Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An
Nguyên tác tiếng Anh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 24
Buổi Sáng Lễ Phục Sinh tại Sài Gòn
Sài Gòn
Buổi sáng Lễ Phục Sinh
Nhà ông Lê Bá Sách - Cha mẹ của Bình
Khi Cầm Bành kết hôn với Lê Bá Bình vào ba tháng trước, nàng phải bỏ công việc đã làm khá lâu ở thương xá của Hải Quân Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Sau đó, đời sống của nàng như được chia thành hai mảng. Khi chồng không hành quân tận tuyến đầu phía Bắc để chiến đấu chống bọn Cộng sản đáng ghét thì Cầm đến ở với anh tại căn cứ Sóng Thần, hậu cứ của TQLC tại Sài Gòn và cũng là nơi mà họ đã thành hôn với nhau. Trong thời gian này, nàng cũng hoàn thành hết mọi trách nhiệm trong vai trò là vợ của một sĩ quan chỉ huy Sói Biển.
Khi Bình đi hành quân xa, mà đó là gần như suốt thời gian, Cầm về ở với cha mẹ chồng ở Tân Định trong vai trò con dâu trưởng của gia đình. Thật may mắn là nàng và mẹ chồng (mẹ kế của Bình, nhưng người phụ nữ này đã thương yêu và nuôi dạy anh ta như là mẹ ruột) rất hòa hợp với nhau. Cầm phụ giúp công việc nhà và chăm sóc bốn đứa em còn ở nhà. Nàng được mọi người yêu mến. Nếu có thời gian rảnh rỗi, nàng thường đón xích lô về thăm mẹ cũng đang ở gần đó. (Bấy giờ, cả hai người anh cũng đang phục vụ trong quân đội). Nếu có TQLC nào bị thương ở bệnh viện Thủ Đức cần phụ, nàng cũng sẽ đến giúp ngay.
Vào lúc xế chiều ngày thứ Bảy 1/4/1972, ngay cả đối với vợ lính và người thân, có rất ít tin tức liên quan đến tình hình của các lực lượng QLVNCH và TQLC đang giao tranh ở phía Bắc. Tuy nhiên trong mạng lưới thông tin của các bà vợ đã có sự bàn tán là có một chuyện gì đó sắp xảy ra.
Ai cũng biết cái thông lệ là luôn luôn phải giữ hai trong số ba lữ đoàn TQLC ở tuyến đầu. Do đó khi có tin Lữ đoàn 369, đơn vị đang ở Thủ Đức dưỡng quân như thường lệ để nghỉ ngơi, bổ sung quân số v.v... đã được điều động ngay lập tức ra phía Bắc trước thời hạn, mọi người bắt đầu bàn tán xôn xao. Có một cái gì đó khá nghiêm trọng đang xảy ra. Trong bao năm qua Cầm vẫn thấy chồng thường xuyên trở về từ chốn nào đó với thân thể mang hết thương tích này đến vết thương khác, thì nay nàng chỉ biết chịu đựng với nỗi chờ mong và cố làm nhiệm vụ của một người vợ đảm đang.
TRỞ LẠI ĐÔNG HÀ VỚI TIỂU ĐOÀN 3
Khi Thiếu tá Bình, Đại úy Ripley và các chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 được điều động tới Đông Hà vào xẩm tối ngày 30/3/1972 để lãnh nhiệm vụ trừ bị cho Sư đoàn, họ không hề được nghỉ ngơi chút nào. Mặc dù những cánh quân tiên phong của bộ đội Bắc Việt đang xâm lấn chưa đến được Đông Hà nhưng sự xuất hiện của Tiểu đoàn 3 đã bị phát hiện. Đề-lô pháo binh Bắc Việt ở phía Bắc của dòng sông, cũng là những tên thường xuyên hướng hỏa lực pháo kích vào dòng người đang chạy nạn vào Nam trên Quốc lộ 1, đã gọi hỏa lực bắn vào Sói Biển mỗi khi có điều kiện. Không một ai trong Tiểu đoàn 3 kể cả Bình và Ripley có kinh nghiệm về cường độ của những cuộc pháo kích vốn đã xảy ra liên tục trước khi họ đến. Không tài nào ngủ được. Nghỉ ngơi thôi cũng khó khăn mặc dù họ đã nằm sâu dưới hầm và những trái đạn rơi xuống ở một khoảng cách an toàn khá xa. Điều tốt nhất mà các TQLC có thể làm được, như Bình, Ripley và tất cả những người khác trong Ban chỉ huy đã cố gắng thực hiện là mặc kệ và thích nghi với hoàn cảnh khi cho phép - chẳng hạn như ngả đầu ra phía sau mà vẫn theo dõi được các cuộc nói chuyện qua máy truyền tin v.v... - càng nhiều càng tốt mỗi khi đạn pháo kích không rơi gần lắm. Chuyện này họ đã làm khá thành công kể từ lúc đến Đông Hà. Các Đại đội tác chiến khác cũng vậy. Đành rằng không ai có thể hoạt động mãi như vậy được nhưng trước mắt không còn giải pháp nào khác hơn.
Thiếu Tá Bình giữ các Sói Biển trong tư thế sẵn sàng bất cứ lúc nào và luôn luôn chuẩn bị để chuyển nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Cách hành quân căn bản cho tất cả các Tiểu đoàn TQLC là hiếm khi nào cả đơn vị cùng hoạt động chung với nhau thành một khối. Tiểu đoàn 3 gồm hai cánh là Alpha và Bravo. Hiện tại cánh Alpha gồm Bình, Ripley, lính của Ban chỉ huy, Đại đội 1 và Đại đội 4 cùng với phần lớn hỏa lực của Đại đội Vũ Khí Nặng của Tiểu đoàn 3. Họ đang hoạt động ở trong và bên ngoài thị trấn Đông Hà. Cánh Bravo do Tiểu đoàn phó chỉ huy gồm các đơn vị còn lại, Đại đội 2 và Đại đội 3 cùng với những người khác, đang nằm cách thị trấn vài cây số phía Tây trên Quốc lộ 9 hướng về Cam Lộ và đang phối hợp với Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp QLVNCH.
Nhằm giảm thiểu tối đa nguy hiểm cho binh sĩ trong những trận pháo kích không ngớt của quân Bắc Việt, Bình liên tục tái phối trí các đại đội, thường xuyên di chuyển đến một vị trí ngụy tạo trước khi trời sập tối để chắc chắn là bọn trinh sát địch trông thấy rồi lại lặng lẽ bỏ đi chỗ khác khi trời vừa tối xuống. Để cho việc ngụy tạo được hoàn hảo hơn, Bình cho lính ngụy trang vị trí giả, đặt ăng-ten truyền tin và tiếp tục điện thoại từ xa thông qua các vị trí đó. Khi bọn pháo binh Bắc Việt pháo kích vào các vị trí bỏ trống, nhân viên truyền tin của Bình phát đi những thông tin giả mạo mà họ đoán chừng địch sẽ nghe lén, về các thiệt hại và yêu cầu trực thăng tản thương. Bình làm hết mọi cách để địch tiêu hao đạn dược vào những mục tiêu vô giá trị. Những chuyện này đòi hỏi các Sói Biển lúc nào cũng phải cảnh giác và di chuyển không ngừng. Mặc dù họ chưa thực sự chạm trán với địch nhưng việc di chuyển vòng quanh và tích cực phòng thủ cũng làm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể.
Quan sát của John Ripley về người tỵ nạn Việt Nam bơ vơ cũng tương tự như Gerry Turley đã thấy, nếu không nói là còn mang tính cách cá nhân nhiều hơn. Khi Ripley tiến gần sát toán tiền phương địch, tức khoảng 10 cây số gần hơn so với Turley khi ở Ái Tử, anh đã chứng kiến một sự chết chóc và hủy diệt tàn khốc. Lòng căm thù của anh đối với bọn Cộng sản chồng chất lên một mức độ mới sau khi nhìn thấy dã tâm cố ý và hành động giết người bừa bãi hàng loạt những người dân vô tội nhiều như vậy. Anh tự hỏi không biết các Sói Biển sẽ nghĩ sao, có ai còn có thể thù hận bọn Cộng sản nhiều hơn được nữa hay không? Anh đã từng ngồi lặng yên hàng tháng nghe hết chuyện này qua chuyện khác do lính của Bình kể lại - họ đã hiểu và tin tưởng anh - biết bao nhiêu chuyện gia đình họ đã phải chịu đựng sự đau thương, nhọc nhằn và sỉ nhục trong tay bọn Cộng sản mà hầu hết người Mỹ không thể nào hình dung được. Sau cùng anh chỉ biết cám ơn là anh đã không phải đối phó với những vấn đề như vậy. Giống như Turley, tuy hai người chưa hề trao đổi với nhau về đề tài này, nhưng anh thầm tạ ơn là vợ con anh được ở xa, rất xa chốn này.
Nhiệm vụ giao cho Tiểu đoàn 3 của Thiếu Tá Bình như là đơn vị trừ bị cho Sư đoàn hóa ra là một quyết định sáng suốt. Điều hiển nhiên là hiện nay cầu Đông Hà đang là mục tiêu chiến lược của địch. Nói chung, sự biểu lộ yếu kém của các đơn vị bộ binh QLVNCH và nhất là sự tan rã của Trung đoàn 57 trong khu vực chung quanh Đông Hà nói riêng, đã để lại công tác phòng thủ sắp tới vào tay các đơn vị TQLC Việt Nam, những chiến sĩ sẽ không bỏ cuộc khi chưa đánh đấm gì cả.
Các Sói Biển có mặt ở Đông Hà vào chạng vạng tối ngày 30/3/1972 và các Đại đội tác chiến đã được bố trí tại những vị trí mà Bình cho là tốt nhất cho việc phòng thủ trong lúc này và sẵn sàng cho những trận phản công sắp tới. Sau khi đã quyết định phá cầu, Trung tá Turley gọi điện thoại xuống Bộ tư lệnh mới của Sư đoàn 3 Bộ Binh ở thành phố Quảng Trị. Cũng nên nhắc lại là tuy có toàn quyền điều động hỏa lực Hoa Kỳ nhưng khi trực tiếp điều động các đơn vị QLVNCH và TQLC thì người Mỹ chỉ là cố vấn. Tất cả công việc điều động binh lính và quyết định sử dụng các đơn vị đó như thế nào đều thuộc thẩm quyền người Việt Nam. Người Mỹ có thể đưa ra các đề nghị nhưng quyền tối hậu vẫn thuộc vào những người mà họ có nhiệm vụ cố vấn.
Turley đã gọi xuống cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh với mục đích đề nghị Tướng Giai cho sử dụng lực lượng trừ bị - trong trường hợp nầy là giao cho Tiểu đoàn 3 việc trấn giữ cầu Đông Hà - để ngăn chận không cho quân Bắc Việt vượt qua cho tới khi cầu có thể bị phá đi.
Đưa vào sử dụng lực lượng trừ bị là một chuyện rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là tình hình đã nghiêm trọng lắm rồi. Đó cũng là biện pháp cuối cùng. Các Tư lệnh thường miễn cưỡng chấp nhận những biện pháp như vậy bởi đó là sự chọn lựa sau cùng; mũi tên cuối đã bắn ra rồi thì ống đựng tên trở thành trống rỗng. Đôi khi, đó lại là tất cả những gì mà người chỉ huy có thể làm. Tuy nhiên Gerry Turley tin chắc chắn rằng với tình hình chiến sự này thì cần phải hành động như vậy và phải làm ngay lập tức.
Khi Turley gọi lại Bộ tư lệnh Sư Đoàn 3 thì cả Tướng Giai và vị Đại tá cố vấn của ông - cũng chính là viên Đại tá trách nhiệm cho toán Cố vấn 155, người đã buộc Gerry vào nhiệm vụ hiện nay - đều không có mặt ở đó. Thay vào đó, cuộc trao đổi với Tham mưu trưởng của Tướng Giai đã như bị va vào bức tường gạch của truyền thống văn hóa. Tay Đại tá QLVNCH này, trong lúc thế giới chung quanh đang sụp đổ tan tành, chỉ khăng khăng từ chối vì sợ bị mất mặt và những chuyện linh tinh khác đã khiến cho máu của Turley bốc lên cao tới mức báo động. "Chúng ta phải đợi Tướng Giai trở về đã. Tôi không làm được gì ngay bây giờ. Chúng ta phải chờ." Đó lại là một vấn đề truyền thống văn hóa nữa.
Tỉnh táo hơn tuy thất vọng cùng cực, Turley tuyệt vọng xoay qua Đại tá Định, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 258 đang cùng với anh ở trong hầm Trung Tâm Hành Quân.
Turley vừa mới mở thêm mặt trận thứ ba cho chính mình. Phía Bắc và Tây của anh là ba hoặc bốn Sư đoàn Bộ binh Bắc Việt, năm Trung đoàn Pháo binh rồi hình như đang có thêm một số lớn chiến xa địch chưa xác định được là bao nhiêu, và không ai biết còn cái gì khác nữa.
Quân tiếp viện của địch có thể không xa lắm ở phía sau. Về phía Nam, Turley đối diện với một hệ thống quân giai càng lúc càng không thân thiện tại Đà Nẵng và Sài Gòn, cứ liên tục chĩa mũi dùi vào quyền hạn của anh và chống đối các quyết định của anh.
Turley trông đợi nhiều vào Đại tá Định vì ông này cũng là TQLC. Tuy nhiên Turley nhận được câu trả lời y hệt như của tay Đại tá Tham mưu trưỏng trước đó. Ban đầu bị choáng váng nhưng Turley không chịu thua. Anh trình bày lý do của mình. Anh lập luận kế hoạch của mình với một sự nồng nhiệt mà chính anh cũng không ngờ mình lại như vậy. Bằng mọi cách hợp lý nhất, anh khẩn khoản Đại tá Định cho sử dụng Tiểu đoàn 3 tại cầu Đông Hà. Turley giải thích nhiều lần sự cần thiết phải hành động ngay nhưng Định vẫn đẩy quyết định cho cấp cao hơn. "Tôi không thể" là câu trả lời cố định lập đi lập lại của ông. Chán nản, Turley biết rõ rằng, nếu không điều động Sói Biển thì hoàn toàn không có hy vọng gì để ngăn chận được quân Bắc Việt.
Sự trao đổi giữa Turley và Định đã diễn ra ở một khoảng xa thích hợp đối với những người khác trong khu vực G-3. Khi Turley trở lại để gặp thuộc cấp của mình, đặc biệt là nhóm sĩ quan gần gũi đã cùng làm việc chung với nhau trong suốt ba ngày qua, họ có thể cảm thấy qua sự biểu lộ trên khuôn mặt và điệu bộ là anh đã thất bại trong việc thuyết phục Đại tá Định. Tuy nhiên anh biết vẫn phải bằng cách nào đó giữ một thái độ lạc quan cho những người khác nhưng anh chưa biết phải đưa ra lời khuyên gì đây.
May mắn thay là anh không phải làm gì cả. Chỉ một hay hai phút sau đó, Đại Tá Định bước đến phía sau Turley tuyên bố "Tiểu đoàn 3 sẽ chiếm cầu Đông Hà. Tôi sẽ ra lệnh cho Tiểu đoàn trưởng giữ lấy Đông Hà. Anh gọi cho cố vấn của anh đi và báo cho ông ta biết quyết định của tôi." Trong nỗi vui mừng bất ngờ và với một tình cảm đặc biệt, Trung tá Turley đã ôm chầm lấy vị Đại tá TQLC Việt Nam.
SAU CUỘC GỌI MÁY VÔ TUYẾN
Tập họp lại cho đến người cuối cùng Tiểu đoàn 3 trong điều kiện hiện tại với mục đích cấp bách để phòng thủ khu vực chung quanh cầu Đông Hà không phải là một chuyện dễ dàng. Bình, Ripley và toán cận vệ vốn luôn bên cạnh họ, sau khi nhận được lệnh từ Đại Tá Định, đã để lại Đại đội 1 và Đại đội 4 đóng ở ngay cầu; sau đó họ di chuyển qua hướng Tây về phía Cam Lộ để bắt liên lạc và mang cánh Bravo cùng với Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp quay trở lại khu vực cầu.
Mãi cho đến lúc này, Bình và Ripley không thích thú lắm với nhiệm vụ trừ bị cho Sư đoàn. Trong tình huống thế giới chung quanh có vẻ như đang sụp đổ, họ cảm thấy hết sức bực bội vì không đóng được vai trò chủ động nào trong diễn tiến các sự việc. Trong nhiều ngày vừa qua họ đã phải chịu đựng cơn pháo kích liên tục và bao nhiêu là căng thẳng mà không có cơ hội để phản công. Bây giờ thì mọi chuyện sắp sửa thay đổi rồi.
Cả Bình và Ripley đều biết là họ sẽ cần đến hỏa lực của Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp và tất cả các tay súng dự phòng của Sói Biển để có được tối đa cơ hội sống còn nếu họ có ý định giữ lấy Đông Hà, bất chấp cái xác suất xấu một cách đáng sợ đang tăng dần theo từng giây phút trôi qua. Điều mà họ chưa biết là "địch có khoảng 20 chiến xa" nhưng trên thực tế hóa ra là hai trăm chiếc. Việc bắt liên lạc và mang được cánh Bravo cùng Tiểu đoàn 20 Thiếp Giáp về khu vực cầu là một điều hết sức then chốt nếu họ mong chận được địch quân ở phía Bắc dòng sông.
Điều khá nghịch lý là trong tất cả những người trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp thì John Ripley, người Mỹ duy nhất trong nhóm, lại là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong vùng nhiều hơn là bất cứ ai trong những người Việt Nam. Anh là người thông thạo địa hình trong và ngoài Đông Hà nhiều nhất. Khi cả hai đơn vị cuối cùng kết hợp lại được với nhau ở phía Tây của thị trấn và Bình trực tiếp gặp gỡ vị Trung tá QLVNCH chỉ huy Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp thì bọn Bắc Việt tung ra một đợt pháo kích "trừng phạt" trên toàn bộ khu vực Đông Hà. Ripley tin chắc là trong thời gian 45 phút bắn phá có vào khoảng 1.000 trái đạn đã rơi xuống. May mắn là vị trí đóng quân của họ nằm ngoài vùng pháo kích nhưng tác động tâm lý khá nặng nề đối với những binh sĩ đang chứng kiến màn "trình diễn sống sượng" của hỏa lực địch, nhất là viên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp thì kinh hãi thấy rõ.
Trong hoàn cảnh chiến đấu cùng cực, mỗi lần gặp gỡ hội họp với nhau hiếm khi nào là dịp tốt nhất để giao hảo một cách lịch sự, chuyên nghiệp giống như trong các cuộc gặp nhau bàn chuyện làm ăn. Tuy nhiên hội họp trong những điều kiện khắc nghiệt lại cho phép bỏ qua các thủ tục chào hỏi rườm rà để có thể đi thẳng được vào vấn đề. Cảm giác ban đầu của Ripley đối với viên sĩ quan VNCH chỉ huy Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp không được thoải mái, có lẽ vì anh đã có thành kiến chung coi thường thành tích của hầu hết các đơn vị QLVNCH trong vùng gần đó. Điều hiển nhiên mà ai cũng thấy là cái nhân vật chịu trách nhiệm nguyên một đoàn gần 50 chiến xa M-48A3 có vẻ không nhiệt tình lắm trong chuyện đưa thiết giáp vào việc bảo vệ Đông Hà. Khác với hầu hết các sĩ quan TQLC nghiêm nghị, chuyên nghiệp, tận tâm cùng với một ít sĩ quan QLVNCH khác mà Ripley đã quan sát - họ thà chết chứ không chịu để mất mặt hay bị đánh giá là yếu ớt hoặc hèn nhát - vị sĩ quan QLVNCH này có vẻ không quan tâm đến vấn đề giữ thể diện hay không trong lúc này. Ripley thấy rõ là ông này tuy cấp bậc cao hơn Bình nhưng không thể sánh bằng về mặt tinh thần với Bình.
Vị sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp này có cái may là điều luật về việc bổ dụng sĩ quan cố vấn bộ binh Hoa Kỳ hiện chỉ được thực hiện ở cấp Trung đoàn đối với các đơn vị bộ binh do việc tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh tất cả các hoạt động, nhưng vì lý do nào đó chưa áp dụng đối với đơn vị của ông. Do đó Ripley đã gặp được Thiếu tá Jim Smock, cố vấn Hoa Kỳ cho Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp cùng một lúc với viên Tiểu đoàn trưởng VNCH. Phút đầu gặp gỡ còn có nghi ngại, nhưng cũng phải thông cảm cho Ripley về những cảm giác đó vì các đơn vị VNCH lúc này có vẻ chẳng làm được trò trống gì ngoài chuyện rút lui hàng loạt. Đại úy Ripley cho là những lời nhận xét táo bạo và lạc quan của Thiếu tá Smock cũng cần phải xem lại. Về phần mình, Ripley tin là rốt cuộc rồi thì đoàn thiết xa này cũng sẽ phải đưa vào chiến địa thôi.
Lý luận của Ripley rất đơn giản và thẳng thắn. Chiến xa VNCH là loại M-48, khá tốt nhưng chiếc T-54 có hai lợi thế mà anh biết địch sẽ tận dụng tối đa. T-54 được trang bị súng lớn hơn - 100 ly so với 90 ly của M-48 - và trong hầu hết các tình huống, kích thước thực sự làm nên sự khác biệt. Lợi thế cốt lõi thứ hai là hình thù T-54 thấp hơn rất nhiều. Hình dạng này khiến T-54 thành một mục tiêu khó bắn trúng hơn chiếc M-48 cồng kềnh hơn, ồn ào và tốn nhiều công bảo trì, tuy được chế tạo tinh xảo hơn. Dù vậy, bỏ qua những vấn đề đó, yếu tố quyết định thực sự vẫn là khả năng chỉ huy và lòng nhiệt thành chiến đấu của các binh sĩ.
Điều lạ lùng là tại sao chiến xa lại được sử dụng tại đây? Ai cũng biết Việt Nam khó là một môi trường lý tưởng cho các chiến xa tối tân. Dụng tâm của chiến xa là để sử dụng trong những đội hình càn quét khổng lồ trên những cánh đồng trung tâm Âu Châu hay các sa mạc rộng lớn ngút ngàn Trung Đông; chứ không phải tại Việt Nam mà địa hình hầu hết là rừng già ẩm mốc hay những cánh đồng lúa mênh mông. Tuy nhiên đây cũng chính là lý do mà Cộng sản đã mang chúng ra sử dụng. Bọn vẽ kế hoạch Bắc Việt đã đoán đúng là miền Nam và ông chủ bù nhìn Hoa Kỳ sẽ không ngờ là chiến xa lại được mang ra trên một quy mô lớn như vậy như họ sắp thấy.
Một số lợi thế vốn có ngoài chiến trường của chiến xa đã bị vô hiệu hóa bởi địa hình đã khiến cho những con thú vật khổng lồ kềnh càng này chỉ chạy được trên một số ít đường nhựa hay đường mòn có đủ sức chịu đựng của chúng. Tuy vậy, đối với các đơn vị QLVNCH và TQLC lúc này chưa có, hay không có vũ khí chống xe tăng thì cái hỏa lực di động và ảnh hưởng kinh hoàng của chiến xa có khả năng bắn trực xạ rất đáng kể.
Mặc dù Thiếu tá Smock thừa nhận rằng vị Tiểu đoàn trưởng mà anh đang cố vấn còn cần phải được góp ý nhiều hơn nữa nhưng anh cam kết với anh bạn TQLC là những tay lính trẻ trong các chiến xa đã sẵn sàng để xung trận và đang ngứa ngáy được đụng độ với địch. Lúc này Thiếu tá Bình đang thực sự nhiếc móc viên sĩ quan cấp cao hơn anh, khuyến cáo ông ta phải hành động như một người đàn ông và ra lệnh cho đơn vị của ông phải làm điều đúng là phòng thủ Đông Hà. Trong suốt cuộc tranh cãi gần như một chiều giữa con sư tử và con cừu, Bình không kềm giữ trong lòng điều gì nữa và cố gắng truyền chút sinh khí cho tay Tiểu đoàn trưởng Thiết Giáp. May cho Bình là anh không bị giới hạn bởi những phong cách hành xử mà Gerry Turley đã từng bị. Cũng mất một hồi lâu và Bình đã phải sử dụng khéo léo tất cả các mánh khóe trong "sách" nghệ thuật chỉ huy của mình nhưng rồi cũng thành công phần nào. Sự hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi cũng là những động lực mạnh mẽ.
Kiến thức rộng rãi về địa hình trong khu vực của Ripley là một ưu điểm rất lớn. Trong lúc Bình vẫn tiếp tục khuyên bảo viên Trung tá VNCH thì Ripley hướng dẫn các TQLC và đám lính miễn cưỡng của Thiết Giáp đi vòng qua những ngã sau của Đông Hà nhằm thoát ra khỏi hàng rào pháo kích liên tục của địch và cuối cùng đến được vị trí ngay phía Nam của cây cầu.
Tại cầu Đông Hà, Đại đội 1 và 4 của Sói Biển đã thực sự đụng độ ác liệt với các lực lượng Bắc Việt mới đến tại bờ Bắc của dòng sông. Vừa trông thấy chiến xa địch xuất hiện, Ripley đã gọi ngay hải pháo. Loạt hải pháo đầu tiên trước đó lúc anh còn ở phía Tây của thị trấn đã có kết quả là tiêu diệt được bốn chiếc PT-76. Khi họ đến gần Đông Hà, Ripley vẫn tiếp tục sử dụng hải pháo. Những loạt sau tiêu hủy hầu hết là T-54.
Sự xuất hiện những chiếc dẫn đầu của Tiểu đoàn 20 Thiết Giáp làm thay đổi tình thế vì M-48 VNCH thực sự lần đầu tiên đã "lấy máu" được kẻ thù lâu nay không ngờ có thể bị đụng với thiết xa VNCH. Ngay lúc này thì bọn Cộng sản không lộ vẻ gì là sẽ mưu toan vượt sông trong thời gian sắp tới. Nhưng mọi người đều biết là chúng sẽ làm thôi, không chóng thì chầy.
TRONG KHI ĐÓ TẠI TRUNG TÂM HÀNH QUÂN CHIẾN THUẬT
Ranh giới của vũ trụ hiện tại ngay trước mắt đối với John Ripley, Lê Bá Bình, và các chiến sĩ Sói Biển là tầm bắn hiệu quả tối đa của tất cả các vũ khí mà họ có thể sử dụng và nhìn thấy được điểm rơi. Đối với Gerry Turley tại Trung Tâm hành Quân Ái Tử thì có phần rộng hơn một chút. Bất cứ ai đọc được bản đồ cũng đều thấy Đông Hà và cây cầu là chìa khóa của sự thành công hay thất bại trong vòng vài giờ sắp tới. Mặc dù nhận thức được điều đó nhưng Turley và toán của anh vẫn phải lo lắng và phối hợp những vấn đề tại các điểm khác trên địa bàn phía Bắc Vùng I Chiến Thuật. Tại những nơi này lực lượng VNCH và TQLC đang chịu đựng các tình huống càng lúc càng thêm khó khăn.
Trong lúc liên tục phân tích để điều động thời gian, nỗ lực, sự lo âu và nguồn lực, những điều dự đoán sắp sửa xảy ra tại Đông Hà đã khiến cho nơi này trở thành trọng tâm nhưng không phải là tất cả nỗ lực chung. Còn nhiều chỗ khác nữa cũng cần phải chú ý đến vì nếu lơ là thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến bức tranh chiến lược tổng thể.
Không đầy 15 cây số về phía Tây của cầu Đông Hà có một cây cầu nhỏ hơn bắc qua sông tại Cam Lộ cũng có khả năng chịu đựng được chiến xa hạng nặng. Cái cầu đó hẳn nhiên đối với mọi người sẽ là lối giải quyết thứ nhì của Bắc Việt cho các đoàn thiết xa nếu họ không chiếm được cây cầu chính của Đông Hà. Turley cũng muốn phá nó luôn. Một lợi thế mà quân Đồng minh có là hải pháo, tuy không đủ sức để phá cho cầu sập xuống nước luôn nhưng cũng đã được sử dụng với hiệu quả tốt khi chống lại đợt tấn công ban đầu của thiết xa địch, nhờ sự phối hợp và kế hoạch đã tính trước của toán Joel Eisenstein rất phù hợp với quyết định nhanh chóng của John Ripley đã gọi và điều chỉnh hỏa lực nhắm vào địch. Cam Lộ thì nằm quá xa trong đất liền cho việc hỗ trợ bằng hải pháo, còn không quân thì không thể sử dụng được cho tới khi nào thời tiết tốt hơn.
Lúc này thì trung đoàn thứ nhì của Sư đoàn 3 BB QLVNCH đang rút xuống Cam Lộ tương đối có trật tự hơn là Trung đoàn 57 tại Đông Hà. Bị quân Bắc Việt rượt theo sát đuôi nên lực lượng Công Binh Chiến Đấu không tài nào đặt chất nổ để phá hủy cầu Cam Lộ được.
Năm cây số về hướng Tây Nam của Cam Lộ là căn cứ Carroll, nơi đó có Trung đoàn 56 và 22 khẩu trọng pháo trọng yếu gồm cả bốn khẩu 175 ly quý giá cũng đang chịu áp lực nặng nề của địch. Turley và toán của anh trong Trung Tâm Hành Quân không lường trước được là có các thế lực ngấm ngầm bội phản trong nội tình lãnh đạo địa phương của QLVNCH. Kết quả đưa đến là sự đầu hàng hèn hạ của cả căn cứ hỏa lực với tất cả binh sĩ, súng ống và trang thiết bị. Lúc đó thì tất cả những gì Turley biết được là tình hình tại căn cứ Carroll đã tuyệt vọng và các yêu cầu bắn hỗ trợ không được trả lời.
Điều duy nhất còn khả quan về tình trạng của căn cứ yểm trợ hỏa lực Mai Lộc, non bốn cây số về hướng Nam của trại Carroll nơi mà Lữ đoàn 147 TQLC Việt Nam đang trấn giữ, là các lực lượng TQLC tuy bị áp đảo về quân số và hỏa lực nhưng vẫn chống trả kịch liệt. Tuy nhiên họ khó mà giữ mãi được.
Từ khởi đầu của cuộc công kích lễ Phục Sinh (Mùa Hè Đỏ Lửa), hải pháo đã chứng tỏ là nguồn hỏa lực duy nhất có thể tin cậy được trong việc yểm trợ cho các đơn vị nào trong tầm hoạt động. Cho đến buổi sáng lễ Phục Sinh, có năm chiến hạm ngoài khơi là những chiếc: USS Buchanan (DDG‐14), USS Strauss (DDG‐16), USS Waddell (DDG‐24), USS Anderson (DD‐786), và USS Hamner (DD‐718). Tất cả những chiếc tàu này đã bắn đi những đợt hỏa lực áp chế mạnh mẽ và chính xác. Các hạm trưởng đã cho chiến hạm vào sát bờ tối đa để tận dụng từng thước cho tầm đạn của hải pháo.
Việc điều động hỏa lực Hải quân như vậy đòi hỏi sự phối hợp và liên lạc chặt chẽ giữa các chiến hạm và các lực lượng trên bờ. Đồng thời với nỗ lực đó, các hạm trưởng cũng gởi bản sao các thông điệp cho cả Trân Châu Cảng lẫn Sài Gòn. Sự liên lạc này phần nào đã bị trì trệ với hậu quả là làm ảnh hưởng đến Turley và toán của anh tại Trung Tâm Hành Quân. Chính Turley cũng không đoán trước được sự việc này và hoàn toàn không hay biết gì hết.
Cho đến sáng lễ Phục Sinh thì mọi người trong Trung Tâm Hành Quân bắt đầu nghe tin đồn nhiều hơn từ những người anh em Hải quân ngoài khơi ám chỉ đến các lực lượng TQLC Hoa Kỳ đang lênh đênh ngoài biển và gợi ý một cách lộ liễu là họ chỉ chờ được mời vào nhập cuộc. Turley dẹp hoàn toàn và bỏ ra ngoài tai cái ý tưởng này. Thay vào đó, anh tập trung vào việc sử dụng tối đa các phưong tiện mà anh vẫn tin tưởng tuyệt đối.
Điều mà không ai trong Trung Tâm Hành Quân có thể lường được là sự lan truyền nhanh chóng của các tin tức sai lạc đó. Nó giống như Turley và toán của anh tự dưng là thành viên bất đắc dĩ của một kiểu trò chơi "điện thoại" dành cho người lớn trong đó cứ mỗi lần truyền tin đi truyền tin lại thì các dữ kiện được báo cáo lên các cấp cao hơn theo hệ thống quân giai lại càng bị bóp méo hơn. Mặc dù các nhân vật tại Sài Gòn từ từ cũng nhận ra là tình hình tại phía Bắc Vùng I Chiến Thuật không khá lắm nhưng đồng thời họ có vẻ như hết sức quân tâm là có một tên Trung tá TQLC nổi loạn nào đó đang giở chứng tại Trung Tâm Hành Quân Ái Tử.