Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
cover copy (2000 x 1294) (1200 x 776)
TÓng TØ
 
 
Giới Thiệu SÁCH MỚI
Mua Sách tại Đây
bia2 (805 x 1200)
Lời Tựa

Trần Văn Tích

Gõ máy viết những dòng cho bài tựa này, tôi tự giới hạn ở khung trời lý luận văn học kinh điển. Có vẻ như đây là một thái độ không theo lẽ thường. Sử dụng phương tiện điện tử để ký thác suy nghĩ nhưng lại lánh xa vũ trụ phê bình văn học hiện đại. Bước vào thiên kỷ thứ hai của lịch sử văn học, sự xâm nhập của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội càng ngày càng mạnh mẽ rõ rệt. Các thành tựu của toán học, tin học, ký hiệu học, xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, lý thuyết về cấu trúc và hệ thống v.v.. đã góp phần tích cực và nhiều khi độc đáo vào việc nghiên cứu, phê bình văn học. Sự vận dụng đúng đắn và chừng mực các kiến thức thuộc những khoa học vừa kể cũng như của ngôn ngữ học hiện đại vào việc khảo sát, phân tích tác phẩm văn học đã đem lại một số kết quả mới mẻ, đã sơ bộ phát hiện một cách có căn cứ những "bí ẩn" của tác phẩm văn học mà có lẽ bản thân tác giả, cá nhân dịch giả cũng không từng ý thức, đặc biệt trên các phương diện ngôn ngữ văn bản, cấu trúc thi phẩm. Tuy nhiên các phương pháp phê bình văn học hiện đại dễ có thiên hướng nghi ngờ, phủ nhận vai trò của tâm hồn, của tình cảm trong thưởng ngoạn thi phẩm khi đánh giá văn chương; mà điều này thì người viết bài tựa này ngần ngại chưa dám tán trợ. Bởi lẽ khác với tư duy nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, tư duy phân tích trong văn học sử dụng công cụ là tâm hồn tình cảm, vận dụng phương tiện là cảm thụ thưởng thức. Tác giả Tống từ, Phiên âm, Dịch nghĩa, Minh hoạ và kẻ gõ máy viết những dòng này vốn đã quen biết nhau từ những ngày cùng đi nghe cours 28 Trần Quý Cáp. Hơn nửa thế kỷ đã qua. Nhưng chúng tôi tin rằng cả hai chúng tôi vẫn giữ nguyên vẹn nhu cầu và khuynh hướng thưởng thức nét đẹp trong tâm hồn thẩm thơ của Thúy Kiều, vẫn rung cảm mạnh mẽ khi tiếp xúc với đôi đường uốn lượn mượt mà của các thể thơ dân tộc. Với tâm trạng đó và được sự tri ngộ đó, tôi mạo hiểm nhận lời viết tựa cho tập thơ dịch của Bạn tôi.

Từ là một thi loại đặc biệt

Từ là một thể loại thi ca cổ điển của Trung Hoa. Thoạt tiên chữ "từ" dùng để chỉ loại thơ có thể phối hợp với nhạc dùng để ca xướng. Sau này từ thoát ly khỏi âm nhạc và trở thành một văn thể độc lập. Giống như luật thi, từ được qui định chặt chẽ về đặt câu, số chữ, bằng trắc, gieo vần nhưng đặc trưng nhất của từ là câu dài ngắn không đều nên từ còn được gọi là trường đoản cú thi. Từ manh nha thời Nam triều, hình thành ở đời Đường, thịnh hành ở đời Tống. Từ sản sinh sớm nhất trong dân gian, đến đời Đường bắt đầu có văn nhân sáng tác từ, như bài Ức Tần nga tương truyền do Lý Bạch sáng tác hoặc bài Trúc chi từ Lưu Vũ Tích là tác giả.

Từ, như đã nói, khác thơ Đường ở chỗ có câu dài câu ngắn, khác Nhạc phủ ở cách luật hết sức nghiêm ngặt, khác thơ cổ phong ở số chữ cố định. Từ có nhiều điệu. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ,  chỉ có mười bốn chữ; điệu dài nhất là Oanh đề từ, có hai trăm bốn mươi chữ. Có bài từ dài hơn hai trăm bốn mươi chữ - ví dụ bài từ theo điệu la hương - nhưng thực ra đó là những điệu gồm nhiều đoạn với công thức hoặc hoàn toàn giống nhau hoặc khác hẳn nhau. Có những câu trong bài từ rất dài; mười hai, mười ba chữ; có câu lại chỉ gồm một chữ duy nhất. Tuy nhiên mỗi điệu từ thường có những biến thể.

Trong thơ Đường luật và ở câu thất ngôn, chữ thứ nhất và chữ thứ ba không bắt buộc phải theo tiết điệu bằng trắc: nhất tam bất luận là vậy; thậm chí có khi chữ thứ năm cũng thoát khỏi luật lệ bằng trắc; ta có nhất tam ngũ bất luận. Bài từ, nhìn chung, không chấp nhận lệ bất luận theo cung cách đó: từ luật về tiết điệu hết sức chặt chẽ.

Qui tắc hiệp vận cũng là luật thép theo từ luật. Có khi cả bài từ dùng nguyên một vần bằng, ví dụ Phá trận tử, Tấm viên xuân, Ức Giang nam, Giá cô thiên, Nhất tiễn mai. Có bài lại chỉ dùng nguyên vần trắc như Hậu đình hoa, Mãn giang hồng, Niệm nô kiều, Thanh thương oán. Tuy nhiên cũng có những thể từ dùng cả vần bằng lẫn vẫn trắc, hoặc chủ yếu vần bằng, chủ yếu vần trắc. Trình tự gieo vần cũng đa dạng: liên vận (vần liền: Chiêu Quân oán); giao vận (vần xen kẽ: Tây giang nguyệt, Sa song hận); bão vận (vần ôm : Điều tiếu lệnh) v.v..

Từ là tổng hoà thi và nhạc vì gốc gác của từ vốn là chốn thanh lâu và các chuyên viên trình diễn từ đầu tiên là giới kỹ nữ. Nhà thơ đến xóm bình khang tìm vui với giai nhân và soạn từ khúc cho người đẹp hát. Đó là một lề lối sinh hoạt rất quen thuộc vào các đời Đường, Tống, Ngũ Đại. Nhưng rồi dần dà từ tự tách rời khỏi âm nhạc và trở thành một thể thơ mới tự do với câu ngắn câu dài. Nó không còn là một nhạc thức, nó trở thành một thi loại và đến thời điểm này thì, cũng vẫn như thơ, từ được viết ra không phải để hát nữa (tụng nhi bất ca).

Dịch từ không phải là dịch thơ

Người dịch một tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ là người đi tìm những lối nói, những từ ngữ, những hình ảnh có trong tiếng mẹ đẻ tương đương với trong nguyên tác để chuyển đổi. Một dịch giả bản lĩnh cao là người có kỹ năng sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ, ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, thành thạo như một người thuận cả hai tay. Ngoài ra còn phải có một tấm lòng đồng cảm với tác giả nguyên bản, nhiều khi lại phải hiểu đầy đủ cuộc đời, tư tưởng, tâm hồn người thai nghén tác phẩm gốc. Nguyên tắc thì như thế. Nhưng trong thực tế khi dịch một bài từ còn phải khổ tâm và chú ý đi xa hơn.

Mỗi một bài từ đều được viết theo một nhạc phổ mà thuật ngữ chuyên môn gọi là từ phổ và công việc đặt lời ca cho từ phổ gọi là điền từ. Nếu có người muốn chuyển một bài từ sang một ngôn ngữ khác một cách đứng đắn và trung thực thì dịch giả cũng phải làm công việc điền từ trong ngôn ngữ mới. Mọi chuyện xảy ra giống y như khi chúng ta ngày nay soạn lời Việt cho một bản nhạc ngoại quốc, chẳng hạn bản Auld lang Syne. Nguyên tác Anh ngữ là Should old acquaintance be forgot and never brought to mind...còn lời Việt là Cầm tay ta ca khúc ca mừng nhau bước về mà lòng lưu luyến...trong khi trẻ con đầu ngõ thì nghêu ngao Ò e Rô-Be đánh đu, Tạc dăng nhảy dù, Zôrô bắn súng...

Để so sánh, tôi xin giới thiệu cách dịch bài từ theo điệu Sửu nô nhi của Tân Khí Tật:

Nguyên bản Hán văn:
Thiếu niên bất thức sầu tư vị
Ái thướng tằng lâu
Ái thướng tằng lâu
Vi phú tân từ cưỡng thuyết sầu.

Nhi kim thức tận sầu tư vị
Dục thuyết hoàn hưu
Dục thuyết hoàn hưu
Khước đạo thiên lương hảo cá thu

Nguyễn Đương Tịnh, Tống từ, Phiên âm, Dịch nghĩa, Minh hoạ, dịch:
Tuổi trẻ chưa nếm mùi đau khổ
Cứ thích lên lầu
Cứ thích lên lầu
Làm thơ ép giọng giả buồn đau

Nay đã nếm đủ mùi đau khổ
Muốn than lại chán
Muốn than lại chán
Vì biết mùa thu đẹp thế nào!

Trần Trọng San, Đường Tống từ tuyển, dịch:
Tuổi trẻ không biết mùi vị sầu,
Muốn lên tầng lầu,
Muốn lên tầng lầu,
Làm câu từ mới, gượng nói sầu.

Mà nay biết hết mùi vị sầu,
Toan nói lại thôi,
Toan nói lại thôi,
Rằng :“Trời mát mẻ, thu đẹp làm sao!"

Bản dịch Pháp văn của Paul Demiéville:
Dans ma jeunesse, ignorant le goût de la mélancholie,
Je cherchais l'inspiration dans les hauts pavillons;
Dans les hauts pavillons,
Composais de beaux vers, très, très mélancholiques.

Maintenant que je n'ignore plus rien du goût de la mélancholie,
Je ne veux plus rien en dire.
Je ne veux phus rien en dire.
Sinon :“Le temps est frais; quel bel automne!"

Bản dịch Pháp văn của Xu Yuanzhong:
Jeune, ne sachant pas ce qui crevait le coeur,
J'aimais monter sur la hauteur.
J'aimais monter sur la hauteur,
Faisant des vers, je me plaignais de mon malheur.

Maintenant ce qui crève le coeur, je le sais,
Mais je m'en tais.
Mais je m'en tais.
Ne parlant que du bel automne et du frais qu'il fait.

Bản dịch Pháp văn của Yun Shi và Jacques Chatain:
Jeunesse : goût du chagrin ignoré,
aimer monter plus haut,
aimer monter plus haut,
vers et proses simulant le chagrin.

Aujourd'hui : goût du chagrin épuisé,
le dire s'arrêter,
le dire s'arrêter,
dire enfin :“Que cet automne est glacé!"

Hai bản dịch Việt ngữ giữ nguyên được số chữ - cũng là số âm tiết - của bản chữ Hán trong từng câu thơ; nói cách khác, hai dịch giả tiếng mẹ đẻ đã vừa dịch thuật vừa điền từ. Bản dịch Pháp văn của Paul Démiéville không tuân thủ được nguyên tắc này, bản dịch của Xu Yuanzhong cũng vậy; cả hai bản chỉ dịch nghĩa dịch ý mà không thể điền từ; bản dịch cuối cùng của Yun Shi và Jacques Chatain khổ công dụng ngữ để vừa dịch từ vừa điền từ. Tất nhiên Nguyễn Đương Tịnh, Trần Trọng San gặp thuận lợi rất lớn nếu so với Paul Demiéville, Xu Yuanzhong hay Jacques Chatain vì tiếng Hán cũng như tiếng Việt đều cùng thuộc loại đơn âm.

Từ phổ, từ điệu, từ thức

Mỗi bài từ có một nhạc phổ riêng nhưng hấu hết các nhạc phổ đó đều đã thất truyền. Tuy nhiên hậu thế vẫn có may mắn tiếp thu được một số từ phổ. Đó chẳng hạn là trường hợp của từ gia Khương Quỳ. Trong tập hợp từ phẩm Bạch Thạch Đạo nhân Ca khúc, mười bảy bài từ của Khương Quỳ được lưu lại cho hậu thế nguyên vẹn cả lời ca lẫn điệu nhạc. Chúng ta được thưởng thức nhạc điệu của những bài Ám hương, Sơ ảnh, Ngọc mai lệnh, Thạch hồ thiên, Thu tiêu lệnh, Dương châu mạn, Hạnh hoa thiên ảnh, Trường đình oán mạn. Trong số mười bảy bài từ này thì có bốn tiểu lệnh và mười ba mạn từ, do chính đích thân Khương Quỳ phổ thành ca khúc. Đây là tư liệu Từ Tống phổ nhạc hoàn chỉnh duy nhất còn lại đến nay. Tôi xin giới thiệu bản nhạc của điệu tiểu lệnh Ức Vương tôn, rút từ công trình nghiên cứu của Alan Ayling và Duncan Mackintosh A Collection of Chinese Lyrics, London, Routledge and Kegan Paul, 1965, page 220. Trên khung nhạc năm gạch ngang song song là nhạc phổ theo ký âm pháp Tây phương hiện đại.

(Xem hình bên cạnh)

Ở nước ta, nhà Trần tiếp sứ Nguyên là Trần Phu đã cho cử nhạc gồm các điệu Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên, Mẫu biệt tử, Vi sinh, Ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca, Giáng chân long, Nhập hoàng đô, Yến giao trì Nhất thanh phong. Đó là những khúc hát đã được Lê Quí Đôn ghi lại trong Kiến văn tiểu lục, dựa theo Sứ Giao châu Thi tập của Trần Cương Trung, mà tôi nghi chắc là những điệu từ. Điệu Đạp ca chẳng hạn, rất có thể là điệu Đạp ca từ. Nhưng chính Lê Quí Đôn cũng không còn được nghe các bản nhạc liên hệ nữa: “Tôi thiết nghĩ đó là nhạc triều Trần, hiện nay cũng không có nhạc này".

Tình trạng chỉ còn lại những dòng thơ không nốt nhạc như trình bày kéo dài trong văn học sử Việt Nam. Bài từ đầu tiên còn truyền lại do tổ tiên chúng ta điền từ là bài Nguyễn lang quy do Đại sư Khuông Việt sáng tác để tiễn tống sứ thần Lý Giác vào thế kỷ thứ mười. Bài từ cuối cùng là của Tản Đà, đó là bài Tống biệt viết theo điệu Hoa phong lạc năm 1917. Giữa hai thời điểm đó, thỉnh thoảng cũng có tác giả vận dụng thể từ. Về phái nữ có Liễu Hạnh tiên chúa với các bài theo điệu Bộ bộ thiềm, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Nhất tiễn mai; Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang với hai điệu Tây giang nguyệt Nhất tiễn mai; Hồ Xuân Hương với điệu Xuân đình lan. Về nam giới có thể kể chúa Trịnh Cương với điệu Kiều dương cách; Ngô Thì Sĩ với điệu Tô mộ già; Tùng Thiện Vương với rất nhiều điệu tập hợp trong từ tập Cổ duệ từ như Hoãn khê sa, Thanh bình lạc, Dương châu mạn, Mô ngư nhi, Giải bội lệnh, Lưỡng đồng tâm, Kim nhân bổng ngọc bàn, Pháp khúc hiến tiên âm; Đào Tấn với gần hai mươi điệu trongMộng Mai từ tập : Mãn giang hồng, Bồ tát man, Nhất lạc sách, Ngư phủ từ, Lâm giang tiên, Trường tương tư, Giá cô thiên, Ức Vương tôn, Ức Giang nam, Hậu đình hoa, Ỷ la hương, Ngu mỹ nhân, Tiểu trùng sơn, Như mộng lệnh, Điệp luyến hoa, Chuyển ứng khúc, Bốc toán tử v.v..Thi hào Nguyễn Du cũng có ít nhất một bài theo điệu Hành lạc từ và mười lăm bài theo điệu Trúc chi từ (mà tác giả Truyện Kiều gọi là Trúc chi ca). Ngoài ra, các nhân vật hư cấu truyện Nôm như Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tô Hữu Bạch trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức cũng có điền từ.

Rồi hôm nay đến Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh.

*

Được Bạn tin cậy ủy thác viết đôi dòng giới thiệu tuyển tập dịch từ đời Tống, tôi suy nghĩ nhiều và quyết định viết theo một cung cách riêng. Tôi không theo lệ thường trình bày những điểm chính về tác phẩm của Bạn. Tôi tự nguyện góp phần giải thích khái niệm từ trong văn học sử dân tộc vì tôi nghĩ khái niệm từ chắc không quen thuộc lắm với độc giả đồng hương. Trường Đại học Văn khoa Hà nội trước 1954 và Trường Đại học Văn khoa Sài gòn trước 1975 không có một giờ nào giảng về từ cho sinh viên. Giáo sư Văn khoa Trần Trọng San cho rằng “trong văn học Việt-Hán chỉ có độc nhất một bài từ: bài này làm theo điệu Vương lang qui do Đại sư Ngô Chân Lưu tặng sứ thần nhà Tống Lý Giác ở thời Lê Đại Hành (năm 907); trong văn chương chữ Nôm chỉ có mấy bài từ làm theo điệu Tây giang nguyệt trong truyện Sơ kính tân trang của Phạm Thái ở đời Hậu Lê"..

Tôi tiếc là Tống từ tam bách thủ hầu như chỉ tuyển chọn những tiểu lệnh cho nên giới thưởng ngoạn dịch phẩm của Bạn không được thưởng thức những bài từ trứ danh thuộc loại dài hơi như bài Đại giang đông khứ theo điệu Giang thành tử của Tô Đông Pha với những câu:

Thập niên sinh tử lưỡng mang mang.
Bất tư lương,
Tự nan vong.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương. (...)

hoặc bài theo điệu Mãn giang hồng của Nhạc Phi với những câu:

Nộ phát xung quan,
Bằng lan xứ,
Tiêu tiêu vũ yết.
Đài vọng nhãn,
Ngưỡng thiên trường khiếu,
Tráng hoài kích liệt. (…)

Nhưng thôi, có được một tập từ dưới tay đã là quí hoá quá rồi. Trân phẩm bao giờ cũng vẫn là trân phẩm.

Bonn, CHLB Đức, 07.2016




Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2016
Loading
tho2 (1000 x 1000)