Kẻ tha phương nơi đất khách, quê người luôn mang canh cánh trong lòng một tấm tình hoài hương dù khác nhau về thời gian, không gian hay hoàn cảnh ra đi. Tình hoài hương đã khiến ta hơn một lần bồi hồi cảm xúc mỗi khi nghe ai nhắc tới hai chữ quê hương; với người Việt có thể là Hà Nội, Huế, Sài Gòn hay bất cứ thị trấn hoặc phố phường, xóm làng nào trên đất nước, khiến bao nhà thơ không ngăn được cảm hứng tuôn trào thành những lời thơ dào dạt tình tự dân tộc.
Nếu chúng ta muốn đi tìm những rung động của lòng mình qua các thi ca nói lên tình hoài hương thì quá mênh mông, bát ngát, có thể đọc cả đời không hết cho nên bài viết hôm nay chỉ giới hạn trong thi ca Nguyễn Du, nói đúng hơn một số bài tiêu biểu trong số 249 bài thơ chữ Hán của thi hào mà thôi. Tình huống và hoàn cảnh của tiên sinh có nhiều điểm tương đồng với chúng ta nếu chúng ta còn nhớ tiểu sử của người, mà ở đây tôi xin phép khỏi nhắc lại.
Tình hoài hương trong thơ Nguyễn Du sẽ được trình bày trong ba chiều, trải rộng trong Không Gian, nối dài theo Thời Gian và đi sâu vào trong Nhân Gian. Sự phân chia này chỉ có tính cách tương đối để có một dàn bài rõ ràng, dễ ăn, dễ nói, cho người đọc dễ gói mang về. Trước khi vào bài cũng xin thưa là các bài thơ dịch đều do chính người viết bài này, Hoàng Xuân Thảo để khỏi nhắc lại trong mỗi bài.
Tình hoài hương trong không gian
Núi sông từ xưa vẫn là tượng trưng cho quê hương cho nên mỗi khi nhắc tới quê hương là hình ảnh núi sông lại hiện ra, tràn ngập trong thơ, trong tranh và trong nhạc. Mỗi người, tuỳ địa phương đều có một dòng sông, một ngọn núi nằm trong tâm trí, lúc đậm, lúc mờ; riêng với Nguyễn Du thì đó là núi Hồng Lĩnh và sông Lam, là Tiên Điền, Nghi Xuân cùng các địa danh khác thuộc vùng Hà Tĩnh, quê hương của tiên sinh.
Trong bài thơ Tặng Thực Đình, một người bạn, ông nói thẳng ra sông Lam, núi Hồng đối với ông là đẹp hơn cả, và đủ là nguồn cảm hứng để ông ngâm vịnh suốt đời:
TẶNG THỰC ĐÌNH TẶNG THỰC ĐÌNH
Thiên hạc đàm ngư hà xứ tầm Chim trời, cá nước sao tìm?
La Thành nhất biệt thập niên thâm La Thành từ giã mười năm qua rồi
Đồng niên đối diện cách thiên nhưỡng Đồng niên gặp tựa đất/ trời
Vãng sự hồi đầu thành cổ kim Chuyện vừa năm trước thôi rồi đã xưa
Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí Bạc đầu sĩ khí tiêu ma
Đề bào trân trọng cố nhân tâm Áo sồi người tặng mặn mà tình thâm
Mạc sầu tịch địa vô giai khách Đừng lo heo hút cô đơn
Lam thủy Hồng sơn túc vịnh ngâm. Sông Lam núi Lĩnh đủ cùng vịnh ngâm.
Khi chạnh nhớ quê nhà, ngoài sông núi nghìn trùng xa cách, người ta còn thường liên tưởng tới trăng và mây như nhà thơ Xuân Diệu từng thú nhận, “ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, như Nguyễn Du từng viết, “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”, “ Hồn quê gửi ngọn mây Tần xa xa...” và như Lý Bạch, “ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương.”
Chúng ta hãy lắng nghe tiếng tơ lòng Nguyễn Du rung lên cùng với núi sông, và thả hồn theo trăng mây trong những bài thơ sau đây.
Sau khi cuộc khởi nghĩa phù Lê thất bại tại Thái Nguyên, ông cùng anh là Nguyễn Quýnh, TrấnTả Đội Thái Nguyên và Trấn thủ Thái Nguyên Nguyễn Đăng Tiến mà ông coi như anh cả nên thường gọi là Nguyễn Đại Lang phiêu bạc sang Tàu, rồi chia tay nhau tại Liễu Châu khoảng 1788, Tiến về quê Quế Lâm, Quýnh về Nghệ An mưu đồ chống Tây Sơn còn N. DU tiếp tục ngao du Trung quốc. Trước khi chia tay, ông viết tặng Nguyễn Đăng Tiến bài thơ:
LƯU BỊÊT NGUYỄN ĐẠI LANG CHIA TAY CÙNG ANH CẢ NGUYỄN
Tây phong quy tụ Liễu cao lâm Đưa ta tới Liễu: ngọn Tây phong
Khuynh tận ly bôi thoại dạ thâm Cạn chén ly bôi chuyện vãn canh
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm Thời loạn thân trai nhìn kiếm thẹn
Tha hương bằng hữu trọng phân khâm Quê người tiễn bạn nặng tình thâm
Cao sơn lưu thủy vô nhân thức Non cao nước chảy nào ai biết
Hải giác thiên nhai hà xứ tầm? Góc biển, chân trời, kiếm khó khăn
Lưu thủ Giang Nam nhất phiến nguyệt Còn lại Giang Nam trăng một mảnh
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm. Đêm đêm vằng vặc chiếu đôi lòng.
CHÚ THÍCH:
Tây Phong đây ám chỉ nhà Tây Sơn nổi lên khiến hai người phải chạy sang Tàu rồi chia tay nhau tại Liễu Châu nổi tiếng trong câu tục ngữ, “ Ăn ở Quảng Châu, lấy vợ ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu và chết ở Liễu Châu” vì nơi đây có gỗ qúy và tốt để làm áo quan.
Nguyễn Du, trong dịp chia tay này cũng viết tặng Nguyển Quýnh bài thơ:
TỐNG NGUYỄN SĨ HỮU NAM QUY TIỄN NGUYỄN SĨ HỮU VỀ NAM
Nam Sơn hữu điểu hàm tinh hoa Núi Nam chim ngậm tinh hoa
Phi khứ phi lai khinh võng la Bay lui bay tới võng la coi thường
Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ Núi Hồng nay có đầu đàn
Bạch đầu vô lại bất hoàn gia Bạc đầu, vô lại tha hương chẳng màng
Sinh bình văn thái tàn lung phượng Văn phong phượng nhốt trong lồng
Phù thế công danh tẩu hác xà Công danh rắn chạy vào hang thập thò
Quy khứ cố hương hảo phong nguyệt Về nơi trăng gió quê xưa
Ngọ song vô mộng đáo thiên nhai. Trưa bên cửa, chẳng mộng xa cuối trời.
Nguyễn Sĩ Hữu, theo Phạm Trọng Chánh chính là Nguyễn Quýnh, người anh hơn Nguyễn Du 4 tuổi, tới Liễu Châu thì quyết tìm đường về quê nhà mưu sự chống Tây Sơn, sau bị giết năm 1791.
Hồng Lĩnh & Lam Giang
Trong khi tiếu ngạo giang hồ tại Trung Quốc, lòng ông vẫn luôn luôn hướng về Hồng Lĩnh qua bài thơ:
NHIẾP KHẨU ĐẠI TRUNG TRÊN ĐƯỜNG NHIẾP KHẨU
...Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng ..Hồng Lĩnh năm tàn theo mộng ảo
Bạch đầu thiên lý khởi thu phong Bạc đầu muôn dặm dãi thu phong
Mang nhiên bất khởi hoàn hương lộ Đường về quê cũ sao mờ mịt
Xúc mục phù vân xứ xứ đồng. Trước mắt mây trôi hàng nối hàng.
Muà thu vốn cảnh sắc đã buồn với lá vàng rơi lả tả, từng cơn gió heo may hắt hiu thổi mấy đám mây trôi lững lờ , lòng kẻ tha hương càng thấm thía hơn với nỗi niềm hoài hương. Nguyễn Du cũng cảm thấy như vậy trong bài thơ:
THU NHẬT KÝ HỨNG NGÀY THU GỬI HỨNG
Tây phong tái đáo bất qui nhân Gió may chớm thổi, khách tha phương
Đốn giác hàn uy dĩ thập phần Đã cảm giá băng thấm tận hồn
Cố quốc hà san khan lạc nhật Nước cũ non sông nhìn bóng xế
Tha hương thân thế thác phù vân Quê người thân thế gửi mây Tần
Hốt kinh lão cảnh kim triêu thị Hôm nay bỗng ngại cảnh già tới
Hà xứ thu thanh tạc dạ văn Đêm trước tiếng thu trỗi trỗi ngân
Tự thẩn bạch đầu khiếm thu thập Tự nhạo bạc đầu còn lúng túng
Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân Vàng bay lả tả lá đầy sân.
Trong ba năm lưu lạc sang Tàu, nhiều khi Nguyễn Du đổi thành nhà sư Chí Hiên, mặc áo cà-sa, đội mũ vàng, tay thường cầm kinh Kim Cương, vào các chuà chiền trú ngụ, trên đường đi chỉ đề huề lưng túi gió trăng, nhẹ nhàng cất bước đường xa vạn dặm. Ông ghi lại cảnh tượng này qua bài:
MẠN HỨNG II MẠN HỨNG
Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng Lang thang, không rễ cỏ bồng
Giang Nam, Giang Bắc, nhất nang không Giang Nam, Giang Bắc túi không nhẹ nhàng
Bách niên cùng tử văn chương lý Trăm năm chết dí văn chương
Lục xích phù sinh thiên địa trung Tấm thân sáu thước dọc ngang đất trời
Vạn lý hoàng quan tương mộ ảnh Mũ vàng, vạn dặm chiều rơi
Nhất đầu bạch phát tản tây phong Tóc sương một mớ tơi bời gió tây
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ Vô cùng thương cảm xưa nay
Y cựu thanh san tịch chiếu hồng. Núi xanh phản ánh hồng hoài tà dương.
CHÚ THÍCH:
Tấm thân bẩy/ tám thước chỉ người bình thường /hào kiệt, còn năm thước là người thấp hèn, Nguyễn Du khiêm tốn tự nhận mình chỉ là tấm thân sáu thước.
Trong một lần đi Tàu, với tư cách chánh sứ, khi thuyền tới sông Tương đậu lại qua đêm, Nguyễn Du mượn cảnh tả tình thương nhớ quê nhà:
TƯƠNG GIANG DẠ BẠC ĐÊM ĐẬU SÔNG TƯƠNG
Nhất khứ lục thập lý Một chèo sáu chục dặm
Du du giang thủy trường Theo sóng nước mênh mông
Phù vân liên Ngũ Lĩnh Mây giăng giăng Ngũ Lĩnh
Minh nguyệt hội Tam Tương Trăng vằng vặc Tam Tương
Biệt phố phân tân sắc Bến ngại ngần tiễn biệt
Dao không thất cố hương Xa vời đâu cố hương
Hạc lai nhân bất kiến Hạc về, người đâu thấy?
Vãn thụ uất thương thương. Cây chiều buồn vương vương.
CHÚ THÍCH: Tam Tương chỉ ba dòng sông Tương gặp nhau: Tiêu Tương, Chung Tương và Nguyên Tương. Bốn câu sau lấy ý từ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu để tỏ nỗi lòng hoài hương của mình.
Tuy quê hương của Nguyễn Du là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhưng Thăng Long trong lòng ông cũng là một quê hương thứ hai nữa, vì đây là nơi ông có nhiều kỷ niệm thời trưởng thành và nhất là có mối tình ba năm nồng nàn với Hồ Xuân Hương và hai mươi năm tình một thuở còn vương.
Năm 1812, khi đi sứ sang Tàu, ông đã có dịp ghé lại Thăng Long, đi thăm lại các đường xưa lối cũ, ông đã thấy những thay đổi hiển hiện không khác gì một cuộc biển dâu, các thành quách cùng với các đền đài, dinh thự từ triều Lý qua các triều Trần, Lê đã bị vua Gia Long cho phá bình địa năm 1805 và san ra làm đường lộ, đồng thời xây một thành mới tại một địa điểm khác. Ông đã ghi lại cảm xúc của minh qua hai bài thơ về Thăng Long:
THĂNG LONG I THĂNG LONG I
Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng Núi Tản, sông Lô cảnh trường tồn
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long Bạc đầu mừng được thấy Thăng Long
Thiên niên cự thất thành quan đạo Ngàn năm cự thất thành quan lộ
Nhất phiến cô thành một cố cung Một dải tân thành lấp cố cung
Tương thức mỹ nhân khan bảo tử Người đẹp quen xưa nay ãm trẻ
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông Bạn chơi thuở nhỏ đã thành ông
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy Cả đêm buồn bã nằm thao thức
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung Tiếng địch vang vang trong ánh trăng.
THĂNG LONG II THĂNG LONG II
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành Vẫn vầng trăng cũ chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh Ấy đó Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích Đường sá dọc ngang che dấu cũ
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh Sáo đàn đổi hết điệu ngang cung
Thiên niên phú qúy cung tranh đoạt Xưa nay phú qúy mồi tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh Quá nửa thân bằng kẻ mất còn
Thế sự phù trầm hưu thán tức Thế sự thăng trầm đừng tiếc nữa
Tự gia đầu bạch diệc linh tinh. Ta giờ tóc cũng bạc như sương.
Đọc hai bài thơ về Thăng Long nay, ta không khỏi không nhớ tới bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
...Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Tất nhiên Nguyễn Du còn ngẫu hứng sáng tác nhiều bài thơ nhớ lại những nơi ông đã có nhiều kỷ niệm trong những dịp đi qua hay viếng thăm:
Vị Hoàng Doanh ( Sông Vị Hoàng, Nam Định) – Giang Đình Hửu Cảm ( Một trong tám cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh và Quế Giang Hà Tĩnh) - Điếu La Thành Ca Giả ( Nghệ An ) - Long Vỹ, tên một khúc sông Lam – Đồng Lung Giang một khúc sông trong vùng Sơn Nam - Đoàn Thành và Vọng Phu Thạch ( Lạng Sơn) - Quỉ Môn Quan ( Chi Lăng, Lạng Sơn) - Chùa Thầy, Sơn Tây – Đèo Tam Điệp - Hương Giang và Ngự Bình (Thưà Thiên ) - Tây Hồ (Thăng Long ) - sông Nhật Lệ, sông Nễ Giang, sông Linh Giang, tục gọi là sông Gianh và núi Cẩm Lý ( Quảng Bình) v...v…
Tình hoài hương trong thời gian
Tình hoài hương như ta vừa cảm nhận qua thơ Nguyễn Du thật là mênh mang và bát ngát trong không gian, giờ chúng ta hãy thả hồn trôi nổi theo dòng thời gian.
Tình hoài hương khơi dậy trong lòng kẻ du tử từ lúc nào? Còn nhớ khi xưa có người lính thú đã từng cảm thấy nỗi nhớ xa nhà ngay từ lúc:
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...
Nguyễn Du cũng vậy, vừa qua sông đã cảm thấy mình là khách ly hương rồi:
Độ LONG VỸ GIANG QUA SÔNG LONG VỸ
Cố quốc hồi đầu lệ Ngoảnh nhìn quê, rơi lệ
Tây phong nhất lộ trần Gió tây, bụi ngập đường
Tài qua Long Vỹ thuỷ Vừa qua sông Long Vỹ
Tiện thị dị hương nhân Đã là khách tha hương
Bạch phát sa trung hiện Giữa cát, tóc bạc hiện
Ly hồng hải thượng văn Ngoài biển, chim gọi đàn
Thân bằng tân khẩu vọng Thân bằng trên bến ngó
Vị ngã nhất triêm cân. Thương ta, lệ đẫm khăn.
CHÚ THÍCH:
Long Vỹ Giang là một khúc sông Lam ở gần cửa biển. Tây phong ám chỉ nhà Tây Sơn. Bài này có lẽ làm trên đường đi tìm chúa Nguyễn, rồi bị bắt nhưng chỉ bị giam ba tháng rồi được thả do trấn thủ Nguyễn Thận nể tình Nguyễn Nễ cùng là quan đồng triều Tây Sơn.
QUỲNH HẢI NGUYÊN TIÊU QUỲNH HẢI ĐÊM RẰM THÁNG GIÊNG
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên Tháng giêng sân vắng trăng đầy
Y y bất cải cựu thuyền quyên Hằng Nga vẫn thế còn hoài rọi soi
Nhất thiên xuân hứng thuỳ gia lạc Một trời xuân hứng nhà ai?
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên Quỳnh Châu vạn dặm xum vầy đêm nay
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán Anh em Hồng Lĩnh chia phôi
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên Bạc đầu lắm hận tháng ngày chuyển xoay
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến Đường cùng trăng đấy ta đây
Hải giác thiên nhai tam thập niên. Chân trời, góc biển ba mươi năm tròn.
CHÚ THÍCH: Bài này ông làm khi ở quê vợ tại Quỳnh Hải, Sơn Nam vào ngày rằm tháng giêng, còn gọi là tết nguyên tiêu, chạnh nhớ tới anh chị em nhà bị phân tán do thời cuộc. Phần ông đang nằm chèo queo tại nhà vợ , tóc đã bạc, thế đang cùng. May thay vẫn còn vầng trăng để làm bạn trong suốt ba mươi năm dù ở chân trời, góc biển.
Trong mười năm gió bụi, mỗi khi xuân về với mưa gió sụt sùi, trước hàng liễu rủ âm thầm, lắng nghe tiếng sóng nước sông xưa dội trong lòng, thử hỏi người lữ khách nào không trào lòng một mối cảm hoài như Nguyễn Du đã từng than thở trong bài:
XUÂN DẠ ĐÊM XUÂN
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm? Đêm tối tìm đâu thấy ánh xuân?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm Trước song bóng liễu rủ âm thầm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu Giang hồ bệnh cũ đeo dai dẳng
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm Mưa gió vùi xuân thêm tối tăm
Kỵ lữ đa niên đăng hạ lệ Đất khách mỏi mòn sùi sụt nến
Gia hương vạn lý nguyệt trung tâm Quê nhà vạn dặm lòng đầy trăng
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy Nam Đài ngoài xóm sông Long chảy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim. Tiếng sóng lạnh lùng tiễn cổ kim.
Đêm xuân còn ảo não như vậy thì đêm thu sẽ thê lương, tiêu sái tới chừng nào?
THU DẠ II ĐÊM THU II
Bạch lộ vi sương thu khí thâm Mù mịt hơi thu, trắng móc sương
Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm Tiêu điều cây cỏ khắp Giang thành
Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ Khêu đèn một bóng đêm dài dặc
Ác phát kinh hoài mạt nhật tâm Vắt tóc e rằng chí kém nung
Thiên lý giang san tần trướng vọng Ngàn dặm non sông buồn tưởng vọng
Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm Bốn muà phong cảnh độc trầm ngâm
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ Lạnh về thiếu áo thân tê tái
Hà xứ không khuê thôi mộ châm. Vẳng tiếng chày ai bóng tịch dương.
CHÚ THÍCH:
Chu Công là một đại thần nhà Chu rất chăm lo việc nước, đang gội đầu có khách tới bèn vắt tóc ra tiếp hết người này tới người khác, phải ba lần vắt tóc mới gội đầu xong.
Giưã cảnh thu tiêu điều, một mình ngồi với ngọn đèn mờ, ngoài trời sương móc trắng xóa, đang co ro vì thiếu áo ấm bỗng nghe tiếng chày đập áo từ một phòng khuê vẳng tới trong bóng tà dương thì thấm thía nỗi buồn cô đơn biết là bao!
Năm 1805, Nguyễn Du được thăng chức Đông Các Điện Học Sĩ và được vời về kinh đô, công việc vất vả, khiến lưng luôn luôn khom khom nhưng còn có ý là phải giữ vẻ khúm núm để tránh tai bay vạ gió, thành ra tu vẫn ở sông Hương mà nhớ về miền sông Lam, muốn được về hưởng cảnh an nhàn như bày chim âu nhưng nào có được. Mồ xanh ám chỉ mồ tổ tiên vì theo văn hóa Trung quốc, màu xanh chỉ phương Đông, tượng trưng cho quyền quý.
Tình cảm này đã được gửi gấm trong bài:
THU CHÍ THU TỚI
Hương Giang nhất phiến nguyệt Sông Hương một mảnh nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu Xưa nay gợi lắm sầu
Vãng sự bi thanh trủng Thương mồ xanh chuyện cũ
Tân thu đáo bạch đầu Chớm thu đã bạc đầu
Hữu hình đồ dịch dịch Hữu thân nên hữu khổ
Vô bệnh cố câu câu Không bệnh lưng lom khom
Hồi thủ Lam Giang phố Bến Lam ngoảnh đầu lại
Nhàn tâm tạ bạch âu. Khôn nhàn như chim âu.
Nguyễn Du từng trải qua thập tải hay mười năm phong trần rồi mới tìm đường ra làm quan với nhà Nguyễn, trong thời gian ẩn náu đó ông phải hành xử một cách khéo léo để không mang họa vào thân.
Tuổi già, tóc bạc như sương, có cái khăn đen nhỏ để che đi thì gió lại thổi bay mất thì thật là con Tạo muốn trêu ngươi. Nhà thơ kể lại nỗi niềm này qua bài:
U CƯ I Ở NƠI U TỊCH I
Đào hoa đào diệp lạc phân phân Lá hoa đào rụng tả tơi
Môn yểm tà phi nhất viện bần Cửa siêu liếp vẹo che nơi bần hàn
Trú cửu đốn vong thân thị khách Quên mình khách trọ lâu năm
Niên thâm cánh giác lão tùy thân Năm chày thêm hiểu cái thân đã già
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục Tha phương an phận giả ngơ
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân Loạn ly phải biết né mà phòng thân
Lưu lạc bạc đầu thành để sự Phiêu lưu tóc bạc lỡ làng
Tây phong suy đảo tiểu ô cân. Gió tây thổi bạt cả khăn bịt đầu.
Tình hoài hương trong nhân gian
Khi nhớ quê hương, người ta thường có ý nghĩ là nhớ Nước và nhớ Nhà:
Nhớ Nước đau lòng con quốc quốc
Thương Nhà mỏi miệng cái gia gia.
Giữa Nước với Nhà, tình cảm con người thường nghĩ và hướng tới Nhà trước Nước và khi nói tới Nhà là ta nghĩ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu rồi tới thân quyến xa gần.
Trong thơ Nguyễn Du, đặc biệt không thấy đề cập tới mẹ, còn cha thì chỉ có một bài duy nhất Giang Đình Hữu Cảm, phải chăng vì thi hào mồ côi sớm cả cha, năm 10 tuổi, lẫn mẹ, năm 13 tuổi, tuy nhiên trong Truyện Kiều bù lại, ngòi bút Nguyễn Du đã tả đi tả lại tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Bài Giang Đình Hữu Cảm do thi hào viết khi trở lại Hà Tĩnh sau mười năm gió bụi, kể lại cảnh tượng ngày cha ông là Tể tướng Nguyễn Nghiễm về hưu năm 1771, được vua Lê ban cho ba chiếc thuyền hải mã, được dân chúng đón tiếp tại bến Giang Đình, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh một cách long trọng và nồng nhiệt.
GIANG ĐÌNH HỮU CẢM CẢM HỨNG TRÊN BẾN GIANG ĐÌNH
Ức tích ngô ông tạ lão thì Còn nhớ cha xưa nghỉ lão thì
Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi Ngựa xe trên bến thật uy nghi
Tiêu chu kích thuỷ thần long đấu Thuyền tiên lướt sóng như rồng đấu
Bảo cái phù không thụy hạc phi Tàn quý phất phơ tựa hạc bay
Nhất tự y thường vô mịch xứ Từ độ áo xiêm không dấu tích
Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi Hai bờ cây cỏ khói sầu vây
Bách niên đa thiểu thương tâm sự Trăm năm thế sự sao buồn quá
Cận nhật Trường An đại dĩ phi. Nay cảnh Trường An rất khác xưa.
CHÚ THÍCH: Bồ tứ là xe bồ luân bốn ngựa của các đại quan.
Nguyễn Du cũng không hề nhắc tới tình nghĩa vợ chồng mặc dầu ông có tới bốn bà trong khi trong Truyện Kiều, mối tình trai gái được tả một cách rất nồng nàn, thắm thiết cho nên đã có nhiều ý kiến phê bình là dâm thư và khuyên nhủ đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thuý Kiều. Chắc thi hào cũng bị ảnh hưởng bởi thơ Đường vì trong thơ Đường người vợ cũng rất ít được nhắc nhở tới ngoài Lý Thương Ẩn đã viết khá nhiều bài về tình tự đôi lứa. Tuy nhiên có một bài nhan đề Ký Mộng là bài duy nhất kẻ du tử Nguyễn Du tỏ lòng thương xót một người đàn bà ngàn trùng xa cách, lặn lội đi tìm ông mặc dầu những hiểm nguy ở dọc đường, nhưng lại dưới hình thức một giấc mộng:
KÝ MộNG GHI LẠI GIẤC MộNG
Thệ thuỷ nhật dạ lưu Nước ngày đêm chảy mãi
Du tử hành vị quy Du tử đi chưa về
Kinh niên bất tương kiến Bao năm chưa gặp lại
Hà dĩ úy tương tư. Lòng nặng trĩu tương tư.
Mộng trung phân minh kiến Thấy nàng trong mộng tới
Tầm ngã giang chi mi Tìm ta bến sông xưa
Nhan sắc thị trù tích Nhan sắc không thay đổi
Y sức đa sâm si. Phục sức quá xác xơ.
Thì ngôn khổ bệnh hoạn Thoạt kể nỗi bệnh hoạn
Kế ngôn cửu biệt ly Rồi niềm đau biệt ly
Đái khấp bất chung ngữ Sụt sùi lời khôn dứt
Phảng phất như cách duy. Phảng phất bức màn chia.
Bình sinh bất thức lộ Bình sinh nào biết lối
Mộng hồn hoàn thị phi Hồn sao rõ thực hư
Điệp Sơn đa hổ ti Núi Điệp lắm hổ báo
Lam thuỷ đa giao ly. Sông Lam đầy kình ngư.
Đạo lộ hiểm thả ác Đường trường rất hiểm trở
Nhược chất lương hà y Thân liễu: ai tựa nương?
Mộng lai cô đăng thanh Mộng tới đèn tỏa sáng
Mộng khứ hàn phong suy. Mộng tan gió lạnh lùng.
Mỹ nhân bất tương kiến Mỹ nhân không gặp gỡ
Nhu tình loạn như ti Tình rối bời như tơ
Không ốc lâu tà nguyệt Nhà trống trăng chênh chếch
Chiếu ngã đan thường y. Còn soi manh áo đơn.
CHÚ THÍCH: Bài này nổ ra cuộc tranh luận xem nàng đây là ai? Phần lớn nghĩ rằng nàng trong mộng tức là vợ ông, nếu vậy sao ông chỉ có một lần duy nhất viết về vợ mà tại sao chỉ là trong mộng? Một số nhỏ lại cho rằng nàng đây ám chỉ vua Lê Chiêu Thống, nếu vậy sao tình cảm trong bài nồng nàn, thắm thiết như tình cảm đôi lứa và từ mỹ nhân không có ai dùng để chỉ một đấng quân vương. Riêng tiến sĩ Phạm Trọng Chánh thì cho rằng nàng đây tức là người tình Hồ Xuân Hương, ngoài Thăng Long. Trong một bức thư gửi cho Nguyễn Du nàng Hương có nói rất muốn vô Đàng Trong để thăm ông nhưng thân gái dặm trường khó bề thực hiện. Ông Chánh còn đưa ra một bằng chứng cụ thể là lúc viết bài thơ này thì Nguyễn Du chưa có vợ và mối tình ba năm với nàng Hương tuy chấm dứt vì sông ngăn núi cách nhưng dẫu lià ngó ý còn vương tơ lòng. Sau đó, Nguyễn Du còn xin nghỉ bệnh, ra Thăng Long tìm nàng thì nàng đã lấy chồng là một thầy lang Nghi Tàm.Tuy vậy mối tình giữa hai người vẫn chưa đứt đoạn mà còn tiếp tục trao đổi thư và thơ cho nhau, tính ra HX Hương đã gửi cho ban tình 17 bài thơ trong khi Nguyễn Du gửi lại 11 bài. Tất cả những bài thơ này đã được viết trong bài biên khảo nhan đề Mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương của Hoàng Xuân Thảo.
Theo các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Trần Ngọc Ninh, Phạm Trọng Chánh bóng dáng nàng Hương còn ẩn hiện suốt chiều dọc của Truyện Kiều không riêng gì trong suốt cuộc đời cuả Nguyễn Du.
Nguyễn Du còn kể lại chuyện gặp gỡ cô Cầm, một ca kỹ, qua hai lần cách nhau 20 năm và sự biến chuyển của cuộc đời cô như một kiếp hồng nhan đa truân trong bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca. Ngoài cô Cầm, còn hai ca nương khác cũng tạo trong lòng Nguyễn Du mối thương tâm lâu dài là ca nương thành Nghệ An và một cựu đào hát của em Nguyễn Du tức Nguyễn Ức. Cả ba bài thơ về ba nàng ca kỹ này cũng đã được ghi lại trong bài biên khảo Nguyễn Du với Triết thuyết Hồng Nhan Đa Truân của Hoàng Xuân Thảo. Người xưa không được tự do bày tình cảm chăn gối nhưng đối với bày con thơ dại thì không qúa khắt khe cho nên trong thơ Nguyễn Du đó đây thường nhắc tới lũ con cháu ở quê nhà gồm 12 trai và 6 gái:
…Mười miệng đói meo Hồng Lĩnh ngóng
Một thân ngã bệnh nẻo Thành Đông
Bạn kêu ta lắm sầu nhiều mộng?
Thiên hạ, ai người không mộng chăng?
Ngẫu Đề
Gia đình Nguyễn Du rất đông anh chị em, gồm 8 trai và 21 gái, trong đó ông đứng hàng thứ bảy nên thường được người quen gọi là cậu chiêu Bảy. Một đêm ngắm trăng, khách tha hương bỗng nhớ tời đàn em ở quê nhà:
...Một mảnh tình quê trăng rọi thấu
Bao năm tiếng nhạn gợi châu sa
Bầy em quê cũ không tăm tích
Biết có bình an như thuở xưa?
Sơn Cư Mạn Hứng
Khi đi sứ sang Tàu, lúc thuyền rời bến Minh Giang, giữa tiếng kêu như ai oán của bày vượn ông vưà nhớ các em, vừa nhớ bày con, cảm thấy buồn đứt ruột nên ngẫu hứng viết ra:
...Anh em cách biệt ngàn trùng
Nhìn non lởm chởm chạnh lòng nhớ con
Chiều tà ngại vượt Hoa Sơn
Vươn kêu ai oán, nỗi buồn mang mang...
Minh Giang Chu Phát
Người anh gần gũi với Nguyễn Du là Nguyễn Nễ. Nguyễn Nễ ra cộng tác với Tây Sơn rất sớm, nên được làm phó sứ cho Vũ Huy Tấn sang Tàu nối lại bang giao sau trận Đống Đa. Nguyễn Nễ, năm 1794, được cử vao Qui Nhơn làm Hiệp Tán Nhung Vụ. Thành Qui Nhơn có cả thẩy 6 cụm tháp ngoài đường lộ Bắc Nam nên còn gọi là Lục Tháp Thành.
Nguyễn Du viết bài ỨC GIA HUYNH tỏ ý NHỚ ANH nhưng anh thì bị bó chân với thành còn mình dù có muốn vô thăm mà ngại đường đêm vượt đèo Hải vân lởm chởm toàn đá, ngay cả thần hồn người chân trời, kẻ góc biển, muốn gặp nhau cũng còn khó huống chi là người:
Lục Tháp thành Nam hệ nhất quan Làm quan Lục Tháp bó chân
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan Đá đường lởm chởm Hải Vân hãi hùng
Cùng xu lam chướng tam niên thú Ba năm chướng khí núi rừng
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn Khói hoa quê cũ lạnh lùng giữa xuân
Nhất biệt bất tri hà xứ trú Đi không biết chốn trú thân
Trùng phùng đương tác tái sinh khan Trùng phùng chắc đợi tới lần tái sinh
Hải thiên mang diếu thiên dư lý Chân trời góc biển vô biên
Thần phách tương cầu mộng diệc nan. Phách hồn trong mộng khôn tìm thấy nhau.
Trong nhân gian có một thứ tình, tuy không cao như núi Thái Sơn và bất tận như nước trong nguồn chảy ra, tuy không nồng nàn, thắm thiết như chim liền cánh, như cây liền cành, tuy không gần gũi và gắn bó như thể tay chân nhưng là một tổng hợp của các tình kể trên, đó là tình bằng hữu. Nguyễn Trãi đã hạ bút hai câu tuyệt vời để so sánh tình bằng hữu với tình văn chương:
Dị thư khả ái như tân nguyệt Sách hay yêu dấu như trăng mới
Giai hữu tương phùng thắng hảo hoa Bằng hữu tương phùng qúy mấy hoa.
Trong suốt mấy tâp thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tình bằng hữu được nhắc nhở tới nhiều nhất, ở mọi không gian, mọi thời gian với những lời lẽ và tình ý vô cùng tha thiết và tràn trề thương cảm. Riêng chỉ để tiễn đưa người bạn họ Nguyễn mà ông tôn trọng và thân mật gọi là Nguyễn Đại Lang, tức Nguyễn Đăng Tiến, đã có tới 4 bài thơ lưu biệt.
Trong phần tình hoài hương trong không gian, chúng tôi đã nói về bài thơ Lưu Biệt Nguyễn Đại Lang khi chia tay tại Liễu Châu, dưới đây là một bài khác:
BỊÊT NGUYỄN ĐẠI LANG TỪ BỊÊT ANH CẢ NGUYỄN
Quân quy ngã diệc khứ Anh về, tôi đi nhé
Các tại lọan ly trung Cùng giữa thời lọan ly
Sinh tử giao tình tại Sống chết, tình mãi thắm
Tồn vong khổ tiết đồng Còn mất, chí vẫn y
Sài môn khai dạ nguyệt Cửa phên soi trăng sáng
Tàn lạp tẩu thu phong Nón rách tạt gió thu
Thiên lý bất tương kiến Ngàn trùng xa ngăn cách
Phù vân mê thái không. Trời giăng giăng mây mù.
Còn đây là một bài thơ gửi cho bạn là Huyền Hư Tử:
KÝ GIANG BẮC HUYỀN HƯ TỬ GỬI HUYỀN HƯ TỬ GIANG BẮC
Trường An khứ bất túc Trường An một đi mãi
Hương tứ tại thiên nhai Hồn gửi chân trời xa
Thiên nhai bất khả kiến Chân trời nào thấy được
Đản kiến trần dữ sa Riêng thấy cát bụi mù
Tây phong thoát mộc diệp Gió tây lá lả tả
Bạch lộ tổn hoàng hoa Sương trắng, cúc xác xơ
Trân trọng hảo tự ái Vào thu xin bảo trọng
Thu cao sương lộ đa Sương móc càng la đà.
Các nhà nghiên cứu chưa biết Huyền Hư Tử là ai. Có thể là một đạo sĩ ở Đàng Ngoài. Bài thơ toát ra một tình bạn tha thiết và ân cần. Nên chi khi tha hương ngộ cố tri thì quả là một điều may mắn , một hạnh ngộ mà chúng ta nên trân qúy và đó cũng là cảnh ngộ của Nguyễn Du khi gặp bạn cũ là Thiêm Sự Trần, vốn là đồng liêu, làm tại bộ Công:
...Thanh phong niểu niểu tự giang tân Hiu hiu gió mát nổi trên sông
Minh nguyệt thanh sơn thước hải tần Nước biếc non xanh ngập ánh vàng
Nan đới tương phùng như thử dạ Gặp gỡ đêm nay duyên hãn hữu
Khả liên đồng thị vị quy nhân. Thương nhau đồng cảnh khách tha hương.
***
Chúng ta vừa nghe Nguyễn Du bầy tỏ tấm tình hoài hương qua tiếng thơ của người đã cất lên từ khoảng hơn 200 năm trước và nếu có vị nào có cảm tưởng như tiếng thơ kia đã cất lên như thể từ chính lòng mình thì vị đó đã mặc nhiên đáp ứng được nỗi lòng thầm kín của người xưa:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Giáo sư Bác sĩ Trần Ngọc Ninh có nhận định, “ Mỗi người Việt là một Tố Như, tuy không có được cái văn tài của Tố Như, nhưng cũng có được những thương cảm của Tố Như.”
Trong những thương cảm vô vàn của tiên sinh, chúng ta đã nói tới một chút thương cảm của người tha phương đối với núi sông và những người thân yêu. Tâm tình của kẻ đi xa đối với quê nhà, bất chấp các cuộc bể dâu, vẫn trước sau như một, tình vẫn thắm, ý vẫn y, chí vẫn nguyên, đã được tiên sinh thổ lộ trong bài:
ĐẠO Ý DIỄN Ý
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Giếng xưa, trăng sáng chiếu
Tỉnh thủy vô ba đào Nước không gợn ba đào
Bất bị nhân khiên xả Nếu không người khuấy động
Thử tâm trung bất dao Lòng này chẳng xôn xao
Túng bị nhân khiên xả Nếu bị người khuấy động
Nhất dao hoàn phục chỉ Lao xao lại hoàn lặng
Trạm trạm nhất phiến tâm Vằng vặc một tấm lòng
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. Nước giếng xưa, trăng sáng.
Mong rằng chúng ta giữ mãi được tấm lòng thủy chung với Quê Hương như nước giếng xưa, trăng sáng.
./.
CƯỚC CHÚ:
Bài này đã được thuyết trình tại buổi hội của hội Cao Niên Toronto và hội Thi Ca Kịch Nhạc Toronto ngày 16.11.1991, hôm nay nhân ngày giỗ đại thi hào 10.8.Canh Thìn /16.9.1820, được bổ túc thêm để trình làng.