Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lão Mốc thích chơi cây trồng trong chậu. Thú chơi này bắt nguồn từ bên Trung Hoa gọi là ‘bồn tài’ (bồn : chậu, tài : cây) ta đọc trạnh ra là bông sai. Nhưng người Tầu, sau đó có người Nhật cũng bị quyến rũ, thường uốn nắn cắt xén cây theo hình dáng một cổ thụ, nên lão cho là làm như vậy tức là làm đau cây. Khoa học thiên nhiên ngày nay đã chứng minh rằng cây cỏ cũng có cảm súc biết vui biết buồn biết đau đớn như con người, chúng còn biết thông tin chia sẻ với nhau nếu thấy đồng loại gặp cảnh khô cằn hay bị chém chặt. Do đó lão cũng chơi cây trồng trong chậu nhưng không bao giờ uốn cây như người Tầu hay người Nhật. Lão cứ để cho cây mọc một cách tự nhiên nhưng uốn nắn cây theo hướng ánh sáng nên cây cũng có thể mọc theo ý mình muốn. Thỉnh thoảng nếu thấy cành lá trở nên quá rậm thì lão cũng xén đôi chút để tạo vẻ già cội cho cây vì lão biết rõ khi xén cành hay lá tuy cây có đau đôi chút nhưng còn đỡ hơn là bị uốn bằng những sợi giây đồng oan nghiệt. Cũng giống như con người muốn có nụ cười tươi bắt buộc phải chịu đau đớn một chút, đến nha sĩ nhờ cạo cho trắng, nhổ răng hư, trồng răng giả…
Lão Mốc thích chơi bông sai kể từ ngày sang Pháp, gặp được bạn cũ trước ở cùng xóm tại Sài Gòn. Ông này nguyên là giáo sư toán trường trung học. Nhưng sang đến đây lại đổi nghề thành ông làm vườn cho thành phố. Cứ mỗi lần ông ta đi làm về lại đem về nhà những gốc cây xần xùi khô cằn cành ngoằn ngoèo mà ông ta đào bới để nhổ vứt đi cho đẹp công viên. Những gốc cây này nếu còn tươi ông ta cắt tỉa cho vào trồng trong chậu. Nó biến thành cây bông sai tự nhiên không cần phải uốn nắn gì cả. Ông ta cũng đã cho lão Mốc mấy gốc cây và từ đó lão cũng bỏ công chăm sóc nên cảm thấy thích thú nhìn kết quả công lao của chính mình. Từ khi lão về hưu tuổi cao nên sức yếu dần mà những chậu bông sai nặng chình chịch khó xê dịch. Vì lười biếng nên sự chăm sóc không được như xưa, cây cứ theo nhau chết dần. Chỉ còn một cây độc nhất, kỷ niệm của ông bạn năm xưa, lão chẳng chăm sóc gì mấy mà nó vẫn sống khỏe. Đã bốn mươi năm nay, bây giờ nó rất đẹp, nhưng tiếc thay ông bạn đã ra đi vĩnh viễn từ năm năm nay rồi !
Tên cây này là Argousier. Tên tiếng việt là cây nhót gai. Nói đến cây nhót thì lão bỗng thèm rỏ dãi nhớ đến những quả nhót hình trái soan to bằng ngón tay cái có phấn trắng bám đầy xung quanh. Cây này đặc biệt chỉ thấy ở ngoài bắc nhưng không có gai và chỉ mọc cao ngang đầu người. Cứ vào cuối thu sang đông thì quả nhót chín đỏ rất đẹp. Muốn ăn thì phải chùi quả nhót lên tấm áo len đang mặc lúc trời lạnh cho hết phấn, rồi nắn bóp nhè nhẹ cho quả mềm nhũn ra thì mới thưởng thức được hết vị ngọt chua rất đặc biệt. Cuối cùng khi đã ăn hết lớp cùi bên ngoài thì nhai luôn cái hột mới thấy vị bùi thơm ròn kêu rôm rốp của cái nhân bên trong. Lão vui vui nhớ lại cảnh thiếu thời, tấm áo len mầu tím mỗi lần lại trắng xóa bụi phấn của những quả nhót chín đỏ khi mẹ hay chị đi chợ mua quà về.
Cây nhót gai ở Pháp, trồng trong các công viên trái lại nó lên cao đến mươi mười lăm thước. Nếu nó là cây cái thì mới có quả nhưng rất nhỏ chưa bằng hột đậu phụng. Cây bông sai của lão Mốc là cây đực nên nó không cho quả. Những quả này khi chín vàng thì ăn được, có vị chát chua ngọt nhưng không thấy bán trên thị trường bao giờ. Nó cũng không có tên trên danh sách những loại trái cây bầy bán. Chỉ thấy ở Haute Provence người ta lấy quả này làm mứt hay rượu. Những đàn chim nhỏ thường tụ họp trên những bụi nhót gai, cành chĩu quả từng chùm, tha hồ mà rỉa mặc sức.
Mấy chục năm về trước cây nhót gai của lão Mốc còn nhỏ nên lá rậm um tùm chưa có gai mấy. Thấy nó chỉ như một bụi nhỏ ngoài bờ rào không có mấy hấp dẫn nên lão cứ để mặc nó ngoài mưa nắng, thỉnh thoảng mới cắt tỉa đôi chút. Sau bao nhiêu năm cắt cành tỉa lá, năm nay khi lão đã tới tuổi thượng thọ thì bao nhiêu cây bông sai khác thuộc loại khó chăm sóc đã theo nhau chết dần vì lão không còn sức như xưa nữa. Chỉ còn có cây nhót gai này là vẫn tươi tốt. Năm nay nó có dáng một đại cổ thụ. Nhưng vào một buổi sáng tháng chín năm ngoái lão Mốc thấy nó bỗng nhiên khô héo hết. Lão buồn bã nhìn kỹ thì thấy nó chưa chết hẳn, vẫn còn hai cành tươi nhưng thực ra là cái cây đã chết hết bẩy phần mười rồi. Lão bèn tương kế tựu kế. Chờ cho mùa xuân đến lão kiểm soát lại thì quả nhiên hai cành tươi còn lại ấy đang bắt đầu nẩy chồi nụ xanh. Lão bèn tay dao tay kéo cắt gọt hết tất cả những cành đã chết khô. Công việc hơi khó vì cây bây giờ có rất nhiều gai nhọn hoắt và dài như những cái kim khâu. Khi hoàn thành xong công việc nhìn ngắm lại mới thấy nó hiện hình đúng là một đại thụ, gốc và thân xần xùi nứt nẻ, cành ngoằn ngoèo gồ ghề, những búp lá non xuất hiện ở đầu cành thành hai ba tầng. Tầng trên như cái tán nhỏ, tầng dưới la đà chĩu nặng ngả nghiêng đu đưa theo gió. Lão bỗng thốt lên : trời ơi ! đẹp quá ! Cây đã lột xác.
Trông cây nhót gai bây giờ thật là đáng nể. Lão Mốc nghiệm ra rằng cây cỏ chúng nó cũng có cách tự đào thải, nghĩa là để cho cây tồn tại mãi với thời gian thì tự nó loại bỏ những cành lá nào yếu ớt bệnh hoạn và không cần thiết, dành sức cho những cành còn lại hấp thụ dễ dàng đủ chất nuôi dưỡng để có thể vươn lên. Thêm vào đó là có một số khá nhiều rễ cũng bị đào thải nằm chết vùi trong đất, với thời gian và với độ ẩm nó sẽ mục nát dần biến thành chất phân bón thiên nhiên. Đó chính là nguyên tắc ‘anh phải sống’ như trong câu truyện của Khái Hưng vậy. Lão bỗng nhiên nghĩ đến những con người khi vừa mới sinh ra đã bị tật nguyền. Ngày xưa Hitler đã có ý tưởng ngông cuồng muốn gây nên một giống người Đức có sức khỏe và trí thông minh tuyệt mức, nên hình như hắn đã ra lệnh thủ tiêu ngay những thai nhi tật nguyền. Hai lý thuyết đối chọi nhau ấy lão không biết bên nào có lý hơn, bên nào có tình hơn.
Mỗi buổi sáng, như đã thành lệ, ánh nắng chiếu qua khung cửa sổ làm nổi bật mầu xanh ánh bạc của cây nhót gai bầy trên bậu cửa. Lão Mốc bắc ghế ngồi phơi nắng, nhâm nhi chén trà hoa lài và ngắm nhìn cây bông sai như ngắm nhìn một người bạn thân yêu. Cả hai đều đã già nua gồ ghề nhăn nheo, cây cũng ra dáng ý hợp tâm đầu gật gù nhìn lão thiết tha và cảm ơn lão đã giúp nó tồn tại. Như đôi bạn tri âm đã thầm hiểu nhau qua ánh mắt, những câu nói xã giao chào hỏi lúc này hoàn toàn không còn là cần thiết nữa. Lão cảm nhận trong tâm hồn đang tràn ngập một thứ hạnh phúc kỳ lạ mà lão chưa bao giờ thấy, phải chăng cái cảm giác ấy được người đời gọi là ‘thiền’ ?
Có lẽ đúng như lão Mốc đã nghĩ, khi tâm hồn con người hòa hợp với thiên nhiên thì tuy hai mà một, tuy một mà hai, người và vật chỉ là những sinh thể trong vũ trụ. Đức Phật xưa kia chả ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề đấy thôi. Tại sao Ngài không ngồi thiền ở sa mạc, ở rừng già hay ở bãi biển ? Lão mốc tự hỏi rồi lại tự trả lời : nếu Ngài ngồi ở sa mạc thì khí hậu quá khắc khổ lại thường biến chuyển đột ngột với những cơn bão cát thì Ngài làm sao thản nhiên ngồi yên được. Trong rừng già nếu Ngài đang ngồi mà có con sư tử con gấu hay con hổ con báo hoặc rắn rết đến thì Ngài có cả gan ngồi yên không ? Trên bãi biển tuy là nơi có vẻ tĩnh mịch chỉ nghe tiếng sóng vỗ tiếng gió khơi rì rào, nhưng nơi đây cũng vẫn không phải là chốn yên thân để thiền được. Bão biển, sóng thần… vẫn thường gây nên tai nạn cho ngư dân hàng ngày. Vậy Ngài đã chọn gốc cây Bồ Đề trên sườn đồi là nơi vắng vẻ tĩnh mát xa hẳn nơi thị tứ. Tha hồ ngồi lâu không hề bị bất cứ vật gì hay chuyện gì cản trở làm đứt sợi dây vô cùng mong manh nhưng rất thiêng liêng đang ràng buộc giữa Ngài với thiên nhiên. Từ đó suy ngẫm mới thấy rõ khi Ngài đã giác ngộ nhìn thấy một Sự Thật trong suốt, cái triết lý đó nó bảo cho Ngài biết rằng đời người chỉ là cõi vô vi, sắc sắc không không, chỉ có thiên nhiên là vĩnh cửu dưới mọi hình thức trong đó sẽ có thân xác của chính Ngài nhưng lúc ấy cũng đã hóa thành cát bụi.
‘Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau biết có hay không
Sự đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi’
Điền Khải
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017