Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Nguồn trích dẫn
Tác giả là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại, hiện là cư dân Mission Viejo, CA. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh, Vĩnh Chánh là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigon ngày 30 tháng Tư. Với bài "Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè" viết Tháng Tư 2013, Ông đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ cùng năm. Bài mới nhất có kèm theo lời ghi của tác giả: Viết cho Ngày Lễ Mẹ năm 2016, nhằm ngày 8 Tháng Năm sắp tới.
* * *
Tôi là trai út, nhỏ nhất trong nhà. Ba tôi mất vài tháng trước khi tôi được sinh ra. Măng tôi buộc phải dấn thân bên ngoài buôn bán kiếm tiền nuôi đàn con dại 6 đứa. Anh đầu tôi vừa qua 11 tuổi, được các cha Đan Viện Thiên An nhận vào học nội trú. Chị lớn của tôi, bấy giờ mới 9 tuổi, đang học tiểu học ở trường Đồng Khánh, đã phải gánh vác trọng trách coi trong ngó ngoài. Mỗi xế chiều, trên đường đi học về thường ghé chợ Bến Ngự để mua thức ăn với giá rẻ trước khi chợ vãn, rồi phụ với o người làm nấu nướng. Ngoài chuyện theo dỏi học hành của 3 người em kế mình, Chị còn phải lo săn sóc tôi trong những năm đầu tiên. Tôi nghe kể lại, những khi tôi khóc vì đói mà Măng tôi không có nhà, Chị vội bồng tôi sang nhà Cô tôi ở gần đó, xin cho tôi được bú vú chung với con trai của Cô cùng lứa tuổi tôi. Chị bồng ẳm tôi, cho tôi ăn, ru tôi ngủ, tắm rửa cho tôi, may quần áo từ đồ cũ cho tôi mặc theo kiểu may cho búp bê tuy với cở lớn hơn.
Khi tôi bắt đầu có trí nhớ và đã biết loanh quanh chạy chơi một mình, Chị vẫn thường dẫn tôi đi tè ngoài sân cỏ bên hông nhà trước khi ngủ đêm, và đôi khi còn cầm đèn manchon dẫn tôi ra tận cầu xí ở vườn sau vì tính sợ rắn và sợ ma kinh niên của tôi. Trên bộ ván kê sát cửa sổ, tôi được nằm giữa Măng và Chị. Vào những đêm trăng, tôi nằm nghiêng hướng về cửa sổ, theo dỏi mặt trăng khi sáng trong, khi lu mờ vì mây. Bóng cây bên ngoài và của các song cửa từ từ xoay chuyển theo hướng ánh trăng, tạo ra những hình ảnh di động nhảy múa, chập chùng trong đêm khuya, mãi cho đến khi trăng rời dần khung cửa sổ để bóng tối từ từ chiếm ngự cả căn phòng. Dưới ánh trăng nằm nghiêng ấy, tôi chơi trò giăng tay đưa chân lên múa trong lúc chờ ngủ.
Trăng luôn là hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi thơ tôi ở bất cứ thời điểm nào, nơi nào. Vui trăng với anh chị em trong nhà, nghe kể bao câu chuyện thần tiên về trăng, thêu dệt mộng mơ với trăng. Chạy chơi, trốn núp rượt nhau dưới trăng với bạn bè trong xóm. Cầm lồng đèn rước Ông Trăng mỗi Trung Thu. Tranh dành trăng chạy theo mình. Nhìn trăng khi trăng vừa chớm lên, treo ngang đỉnh cây hoặc khi trăng ngã mình vào sáng. Trong tuổi thơ của tôi, từ tuổi đái dầm cho đến năm 7-8 tuổi, nhìn mặt trăng nằm nghiêng từ trên bộ ván khi tôi được nằm giữa Măng và Chị luôn là kỷ niệm sâu đậm. Tôi đã hỏi Chị không biết bao nhiêu câu về trăng, về ông Trăng, chú Cuội, chị Hằng Nga, cây Đa…Hỏi trăng chạy theo mây hay mây chạy theo trăng để được nghe Chị luôn trả lời mây nhẹ nên mây bị gió thổi phải chạy theo trăng.
Xong cuối năm lớp Nhất tiểu học, Măng tôi quyết định gởi Chị lên học trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt. Lý do duy nhất mãi sau này tôi mới rỏ là Măng tôi nghĩ Chị sẽ chóng lớn và mập mạnh nhờ được dinh dưỡng tốt với bơ sữa nếu được học và ở nội trú tại trường nổi tiếng này... Mỗi lần về thăm nhà trong những dịp trường tạm đóng cửa nhiều ngày như Giáng Sinh, Tết hoặc hè, Chị luôn để dành tiền mua chút quà, khi thì dâu tây, mận, cà rốt, khi thì bắp su, khoai lang khô… Đó là những khi nhà tôi vang ngập tiếng cười. Chị kể không biết bao câu chuyện của đời nội trú, của mấy người bạn nhà giàu cùng lớp được người nhà đem xe đến rước đi chơi mỗi cuối tuần, hay câu chuyện của các nàng công chúa xứ Lào, xứ Cao Mên. Toàn những câu chuyện xa lạ tuyệt vời khiến thằng bé như tôi luôn hả miệng nghe một cách say sưa. Măng tôi thỉnh thoảng chen vào, nhắc nhở các bà chị tôi đều là công chúa hết đấy vì tên họ là Công Huyền Tôn Nữ, được láng giềng trong xóm Đường Đá của Phủ Cam kính cẩn kêu bằng Mụ.
Một trong những câu chuyện thần tiên Chị kể đã để lại ấn tượng mãnh liệt vào trí tôi trong bao năm là mỗi khi Chị ngồi trên máy bay từ Đà Lạt về thăm nhà, Chị đưa tay ra bên ngoài cửa sổ với bốc những cụm mây trắng vào để ăn, thơm ngọt y như kẹo bông gòn nếu nhẹ, hoặc giống như kẹo kéo sợi nếu nặng hơn vì có mưa. Câu chuyện tôi sợ nhất là mấy con đười ươi vừa đưa tay đập thình thịch vào ngực chúng vừa hả miệng đỏ như máu cười từng tràng dài khi nhìn chăm hẳm vào mặt trời lặng. Qua trí tưởng tượng của tôi, tôi hỏi Chị có thấy Tôn Ngộ Không đằng vân giá võ trong mây không? Chị trả lời không thấy được vì ngồi phía cửa sổ bên này, chứ nếu ngồi ngã bên kia cũng sẽ thấy như con bạn của Chị đã thấy vậy. Mỗi khi trời nổi gió mang theo nhiều sợi tơ bay trong bầu trời, Chị giải thích đấy là những tơ trời do mây trên cao bị gió cuốn xuống đậu trên các cây vườn nhà tôi. Mãi sau này tôi mới biết đó chỉ là những sợi mạng nhện từ rừng thông bên cạnh nhà bay qua.
Chị từng hứa sẽ đem về cho tôi một ít mây trên trời lấy từ phi cơ trong lần tới, nhưng chuyện đó đã không xẩy ra được vì Măng tôi chỉ đủ tiền gởi Chị đi học xa 2 năm thôi, dù Chị học rất giỏi và có thư giới thiệu từ các cha ở Thiên An.
Thời gian Chị trở lại Huế và vào học trường Lycée Francais cũng là thời gian tôi bắt đầu được cho học lớp Mẫu Giáo của cô Thỏa ở trường Đồng Khánh. Không như Thanh Tịnh viết “mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và đẹp…” của ngày đầu tiên đến trường, Chị là người dẫn tôi đến trường buổi đầu tiên. Tôi nhớ mình không hề khóc, vật vã hay gây khó khăn mà ngược lại tôi tung tăng vui vẻ đi bên cạnh Chị, vì tôi đã được Chị mớm cho nghe bao chuyện vui, bao trò chơi, bạn mới tại trường. Ngoài ra tôi cũng an tâm vì biết Măng tôi bấy giờ đang dạy học ở đó. Và từ đấy, sáng nào tôi cũng lẽo đẽo theo chân các chị, khi gần đến trường Đồng Khánh, chị tách đi về hướng trường Lycée của chị, để 2 chị sinh đôi và tôi tiếp tục đến thẳng trường Đồng Khánh.
Năm sau, vì phải học giáo lý, nên Măng tôi cho tôi vào học trường đạo của các bà Sơ Dòng Mến Thánh Giá, nơi có lò bánh mì rất ngon, nằm bên cạnh nhà thờ Phủ Cam. Chị lại dắt tôi đến trường này vào mỗi sáng, và tôi tự đi bộ về nhà buổi trưa. Thời gian tôi bị chúng bạn ăn hiếp, trêu chọc, có lẽ vì ma mới… Chị đến can thiệp thẳng với Sơ Kinh, Bề Trên của nhà trường, hoặc răn đe mấy đứa đầu xỏ.
Một năm sau, khi xong phần Rước Lễ Vỡ Lòng, tôi trở về học tiếp lớp Tư trong niên khóa mới ở tiểu học Đồng Khánh, cùng lúc Chị được cho vào học lớp Đệ Tứ cũng ở ĐK vì trường Lycée không mở tiếp lớp Troisième. Nên tôi lại có dịp đi cùng về cùng với các chị. Đó cũng là thời gian Chị được Măng tôi giao thêm trọng trách giữ tiền chợ búa và chi tiêu lặt vặt cho gia đình. Song song với sự hãnh diện, Chị lo lắng toan tính để chắt bóp chi tiêu khi biết Măng tôi bắt đầu mang nợ vì nuôi cả bầy con 6 đứa.
Ngay trong mùa hè Chị thi đậu Diplome, gia đình tôi được bà hiệu trưởng giúp đỡ cho vào ở khu vực dành riêng cho gia đình các giáo sư dạy trong trường ĐK. Lần tôi bị bệnh thương hàn thoi thóp nằm liệt giường, cứ sau mỗi giờ học từ lớp học ở lầu dưới Chị chạy lên tầng 3 của nhà để chăm sóc tôi, canh chừng người làm không cho tôi ăn đồ đặc vì sợ tôi bị lủng ruột, tôi chỉ được uống nước cháo, sữa…Đến khi tôi ăn trả bữa, Chị mua gà về để người làm hầm cho tôi ăn và mua luôn cả nho, loại trái cây tôi rất thích nhưng hiếm và rất mắc. Rồi tôi chuyễn qua trường Providence theo học chương trình Pháp ngay sau hè lớp Nhì ở tiểu học ĐK, Chị là người dạy tôi đọc, học tiếng Pháp từ căn bản, và đố chữ ngay trên hình của đầu trang mỗi alphabet từ cuốn tự điển Larousse.
Sau khi đậu Tú Tài 2 Ban C, Chị dẫn tôi đi chơi Nha Trang trên chiếc xe riêng của Cha Cao Văn Luận khi cha cho xe chở cháu gái của cha là chị An trở về lại nhà sau 2 năm chị An ở chung nhà với chúng tôi từ khi chị ra làm việc tại BV Huế.
Làm sao tôi có thể quên được chuyến du lịch đường bộ đầu đời của mình, đi xuyên qua bao thành phố, trong chiếc xe nhà mới tinh đang chạy rodage. Tôi đặc biệt được Chị cưng chiều trong chuyến đi này, mua đủ thứ đồ ăn dọc đường... Lần đầu tiên thấy con khô mực nướng cán mỏng chấm với tương ớt ở bãi biển Nha Trang tôi mê ngay và xin ăn không chán, vì nó thật hấp dẫn và hoàn toàn khác hẳn với khô mực nướng gói trong giấy rồi lấy búa đánh cho mềm như ở Huế. Chị cũng chìều tôi khi mua cho tôi khẩu súng lục bắn đạn diêm sinh, món đồ chơi đầu đời hãnh diện nhất của tôi.
Khi Chị quyết định vào Saigon theo học trường Dược, Măng tôi lo lắng nhiều nhưng hoàn toàn tin tưởng vào lời giải thích của Chị rằng tuy học một năm nhiều hơn so với 4 năm ở ĐH Huế, nhưng khi tốt nghiệp Chị có thể làm nghề tư dễ sống hơn dạy học mà Chị cảm thấy không mấy thích hợp. Anh đầu tôi đang học trường Y Saigon, bây giờ thêm Chị đi học xa nữa, Măng tôi sẽ khó khăn nhiều về tài chánh. Nhưng rồi Chị cũng vào Saigon học, và ra trường đúng 5 năm sau. Chị xin vào ở trong cư xá của các Sơ Regina Pacis tại đường Tú Xương, tằn tiện từng đồng, dành tất cả số tiền nhỏ nhoi cho chuyện học và mua sách vở. Nếu có dư chút tiền nào, Chị cho người anh đầu vì “con trai bao giờ cũng có chuyện cần tiêu nhiều hơn con gái” Chị thường giải thích cho trong nhà như vậy.
Mùa Hè 1963, Chị nhắn Măng cho tôi lên Đà Lạt để gặp vợ chồng Chị và đứa con gái mới sinh. Đây là chuyến du lịch đầu đời một mình của tôi bằng máy bay, đến một thành phố mà tôi có sẳn bao câu chuyện đẹp qua lời kể trước đây của Chị. Lần đầu gặp chồng Chị, người bạn học cùng lớp mà chị rất hãnh diện vì anh đậu thủ khoa, tôi cảm thấy dễ chịu và gần gủi với anh vì giọng nói hiền hòa Miền Nam của anh. Tôi muốn bồng đứa cháu gái, nhưng con nhỏ không ngoan như tôi hồi nhỏ. Nó làm như cậu nó là hung thần vì mỗi khi thấy tôi nhìn là nó ré khóc, vùng vằng, quay mặt đi chổ khác. Hai năm sau khi khám phá căn bệnh tim làm cho cháu yếu đuối và chướng kinh niên, Chị kiên trì chầu chực ở Bộ Y Tế xin cho bằng được giấy phép đem con gái mình qua Thụy Sĩ để mổ tim qua chương trình Terre Des Hommes, dù đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ ba.
Rời Đà Lạt, tôi theo anh chị về Saigon. Với bao háo hức của lần đầu tiên đến thủ đô, tôi tận tình tìm hiểu Saigon bằng cách tìm ăn những món ngon lạ như hủ tiếu, bánh cuốn, cuốn bì, phá lấu, đu đủ bào trộn gan cháy, cơm tấm bì, cháo cá, bánh bao, bánh mì kẹp, trái cóc dầm chua ngọt, các loại chè có nước dừa trộn với nước đá bào…Toàn những món không hề thấy trước đây ở Huế của tôi. Ui chao ơi là sướng, nhất là khi được Chị cho tiền tiêu xài rộng rải.
Trong thời gian anh rể tôi bị trưng tập vào Quân Y và làm việc ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, Chị mở dược phòng ngay trung tâm chợ Cầu Muối. Đó là thời gian Măng tôi vừa sung sướng vừa hãnh diện vì tháng tháng bà ra Bưu Điện Huế lãnh mandat mấy chục ngàn do Chị gởi về. Tôi cũng cảm thấy hãnh diện lây khi được Măng sai đem số tiền lớn đi trả cho từng chủ nợ mà đa số là những người quen biết trong đại gia đình hay trong giới bạn làm chung ở trường ĐK. Chưa đến 3 năm thì Măng tôi trả được hết nợ. Bao người quen thân khen Măng tôi thật có phước khi có con gái đầu không những học hành kiêm toàn, như lời phê của một cô giáo tiểu học của Chị, mà còn biết thương mẹ và gia đình, chịu khó tảo tần cho mẹ và giỏi từ khi còn nhỏ tuổi, hiếu thảo trả hết nợ cho mẹ dù có gia đình riêng.
Sau biến cố Mậu Thân 1968, tôi theo trường Y Khoa Huế di chuyển vào Saigon tiếp tục học trong 2 niên khóa. Tôi thật xúc động khi được anh chị mua sẵn một xe Mini Lambretta mới nguyên để tôi có ngay phương tiện đi học dễ dàng. Bấy giờ Chị đã có 4 đứa con gái và chồng chị được biệt phái về Saigon làm việc ở Nha Tiếp Liệu thuôc Bộ Y Tế.
Vài năm sau, với tinh thần luôn học hỏi, anh theo học và đậu Cao Học Quản Trị Kinh Tế, được đưa về làm giám đốc trường Quản Lý Bệnh Viện. Đó cũng là thời điểm anh chị tôi mở hãng bào chế thuốc Alpha, nằm ngay trên lầu 2 và lầu 3 của dược phòng của Chị; anh lo về phần điều hành quản trị, Chị lo về phần chuyên môn nghiên cứu và sản xuất các món thuốc thông dụng.
Hãng Alpha chuyên sản xuất những gói bột chữa trị những bệnh thông thường ở trẻ con như nóng sốt, ho, ban sởi, thương hàn, tiêu chảy, ói mửa… Đồng thời hãng sản xuất luôn cả dầu gió xanh, dầu gió nóng. Những dược phẩm này rất được ưa chuộng và bán hầu như trong mọi chợ, các tiệm tạp hóa, các bến xe đò. Thương nghiệp tốt dần, cơ sở kinh doanh đang trên đà phát triển mạnh thì Miền Nam sụp đổ. Anh chị tôi chỉ kịp mang 4 đứa con chạy ra khỏi nước trong ngày 29 tháng 4, 75, bỏ lại tất cả sự nghiệp xây dựng trong hơn chục năm qua.
Cũng như đại đa số người Việt định cư trên đất Mỹ sau ngày mất nước, anh chị tôi đã phải làm những công việc ngoài tầm hiểu biết để mưu sinh. Ông Bill Horn, một cựu TQLC Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam cùng cộng đoàn nhà thờ của ông đã bảo lãnh gần cả trăm người Việt tỵ nạn CS từ trại Camp Pendleton, trong đó có cả đại gia đình anh rể tôi và gia đình anh chị tôi. Chính ông Bill đã giới thiệu anh rể tôi đến làm thợ cắt cỏ trong công ty của ông Dale, và giới thiệu chị tôi làm ở một hảng may kỷ nghệ mà tiền trả lương dựa trên số sản phẩm may được mỗi giờ. Chị siêng năng làm việc ngày đêm, lúc mới vào nghề được trả 50 cents mỗi giờ, năm sau lên đến cả $15.00 mỗi giờ và được chủ tin cậy giao chìa khóa hãng vào may đêm hôm lúc nào cũng được. Sau gần một năm cắt cỏ, anh rể tôi mới xin được vào làm việc ở hãng Allergan tại Irvine. Và chưa đến 2 năm sau khi rời trại Pendleton, anh chị mua căn nhà đầu tiên ở Mission Viejo, bắt đầu thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp trên xứ người.
Không thoả mãn vì tương lai bấp bênh của chính mình và nhất là các con kề cận tuổi vào đại học, cả anh chị tôi vừa làm việc ban ngày vừa thức đêm kèm nhau học lại chuyên môn. Năm 1978 cả hai đều đậu cùng một lúc chứng chỉ Clinical Lab. Scientist (tức là Medical Technologist sau này) và nhanh chóng xin được việc làm trong phòng thí nghiệm của bệnh viện, cùng là khi hãng may của Chị đóng cửa. Anh làm 2 full time jobs tại 2 bệnh viện khác nhau, Chị làm 2 ½ full time jobs, cũng ở 2 bệnh viện cách xa nhau cả 50 miles. Như một giàn máy hoạt động nhịp nhàng ăn khớp, anh chị tiếp tục làm việc không nghỉ, xây dựng và cũng cố tương lai gia đình, chu cấp cho các con vào các đại học công và tư, CSU Fullerton, UC Riverside, rồi UC San Francisco, Loma Linda, UOP... ròng rã trong suốt hơn 18 năm, vượt thoát 3 tai nạn giao thông trầm trọng với xe hoàn toàn phá hủy nhưng lại không một chấn thương nặng.
Dù bận rộn bao nhiêu, từ công việc ở sở, cho đến việc nhà, nuôi dạy các con, Chị luôn tìm cách cầu nguyện giữa những khi rảnh rỗi, trong ca trực đêm ở bệnh viện, xin Ơn Trên giúp Chị vượt qua những lúc đuối sức hay trở ngại căng thẳng trong công việc, cho gia đình bình an và các con nên người. Như một sắp đặt nhiệm mầu, cứ sau mỗi đứa con tốt nghiệp, anh hoặc chị mất đi một công việc vì các bệnh viện liên doanh và sát nhập với nhau. Vài năm sau, khi con gái út tốt nghiệp Nha Sĩ và thành hôn, chị nghỉ hẳn luôn ở nhà, chỉ anh còn đi làm thêm vài ba năm rồi cũng về hưu luôn.
Vì hoàn cảnh chồng mất sớm, Măng tôi phải đóng vai vừa của một người cha đi ra bên ngoài làm việc nuôi gia đình, nghiêm trang cứng rắn dạy dổ con cái bên trong nhà, vừa mang trọng trách của một người mẹ luôn lo lắng đến phúc lợi của con mình, cảm thông và nhạy cảm với những nhu cầu của con. Riêng phận tôi là con út, đôi khi tôi cảm thấy thiếu thốn tình thương. Chị là người san sẻ bù đắp bao thiếu thốn cho tôi, đem đến cho tôi bao dịu ngọt trong tình thương qua săn sóc lo lắng, kể cả dạy dổ khuyên răn.Từ thủa còn bé cho đến bây giờ. Khó kể cho hết tình thương Chị đổ xuống cho tôi, từ chuyện giúp đở tiền bạc cho tôi ăn học trong những năm ĐH, tiền tiêu xài những khi tôi vào chơi Saigon 4-5 lần mỗi năm, tiền in luận án y khoa, gởi tiền nuôi vợ chồng chúng tôi sau 1975 khi tôi tù tội cho đến khi chúng tôi đến được bến bờ tự do… Thời gian gần đây, nhân dịp ghé thăm ông (thân phụ của anh rể) ở gần nhà, anh chị thường tạt ngang chúng tôi một hai lần mỗi tuần, lần nào cũng mang theo chút quà, ngồi chơi năm mười phút, nói đôi ba câu chuyện thân tình, như để khích lệ, năng đỡ tinh thần và sẳn sàng chia xẻ buồn vui. Anh chị nhẹ nhàng nhắc nhở đến việc cầu nguyện, gìn giữ linh hồn, thật sự quan tâm đến hạnh phúc gia đình của thằng em út.
Nơi Chị, tôi học đưọc cách ăn ở tử tế phúc hậu, cách cư xử ngay thẳng công minh, sự cảm thông và tính rộng lượng. Nơi Chị, tôi biết được sự cao quý của hy sinh cho gia đình cha mẹ anh chị em song song với sự đảm đang chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ, vun xới tương lai cho con cái.
Qua Chị tôi thấy được hình ảnh của một người mẹ nhân từ, kiên nhẫn, hiền hòa nhưng cứng rắn nếu cần. Chị đã từng lập lại câu nói của Măng tôi khi dạy con mình “Nghèo không phải là cái tội. Học dốt và nhất là không chịu học để thành người tốt mới là cái tội”.
Và qua Chị, tôi nhìn thấy được sự thiêng liêng của đức tin và sự tin tưởng vào cầu nguyện khi khổ cực cũng như trong sung sướng. Cũng bởi lẽ đó, Chị tôi mới có được người chồng đúng theo nghĩa “đằng sau sự thành công của người vợ là một người chồng vĩ đại”. Và cũng vì vậy, Ơn Trên mới ban phước cho 4 con gái của anh chị, gồm 3 nha sĩ và 1 bác sĩ, đều là những công dân ưu tú trên nước Mỹ.
Chị không ngừng khẳng định nước Mỹ là xứ sở của cơ hội, chỉ cần chịu khó và cầu tiến thì ai cũng sẽ thành công. Đồng thời Chị luôn nhắc nhở các em và con cái mình, những người di dân được nước Mỹ tiếp nhận cho làm lại cuộc đời và ân hưỡng sự an sinh xả hội tốt đẹp, nên biết ơn và trả ơn nước Mỹ. Tôi cũng từng được gặp những người bảo trợ anh chị trước đây như ông bà Bill Horn, nay là một Giám Sát Viên của quận hạt San Diego, và ông bà Dale, tại nhiều buổi tiệc Cám Ơn do anh chị tổ chức qua những năm trước đây.
Trong những lúc nhớ đến Măng tôi, những thoáng nghĩ đến Chị cũng chợt kéo về. Tuyệt diệu, trìu mến và lung linh như ánh sáng mặt trăng nằm nghiêng của tôi một dạo nào. Bù lại cho sự thiếu vắng hình ảnh của người cha, tôi luôn nhận thức Thiên Chúa đã cho tôi may mắn có 2 bà mẹ, hai bà tiên thay phiên cưu mang tôi từ bé cho đến khi thành người. Để khi Măng tôi mất, chị tôi tiếp tục quan phòng cho tôi.
Vĩnh Chánh