Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Đại tướng Ronald H. Griffith và tác giả Nguyễn Dương (chụp tại Ngũ Giác Đài ngày 26/11/ 1996)

Đại tướng Ronald H. Griffith và tác giả Nguyễn Dương (chụp tại Ngũ Giác Đài ngày 26/11/ 1996)

 
NguyÍn DÜÖng M¶t Cu¶c G¥p M¥t
N. đang ngồi nghỉ mệt và tránh nắng trên ghế một chiếc trực thăng UH-1 sau một buổi viếng thăm thương bệnh binh của một bệnh viện tải thương (Evacuation Hospital) ở ngoài sa mạc mặt trận Gulf War. Gió hiu hiu thổi dưới khí hậu nóng rát của sa mạc làm N. thấy dễ chịu, mắt hơi hơi lim dim muốn buồn ngủ thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng gọi qua máy truyền tin trên máy bay là tướng Griffith sắp ra tới máy bay rồi.

N. tháp tùng Tướng
Tư Lệnh Sư đoàn Griffith đi thăm thương binh của Sư đoàn 1 Thiết giáp Hoa Kỳ, N. ra trước chờ vì Tướng Griffith còn phải đi dự lễ gắn lon Đại tá cho một bà Y tá Trung tá, bà ta là vợ của một tướng hai sao của bộ tham mưu của Đại tướng Schwarzkopf.

Hai phi công trực thăng sau khi kiểm soát cánh quạt, làm thủ tục cho máy chạy. Tiếng cánh quạt phần phật, phần phật bắt đầu làm chìm các tiếng động khác. N. đội mũ phi hành đoàn vào cho đỡ điếc tai, rồi mở nút nghe radio. Bỗng có tiếng nói của Tướng Griffith: “Doc, Bác sĩ có chờ lâu không, tôi rất lấy làm tiếc bắt Bác sĩ phải chờ, phải chi Bác sĩ cùng dự lễ gắn lon với tôi.” N. đáp lại lễ phép là không sao cả, trong lòng nghĩ thấy tốt hơn chờ ở ngoài sa mạc vì có gió mát hơn là đứng trong lều nóng như cái hầm để dự lễ gắn lon.


Máy bay dần dần cất cánh, N. ngồi ở một bên cửa sổ trực thăng, Tướng Griffith ngồi bên kia cửa sổ. Từ từ máy bay lên cao, tất cả các dãy lều nhà thương dã chiến và xe cộ đều trở thành vài chấm đen giữa sa mạc mênh mông.


Ngoài tiếng cánh quạt phần phật đều đặn, ai nấy đều yên lặng suy nghĩ. N. bỗng sực nhớ lúc làm Đại đội trưởng Đại đội Quân y 90 cho Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh Trần Bá Di ở vùng 4 chiến thuật ngày xưa. Lúc đó Tướng Di cũng cùng N. bay trực thăng bay đi quan sát chiến trường.


Hai chiến tranh, hai chiến trường nhưng khác nhau rõ rệt. Một đằng thì ở dưới toàn là cát nóng bao la và địch quân thì biết chắc là chỉ có ở đằng trước xa, còn đằng kia thì toàn là ruộng lúa xen giữa với núi rừng chằng chịt với Việt cộng lẫn dưới lùm cây bắn sẻ lên.

N. mỉm cười, ở sa mạc này chả cần phải để áo giáp dưới mông tọa để ngăn đạn bắn lên máy bay vì Iraq ở quá xa chỗ N. và Tướng Griffith đang bay, trừ khi Iraq dùng máy bay tác chiến hay hỏa tiễn tầm nhiệt. Cũng là UH-1 nhưng UH-1 này có vẻ tân tiến hơn, sang hơn, có ghế bọc plastic chung quanh và có một bàn ở giữa trước mặt cho tướng Griffith để dễ nghiên cứu bản đồ mặt trận.


N. chợt nghĩ tới tướng Di, không biết ông ta hiện giờ ở đâu? Tướng Griffith cao lớn hơn cả một cái đầu N. và N. cũng mường tượng nhớ là Tướng Di cũng khá cao hơn N.. Sau khi N. rời khỏi Sư đoàn 9 BB thì Tướng Di được thăng chức lên Thiếu Tướng và được cử làm Tư lệnh phó Quân Đoàn 4 chiến thuật. N. sau đó biệt tin của Tướng Di. Gần đây nhất, độ mười năm trước thì N. có được xem thấy hình Tướng Di đang mặc đồ bà ba đen, ngồi xổm dưới đất tươi cười chẻ rau muống trong hình của báo Newsweek (hay Time gì đó).


Cũng trong tờ báo đó có hình các tướng Việt Nam bị bắt làm tù binh đang phải ngồi nghe tụi cán binh cộng sản giảng dạy dưới mái nhà lá trong trại học tập (re-education camp), trong đó có nhận ra rõ ràng Tướng N.H. Có đang ngồi hàng đầu chăm chỉ nghe nhồi sọ. Bài báo đó nói là sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam thì không có vụ tắm máu như người ta tiên đoán và các tù binh được đối xử rất đàng hoàng và có đầy đủ thực phẩm. N. không tin và ngẫm nghĩ không hiểu hiện nay Tướng Di có
được thả ra hay chưa, còn sống sót hay không, và hiện giờ ở đâu, Việt Nam hay đã trốn thoát tới Mỹ rồi!


Bẵng đi hai năm sau, trong một buổi tiệc ở vùng Hoa Thịnh Đốn, N. dược hân hạnh gặp Trung tướng N.Q. Trưởng, sau một vài câu chuyện hàn huyên thì N. hỏi Tướng Trưởng có tin tức gì của Tướng Di thì ông ta cho biết là Tướng Di mới thoát được qua Mỹ hồi tháng tư vừa qua. Mừng quá N. bèn xin số điện thoại của Tướng Di, Tướng Trưởng hứa sẽ tìm kiếm và cho biết sau. Một vài tuần sau, cũng nhân dịp một tiếp tân khác, N. lại được gặp Trung tướng L.Lan, N. cũng hỏi thăm thì cũng được hứa sẽ cho biết sau.


Bẵng đi gần một tháng trước thì N. nhận được trong máy trả lời số điện thoại của Tướng Di nhưng tiếc thay không được biết là ai gọi cả. N. mừng quá và gọi ngay thì được tiếp chuyện thẳng với Tướng Di. Ông ta đã được qua Mỹ do diện sum họp gia đình và hiện đang ở Orlando, Florida. Quả là một chuyện trùng hợp mừng rỡ vì N. đã ghi tên đi dự Đại hội 4 của Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do tại Orlando. Đúng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bất ngờ, con tạo xoay vần sau hơn hai mươi năm bẵng tin
mà nay lại sắp được gặp lại.


Tướng Di cho biết là Tướng Trưởng có gọi ông ta và ông ta vẫn nhận ra N. mặc dù N. chỉ là một bóng thoáng qua. Một Y sĩ Trung Úy như hàng chục Y sĩ đã phục vụ một thời gian trong sư đoàn của ông. Ông ta còn nói đi nói lại là rất nhớ ra N. vì N. đã chữa khỏi hẳn bệnh nghẹt mũi của ông ta vì nếu không thì ông ta đã không chịu nổi đời sống khắt khe trong những năm tháng dài dằng dặc khổ sở trong trại tù cộng sản.


N. thú nhận là hoàn toàn không nhớ đã chữa bệnh mũi cho ông ta. Tướng Di còn kể là sau khi báo chí ngoại quốc phỏng vấn chụp hình trại tù các tướng Việt Nam Cộng Hòa thì vài ngày sau tụi cộng sản bèn chuyển tất cả các tù binh ra ngoài Bắc và đời sống hàng ngày bị kềm kẹp rất khổ sở dữ hơn. Tụi Việt cộng đã thành công che dấu vụ tắm máu với báo chí dư luận quốc tế!

Cả chục ngàn tù nhân trong đó có cả Y sĩ Quân Y đã qua đời trong các trại “cải tạo” của cộng sản vì quá khổ sở thiếu thốn, lao động quá cực khổ mà ăn uống lại rất kham khổ, chỉ có một chén cơm mỗi ngày và thuốc men thì không có. Tôi ốm như một cây que, Tướng Di nói vậy, tôi mới được thả vào tháng mười năm ngoái và tôi gần như là một trong vài tướng cuối cùng nhất được thả ra. N. sau đó viết thư thăm hỏi nhiều nơi và hẹn đi ăn khi N. tới Orlando dự Đại hội Y sĩ Quốc tế sắp tới.


Tới phi trường Orlando, sau khi hoàn tất thủ tục mướn xe, lấy hành lý, N. điện thoại lại nhà Tướng Di thì không có ai trả lời cả, chỉ có máy ghi âm thôi. N. ngạc nhiên hết sức, nghĩ rằng đến lúc chót ông ta muốn tránh gặp vì một lý do nào đó. Hay là ông ta chưa nhận được thư? N. tự hỏi. Nhưng N. nghĩ, không thể vậy được, dù thơ rùa tới mấy, nay đã hơn mười ngày rồi, và N. dã hẹn rõ ngày giờ tới Orlando, N. gọi đi gọi lại mỗi nửa tiếng đồng hồ nhưng không có kết quả. Hay là lầm số điện thoại rồi? Mặc dù vậy, N. vẫn để lại số điện thoại chỗ N. sẽ ở tối hôm đó trong máy ghi âm.


Hóa ra là trong lúc N. bay xuống Orlando thì Tướng Di gửi thư về nhà N. và báo là ông ta nay đã 62 tuổi đã có việc làm hai tuần rồi. Ông ta làm trong thời gian 90 ngày thử thách tại một công ty sản xuất thức ăn nóng và lạnh cho các hãng hàng không quốc tế. Mặc dù với đồng lương hàng giờ căn bản, ông ta
mong nhận được làm thực thụ cho đỡ tủi nhục để phải ăn bám gia đình. Vì phải đi làm việc nên cuộc hẹn đi ăn đã không thành. N. xin hẹn lại tối hôm sau ở tại khách sạn Clarion, chỗ họp Đại hội cho tiện cả hai bên.


Tối hôm sau đó. N. yên chí sẽ được gặp lại Tướng Di sau hơn cả hai mươi năm trời xa cách. N. chỉ dựa vào ký ức mường tượng hình ảnh cao cao của ông ta và tin tưởng sẽ nhận ra dễ dàng. Ngược lại, N. nghĩ vậy. Tướng Di cũng sẽ dễ nhận ra N., một người “Mít” ở trong một lobby khách sạn người Mỹ.


Đúng giờ, N. xuống phòng lobby thì N. chưng hửng vì mặc dù phòng rộng lớn nhưng đầy nghẹt các bác sĩ Việt nam và gia đình đi dự Đại hội và hoặc đang ghi danh ghi tên nhận phòng hoặc tay bắt mặt mừng gặp nhau lại. Lẽ dĩ nhiên, N. không thể nào nhận được Tướng Di trong đám đông người Á châu đó. Thế mới thấy sự thành công rực rỡ của Ban Tổ Chức Đại hội và lòng hăng say đoàn kết đi dự Đại hội của các bác sĩ Việt nam. Lúc đứng chờ N. thầm nghĩ như cảnh minh tinh màn bạc Chevy Chase trong phim diễu mà hắn ta phải theo dõi một tên lùn nhưng tên lùn đó chạy vào một khách sạn đúng lúc có một buổi hội họp
của các người lùn.

Cũng may là sau một tiếng đồng hồ thì có một anh bạn y sĩ cũng làm ở Sư đoàn 9 BB với Tướng Di nhận ra ông ta và anh bạn đó kiếm được ra N. đang ngóng chờ các khách Việt Nam vào khách sạn.


Tướng Di nay có vẻ thấp nhỏ hơn hình ảnh N. còn giữ trong ký ức, một vị tướng có ánh mắt sang quắc và rất oai phong trong bộ quân phục tác chiến lúc làm Sư đoàn khi xưa. Ông ta coi bộ cũng gầy ốm hơn trước nhiều. Tuy nhiên vẫn bộ mặt đó, vẫn nụ cười đó, vẫn tia nhãn quang sáng đó, ông ta cảm động tay bắt mặt mừng. Hai mươi bốn năm trời xa cách, hai chiến hữu gặp nhau mừng mừng
tủi tủi…


Một vài ngày sau, N. nhận được một lá thư của Tướng Di: “Một bất ngờ êm đềm bác sĩ đã dành cho tôi, gọi điện thoại thăm hỏi, viết thư và gửi quà. Món quà lớn, vật chất và tinh thần thật lòng nói là sự giúp đỡ to tát đới với tôi ngay bước đầu bao khó khăn. Lòng tốt ấy tôi mãi ghi nhận tận đáy lòng…”
Cũng là nhờ có Đại Hội 4 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do.


(Đã đăng trên Tập San Y Sĩ, tháng 10/1993)

Chú thích cûa tác giả (12-2016): Chú thích: Tướng Trần Bá Di bị tai nạn xe cộ khá nặng năm ngoái thương tích trầm trọng này đang bình phục.

Tác giả Nguyễn Dương và Thiếu TướngTrần Bá Di, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh QLVNCH (Florida, tháng 5/2006).

Tác giả Nguyễn Dương và Thiếu TướngTrần Bá Di, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh QLVNCH (Florida, tháng 5/2006).

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Sách cùng tác giả:

-Vòng Quanh Thế Giới trong 19 ngày
-Vietnam: The Other Side (Challenging All Odds)
(Trích chương 20 cuốn sách
"Cuộc hành trình kỳ thú của một Y sĩ Việt Nam trên các nẻo đường thế giới" của Nguyễn Dương)
Loading