Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
dsc_0851
ChiŠu CuÓi Næm
 
NguyÍn HiŠn
 
 
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2016
Tối hai mươi bảy tháng mười hai chị Minh gọi điện thoại cho tôi. Tiếng chị run run làm tôi hốt hoảng:

- Chị sao vậy? Bệnh hả?

- Không...

- Sao chị gọi cho Toàn khuya dữ vậy?

- Tại chị quên mất. Hôm nay hai mươi bảy tháng chạp rồi.

Tôi thở ra:

- Ờ... ờ. Mà đâu có phải, chị. Còn tháng nữa mới Tết kia mà.

Giọng bên kia điện thoại ngập ngừng:

- Biết rồi. Nhưng mà Tết ta bên này chẳng có gì Tết hết. Ai cũng đi làm.

- Mà chị gọi cho Toàn có chuyện gì vậy? Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn.

- Ngày mốt thứ bảy Toàn có rảnh không?

Tôi ngẫm nghĩ:

- Rảnh... thì không rảnh lắm. Nhưng Toàn có thể thu xếp được. Chị cần gì?

- Toàn lên gói cho chị mấy chiếc bánh chưng được không?

- A... à - Tôi ngại ngùng, bản tính lười có sẵn đang muốn tìm sự an thân - Gói thì được, nhưng mà...

- Nhưng mà sao?

- Giờ này đâu có mua kịp đồ, chị - tôi tìm cách thối lui. Bữa nào cũng đi làm.

- Thì mai Toàn đi làm về chịu khó rẽ vào hiệu Tầu dưới ấy xem mua cho chị mấy xấp lá, với cuộn dây. Chị mua đủ thịt nếp đậu rồi. Nhớ đấy nhá. Mua được mai điện lại cho chị để chị còn ngâm đậu.

Chị nói nửa năn nỉ, nửa như ra lệnh, theo thói quen. Tôi hết đường thoái thác. Hơn nữa ít khi tôi để chị phải phiền lòng. Cho dù phải thỏa mãn một khẩn cầu trái khoáy. Dù sao chúng tôi cũng chỉ còn có nhau để an ủi. Tôi một mình, còn chị Minh cũng một thân bên này.

Tôi quen chị hôm chị vừa ở bên đông lưu lạc sang phần thành phố bên này sau khi bức tường Berlin đổ, xóa nhòa biên giới. Chị tình cờ gặp tôi, bám xoắn lấy, mong tìm một cái mốc bám víu. Cái mốc tôi mục rữa, bản thân tôi lo chưa xong bữa cơm tươm tất cho chị, đành từ chối khéo. Chị vươn vào cuộc đời, tự tìm việc, tự xoay sở mướn căn phòng tồi tàn ở tạm, như thân tầm gửi bám lấy một nơi vừa tấp vào.

Tuy nhiên, tình bạn giữa chúng tôi mỗi ngày một đậm thêm, không vì sự trục trặc cỏn con này mà sứt mẻ, khi chúng tôi cùng lúc trực diện với thực tế phũ phàng. Biên giới địa dư đã đổ sụp, tại Đức cũng như ngay tại quê hương chúng tôi, nhưng biên giới trong lòng người vẫn còn đó, sừng sững chắn ngang người với người. Quá khứ nhiều khi để lại dấu ấn đau nhói. Dấu ấn của một miền đất đã bị một số người vô hình chung tạo thành một hãi hùng và ghê tởm cho họ. Chúng tôi bơ vơ.

Chỉ vì giọng nói của chị, thân người, điệu bộ tố cáo nơi chốn chị sinh ra và lớn lên. Nơi ấy tuy trên mảnh đất mang cùng một tên, nhưng nhiều người ở đây đã gắn liền miền đất ấy với những khổ đau có thể tưởng tượng ra được. Họ không muốn nhắc đến tên vùng đất ấy, khắc khoải tìm những tĩnh tự xấu xí cố gán ghép vào. Người ta ngại cả những giao du, chào hỏi với những người cùng mang một hoài bão, một tâm trạng, có lẽ chỉ vì nghĩ rằng hoài bão của mình to lớn hơn, tâm trạng mình đứng đắn hơn chăng? Hay là hoài bão chính đáng hay không còn tùy thuộc vào con người mang nó. Và vì thế, tôi cũng trở thành bơ vơ vì trót quen với chị.

Hai hôm sau tôi lễ mễ mang đồ nghề lên. Căn chung cư chị ở nằm nơi đầu hành lang lầu hai, sát bên chiếc cầu thang hẹp té, khai nồng mùi nước tiểu. Một khu xóm mà những người lương thiện đều sẵn sàng trả thêm một ít tiền để khỏi phải chui vào cặn bã của những mảnh đời tạp nhạp. Thui thủi một căn phòng dài năm mét, rộng bốn mét hai. Bếp sát đầu giường, ngăn bằng một tấm phên ván ép mỏng. Bước xuống giường đụng ngay bàn làm việc. Trên bệ cửa sổ nhìn xuống bãi cỏ đậu rải rác vài chiếc xe móp méo vẫn còn hai chậu bông giấy giả tứ thời nở hoa và một chậu xương rồng gai tua tủa.

Hôm mới dọn đến, được chị mời đến thăm, tôi ngạc nhiên hỏi chị: Chị ở như thế mà chịu được sao? Chị cười, bảo tôi: Cũng còn rộng chán, so với căn hộ chị ở bên nhà, với chồng và bà mẹ ốm quặt quẹo. Nhà gì bằng cái lỗ mũi, khói từ những căn hộ khác trong khu tập thể mỗi buổi chiều bay mù mịt như xông chuột. Vừa khói than, vừa khói thuốc quyện vào nhau. Chị nhún vai: Bên này họ dùng lò điện, chả có mùi mẽ gì.

- Nhưng nhiều lúc ngửi mùi khói bếp cũng thấy vui lạ. Tưởng như mình đang ở bên nhà.

- Đành vậy. Ở đâu rồi cũng quen đấy. Chứ Toàn muốn hít khói bếp à? Bên này bếp chị chỉ có độc một mùi cơm cháy.

Tôi chỉ biết cười che dấu sự bẽn lẽn.

Căn phòng độc thân ấy sáng nay có vẻ như tươm tất hơn. Hình như chị mới lau cửa kính. Chiếc màn cửa đóng bụi suốt một năm có lẽ cũng vừa được tẩy trần. Chị đón tôi bằng nụ cười muôn thuở:

- Rét không? Đưa chị cái áo đây.

Tôi đi thẳng vào bếp, thảy gói đồ ăn lên bàn nước, xoa hai bàn tay cóng vào nhau:

- Rét thì có rét, nhưng quen rồi chị.

- Chị thì chưa quen được. Cũng may nhà ở hướng này khuất gió. Hướng Tây Nam, lúc nào cũng có nắng.

Chị thêm:

- Nhưng mà mình có mở lò sưởi hay không họ cũng lấy bằng ấy tiền. Lạ nhỉ. Đất nước giàu có họ chẳng để ý gì đến những cái vặt ấy. Chả có công bằng gì.

- Bởi vậy phòng chị mới nóng như cái lò nung người.

Chị cười nụ. Ấm nước bắt đầu rít lên tiếng còi chói tai. Tôi bắt chuyện:

- Sao tự dưng chị nổi hứng đòi gói bánh vậy?

Giọng chị chùng xuống:

- Bỗng dưng buồn.

- Buồn gì chị. Ở mãi rồi cũng quen.

- Không quen được. Ngày thường đi làm, còn cố mà chịu. Gần Tết, thấy thiên hạ sắm sửa, cũng đâm nôn nao theo.

- Thì chị thấy Toàn đấy.

Chị cười gượng:

- Nhưng chị khác, Toàn khác. Chị còn có gia đình. Tết thường làm người ta nhớ đến người thân. Toàn không nhớ nhà hử?

Tôi lắc đầu, không hỏi thêm sợ khơi nỗi buồn tha hương của chị. Nỗi nhớ càng tăng lên mỗi khi chúng tôi nghĩ đến hoàn cảnh riêng. Tôi ngồi uống nước, vẩn vơ nhìn chị vo gạo. Bên xứ này không có rổ rá, thiếu tiếng xào xạc của hột gạo lướt trên những nan tre. Vả lại, gạo ở đây xay máy sạch như lau, không có thóc sạn. Tôi thổi cơm cũng chẳng bao giờ vo gạo, chỉ bắc nước nấu. Chị bảo:

- Sống ở xứ người đành mượn tạm cái vui của họ làm cái vui của mình vậy. Chỉ có cái buồn là không chia cho ai ở đây được. Họa may chỉ có chia cho được một mình Toàn, thành ra chị vẫn còn ít nhất một nửa cái buồn.

Tôi quay sang vấn đề chính:

- Mà sao chị cứ bắt Toàn phải gói bánh cho bằng được thế?

- Đúng ra chị gói một mình cũng xong. Nhưng khổ nỗi bánh chưng phải nhiều người gói chung mới vui. Mà Toàn gói đẹp hơn chị nhiều. Bánh vuông, có chạy đường sống lá hẳn hoi. Chị em mình gói mỗi người một cặp. Toàn gói, chị nấu. Tối thức canh bánh kể chuyện cho nhau nghe. Chiều nay lên lò, hai giờ khuya vớt bánh, sáng Toàn mang về cho cái cô gì ấy một chiếc. Còn chị ít nhất phải đủ một cặp ăn dần suốt tuần.

Chị nói thêm:

- Lạ. Chẳng biết ông giời sinh sao mà đàn bà chỉ biết nấu qua quít. Đầu bếp khéo tuyền là đàn ông.

Tôi nghĩ chị lẩn thẩn, nhưng không nói ra. Mỗi người có những suy tư riêng của họ. Tôi hỏi cho có lệ:

- Chị lúc này sao?

- Vẫn vậy. Chao, mới được lên lương, tháng thêm vài chục, thôi kệ. Được đồng nào hay đồng ấy. Bên này chả có chuyện phụ cấp bồi dưỡng này nọ. Tháng nào cũng bằng chừng ấy tiền, không sai một đồng, chán phèo. Cái chính sách phong bì thành ra lắm khi nghĩ cũng hay.

- Còn bên nhà sao chị?

Tôi vừa hỏi vừa nhìn đống đồ chị tha lôi về chất dưới gậm tủ. Dường như cuộc sống của chị chỉ thu vào một số việc: đi làm kiếm tiền, mua đồ và gửi đồ về. Tôi biết chị có ý định khi xây xong căn nhà gạch cho vợ chồng, chị sẽ về lại với gia đình sau nhiều năm xa cách. Những ngày tháng dài lặn lội bên bờ sông xứ lạ lâu lâu mang về cho chị một niềm vui nho nhỏ qua lá thư của chồng gửi sang, để cho chị hấp tấp lấy giấy bút hồi âm trở về. Chị nói: Kiếp tầm gửi bên này chẳng có hay ho gì, sống lửng lơ tìm mãi một mảnh đất bám hờ. Ban đầu chị cũng hy vọng sẽ kéo được cả chồng và bà mẹ sang đất người lập nghiệp, nhưng sau nhiều đụng chạm với thực tế chị đành dứt khoát. Có lần chị tâm sự với tôi:

- Bây giờ mình mới thấm cuộc đời. Mình sống bên này chẳng khác nào tụi ngụy bên nhà, Toàn nhỉ.

Tôi sửng sốt:

- Chị nói sao?

- Lúc trước chị cứ nghĩ là mình phải tìm cách cho con cái bọn ngụy không thể ngóc đầu lên. Chúng nó bản thân có lý lịch không tốt, không thể tin cậy được. Ai mà ngờ bây giờ mình phải chịu cái cảnh y như thế.

- Sao chị?

- Hôm vừa rồi đi xuống phố mua hàng, chị đứng cạnh mấy tên vượt biên, tình cờ nghe chúng nó nói lén mình. Đứa này bảo đứa kia: Cái con mẹ bộ đội ấy nó cứ tìm cách làm quen với mình, chẳng biết nó định dở trò gì nữa đây. Đứa kia nói: Đừng có dây vào nó mà mang họa. Chị quay lại nhìn. Bọn chúng im bặt. Như thế tức là nó muốn nói chị chứ còn gì nữa.

Chị thở ra:

- Mà nghĩ cho cùng, chị có một ngày bộ đội nào đâu. Hòa bình, mình còn bé tí, thế mà nó cứ gán cho mình hai chữ bộ đội vào cái bản lý lịch vô hình của chúng nó cho bằng được. Chị đếch cần. Mình có thân mình lo. Nhưng mà nhiều khi thấy tủi. Chúng nó có lý lịch không tốt thì chỉ khi nào có việc cần đến giấy tờ mới lòi ra. Đằng này...

Chị ngập ngừng. Tôi hỏi:

- Sao cơ?

Gương mặt chị bỗng đỏ lên:

- Cái bộ dạng mình cũng đủ tố cáo mình không giống tụi nó. Mà quái lạ, sao tụi nó tinh thế, cứ như ma ấy. Mình có làm thế quái nào bọn nhãi ranh cũng biết mình không phải dân Nam bộ. Toàn thấy chị có khổ không. Chỉ vì tiền mà chị phải lao ra đi làm hợp tác, chứ ai mà biết rồi ra đến nông nỗi này.

Tôi suýt bật cười, nhưng cố nén kịp. Thật khổ cho chị. Có những người cả đời chỉ loay hoay cố biến mình cho giống cái mẫu mực chung, mà quên đi bản sắc riêng của mình. Chị mập tròn, lúc đi nguyên cả phần sau lúc lắc, chưa kể giọng nói rổn rảng, đầy ngập từ địa phương. Tôi an ủi:
- Chị có nhà cửa đàng hoàng, công ăn việc làm tử tế. Mình sống cho mình, cần gì người khác, như chị vừa nói ấy.

Chị im lặng, nhưng tôi biết chị không hoàn toàn đồng ý với tôi. Bởi tôi biết điều triết lý vụn vừa rồi chỉ là một cách tự an ủi cho những dày vò thường trực. Chúng tôi cặm cụi gói bánh. Tôi nhớ đến cha tôi khi xưa thường bảo: khi con làm việc gì cho người phải nghĩ đến họ. Có thế kết quả của việc mình làm mới có giá trị. Bài học ấy tôi nằm lòng, nay mang ra nhẩm lại. Nhưng tôi không biết phải nhớ đến ai? Đời sống hiện tại là một chuỗi bọt bèo, bạn bè hời hợt, nay gặp mai quên.

Chẳng lẽ nhớ đến chị Minh, lúc chị còn đang ngồi sờ sờ trước mặt tôi. Đành nhớ đến những ngày còn ở nhà, có cha mẹ anh chị em. Nhưng thuở đó tôi đã mấy khi được ăn cái tết gia đình. Cha tôi và chị tôi thay nhau đi biệt mỗi khi Xuân chập chờn đến. Tôi cột một vòng dây nhỏ vào chiếc bánh đang gói làm dấu, định bụng sẽ mang về để hai tuần nữa cúng rằm tháng chạp thay cho Tết, với ý nghĩ chiếc bánh đó biết đâu sẽ ngon hơn.

Chị Minh loay hoay với nồi nước sôi, chiếc nồi mười chị mượn tạm của nhà hàng xóm đông con chồm chỗm trên vỉ lò chật hẹp. Nếp đậu còn thừa, chị đồ thêm nồi xôi hoa cau thay cho bữa cơm chiều. Bếp điện không lửa cháy, căn phòng trơ trẽn lạ. Chúng tôi thả mấy chiếc bánh vào, ngồi nghe nước sôi reo, mắt dán vào màn ảnh truyền hình nhưng đầu nghĩ vơ vẩn. Tôi khua không khí tẻ nhạt, bảo chị:

- Chị mua đủ hàng chưa để Toàn đóng kiện gửi về cho anh ấy kịp ăn Tết.

Chị lắc đầu bảo tôi:

- Thôi chả nhờ Toàn nữa. Để thư thả chị đóng một mình cũng được.

Tôi linh cảm một chuyện chẳng lành xảy ra, hỏi. Thường chị vẫn bàn soạn với tôi những mặt hàng nào có thể bán chạy, và cùng nhau đóng kiện gửi về. Thấy tôi hỏi tới, chị buồn rầu kể lại câu chuyện gia đình. Những thùng hàng của chị đã trở thành món quà thường xuyên của chồng chị cho một người đàn bà khác. Một người quen bên nhà mới sang cho biết như vậy. Tôi chưng hửng, không tin ở tai mình. Người đàn ông trong tấm ảnh treo trên tường có khuôn mặt chất phác, mà chị vẫn khen, trong cái khen có chút hàm ý tự ca tụng cái may mắn của riêng mình. Chị kết luận:

- Đời người, mấy ai mà biết được. Bao nhiêu công lao thành ra đổ sông đổ biển hết.

Tôi căm phẫn:

- Chị để thế mà chịu được à? Toàn mà như chị thì thằng cha ấy biết tay.

Chị hỏi, giọng đanh lại:

- Thì Toàn sẽ làm gì nào? Giật được thằng chồng khỏi tay con mụ ấy rồi thì thằng chồng ấy nó cũng đâu còn xứng đáng với mình nữa. Chỉ còn cái xác vô tâm hồn. Như thế chỉ thêm vài người khổ.

- Sao chị không nghĩ là anh ấy có khi còn trông lại...

- Hừ. Chị biết. Ai cũng chăm chăm muốn rũ bỏ cái quá khứ nào xấu xa mà mình không thích, hay những chuyện thuở xưa lâu ngày đã dần dần trở thành cái gánh nặng cho tương lai mình. Chị mới nói với Toàn khi nãy. Cái quá khứ nhiều lúc làm mình trở nên lẻ loi.

- Nhưng chị để vậy mà chịu được à? Mình phải làm ra ngô ra khoai...

Chị buông xuôi:

- Ngô khoai gì thì cũng tại mình. Suốt đời, chị theo anh như cái bóng. Cái bóng một hôm lỡ dại bỏ người mà đi. Bây giờ người không còn nữa. Thành thử chị bây giờ chỉ là cái bóng của một cái gì đó rất là vô hình.

Tôi đến gần bên chị. Nghe thấy từng hơi thở nóng, tiếng nấc. Tôi đặt tay lên vai chị. Bàn tay tôi lúc này đang cảm nhận những cái rung nhẹ của hai bờ vai qua lần áo vải bông. Tôi chẳng biết làm gì hơn là nắm bàn tay chị. Bàn tay khô, lạnh ngắt. Chị thở dài:

- Chậc. Vừa mới thấy thèm bánh là thế mà bây giờ tự nhiên thấy ứ đến tận cổ. Chắc Toàn mang về hết đi, chị cần một chiếc để lên bàn thờ đủ rồi.

Năm ấy mỗi khi ăn miếng bánh, tôi lại nhớ đến chị. Bẵng đi một dạo, tôi gặp chị ngoài phố, nhí nhảnh cặp tay một ngoại nhân. Đụng mặt, tôi định thối lui nhưng không kịp nữa. Chị túm lấy, giới thiệu và nói hai người vừa đính hôn. Tôi hụt hẫng, mặt đỏ bừng. Hóa ra người đàn bà ngoài mặt cứng rắn như chị, nhưng trong lòng có lẽ luôn cần một chỗ dựa cho ấm lòng.

Nguyễn Hiền


Loading