Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Buổi ra Mắt Sách ngày 22/5/2016 tại Houston Texas |
|
ĐỌC HỒI KÝ:
CỦA HAI TÁC GIẢ: DƯƠNG PHỤC & VŨ THANH THỦY
Cầm cuốn hồi ký Phóng Viên Chiến Trường Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển của hai tác giả: Dương Phục và Vũ Thanh Thủy trong tay, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là thấy nó khá dày, dày ở đây đồng nghĩa với dài, nhưng sau khi biết cuốn sách chứa đựng gì bên trong tôi lại tiếc nó quá ngắn. Quả thật gói trọn, những hình ảnh khốc liệt của 20 năm chiến tranh, nỗi khỗ nhục của tù cải tạo, đời sống khắc nghiệt dưới chế độ Cọng Sản sau 75 và thảm cảnh của những thuyền nhân, trong gần 700 trang, với tôi, tôi thấy chỉ vừa đủ để nói lên những gì cần phải nói về một giai đoạn bi thương nhất của lịch sử dân tộc.
Cuốn sách có một điểm nổi bật là lối viết song hành của hai tác giả, một nam một nữ mà ngoài đời là hai vợ chồng.Trước một biến cố xảy ra, hai người, có khi cùng lúc cùng chỗ, có khi cùng lúc nhưng lại khác chỗ, mỗi người lại tiếp nhận với phản ứng hay suy tư có khi trái ngược nhau, có khi cùng chiều nhưng mức độ tiếp nhận lại khác nhau. Những nghiệt ngã triền miên trong cuộc đời của họ khiến bình luận gia Lê Văn gọi cuốn hồi ký là "một trường thiên tiểu thuyết lịch sử với những biến chuyển tâm tư đột ngột khiến người đọc hồi hộp theo dõi một cách thích thú". Quả thật có những tình tiết éo le như thường xảy ra trong tiểu thuyết nhưng tác phẩm vẫn không phải thực chất là tiểu thuyết vì không có tình tiết éo le nào là hư cấu, tất cả đều là sự thật. Đúng như nhận định của nhà văn Dương Kiền: "Sức lôi cuốn của người kể chuyện chính là sự thật. Mỗi chữ, mỗi dòng trong tác phẩm này là sự thật. Đó chính là những gì để lại cho mai sau". Chính hai tác giả cũng ngạc nhiên xác nhận: "Đôi khi sự trung thực còn vượt quá óc giả tưởng của con người.Thảm cảnh kinh hoàng cũng như những may rủi đến độ khó tin".
Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là 2 phóng viên chiến trường. Họ có mặt ở tuyến đầu vào khoảng cuối thập niên 60. Sự có mặt của một nữ phóng viên chiến trường người Việt ở các mặt trận, vào thời kỳ sôi động nhất của cuộc chiến, là một điều mới mẻ tạo chú ý trong quần chúng. Động cơ nào thúc đẩy tác giả? Đó là ước muốn: đi, sống và viết. Và Vũ Thanh Thủy đã được đi, được sống để viết, sau khi chứng kiến những mồ chôn tập thể sau Tết Mậu Thân ở Huế.Tác giả ghi: "Tôi cảm nghiệm một sức đam mê mãnh liệt khi viết bài, giống như ngòi bút là một nút công tắc điện, khi bật lên đã tràn ngập lòng tôi với quyền năng vô hạn của những dòng chữ viết". Còn Dương Phục? Lý do nào khiến tác giả xông pha nơi tuyến đầu như một người lính tác chiến? Hãy nghe anh giải thích: "Tôi thường trút cảm xúc của mình vào bản tường trình khiến các bài phóng sự có vẻ dữ dội, nhưng sống thực và gần gũi với người nghe". Sống thực và để cho gần gũi người nghe. Đó là lý do và mục đích khiến tác giả dấn thân vì nghề nghiệp. Vũ Thanh Thủy cũng thế, dấn thân vì nghề nghiệp với tất cả khắc khoải: "Tôi ước ao có được lòng đam mê quyết tìm cho ra sự thật, bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra cho mình" .
Và họ đã đối diện với hiểm nguy nhưng may mắn tránh được những bất trắc. Dương Phục đã 2 lần thoát chết: Lần đầu nhờ nhường trực thăng để đi chuyến sau. Chiếc trực thăng đi trước, cất cánh chỉ mấy phút trước đó, đã trúng đạn địch bốc cháy và nổ tung. Lần thứ hai, trực thăng chở tác giả bị trúng đạn phải đáp cấp tốc xuống giữa lòng địch. Mọi người thoát chết nhờ trực thăng bạn dùng hỏa lực truy cản địch tràn ra rồi một chiếc liều lỉnh đáp xuống cứu sống họ. Còn Vũ Thanh Thủy, một lần thoát chết, nhờ nhận công tác mới vào phút chót với tờ báo đang cộng tác, đã không có mặt trên chiếc trực thăng chở tướng Đỗ Cao Trí. Chiếc trực thăng, vừa cất lên đã chao đảo và rơi xuống. Ký giả Francois Sully của tuần báo Newsweek đã tử nạn trong vụ rớt trực thăng này.
Trực diện những thảm cảnh của chiến tranh, như hình ảnh những thường dân bị tử thương vì pháo của địch trên Quốc Lộ 1, còn có tên là Đại Lộ Kinh Hoàng, hay chứng kiến những hy sinh vì tình đồng đội của người lính chiến, người phóng viên chiến trường chợt thấu hiểu: "Tôi cũng nhận ra có những cái chết cao đẹp hơn là sự sống vô nghĩa và vô ích". Ngồi trong lòng chiếc phản lực F5, chứng kiến tận mắt cảnh phi cơ nhào xuống dội bom, tác giả Vũ Thanh Thủy không nghĩ đến kết quả của trận dội bom mà nghĩ đến hậu quả của nó: "Tôi không sợ, tôi nghĩ đến những người ở dưới đất, đến sự hủy diệt tan tành khi bom nổ". Sát cánh bên những người lính chiến, chia xẻ gian nguy với họ, người phóng viên chiến trường cảm thông họ hơn: "Với cảm nghiệm đối diện với cái chết từng giây từng phút như một chiến binh thực thụ, tôi hiểu ra tại sao các anh lính chiến hay ngang tàng phá phách trong thành phố". Suy tư của Vũ Thanh Thủy thể hiện đúng nhận định của nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh, một kỷ giả chiến trường đàn anh của Dương Phục khi ông viết: "Chứng kiến những cảnh đau lòng là một trong những yếu tố giúp người phóng viên chiến trường trưởng thành và nhân bản hơn".
Lòng yêu nghề nghiệp đã tạo cho đôi thanh niên nam nữ cơ hội gặp nhau, gặp nhau và yêu nhau, gặp nhau không phải nơi công viên ghế đá hay sân trường đại học, mà ở tuyến đầu, ở mặt trận, ở Quốc lộ 1, con đường nối Quảng Trị với Huế, con đường mà họ thấy đã "trở thành cây cầu nối hai chúng tôi với chiến tranh và với nhau". Các bạn văn của hai tác giả khen họ là đôi "trai tài, gái sắc". Tôi, thì tôi nghĩ nên gọi họ là đôi "trai hùng, gái dũng" thì chính xác hơn. Có hùng thì Dương Phục mới dám đi học để lấy bằng Dù, có hùng mới dám liều lỉnh đi vào tử địa An Lộc đang bị vây hảm, pháo kích ngày đêm. Có dũng thì Vũ Thanh Thủy mới dám leo lên chiếc phản lực F5 của Không Quân VNCH chứng kiến một phi vụ đánh bom, có dũng mới dám viết: "Nếu tôi phải bỏ mạng ngoài chiến trường, tôi cũng được chết một cách có ý nghĩa giữa những con người cao đẹp".
Trong phần giới thiệu tác phẩm, nhà văn Dinh tiến Luyện có nhận xét: "Tập hồi ký không đơn thuần là phóng sự tường thuật, tập hồi ký còn gởi gắm tất cả tâm tư, tình cảm của hai tác giả trong đó". Tâm tư và cuộc đời của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy bắt đầu đen tối khi đứa con đầu lòng của họ ra chào đời trong khung cảnh Sàigòn đang hấp hối, sắp rơi vào tay Cọng Sản. Hai người sống trong cái lo chung trộn lẫn với cái lo riêng. Vũ Thanh Thủy tự hỏi: "Số phận chúng tôi ra sao khi quân thù chiếm đóng miền Nam?" Còn Dương Phục, trước cảnh đất nước tơi bời, đã nhìn thấy viễn ảnh hải hùng: "Sàigòn sắp thất thủ, dân Sàigòn sẽ trở thành kẻ bị trả thù", rồi xót thương cho số phận đất nước lẫn đứa con đầu lòng của mình: "Tôi không ngờ sự ra đời của đứa con mình lại trùng hợp với sự sụp đổ đất nước thân yêu của tôi". Nằm trong phòng dưỡng bệnh, sau khi sinh, Vũ Thanh Thủy cùng chung niềm u uẩn: "Bầu không khí trong phòng không phải là bầu không khí chào đón một cuộc đời mới vừa góp mặt nhưng là bầu không khí để từ biệt một đời sống đang qua" . Nhìn cảnh ngoài đường phố, la liệt quân phục, giày trận của binh sĩ trút bỏ để thoát thân, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân các cấp buông súng, Dương Phục đã thốt lên lời ai oán: "Hành động này cho tôi cảm giác như đang chôn vùi lý lịch của mình!".
Thời gian mấy năm sống dưới chế độ Cọng Sản là khoảng đời bi hùng nhất của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Chồng đi tù cải tạo không biết ngày nào ra, vợ ở ngoài, vừa lo con thơ, thăm nuôi chồng, vừa sắp đặt kế hoạch cho chồng trốn trại để cùng vượt biên. Rủi thay, kế hoạch đổ bể vào phút chót. Dương Phục bị tra tấn, bị nhốt conex. Nghĩ mình trước sau gì cũng bị Cọng Sản xử bắn, như trường hợp một người bạn tù trốn trại bị bắt lại trước đây, Dương Phục, chờ một đêm mưa to gió lớn, tìm được cách bẻ khóa conex trốn trại. Trong khi đó, vợ anh lại bị bắt với tội danh là CIA tổ chức phá trại để giải thoát tù cải tạo. Nhưng Thanh Thủy măn mắn gặp một công an người Nam đang bất mãn với thành phần miền Bắc, nên sau một thời gian bi giam cầm, chị được tha về, đặt dưới quyền kiểm soát của công an phường khóm. Nhờ phuơng tiện tài chánh của gia đình từ hải ngoại gởi chui về, chị Thanh Thủy dùng nó để đút lót cho bọn công an phường khóm, nhờ đó chị bớt bị kiểm soát, bớt phải khai báo khi di chuyễn. Chị Thanh Thủy, một mặt với sự giúp đở hết lòng của mấy người bạn gái ký giả cũ, lo chỗ ẩn trốn cho chồng, một mặt âm thầm tìm đường dây vượt biên.Tổng cộng họ đã 20 lần toan tính vượt biên, nhưng 19 lần đầu thất bại, trong đó có mấy lần bị cướp cạn và một lần bị công an tuần duyên bắt giữ. Dương Phục, sợ bị lộ tông tích, lại tìm cách lẩn trốn và nhờ hối lộ cho tên công an chợ chiếc nhẩn đeo tay, anh được chỉ lối để thoát thân.
Sống với Cọng Sản, đặc biệt ở giai đoạn "đánh tư sản mại bản", phải tập nói dối để che dấu thân thế mình. Vì theo kinh nghiệm của Dương Phục: "trong xã hội Cọng Sản sau 75, lòng tin đôi khi làm con người phải trả giá rất đắt!" Con anh, bé An, chưa đầy 3 tuổi đã được mẹ cho học tập đến thuộc lòng để gọi Bố mình bằng Bác, và để che giấu mẹ mình còn có tiền, bé An được học gọi thịt gà là cà, gọi cà rem là cam, phòng khi bị công an tra hỏi. Chính trong khoảng thời gian sống ngột ngạt này chị Thanh Thủy có lúc mất tinh thần và nghĩ đến cái chết chỉ vì suốt ngày phải im tiếng, "không dám mở miệng sợ người bắt bẻ gây vạ cho mình. Sự lặng im ngày càng dìm tôi vào tuyệt vọng và kinh sợ tới độ tôi càng bị ám ảnh bởi cái chết để tự giải thoát khỏi cảnh sống hãi hùng, khắc khỗ này! " Thế nhưng, dù sống trong cảnh thất thế, chị Thanh Thủy vẫn giữ được phong cách bất khuất khi nhất định từ chối đến năn nỉ cai tù để được gặp mặt chồng, theo lời khuyên của mấy bà vợ tù cải tạo khác. Chị chỉ đứng từ xa nhìn chồng, bắt gặp cái nhìn đồng cảm của chồng, thế là đủ. Chị viết: "Chúng tôi không cần nói chuyện, chúng tôi không để cho những cán bộ cai tù được dịp ra quyền đối với mình, dù là quyền ra ân cho chúng tôi được dịp nói chuyện với nhau".
Lần vượt biên thứ 20, tàu ra được hải phận quốc tế. Nhưng niềm vui, tưởng sẽ được cứu vớt hay tàu sẽ đến được bờ một đất nước tự do, tan biến khi tàu hư máy và tài công thú nhận không biết gì về máy móc, anh đã nói dối người tổ chức vượt biên, cốt chỉ để có được một chỗ trên tàu để đi! Tiếp theo đó là chuỗi ngày trôi giạt không định hướng trên biển cả, chống chỏi với cảnh thiếu ăn, thiếu nước, với ánh nắng cháy da thịt, với sóng to gió lớn của những ngày biển động, tưởng có lúc đã đánh vỡ chiếc tàu nhỏ bé mong manh. Nhưng vượt qua được đe dọa của thiên nhiên thì tàu lại rơi vào tay hải tặc! Ngoài chuyện cướp bóc, chúng kéo tàu về hòn đảo tên là Koh Kra, phá nát ghe vượt biên để cắt đường trốn thoát của thuyền nhân. Trong suốt thời gian 21 ngày, ban đêm, hầu hết các nữ thuyền nhân phải trở thành nô lệ tình dục của chúng. Như một phép lạ, ánh mắt và nụ cười của bé gái thứ hai, mới 4 tháng, của hai vợ chồng, lay động được từ tâm của tên hải tặc chủ tàu, khiến hắn ra tay che chở mẹ con chị Thanh Thủy thoát cảnh hành hạ tủi nhục. Khi được tàu của Cao Ủy Tị Nạn đến cứu vớt đưa vào đất Thái, nhìn thân xác tiều tụy lẫn tinh thần suy sụp của các nữ thuyền nhân, ông Théodore Schweitzer, đại diện Cao Ủy Đặc Trách Tị Nạn của LHQ đã rơi lệ mà than rằng: "đảo Koh Kra cảnh đẹp như thiên đường đâu ngờ lại là địa ngục trần gian! ".
Vừa được định cư ở Hoa Kỳ, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã tích cực tham gia hoạt động cho Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biên và đã tham gia con tàu nhân đạo đi vớt thuyền nhân vào những năm 1986, 87, 88 và 89 để thực hiện lời nguyện năm nào khi còn ở "trên biển Đông và đảo Kok Kra sẽ tìm mọi cách quay lại biển Đông cứu giúp người tị nạn đi sau". Hai người bạn của chúng ta, hình như họ sinh ra để được chọn làm chứng nhân cho lịch sử. Đúng như nhận xét của nhà văn Đinh Tiến Luyện: "Số phận trớ trêu đã đặt định cho họ những lối đi gai góc hơn để đi, nay phải làm nhiệm vụ khi cuộc chiến đã tàn. Sau 75 là một cuộc chiến mới : giành lấy sự sống. Họ siết chặt, nắm tay để tự vệ, để sống sót và để ghi nhận. "Hai tác giả không hề than thân trách phận trước những thử thách khắc nghiệt, trái lại còn cho mình "diễm phúc được buồn vui với vận nước, còn cho mình có nhiệm vụ đi tìm sự thật và chia xẽ điều đó với mọi người".
Đọc hồi ký, người đọc thường chú trọng đến diễn tiến những biến cố, sự việc mà ít để ý đến khía cạnh văn chương. Nhưng nếu tác giả sáng tạo được những câu văn súc tích, gợi hình gợi cảm trong tác phẩm của mình thì tác phẩm sẽ đẹp hơn, lóng lánh hơn, có chiều sâu hơn và gây ấn tượng cho người đọc hơn. Ta hãy nghe một đoạn văn diễn tả tâm trạng giao động của người dân miền Nam trong cơn hấp hối của Sàigòn: "Tôi có cảm tưởng nỗi lo lắng đặc quánh trong không gian, trùm khắp mọi căn phòng bệnh viện và gieo độc tố hoang mang trên mọi con người..." Và những hình ảnh về đêm, đêm ở Sàigòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến: "Những viên hỏa châu chiếu sáng bầu trời như ánh đèn của người say chếnh choáng…"
Và đêm với nỗi ám ảnh ghê rợn đang rình rập những nữ thuyền nhân phải trốn núp sau những lùm cây, hốc đá trên hòn đảo vây quanh bởi hải tặc: "Ban đêm thật kinh hoàng khi bóng tối bưng bó chặc chúng tôi như vải liệm quấn xác chết". Nhưng đêm cũng là thời điểm để tác giả suy tư về cuộc đời: "Chính những đêm nằm giữa sóng nước mênh mông đó, tôi mới thấy cuộc đời quá mong manh và nhận ra chính sự mong manh đó làm cho cuộc đời thành quí giá và đáng trân trọng biết chừng nào..."
Cuốn hồi ký Phóng Viên Chiến Trường Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển của hai tác giả Dương Phục- Vũ Thanh Thủy chỉ là một trong số hàng trăm cuốn hồi ký nói về chiến tranh, tù cải tạo, chế độ hà khắc của Cọng Sản và thảm trạng thuyền nhân. Tất cả đều là những vì sao quý, tỏa ánh sáng tố cáo tội ác và tính vô cảm của con người. Nhưng dưới mắt tôi, với những hứng chịu khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng của hai tác giả cùng sự can trường và kiên trì phấn đấu của họ để vươn lên dành quyền sống, tôi thấy cuốn hồi ký này là vì sao lớn nhất, tỏa sáng nhất trên vòm trời lịch sử bi hùng của dân tộc chúng ta.
Trang Châu
Montréal, 21-08-2016
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2016