Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.
NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Bình minh đã đến
Hai năm đầu tiên làm việc ở Texas trôi qua cùng với những ngậm đắng nuốt cay. Tôi đã cố gắng vượt qua bao nhiêu nỗi khó khăn để phục hồi danh dự của mình.
Tôi nhẫn nại củng cố lại tay nghề, hết sức tránh những lầm lỗi có hại đến nghề nghiệp, ảnh hưởng đến tương lai về sau. Một điều đáng khích lệ với tôi là do kế hoạch học hành theo lối tích tiểu thành đại nên với thời gian tôi đã lần lượt đạt gần hết các chỉ tiêu cần thiết để được chính thức hợp thức hóa nghề nghiệp của minh. Sau cùng tôi được thuyên chuyển về March Air Force Base ở California, gần nhà hơn. Về sống gần gia đình với vợ con bên cạnh, cuộc đời của tôi thấy tươi vui thoải mái và hạnh phúc hơn.
Với tình thương yêu con cháu nên cha mẹ vợ đã khuyến khích chúng tôi nên có thêm vài đứa con cho vui cửa vui nhà, do vậy nên chúng tôi có thêm 2 cháu là Brenda và Bryan. Với thời gian, những ước vọng và kế hoạch được dự định trong tương lai đã từng bước một gần như đã hoàn tất.
Giai đoạn cuối của chương trình mà tôi hoạch định là sau khi mãn khế ước trong quân đội 4 năm, tôi sẽ xin giải ngũ và trong thời gian chuyển tiếp giữa đời sống quân đội và dân sự tôi sẽ ghi danh đi học tu nghiệp ở một trường đại học lớn thêm một thời gian để lấy thêm kiến thức và kinh nghiệm, sau nầy khi ra ngoài tôi có đủ khả năng để cạnh tranh về nghề nghiệp hầu tạo dựng được một tương lai tươi sáng cho tôi và gia đình.
Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng và bằng phẳng như hoạch định, người ta thường nói con gà ghét nhau vì tiếng gáy. Cấp số của các bác sĩ quang tuyến phục vụ ở bệnh viện quân đội tại March A.F Base là 4 người, tôi làm việc dưới quyền của chỉ huy trưởng của khoa quang tuyến là một phụ nữ. Kể về thâm niên ở đây thì tôi là người mới nhất; nói về tiêu chuẩn và bằng cấp thì tất cả 4 bác sĩ quang tuyến làm việc cho bệnh viện kể cả tôi lúc đó đều không có bằng cấp hành nghề chính thức. Trên giấy tờ hành nghề, khi tôi thuyên chuyển đến đây thì hồ sơ của tôi vẫn còn bị bệnh viện cũ tước bỏ quyền đọc một số tài liệu của các ngành chuyên môn mặc dù tôi đã được hợp thức hóa. Khi tôi trình bày những sự kiện trên với trưởng khoa, bà hứa với tôi sẽ phục hồi lại những tiêu chuẩn mà tôi đã bị thu hồi vì những lỗi lầm từ năm xưa, nhưng bên trong thì khác hẳn với những lời bà đã hứa.
Với tất cả sự ganh tị và chèn ép không để lộ ra mặt, bà viện lý do công việc của khoa quá bận rộn và cần người làm việc, bà đã không được đồng ý để cấp giấy phép cho tôi đi dự thi ở Louisville, Kentucky, trong khoảng thời gian đầu vừa mới nhận nhiệm sở (1990). Biết việc đó là hoàn toàn vô lý nhưng trong quân đội kỷ luật sắt đá, nên tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay tuân theo mệnh lệnh, không một lời phản kháng. Tôi phải chờ thêm một năm nữa mới được đi dự thi.
Vậy mà lại hóa hay. Nhờ có nhiều thì giờ để chuẩn bị, nên tôi đã hoàn tất thêm 2 môn học như tôi đã dự định trong 6 tháng đầu năm 1991 một cách dễ dàng. Sau cùng tôi chỉ cần phải bổ túc thêm một môn học nữa là sẽ có bằng hành nghề chính thức.
Cũng vì sự ganh tị bà đã cố tình chèn ép tôi bằng cách dựa vào nhược điểm điểm ngôn ngữ không thông thạo mà phê bình và chỉ trích nặng nề công việc làm hằng ngày để hạ giá danh dự của tôi trước các anh em y tá trong khoa và những bác sĩ khác trong bệnh viện. Người ta thường nói "Khi thương trái ấu cũng tròn, lúc ghét thì trái bồ hòn cũng méo", lúc thương và cần mình thì làm sao cũng được, khi ghét thì một chuyện nhỏ cũng xé ra to.
Bị chèn ép trong công việc hằng ngày ở chỗ làm, về với gia đình tôi lại càng khổ tâm hơn nữa vì mỗi lần định phân bua hay than thở với vợ về những sự bất công và hiếp đáp trong lúc làm việc, thay vì an ủi chia xẻ hay giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn thì cô đã phản kháng lại, càng tạo thêm hố ngăn cách giữa vợ chồng tôi ngày một thêm sâu rộng.
Vì có thành kiến xấu về tôi là người chồng tệ bạc đã bỏ phế gia đình, không lo chăm sóc cho con cái nên chưa nói thì vợ tôi đã cho rằng tôi là người không tốt, đi đâu cũng kiếm chuyện với người ta nên mới xảy ra như thế chứ làm sao lại có thể có những chuyện bất công như vậy, nhất là ở trên nước Mỹ và lại trong quân đội.
Những chuyện buồn phiền đó, vì không có ai để an ủi và chia sẻ nỗi lòng mỗi ngày nên đã dồn nén vào trong tâm tư và tiềm thức của tôi. Cũng may là nhờ tôi tự kiềm chế được bản thân, cố gắng bình tĩnh trấn áp sự nóng giận và uất ức và nghĩ nhiều đến trách nhiệm của tôi đối với con cái còn thơ dại, nên đã lướt qua được. Sống trong một môi trường phức tạp, ra ngoài thì bị ức hiếp và chèn ép, về với gia đình thì không có người thông cảm và chia sẻ nên đầu óc của tôi lúc nào cũng bị giao động và bị phân trí; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tôi dễ dàng phạm thêm những lỗi lầm mới trong lúc hành nghề.
Lần nầy, vì một lỗi lầm nhỏ, thay vì khéo léo dàn xếp cho qua, thì đã bị xé ra thành to chuyện. Chuyện xảy ra như thế nầy:
Một bệnh nhân đi bác sĩ vì có cục bướu trong vú đã được theo dõi 4 năm nay. Bệnh nhân được chụp hình và khám nghiệm hai lần mỗi năm để theo dõi sự tiến triển của cái u vú đó. Mỗi lần chụp hình theo dõi, các bác sĩ đọc phim cho là cục u không phát triển, tôi là người đọc sau cùng và đã phạm lỗi cho là cục bướu cũng không có gì thay đổi khi so sánh với các lần trước. Hai tuần lễ sau khi chụp phim, khi khám nghiệm lâm sàng, bác sĩ thấy cục u ở vú đã phát triển nhanh, bệnh nhân liền được giải phẫu và khám phá ra cục bướu ở vú là bướu độc, đã phát triển đến thời kỳ thứ 3 và đã lan rộng ra đến các hạch ở nách. Tôi là người sau cùng theo dõi bệnh trạng và tất cả những lỗi lầm đã trực tiếp qui vào tôi chịu trách nhiệm.
Trong khoảng thời gian nầy, theo chương trình hoạch định, tôi đã nộp đơn xin đi tu nghiệp ở các bệnh viện lớn sau khi ra khỏi quân đội. Biết được ý định của tôi, trưởng khoa quyết định không cấp giấy phép cho tôi được rời nhiệm sở vì lý do nhu cầu công vụ. Không biết làm gì hơn, tôi gọi điện thoại năn nỉ, xin các nơi ấy cho phép tôi được phỏng vấn qua điện thoại, thay vì phải đích thân hiện diện
tại bệnh viện. Đa số những người có quyền hạn trong chương trình phỏng vấn vì không hiểu rõ về tình trạng khó khăn của tôi nên khi xin được phỏng vấn qua điện thoại, họ đã đặt câu hỏi về tôi và đã từ chối.
Cuối cùng, trong những bệnh viện mà tôi gửi đơn xin đi học tu nghiệp, chỉ có Cornell MC đồng ý cho tôi được phỏng vấn qua điện thoại, và sau khi phỏng vấn thì giáo sư W.Rubeinstein đồng ý cho phép tôi được đặc ân tiếp xúc với ban giảng huấn của bệnh viện vào một ngày cuối tuần. Tôi quá mừng rỡ, bèn không nói không rằng, không cần giấy phép, tôi đã bí mật bay đi New York vào chiều thứ sáu sau giờ tan sở để kịp gặp gỡ giáo sư Rubeinstein vào ngày thứ bảy.
Tôi đến New York (NY) vào khoảng 6 giờ sáng. Đây là lần đầu tiên tôi đến NYcity. Trên đường đi vào thành phố, không may cho tôi, anh tài xế taxi có lẽ thấy tôi là người lạ nên thay vì đi thẳng từ phi trường đến bệnh viện chỗ hẹn thì anh đã lái xe vòng vòng và nói với tôi là anh đã bị lạc đường. Sau cùng tôi cũng đến được New-York Hospital - 1st Avenue 55th Street Manhattan, lúc khoảng 9:30 am, trễ hơn thời gian hẹn nửa tiếng đồng hồ.
Trình bày sự thật về những khó khăn trở ngại trong lúc di chuyển, tôi đã xin lỗi giáo sư Rubeinstein phải chờ đợi lâu ngoài sự ước muốn của tôi. Sau khi nhận giấy tờ để bổ túc hồ sơ, giáo sư Rubeinstein đã nhắc nhở tôi vấn đề quan trọng thứ hai là phải có bằng hành nghề y sĩ ở NY trước tháng 7 để chuẩn bị vào khóa học.
Tôi đến NY lúc đó vào khoảng đầu tháng 3/1992, vậy chỉ còn 3 tháng để lo giấy tờ. Để có được giấy phép trước hạn kỳ và để tránh sự thất lạc hồ sơ nên sau khi phỏng vấn tôi đã cấp tốc đi Albany cùng ngày. Tôi đến Albany, thủ đô của New York, lúc đó khoảng 2:00pm. Người thư ký sau khi nhận đơn có nói với tôi là ông yên tâm nếu không có gì trở ngại thì sẽ có bằng hành nghề y sĩ ở New York trong khoảng thời gian 3 tháng sau khi nạp đơn.
Nộp đơn xong, tôi hối hả rời Albany quay về NY để kịp chuyến bay về lại LA đúng giờ qui định. Trên đường về, tôi đã thở một hơi dài nhẹ nhõm và cầu nguyện ơn trên cho mọi chuyện được tiến hành thông suốt. Và hôm sau, thứ Hai, tôi đến bệnh viện làm việc như thường lệ, như không có chuyện gì xảy ra trong hai ngày cuối tuần.
Chuyện sau cùng, mà lúc đầu tôi nghĩ rất đơn giản, là tôi sẽ được giấy tờ giải ngũ đúng thời hạn, nhưng thật ra không phải thế.
Vợ tôi thường nói số tôi là số con rệp. Khi có chuyện cần, đối với người khác thì dễ dàng đơn giản nhưng đối với tôi tất cả đều trở thành khó khăn và phức tạp. Có lẽ cô ấy không nói quá lời.
Ngay từ đầu năm của năm cuối trong khế ước, để tránh sự trễ nãi và phiền phức có thể xảy ra về sau, tôi đã nộp giấy tờ xin giải ngũ lên bộ Quốc Phòng và kiên nhẫn chờ đợi. Gần hơn nửa năm trôi qua mà chưa nghe tăm hơi gì cả, tôi đã bắt đầu sốt ruột, vì nếu giấy tờ bị chậm trễ thì làm sao tôi có thể theo học lớp tu nghiệp như thời gian đã qui định. Tôi đã nhiều lần lên gặp bộ chỉ huy của bệnh viện và của căn cứ để hỏi thăm và theo dõi giấy tờ và hồ sơ. Mỗi lần như vậy, tôi đều được nghe trả lời phải kiên nhẫn chờ đợi vì tất cả đều phải có thời gian.
Điều quan trọng mà tất cả mọi người đều biết là gia nhập thì khó, nhưng ra khỏi tập thể là một chuyện rất dễ dàng. Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến thời gian đi học tu nghiệp, nếu không có giấy tờ hoặc giấy tờ đến tay tôi chậm trễ thì mọi sự sắp đặt sẽ bị hủy bỏ. Tôi phải làm gì đây để cứu vản tình thế nguy ngập như thế nầy?
Như một người sắp chết đuối, tôi cố tìm cho mình một chiếc phao để sống sót. Tôi xin gặp ông dân biểu của địa hạt mà tôi sinh sống, nhờ can thiệp, nhưng ông đã từ chối
vì việc nầy nằm ngoài quyền hạn của ông. Sau cùng, có người mách nước cho tôi phải nhờ sự giúp đỡ của đại tá tuyên úy trong căn cứ. Sau khi nghe tôi trình bày sự kiện, cha tuyên úy hứa sẽ giúp đỡ, quả nhiên sau đó một tuần tôi đã nhận được giấy tờ xuất ngũ.
Lúc đó vào cuối tháng 5/1994, tôi nghĩ là hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai, nhưng không. Vợ tôi nghe tôi sắp sửa đi học xa thêm một thời gian nữa lại càng tức giận hơn và cô ta không thèm ngó ngàng gì đến việc tôi đi hay ở lại.
Cả ngày ở nhà, không có việc gì làm, thêm vào không khí gia đình quá ngột ngạt, làm sao tôi có thể chịu nỗi. Để tránh bị khủng hoảng tinh thần, tôi quyết định đi New York sớm hơn dự định thay vì phải chờ cho đến ngày nhập học. Người giúp đỡ tôi thu dọn đồ đạc và cung cấp phương tiện di chuyển từ Los Angeles đến New York City là anh binh nhất John.
Tôi biết John khi anh còn đang là sinh viên tập sự của khóa học cán sự quang tuyến ở Whitchita Fall. Anh là người da màu, tính tình rất điềm đạm và siêng năng, bản tính hòa đồng không phân biệt đẳng cấp. Trong lúc làm việc, giữa chức vụ của tôi và những người sinh viên đi tập sự trong khóa luôn có một sự cách biệt rõ ràng về đẳng cấp, nhưng khi cởi áo ra ngoài giờ làm việc thì tôi xem những người sinh viên xa lạ đó như những người bạn, không phân biệt chức vụ và sẵn sàng giúp đỡ họ với khả năng của mình.
Trong thời gian John đi học, tôi đã cho anh mượn sân phía sau nhà làm chỗ rửa xe cho khách hàng mỗi cuối tuần để có thêm tiền tiêu vặt. Thỉnh thoảng anh ở lại dùng cơm tối chung với gia đình tôi và nghỉ lại qua đêm.
Trong thời gian anh đi tập sự ở bệnh viện chỗ tôi làm việc, anh là nhân chứng của những sự bất công và ức hiếp của thượng cấp đối với tôi trong những công việc hằng ngày. Nhưng với chức vụ của anh quá khiêm nhường nên dù anh có muốn giúp tôi cũng không thể làm gì được. Sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm về làm cán sự ở March Air Force Base. Một lần nữa hai chúng tôi lại làm việc chung với nhau và anh lại mục kích những sự bất công và sự đối xử tàn tệ của thượng cấp đối với tôi, nhiều lúc chứng kiến đã làm cho anh phải chảy nước mắt.
Đến ngày tôi rời khỏi quân đội, anh đã tự nguyện dùng thời gian nghỉ phép của mình cùng với chiếc xe truck cũ kỷ phụ giúp tôi di chuyển từ LA đến NY. Hành trang của tôi lúc nào cũng giản dị, gồm những vật dụng dùng hằng ngày như nồi cơm điện, cái quạt máy nhỏ, cái máy TV nhỏ trắng đen, áo quần đủ dùng và một số sách vở cần thiết.
Trong chuyến hành trình nầy ngoài anh John, tôi còn có thêm một người bạn đi chung đó là Stiphony, một con chó nhỏ giống Boston Terrier mà tôi mua khi còn làm nội trú ở VALA. Stiphony là bạn đồng hành trong suốt thời gian tôi còn ở trong quân ngủ. Đi công tác hay về thăm gia đình, lúc nào cũng có Stiphony đi theo bên cạnh. Stiphony cũng giống như con chó cỏ mà người dân tộc đã tặng cho tôi để trả ơn cứu mạng họ thoát được căn bệnh dịch tả hiểm nghèo trong thời gian tôi còn trong trại tù cải tạo.
Stiphony tuy là súc vật nhưng rất tinh khôn, rất hiểu ý chủ. Cũng như con chó cỏ mà tôi có hồi còn ở trại cải tạo, Stiphony rất biết thân phận, không ồn ào sủa bậy hay cắn phá đồ đạc và nhất là không bao giờ làm phiền hàng xóm.
Đây là lần thứ hai tôi lại đi băng qua nước Mỹ cũng từ miền tây nam đi đến miền đông bắc; mỗi lần đi là mỗi lần có những tâm trạng khác nhau.
Lần đầu tiên tôi đi với tâm trạng của một người vừa đặt chân đến đất nước tự do, không tiền bạc cũng như không có thân nhân họ hàng, tiếng nói không rành và cũng không biết tương lai và cuộc đời mình sẽ ra làm sao, nhưng trong lòng có một nỗi vui sướng vì đã thoát khỏi cảnh tù tội, được hít thở bầu không khí tự do, không bị người chèn ép, hiếp đáp và sẽ được sống trong sự công bằng và tình huynh đệ; thêm vào đó là nhiệt tình đi xây dựng tương lai.
Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, lần nầy tôi lại băng qua nước Mỹ với một tâm trạng có nhiều ước mơ sẽ có được một cuộc sống ổn định, một nghề nghiệp vững vàng và một gia đình hạnh phúc yên vui. Mặc dù lúc nầy tôi đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, không tiền bạc và không nghề nghiệp nhưng tôi đã có một mái ấm gia đình mà tôi đã nhiều năm cố gắng giữ gìn để khỏi bị gãy vỡ.
Qua bao nhiêu khó khăn, tôi như con chim đi gom nhặt từng cọng rơm cọng cỏ để xây dựng lại tổ ấm, tôi đã kiên trì thực hiện được gần hết những kế hoạch và dự định mà tôi mong muốn. Phần còn lại được hay không, dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc vào số mệnh và sự giúp đỡ của ơn trên.
Trên đường đi đến New York City, John đã quá lo lắng và lúc nào cũng hỏi tôi về cách mưu sinh, vấn đề an toàn, chỗ ăn chỗ ở nơi đất khách quê người, không một người quen biết. Tôi có an ủi với anh ấy đừng có quá lo lắng nhiều về tôi, vì tôi đã được sống còn ở trại cải tạo cộng sản và trại tỵ nạn thì tôi cũng có thể sống còn ở New York City. Cũng may cho tôi, trong chuyến hành trình, khi liên lạc với người quản lý coi về gia cư của khu nội trú bệnh viện NY, họ cho tôi biết hiện còn một phòng trống ở trên nóc tòa nhà cao tầng của khu nội trú bệnh viện mà tôi có thể vào ở ngay và tiền phòng sẽ được trả bằng phiếu GI mà lúc còn trong quân đội tôi đã đóng góp.
Đến NYC, sau khi phụ giúp tôi chuyển xong các hành lý lên phòng, John đã thở một hơi dài khoan khoái như giải tỏa được những sự lo âu của anh và chúc tôi được nhiều may mắn và thành công trên con đường học vấn. Trong giờ phút nầy tôi mới hiểu được thế nào là tình người không phân biệt màu da chủng tộc, chức vụ và tuổi tác. Có hoạn nạn sinh tử mới biết ai là người tốt và ai là người xấu, ai là người ngay và ai là kẻ nịnh.
Tôi đến NYC trước ngày nhập học hai tháng. Sau khi nghỉ ngơi và làm xong các thủ tục ở Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ về GI và vấn đề bảo hiểm sức khỏe, tôi đến trình diện giáo sư Rubeinstein người trông coi chương trình tu nghiệp hậu đại học.
Vì thời gian vào học còn sớm nên tôi đã xin phép giáo sư cho tôi được tự nguyện phụ giúp những công việc trong khoa để tôi có thì giờ thích ứng được với hoàn cảnh và môi trường mới đồng thời cũng trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm, cố gắng thu thập lại những gì mà tôi đã không được truyền dạy trong thời gian 4 năm huấn nghiệp ở VA LA.
Tôi cũng đã liên hệ với bộ giáo dục ở Albany để hỏi thăm về bằng cấp hành nghề y sĩ của New-York, vì đó là điều kiện tiên quyết để tôi có thể tham gia vào chương trình tu nghiệp. Gọi điện thoại lúc nào cũng nghe một câu trả lời là bằng hành nghề y sĩ của NY sẽ được gửi đến tôi trong một thời gian rất gần. Chờ đợi lâu quá mà chưa nhận được giấy tờ gì cả, quá nóng ruột nên tôi phải trích ra một số tiền nhỏ mà tôi đã dành dụm được, đi đến tận Albany để hỏi thăm. Người tiếp tôi là Supervisor trông coi về License đã trả lời cho tôi biết, hồ sơ tôi nộp đã được duyệt xét không có gì trở ngại, tôi cứ an tâm trong thời gian ngắn là sẽ nhận được giấy tờ bằng cấp qua đường bưu điện. Tháng 7 trôi qua mà tôi cũng chưa nhận được bằng hành nghề y sĩ nên tôi đã phải năn nỉ giáo sư Rubeinstein cho tôi được triển hạn thêm thời gian đi tu nghiệp, tháng 8 rồi tháng 9 trôi qua mà tôi vẫn không nhận được thư từ gì cả.
Duy có một điều khích lệ cho tôi trong thời gian chờ đợi này là tôi đã hoàn tất môn học cuối cùng để có bằng cấp chính thức hành nghề của bác sĩ quang tuyến. Đúng là có công mài sắt có ngày nên kim. Làm sao tôi có thể sinh sống ở NYC, một đô thị lớn với vật giá quá đắt đỏ khi trong túi không có một đồng.
Tôi đã sống nhờ bằng GI bill, với số tiền khiêm nhường nhận được hàng tháng đủ để trả tiền phòng và tiêu vặt. Không bạn bè và không bà con thân thích, tôi đã sống lây lất qua ngày bằng cách thắt lưng buộc bụng hạn chế mức chi tiêu đến tối đa. Mỗi ngày ăn một bữa cơm, thức ăn là rau với đậu mà tôi mua với giá rẻ ở khu phố Tàu (Chinatown) ở Manhattan. Tôi sống như một người tha phương cầu thực nhiều lúc còn tệ hơn những ngày tôi mới đặt chân đến đất nước nầy đi lang thang tìm kiếm công việc làm để mưu sinh. Tội nghiệp cho người bạn thân cùng phòng với tôi là Stiphony cũng chia xẻ chung một hoàn cảnh với số phận hẩm hiu như tôi.
Trong mọi hoàn cảnh, tuy Stiphony không biết nói nhung những cử chỉ và tình cảm của Stiphony lúc nào cũng vậy, dù sướng hay cực, dù đói hay no vẫn không than phiền trách móc tôi. Xin lỗi xin đừng cười và chế nhạo tôi vì đó là sự thật. Nếu có người hỏi tôi tại sao không nhờ vợ giúp đỡ trong lúc túng quẩn khó khăn như thế nầy; câu trả lời là vì tự ái và danh dự của một người đàn ông, một người làm chồng và làm cha làm sao tôi có đủ can đảm để mở miệng. Tôi cũng biết hoàn cảnh của vợ tôi lúc nầy cũng gặp nhiều khó khăn, với một đầu lương vừa đủ dùng cho những chi tiêu của gia đình ở LA làm sao có tiền dư để bảo trợ thêm cho tôi.