Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Bà Quẹo, Trại Hoàng Hoa Thám.
Ngày này 30 Tết của một nửa thế kỷ đã qua, đúng 50 năm trước, 1965, tôi đang là sĩ quan trực Yếu Khu Tân Sơn Nhất Bà Quẹo. Đám Quân Cảnh, Cảnh Sát dẫn về một lô trốn quân dịch, cả mười mấy hai chục người nhốt vô khám chờ giải lên Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn. Chỉ một lát sau, thân nhân, bà con, cha mẹ, anh chị em của đám trốn quân dịch này, đã đến đông nghẹt, xin thả cho con cháu họ về nhà ăn Tết, họ xin hứa sau tết, sẽ bắt ngưòi nhà đi trình diện đăng lính. Tôi không mấy tin tưởng lời hứa, nhưng tôi thấy những người này khổ sở nheo nhếch tội nghiệp. Tôi bàn với Dzương, sĩ quan an ninh, tôi nói năm hết tết đến, đại xá cho họ, qua Tết thằng nào không trình diện bắt lại mấy hồi. Cái bọn trốn quanh trốn quẩn ở đây, bắt lúc nào chả được.
Dzương đồng ý, tôi cho mở khám thả hết, nhưng trước đó tôi cũng đe loi bọn họ, là biết bao anh em đồng trang lứa đã đi lính, đang sống nơi tiền đồn, xa nhà xa cửa, giữ gìn an ninh, ngăn ngưà quân Cộng Sản cho mìmh ăn tết. Tay nào sau tết mà trốn trình diện, yếu khu bắt được là sẽ không cho đăng lính, mà bắt đi lao công đào binh, chết ráng chịu. Mấy mgười cha mẹ thì tỏ lòng biết ơn, cúi đầu cảm tạ, còn mấy tay cốt đột được thả ra thì cười nói, chửi thề nhoi trời đất:” Đ.M. thằng cha thiếu uý này ngoong, chịu chơi quá ta. Đã không bắt lính, còn cho dzià ăn tết!, quá đả, quá xá đả”.
Tôi cũng nhớ cách đó mấy ngày, tôi và đám Quân Cảnh, Cảnh Sát và tiểu đội tuần tiễu đi xét nhà, trúng nhằm ngay nhà đại úy nhảy dù Trần Kim Thạch (TKT), ông không mở cưả, mà còn chửi thề vang trời đất, đòi lấy súng Thompson ra phang cho chúng tôi một tràng. Tôi nói đại úy phải mở cưả, có cảnh sát quân cảnh, đại diện của chính quyền, không nên dỡn mặt. Ông Thạch mở cửa cho coi sổ gia đình xong hăm he tôi đủ chuyện. Mới sáng tinh mơ ngày hôm sau, tôi đã thấy đại úy TKT, ngồi uống cà phê bên cái quán cóc. Thấy mặt tôi là ông lại chửi liền, lần tới mày còn xét sổ gia đình tao là tao bắn.
Tôi nói, đại úy bị thương, nghỉ 29 ngày tái khám, súng đâu mà bắn, dỡn chơi hoài. Ông Thạch kêu tôi ngồi uống cà phê, nhưng vẫn chửi, đó là cái tật của ông ta. Tôi không biết là ông có dám chửi thượng cấp không, nhưng tôi nghĩ là không, vì chửi thượng cấp thì sức mấy có lon đại úy mà mang, ông Thạch cũng có cái hay, là hay chửi mà đàn em lại không ghét, vì ông muốn chửi thằng nào thì ông lại chửi ông trước, thành ra tiếng chửi của ông chỉ là tiếng chào mà thôi. Một lần sau đó tôi lại gặp ông Thạch tại Tổng Cục Quân Huấn, ông mang lon Trung Tá, gặp tôi là ông chửi thề thân thiện ngay, xong hỏi liền, mày làm gì ở đây? Tôi làm thủ tục đi Mỹ, còn Trung Tá, tao đang làm tiẻu đoàn trưởng thì thượng cấp kêu về cho đi Okinawa ba tuần lễ.
Tôi làm sĩ quan hành quân của Chi Khu Vòng Đai (outer belt sub sector) khá lâu, cấp nhỏ nhưng may mắn được tiếp xúc với những cấp to của nhảy dù, vì tôi thường mang lệnh đóng quân của Biệt Khu Thủ Đô cho những đơn vị dù về dưỡng quân ở đây. Những tiểu đoàn này không được dưỡng quân tại trại Hoàng Hoa Thám, mà phải phân tán thành những đại đội, đóng ngoài Bà Quẹo, Bà Hom, hay Bình Chánh để vừa dưỡng quân, vừa bảo vệ an ninh vòng ngoài cho phi trường Tân Sơn Nhất chống pháo kích.
Đích Thân Lê Hồng:
Vì thích ngưòi lính dù, tôi luôn có may mắn làm bạn với nhảy dù, anh Lê Hồng và tôi quen nhau khi cùng sinh hoạt Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại với đô đốc Hoàng Cơ Minh (ĐĐMinh), lúc đầu đứng ra sinh hoạt gom góp anh em thì có ĐĐMinh và tôi, thành ra ở Miền Đông này, một là ông Minh, thứ hai là tôi, nhưng khi anh Lê Hồng nhập cuộc, thì anh vừa là người lính dù, vừa là người có nhân cách, và kiến thức, anh đã nhanh chóng thế tôi, thành ra trong tổ chức LLQNVNHN, thứ nhất vẫn là ông Minh, thứ hai Lê Hồng, thứ ba chưa có ai, thứ tư cũng chưa có ai, và tôi tuột xuống hàng thứ năm.
Tôi và ông Minh phải đi làm, chia lương cho anh Hồng, tóm lại anh Hồng đi làm kiếm tiền để sống thì ít, nhưng đi làm việc cho tổ chức thì nhiều. Đặc biêt anh Hồng rất được anh em quý mến và kính trọng. Có một buổi họp, anh Lê Mạnh Đường đã bất bình và vô lễ với ĐĐMinh, thế mà Lê Hồng nghiêm mặt bắt Lê Mạnh Đường trình diện và xin lỗi ông Minh tại chỗ.
Tôi còn nghe rõ tiếng nói của Đường xin lỗi ĐĐMinh, và thưa với đích thân Lê Hồng, Lê Mạnh Đường không có ý làm xấu nhảy dù, nói xong lặng lẽ ngồi xuống cho buổi họp tiếp tục. Tôi thân với anh Vân, người cận kề với anh Hồng, tôi tưởng Vân là trung úy, Vân nói không phải trung úy, mà là trung sĩ truyên tin của Lê Hồng, Vân thấy nhiều tay qua đây xưng hùng xưng bá, có tay vốn là “y tá trung sĩ”, qua đây đổi lại xưng là “y sĩ Trung Tá”, Vân nói, tôi ngu gì xưng mình là trung sĩ cho chúng coi thường, tôi về xin Lê Hồng cho tôi trung úy.
Nhờ thân với Vân tôi mới biết tài chỉ huy, lòng dũng cảm của Lê Hồng, anh đã bị thương trong trận Bình Long, và tại Long Khánh những ngày cuối cùng, nhảy dù của Lê Hồng đã giữ vững phòng tuyến, chặn đứng sự lui binh của DPQ Long Khánh sư đoàn 18. Theo Vân kể thì bộ binh và ĐPQ đã triệt khỏi rừng cao su, lui vế phiá sau trận tuyến, vì áp lực địch quá mạnh. Nhưng Lê Hồng đã nhảy ra, nói lớn, nhảy dù còn đây, các anh chạy đi đâu? Trở lại bố trí, chiến đấu.
Anh Hồng ít nói chuyện chiến tranh, nhưng anh đề cập nhiều về con người, và người anh nể phục nhất mà anh thường nói với tôi là bác sĩ Phạm Gia Cổn. Anh Hồng đã nói với tôi một câu, là những tay chịu chơi mà ngon lành như anh Phán mà cũng còn phải nể Cổn, tôi biết anh Phán TQLC, anh Hồng nhảy dù, Trung tá Hồng đằm thắm, còn Trung tá Phán thì sôi nổi, một tay chơi, một tay đánh giặc, mà lại là con rể của tỉ phú Nguyễn Đình Quát mà cũng nể nang một y sĩ nhảy dù. Tôi bỗng đâm thắc mắc, thày thuốc thì đánh đấm ai mà được trọng nể. Tôi hỏi anh Hồng, ông Cổn ở đâu? Có qua Mỹ được không?
-Có chứ, Cổn đang ở Cali và đã đi học lại bác sĩ y khoa bên Mỹ.
Phạm Gia Cổn - người y sỹ nhảy dù, người sáng lập môn “Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Người bạn của sức khoẻ.
Từ đó, tôi nghe đến tên anh Cổn nhiều hơn, nhưng cũng chưa có duyên để gặp. Có một lần, khi tôi qua Cali, anh Liêm Không Quân dắt tôi đến quán cà phê Factory giới thiệu, Quán cà phê Factory đã được nhà văn Huy Phương đặt là “Phòng mạch cà phê trị liệu của bác sĩ Phạm Gia Cổn”. Tôi nói với anh Cổn, tôi là bạn với anh Lê Hồng ở D.C. nghe anh Hồng nói nhiều về anh, nhưng sau bao năm, hôm nay mới biết mặt. Cổn vui vẻ, thân thiện ngồi uống cà phê nói chuyện, tôi thấy anh rất quảng giao, ngồi một tí, mà ông đi qua, bà đi lại, ai cũng biết anh, cũng chào hỏi thân tình.
Tôi không tiện bắt chuyện nhiều với anh trong không khí ồn ào, phân tâm và tấp nập này. Đành để một dịp khác. Nhưng rồi, những người có duyên hội ngộ, ông trời cũng tạo cho nhau cơ hội. Một lần qua Cali, tôi đi chơi với Lương, Trần Gia Lưong người bạn Trung Học năm xưa, cùng là bạn, nhưng số Lương đẻ bọc điều, còn tôi thì đẻ bọc than, Lương lớn lên đi du học, còn tôi lớn lên thì đi lính, nhưng tìnhh bạn chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm.
Một hôm tôi hỏi Lương, ở Cali có tay Cổn y sĩ nhảy dù bạn có quen không?
- ----Thân lắm, Lương nói.
-Giới thiệu cho tôi đi, lúc trước có gặp anh ta trong quán cà phê, nhưng chỉ là sơ giao. Tôi thân với Lê Hồng, mà anh Hồng khen tay này khỏi chê, tôi thắc mắc, muốn tìm hiểu chơi con người anh ta thôi. Theo tôi biết thì Cổn đã học lại bác sĩ bên Mỹ, đúng không Lương?
- Hơn thế nhiều Cường ơi, Cổn còn làm giáo sư đại học UCLA với hai lần được tuyên dương “Teacher of the year” của năm 1986 và năm 1991. Tay này còn ngon nữa là đã được tuyên dương là “America ‘s Top Physicians” của năm 2009.
Tôi nói:
-Người Việt Nam, tiếng anh, tiếng u lôi thôi lắm, bạn Cổn của Lương thế này thì siêu rồi, nhưng tôi muốn gặp anh ta nói chuyện nhảy dù về Lê Hồng chơi thôi.
-Cũng dễ, chiều nay tôi có họp bạn Trần Lục chơi với nhau tại nhà, có mời anh Cổn, thế nào mà bạn sẽ chả gặp. Nhưng để mình nói cái hay tuyệt của Cổn mà Cường chưa biết, vì là bác sĩ, và cũng là võ sĩ anh Cổn đã nghiên cứu sự liên quan giữa y khoa, âm nhạc, và võ thuật ứng dụng vào cơ thể con nggười như thế nào, và và sáng lập ra một môn thể dục, gọi là Thể dục Khi Công Hoàng Hạc là môn tập phối hợp giữa vận động thư giãn nhẹ (easy stretching).
Với kinh nghiệm trên 50 năm võ công , kiến thức về cơ thể học (anatomy), sinh lý học (Physiology), v..v.. trong y khoa , và âm nhạc, Cổn đã khéo léo gom tất cả những môn này thành một môn tập rất hữu dụng cho mọi lứa tuổi, mọi thể trạng. Đặc biệt nhất là môn tập này dễ tập, tập ở đâu cũng được, trong nhà, ngoài công viên, chỗ chờ đợi ngoài phi trường v.v. chỉ cần một khoảng đất nhỏ đủ dang hai cánh tay là có đủ chỗ tập rồi.
Cổn theo đúng kiểu Mỹ, là giản dị, không rườm rà, Môn tập chỉ có 4 động tác chính của thể dục Hoàng Hạc là Bấm, Vòng, Vươn, Buông. Với định nghĩa, với giải thích rõ ràng rất khoa học, nhiều khi Cổn dùng cả nhhững định luật vật lý học để dẫn giải. Bạn có thể nhanh chóng tập hữu hiệu cho cơ thể thêm sức khoẻ, gồm cả tinh thần lẫn thể chất.
- Lương ơi, tôi chỉ muốn hỏi chơi về anh Cổn, nay vỡ lẽ ra tay này nhiều tài quá, tôi nghĩ ngay cả anh Hồng, lúc sinh thời cũng không biết Cổn đầy đủ bằng Lương.
Trần Gia Lương vốn đẻ bọc điều, lại còn có số may, thật trời cho, những tay mà tính tình vui vẻ, mặt mày hớn hở, thì thế nào cũng sống sung sướng, như Lương chẳng hạn. Đời sống khá giả, nhà cửa thật đẹp nẳm trong khu sang trọng, với cái hồ bơi mặt nước xanh lơ, trang trí với tượng đá, đẹp như hồ tắm thời La Mã. Tại đây, Tôi đã gập lại anh Cổn, qua sự giới thiệu của Lương, chúng tôi đã thấy gần nhau, và chuyện nở như bắp rang. Mới gặp lại, nhưng tôi có cảm tưởng đã thân, vì những chuyện của Cổn thì Lương đã bật mí cho tôi biết khá nhiều. Tôi hỏi lại anh Cổn câu hỏi mà trước đây tại tiệm Cà Phê Factory, đã chưa có dịp hỏi. Là tình cảm giữa anh với Lê Hồng có gì đặc sắc. mà anh Hồng đặc biệt quý anh như vậy?. Cổn đáp:
-Có gì đâu khi anh Hồng làm tiểu đoàn trưởng nhảy dù, thì tôi là y sỹ tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng tới đâu. Tôi tới đó. Lê Hồng có ý không bằng lòng, vì quá nguy hiểm cho tôi. Có một lần Lê Hồng đích thân lên hai đại đội đi đầu, là mũi dùi xung kích của tiểu đoàn, vừa ngó ngang, thấy tôi, ông hỏi tôi lên làm chi, chỗ của bác sĩ là tại bộ chỉ huy tiểu đoàn, ý ông nói không muốn tôi qúa liều lĩnh. Tôi đáp:” ông là TDT, lo cho lính, thì tôi là y sỹ, tôi lo cho ông. Nếu rủi ro ông bị chuyện gì, tiểu doàn khổ, thì tôi cũng khổ theo”.
Lê Hồng phải nói thật lòng là một người phải mất biết bao năm để học thành một bác sĩ. Tụi tôi chỉ biết đánh giặc, thì hai chúng ta không thể so sánh đưọc. Đừng như tụi tôi, phải sống sao cho đáng với công sức đó. Bác sĩ quý lắm đừng cà ngơ, cà ngáo mà chết uổng. Tôi đồng ý là phải tốn công sức để học thành bác sĩ, nên phải sống sao cho xứng đáng, nhưng tài năng của một tiểu doàn trưởng thì quý giá vô cùng, ngoài mặt trận, người TDT cầm mạng sống 5, 6 trăm người lính, và phải hoàn thành nhiệm vụ cao cả đưọc giao phó là chiến thắng quân địch. Do đấy lúc nào tôi cũng sát cánh với Lê Hồng, đó cũng đã là sống cho xứng đáng vậy. Tôi thấy anh là một sĩ quan can đảm, có tài chỉ huy, rất binh tĩnh trong lúc đụng trận. Đặc biệt hơn nữa là anh biết nhìn người và tế nhị. Nói tới nhảy dù là khơi lên niềm kiêu hãnh, anh Cổn cao hứng nói tiếp:
- Mở đầu trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, nhiệm vụ của TĐ1ND là vượt tuyến sông Mỹ Chánh, chiếm lại căn cứ Nancy, rồi tiếp tục đánh chiếm một cao điểm chiến lược nằm về phía tây của QL1 trên dải Trường Sơn. Chiến cuộc tiếp diễn hơn 10 ngày, TĐ1ND bị tổn thất nặng, được TĐ3ND thay thế, đưọc lịnh rút ra bảo vệ pháo binh tại QL1 và bổ xung quân số, ngay sáng hôm sau, cả tiểu đoàn phải đi nhảy dù bồi dưỡng, trên đường tới bãi trực thăng, anh Hồng đã cười nói với tôi:
-Bác sĩ nhớ rằng nhảy dù khác với đánh giặc, ông đừng đứng khi đáp nghe, lấy thế đàng hoàng cho đẹp, Tôi nhảy cả 100 sauts, nên đáp đứng quen rồi. Ông tế nhị, sợ tôi cũng làm theo ông mà đáp đứng thì rất nguy hiểm, nhẹ thì gãy chân, nặng thì bể đầu. Tôi yêu quý đời sống hào hùng của nhảy dù. Mà thật vậy, mỗi ngày ở nhảy dù là mỗi kỷ niệm đẹp khó quên, do đó có câu, “một ngày mũ đỏ, một đời mũ đỏ."
Cũng có một điểm trùng hợp nữa trong cái đời lính, là tôi sinh vào tháng 4, mà suốt từ năm 1972 cho tới 1975, bao giờ sinh nhật tôi cũng đều đúng vào dịp hành quân, không khi nào được gần gia đình, khi xuất phát, khi chuyển quân, hay có khi còn “được” VC pháo kích chào mừng sinh nhật.
Anh Cổn đã chia sẻ khá nhiều về đời sống nhảy dù, tôi muốn nhân cơ hội này hỏi anh sang chuyện khác, chuyện mới hơn là bộ môn thể dục do anh sáng tạo, và hiện có rất nhiều người ở Cali đang theo học.
- Cảm ơn anh đã cho tôi biết một số câu chuyện lý thú về nhảy dù, về tình cảm của anh với anh Hồng. thưa anh tôi được Lương cho biết 8 năm qua, với kiến thức và kinh nghiệm, như anh đã là y sĩ, nhạc sĩ, và võ sư chưởng môn của hai môn võ Hapkido và Thiếu Lâm Thất Sơn, và còn là cao thủ của môn Tae Kown Do, anh đã gom góp lợi ích của các môn y, võ, nhạc để lập ra một môn tập thể dục, giúp người từ trẻ tới già, nam cũng như nữ có thể tập một cách dễ dàng. Có đúng không anh?
Anh Cổn nói:
-Đúng vậy, môn “Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc” (TDKCHH) do tôi sáng tạo rất giản dị với những thế căn bản như “Bấm, Vòng Vươn, Buông “ giúp cho nguời tập giảm đau nhức, ổn định tình trạng bệnh, và giảm tiến trình lão hoá. Hơi thở nhẹ nhàng tự nhiên theo nhịp điệu phe phẩy thư thái của hai tay, hoà nhhịp với tiếng nhạc êm dịu, khiến cho tinh thần sảng khoái, dẫn đưa ta đến không khí của Thiền. Nhờ tập TDKCHH, một số lớn người đã lấy lại sức khoẻ, tưởng như đã mất đi theo thời gian. Đặc biệt sau khi tập TDKCHH một thời gian, thì mọi người thấy tinh thần hưng phấn, yêu đời, và làm việc ít bị mệt nhọc. Sự thật thì bổ ích cho đời sống, mà tập tành theo môn thể dục khí công của tôi thì lại rất giản dị, ngày mai cuối tuần, anh chị lại trung tâm võ đưòng của tôi, cô bác tập đông lắm. Tôi sẽ bỏ ra một nửa giờ đồng hồ chỉ dẫn, sau đó thì anh chị có thể tự tập một mình rất nhuyễn, không khó khăn gì cả.
Câu chuyện của tôi với Cổn đứt ngang, khi đám bạn đồng môn Trần Lục, lục tục kéo đến cho buổi họp mặt bắt đầu. Tới phần văn nghệ thì tôi mới nhớ lại lời anh Hồng nói là tại sao anh Phán dân đánh giặc, dân chơi, mà lại nể anh Cổn, lý do là Lương chủ nhà đã yêu cầu anh Cổn đóng góp văn nghệ, thì anh Cổn đã bê ra một cái kèn “saxophone” to tổ bố, thổi lên những bản nhạc dìu dặt, khoan thai, đầm ấm. Điều này Phán phải nể Cổn, vì là dân chơi, nhưng Phán không thể thổi kèn được như Cổn.
Trước khi kết thúc câu chuyện “Người Lính Dù”, và để kính chúc “Đại Hội Nhảy Dù” thành công tại Washington D.C. vào tháng 7 này.
Người viết bài, xin có đôi lời tự giới thiệu:
- Đinh Hùng Cường có 12 năm lính, chức vụ sau cùng là Quận Trưởng Thủ Thừa, Long An. Tại đây vào ngày 8 tháng 4, 1975, quân dân cán chính của quận, với hai tiểu đoàn ĐPQ tăng cường, đã đánh tan Công Trường 5 Cộng Sản, bẻ gẫy ý đồ của VC là chiếm quận Thủ Thưà, khống chế QL4 là con đường huyết mạch, tiếp tế thực phẩm cho Sài Gòn từ miền Tây.
Tôi đã giữ được quận, giữ được QL4, nhưng không giữ được thân mình. Tôi bị VC bắn bể đầu phải đi nhà Thương Cộng Hoà. Dù là người lính có nhiều thương tích, nhưng tôi luôn luôn quý mến, và kính trọng nguời lính nhảy dù. Các anh là những thiên thần mũ đỏ, vào trận là chiến thắng, bất chấp quân số, bất chấp hỏa lực của địch quân, nhảy dù đến là phải chiến thắng. Tôi đã dự trận, bay L19 yểm trợ khi các anh xung kích.
Tôi đã thấy người lính nhảy dù rơi vào tình huống một chiến trường mà địch đã lựa chọn, với giao thông hào, công sự phòng thủ, pháo dập, và hệ thống truyền tin bắt dây chằng chịt. Thế mà một khi nhảy dù đã xuống, là dứt điểm. Vì trong quân lục chúng ta, một khi Nhảy Dù, TQLC, BĐQ mà thua, thì ai còn có thể chiến thắng Cộng Quân ở chiến trường. Xin ngả mũ trước một lực lượng bách chiến bách thắng của QLVNCH.
Viết xong đêm giao thừa Ất Mùi 2015.
Washington.D.C.
Quốc Thái Đinh Hùng Cường.