Một lối vào vườn thơ Đường – Kỳ 5

                 Chuyến du ngọan vườn thơ Đường kỳ này là chiểu theo lời yêu cầu của một du khách tận xứ con đại thử ( kangaroo), Úc châu: B.S. Hà Ngọc Thuần muốn thưởng thức hai bông hoa: Xuân Oán cuả Kim Xương Tự và Tạp Thi của Vương Duy. Tuy nhiên vì thấy bài Xuân Mộng của Sầm Tham, chủ ý tương tự trong khóm vườn “ biên tái” như bài Xuân Oán nên người dẫn đường mạn phép thay thế cho bài Tạp Thi, tạm khất để sẽ nói tới trong chủ đề hoa mai. Xin cáo lỗi và đa tạ tấm thịnh tình của BS. Hà Ngọc Thuần.Trong lối vào vườn thơ này, có ba MC, ngoài tôi ra, tại Canada, còn có BS Nguyễn Văn Bảo, bút danh Con Cò Thơ, tại Hoa Kỳ và BS Nguyễn Đương Tịnh, bút danh Trúc Cư, tại Pháp.

MC chẳng đặng trên sân khấu

Trên mạng làm chơi cũng đỡ buồn

                                 MC Hoàng Xuân Thảo

                                         Nguyễn Văn Bảo

                                         Nguyễn Đương Tịnh

 

Chiếc xe ngựa đi chậm lại từ từ rồi dừng trước một đại tưủ lầu người ra vào tấp nập, đàn ông đa số mặc binh phục, đàn bà tay bưng khệ nệ các tráp son có vẻ nặng nề nhưng mặt mày tươi tỉnh, hớn hở trông thấy. Từ trên xe bước xuống một thiếu phụ trạc mới ngoài đôi mươi, cũng hai tay ôm một khăn gói điều, người vóc hạc mình mai, bước nhẹ nhàng, thoăn thoắt tới hướng một chàng trai trạc đồng lứa tuổi, gọn ghẽ trong bộ y phục như một trang thư sinh anh tuấn, cũng đang hấp tấp bước về phiá thiếu phụ. Chàng thư sinh, mặt mày tươi rói, một tay giằng lấy khăn gói đồ, một tay ôm choàng lấy thiếu phụ, hỏi nhỏ, “ Em đi đường xa thế chắc là mệt lắm. Mau vào phòng nghỉ cái đã.” Thiếu phụ, chưa chịu buông tay ôm, khẽ thầm thì, “ Mệt thì có mệt nhưng gặp anh là nó tiêu đi hết cả, vì em thấy sung sướng qúa. Bắt được anh còn hơn bắt được vàng.” Chàng cười hóm hỉnh, “ Anh có gì để bắt mà quý hơn cả vàng?” Nàng hai má ửng hồng, có vẻ thẹn thùng, “ Rồi anh sẽ biết cái gì của anh, em sẽ bắt.”

                Hai người nhìn nhau tình tứ, vừa dắt tay nhau bước vào tửu lầu, trên có treo bảng sơn son, chữ thếp vàng THẨM DƯƠNG ĐẠI TỬU LẦU.Thấy nàng có vẻ ngac nhiên, chàng giải thích, “ Tửu lầu này giành cho quan tướng một tầng lầu để tiếp đón thân nhân từ xa tới. Anh được chủ tướng cho nghỉ ba ngày để hú hí với em đấy.” Nàng chặc lưỡi, thầm nghĩ, “ Ba ngày ít qúa, tuy chẳng bõ công lặn lội đường xa nhưng có còn hơn không, vả lại mình sẽ không dời chồng nửa bước, nửa phút.” Mấy cô chiêu đãi viên nhìn hai người hết mực âu yếm lẫn nhau,, chỉ trỏ và cười khúc khích với nhau, một cô còn khẽ ngâm đủ cho chàng và nàng nghe thấy, “ Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng sáng dãi lên vườn chè...”

 Vừa bước vào trong phòng, hai người vội ôm chầm lấy nhau vừa hôn hít vừa cuống quýt cởi y phục cho nhau, hầu như quên hết mọi sự trên đời và thế gian như chỉ còn có đôi ta.

 Hai người đang say mê, ngây ngất tưởng như bay lên cõi cực lạc, bỗng dưng nàng thảng thốt kêu lên, “ Có tiếng chim hót. Sao anh lại không dặn hầu phòng đừng treo lồng chim ngoài cửa sổ. Em không thích thấy ai nhìn chúng ta đang ân ái, dù là chim. Anh bảo nó đem cái lồng chim đi ngay.” Nàng đẩy mạnh chàng và mở bừng mắt ra...thì hoá ra là nàng đang ngủ mơ. Trong phòng, nắng đã chiếu xiên qua cửa sổ và trên giường chỉ có nàng với chăn đơn, gối chiếc nhưng từ ngoài vườn có tiếng chim oanh hót liú lo như muốn trêu ghẹo. Nàng bực bội vì tiếng chim đã phá giấc mộng ân ái nồng nàn lâu lắm mới có kể từ chàng đi lính thú tít miền Liêu Tây, giáp giới với xứ Cao Ly.

 

 Nàng ước gì có ai lúc đó:

 Đuổi giùm con nhãi oanh

 Khỏi leo lẻo trên cành

 Làm thiếp tan giấc mộng

 Liêu Tây tới cùng chàng.                                              Thơ dịch: Hoàng Xuân Thảo

 

 

Thật tội nghiệp cho người chinh phụ, chỉ cầu mong hạnh phúc được gặp chồng trong giấc mơ mà cũng chẳng tọai nguyện, nói chi tới chuyện tái hợp thì thật qúa xa vời. Tuy nhiên, nhà thơ Kim Xương Tự đã thông cảm tình huống sinh ly buồn hơn tử biệt này mà đã từ đó trào bút ra một bài ngũ ngôn tứ tuyệt để đời như sau:

                Xuân Oán

                Đả khởi hoàng oanh nhi

                Mạc giao chi thượng đề

                Đề thời kinh thiếp mộng

                Bất đắc đáo Liêu Tây.

Liêu Tây, nay là Liêu Ninh, thời Đường là vùng tranh chấp giữa các nước Đường, Cao Ly và Kim tức là nhà Thanh sau này, chưa kể một thời còn bị loạn quân An Lộc Sơn chiếm đóng, có thủ phủ là Thẩm dương. Khi thuộc nhà Đường, Liêu Tây có thời có tên là Bắc Bình Đô Hộ Phủ nên có một số sách cho bài thơ Xuân Oán là của Cáp Gia Vận với nhan đề là Y Châu Ca, từng làm Bắc Bình Đô Hộ  Sứ, nhưng theo cuốn “ Đường Thi Tam Bách Thủ” của Hành Đường thì Kim Xương Tự, thời Trung Đường chính là tác giả.

Trong Chinh Phụ Ngâm cũng có đoạn miêu tả về một giấc mộng tương tự:

                ...Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ

                Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa

                Sum vầy mấy lúc tình cờ

                Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân

                Giận thiếp thân lại không bằng mộng

                Được gần chàng bến Lũng, thành Quan

                Khi mơ những tiếc khi tàn

                Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không...

Ôi! Nỗi buồn của người chinh phụ này nghe ra có lẽ còn sầu não, thống thiết hơn người chinh phụ trong bài Xuân Oán vì nàng giận thân không bằng mộng và còn nuối tiếc mãi khi tàn giấc mơ.

Các bài thơ dịch khác

Tản Đà                                                                                  Trần Trọng Kim

Đập cho mất cái vàng anh                                             Nhờ ai đuổi hộ con oanh

Chẳng cho nó ở trên cành nó kêu                              Đừng cho nó réo trên cành lao xao

Nó kêu tỉnh giấc chiêm bao                                          Làm cho thiếp tỉnh chiêm bao

Liêu Tây chẳng được em theo đến chàng!              Liêu Tây đi tới làm sao được chừ?

Trần Trọng San                                                                  T. P.

Đuổi giùm đi cái oanh vàng                                          Con oanh vàng, đuổi bay đi

Đừng cho nó hót rộn ràng trên cây                           Véo von để hót trên cành làm chi?

Làm tan vỡ giấc mơ này                                                 Em mơ nghe hót giật mình

Thiếp không đến được Liêu Tây với chàng!            Dở dang chẳng tới được thành Liêu Tây!

Ngô Tất Tố                                                                          Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản

Nhờ ai đuổi hộ con oanh                                               Đuổi giùm em cái hoàng oanh

Chớ cho nó quái trên cành véo von                          Véo von hát mãi trên cành chi đây?

Làm cho em ngủ không ngon                                      Giật mình tỉnh giấc mộng say

Hồn mơ chẳng tới cửa đồn Liêu Tây                         Hồn không đến được Liêu Tây cùng chàng.

Nguyễn Đương Tịnh                                                        Nguyễn Văn Bảo

Đuổi con oanh đi chứ                                                     Đuổi giùm hoàng oanh nhãi

Nó cứ hót cây này                                                            Để nó thôi lải nhải

Làm thiếp tan cơn mộng                                               Làm thiếp tỉnh giấc mơ

Sao vào được Liêu Tây?                                                 Tới Liêu Tây ân ái.

LỜI BÀN CỦA TRÚC CƯ:

Người thiếu phụ này khi xuân về, nhớ chồng đang đóng đồn ở Liêu Tây, nhưng nhớ qúa hoá sinh mộng mị. Phải chăng trong cơn mơ màng đang có những cảnh âu yếm, say đắm và sắp lên cực điểm khóai lạc thì bỗng bị con chim hoàng oanh qủy quái phá đám. Như thế thì tức qúa đi chứ và phải đuổi nó đi thôi. Chỉ có mấy câu mà thi nhân lột tả hết tâm trạng nồng nàn của thiếu phụ khi xuân về.

LỜI BÀN CỦA NGUYỄN VĂN BẢO:

Này mấy gã thi sĩ kia ơi! Đừng khóc gió than mây nữa! Hãy đuổi giùm em con hoàng oanh kia đi! Trong giấc mơ em thấy em đã gần tới Liêu Tây và sắp được ân ái cùng chàng thì bị con oanh nó đánh thức dậy. Thật là uổng một giấc mơ kỳ thú!

 

                                                                                ***

 

                Trong văn chương, nhất là trong thơ thi nhân thường miêu tả tình trạng của người chinh phụ hơn là chinh phu mà một danh tác liên hệ chúng ta ai cũng biết, đó là Chinh Phụ Ngâm. Theo nhân sinh quan cổ điển, có lẽ người ta cho bản chất và bản tính phái nam cứng rắn, chí nam nhi tang bồng hồ thỉ, núi Thái Sơn gieo tựa lông hồng, làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan, lại gánh lên vai “ quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” cho nên trong hoàn cảnh nào, dù là phải đi lính thú đóng đồn trên các vùng biên tái cũng không được tỏ ra ủy mị, nhớ vợ thương con. Trong thơ Đường cũng vậy, ta thấy nhan nhản các bài khuê oán, vọng phu, ký phu, xuân oán vv...nhưng bài nói về nỗi lòng người chinh phu thì có thể đếm được, trong đó có bài Xuân Mộng của Sầm Tham.

                                Giấc mộng xuân và nỗi lòng của người chinh phu có người vợ là giai nhân sông Tương, tít cuối miền Giang Nam này đã được Sầm Tham ghi lại trong bài thơ Xuân Mộng vào năm 753 dưới đây:

                Xuân mộng         Sầm Tham                                           Thơ dịch: Hoàng Xuân Thảo

                Động phòng tạc dạ xuân phong khởi                       Phòng không đêm trước gió xuân nổi

                Dao ức mỹ nhân Tương Giang thủy                         Xa nhớ sông Tương mỹ nhân đợi

                Trẩm thượng phiến thì xuân mộng trung              Trên gối thoáng qua giấc mộng xuân

                Hành tận Giang Nam sổ vạn lý                                   Vạn dặm Giang Nam đi đã tới.

Sầm Tham  (715-770), người Nam Dương, Hà Nam, đậu tiến sĩ năm 29 tuổi, ba lần làm quan vùng biên ải xa xôi nên thường làm thơ miêu tả những cảnh hùng tráng cùng những mối tình sầu muộn giữa chinh phụ và chinh phu nên được coi là nhà thơ tiêu biểu và xuất sắc nhất của dòng thơ biên tái đời Đường và vượt cả Cao Thích lẫn Vương Xương Linh, theo cuốn Lịch sử Văn học Trung quốc. Theo Nguyễn Hiến Lê, trong Đại cương Văn học Trung quốc, thì trong phái biên tái có nhiều người nhưng đáng kể có Sầm Tham, Cao Thích và Vương Xương Linh.

CHÚ THÍCH : Theo nhiều tác giả, động phòng tuy viết như nhau nhưng phải đọc là “ đỗng phòng” nghiã là phòng trong hang động mới đúng vì người lính thú thường ngủ trong một hoàn cảnh đặc biệt tùy theo địa thế đóng đồn. Cái gọi là phòng trong hang động tất nhiên trống trải, nên tôi dịch là phòng không dễ nghe hơn là phòng hang, gió xuân dễ thổi vào khiến người lính ngủ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê. Sông Tương phát xuất từ Quảng Tây, chảy về Hồ Nam rồi chia hai nhánh cùng đổ vào hồ Động Đình. Con gái Giang Nam nổi tiếng đẹp, chả thế mà Càn Long đã du Giang Nam tới ba bốn lần để thỏa lòng khát khao trong khi mượn tiếng thăm dân cho biết sự tình và nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng ước mong sống trong lòng người đẹp Tô Châu...

 

 

Hai bài thơ, hai hoàn cảnh nhưng cùng một ước mong là gặp nhau trong mộng, nàng đi ngược lên Liêu Tây, chàng đi xuôi về Giang Nam. Đúng là “ sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng. Gặp nhau là hết sao? Thơ chỉ gợi ý, còn tuỳ trí tưởng tượng của mỗi người. Riêng BS Tịnh và BS Bảo, không biết có bị méo mó nghề nghiệp không mà cứ ấm ức rồi đành phải nói tọac ra cái lẽ “ cùng thông” của giấc mộng, nhưng như vậy không biết dư vị của bài thơ sẽ tăng giảm ra sao đối với người đọc? Hoàn cảnh nhớ nhung rồi sinh ra mộng mị này của những kẻ trong cuộc không phải chỉ xảy ra trong thời nhà Đường mà còn vượt cả thời gian, không gian lẫn nhân gian và chắc sẽ mãi mãi là câu chuyện của ngàn trước lẫn ngàn sau.

Thật vậy, bài thơ làm tôi nhớ tới một bài ca dao Việt Nam, cũng mô tả cuộc đời lính thú, cũng ước ao có ai để cùng tâm sự và nhất là ...qúy vị cứ đọc từ từ sẽ biết:

Ba năm trấn thủ, lưu đồn

Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng

Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng...

Đó, qúy vị thấy chưa, người lính này không mơ về sông Tương, một dải tương phùng mà chỉ mơ về một nước giếng trong để cho con cá nó vẫy vùng. Xem vậy, ta thấy anh lính Việt Nam này nói không úp mở, thật là dễ thương làm sao và cũng tội nghiệp vô cùng với giấc mơ nhỏ nhoi nhưng thực tế của mình.

CÁC BÀI THƠ DỊCH KHÁC:

Trần Trọng Kim                                                                  Lê Nguyễn Lưu

Gió xuân đêm trước vào phòng                                  Đêm qua phòng động gió xuân vương

Mỹ nhân xa nhớ trên dòng Tương Giang                Xa nhớ giai nhân tận bến Tương

Mộng xuân một giấc mơ màng                                   Một khắc mơ xuân trên gối chiếc

Giang Nam muôn dặm một đường ruổi mau.       Giang Nam đi suốt vạn thôi đường.

Trần Tuấn Khải & Phí Văn Tâm                                    Quỳnh Chi

Phòng động đêm qua bỗng nhớ thương                 Đêm xuân gió lọt phòng không

Giai nhân xa cách tận sông Tương                             Nhớ ai nơi chốn Tương Giang xa vời

Mơ xuân trên gối trong giây khắc                              Chỉ trên gối mộng phút giây

Đã đến Giang Nam vạn dặm đường.                        Giang Nam ngàn dặm tìm người trong mơ.

Nguyễn Ngọc Kiên                                                           Trương Nam Hương

Phòng hoa đêm trước dậy gió xuân                          Đêm qua nổi gió xuân phòng

Sông nước Tương Giang nhớ mỹ nhân                    Xa xăm nhớ mỹ nhân dòng Tương Giang

Một thoáng giấc xuân luồn qua gối                           Gối xuân một thoáng mơ màng

Nghìn dặm Giang Nam mấy bước chân.                  Giang Nam mấy vạn dặm đàng tới nơi.

Nguyễn Đương Tịnh                                                        Nguyễn Văn Bảo

Phòng ngủ đêm xuân gió lạnh vương                       Động phòng nhớ mãi hơi xuân thổi

Nhớ người em nhỏ bến sông Tương                         Xa nhớ mỹ nhân sông Tương gợi

Êm đềm trên gối ta mơ thấy                                        Trong giấc mộng xuân ta thấy em

Về tận Giang Nam vạn dặm đường.                          Ngàn dặm Giang Nam đi đã tới.

LỜI BÀN CỦA TRÚC CƯ:

Người xưa thường bảo yêu nhau thì vượt biển, trèo non có thấm gì. Đúng thế. Tác giả nhớ người yêu, dù nàng ở rất xa, dù chàng nếu co già lão thì vẫn cố tìm đến nàng trong giấc mộng. Ý đẹp biết bao! Nhưng tình yêu của tác giả có lẽ vô cùng tha thiết đến day dứt, gậm nhấm tâm hồn chàng cả ngày lẫn đêm, nó đã “ nhập tâm” nên mới có thể làm một chuyến đi xa cả vạn dặm đường như thế mà chỉ trong giấc mộng thôi. Người bình thường chỉ yêu thoáng qua như Đoàn Chuẩn than thở bóng em phai dần, ái ân tàn theo thì sức mấy mà có được một giấc mộng đẹp như thế. Tình yêu mà đã tới được đỉnh cao rồi thì tất nhiên nó đã vượt cả thời gian lẫn không gian rồi.         

LỜI BÀN CỦA CON CÒ THƠ:

Mấy gã thi hào đời Đường nhát gan nên nói lảng rằng động phòng là gió lay căn phòng chứ thật ra là động phòng hoa chúc đó. Nay mọi người nói thế thì ta đành theo vậy nhưng ta mất hứng. Trong giấc mơ, ta cứ tưởng đã đi cả vạn dặm đường thì sẽ được ân ái cùng nàng cơ chứ. Nay chỉ được gõ cửa

phòng thôi. Sao mà vô duyên thế!

    Mời qúy vị trở lại kỳ thăm tới. Trân trọng,