MC chẳng đặng trên sân khấu
Trên mạng làm chơi cũng đỡ buồn
SÁNG XUÂN
Trời đã vào xuân, tự trong người tôi cũng cảm thấy hơi xuân tràn nhập cơ thể và khoan khoái vô cùng. Phòng tôi, trên lầu, qua một cửa sổ nhìn ra vườn sau, cây cối đã khoe màu xanh biếc và các bông hoa cũng bắt đầu tranh khoe sắc màu. Tối nay, đi ngủ tôi không đóng cửa sổ như thường lệ trong suốt muà đông, để tận hưởng hương xuân từ các bông hoa đầu muà đưa tới.
Đúng là một Giấc xuân êm đềm tới nỗi quên trời sáng, chẳng khác người ta khi mải vui chơi hay say sưa trong các thú hoan lạc, quên cả trời đất.
Tuy nhiên đang ngon giấc, tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng chim hót líu lo, mới đầu còn nghe như một vài con, sau càng nghe càng thấy như cả bày đang tấu một bản hợp ca chào đón bình minh, không cứ từ vườn sau mà có lẽ cả vườn các hàng xóm nữa, đúng ra là Nghe chim ca khắp chốn.
Tôi vẫn chưa muốn dậy và còn muốn cuộn mình trong chiếc mền ấm áp, thầm nghĩ ngoài trời đã sáng và nắng đã lên nhưng lại nhớ đêm qua trong giấc ngủ có nghe tiếng cửa sổ bật ra bật vô do gió và tiếng mưa rơi lộp độp trên mái ngói, vậy rõ ràng là Đêm qua tiếng gió mưa nhưng không vì thế mà giấc xuân kém nồng nàn.
Nghĩ tới gió mưa, tôi chợt nhớ tới các khóm hoa vườn sau Hẳn khá nhiều hoa rụng và tự nhiên cảm thấy “ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” như nhà thơ Xuân Diệu đã mô tả một trạng thái tương tự.
Khi trở dậy, tôi ghi các sự kiện trải qua này vào cuốn nhật ký, nhưng khi ghi xong rồi đọc lại, tôi sửng sốt vô cùng vì tôi đã ngẫu nhiên làm được một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mà tôi không hay, đúng như Hoàng Cầm đã sáng tác bài thơ Lá Diêu Bông trong tình trạng nửa ngủ nửa thức. Quí bạn xem đây nhé:
Giấc xuân, quên trời sáng
Nghe chim ca khắp chốn
Đêm qua tiếng gió mưa
Hẳn khá nhiều hoa rụng.
Hoàng Xuân Thảo
Qúi bạn phục chưa ? Tôi chỉ nằm trong giường mà tưởng tượng ra được cảnh tượng một buổi sáng muà xuân và ngẫu hứng trào bút thành thơ.
Nhưng hỡi ôi! Tôi đâu có được cái diễm phúc như vậy, tôi cũng đâu dám đạo thi vì bài thơ trên thật ra chỉ là dịch bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên (689-749) đời Đường như sau:
Xuân Hiểu
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu.
Nguyên tác chữ Hán:
LỜI BÀN: Bài thơ này, tôi thấy hay ở nhiều điểm:
- Tuy bài thơ đã làm cả hơn nghìn năm mà khi đọc ta có cảm tưởng như mới làm trong thời hiện đại. Thơ như vậy là không có biên giới thời gian.
- Bài thơ này làm bởi Mạnh Hạo Nhiên là người thuộc đời Đường, mà khi đọc ta có cảm tưởng cảnh tượng như ngay trước mắt ta. Thơ như vậy là không có biên giới về không gian.
- Tác giả bài thơ là Mạnh Hạo Nhiên nhưng lời và tứ thơ có thể là của bất cứ ai, như tôi đã tưởng tượng là mình làm ra ngay phần mở đâu. Thơ như vậy là không có biên giới về nhân gian.
- Bài thơ tả cảnh mà không dùng thị giác, chỉ dùng thính giác và tài tình ở chỗ đó, cho nên hai từ quan trọng nhất, khi đọc ta phải chú ý là văn và thanh. Chỉ nghe chim hót và tiếng gió mưa thôi là biết trời sáng, mưa đêm và hoa rơi, còn chứng tỏ cuộc đời nhàn nhã của người trong cuộc.
- Thơ Đường tứ tuyệt thường gói ghém chủ ý vào câu cuối, trong bài này là, “ Hẳn khá nhiều hoa rụng.”Tác giả đã nói lên cảm nghĩ là thương cho đời hoa bị cơn mưa gió phũ phàng làm tàn sớm một kiếp hoa. Hoa nở để mà tàn là lẽ thường tình nhưng ở đây hoa tàn vì mưa gió lại là một mối thương tâm khác biệt và từ đó tác giả có thể còn gợi ý thương cảm cho người hoa nói riêng hay người đời nói chung nữa bị bạc mệnh vì mưa gió cuộc đời.
Bây giờ, xin mời qúi bạn thưởng thức các bài thơ dịch ra tiếng Việt:
Ngô Tất Tố: Trần Trọng Kim:
Giấc xuân không biết sáng trời Giấc xuân trời sáng không hay
Tiếng chim nghe đã mái ngoài đua kêu Chim kêu ríu rít từng bày khắp nơi
Đêm qua mưa gió dập dêù Đêm qua mưa gió tơi bời
Biết rằng hoa rụng ít nhiêu sao đây. Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.
Trần Trọng San: Tương Như:
Giấc xuân quên khuấy sáng Giấc xuân sáng chẳng biết
Đây đó tiếng chim ca Khắp nơi chim ríu rít
Đêm qua trời mưa gió Đêm nghe tiếng gió mưa
Làm rơi mấy đóa hoa. Hoa rụng nhiều hay ít.
Khương Hữu Dụng: Thu Tứ:
Giấc xuân không biết sáng trời Ngủ ngon điếc gà gáy
Tiếng chim bên gối khắp nơi vọng về Phải chim kêu mới dậy
Đêm qua mưa gió não nề Đêm qua mưa gió nhỉ
Một vài hay đã bộn bề hoa rơi? Hoa rụng nhiều ít đây?
Dưới đây là thơ dịch của mấy bạn đồng nghiệp
B.S. Đinh Quốc An: B.S. Nguyễn Đương Tịnh:
Giấc xuân không hay trời sáng Giấc xuân không biết sáng
Tiếng chim hót vang khắp nơi Chim hót rộn nơi nơi
Đêm qua nghe tiếng mưa gió Đêm trước nghe mưa gió
Bao nhiêu là cánh hoa rơi! Hoa rơi ít nhiều rồi...
B.S. Nguyễn Văn Bảo:
Say xuân quên tỉnh giấc
Chim hót khắp mọi nơi
Đêm mưa tuôn, gió giật
Biết ít nhiều hoa rơi...
Lời bàn của Con Cò: Bài thơ chỉ tả cảnh, không gửi gấm tâm sự gì ngoài một chút thương hoa trong câu chót. Vậy xin phân tích từng câu như sau:
Câu 1/ Ngủ giấc xuân miên man, quên thức dậy buổi sáng, cho nên dùng chữ say.
Câu 2/ Nghe chim hót khắp mọi nơi, tiếng chim đã đánh thức dậy
Câu 3/ Đêm qua nghe tiếng gió mưa nên biết là hoa rụng
Câu 4/ Chữ ít nhiều không có nghĩa số lượng, chỉ có nghĩa hậu qủa của mưa gió.
Kết luận: Toàn bài là một cảnh thưởng xuân đầy lạc quan tuy có gió mưa trong đêm làm hoa rụng ít nhiều. Tuy nhiên khi đọc thơ, mỗi người mỗi ý, cộng lại sẽ bao quát các ý nghiã tác giả có thể có.
*** Một sáng xuân khác, tại một khu núi rừng nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh, có một thiền giả cũng vừa trải qua một giấc xuân êm đềm, thong thả bước tới cửa sổ mở ra thì một cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến ông hơi ngỡ ngàng, vì tại nơi ông cư trú bốn muà cây cỏ tốt tươi nên ông quên cả không gian lẫn thời gian, nhất là lòng ông đã an nhiên tự tại, không vương vấn bụi trần, không biết rằng xuân đã về đây tự hồi nào:
Dậy, mở cửa sổ ra
Xuân về rồi chẳng hay
Thật vậy, xuân đã về vì trước mắt ông có đôi bướm bay, vỗ cánh tìm hoa đang tỏa hương thơm ngào ngạt và khoe sắc màu rực rỡ muôn vẻ:
Kià một đôi bướm trắng
Phấp phới bay tìm hoa.
Khác với Mạnh Hạo Nhiên thấy xuân về qua thính giác, thiền giả thấy xuân về qua thị giác nên linh động hơn. Một điểm khác nữa là cảnh xuân của thi nhân đời Đường là cảnh xuân buồn vì chứng kiến một kiếp hoa sớm tàn, cảnh xuân của thiền giả là cảnh xuân tươi vui vì chứng kiến một mối tình xao xuyến giữa đôi bướm và giữa bướm với hoa.
Tác giả bài thơ sau này hẳn cũng có tâm sự gì gửi gấm qua thơ chứ? Đời là vô thường, xuân tới rồi xuân đi, hãy sống trọn mình trong hiện tại và hiện tại rất đáng yêu, đáng qúy vô cùng, hãy như đôi bướm kia cùng tung cánh trong nắng xuân, cùng bay đi tìm hương hoa đang tỏa lan khắp vườn, khắp trời. Đôi bướm trắng kia cũng có thể là đôi thanh niên nam nữ đang đi tìm hạnh phúc trong khi hạnh phúc ở ngay hiện tại trước mặt đó thôi. Bài thơ này, thấm nhuần lẽ huyền vi của tạo hóa nên toát vẻ lạc quan hơn là bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên.
Tác giả bài thơ không ai khác là vua Trần Nhân Tôn (1258-1308), tổ sư của phái thiền Trúc Lâm, lúc đó đã thoái vị và đi tu tại núi Yên Tử và bài thơ mang cùng nhan đề là:
Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ diệp
Phách phách sấn hoa phi.
Các bản dịch ra tiếng Việt khác:
Ngô Tất Tố Trần Lê Văn
Ngủ dậy ngó song mây Ngủ dậy mở cửa sổ
Xuân về vẫn chửa hay A! Xuân về rồi đây
Song song đôi bướm trắng Kià một đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay Nhằm hoa, phơi phới bay.
B.S. Đinh Quốc An: B.S. Nguyễn Đương Tịnh:
Sáng dậy mở cánh cửa sổ Ngủ dậy dòm qua song
Mùa xuân đã về rồi đây Bỗng chợt thấy xuân hồng
Song song hai con bướm trắng Kià kià đôi bướm trắng
Đi tìm hoa phất phới bay. Chập chờn giữa khóm bông.
Lời bàn của Trúc Cư: Chỉ vẻn vẹn có 20 chữ thôi mà hai thi sĩ đã tả được mùa xuân đang bắt đầu. Ở hai câu đầu, cả hai đã ngủ li bì, có lẽ vi trời lạnh, lại âm u nên càng khiến dễ ngủ, nhất là trước khi lên giường thế nào chả có vài hớp rượu, vì hễ là thi nhân thì không thể vô tửu. Khi bừng mắt dậy, một đằng thì Nhân Tôn nhìn qua song cửa mới nhận thấy là xuân đã về, còn một đằng thì Hạo Nhiên, còn đang ngái ngủ, nhưng bỗng nghe thấy chim kêu khắp nơi cùng ột lúc thì mới biết là xuân đến.
Tuy nhiên ở hai câu cuối, hai thi sĩ có tâm hồn khác nhau khi thấy xuân về: Hạo Nhiên thấy xuân về mà lòng tiếc nuối vì không được ngắm hoa vì chắc đêm qua trời mưa gió, hoa chịu sao nổi cảnh phũ phàng; riêng Nhân Tôn thì thấy lòng khoan khoái được ngắm đôi bướm trắng đang tung tăng trên những khóm hoa, tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc.Vua Trần Nhân Tôn sinh sau Mạnh Hạo Nhiên, có lẽ đã chịu ảnh hưởng thơ của Hạo Nhiên, nhưng tâm hồn thì hoàn toàn thư thái, “ thiền” hơn tâm hồn của Mạnh Hạo Nhiên nhiều.
***
Cũng vẫn trong mùa xuân, nhưng khác với hai bài trên các tác giả đã thấy xuân về một buổi sáng qua tai nghe và mắt thấy, tôi cũng bất chợt thấy xuân về vào một buổi tối. Xuân tại Canada, nhất là tại Toronto, nơi tôi cư trú từ khi di tản năm 1975, là lúc thời tiết lạnh lẽo nhất trong năm, thường vào khoảng -20C tới -30C, suốt ngày đêm sương tuyết buông phủ mịt mù, các cửa đều đóng kín mít nên chẳng thể nghe hay nhìn để biết khi nào xuân về, nhưng có một lần tôi biết xuân về đêm hôm đó và nó diễn tiến như bốn câu thơ đầu trong bài thơ “ Xuân Trên Phương Bắc” như sau:
Trời mịt mù sương tuyết
Chẳng biết muà đổi thay
Nhìn mắt em mới biết
A! Xuân về đêm nay...
Tôi đã biết xuân về khác với Mạnh Hạo Nhiên nhờ thính giác và vua Trần Nhân Tôn nhờ thị giác, mà qua tâm giác. Còn các bạn đã từng biết xuân về ra sao? Xin đừng trả lời là qua tấm Lịch treo tường nhé!
Hoàng Xuân Thảo
Toronto, Xuân 2017