Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
soluoc4
soluoc1
soluoc2
soluoc3
ABCD vŠ bŒnh Alzheimer
 
 
NguyÍn Nguyên

Sơ Lược về bệnh Alzheimer

Bài này chỉ nhằm cung cấp thông tin tổng quát. Các chi tiết và số liệu rườm rà sẽ không đuợc bàn; các trường hợp cá biệt cần được xử lý và tư vấn bởi các nhân viên hữu trách.

Vì thuật ngữ bằng tiếng Việt chưa đồng nhất, một vài thuật ngữ và chữ viết tắt sẽ được ghi chú bằng Anh ngữ trong dấu ngoặc đơn, để tiện cho người đọc lúc phối kiểm hoặc thâm cứu.

Tâm sự của một người bệnh AD

Ngây ngô, ngớ ngẩn chán đời
Quên ngày, quên tháng, quên người thân thương!
Ngẩn ngơ, ngốc nghếch khác thường
Cửa nhà đi lạc, phố phường chẳng hay
Ngù ngờ, ngọng nghịu suốt ngày
Nghẹn lời khó thể giải bày với ai!
Xưa sao tươm tất trong ngoài
Giờ sao xơ xác từ ngoài chí trong
Áo quần tự mặc chẳng xong
Lôi thôi lếch thếch không mong bằng người?!


Sơ lược về bệnh Alzheimer (AD)

Xưa nay người ta thường sợ mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, cơn tim cấp (heart attack), đột quỵ (stroke), và sợ gặp tai nạn. Gần đây, qua sách báo, radio và Internet, nhiều người đã tìm hiểu và quan tâm khá nhiều về bệnh Alzheimer.

Bệnh này là một dạng thường gặp của nhóm bệnh mang tên Dementia [có người dịch là “bệnh mất trí”, người khác gọi là “bệnh lú lẫn”]. Sau đây, xin gọi vắn tắt là bệnh AD.

Một số đặc điểm đáng chú ý của bệnh AD sẽ được bàn đến; và bàn tập trung vào các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng (para-clinical tests), việc điều trị, tiên lượng bệnh, và 5 bước để giảm nguy cơ mắc bệnh AD.

Bệnh AD được phát hiện từ năm 1901.

Trong năm 1901, khi làm việc tại một viện tâm thần ở thành phố Frankfurt, nước Đức, Bác sĩ Alzheimer có một bệnh nhân 51 tuổi (Ms A. D.). Bệnh nhân này có một số triệu chứng đặc biệt, khác với nhiều chẩn đoán hiện có vào thời ấy. Bà A. D. nhanh chóng mất trí nhớ, mất phương hướng, lú lẫn, gặp khó khăn khi bày tỏ suy nghĩ của mình; bà cũng thường nghi ngờ về các thành viên trong gia đình của mình và nhân viên bệnh viện. Triệu chứng của bà A. D. ngày càng nặng thêm. Bác sĩ Alzheimer viết rằng bà ấy từng nói với ông: “Tôi đã đánh mất chính mình.”

Những năm sau đó, bệnh trạng của bà A. Deter chiếm nhiều thời gian của Bác sĩ Alzheimer đến mức gần như trở thành một nỗi ám ảnh đối với Ông ta. Bệnh nhân A. D. qua đời vào năm 1906. Bác sĩ Alzheimer và những người làm việc tại phòng thí nghiệm Kraepelin ở Munich, nhận được hồ sơ bệnh lý và bộ não của bà ấy gửi đến đó.

Cùng với hai bác sĩ người Ý, Bác sĩ Alzheimer thực hiện khám nghiệm tử thi. Việc khám nghiệm tử thi cho thấy não của bà bệnh nhân A.D. teo lại đáng kể, nhưng không có dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Ông dùng một kỹ thuật nhuộm màu của một đồng nghiệp cũ Franz Nissl và xác định được các mảng amyloid (amyloid plaques), và đám rối (neurofribrillary tangles - NFT) trong não của người quá cố. Đây là hai điểm nổi bật về tổn thương bệnh lý của bệnh AD. Tháng mười một, năm 1906, Bs Alzheimer trình bày bài giảng đầu tiên và nêu rõ các tổn thương bệnh lý kèm theo các biểu hiện lâm sàng của bệnh. Thời ấy, bệnh mất trí còn được gọi là “presenile dementia”. Từ năm 1911, tên bệnh AD được dùng trên khắp Châu Âu, và cũng được dùng bởi các bác sĩ gốc châu Âu khi họ chẩn đoán loại bệnh này ở Mỹ.Sau đó, y học ghi nhận rằng bệnh AD là một dạng phổ biến nhất của bệnh mất trí. Y học còn cho biết bệnh AD không chỉ gây tác hại trên riêng một nhóm người nào. Dạng phổ biến thứ hai của chứng mất trí là “sa sút trí tuệ do mạch máu”; nguy cơ của dạng này tăng lên do cao huyết áp, cholesterol tăng, hút thuốc và uống rượu nhiều.Dạng thứ ba là loại do thể Lewy gọi là DLB; Lewy bodies [LB] là một protein đặc biệt có hại cho tế bào thần kinh trong não.

Dạng thứ tư là dạng bệnh lú lẫn do thùy trán.

Ngoài ra còn có dạng hỗn hợp gồm 2 trong các dạng vừa nêu.

Đặc biệt căn bản của riêng bệnh AD là sự thương tổn không ngừng của các tế bào thần kinh và các kết nối của chính các tế bào thần kinh. Hậu quả của các tổn thương lên cấu trúc của hệ thần kinh là cả một chuỗi tàn phá như mất trí nhớ, suy giảm tư duy, khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói, và thay đổi cá tính của người bệnh.

Biểu hiện của bệnh AD

Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của bệnh AD thường tăng thêm trong nhiều năm. Chúng cũng thường thể hiện ra trong khá nhiều căn bệnh khác, và lúc đầu chúng có thể được gán cho tuổi già.

Nhịp độ tăng của các biểu hiện của bệnh AD cũng khác nhau đối với từng người. Trong vài trường hợp, sự nhiễm trùng hoặc việc dùng một vài loại thuốc có thể làm các triệu chứng nặng thêm. Vì vậy, khi đang có bệnh AD mà triệu chứng lại nhanh chóng trở nặng, người bệnh cần được khám bởi một bác sĩ để có thể sớm loại trừ các lý do đã làm bệnh AD trở nặng. Ngoài ra, không ai có thể dự đoán chính xác vì đâu mà nhịp độ gia tăng của bệnh AD lại có thể trở thành tồi tệ hơn một cách nhanh chóng.

Bệnh AD thường được chẩn đoán bằng cách phân biệt với các bệnh khác. Bác sĩ thường dựa vào sự hiện diện của một số biểu hiện; các biểu hiện đó có thể tóm lược qua mấy chữ ABCD.

Biểu hiện nhóm A

Chữ [A] thứ nhất là AMNESIA, tức là chứng mất trí nhớ.

Mất trí nhớ có thể gây những hậu quả về cuộc sống hàng ngày bằng nhiều cách, dẫn đến một số vấn đề trong giao tiếp, đến các mối nguy hiểm về an toàn, và các vấn đề về hành vi của người bệnh.

Các biểu hiện đáng kể khác gồm trong “bộ ba A” (A Triad).

Trong “bộ ba A” này, sự mất khả năng nhận định (Agnosia), sự mất khả năng ngôn ngữ (Aphasia), và sự mất kỹ năng vận động tinh vi (Apraxia) thường là đầu mối chính về một người vốn có biểu hiện của bệnh mất trí nhớ, và cho biết người ấy mắc bệnh AD.

Những hậu quả của “bộ ba A” còn có thể dẫn đến một số vấn đề khác nữa như: lo âu, hoang tưởng, ảo giác, thất vọng hay cáu kỉnh, giận dữ, hung hăng và bạo lực, bồn chồn và lang thang đi lạc…

Những biểu hiện này xuất phát từ một số nhu cầu cá nhân không được đáp ứng, hay một số bức rức, bực bội, khó chịu mà không được giải quyết thỏa đáng.

Hậu quả chính của “bộ ba A” là: Người bệnh AD dễ quên những chuyện chỉ vừa xảy ra trong giây lát, không nhận biết những người và vật thân quen, không tìm ra được từ ngữ cần thiết để nói những gì muốn nói, không biết làm những việc vốn quen làm, và có những thái độ bất thường, cùng những thay đổi bất thường về tâm tính và cung cách đối xử với người chung quanh, thân lẫn sơ!

Vài chi tiết phụ về “bộ 3A”

[A] AGNOSIA

Agnosia là thuật ngữ dùng để mô tả sự ‘mất khả năng nhận định’ về những gì người bệnh đang có và những gì họ đang sử dụng. Ví dụ, một người bị Agnosia có thể lúng túng khi sử dụng một cái nĩa hay một cái muỗng, một chiếc giày hay một chiếc guốc, hoặc một con dao hay một cây bút chì, v.v…

Điều này có thể liên quan đến việc không nhận ra người hay vật chung quanh là ai hay là gì: điều này không phải do mất trí nhớ nhưng đúng hơn là do não không tìm ra danh tính của một người hay vật, trên cơ sở các tín hiệu được cung cấp bởi mắt lúc nhìn.

Người bị Agnosia thường lái xe một cách sai lầm trên đường cái, trên xa lộ, và lúc sử dụng một lối ra (Exit); họ hiểu sai biển hiệu hay chỉ dấu, phanh không đúng lúc, lái xe thất thường.

[A] APHASIA

Aphasia là thuật ngữ dùng để mô tả những khó khăn (hoặc mất khả năng) về cách nói và hiểu lời nói, qua văn bản hoặc bằng ký hiệu về ngôn ngữ. Những khó khăn (hoặc mất khả năng) này là hậu quả của tổn thương tại các trung tâm thần kinh tương ứng trong não.

Điều này có thể trở nên rõ ràng trong một số trường hợp. Nó có thể liên quan đến việc thay thế một từ ngữ vốn được liên kết bởi ý nghĩa (ví dụ như “thời gian” thay vì “đồng hồ”), sử dụng các từ khác biệt nhưng có âm thanh tương tự (ví dụ như “biệt” và “liệt” - “bại biệt” thay vì “bại liệt”), hoặc sử dụng một số từ ngữ hoàn toàn khác nhau và không liên hệ rõ ràng.

Aphasia chính là sự mất mát hoặc giảm khả năng của não để sử dụng và diễn giải ngôn ngữ cho phù hợp.
Mất ngôn ngữ (aphasia) cũng có thể bao gồm việc sử dụng những từ ngữ dâm ô và thô tục, những từ ngữ gây xúc phạm, hoặc ngôn ngữ không phù hợp với xã hội đương thời, dù chúng có thể không đáng ngại đối với việc sử dụng của bệnh nhân trong quá khứ.

Ví dụ khác về mất ngôn ngữ: Một phụ nữ da trắng người cao tuổi bị AD gặp một viên chức cảnh sát thuộc sắc tộc da màu. Vì khả năng ngôn ngữ bị suy giảm, bà ta không có khả năng để gọi viên cảnh sát đó là viên cảnh sát “Mỹ gốc Phi”. Thay vào đó, bà ta sử dụng một trong những từ ngữ như “Mỹ đen”, thường được sử dụng trong các năm 1950, 1960, hoặc 1970.

Một số người bị bệnh AD có thể mất tất cả khả năng sử dụng lời nói. Tuy nhiên, thể chất của dây thanh âm không bị tổn thương. Họ có thể không nói gì cả, nhưng hát hoàn hảo với những từ ngữ thích hợp. Ngay cả khi họ thường im lặng, họ có thể la hét, rên rỉ, kêu la, giả giọng, hoặc tạo ra những âm thanh khác lạ.
Điều quan trọng nhất đối với những người có liên hệ đến bệnh AD, đặc biệt là người đi tìm kiếm và nhân viên cứu cấp hoặc nhân viên thi hành pháp luật, là cần nhận ra rằng các biểu hiện của bệnh AD có vẻ nhẹ khi ở nhà, nơi người bệnh được ăn no, chăm sóc, ấm áp và thoải mái. Tuy nhiên, ngoài khung cảnh quen thuộc tại nhà, người bị bệnh AD có thể bị quá lạnh hay quá nóng, bị kích động, giận dữ hay sợ hãi, và các triệu chứng của họ sẽ xấu đi. Một người có kỹ năng nói bình thường hoặc chỉ hơi bị hạn chế trong một khung cảnh dễ chịu, có thể mất ngôn ngữ hoàn toàn khi ra khỏi vùng thoải mái của họ.

[A] APRAXIA

Apraxia là thuật ngữ dùng để mô tả ‘tình trạng không có khả năng thực hiện các động tác tự ý và có chủ đích’, cho dù sức mạnh của các cơ bắp, sự nhạy cảm và điều hợp còn nguyên vẹn.

Trong điều kiện thực tế hàng ngày, tình trạng này có thể bao gồm sự bất lực khi buộc dây giày, mở hay tắt một vòi nước, gài đủ khuy áo, hay bật radio. Đây là hậu quả của sự mất mát hoặc giảm thiểu của các kỹ năng vận động tinh vi.

Một người với apraxia có thể gặp khó khăn với các kỹ năng cơ bản để sống, chẳng hạn như mặc quần áo cho mình, làm cho mình một bánh sandwich; họ cũng có thể gặp khó khăn lúc ăn uống, tắm rửa, đánh răng hoặc làm vệ sinh cơ bản khác.

Người mắc bệnh AD có thể trông lê thê lếch thếch như một người vô gia cư. Khi kèm theo chứng mất khả năng nhận định (Agnosia) và chứng mất ngôn ngữ (Aphasia), chứng suy giảm khả năng thực hiện các động tác tự ý và có chủ đích (Apraxia) có thể làm cho nhân viên công lực hiểu lầm người bệnh AD với người vô gia cư rồi chuyển người bệnh đến những Trung tâm tạm trú hoặc Viện Tâm thần. Thậm chí là đã có lần cảnh sát chuyển người bị bệnh AD vào tù, sau khi cảnh sát thất bại trong việc nhận ra các biểu hiện của bệnh AD.

Ví dụ về Apraxia: Một người đàn ông 75 tuổi đã bị nhân viên công lực chú ý khi ông ta để lộ thân thể mình trước một người phụ nữ trong một công viên. Người đàn ông này đã ra khỏi phòng vệ sinh công cộng với chiếc quần của mình không cài và hạ bộ trần truồng. Ông lại còn đến gần một phụ nữ rồi lại rên rỉ, chỉ trỏ vào quần của mình.
Cuộc điều tra tiếp tục sau đó cho thấy ông ta có bệnh AD, bị Agnosia cùng Apraxia ở mức độ vừa phải, nhưng với chứng mất ngôn ngữ (Aphasia) nặng. Ông ta đã đi lang thang xa nhà của mình. Người chăm sóc chính của ông là con gái của ông ta; cô con gái có màu tóc giống như của người phụ nữ trong công viên. Trước khi xảy ra vụ việc ở công viên, ông này có thể tự mình vào phòng tắm, nhưng không thể gài quần sau khi đi tiêu hay tiểu. Ông đã có thói quen, trong nhà của mình, vào nhà vệ sinh xong là đến với con gái của mình để được giúp đỡ trong việc gài quần lại.

Biểu hiện nhóm B

[B] cho thấy những thay đổi về Hành xử [BEHAVIOR] của người bệnh AD

Ở người bị bệnh AD, những thay đổi trong lĩnh vực hành xử bao gồm những biến động như: tâm trạng không bình thường, dễ kích động, thiếu động lực (motivation), bơ phờ, hoặc thiếu sáng kiến. Bệnh nhân có thể hiển thị một tình trạng mất hứng khởi (drive), co cụm về mặt xã hội, hoặc giảm việc tham gia trong các hoạt động mà họ từng tham gia. Cuối cùng, người bệnh không thể chấp nhận những tác phong hội nhập vào xã hội bình thường.
Về mặt hành xử, biểu hiện phổ biến của bệnh AD là người bệnh đi lang thang ban ngày hoặc ban đêm. Có một số lý do đã làm họ đi lang thang, nhưng thường là do vấn đề giao tiếp, và do họ thường không thể tìm ra những gì họ đang muốn có.

Các biểu hiện khác bao gồm những ảnh hưởng đến những hành vi không kiểm soát, những hành vi hung hăng và mất phương hướng trong thời gian lẫn không gian.

Biểu hiện nhóm C

[C] nêu lên sự Suy giảm của Khả năng nhận thức [COGNITION]

Ở người bệnh AD, có sự giảm khả năng nhận thức và ghi nhớ tín hiệu hoặc thông tin mới. Sự suy giảm này có thể được đánh giá với những bằng chứng như: các câu hỏi lặp đi lặp lại trong các cuộc đàm thoại, đặt sai vị trí đồ đạc cá nhân, sự kiện hay quên các cuộc hẹn, và bị lạc trên một con đường vốn quen thuộc. Việc kiểm tra khả năng nhớ lại 3 từ ngữ, kể số loài vật trong 1 phút, hoặc các loại kiểm tra trí nhớ ngắn hạn cũng là những biện pháp hữu hiệu và khách quan để kiểm tra lĩnh vực này.

Chức năng điều hành suy giảm có thể làm hại đến an toàn cá nhân người bệnh. Thêm vào đó, người bệnh không còn khả năng quản lý tài chính, không tính toán được tiền bạc của họ. Họ rất kém khả năng quyết định trong nhiều vấn đề, và cũng không có khả năng trong những hoạt động phức tạp, nhiêu khê với trình tự ấn định trước. Tình trạng kém khả năng quyết định cũng sẽ nêu lên một số vấn đề pháp lý như việc làm giấy ủy quyền khi mức độ mất trí quá nặng.

Mặt khác, suy giảm về chức năng thị giác trong không gian (visual-spatial agnosia) có thể biểu hiện qua việc người bệnh không còn nhận diện được người hay đồ vật quen thuộc. Ví dụ, họ không thể sao chép một hình ngũ giác hoặc một mặt của đồng hồ.

Biểu hiện nhóm D

[D] nhắc nhở đến tình trạng bất lực (Disability), lệ thuộc (Dependence), trầm cảm (Depression) và tử vong (Death)

Người bệnh AD bị bất lực thường bị khó ăn uống vì khó nuốt, và bị lệ thuộc nhiều vì mất tự chủ lúc đi tiêu tiểu. Cuối cùng người bệnh đi đến tử vong (Death) do nhiễm trùng hoặc do những nguyên nhân khác.

Các giai đoạn chính của bệnh AD

Căn cứ vào sự tiến triển bất lợi và không ngừng của các sự kiện liên quan về triệu chứng và dấu hiệu (ABCD) vừa nêu trên đây, các chuyển biến của bệnh AD được xếp loại thành 3, 4, hoặc 7 thời kỳ.

Dù cách xếp loại như thế nào, thời kỳ 1 của bệnh AD thường có điểm nổi bật là bắt đầu bằng giảm trí nhớ về các giai đoạn trong ký ức (episodic memory) - giảm từ vụ việc gần rồi mới đến xa, từ ký ức ngắn đến ký ức dài (xa xưa).

Thời kỳ giữa thường gồm các mức độ gia tăng khác nhau của các sự kiện tóm tắt bằng những chữ ABC (Amnesia, Agnosia, Aphasia, Apraxia, Behavior impairment, Cognitive impairment)

Và nỗi khổ của thời kỳ cuối của bệnh AD là tình trạng bất lực (Disability) và lệ thuộc (Dependence) cho đến cuối đời.
Nguyên nhân của bệnh AD
Bệnh AD phát triển do các phần của não bị teo, và gây thiệt hại về cấu trúc và về hoạt động của não bộ.
Y khoa đã tìm thấy ở trong não của những người mắc bệnh AD một số lượng bất thường của protein đặc biệt (mảng amyloid), một số sợi (gọi là “đám rối tau” [tau tangles], và sự giảm thiểu của việc tổng hợp của một hóa chất vốn cần cho sự dẫn truyền thần kinh, gọi là acetylcholine.

Các thay đổi về thành phần cấu trúc này làm giảm hiệu quả của các tế bào thần kinh khỏe mạnh (tế bào thần kinh mang lệnh đến và đi từ não), và dần dần phá hủy chúng.Theo thời gian, các tổn thương bệnh lý này lan tới một số khu vực của não bộ, chẳng hạn như chất xám (chịu trách nhiệm xử lý những suy nghĩ) và vùng hippocampus (chịu trách nhiệm về bộ nhớ).

Tuy nhiên, người ta chưa biết chính xác những nguyên nhân sâu xa nào đã gây ra những thương tổn nêu trên.

Nguy cơ gia tăng của bệnh AD

Mặc dù nguyên nhân sâu xa của bệnh AD chưa được biết rõ, một số yếu tố được xem là những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh AD.

Nguy cơ 1. Tuổi đời

Với mỗi thập niên trôi qua, người ta sống lâu hơn; và những bệnh của tuổi già ngày càng trở nên một mối lo. Tuy nhiên, bệnh mất trí không phải là bệnh mà người cao niên không thể tránh khỏi. Và không chỉ những người lớn tuổi là những người có nguy cơ phát triển bệnh AD. Dạng AD khởi phát sớm có thể tác hại cho người vừa trên 30 tuổi. [> TV Today Tonight]

Nguy cơ 2. Tiền sử gia đình

Phần lớn các trường hợp bệnh AD thường không di truyền. Bệnh AD không nhất thiết là do các gene nhận được từ cha mẹ của một người. Ngay cả khi một số thành viên của một gia đình trong quá khứ được chẩn đoán là có bệnh AD, điều này không có nghĩa là một thành viên khác của gia đình nhất thiết sẽ bị AD.

Dù có hay không di truyền, các thành viên trong một gia đình bị bệnh AD cũng có nguy cơ phát triển bệnh AD ở một thời điểm chưa biết nào đó.

Hiện nay Y khoa cho biết rằng: có một gene có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị AD. Gene này được tìm thấy trên nhiễm sắc thể 19; nó chịu trách nhiệm cho việc sản xuất một protein gọi là apolipoprotein E (ApoE). Có ba loại chính của protein này: ApoE2, ApoE3, ApoE4; trong số đó ApoE4 tăng khả năng làm bệnh AD xảy ra.

Điều cần chú ý là: ApoE4 không thật sự gây bệnh, ApoE4 chỉ đơn thuần làm tăng khả năng. Ví dụ, một người 50 tuổi, sẽ có 2 trong 1000 cơ hội mắc bệnh AD (thay vì thông thường chỉ 1 trong 1000 cơ hội, nhưng cũng có thể không bao giờ thực sự mắc bệnh AD).

Ngoài ra, chỉ một nửa số người mắc bệnh AD có ApoE4, và không phải ai có ApoE4 cũng bị AD.

Mặt khác, trong một số ít gia đình, bệnh AD xảy ra do sự chi phối của một yếu tố về rối loạn di truyền. Các thành viên của các gia đình đó thừa hưởng từ cha hoặc mẹ của họ một phần của DNA (gene make-up). Tính trung bình, một nửa số trẻ bị ảnh hưởng từ phía cha mẹ sẽ mắc bệnh. Đối với các thành viên trong gia đình có người mắc bệnh AD, tuổi bắt đầu có xu hướng bị bệnh AD thường là giữa 35 và 60.

Ngoài ra, một liên hệ giữa các nhiễm sắc thể 21 và bệnh AD cũng đã được phát hiện trong Hội chứng Down.

Nguy cơ 3. Hội chứng Down

Hội chứng Down là do một sự bất thường trong nhiễm sắc thể 21. Nhiều trẻ bị hội chứng Down sẽ phát triển bệnh AD khi chúng đạt tuổi trung niên, mặc dù chúng có thể không hiển thị đầy đủ các triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh AD.

Những người bị hội chứng Down cũng có nguy cơ cao để phát triển bệnh AD.

Điều này là do gene gây ra hội chứng Down cũng có thể gây ra những mảng amyloid tích tụ trong não và theo thời gian, có thể dẫn đến bệnh AD ở một số người.

Nguy cơ 4. Whiplash và chấn thương ở đầu

Những người đã bị chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc whiplash nặng (chấn thương cổ do một chuyển động đột ngột của đầu) đã được nhìn nhận là có nguy cơ cao làm phát triển bệnh AD.

Nguy cơ 5. Bệnh tim mạch

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng một số yếu tố về lối sống và một số bệnh liên quan đến tim mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh AD. Chúng bao gồm:

hút thuốc lá
béo phì
bệnh tiểu đường
huyết áp cao
cholesterol cao
triglycerides cao.

Xét nghiệm hay Test cần làm vì nghi bệnh AD

Để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nên các triệu chứng ở một người nghi bị bệnh AD, và để tìm kiếm những dấu hiệu có thể của các thương tổn gây ra bởi bệnh AD, các chuyên gia có thể khuyên người bệnh nên làm một Scan [quét] ở não. Thủ tục này có thể gồm:

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), tức là làm một số X-quang của bộ não - chụp ở góc độ hơi khác nhau và dùng máy vi tính để ghép các hình ảnh với nhau khi đọc.

Chụp cộng hưởng từ (MRI), tức là dùng một sóng từ trường và máy phát sóng mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các phần bên trong não.

Một loạt các xét nghiệm chẩn đoán và thủ tục khác cũng có thể cần khi chẩn đoán bệnh mất trí nhớ. Sau đây là những thủ tục xét nghiệm thông dụng.

Đánh giá khả năng tâm thần để chẩn đoán bệnh mất trí nhớ.

Dùng bảng câu hỏi để giúp kiểm tra các khả năng tâm thần của người có triệu chứng của bệnh mất trí, và mức độ nghiêm trọng của chúng. Một thử nghiệm được sử dụng rộng rãi là việc kiểm tra trạng thái tinh thần mini (MMSE). Các MMSE đánh giá một số khả năng tâm thần khác nhau, bao gồm:

bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn
khoảng hay tầm mức chú ý
sự tập trung
ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp
khả năng lập kế hoạch
khả năng hiểu các hướng dẫn
Các MMSE là một loạt các bài tập, mỗi lần mang một số điểm với tối đa là 30 điểm. Ví dụ, một bài tập ví dụ bao gồm:
ghi nhớ một danh sách ngắn của các đối tượng và sau đó lặp lại danh sách
viết một câu ngắn mà là đúng ngữ pháp, chẳng hạn như “con chó ngồi trên sàn nhà.”
trả lời các câu hỏi một cách chính xác về thời gian định hướng, chẳng hạn như xác định các ngày trong tuần, ngày hoặc năm.

Các MMSE không phải là một thử nghiệm để chẩn đoán bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, nó rất hữu ích để đánh giá mức độ suy giảm tinh thần mà một người bị mất trí nhớ có thể có.

Về các test này, điều đáng chú ý là:

Điểm đạt được qua các test có thể bị ảnh hưởng bởi trình độ học vấn của từng người bệnh. Ví dụ, một người không biết đọc hay viết rất có thể có một số điểm thấp hơn, nhưng họ có thể không có sa sút trí tuệ. Ngược lại, một người có trình độ học vấn cao có thể đạt được một điểm số cao hơn nhưng vẫn có sa sút trí tuệ.

Xét nghiệm máu cho bệnh mất trí nhớ

Một người bị nghi ngờ mất trí có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra về sức khỏe chung và để phân biệt với các bệnh khác có thể gây các triệu chứng của họ; chẳng hạn như các tests về kích thích tố tuyến giáp, chức năng gan, chức năng thận, lượng hồng cầu, huyết sắc tố, folate và vitamin B12.

Các thủ tục Scan khác

Các loại Scan, như SPECT (đơn photon phát xạ tính toán cắt lớp), PET scan (tức là scan hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron), cũng có thể được đề nghị nếu kết quả của CT hoặc MRI tỏ ra không chắc chắn. Những loại scan này có thể cho biết thêm về các chức năng của não và có thể nhận ra các bất thường về lưu lượng máu trong não.

Trong một số trường hợp khác, một điện não đồ (EEG) cũng có thể được thực hiện để ghi lại tín hiệu về điện [“điện động”] của não khi não hoạt động.

Việc chọc dò tủy sống (Lumbar Puncture) cũng có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ protein trong não. Thủ tục này liên quan đến việc lấy mẫu của ‘dịch não tủy’ [CSF] từ phía sau cột sống lưng để thử nghiệm.

Điều trị bệnh AD

Nguyên tắc chung của việc điều trị bệnh AD là nhằm tối đa hóa các phẩm chất trong cuộc sống của người bệnh, tăng khả năng tự quyết và khả năng hoạch định của họ, giữ vững tính độc lập cho họ, trì hoãn việc phải vào dưỡng trí viện, và giảm bớt gánh nặng cho những người chăm sóc.

Việc điều trị đầu tiên thường tập trung vào việc tối ưu hóa những chức năng về sức khỏe, cả thể chất lẫn tâm thần. Điều này liên quan đến việc điều trị các bệnh đang cùng tồn tại và các nguy cơ về tim mạch hoặc hô hấp.
Thuốc an thần không cần thiết và thuốc ngủ nên tránh vì chúng có thể làm người bệnh thêm đờ đẫn, gây kích động nghịch lý, hoặc tồi tệ hơn cả sự suy sụp về nhận thức, thái độ và hành vi.

Các phương pháp dinh dưỡng, bao gồm cả các chất bổ sung, cũng cần được cứu xét và áp dụng.

Các liệu pháp về bệnh tâm thần cần gồm luyện tập tinh thần và thể chất.

Giáo dục và hỗ trợ thiết yếu cho bệnh nhân, gia đình, và người chăm sóc: Việc trị liệu của bệnh mất trí AD tiếp theo còn phải tập trung vào việc giáo dục và hỗ trợ thiết yếu cho bệnh nhân, gia đình, và người chăm sóc. Việc đào tạo người chăm sóc cần giúp tìm ra những biểu hiện do sự tiến triển của bệnh và những cơn trầm cảm vì bệnh AD.

Thuốc dùng để điều trị bệnh mất trí AD.

Nói chung, bệnh AD có thể được điều trị với các thuốc trong 2 nhóm chính.

1. Acetyl-CholinEsterase Inhibitors (AChEIs) [Aricept, thuốc viên 5mg/đêm; Exelon, thuốc viên, thuốc nước, hay thuốc dán lên da, 1-3 lần/ngày] và

2. memantine (anti NMDA) [EBIXA, thuốc viên 5mg/đêm]

Các loại thuốc vừa nêu có dẫn đến một sự cải thiện đáng kể về mặt thống kê trong các mặt nhận thức, và qua sự đánh giá toàn cầu; nhưng tầm quan trọng lâm sàng của sự cải thiện chưa được mọi chuyên gia đồng thuận.
Tuy nhiên, cả hai loại thuốc cũng đã được các cơ quan FDA (ở USA) và TGA (ở Australia) chấp thuận cho dùng với bệnh mất trí AD.

Điều quan trọng là cần chú ý đến các tác dụng phụ do thuốc. Những tác dụng phụ có thể gồm:

khó chịu do rối loạn ở đường tiêu hóa như táo bón,
rối loạn hệ thống thần kinh trung ương nghiêm trọng hơn, như mất thăng bằng,
và những rối loạn có thể liên quan đến tình trạng rối nhịp tim, làm tim đập chậm gây triệu chứng đáng ngại như ngất xỉu.

Mặt khác, không có bằng chứng để hỗ trợ cho việc sử dụng liều cao vitamin E, statins, NSAIDs, steroid sinh dục, hoặc bổ sung chế độ ăn uống trong việc làm chậm sự suy giảm nhận thức hoặc chức năng thể chất ở mức độ nhẹ đến trung bình mất trí nhớ.

Thêm vào việc trị liệu vừa nêu, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc, các dưỡng trí viện cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân mỗi 3 tháng.

Tiên lượng về bệnh AD

Bệnh AD thuộc vào loại bệnh có xu hướng tiến triển “theo định hướng CNXH” (càng ngày xấu hơn). Hiện nay Y học chưa có thuốc chữa dứt và cũng chưa biết cách nào để làm chậm sự tiến triển bất lợi của bệnh AD.

Các biểu hiện của bệnh AD ở một số người trong các giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của bệnh AD có thể được thuyên giảm bằng thuốc.

Tiến triển của bệnh AD thay đổi theo từng người; một số người có bệnh trong 5 năm, và người khác mang bệnh trong 20 năm.

Cuối cùng, lý do phổ biến nhất gây ra tử vong là nhiễm trùng.

Như vậy, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh AD, người bệnh vẫn có thể còn sống khoảng từ 5 đến 20 năm. Cho nên, điều đáng quan tâm thêm là: Những năm của tuổi đời còn lại là những năm người bệnh AD phải sống trong tình trạng ngày càng lệ thuộc vào người chung quanh, với những gánh nặng đáng kể về thể chất, tình cảm, và về kinh tế gia đình.

Phòng ngừa bệnh AD

Y học cho biết rằng: Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh AD.

Không ai có thể kiểm soát được các yếu tố như tuổi tác, giới tính, và bệnh sử trong gia đình. Tuy nhiên, có những điều ai cũng có thể làm để giúp giảm nguy cơ cho chính mình.

Những điều này lại chính là các trụ cột của một lối sống lành mạnh như: tập thể dục, theo dõi trọng lượng, và ăn uống đúng cách; những điều này đã tỏ ra có khả năng giảm nguy cơ của bệnh AD.

Sau đây là 5 bước để giảm nguy cơ bệnh AD.

Mặc dù hiện nay không có một cách chắc chắn nào để ngăn ngừa bệnh AD, nhưng y học cho thấy rằng: áp dụng [ 5 ] năm bước dưới đây có thể giảm nguy cơ bệnh và tăng cường sức khỏe chung.

1. Bảo tồn sức khỏe cho não qua việc:

Cho não thở đủ dưỡng khí - nhờ vận động đều
Cho não có thức ăn tốt - không ăn loại mỡ xấu (trans fat), không dùng thuốc ngủ, ma túy
Cho não nghỉ ngơi - ngủ đủ, ngủ đúng lúc, ngủ đều đặn
Cho não tu luyện - bằng Yoga, Tai-Chi, Thiền, Bỏ gánh lo đi, học hỏi, tập suy luận, nghiên cứu…

2. Bảo tồn sức khỏe chung qua việc

Duy trì một cân nặng thuận lợi cho sức khỏe

Cân nặng thuận lợi cho sức khỏe là cân nặng tương hợp với Chỉ số cân nặng cơ thể (BMI) trong vòng 18.5 đến 25. Nhắm mục tiêu giữ Chỉ số cân nặng cơ thể (BMI) trong vòng thuận lợi cho sức khỏe, Quý vị (QV) cần cắt giảm số calo và tăng hoạt động thể chất.

Muốn biết BMI của mình, QV có thể lấy:

cân nặng tính bằng kg của cơ thể mình đem nó chia cho
chiều cao (tính bằng meter) nhân với chiều cao (tính bằng meter) của mình.

Tóm tắt bằng công thức: BMI = kg / (meter X meter)

3. Kiểm tra vòng eo co

Để đo kiểm tra chính xác vòng eo của mình, QV nên sử dụng một thước dây để đo xung quanh phần hẹp nhất của eo của mình (thường là ở khoảng giữa rốn và xương sườn thấp nhất).

Một nhóm chuyên gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo cần đo và giữ vòng eo không quá 35 inches (89 cm) cho phụ nữ và 40 inches (102 cm) cho nam giới.

4. Chú ý về thức ăn thức uống - Kiên rượu, thuốc lá và ma túy

Các thực phẩm cần được chọn ưu tiên phải là:

thực phẩm tươi xanh đầy vitamin như rau và hoa quả; ngũ cốc nguyên hạt;
cá, thịt nạc, đậu hũ, đậu và các cây họ đậu vốn là nguồn protein;
cộng với chất béo lành mạnh, tránh những chất béo không lành mạnh (trans fat).
QV cũng cần cắt giảm lượng calo không cần thiết từ bánh kẹo, rượu, nước ngọt (cô ca cô la), ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng hay gạo trắng, chất béo không lành mạnh, thức ăn chiên xào, thức ăn vội (fast foods), và các thức ăn vặt.
QV còn cần chú ý đến số lượng của khẩu phần thực phẩm của mình để tự cắt giảm bớt đúng lúc.

5. Chú ý đến các con số quan trọng đối với sức khỏe

Ngoài việc xem trọng lượng và vòng eo của quý vị, QV còn cần hỏi bác sĩ của mình để biết những con số về cholesterol, triglycerides, huyết áp, và lượng đường trong máu của mình có còn ở trong mức bình thường chăng.
Biết được số liệu rồi, QV sẽ tập thể dục, cố giảm cân, và dùng thuốc (nếu cần) ngõ hầu giữ cho những con số đúng với những mục tiêu ấn định bởi nhân viên y tế đang chăm sóc sức khỏe của mình.

KẾT LUẬN

Tất nhiên, việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh AD là nhiệm vụ của Nhân viên Y tế hữu trách. Nhưng, thành công của nghiệp vụ Y tế còn cần sự cộng tác tích cực của thân nhân. Về mặt pháp lý, người bệnh AD và thân quyến có thể cần sự tư vấn của Luật sư hoặc Nhân viên Xã hội về việc lập giấy ủy quyền dài hạn - ‘Enduring Power of Attorney’.

Tài liệu tham khảo

<https://alz.org/> <accessed 28/03/16>

<https://www.australia.gov.au/topics/health-and-safety/diseases-and-conditions/> <accessed 28/03/16>

<https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/> <accessed 28/03/16>

<https://www.nhs.uk/> <accessed 28/03/16>

<https://www.patient.co.uk/> <accessed 28/03/16>

<https://www.gesundheitsinformation.de/>alzheimer-s-disease.2219.en.html <accessed 28/03/16>

Mẫu:

Truy cập Mẫu Giấy Ũy Quyền (Enduring Power of Attorney)

<
<https://drive.google.com/open?id=0Byl7Y5syBAv-a2V1TG11NTZCTGc&gt>;

<
<https://agedcareassistance.com.au/data/documents/Power_ofAttorney_in_NSW.pdf&gt>;

Dr. Nguyễn Nguyên

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading