bát cơm với một đôi đũa cắm lên cơm để cúng Giang, không có nhang và đèn cầy, nhưng bạn hữu trong lán mang đèn dầu tự tạo thắp xung quanh quan tài Giang sáng rực.

Đứng trước quan tài chưa đậy nắp, nhìn người bạn trẻ tri kỷ vừa là đồng nghiệp lần cuối cùng, tôi chắp tay ngang ngực rồi vái Giang hai cái, nhưng trong trí tôi vẫn nghĩ mình đang chào theo quân kỷ đối với một chiến hữu vừa nằm xuống. Ra đến bên ngoài tôi ngõ ý với BS Tín nói với ban giám thị cho anh em trong đội thay phiên nhau ngồi với Giang suốt đêm. Ông Tín có vẻ xúc động và hứa sẽ nói lại với ban giám thị trại 3 và ông đã giữ lời. Về sau, trong một nhà vệ sinh, tôi tình cờ đọc được tờ viết nháp “Bản Kiểm Điểm” của BS Tín gởi chính trị viên Đoàn 76, tên Hỷ, là bạn học cũ của ông Tín. Trong bản “Tự Kiểm” ông Tín nhận khuyết điểm vì đã cho tôi ở lại trại 3 khá lâu, đủ thì giờ để sắp xếp một buổi tẩm liệm mà họ gọi là trọng thể và vô tình tạo một sự tổ chức có quy củ trong hàng ngủ “Quân Đội Sài-Gòn” ngay trong trại tù, đó là điều họ rất lo sợ. Tờ mờ sáng mồng một Tết Đinh Tỵ, giờ đưa đám BS Vũ Đức Giang. Ban quản lý trại giam chọn một số ít tù binh không cùng một đội với Giang gánh quan tài anh ra khỏi trại. Nghĩa địa là một đồi cao với lau lách và cỏ tranh vây quanh; ở đó đã có sẵn hai nấm mồ, một là của trung úy V. thuộc trại 3, anh nầy đã bị giám thị tù đánh chết và phao tin là V. thắt cổ tự tử trong hầm biệt giam; mộ thứ nhì là của đại úy Đ.R. thuộc trại 1, chết vì một tai nạn do chính anh gây nên. Trong 3 ngôi mộ, chỉ có ngôi của Giang được bạn tù trong toán thợ rèn làm một bia mộ bằng một tấm kẽm đục thủng lỗ thành hàng chữ với họ, tên cũng như ngày tạ thế của BS Giang.

Mấy tháng sau, một buổi chiều đầu Thu, ban quản lý trạm xá gọi tôi hướng dẫn thân nhân của BS Giang từ Sàigòn ra thăm mộ. Họ căn dặn tôi không được tiết lộ mọi tin tức về cái chết của Giang. Một người bộ đội quản lý cầm súng đi kèm tôi. Sau khi chỉ ngôi mộ của Giang, người bộ đội ra dấu bảo tôi đứng xa hai người phụ nữ, tôi tần ngần một lúc rồi đến chào mẹ và người yêu của Giang xong bước về hướng trạm xá, đứng ẩn trong đám cỏ tranh cao quá đầu người. Cả hai người phụ nữ đều gầy, mẹ của Giang tóc đã xám bạc cả đầu với chiếc khăn nhung đen vấn theo lối đặc biệt của đàn bà miền Bắc, đôi vai khẳng khiu trong bộ áo quần màu trắng ngà lấm tấm bụi đất đỏ; đôi mắt đờ đẫn mờ đục trong khuôn mặt khắc khổ hằn rõ nét đớn đau vô bờ bến của người mẹ mất đứa con trai tài danh và hiền lành.

Cô gái hãy còn trẻ lắm, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt nhạt nhòa trên má, chảy dài xuống cằm rồi lã chã xuống chiếc áo dài trắng, đôi cánh tay nhỏ quàng qua quai chiếc nón lá Huế, hai bàn tay siết vào nhau cố ghì lại những cơn nấc rung cả người. Nắng chiều gần tắt, từng đám hoa tranh trắng nuốc hiện rõ trên nền trời pha sắc tím hồng phất phơ trong gió, khói nhang lam nhạt là đà bay vờn quanh hai người phụ nữ bên nấm mồ bác sĩ Giang uất nghẹn dâng tràn. Đôi bàn tay gầy gò của mẹ Giang lần mò trên đất sỏi đỏ như đang vuốt ve thân thể của đứa con trai yêu dấu. Vị hôn thê của Giang tì cằm trên hai gối bó chặt trong vòng tay, nhìn chòng chọc nấm mồ với gió chiều vun vút qua hàng chữ đục thủng trên tấm bia bằng nhôm. Trời đã ngã sang màu xám, bó nhang trên mộ đã tắt ngấm từ lâu, hai người phụ nữ rã rời chống tay đứng dậy, họ trầm ngâm một lúc trước mộ của Giang rồi chậm rãi quay lưng, ra đến khoảng đường đất đỏ, hai người còn mấy lần quay lại nhìn lại chốn đau thương vô cùng ấy. Người bộ đội dẫn đường cho hai người ra lối cũ về trục lộ chính, tôi còn đứng lại bồi hồi nhìn quang cảnh đồi tranh với ba nấm mồ, riêng trên mộ của Giang, cô gái còn để lại chiếc nón lá nằm nghiêng với chiếc khăn tay trắng đẫm nước mắt cột chéo vào giãi nón màu xanh lơ.

-Sao trên đời nầy còn có cảnh bi thương đến như thế?!

Đó là chứng tích buồn đã gây xúc động trong lòng mọi người qua lại chốn nầy, riêng tôi, cảnh chiếc nón lá của vị hôn thê đặt trên mộ người yêu còn gây ấn tượng mạnh hơn cả cảnh bi hùng với chiếc súng gắn lưỡi lê cắm lên vùng gió cát, treo đong đưa chiếc nón sắt đã hoen rĩ từ lâu theo cát bụi và thời gian của người lính đã giã từ vũ khí.

Hoàng Thế Định

 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading