Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

space-2
Hoàng Dung Cõi Tåm Cûa Chúng Ta
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
               
       
Từ nơi trú ngụ vội vàng mang tên là địa cầu, mang tên là cõi tạm, từ nơi xa tít mù khơi của qúa khứ, con người đã ngẩng mặt nhìn trời, đã phóng cái tâm, đã phóng cái trí của mình vào một cõi vô cùng, mệnh danh là vũ trụ.  Con người đã nhìn vào cái thế giới bên ngòai đó với tâm trạng của những kẻ bị chôn chân ở chốn này, luôn luôn tìm đường cho một cuộc đào thoát.  Con người đã nhìn vào bầu trời qua mắt nhìn thần bí, qua tư duy triết học và qua niềm kiêu hãnh của một nền khoa học họ dựng nên và tin tưởng như là lời giải đáp vững chắc cho mọi câu hỏi của chốn thế gian này”.

         Đó là những lời của nhà văn Long Ân khi nhận xét về một cuốn sách thiên văn hơn 10 năm trước. Mấy năm sau, anh đã rời cõi tạm này để trở về miền miên viễn. Nhà thơ Vương Đức Lệ cũng thế, trước khi ra đi cũng gọi cõi sống này là cõi tạm:

                      Mai đây mẹ đất gọi ta về
                      Cha ở trên trời động tĩnh nghe
                      Cõi tạm trần gian giun dế khóc
                      Tim sầu thao thức nguyệt còn mê

         Nhưng thật ra, người đầu tiên nhắc đến quê Trời và quê Đất của con người là Vũ Hòang Chương.  Ông tự coi mình như một trích tiên đã đến từ một nơi nào đó ở quê Trời “Đã vượt ngàn năm đường ánh sáng.  Từ ngòai vô tận tới nơi đây” để đến tạm dung trên trái địa cầu này, nơi ông gọi là quê Đất.  Vì trái đất đối với Vũ Hòang Chương chỉ là cõi tạm cho nên tâm hồn ông luôn hòai vọng về một quê hương khác:
                  Đêm đêm ta lặng ngắm trời cao.
                  Tìm một quê hương mới lạ nào

                  Lấp lánh quê Trời thơ hẹn bến. 
                  Giam mình quê Đất mãi hay sao


       Nhưng dù cho ánh sáng đi rất nhanh, một giây đồng hồ đi được hơn 7 vòng trái đất, ngàn năm ánh sáng của Vũ Hòang Chương vẫn chưa thể coi là vô tận và cái quê Trời mà ông thấy lấp lánh trên bầu trời cũng chỉ có thể nằm trên giải Ngân Hà, một trong hàng tỷ thiên hà của vũ trụ. 

       Quê Đất của chúng ta rất nhỏ, lệ thuộc vào một vì sao chính trong Thái Dương Hệ là mặt trời, mà mặt trời cũng chỉ là một vì sao nhỏ trong hơn một trăm tỷ ngôi sao tạo nên giải Ngân Hà. Đối với chúng ta, cách mặt trời có tám phút ánh sáng, nên chúng ta thấy mặt trời thật to lớn, chói lọi và chóang ngợp bầu trời, nhưng nếu chúng ta đứng ở vì sao gần chúng ta nhất là Centaur Proxima, cách chúng ta 4 năm ánh sáng nhìn về mặt trời, mặt trời sẽ lại giống như những vì sao nhỏ bé khác, chìm trong đám đông, chẳng có gì đặc sắc.   

        Khác với Vũ Hòang Chương “nhớ quê dằng dặc ta sầu đó thôi”, người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc cũng ngồi ngắm giải Ngân Hà và nhớ đến người chồng đang đi chinh chiến:

              
Biếng trang điểm, lòng người sầu tủi
                    Xót nỗi chàng, ngoài cõi Giang Lăng
                         Khác gì ả Chức, chị Hằng
              Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.   

        Khi người chinh phụ đêm đêm nhớ chồng ngồi ngắm  giải Ngân Hà, bà sẽ thấy giòng sông này bắt đầu từ chòm Thiên Hậu (Cassiopeia) phương bắc kéo dài tới chòm Thập Tự Phương Nam (Croix du Sud) ở phương nam.  Nhưng thật ra, khi bà ngắm suốt dọc hết giòng sông Ngân, hầu hết những ngôi sao bà nhìn thấy chỉ là hình ảnh của những ngôi sao đó hàng mấy chục ngàn năm về trước, vì chúng ta ở cách trung tâm Ngân Hà 25 ngàn năm ánh sáng, và nếu ánh sáng chỉ cần có 1/75 giây đồng hồ để đi hết chiều dài 4000 cây số của sông Cửu Long  thì ánh sáng cũng cần phải đi 100 ngàn năm mới đi hết được sông Ngân.

       Vũ trụ đã có khỏang 100 tỷ thiên hà như Ngân Hà, mỗi thiên hà lại cách nhau khỏang vài triệu năm ánh sáng (thiên hà lân cận của chúng ta, Andromeda, cách 2.5 triệu năm ánh sáng).

       Khi Vũ Hòang Chương nói ông đã vượt ngàn năm đường ánh sáng (bằng 12.5 triệu tỷ cây số), ông đã nói không ngoa. Vì tất cả những xác thịt phù du của ông, của tất cả chúng ta, của tất cả cái thế gian tạm bợ này đều được cấu tạo bởi những hạt điện tử, mà những hạt điện tử này đều được tạo ra từ thuở khai sinh vũ trụ, đã từ ngòai vô tận (cách xa khỏang trên 13 tỷ năm ánh sáng chứ không phải ngàn năm) đến tạm cư ở nơi đây. Trong vô tận những hạt điện tử đó,có một số tỷ hạt điện tử do cơ duyên mà đã tạo ra thân xác tạm bợ của thiên tài thi ca Vũ Hòang Chương, và một thế kỷ trước đây, đã tạo ra một thiên tài khoa học là Einstein. 

       Kể từ Einstein, sự tìm hiểu về cõi sống tạm của thế gian đã tiến một bước dài. Với khả năng và trực giác siêu việt của ông, ông đã thấy vật chất và năng lượng là một và thời gian luôn kết hợp với không gian(1). Đồng thời, ngành vật lý lượng tử nghiên cứu về sự vận hành của những hạt điện tử trong nguyên tử với Max Planck(2),Niels Bohr(3), Heisenberg(4) cũng ra đời và phát triển mạnh mẽ.  Tất cả những kiến thức của những nhà khoa học siêu việt ở đầu thế kỷ 20 đó đã đưa đến lý thuyết Big Bang, một lý thuyết về sự thành lập vũ trụ đang được nhiều nhà khoa học công nhận nhất hiện nay.

        Theo Big Bang, vũ trụ được khai sinh từ một điểm nhỏ li ti, ở một nơi chưa có không gian, vào một lúc chưa có thời gian vào khỏang gần 15 tỷ năm về trước.

        Điểm khai sinh ra vũ trụ bao la hiện nay chỉ bắt đầu từ một điểm nhỏ  li ti. Nhỏ đến nỗi chỉ có thể mô tả theo một từ ngữ mang tính cách tôn giáo mà Mai Thảo đã dùng là điểm vô hình tướng (đúng hơn là cách dịch thông thường là điểm vô cực):           

                Điểm cuối đường sương điểm hiện dần
                Hiện cùng điểm mất ở vong thân
                Đáy xe, tử điểm vô hình tướng
                Chết rũ theo người ở dưới chân

        Từ điểm vô hình tướng đó, khỏang gần mười lăm tỷ năm trước, một năng lượng vô lượng đã nổ bùng và nhanh chóng sinh hóa để bành trướng thành vũ trụ.

         Năng lượng trong điểm vô hình tướng, dưới sức nóng khủng khiếp, biến thành những sóng phóng xạ và rồi những hạt điện tử được thành lập. Sau đó, những hạt điện tử kết hợp lại thành những nguyên tử để cấu tạo nên hàng tỷ tỷ những những ngôi sao của hàng tỷ thiên hà của vũ trụ hiện nay.

       Sự kết hợp những hạt điện tử thành nguyên tử sớm nhất, giản dị nhất là sự kết hợp của 1 âm điện tử và 1 dương điện tử thành một nguyên tử khinh khí (hydrogen). Tuy sau đó, có những sự kết hợp phức tạp hơn (nhiều hạt điện tử hơn) để tạo thành hơn 100 nguyên tử vật chất khác nhau của vũ trụ như dưỡng khí, đạm khí, than, sắt, đồng, vàng, bạc uranium… nhưng khối lượng khinh khí vẫn chiếm đến 90% của vũ trụ và khinh khí cũng chiếm một vai trò quan trọng trong sự vận hành của những vì sao.

       Nguyễn Bá Trạc, khi ngồi thù tạc giữa đêm:

                  Trên kia lấp lánh sao trời
              Dưới này thuốc lá sặc mùi rượu bia

đã thấy những vì sao lấp lánh. Chúng sở dĩ lấp lánh vì trên đó, những nguyên tử khinh khí đang cháy nổ. Tại trung tâm mỗi vì sao, cũng như trên mặt trời của chúng ta, có hàng trăm tấn khinh khí liên tiếp cháy nổ để biến khinh khí thành Helium. Trong cái phản ứng kết hợp đó, tại trung tâm mặt trời, 4 triệu tấn khinh khí mất đi để biến thành năng lượng theo công thức E= mc2 để soi sáng và sưởi ấm tòan thể Thái Dương Hệ chúng ta. Khinh khí của tất cả những vì sao cũng đã liên tục cháy nổ như thế trong nhiều tỷ năm để chúng ta có thể thấy chúng lấp lánh và làm thơ.

        Khác với đa số những vì sao khác, là trong khi đại đa số những âm điện tử và dương điện tử kết hợp lại thành khinh khí để tạo nên mặt trời, thì ở bên ngòai mặt trời, một số nhỏ những hạt điện tử khác cấu kết lại thành những nguyên tử phức tạp hơn (nhiều âm và dương điện tử hơn) như than, sắt… để tạo ra một hệ thống hành tinh xoay quanh, trong đó có trái đất của chúng ta.

        Như thế, nhìn quanh cõi tạm xung quanh ta, từ những “ngôi sao đứng kín trời” đến những con bướm nhởn nhơ, những con chim nhạn lạc bầy, những con dế mèn nỉ non ru canh thâu, những hạt mưa phùn bay qua thành phố nhỏ, những hạt “bụi hồng lãng đãng bay về chiêm bao”… , tất cả đều cấu thành bởi những hạt điện tử có từ sát na đầu tiên khi vũ trụ khai sinh.  Chẳng hạn bầu trời của chúng ta (gồm những nguyên tử khinh khí H, dưỡng khí O  đạm khí Nitrogen,,,  lần lượt có 1, 8, 7 dương điện tử), hoặc biển cả, sông hồ, mây nước (H2O), núi non (Silicate, Carbon, Sắt…), sinh vật và con người (C,H,O,N…).

        Có thể nói thân xác mỗi chúng ta cũng như tạo vật là tập hợp những hạt điện tử có từ thuở Big Bang do cơ duyên mà “đến đây rồi ở lại đây”. Những hạt điện tử trong mỗi chúng ta sinh ra từ Big Bang hơn 10 tỷ năm trước, đã lang thang bay trong không gian vô tận rồi đến lập nghiệp ở vùng không gian này gần 5 tỷ năm trước.  Chúng đã lơ lửng trên bầu trời ầm ầm sấm sét của thuở hồng hoang của trái đất, rồi suốt trong hai tỷ năm của niên đại Khởi Nguyên, có thể đã là một thành phần của một vi sinh vật để rồi sau giai đọan bùng nổ Cambrian 500 triệu năm trước, trở nên một hạt điện tử trong một nguyên tử Carbon của một lòai sò hến sơ khai, rồi nằm trong một nguyên tử Carbon trong tế bào con khủng long nào đó trên 200 triệu năm về trước.  Trong cơ thể chúng ta, có những nguyên tử dưỡng khí mà Tây Thi đã từng thở, có những phân tử nước của một tảng băng trên Bắc Cực hàng triệu năm trước đã bốc hơi, có những nguyên tử sắt của một lòai côn trùng chết trước đây hàng vạn năm, có nguyên tử nitrogen từng nằm trong thân xác của một vĩ nhân hay bạo chúa Á Châu hay Âu Châu nào đó.

        Một mai, khi chúng ta qua đời, thân xác chúng ta trở về cát bụi, nhưng đúng hơn là trở lại thành những phân tử nước, than.., những nguyên tử khinh khí, dưỡng khí, thán khí hay những hạt điện tử. Một số những nguyên tử hay phân tử này theo suối, sông trôi ra biển thành nước đại dương, một số theo mầm cây cỏ trở nên hoa lá, và một số có thể trở nên một thành phần nhỏ bé của một sinh vật nào đó sống hàng ngàn, hàng vạn năm trong lương lai. Cuộc sống như thế chỉ  là một tiến trình tái tạo, tái kiến trúc của những hạt điện tử (mà đời sống của chúng kéo dài hàng tỷ tỷ năm). Sự hiện hữu của chúng ta, của trái địa cầu này chỉ là một sự tan hợp tạm thời của một số những hạt điện tử do một cơ duyên nào đó. Ngay cả đến năm tỷ năm sau, khi trái đất và tòan thể Thái Dương Hệ tiêu tan theo mặt trời, những hạt điện tử đang cấu tạo nên cái  thân xác tạm bợ của chúng ta vẫn tiếp tục du hành trong không gian và sẽ tồn tại cho tới ngày tàn của vũ trụ. Đó là lý do tại sao mà anh Long Ân, anh Vương Đức Lệ và thi hào Vũ Hòang Chương tuy sống ở nơi đây mà luôn nhớ tới quê trời.

        Lý thuyết Big Bang về sự thành lập vũ trụ nói trên đã được chứng minh bằng nhiều luận cứ. Thứ nhất là cấu tạo và sự vận hành tương tự nhau của tất cả những vì sao (dù đó là mặt trời của chúng ta, sao Khuê của Chức Nữ, của sao Bắc Đẩu, của ngôi sao lân cận Proxima…, tất cả đều là những lò nổ khinh khí để biến hydrogen thành helium). Thứ hai là sự tồn tại của những làn sóng phóng xạ xa xưa, lúc vũ trụ mới thành hình hiện nay vẫn tồn tại.  Thứ ba là khám phá của nhà thiên văn học Hubble (5) cho thấy những thiên hà mỗi ngày một xa nhau ra, thiên hà nào càng ở xa càng di chuyển nhanh, chứng minh tất cả những thiên hà đều phát xuất từ cùng một chỗ và vào cùng một lúc.  Tuy thế, tất cả những kiến thức khoa học hiện đại của con người vẫn chưa thể đưa đến một giải thích chung quyết nào về khai sinh vũ trụ (6) và con người vẫn phải dựa vào tôn giáo (7) để đi tìm nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc sự sống và ý nghĩa của sự hiện hữu của mình trên thế gian này. 

      Các khoa học gia đã đưa ra một lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ và đã quan sát thấy rằng vũ trụ vẫn đang nở lớn. Họ cũng đưa ra một lý thuyết về tương lai và chung cuộc của vũ trụ. Vì vũ trụ đang nở lớn, có ba trường hợp có thể xảy ra:

- Thứ nhất là nó sẽ nở lớn mãi cho đến vô tận.  Các nhà khoa học gọi đó là vũ trụ mở.

- Thứ hai là vũ trụ đến một lúc nào đó sẽ ngưng nở lớn và mãi mãi giữ nguyên tình trạng như thế. Đó là vũ trụ phẳng.

- Thứ ba là nó sẽ nở lớn đến một giới hạn nào đó rồi bắt đầu co nhỏ lại. Đó là vũ trụ đóng.

      Đa số những nhà khoa học hiện nay nghĩ rằng vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ mở và đang giãn nở.  Trong trường hợp này cũng như trong trường hợp vũ trụ phẳng, một ngàn tỷ năm sau nữa, tòan thể những vì sao đã đốt hết nhiên liệu khinh khí và sẽ tắt hết.  Cả vũ trụ bắt đầu một đêm dài tối đen thiên thu vô tận.  Rồi một tỷ năm sau, những thiên hà đã chết sẽ dần dần gom lại với nhau thành những hố đen (8) khổng lồ rải rác trong vũ trụ.  Cuối cùng, hàng tỷ tỷ tỷ năm sau nữa, theo Hawking, những hố đen cũng tiêu tan. Năng lượng của cả một vũ trụ sẽ tiêu tan thành phóng xạ.  Trong một vũ trụ bao la giá lạnh gần 300 độ dưới số không chỉ còn thưa thớt những hạt điện tử thật rời rạc (trong đó có thể có một số hạt điện tử đã từng cấu tạo nên thân xác chúng ta).  Vũ trụ đã miên viễn an nghỉ trong cô liêu tịch mịch như Bùi Giáng tiên liệu:

               Cồn đất trắng mờ sương gieo hạt nhỏ
               Trút cho đời vũ trụ mọc hoang liêu

      Cái kết thúc của vũ trụ đóng không được êm ả như thế.  Trong trường hợp này, vũ trụ đã khai sinh bằng Đại Nổ Bùng sẽ kết thúc bằng Đại Xẹp Lép (Big Crunch).  Nhưng dù bị đè bẹp, con người cũng như Huy Cận:

               Thà một phút huy hòang rồi chợt tắt
               Còn hơn buồn le lói suốt canh thâu

      Thích cái kiểu kết thúc này hơn, vì một vũ trụ đóng, khi đã giãn nở tới một giới hạn nào đó, sẽ bị trọng lực co nhỏ theo tiến trình ngược lại. Các thiên hà bắt đầu di chuyển sát lại gần nhau.  Không gian ấm dần rồi nóng lên. Những thiên hà biến dạng. Sau đó nhiệt độ leo tới hàng trăm triệu độ.  Các ngôi sao phát nổ thành những hạt điện tử rồi thành năng lượng dưới dạng phóng xạ. Mới đầu là phóng xạ vô tuyến, rồi ánh sáng đỏ, vàng, xanh tím rồi thành X quang và tia gamma.  Bốn lực điều hành vũ trụ hợp lại thành một.  Khi vũ trụ đã thu nhỏ lại còn 1 phần 10 tỷ tỷ tỷ centimeter, nóng tới 100.000 tỷ tỷ tỷ độ.  Lúc đó, vũ trụ đã phản lão hòan đồng ngược về thời điểm Planck, thời điểm giới hạn của kiến thức con người. Các khoa học gia thông thái nhất hiện tại cũng không biết điều gì xảy ra trong cái điểm nhỏ li ti và nóng khủng khiếp đó. Họ chỉ biết cái điểm li ti đó vẫn nhỏ dần, trở thành điểm vô cực hay đúng hơn, điểm vô hình tướng. Cả không gian lẫn thời gian đều không còn tồn tại.  Điểm vô hình tướng kia có phát nổ nữa hay không, điều đó còn nằm trong phạm vi tôn giáo .

      Trên đây là quan niệm về sự hình thành vũ trụ, cõi tạm của chúng ta. Tuy lý thuyết Big Bang này đã  được nhiều khoa học gia công nhận và nhiều luận cứ của lý thuyết đó đã được quan sát và kiểm chứng, nhưng những trả lời chung quyết cho những câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ như cái điểm vô hình tướng với khối năng lượng bất tận có từ đâu, thời gian bắt đầu ra sao, và ngay cả câu hỏi Thượng Đế đến từ đâu, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời. 


CHÚ THÍCH:

(1): Ngòai E = mc2, Einstein còn thấy được là thời gian và không gian vẫn kết hợp với nhau thành một liên thể không-thời gian (space-time) bốn chiều, theo đó, thời gian có thể co dãn tùy theo vận tốc hay khối lượng.  Không gian cũng có thể bị khối lượng uốn cong. Những điều này chỉ có thể kiểm chứng khi vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng hay khi có khối lượng nặng gấp trăm ngàn lần khối lượng trái địa cầu. 

(2): Planck được coi là người khai sinh ra môn vật lý lượng tử khi tìm ra được hằng số Planck (h) bằng năng lượng một quang tử chia cho tần số làn sóng ánh sáng.

(3) Bohr là người tìm ra cấu trúc của nguyên tử (gồm có nhân là dương điện tử và trung hòa tử, cùng với những âm điện tử chạy chung quanh) giống như cấu trúc thái dương hệ.

(4) Heisenberg khởi đầu cho những tìm hiểu về những đặc tính lạ lùng của những hạt điện tử, chẳng hạn như nguyên lý bất định: Chúng ta không thể nào đồng thời biết được cùng lúc vị trí và vận tốc của hạt điện tử.  Ngoài ra, vật lý lượng  tử chứng minh là  những hạt điện tử khi di chuyển thì như sóng, khi đứng lại thì như hạt.
 
(5) Nhà thiên văn học Hubble, khi quan sát bầu trời, đã thấy những thiên hà đang di chuyển ngày càng xa nhau, thiên hà càng xa càng di chuyển nhanh hơn và ông đã tìm ra hằng số Hubble (H):  V= H x D (V là vận tốc di chuyển của thiên hà, D là khỏang cách đến trái đất). Đo vận tốc và khỏang cách bất cứ thiên hà nào thấy được (dù là Andromeda, Circinus, Starburst..), hằng số H đều gần giống nhau (khỏang 75).  Vì thời gian bằng khỏang cách chia cho vận tốc, t = D/V, người ta thấy thời gian di chuyển của tất cả những thiên hà là khỏang trên 13 tỷ năm.  Đó cũng là tuổi của vũ trụ và điều đó cũng chứng minh những thiên hà sinh ra cùng một lúc tại cùng một điểm, một luận cứ cho Big Bang

(6): Tất cả những nhà khoa học đều công nhận trong thời gian từ Big Bang đến một phần mười triệu tỷ tỷ tỷ tỷ giây đồng hồ (1/1043 giây) sau đó, những định luật vật lý hiện đại của con người không thể áp dụng. Đó là thời điểm Planck, thời điểm giới hạn của kiến thức con ngưới.

(7): Trích dẫn một đọan ngắn về vũ trụ quan Phật Giáo của Lạt Ma Matthieu và giáo sư Trịnh Xuân Thuận trong cuốn  Quantum And The Lotus:

        “ Khoa học nói về một vũ trụ thực sự hiện hữu, một đối tượng độc lập.  Phật giáo, như chúng ta thấy, coi vũ trụ như không thể tách rời khỏi tâm thức.  Chúng ta có thể nói chủ thể và đối tượng kết hợp với nhau: đối tượng không thể có nếu không có chủ thể, và ngược lại.

        Phật giáo xét đến một vũ trụ với những chu kỳ luân hồi (nhưng luân hồi không phải theo vòng tròn hay lập lại như quan niệm của phái Khắc Kỷ).  Mỗi chu kỳ được thành lập bởi bốn giai đoạn: Sinh (thành lập), Trụ (tiến hoá), Hoại (hủy phá) và giai đoạn Trung Ám là giai đoạn của tình trạng " không biểu hiện", là giai đoạn trống không giữa hai vũ trụ. Những hạt không gian bảo đảm sự liên tục giữa một vũ trụ với vũ trụ kế tiếp.  Luân hồi này  không có khởi đầu và cũng không chung cuộc”
.

(8): Hố đen hay Lỗ đen: Những vì sao nặng gấp 1.4 mặt trời trở lên (1.4 lần của 3 ngàn tỷ tỷ tỷ kg) khi đốt hết Hydrogen, sẽ tắt lửa, thu nhỏ thành sao White Dwarf ( một phân khối nặng 1 tấn),.  Sao nặng hơn 1.4 mặt trời bị trọng lực thu nhỏ hơn, thành sao Neutron (1 phân khối nặng khoäng 100 triệu tấn). Sao lớn hơn 3 lần mặt trời sẽ thành black hole (Hố đen).  



                

CÓ VÀ KHÔNG CỦA THẾ GIAN

                         


Trời không biển mà nghe triều vọng tiếng
Đêm vô thanh sao phổ độ lời kinh
Trong tịch lặng chợt nghe rền sấm động
Rừng thanh minh ẩn hiện bóng u minh

Thiên nhiên mãi xoay vòng muôn nghịch lý
Trong Xuân sinh là Thu sát điêu tàn
Sau Hạ trưởng là Đông sầu xơ xác
Vĩnh phúc nào là chốn hẹn nhân gian

Chợt một tối ánh trăng soi vằng vặc
Giữa trời cao lồng lộng đến vô cùng
Ngồi diện tâm bên dòng sông thủy nguyệt
Sắc thân mình có phải cái hư không

Ta không đợi nhưng mà sao vẫn đến
Cuộc vui nào mà chẳng có thương đau
Trong hiện hữu phát sinh mầm vô hữu
Sống hôm nay ai biết được ngày sau

Thời gian đến rồi đi như vó ngựa
Trôi theo dòng sinh diệt tựa cơn mơ
Rồi một sáng xuân tươi ta thức dậy
Khóm mai vàng Tuệ Giác nở chùm thơ

                                                Vương Ngọc Long 
                                             (quân dược khóa 14 trừ bị)
Loading