Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, sau khi Long Thành thất thủ, Sư Đoàn 18 Bộ Binh do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy rút lui, hầu như mọi ưu tư của những người cư ngụ trong đô thị Sài-Gòn đều hướng về nơi nào mà được xem là tương đối an toàn cho gia đình, cho thân nhân, mà nơi an toàn nhất lúc bấy giờ là ngoài khơi biển Nam Hải.
Mỗi người có một biện pháp, giải quyết riêng. Cuối tháng 3, đã có một gia đình dùng thuyền du lịch, đến Singapore an toàn. Khoảng đầu tháng 4, một phi cơ vận tải C-130 đáp xuống sân Long Thành (Bear Cat) bị bỏ hoang sau khi Đồng Minh rút đi để bốc một số
Thân nhân của một vài nhân vật chánh quyền sắp rơi rụng. Phi cơ này đi đâu, không ai biết rõ, nhưng hẳn họ đã đến nơi, đến chốn an toàn.
Gia đình tôi cũng không ra ngoài thông lệ đó, tức cũng loay hoay tìm đường lối đi.
Đường bộ đi Vũng Tàu bị cắt từ sau khi Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh không giữ được tuyến Long Thành. Đường thủy thì ngoài đứa em ruột quyết tâm ở lại để theo xếp chuẩn bị đánh ra Bắc thật tình tôi không còn quen ai và không dám nghĩ tới. Đường hàng không lại càng xa vời.
Mãi về sau, tôi mới được biết Văn Phòng Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ (gọi là DAO cuối cùng kiêm luôn chức vụ Đại Sứ cho đến 30-4-1975) có chương trình triệt thoái gia đình của các quân nhân và công chức sang Phi Luật Tân. Tôi cũng nạp danh sách gia đình (vợ và năm con). Không biết vì đâu mà Mai Duy Thưởng gạt bỏ hai đứa lớn, lý rằng trai trong hạn tuổi quân dịch. Nhiều gia đình bị trở ngại vì lẽ này, đành ở lại và gánh chịu hậu quả thê thảm: chồng đi tù, vợ con đi kinh tế mới. v.v…
Nhờ anh Phạm Kỳ Loan tận tình can thiệp, gia đình tôi mới được liệt kê đầy đủ vào danh sách, chờ ngày lên đường.
Chiều 23-04-1975 gia đình tôi được dặn phải có mặt trườc 6:00giờ ở phòng chờ của cơ quan DAO trong Phi Trường Tân Sơn Nhất. Cùng đợt được gọi, có chị Lộc và đàn con, chị Túc và 10 cháu, với gia đình tôi (ba đứa, hai đứa được anh Nguyễn Hồng Đài đưa vào phi trường trước).
Dồn tất cả trên bốn xe Jeep, chúng tôi loanh quanh các cổng phi trường nhưng không cách gì vào được.. Cổng chánh từ ngõ Cộng Hoà, Quân Cảnh không cho vào; vòng ra cổng sau từ ngã ba chú Ía, bị rào nghiêm nhặt. Trở lại cổng chánh phi trường, yêu cầu quân cảnh lần nữa nhưng bị từ chối. Liên lạc với anh Khang vì anh Khang quen với tướng Không Quân Phan Phụng Tiên, chỉ huy căn cứ lúc bấy giờ. Qua máy liên lạc anh Khang cho biết, không thể nói chuyện được với tướng Phan Phụng Tiên. Bây giờ vô cùng thấm thía thân phận và thế thái nhân tình. Mới sáng hôm đó, khi vào phi trường, Quân Cảnh còn đứng nghiêm chào kính và ân cần thăm hỏi. Chỉ hơn 10 tiếng đồng hồ, mà lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đã ban hành chặt chẽ đối với bốn chiếc xe của chúng tôi, trong khi những chiếc xe khác lại tuần tự đến cổng, tạm dừng, và sau vài câu trao đổi lại từ từ tiến vào trong trót lọt thong thả
Sự phân biệt đó, những ám hiệu đó mãi sau này, tôi mới hiểu, Suýt chút nữa, chúng tôi đã phải chứng kiến cái chết oan uổng của ân nhân gia đình chúng tôi tại cổng phi trường.
Bốn chiếc xe đậu dọc bên đường, trước cổng phi trường. Và chúng tôi rất bồn chồn lo âu. Không còn biết phải làm thế nào?
Ngay lúc đó, một chiếc xe Jeep từ trong phi trường tiến ra, đến trạm kiểm soát Quân Cảnh thì dừng lại. Và Nha Sĩ Lâm Ngọc Châu khoan thai bước xuống. Anh thoáng nhìn về đoàn xe chúng tôi rồi tiến về phía anh Quân Cảnh đang đứng. Anh Quân Cảnh này hình như chỉ chặn đoàn xe chúng tôi, mà lần lượt khoát tay cho hàng chục xe khác vào phi trường (vẫn thủ tục cũ: xe tạm dừng, vài câu trao đổi rồi anh Quân Cảnh cho vào).
Vẫn với phong thái khoan thai, anh Châu vừa tươi cười, vừa bắt tay, một tay ôm vai anh Quân Cảnh thật thân mật, thật niềm nở. Vẫn ôm vai anh Quân Cảnh, anh Châu xoay mặt vào trạm canh, buộc anh Quân Cảnh phải xoay theo. Anh Châu tiếp tục nói, nhưng tay còn lại (tay trái?), anh đưa ra sau lưng vẫy chúng tôi.
Thật ra, khi anh Châu từ trên xe bước xuống, tôi đã muốn chạy đến hỏi thăm anh, có cách nào để giúp ba gia đình gần 20 đứa trẻ vào lọt phi trường. Nhưng thấy anh nói chuyện với Quân Cảnh, trong khi có vài xe khác tiếp tục được vào, tôi không hiểu và cũng không dám hỏi. Nhưng khi thấy cánh tay ở sau lưng anh, vẫy ngoắc chỉ vào phi trường, thì chúng tôi không còn ngần ngại nữa. Tức khắc bốn chiếc xe cùng nổ máy, chạy thẳng vào phi trường. (Lên đến ngang anh Châu, thì nghe anh Quân Cảnh lớn tiếng, và khi qua khỏi, ngoái lại nhìn thì thấy anh Châu còn như phân trần, chưa lên xe Jeep).
Khi vào đến phòng chờ của DAO, thi bao nhiêu lo lắng khác xô dồn tới, tôi không gặp anh Châu, mặc dù nơi làm việc của anh cách đó chẳng bao xa.
Vài nét về anh Châu: Anh nguyên là Giáo Sư, sau đi học thêm rồi thành nha sĩ. Anh gia nhập quân đội ngày nào tôi không rõ. Chỉ biết khi về làm việc tại Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận, thì có dịp nhờ cậy đến anh, sau đó mới quen anh. Anh cao lớn, khỏe mạnh, trắng trẻo, đẹp trai, thể thao, ăn nói hoạt bát, thạo nhiều sinh ngữ, nhứt là Anh, Pháp. Vì răng bị hư nhiều, tôi được anh em giới thiệu đến Trung tâm Nha Khoa trong phi trường Tân Sơn Nhứt, nên tôi được biết anh ở đó, vì anh là Chỉ Huy Trưởng Trung tâm. Cách tiếp đãi ân cần, cách chăm sóc tận tình của quý vị Nha sĩ tại Trung tâm, đã phản ảnh tư cách hào hoa lịch sự của người Chỉ Huy Trưởng.
Chiều hôm đó (sau này tôi được anh kể lại), anh vừa tạm giải quyết được việc tìm một chỗ trên phi cơ cho chị Châu đào nạn một cách chật vật đắng cay, mặc dù anh quen thật nhiều với Mai Duy Thưởng. Nghe rằng nhờ chị Nguyễn Hồng Đài có phương tiện khác nên bỏ trống chỗ ngồi trên phi cơ quân sự và chị Châu được xử dụng ghế trống này. Vì Trung Tâm Nha Khoa Quân Đội ở ngay trong phi trường, nên anh đi lại thường, ra vào hàng ngày nên quen mặt.
Không biết ai cho anh hay rằng ba gia đình chúng tôi kẹt ngoài cổng không vào được, anh đã chạy ra can thiệp bằng cách của anh - giúp đỡ ba gia đình bằng một tấm lòng, khẳng khái vì anh em, vì bạn bè không hề nguy hiểm. Anh Quân Cảnh hôm đó, có thể nóng nảy, bất kể thân sơ, có thể hành hung, hay bắn chết anh tại đó.
Chạy sang Hoa Kỳ, kẹt nằm dàitrên miền Bắc hai năm, mãi đến hè 1977, gia đình tôi mới lò dò dời xuống miền nam, nheo nhóc sống trong một apartment chật hẹp (hai vợ chồng, năm đứa con). Vậy mà, từ Birmingham sang Houston, anh Châu đến với chúng tôi, từ chối mọi bạn bè thân thiết khác (khá giả hơn tôi, nhà cửa nhiều tiện nghi hơn tôi). Chúng tôi chỉ trải một tấm nệm trên sàn ván để anh Châu ngủ tạm. Khi đó tôi là một
“tiện sĩ” * đi làm quần quật cả ngày, không có nhiều phương tiện, thì giờ để thù tiếp khoản đãi anh như tôi muốn. Nhưng anh Châu sống thoải mái ở trong hoàn cảnh ”bó rọ” của gia đình tôi suốt thời gian anh thăm viếng Houston hồi cuối năm 1977.
Có một lần, nhân dịp đi ngang Birmingham, quá nửa đêm, chúng tôi đã không ngần ngại gọi anh chị Châu vì không biết nẻo đến nhà anh. Anh bảo tôi đậu xe tại cây xăng chờ, và chỉ hơn năm phút sau thì anh ra đến tận nơi dẫn chúng tôi về nhà anh, cho tắm rửa, nghỉ ngơi, v.v Và cho đến bây giờ, các con tôi vẫn thương mến và kính trọng anh chị Châu, dù rất ít khi gặp đủ hai ông bà.
Có khi gặp việc, ghé ngang Houston, anh cũng điện thoại cho tôi, hàn huyên đôi câu, thăm hỏi ân cần. Anh rất nhiều nhiệt tâm đối với anh em. Mười mấy năm nay, tôi đều nhận được thiệp chúc năm mới và quà tặng Giáng Sinh. Tôi vốn dĩ chậm lụt, nên mỗi dịp Giáng sinh, tiếp tục đón nhận những ân tình thắm thiết của một người bạn “tốt bụng” sẵn mang một tấm lòng vàng.
Là một Nha Sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, anh Châu vẫn giữ nguyên phong thái của một quân nhân đầy tư cách. Trong nếp xử thế, anh giống như một triết gia hơn là một chuyên gia. Nếp sống của anh chị thật bình dị, nhàn tản, tri túc. Trong ngành Nha Khoa, anh đã giúp nhiều người bạn đến Hoa Kỳ sau, tu nghiệp để trở thành nha sĩ. Hình như anh chỉ muốn giúp đỡ anh em, hơn là muốn bôn ba tạo dựng riêng mình một nếp sống “giàu sang” theo khả năng của anh sẵn có.
Một điều đáng ghi nhận nữa, mà cũng do điều này mà tôi quý mến anh nhiều hơn: là đối với một ông thày cũ (Bác Sĩ Nguyễn Văn Thơ), anh luôn luôn có thái độ của một người học trò thuộc thế hệ “Quân, Sư, Phụ”. Thật là cảm động, khi thấy một môn sinh thành tài, có địa vị như anh nhưng vẫn giữ một niềm lễ phép đối với thày (BS Nguyễn Văn Thơ).
Kể từ 23-04-1975 đến hôm nay, đã sắp tròn 20 năm. Hai mươi năm tràn đầy kỷ niệm: nhục nhã vì mất nước, nhục nhã vì trốn chạy, nhọc nhằn vì cuộc sống, đắng cay vì những thiệt thua mà mình vì ngu dốt phải gánh chịu khi lưu lạc xứ người. Nhưng mỗi năm, vào những ngày này, tôi sống lại những ngày đêm lo âu: không biết số phận của bày con chúng tôi ra sao vì chúng tôi chấp nhận mất tất cả, kể cả sinh mạng của chúng tôi, miển bảo vệ được các con tôi được an toàn, khôn lớn, trở thành người hữu dụng.
Trong đại nạn của quốc gia, trong nguy biến của dân dộc, tôi băn khoăn cho tương lai mù mịt của năm đứa con vô tội. Ai trách tôi ích kỷ, tôi chịu. Ai trách tôi hèn yếu, tôi nhận. Vì tôi chỉ là một người cha tầm thường, bị lôi kéo trong một cơn lốc vĩ đại, xoáy sụp cả một miền Nam dù lạc hậu, dù loạn ly, nhưng vẫn có tự do tương đối, nhưng vẫn trù phú gấp 10 lần miền Bắc vào thời điểm đó.
Vì các con của chúng tôi, nên bây giờ tôi vẫn nhắc nhở: Nếu anh Phạm Kỳ Loan không can thiệp cho bầy con của tôi được ghi tên vào danh sách, thì liệu tôi có cách trở xoay nào khác, trong những ngày đen tối đó để đưa đàn coi tôi chạy thoát? Nhất là: nếu chiều hôm đó, anh Châu (vâng, anh Lâm Ngọc Châu) không có mặt tại cổng phi trường Tân Sơn Nhứt, để điều độ cho cả ba gia đình gần 20 trẻ con, thì thật uổng tâm cơ của anh Phạm Kỳ Loan lo lắng, can thiệp, liệu ba gia đình có được tròn vẹn như hiện nay? Hay bị kẹt ở lại, rồi rơi vào vũng lầy “nghèo đói, thất học” như hàng triệu trẻ em không may mắn khác?
Khi viết những giòng này, tôi lại thấy nổi bật lên trong tâm tư của tôi, hình ảnh của Trung Tá Nha Sĩ Lâm Ngọc Châu, một mình đứng ra can thiệp, gây xao lãng, đánh lạc huớng chú tâm của anh Quân Cảnh, cho mấy chiếc xe của chúng tôi chạy tuôn vào cổng Phi Trường. Và tôi tự nhủ rằng: nếu phút giây nào tâm trí tôi còn minh mẫn, tôi dành (trong tâm tư chất chứa nhiều ẩn ức của tôi) một chỗ thật cao, thật đẹp cho anh Châu - một người bạn sẵn sàng lo lắng cho anh em mà không chờ kêu gọi, cáng đáng hiểm nguy mà không cần đắn đo. Ở cuối thế kỷ 20 này, hảo tâm như anh thật là hiếm có. Nòi Hiệp Sĩ Việt Nam còn lại mấy người, thì hẳn anh là một. Hay ít nhứt, anh là một quân nhân thừa phong cách hào hoa, lại mang sẵn một tấm lòng vàng.
Long Tuyền Nguyễn Phước Trang
7:00 giờ chiều, ngày 21-04-1995
Ghi chú của người post:
ĐT Nguyễn Phước Trang nguyên là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận tại Long Bình (1975), hiện cư ngụ tại Houston, Texas.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017