Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Ngày 18 tháng 10 vừa qua, tôi đã viết thư gửi bảo đảm có hồi báo cho Linh mục Anthony Đặng Hữu Nam theo địa chỉ nhà thờ Phú Yên, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hôm nay, 29 tháng 10, đã hơn mười ngày rồi, người gửi hy vọng thư đã đến tay người nhận. Tôi mở đầu thư bằng cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ cá nhân và sự xúc động bản thân đối với sự kiện quí Cha Trần Đình Lai, Nguyễn Đình Thục, Lê Ngọc Thanh và Đặng Hữu Nam hướng dẫn bà con giáo dân đứng ra kiện Formosa ở toà án Kỳ Anh, Hà Tĩnh, với sự ủng hộ của Đức Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp và Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt; dẫu rằng tất cả đồng bào Việt Nam và nhất là đồng bào tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại không ai tin tưởng vào nền công lý của Việt cộng; do đó, tôi tự cho phép đánh giá chuyện kiện Formosa chỉ là cái cớ, sự thực là quí Cha cùng bà con công giáo muốn biểu dương lực lượng và bày tỏ lòng dân. Biết rằng không thể kiện Formosa tại những cơ sở pháp đình được gọi là các “toà án“(!) quốc nội, tôi đề nghị Linh mục Đặng Hữu Nam cân nhắc biện pháp gửi đơn kiện Formosa tại toà án Đài Loan, như nhiều cá nhân, nhiều hiệp hội, nhiều tổ chức đã từng làm trong quá khứ. Tôi cũng ghi cho Ngài các địa chỉ cần thiết để liên lạc(1).
Tất nhiên tôi đã cân nhắc rất kỹ, tính toán rất lâu trước khi trực tiếp liên lạc với Linh mục họ Đặng vì sợ rằng hành vi bất cẩn của mình có thể phương hại đến an ninh bản thân Linh mục. Tuy nhiên cuối cùng tôi quyết định cứ gửi thư qua đường bưu điện đến Cha vì : a) Cha đã hầu như mặc nhiên trở thành phát ngôn nhân của phong trào “khiếu kiện“ Formosa, được cả thế giới quan tâm biết đến danh tính; b) đã có nhiều nguồn tin công bố các khoản tiền quyên góp từ hải ngoại gửi vào trương mục vãng lai của Cha ở Việt Nam; c) số điện thoại ở Việt Nam của Cha cũng được công khai phổ biến; d) nhiều người trong nước đã đọc bài viết của tôi nhan đề “Kiện Formosa?“ phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn điện tử từ ngày 10 tháng 10 năm 2016, riêng Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện trên trang mạng “Blogger Tễu aka Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện tại VN“ đã trích đăng nguyên một đoạn văn trong bài viết của tôi mang nội dung gợi ý là có thể kiện Formosa tại Đài Loan cùng với bản đồ hình màu rất đẹp của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên kèm theo hình cá chết hằng loạt.
Hai ba hôm nay, mạng lưới internet đưa tin Cha Đặng Hữu Nam tuyên bố sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì tổ quốc, vì dân tộc, vì đại nghĩa và nếu giặc hạ sát Cha Đặng Hữu Nam này thì sẽ có ngay một hay những Cha Đặng Hữu Nam khác. Cách xa cả một đại dương mênh mông và có lẽ do thần giao cách cảm, Linh mục Đặng Hữu Nam hiện cùng những đồng bào đang ngày đêm hiệp thông cầu nguyện cho Ngài rất có thể đang liên tưởng đến vị chủ chiên khác chủng tộc Jerzy Popieluzszko.
Linh mục Ba Lan Jerzy Popieluszko:
Không ai không biết đến Linh mục Ba Lan Jerzy Popieluszko, nạn nhân của chế độ cộng sản Ba Lan bạo tàn vô nhân tính. Ngày 13-12-1981, trong không khí sôi sục đấu tranh chống cộng của người dân Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski làm chỉnh lý theo lệnh Nga xô. Công đoàn Đoàn kết Solidarnosc bị cấm hoạt động, Lech Walesa cùng nhiều nhân vật đối kháng vào tù. Linh mục Jerzy Popieluszko, một vị linh mục hoạt động vô cùng tích cực trong phong trào chống cộng, bắt đầu bị đe dọa sinh mệnh. Ngày 13-10-1984, mật vụ ném khối đá tảng vào xe ôtô của Linh mục, Ngài thoát hiểm trong gang tấc. Ngày 16-10-1984, Tổng Giám mục Jósef Glemp tặng Linh mục Jerzy Popieluszko một học bổng nghiên cứu ở La Mã nhưng Linh mục từ chối. Ngày 19-10-1984, ba tên mật vụ do Grzegorz Piotrowski cầm đầu chận xe hơi của Cha Popieluszko ở Torun và bắt cóc Ngài.
Chúng đấm đá tra tấn hành hạ Ngài bằng dùi cui, buộc đá tảng vào chân Ngài và trấn nước Ngài trong biển hồ nhân tạo Weichsel tại Wloclawek. Ngày 30-10-1984, người ta phát hiện thi thể của Ngài. Vì người tài xế lái xe cho Cha Popieluszko thoát thân được và còn nhớ được cả bảng số xe nên ba tên côn đồ ác ôn thủ phạm ám hại Ngài bị phát hiện, trong khi dân chúng phẫn nộ lên án chế độ. Tang lễ của Linh mục Jerzy Popieluszko vào ngày 03-11-1984 tổ chức tại thị trấn St. Stanislaw-Kostka ở thủ đô Warschau qui tụ tám trăm ngàn người.
Chính quyền Jaruzelski bắt buộc phải đưa các tên mật vụ ác ôn ra toà, chúng bị lãnh án tù từ mười đến hai mươi lăm năm nhưng rồi được giảm án. Vụ bắt cóc và hạ sát Linh mục Jerzy Popieluszko trở thành biểu tượng của phong trào chống cộng tại Ba Lan với vai trò tiên phong của Giáo hội Thiên chúa giáo Ba Lan, đồng thời sự hy sinh của Ngài cũng trở thành bằng chứng điển hình về tội ác của guồng máy an ninh mật vụ Ba Lan. Cho đến nay, có khoảng 24 triệu người đã tham gia hành hương viếng mộ Ngài, trong số đó có hai Đức Giáo hoàng Paul II và Benedikt XVI, Tổng thống H. W. Bush và Thủ tướng Margaret Thatcher. Ngày 08-7-1997, Giáo hoàng Johannes Paul II bắt đầu thủ tục phong thánh cho Linh mục Jerzy Popieluszko. Giáo hoàng Benedikt XVI chủ trương cần xúc tiến nhanh chóng thủ tục phong thánh. Ngày 06-6-2010, trước khoảng 250,000 người tham dự, lễ phong thánh tử đạo cho Linh mục Jerzy Popielusko được tổ chức với sự hiện diện của thân mẫu Linh mục là Bà cụ Marianna Popieluszko. Nước Đức vinh danh Linh mục Popieluszko tại ngôi Đền Thánh Mẫu Illdorf, Tiểu bang Bayern.
Vũng Áng, Kỳ Anh, Quỳnh Lưu:
Quỳnh Lưu đã rất nổi tiếng trong lịch sử chống cộng của dân tộc Việt Nam. Tháng 11 năm 1956, phản đối chủ trương cải cách ruộng đất tắm máu đồng bào do Hồ Chí Minh thực hiện theo chỉ thị của Tàu cộng, đồng bào công giáo Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã nổi dậy. Có những linh mục bị giam cầm, tra tấn, hành quyết, thủ tiêu. Trong gông cùm cộng sản, Quỳnh Lưu không phải là trường hợp cá biệt. Cuộc nổi dậy của nông dân chống lại bọn bolschevik (cộng sản Nga xô) ở Tambov, các chiến dịch chống đối ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, phong trào Pháp luân công tố cáo tội ác các tên chóp bu Trung cộng, vụ đàn áp đẫm máu diễn ra ở Thiên An Môn v.v., là những sự kiện lịch sử hết sức đen tối gắn bó với chủ nghĩa cộng sản mang thú tính. Máu đã đổ khắp nơi khi cộng sản cướp quyền.
Hình ảnh người sinh viên Trung Hoa dang hai tay chặn xe tăng cộng sản, hình ảnh tên công an ác ôn Nguyễn Văn Tâm bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý, đã xuất hiện rộng rãi trên các cơ quan truyền thông truyền hình quốc tế và cả trên những xa lộ thênh thang ở Cali.
Trong lịch sử chống cộng của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có một cuộc biểu dương lực lượng vĩ đại như những ngày đầu tháng mười vừa qua trước khu vực nhà máy Formosa. Người dân Việt Nam đã bắt đầu làm nên lịch sử. Người dân Đông Đức trước kia cũng hành động tương tự. Thoạt đầu là đấu tranh bảo vệ văn hoá, đòi tự do ngôn luận rồi chuyển qua đấu tranh chống ô nhiễm môi trường - mà một trong các thủ phạm là đoàn quân Nga cộng trong những doanh trại của họ - rồi bước qua đòi thống nhất đất nước, nghĩa là đòi dẹp bỏ cộng sản. Diễn biến quá trình đào thải cộng sản ở Ba Lan khởi đầu bằng sự xung đột giữa bạo quyền và nhà thờ, mà tuyệt đỉnh là vụ câu lưu Đức Hồng y Wyszynski; kế đến là phong trào thợ thuyền đình công bãi công tại Poznan; rồi Tổng Giám mục vùng Carcovie là Karol Wojtyla đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Jean-Paul II; tiếp theo là phong trào đòi thành lập nghiệp đoàn độc lập với lãnh tụ Lech Walesa.
Khi tôn giáo nhập cuộc thì an ninh mật vụ của cả Đức lẫn Ba Lan bắt đầu chùn tay rụt cổ. Huống chi phương tiện truyền thông hiện đại càng ngày càng tiến bộ và hữu hiệu, mọi diễn biến xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng khó bị kẻ cầm quyền gian ác tàn bạo bưng bít xuyên tạc. Việt cộng sẽ giở tất cả những hành vi bần tiện gian manh, sẽ dùng mọi thủ đoạn nham hiểm độc ác để làm nhụt chí đấu tranh của đồng bào; chúng sẽ nhắm vào một số lãnh tụ của phong trào đang lan và đang lên. Nhưng chúng ta hy vọng là chúng sẽ không dám dựa vào đường lối tiêu diệt những người đối kháng theo gương của bầy đàn an ninh mật vụ Nga Xô, Ba Lan, Trung cộng bởi vì cục diện thế giới hiện thời đã đổi khác rất nhiều.
Có thể sẽ có những giới chức lãnh đạo công giáo nhẫn nhịn và nhẫn nhục cộng tác với bạo quyền cộng sản theo một hình thức nào đó và trong một chừng mực nào đó. Công an mật vụ sẽ thực hiện tối đa công tác nội vận nhằm lũng đoạn các tổ chức đối lập nói chung, giáo hội nói riêng. Những ngày tháng tới sẽ là giai đoạn thử thách đối với lực lượng chống cộng sản ở trong nước. Về phần mình, tập thể tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, hơn lúc nào hết, cần vận dụng tối đa trí óc, suy nghĩ nhiều và sâu nhằm có những biện pháp thích nghi hầu yểm trợ đồng hương quốc nội và giữ lửa đấu tranh hải ngoại (2).
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Việt Nam sẽ trở thành Ba Lan mà không phải trả giá bằng sinh mệnh Linh mục Thánh Tử đạo Jerzy Popieluszko.
29-10-2016
(1)
Theo tôi tìm hiểu thì không thể kiện Formosa ở toà án quốc tế như Toà Hình sự Quốc tế (International Criminal Court, ICC, Cour Pénale Internationale, CPI) tại Den Hague, Hoà Lan, vì trọng tội hủy diệt môi trường ecocid chưa được ghi vào chức năng chính thức của Toà án này. (Các trọng tội chính thức hiện thuộc thẩm quyền của ICC/CPI là genocid, war crimes và crimes against humanity).
Ngày 12-10-2016 tôi gửi thư bảo đảm có hồi báo cho Công tố viên của Toà để thỉnh ý và được Văn phòng Công tố viên (Bureau des informations et des éléments de preuve/Bureau du Procureur/ Cour Pénale Internationale) trả lời ngày 25-10 bằng điện thư với những lời chỉ dẫn rất cụ thể. Mới đây trong một bài viết dài đưa lên internet dưới đầu đề “Sông Mekong, sự trường tồn dân tộc và ICC“, một tác giả tự xưng là Giáo sư Tiến sĩ Luật Nguyễn Vân Nam cho rằng sự tàn phá môi trường sông Mekong có thể xem như thuộc loại crimes against humanity, vì thế có thể đưa nội vụ ra toà ICC Den Hague. Lập luận này của một chuyên gia luật học - nếu đúng là có một người Việt Nam mang học vị giáo sư tiến sĩ luật khoa tên Nguyễn Vân Nam - khiến tôi ngỡ ngàng thì ít mà khiến tôi thất vọng thì nhiều vì tại sao ông giáo sư tiến sĩ luật khoa đồng hương lại không chịu nộp đơn cho toà án ICC?
Ông không làm thì ai xứng đáng hơn Ông để làm? Khi bác sĩ A biết rằng bà B bị thương hàn và phải uống chloramphénicol nếu không thì bà sẽ chết chắc nhưng bác sĩ chỉ cần “biết“ vậy thôi mà chẳng làm gì cả, thì nghĩa vụ luận của người y sĩ sẽ kết án ông, ông có thể bị y sĩ đoàn truy vấn, ông có thể bị rút bằng hành nghề. Hình như qui tắc đạo đức chức nghiệp của giới luật sư không giống với qui tắc đạo đức chức nghiệp của giới y sĩ; và trong Việt ngữ, rất nhiều khi hai chữ “chúng ta” chỉ nhằm chỉ các thành phần đối thoại chứ không bắt buộc phải bao gồm cả bản thân mình!
(2)
Dĩ nhiên các hình thức đấu tranh vô cùng quen thuộc như hết biểu tình thì tuần hành, hết hội thảo thì hội luận, hết thắp nến thì tuyên cáo, v.v., vẫn không đến nỗi vô bổ, nhưng chúng ta phải thừa nhận là chúng chỉ có tác dụng rất hạn chế, thậm chí trong một số tình huống, chúng trở nên nhàm chán.