Kịch 5 cảnh:          THỨC TỈNH LÚC HOÀNG HÔN

                                                  (Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo)

                                                       

LỜI NÓI ĐẦU:

Vở kịch này được viết dựa trên nhiều tài liệu gồm các sách báo, các bài đăng trên mạng nhưng phần chính là dựa trên cuốn “ Những Lời Trăng Trối” của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê. Tôi đã liên lạc được với tác giả Phan Ngọc Khuê và xin phép ông cho mượn cốt truyện làm nền cho vở kịch tuy nhiên tôi rất tiếc không có địa chỉ của các tác giả khác nên xin được coi đây là những lời xin phép tất cả các tác giả để được dùng các tài liệu kể trên. Vở kịch viết ra hoàn toàn không nhằm vụ lợi nên rất mong được các tác giả thông cảm và nhận nơi đây lòng cám ơn chân thành của người soạn kịch. Tôi đặt tên cho vở kịch cũng dựa theo bản đầu tiên của “Những Lời Trăng Trối” là Những Hối Hận Lúc Hoàng Hôn.

Trân trọng,

 

      Toronto, Xuân 2016

      Hoàng Xuân Thảo

                    VÀI DÒNG TIỂU SỬ:

                        Tên thật: Hoàng Ngọc Khôi

                        Tiến sĩ Y khoa, Cử nhân Luật khoa, Cử nhân Văn khoa

                        Cựu sinh viên quân y hiện dịch Khoá V 1952-1958

Cựu giáo sư các trường Trung học Hàn Thuyên-Bắc Ninh; Gia Long, Quốc gia Sư phạm, Khuyến học-Sài Gòn.

                     TƯ LIỆU THAM KHẢO:

                        Những lời trăng trối                                        Tri Vũ Phan Ngọc Khuê                                               Niên biểu                                                         Trần Đức Thảo

                        Kỷ niệm về Lưu Trọng Lư                                Vũ Đình Phòng

                        Trần Đức Thảo và cuốn sách

                         mang xuống tuyền đài chưa in                       Nguyễn Cao Quyền

                        Với Trần Đức Thảo một chút duyên nợ           Nguyễn Ngọc Giao

                        Trường ĐHSP đã nhổ được hai cái gai           Nguyễn Lân     Nhân Dân 18.5.1958  

                        Nọc độc Trần Đức Thảo                                  Nguyễn Khắc Thành               

 

 

                                                CẢNH I (25-30 phút)

THỜI GIAN: 1951- 1952

CẢNH TRÍ: Biện sự xứ Nam Ninh của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tường có treo hình Mao và Hồ, có quốc kỳ Cộng hoà Nhân dân Trung hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có kê bàn ghế, tủ hồ sơ, bình thủy và bộ đồ uống trà, giấy bút.

NHÂN VẬT và TRANG PHỤC: Trần Đức Thảo: triết gia, 35 tuổi, Trần Lân: cán bộ, trẻ hơn, Hùng: cán bộ, già hơn. Lân và Hng mặc đồ quân nhân xanh sẫm. Tho, người tầm thước, trắng trẻo, mặt hơi xương xương, đeo kính trắng, mặc quần kaki vàng, áo veste, sơ-mi nâu, giày vải.

MÀN MỞ:

Thảo đang ngồi trước bàn viết loáy hoáy, trán nhăn lại suy nghĩ, chốc chốc lại xé toang giấy ra từng mảnh ném bỏ thùng rác rồi thở dài, rót trà uống, chép miệng, đang cúi xuống ôm đầu thì Trần Lân bước vô, vai đeo ba-lô, cười rộ...

Lân: Chào anh Thảo. Anh khỏe chứ? Viết mấy hôm mà chưa xong hồ sơ lý lịch à? Tà tà thế này thì biết bao giờ anh mới được về nước. Hôm nay, em hành quân về An Toàn Khu đây. Ở mãi Nam Ninh này cuồng chân quá rồi. Ha ha! Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/Thương nhà mỏi miệng cái gia gia...Ha ha!

Lấy tay bịt miệng. Ấy chết! Nói thế lỡ ai nghe thấy lại bị phê là tình cảm lãng mạn tiểu tư sản, thiếu tinh thần cách mạng đấy.

Thảo: Đâu phải nhớ nước. Nhớ bồ tèo chứ gì. Tôi đi guốc vào trong bụng chú.

Lân: Thì cũng đúng một phần. Còn anh thì có nhớ ai ở Paris không?

Thảo: Thì cũng có nhưng không đến nỗi da diết lắm. Chúng tôi đã hứa hôn rồi, bây giờ thì ai nấy lo nhiệm vụ của mình trước đã.

Lân: Á à...Anh theo chính sách ba khoan nhưng còn thiếu điều một, vì anh đâu có khoan yêu, anh chỉ khoan cưới, khoan đẻ thôi. À mà cô ấy tên gì, bận gì mà không về cùng anh?

Thảo: Cô ấy tên Nhất, Nguyễn Thị Nhất, đang học ở Sorbonne về tâm lý thiếu nhi. Chắc học xong rồi cũng sẽ về vì cô ấy cũng mong ước sẽ đem cái sở học của mình mà làm điều ích quốc lợi dân.

Lân: Anh chị đẹp đôi quá, cùng là trí thức mà cùng một lý tưởng. Nhưng mà thôi dẹp chuyện đó, hôm nay tới chào anh về nước, em chỉ muốn nói là anh em mình đi với nhau cả mấy tuần nay từ An Huy tới Mãn Châu rồi Nam Ninh, đường dài tuy vất vả mà thật ra rất vui đấy, chưa kể em còn học hỏi được ở một triết gia nổi tiếng thế giới nhiều điều hữu ích, giờ phải chia tay tuy lòng có hơi bùi ngùi nhưng em vẫn chắc mình sẽ có dịp gặp nhau lại nên cũng đỡ buồn. Anh đã bớt mệt sau chuyến đi vừa rồi chưa? Từ Ba-Lê qua Luân-Đôn rồi Tiệp Khắc rồi Liên Xô, lại ngồi xe lửa xuyên suốt Tây-Bá-Lợi-Á gần mười ngàn cây số mới tới An Huy đâu phải chuyện chơi?

Thảo tươi cười: Vậy mà tôi thấy khỏe lắm bởi vì cổ nhân nói đúng lắm “ Đường đi không khó vì sông ngăn núi cách mà khó vì lòng người ngại núi e sông “ Mà lòng tôi thì em biết đó, rất nóng lòng được về quê hương phục vụ theo tiếng gọi của non sông - thở dài -nhưng cái vụ khai lý lịch này này lại làm tôi mệt bã người, cả đêm suy nghĩ vì nếu viết cho đúng sự thật thì lại không vừa lòng, hợp ý cán bộ hồ sơ mà chẳng lẽ mình lại tự dối mình mà bịa ra những chuyện tào lao không có thật. Tưởng làm hồ sơ thì dễ dàng mà lại còn khó hơn làm một bài luận thuyết về triết học nữa đấy em ạ!

 Lân: À quên! Mà mấy hôm nay Trung Ương hỏi em về anh nhiều điều lắm đấy, họ muốn biết anh đã nói chuyện với em những gì, anh có liên lạc với ai trên đường đi không? Anh có kêu ca hay than phiền gì không? Tính tình anh ra sao, nhất là trình độ cảnh giác về cách mạng...

Thảo ngắt lời: Mình có nói chuyện gì về chính trị chính em đâu? Em thấy đấy An Huy có hai chỗ anh muốn tới là núi Hoàng San và sông Ô giang nơi Sở Bá vương tuẫn tiết mà anh cũng bỏ qua luôn, nếu không thì còn to chuyện nữa mất...

Lân: Thủ trưởng còn bắt em phải đánh giá anh nữa đấy. Em cũng thành thật nhận xét rằng anh là người trí thức có tinh thần yêu nước, có lý tưởng cao đẹp là mong mỏi được về phục vụ cách mạng, có thành tâm ao ước được góp tim óc để xây dựng một đất nước có thể làm mẫu mực cho các nước đang tranh đấu giành độc lập để đem lại tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Không phải kể công với anh đâu, nhưng em nghĩ báo cáo của em có thể làm Trung Ương chú ý tới tài năng và tư cách của anh để sẵn sàng trọng dụng một trí thức đã từ bỏ một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi tại nước ngoài để chọn một cuộc sống trong nước đang kháng chiến trường kỳ kham khổ và gian lao. Thủ trưởng cho em biết đã đọc kỹ càng bản báo cáo đó và còn đọc cho cả đồng chí cố vấn Trung quốc nghe, vì anh là một nhân vật đặc biệt. Em nghe nói cố vấn còn bắt dịch ra Hoa ngữ và đọc đi đọc lại nhiều lần nữa cơ.

Thảo ngạc nhiên: Có thế mà cũng phải đưa cho cố vấn xem sao?

Lân: Anh không biết chứ nhất nhất mọi việc ở Trung Ương hầu hết đều phải thông qua và xin ý kiến của cố vấn hết. Cố vấn là ông Trời con, anh nhớ vậy, đừng có bao giờ đụng chạm vào họ dù thấy có điều gì chướng tai, gai mắt.

Thảo ôm lấy Lân: Cám ơn em đã căn dặn anh trong giai đoạn nhập gia cần phải tùy tục, lại còn nói tốt về anh. Chúc em lên đường về nước mạnh giỏi và thăng tiến trong công tác. Thật ra, anh cũng đã học hỏi được ở em rất nhiều điều cần thiết cho cuộc sống mới lạ mai đây trong An Toàn Khu.

Thảo buông Lân ra.

Lân : Không có chi. Chào anh. Em đi -thẫn thờ đi ra, chợt lại quay vào trong khi Thảo còn đang ngó theo:

-          À, quên mất. Em báo cho anh một tin vui.

-          Gì vậy?

-          Đồng chí Hùng, cán bộ phụ trách hồ sơ nói để khích lệ tinh thần anh khai lý lịch cho mau chóng và thành khẩn, bữa cơm chiều nay của anh sẽ được cải thiện gồm – vừa nói vừa giơ từng ngón tay - cơm trắng này, canh rau cải này và đặc biệt món thịt kho “Lạ”, ngoài ra còn có một phích trà tươi nữa để giúp anh thức khuya làm cho xong hồ sơ.

-          Thịt kho gì mà có cái tên lạ thế?

-          À, ở đây người ta kỵ nói chữ “ Tàu”vì cố vấn không bằng lòng nên phải thay bằng chữ “Lạ” lâu riết cũng quen đi.

-          Thế phải gọi cố vấn Tàu là cố vấn lạ?

-          Phải gọi là cố vấn bạn. Nhưng thôi em đi đây, anh sẽ tự học tập dần dần. Dễ mà anh...

Thảo cười rỡn:

-          Thế cải thiện mà không có rượu à?

-          Sụyt...Rượu là cấm kỵ anh ạ. Phong trào “ Đời sống mới” đang tung ra khẩu hiệu “ Uống rượu là uống máu  đồng bào “. Anh còn nhớ câu thơ “ Sáng uống sâm-banh, tối sữa bò” chứ? Tác phong của bọn tiểu tư sản, tay sai thực dân, đế quốc đấy.

-          Thế tất cả mọi người ở đây đều không khi nào uống rượu kể cả những ngày lễ hội, tết nhất, kỷ niệm này nọ sao?

-          Sụyt...Có chứ, nhưng mà họ phải giấu...ghé tai Thảo hạ giọng...như Bác vẫn hút thuốc ngọai Philip Morris nhưng khi mời ai thì chỉ đưa hàng nội Tam Đảo ra thôi...cười hà hà...Thôi em đi kẻo trễ

-          Cám ơn em. Bon voyage! Aurevoir!

-          Sụyt...anh chớ nói tiếng Tây ở đây. Cũng là một trong những điều cấm kỵ đấy.

Lân đứng nghiêm chào rồi từ từ bước ra khỏi phòng còn Thảo ngồi phịch xuống ghế rồi lấy một tờ giấy khác ra cắm cúi viết, lâu lâu lại lấy cục tẩy tẩy xóa vài dòng hay vài chữ, khi chợt ngẩng đầu lên thì thấy Hùng đã đứng ở ngưỡng cửa.

Thảo: Chào đồng chí Hùng

Hùng: Chào triết gia Trần Đức Thảo – bước lại bàn, kéo ghế ngồi đối diện với Thảo và chậm rãi nói - Tôi đã xem qua bản Trích Ngang 15 cột của đồng chí. Cũng tạm ổn, nhưng về phần học vấn đồng chí nói đã học tại Lycée Albert Sarraut và École Normale Supérieure thì phải đổi lại thôi. Ở đây người ta ghét thực dân Pháp lắm. Thấy bất cứ cái gì liên quan tới Pháp thì quần chúng cách mạng đều ghét và căm thù. Đồng chí phải sửa lại là học Trung học tại Hà Nội và trường Cao Đẳng Sư Phạm tại Ba-Lê. - Tới đây, Hùng rút túi ra một mẩu giấy nhỏ vừa nhìn giấy vừa chậm rãi nói tiếp- Nói chung đồng chí tuy là trí thức tiểu tư sản học trường Tây từ nhỏ, rồi lại du học bên Tây nhưng đã chứng tỏ rất tiến bộ qua các sự kiện đã làm, như đầu năm 1945 đã cùng kỹ sư Lê Viết Hường nhân danh những người Đông Dương tới gặp Tổng bí thư đảng CS Pháp yêu cầu yểm trợ phong trào yêu nước ở Đông Dương; tháng 9.1945 đã rải truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và chính phủ Hồ Chí Minh, rồi khi được phỏng vấn trên báo Le Monde là khi quân đội viễn chinh Pháp tới thì đối phó ra sao, đồng chí đã trả lời “ Nổ súng”, vì thế đồng chí bị An ninh Pháp bắt giam từ tháng 12.1945 tới tháng 2.1946; trong khi ở tù đồng chí đã viết và cho gửi đăng trên báo Les temps modernes số 5 phản đối thực dân Pháp trở lại Đông Dương; đồng chí cũng tới gặp Hồ Chủ tịch khi Người sang Pháp trong dịp hội nghị Fontainebleau để xin về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước. Nhìn Thảo soi mói. Những điều tôi vừa kể trên là đúng hết phải không? Đồng chí có ý kiến gì thêm bớt không?

-          Tất cả đều đúng. Tôi không có ý kiến gì thêm bớt cả.

-          Thật ra bắt đồng chí kê khai lý lịch chỉ là để xem đồng chí đã giác ngộ cách mạng tới mức nào thôi, chứ như tôi vừa kể cho đồng chí nghe đấy, những sự kiện đồng chí đã làm thì Đảng đã biết rõ tỏng tòng tong từng chi tiết nhỏ nhất về dĩ vãng của từng người, không để cho ai – dằn giọng – dù là học cao tới đâu qua mặt đâu. Tuy nhiên, căn cứ trên lý lịch này thì chuyện về nước của đồng chí chắc chắn sẽ không có gì mấy trở ngại. Nhưng ngoài bản Trích Ngang coi như tạm xong, còn bản Tự Khainhấn mạnh, giơ ngón tay cái lên - mới là quan trọng thì đồng chí viết xong chưa?

-          Cũng gần xong hết – cười xòa -. Đồng chí xem hộ viết như vậy có được không? – đưa cho Hùng bản Tự Khai - Riêng mục công và tội đối với cách mạng của ông bà – cũng nhấn mạnh - cha mẹ, nội ngoại , anh chị em cuả cả hai bên chồng lẫn vợ thật khó viết qúa mà lại dặn là không được bỏ trống.

Hùng cầm lấy tập vở của Thảo đưa, đi ra chỗ gần cửa ra vào có nhiều ánh sáng hơn để đọc, chốc chốc lại thốt lên, vẻ mặt kinh ngạc:

-          Hùng : Uả!Uả!Trời đất ơi! Sao lại khai như thế này. Đã không lên án mà lại còn khen nưã - Quay sang nhìn Thảo, lắc đầu - Khai thế này thì không đạt tiêu chuẩn đâu, ông Thảo ơi! Không được! Không được! Hỏng bét! Phải khai lại hết thôi triết gia ơi!

-          Thảo Đứng dậy, bước lại gần Hùng phân bua :Tôi đã đắn đo suy nghĩ cả đêm qua và hôm nay tôi viết với tất cả tấm lòng thành thực. Tôi đã khai đúng những gì – chậm rãi - tôi biết, tôi nghĩ, tôi tin. Tôi không thể viết theo tiêu chuẩn mà đồng chí đã khuyên nhủ tôi theo như bản Tự khai mẫu là khai khống các tội ác của gia đình, của ông bà, bố mẹ càng nhiều thì càng chứng tỏ mức độ thành khẩn và trình độ giác ngộ cách mạng của mình cao.- giọng cả quyết - Vì viết như vậy là tôi đã lưà dối chính tôi và lừa dối cả cách mạng nữa.Tôi...tôi...

-          Ngắt lời :Đồng chí khai như thế này thì bên trên sẽ khiển trách là tôi không biết hướng dẫn. Mà thật thế, đồng chí không chịu lên án họ đã từng cộng tác với thực dân, phong kiến chứng tỏ đồng chí chưa thật sự giác ngộ cách mạng.

-          Tôi có giác ngộ cách mạng thì tôi mới bỏ nước Pháp mà về đây chứ. Giác ngộ cách mạng theo ý tôi không cứ phải là xỉ vả, kết tội ông bà, cha mẹ đã công lao dậy dỗ con cháu nên người lương thiện, biết trọng sự thật, yêu nước và yêu đồng bào...

-          Giác ngộ như vậy là chưa đúng. Giác ngộ cách mạng là phải nói, phải làm đúng theo yêu cầu của cách mạng, phải tố cáo mạnh mẽ những người đã cộng tác với thực dân phong kiến. Tôi không chấp nhận bản Tự khai này của đồng chí. Đồng chí phải khai lại, khai lại.

-          Tôi sẽ không khai lại vì không muốn lưà dối cách mạng. Tôi nghĩ bố tôi dù có làm trong Bưu điện thì ngoài việc sinh nhai, cũng chỉ là phục vụ nhân dân mà thôi.

-          Hùng Cười xòa: Thực dân cưỡi đầu, đè cổ dân ta, phong kiến bóc lột tận xương tủy dân ta, mà cứ ngồi bình chân như vại thì không phải là có tội với cách mạng sao? Chỉ riêng cái việc Bưu điện phân phát các báo chí, sách vở, tài liệu phản động của bọn thực dân, phong kiến ru ngủ đồng bào, cổ võ lối sống và văn hoá đồi trụy của chúng như nhảy đầm, ăn mặc hở hang, nay hội mai hè, hết bày thi hoa khôi, lại vẽ thi hoa hậu, coi rẻ giá trị phụ nữ, lấy thân xác họ làm trò chơi, cũng là những tội nặng lắm rồi đồng chí còn chưa thấy rõ sao?

-          Đồng chí nói như vậy thì khi cách mạng tháng tám bùng nổ, ngoài hai ngàn đảng viên cộng sản trong cả nước, còn lại mấy chục triệu đồng bào cũng bị coi là có tội cả sao?

-          Thôi... tôi không cãi lý với triết gia nữa. Đồng chí ngoan cố quá. Cách mạng lên án tất cả những ai cộng tác với thực dân, phong kiến mà đồng chí lại lờ đi. Thế là phản cách mạng chứ đâu phải là giác ngộ cách mạng. Tôi tha thiết mong đồng chí nghĩ lại đi, hãy coi nhẹ tình cảm gia đình vì đó chính là quyền lợi của đồng chí trên con đường tiến thân. Nhấn mạnh - Còn đồng chí không chịu khai lại thì coi như đồng chí chưa làm, mà nếu đồng chí chưa làm bản Tự khai thì đồng chí chưa về nước được- Hùng đứng dậy, vùng vằng bước ra phiá cửa.

Thảo lấy tay ngăn lại,ngẫm nghĩ, dịu giọng:

-          Thôi thế này vậy. Bây giờ tôi chấp nhận như chưa làm bản Tự Khai, nhưng thay vào đó tôi sẽ làm một bản Tự Bạch để đồng chí chuyển lên trên. Nếu bên trên sau khi đọc bản Tự Bạch rồi mà vẫn bắt phải khai lại như ý đồng chí thì tôi đành chấp nhận khai theo chỉ thị của trên. Còn nếu đồng chí không chịu thì tôi sẽ làm lại bản Tự khai với lời cước chú là do cán bộ hồ sơ bắt buộc phải khai như vậy.

Hùng ngồi xuống thừ người suy nghĩ một lát, rồi nói cau có:

-          Tôi đã giải thích đi giải thích lại cả mấy hôm nay hết cả hơi rôi, bây giờ đồng chí muốn viết bản Tự Bạch thì giấy đấy, đồng chí viết đi, tôi cứ chuyển đi thôi rồi để trên tính sao thì tính chứ tôi hết chịu nổi với đồng chí rồi. Tuy nhiên làm vậy thì chắc chắn cấp trên sẽ quy đồng chí là người có vấn đề đó. Cứ tin tôi đi! Đồng chí học rộng thì chắc còn lạ gì câu tục ngữ “ Ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” nữa?

Trong khi Thảo cầm giấy viết thì Hùng châm thuốc hút, vẻ mặt thiểu não, thất vọng. Viết xong Thảo cầm bản Tự Bạch đưa tới cho Hùng và nói:

-          Đồng chí cảm phiền nhưng tôi không thể làm trái với lương tâm đối với các bậc sinh thành  và cũng không muốn lừa dối cách mạng.

Hùng cầm lấy, đứng dậy lạnh lùng:

-          Nhiệm vụ của tôi tới đây coi như chấm dứt tuy chưa hoàn thành. Thật tình tôi chưa thấy ai ngoan cố trong việc khai lý lịch như đồng chí. Tôi đã lo hồ sơ lý lịch cho biết bao nhiêu người nhưng ai nấy đều ít nhiều, thường là khai khống lên các tội của họ hàng thân thích, vợ chồng con cháu đối với cách mạng để chứng tỏ cao độ giác ngộ của mình. Tuy nhiên tôi sẽ gửi toàn bộ hồ sơ hai bản Trích Ngang và Tự Bạch này về Trung Ương để xin quyết định. Trong khi còn lưu trú tại đây, đồng chí cần gì xin cho biết.

Thảo: Cám ơn đồng chí Hùng, nhất là bữa tiệc thịnh soạn tối hôm qua với món thịt kho tàu, ấy quên thịt kho lạ.

Hùng đi ra, nhún vai, ngoái cổ lại dặn dò: .

Trong khi chờ đợi tại đây, đồng chí tuyệt đối không được đi ra ngoài và cũng không được liên lạc với bất cứ ai.

 Thảo tần ngần nhìn theo lắc đầu nói: “ Vạn sự khởi đầu nan”, trong khi màn từ từ hạ xuống.

______________________________________________________________________________

 

                                                CẢNH  II (30 - 35 phút)

Thời gian: 1952

Cảnh trí: Cảnh một căn nhà tre tại An Toàn Khu giữa rừng núi Tuyên Quang- Thái Nguyên, có kê hai chiếc giường tre nhỏ, một cái bàn tre và hai cái ghế dài và một cái kệ đầy sách vở.

Nhân vật và trang phục: Thảo, Trần Lân, Phan: cán bộ tuyên huấn, Lễ: cán bộ lễ tân. Thảo mặc bộ quần áo nâu với áo trấn thủ bên ngoài; Phan cũng bận quần áo nâu với một cái áo blouson bên ngoài, Lân mặc như bộ đội. Lễ mặc như cố vấn Tàu

MÀN MỞ:

Thảo đang bệnh sốt rét, chùm mền, ngồi húp cháo trên giường...

 Phan - bước vào, mang theo một bình thủy trà để lên bàn rồi tới ngồi xuống cạnh Thảo đưa tay sờ lên trán Thảo, nói:

-          A! Hôm nay anh hết sốt rồi. Đồng chí Tô Hoài đã dặn đi dặn lại là anh phải ngủ màn mà anh không nghe. Cái vùng này độc nổi tiếng đấy, chẳng thế mà có câu “ Những người lử khử, lừ khừ/ Chẳng ở Đại Từ thì ở Vũ Nhai.” Nhất là đồng chí lại ở bên Tây mới về trong máu còn nhiều bơ sữa, tụi muỗi An Toàn Khu này nó tinh lắm, ngửi thấy liền à.

-          Rỡn: Chắc chúng cũng đã được chỉnh huấn?

-          Cười: Chứ còn gì nữa? Nhất là hút máu để xem anh có máu cách mạng hay phản động...

-          Cười theo: Thế máu Tề Tuyên chúng có biết không?

-          Phan Vỗ vai Thảo: Anh cứ thử giở trò ra thì khắc biết à. Nói chơi vậy thôi chứ đây làm gì có đối tượng cho bọn chúng mình. Mà thôi, anh có muốn mời đốc tờ tới khám không? Có BS Phạm Khuê, con Phạm Quỳnh, mát tay lắm. Tôi sẽ đi mời cho.

-          Xua tay: Không cần.Tôi húp được bát cháo nóng với tí gừng, vưà cay vừa nóng làm toát mồ hôi ra là cảm thấy đỡ liền à.

-          Gật đầu: Đúng thế. Ở đây, anh nào bị bệnh cứ chạy vòng quanh một quả đồi cho toát mồ hôi ra là bệnh nào cũng hết.

-          Thế hôm nay chúng ta được giao công tác gì ?

-          Thì lại cũng dịch thuật lăng nhăng những tài liệu cũ xì, mà rồi có ai thèm ngó tới đâu nhưng lệnh trên bảo sao thì cứ thế chấp hành. Đồng chí Tổng bí thư có mấy bài mới viết cũng muốn anh dịch ra tiếng Pháp để gửi cho Đảng CS Pháp và mấy tờ như Humanité, Les temps modernes nhưng không gấp, anh cứ nghỉ ngơi cho lấy sức lại đã. Kháng chiến trường kỳ mà.

-          Dịch mãi cũng chán. Tôi cũng tiếc thời gian nữa. Từ khi về đây tôi cảm thấy như người bị bỏ ngoài cuộc, chưa được giao làm việc gì cụ thể có lợi cho nhân dân, đất nước cả.

-          Thì anh mấy hôm rồi chẳng đi thực tế các nông trường và công xưởng đó sao? Nghe nói anh được quần chúng hoan nghênh lắm mà!

-          Thì cũng có mặt làm vì để được giới thiệu là có đồng chí Thảo, tiến sĩ từ bên Tây về tham gia kháng chiến, họ cứ nghe thế là vỗ tay hoan hô thôi chứ nào đã làm được trò trống gì đâu? Tôi về đây nào phải muốn làm cây cảnh trang trí và cái nghề dịch thuật bất đắc dĩ này.

-          Thì cũng chỉ là những công tác lặt vặt thôi trong khi chờ đợi Trung Ương xếp đặt công việc thích ứng với khả năng của anh. Nghe đâu Trung Ương có ý định thành lập ban Văn-Sử-Địa trực thuộc Văn phòng Tổng bí thư và điều động anh với tôi vào ban ấy đấy. Phần tôi rất sung sướng được làm chung với anh vì tôi cũng mong muốn khi anh có thời giờ rảnh rang chỉ dẫn thêm cho tôi về triết học Tây phương. Nghe nói trong hai năm 1949-1950 anh đã từng năm lần tranh luận với ông tổ Hiện sinh Jean Paul Sartre bất phân thắng bại phải không?

-          Chuyện tranh luận thì cũng có thực, nguyên do là Sartre chỉ chịu công nhận giá trị chủ nghiã Marx về chính trị và lịch sử, không coi trọng triết học Marxist và cho rằng chủ nghĩa hiện sinh có giá trị triết học hơn, còn tôi thì quan niệm chủ nghĩa Marx có giá trị toàn diện, cả lịch sử, xã hội lẫn triết học. Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ vì Sartre chưa đọc hết các tác phẩm của Husserl và Marx nên Sartre đề nghị tạm đình chỉ, tôi đồng ý nhưng cuộc tranh luận ấy đã đưa tôi tới quyết định đoạn tuyệt với chủ nghiã Hiện sinh.

-          Còn anh muốn nói gì trong tác phẩm Hiện Tượng Học và Chủ nghiã Duy vật Biện chứng xuất bản tại Paris năm 1951?

-          Với tác phẩm này tôi khẳng định đứng về phiá chủ nghĩa Marx trên nguyên tắc và từ đó tôi quyết định về nước để hoà nhập triết học với cuộc đời, và nhất là khắc phục những khuynh hướng phát triển không đúng tinh thần của Marx, Engels và Lenine đã chớm nở từ khi Staline thống trị học thuyết Marxist, cụ thể là tuyệt đối hoá đấu tranh giai cấp dẫn tới nhiều sai lầm tai hại vv...

-          Suỵt...Anh không biết ông cụ là đệ tử trung thành của Staline à? Cả Tố Hữu, trưởng ban Tư tưởng và Văn hoá nữa. Mà thôi, chuyện đó nói sau, dài dòng và nhạy cảm lắm.

   Nghe nói anh có tìm tới gặp Bác khi Bác sang Pháp dịp hội nghị Fontainebleau phải không?

-          Đúng vậy, trong buổi Bác gặp gỡ Việt kiều ngày 5.6.1946, khi Bác kêu gọi Việt kiều về nước tham gia kháng chiến, thì tôi hăng hái chạy tới nắm tay Bác và thưa, “ Tôi đã bỏ công nghiên cứu về chủ nghĩa Marx và cuộc Cách mạng tháng Mười tại Liên Xô. Tôi rất mong được về nước cùng Cụ chủ tịch xây dựng một mô hình cách mạng tốt đẹp cho quê hương ta và có thể làm mẫu mực cho các nước đang tranh đấu chống chế độ thực dân.”

Phan cười:

-          Anh dám nắm tay cụ? Lại xưng tôi nữa ! Mà cụ bảo sao?

-          Hôm ấy, cụ chỉ mỉm cười nhạt, nét mặt lạnh lùng bảo, “ Cách mạng chưa cần tới chú lúc này đâu. Chú cứ ở Paris thì có lợi cho cách mạng và chú hơn.”

-          Thế cụ đã khuyên anh ở lại Pháp, sao bây giờ anh lại mò về. Cụ gọi về hay sao?

-          Đâu có. Tôi phải nhờ Jean Paul Sartre vận động với đảng Cộng sản Pháp, rồi đảng CS Pháp lại vận động với đảng CS Liên Sô để được bên này chấp thuận cho về đấy.

-          Lè lưỡi: Rắc rối thế đấy.

-          Ghé tai: Bởi vì bọn cộng sản Pháp và Liên Sô thấy đảng cộng sản Việt Nam bị đảng cộng sản Trung quốc chi phối chặt chẽ qúa và chúng nghĩ tôi có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung cộng phần nào.

-          Giơ ngón tay cái: Tôi rất phục anh nhưng nếu tôi như anh thì có lẽ cứ nghe lời cụ là hơn, trái lời cụ cũng phiền hà, lôi thôi lắm đấy. Đồng chí Hà Huy Giáp cũng bảo cụ khó tính lắm cơ, hơi một chút trái ý là cụ rầy rà. Đồng chí Lưu Trọng Lư cũng từng bị cụ mắng cho một trận như tát nước và rất thất vọng sau khi gặp cụ lần đầu, chẳng biết vì lý do gì. Hình như bị cụ bắt gặp đang đứng  hút thuốc lá nên cụ gắt,  “ Kiếm cái việc gì mà làm đi chứ!

-          Cụ cũng là tay nghiện thuốc lá mà!

-          Sao anh lại so sánh lạ thế? Cụ khác, mình khác. Có nhiều cái cụ làm được mà mình không làm được. Cũng như anh nắm tay cụ bên Pháp thì được vì lúc ấy cụ đang cần chiêu dụ Việt kiều về giúp nước cũng như chứng tỏ cho thế giới cụ là người rất thân thiện với mọi người. Anh là triết gia mà, anh biết chứ. Chúng tôi ở đây thì bố bảo cũng chẳng dám.

-          Có lẽ anh nói có phần nào đúng đấy, nhưng tôi đã cất công về đây thì tôi sẽ bằng mọi cách khắc phục những khó khăn và trở ngại ban đầu. Vả lại tôi có đòi hỏi gì cho bản thân đâu? Danh vọng ư? Tôi đã có đủ cả. Tôi chỉ muốn đem sự hiểu biết của mình ra để trải nghiệm trong thực tế và hi vọng góp sức tô điểm giang sơn Việt Nam cho thêm tươi đẹp về mọi mặt mà thôi...

-          Tôi biết, tôi biết nhưng không biết người ta có nghĩ như vậy, có tin như vậy không? Dù sao thì anh cũng đã về đây rồi, tôi chỉ biết chúc anh không phải là người lữ hành cô độc đang dấn thân trên con đường lý tưởng...Tuy nhiên – nói nhỏ hơn – Chớ có đụng tới hai ông tổ Mác và Lenin, cả Staline nữa dù chỉ là cái lông chân vì Bác luôn luôn nói với cán bộ rằng “ Ai có thể sai chứ Mác và Lenin thì không bao giờ sai cả”.Tố Hữu nữa, cũng sùng bái Lenin , nhất là Staline hơn cả thần thánh đấy...

-          Ở đời làm gì có cái tuyệt đối. Thần thánh cũng có khi sai chứ...

-          Nói nhỏ: Tôi không dọa anh đâu nhưng anh khôn hồn thì liệu mà tìm cách tránh cho xa và lặn cho sâu, không nên nán lại tại ATK này nữa. Phải xin đổi công tác đi chỗ khác đi. Bác nói và có thái độ như vậy là đã tỏ ý khai trừ anh rồi .Tỏ thái độ ngang hàng với người là anh tự tuyên bố bản án tử hình cho chính anh rồi đấy triết gia Thảo ơi!

-          Sao anh lại có vẻ quýnh quáng và hoảng hốt qúa vậy?

-          Vậy là anh chẳng hiểu gì về “ ông cụ” cả. Sống gần ông cụ mà chẳng hiểu gì về ông cụ là nguy hiểm chết người đấy. Tất cả những ai mà tỏ ra ngang hàng với ông cụ là ông cụ không tha thứ đâu. Ngay cả những  tay trí thức nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm cho tới cả kẻ được đào tạo chính quy tại Liên Sô như Trần Văn Giàu vv đều là những nạn nhân của thái độ ngang tàng như thế.Tạ Thu Thâu chết mất xác cũng vì tỏ vẻ ngang hàng với cụ khi nói “ Ngoài Bắc có cụ, trong Nam có tôi”.

Nói xong, Phan lắc đầu còn Thảo trầm ngâm rồi lấy bình thủy , rót nước trà cho hai người uống thì có tiếng bên ngoài vọng vào:

-          Đồng chí Thảo có trong đó chứ? Tôi là Lễ, cán bộ Lễ tân, bộ Ngoại giao cần gặp đồng chí gấp.

-          Thảo :Có tôi đây, xin mời vào.

   Lễ bước vào, nhìn hai người rồi ngắm Thảo một lát mới hỏi:

-          Đồng chí là Trần Đức Thảo mới ở bên Tây về?

-          Dạ phải.

   Lễ quay sang nhìn Phan:

-          Xin lỗi đồng chí, tôi có chuyện riêng cần nói với đồng chí Thảo.

-          Xin cứ tự nhiên - Phan nói xong, đặt chén nước xuống bàn rồi bước ra khỏi phòng ngay.

   Lễ vẻ trịnh trọng nói:

-           Hôm nay tôi tới báo cho đồng chí một tin vui mà tôi nghĩ chắc đồng chí đang mong đợi.      Nhìn Thảo dò phản ứng: Đồng chí cần chuẩn bị để đi gặp Bác.

   Thảo nhảy lên, sung sướng, giơ hai ta lên trời:

-          Bonne nouvelle! Bonne nouvelle. Cám ơn đồng chí. Từ khi về nước, ngày nào tôi cũng mong chờ cái ngày này nên tôi luôn luôn sẵn sàng không cần phải chuẩn bị gì thêm cả.

Lễ nghiêm nét mặt:

-          Đồng chí vui mừng là phải vì không phải ai cũng được vinh hạnh diện kiến Ngườ đâu, ngay cả những người thân thiết trong gia đình cũng hiếm được dịp gặp Người vì Người còn lo việc nước trăm công ngàn việc. Đồng chí như thế là được ưu đãi lắm đó, đời đời phải biết ơn Hồ chủ tịch.

-          Cám ơn Hồ chủ tịch, cám ơn Hồ chủ tịch

-          Tuy nhiên gặp Người không phải là câu chuyện đơn giản mà phải tuân thủ những nghi thức nghiêm ngặt. Với đồng chí ăn học theo lối tây từ nhỏ, các đồng chí trên Bộ dặn tôi phải cẩn trọng và chỉ dẫn kỹ lưỡng hơn vì e đồng chí quen cái lối văn minh thực dân đế quốc, bình dân bình đẳng, nhăng nhăng nhố nhố mà dễ phạm thượng do những cử chỉ lố lăng, hay những lời nói sỗ sàng.

-          Thảo tiu nghỉu: Tôi không đến nỗi tệ thế nhưng vẫn rất mong được đồng chí hướng dẫn để tránh những sơ xuất.

-          Lễ  dằn từng tiếng: Yêu cầu của ban Lễ tân là đồng chí trước nhất phải thận trọng trong từng cử chỉ, từng lời nói khi gặp Người.

Thứ nhất là khi tới gặp Người thì phải đứng cách xa ít ra là 3 mét. Phẩy tay ra hiệu cho Thảo lùi xa ra 3m . Đồng chí đứng thế chưa chỉnh, phải thẳng người, mặt hơi cúi xuống, không được phép nhìn thẳng vào mắt người. Chỉ khi Người ra dấu hay ra lệnh thì mới được phép lại gần hơn. Khi tới gần, chỉ khi Người đưa tay ra mới được bắt tay Người.

Thứ nhì là không được tự ý nói leo hay ngắt lời. Người có hỏi câu gì mới được phép trả lời. Mà tuyệt đối phải trả lời vào đúng câu hỏi đó, không được tự ý nói thêm bớt nọ kia, chệch      ra ngoài câu hỏi.

 Thứ ba, không được chào trước, nói trước.

 Thứ tư không được xưng tôi như là ngang hàng với Người.

-          Xin hỏi, nếu không được xưng tôi thì xưng là gì?

-          Đồng chí có thể xưng là con hay cháu và cần  nhất phải gọi Người là Bác như đồng bào cả nước vẫn gọi. Nhấn mạnh - Những chỉ thị này rất là quan trọng, đồng chí phải ghi nhớ cho kỹ kẻo mà sai sót một tý cũng là làm hỏng cuộc diện kiến và sẽ tai hại cho đồng chí lắm đấy. Không phải ai cũng được tới chào Bác đâu. Cứ hỏi đồng chí vừa đi ra đó thì biết. Chậm rãi: Đồng chí nhớ chưa? Có gì thắc mắc cứ hỏi, tôi sẵn sàng chỉ dẫn.

-          Xin lỗi chứ tôi nghe nhiều người nói Bác giản dị, bình dân, gần gũi với quần chúng lắm kia mà..chẳng lẽ với cán bộ...

-          Tỏ vẻ bực bội : Họ nói sao thì nói nhưng việc mình phải làm thì trên bảo sao mình làm vậy.Tôi chỉ biết bổn phận của tôi phải dặn dò đồng chí về các thủ tục lễ tân thôi còn tùy đồng chí nghĩ sao thì nghĩ. Tôi sẽ thông báo cho đồng chí ngày giờ đi và khi được tin báo là phải cấp tốc đi ngay như đi hành quân vậy đó vì Người không có thì giờ đâu.

-          Tôi biết. Một lần nữa xin cám ơn đồng chí Lễ. Tôi luôn luôn sẵn sàng kể ngay từ phút này.

-          Hẹn gặp lại sau. Chào đồng chí Thảo – Lễ vừa nói vừa đi ra, còn ngoái lại dặn: Đừng quên những lời tôi dặn.

-          Tôi nhớ.

Thảo bước đi bước lại trong phòng vẻ  băn khoăn:

-          Thảo nào mà Phan bảo cái cách mình gặp cụ ở bên Tây , xưng tôi này, bắt tay này, cộng tác này như vậy là có vấn đề rồi. Nét mặt đổi ra rạng rỡ: Nhưng thôi, cất công về đây hễ có dịp được gặp ông cụ để bày tỏ ước vọng và quan điểm xây dựng một chế độ mác-xít nhân bản là mãn nguyện  rồi. Ha... ha... ha...Cụ vốn có mắt tinh đời mà. Ha... ha...ha...Phen này! Chẳng lẽ?...

Trần Lân chợt bước vào ,đứng cửa  ngạc nhiên thấy Thảo đang cười ha hả:

-          Anh Thảo! Anh Thảo! Anh có chuyện gì đắc chí mà cười to thế? Cho em chia vui với...

Thảo giật mình, nhìn ra cửa, nhận ra Lân, cười tiếp:

-          ! Lân! Cơn gió nào thổi em qua đây. Vào đây! Vào đây! Anh vui vì anh sắp được đi gặp Bác rồi.

-          Bao giờ? Bao giờ?

-          Chưa biết, nhưng cũng sắp thôi. Mộng ước của anh sắp thành rồi, Lân ơi!

-          Thế thì qúa vui rồi. Anh đang vui, vậy em xin báo một tin vui cho anh trước.

-          Tin vui của em thì anh biết rồi, một chầu “ văn hóa” cao chứ gì?

-          Đúng thế. Em nghe tin anh bị bệnh nên ghé qua thăm, em có quen với “ anh nuôi” nên yêu cầu cho anh một bữa cải thiện, y hứa sẽ làm đặc biệt cho anh chiều nay món “thịt bò sào nhạc ngựa”.

Thảo cười phá :Cái gì mà bò sào nhạc ngựa? Lần trước thì “ thịt kho lạ” à quên thịt kho tàu, ấy lại quên nữa, thịt kho lạ..

-          Tức là bò sào khoai tây đó mà. Anh biết không vì tại An Toàn Khu này người ta kỵ húy chữ Tây nên bố già Phan Khôi bố ấy chơi sỏ lại lấy tiếng Tàu “ mã linh thự” thế vào. Mã linh thự tức là cái lục lạc người ta đeo vào cổ con ngựa, nó tròn tròn giống như củ khoai tây nhỏ vậy đó.

-          Ờ, cũng lâu lắm anh không được ăn cái món thịt bò sào khoai tây là món anh vẫn thích từ hồi còn nhỏ. Cám ơn em luôn luôn chăm sóc cho ông anh này.

-           Còn chuyện này cũng tức cười nữa. Anh bước sát lại gần em này. Thảo bước sát lại Lân Anh hít hít thử xem quần áo em có mùi hôi không? Đó! Hôi, hôi...phải không? Nguyên là em vừa đi qua một ngọn đồi ngập đầy “cỏ cộng sản” nên nó cọ vào quần áo em mà khiến nó hôi thế đấy.

-          Cỏ “cộng sản” là cỏ gì mà hôi thế? Mà ai đặt tên nó?

-          Thì cũng bố già Phan Khôi đấy. Cỏ cộng sản người bình dân vẫn gọi nó là cây cứt lợn, cây chó đẻ hay cây bọ xít vì nó có mùi hôi như bọ xít, cây này mọc hoang đầy khắp vùng Việt Bắc và khởi phát từ khoảng năm 1930-31 gì đó. nhằm cùng thời gian với sự thành lập đảng cộng sản Đông Dương và mỗi ngày mỗi lan tràn thêm nên tụi Tây đồn điền chúng gọi là cỏ cộng sản, herbe communist.

-          Chẳng trách mà bố già bị Đảng trù dập hoài hoài thế mà vẫn chẳng chừa.

-          Bố già còn chơi sỏ bảo muốn biết tên khác của loài cỏ cộng sản này thì cứ hỏi những người Nùng hay người Thổ khắc rõ.

-          Thế họ gọi là gì?

-          Người sắc tộc thấy từ ngày cụ Hồ về vùng này thì lọai cây cỏ này lại càng sinh sôi nẩy nở, lan tràn khắp đồi nương làm lúa thường xuyên mất mùa, nên họ cứ hồn nhiên gọi là “ cỏ cụ Hồ”. Lân hạ giọng: Anh nhớ đừng nói với ai về chuyện này nhé!

-          Thảo: Tất nhiên rồi. Thế còn tin không vui? Em cứ nói toạc ra, đừng sợ anh buồn

-          Lân nói nhỏ : Mà anh còn nhớ là hôm ở Nam Ninh em đã kể cho anh nghe chuyện em gửi báo cáo về anh cho Trung Ương chứ, ngờ đâu nó lại gây tai hoạ cho cả anh lẫn em vì ...

-          Thảo, sửng sốt :Tai hoạ? Tai họa? vì...vì sao?

-          Vì trong báo cáo, em đã đề cao anh thế nọ thế kia, nhưng trên lại cho là em đã đánh giá anh sai, em đã mất cảnh giác cách mạng để bị địch đầu độc bằng những tư tưởng phản động mà không hay. Em bị khiển trách kịch liệt là đã cả tin vào một kẻ không phải là người của cách mạng mà là do thực dân đào tạo, một cha mát dây mát dợ, chưa từng sống với cách mạng một ngày mà dám toan tính về nước dạy người cách mạng làm cách mạng. Cũng vì thế mà thay vì dự tính trước kia là điều động anh về khu IV dạy một trường đại học mới mở cùng với các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thái Mai, Trần Văn Giàu...Trung Ương đã đổi ý, giữ anh lại An Toàn Khu để dễ bề kiềm chế anh, cho nên mới có lệnh khẩn cấp hoãn ngày về của anh mấy tuần lễ đấy.

-          Ai đã lên án và buộc tội em?

-          Chính lãnh đạo đã vạch tội em rằng chỉ vừa thả ra ngoài ít lâu mà đã bị sa vào bẫy địch, bị địch đầu độc tư tưởng. Họ còn nêu nghi vấn có thể anh là một thứ siêu gián điệp trí thức mà thực dân Pháp mưu toan cài vào hàng ngũ cách mạng mà chính bản thân anh cũng không hay biết nữa.

-          Thảo hạ giọng : Lãnh đạo là ai? Có phải là Hồ chủ tịch không?

-          Không phải là Hồ chủ tịch mà là đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh. Nhưng chính đồng chí tổng bí thư nói với em là Bác đã ra lệnh cho đồng chí phải thân chinh điều tra và kiểm soát anh một cách chặt chẽ.

Thảo nghe xong, thở dài, ngồi phịch xuống ghế còn Lân nhìn Thảo có vẻ thương hại và rót trà uống cái ực.

Thảo buồn rầu nói:

-          Thảo nào, anh chẳng được giao công tác gì chính thức cả, lại còn được ngầm bảo đừng bàn luận gì về chính trị, chính em nữa. Như thế thì hôm này đi gặp Bác chắc cũng chẳng nên cơm cháo gì và công anh về đây cũng là công cốc thôi. Thảo nào mà cán bộ lễ tân bắt anh phải đứng cách xa Bác 3 mét, Bác hỏi gì mới được nói mà phải trả lời đúng câu hỏi, thế thì còn hi vọng được trình bày  gì nữa những quan điểm và lập trường của mình được.

-          Lân cầm tay Thảo: Anh đừng vội bi quan. Biết đâu Bác có con mắt tinh đời sẽ thấy ở anh một nhân tài và anh sẽ được trọng dụng đúng mức. Tuy nhiên, cẩn tắc vô ưu vẫn hơn cả. Anh nên cẩn thận từ đây và nhất là khi gặp Bác kẻo sôi hỏng, bỏng không mà còn mang thêm họa đấy.

Thảo cúi đầu suy nghĩ một chút rồi vùng đứng dậy quả quyết:

-          Không! Anh nhất định phải nói rõ những ước vọng cuả anh và những suy tư mà anh vẫn ấp ủ bấy lâu, một là họ sử dụng khả năng của anh, hai là trả lại anh tự do kiến tạo cuộc đời của mình. Bước đi, bước lại: Nhưng không...anh nhất định dù tình huống thế nào cũng sẽ cống hiến cuộc đời mình cho quê hương, cho đồng bào chứ không thể sống ích kỷ một cách vinh thân phì gia nơi quê người. Anh phải đem triết học vào cuộc đời...và anh tin rằng anh sẽ chẳng là một người lữ hành cô độc...

-          Anh Thảo ơi! Anh bình tĩnh lại đi. Khi đã về đây rồi thì thân phận mình mặc nhiên như cá chậu, chim lồng. Anh đã bước vào guồng máy rồi, là một cái mắt trong sợi xích rôì thì không dễ gì tách rời ra được. Nhưng có tài trí như anh, có thành tâm nhiệt tình như anh thì mọi việc tất sẽ thuận buồm xuôi gió, Trên sẽ hiểu anh dần dần và sẽ trọng dụng anh sau khi anh  đánh tan mọi hiểu lầm lúc ban đầu. Thôi em phải đi đây và mong khi gặp anh lần sau thì hoàn cảnh của anh sẽ khác và khá hơn. Chúc anh mạnh khoẻ và  giữ vững tinh thần.

-          Tiếc quá, mình không có thời giờ hàn huyên thêm một chút. Em nhớ có dịp nào công tác qua đây thì ghé thăm anh nhé.

Lân giơ tay chào kiểu nhà binh:

-          Em hứa!

Thảo đứng tần ngần nhìn theo rồi, đang bước đi bước lại đăm chiêu suy nghĩ thì Lân hấp tấp trở lại, tới sát Thảo.

Lân ghé tai Thảo:

-          Một cuộc cách mạng long trời, lở đất sắp xảy ra, anh biết chưa?

-          Chưa...chưa. Mà cái gì vậy?

-          Em chỉ biết sơ sơ là cố vấn bạn đang ép buộc Trung Ương phải làm một cuộc Cải Cách Ruộng Đất đại quy mô trên toàn vùng tự do và chủ yếu là đấu tố và tiêu diệt hết bọn địa chủ và cường hào, ác bá. Nghe đâu đó là chỉ thị của các lãnh tụ tối cao Staline và Mao Trạch Đông nên chắc chắn là Bác và Trung Ương phải tuân hành.

-          Điạ chủ nước mình thì có bao nhiêu? Vả lại dân chúng trong các làng mạc xưa nay vẫn sống hoà thuận, yên vui nay thực hiện chủ trương giai cấp đấu tranh, anh nghĩ đâu có lợi cho kháng chiến đang cần sự góp sức của toàn dân và sự đoàn kết của mọi tầng lớp.

-          Chuyện đó vượt qúa tầm hiểu biết của em, em nghe thấy sao thì báo cho anh biết vậy thôi. Biết đâu rồi cả em lẫn anh đều dính vào cuộc hết.

-          Thảo: Staline đã lầm, bây giờ mình lại nhắm mắt đi theo...

-          Lân ngắt lời:Thôi em đi đây, trời sắp tối và muốn nổi cơn giông tới nơi rồi  Lân vội bước khỏi phòng.

Thảo, bước ra theo:

-          Mình phải đi tìm Phan hỏi xem sao. Chuyện động trời thế mà chẳng ma nào thèm cho mình biết. Lắc đầu chán nản nhìn trời: Trời sắp tối và như muốn nổi cơn giông tới nơi thật rồi.

MÀN HẠ trong khi trời nổi cơn sấm sét

                                ______________________________________________________________________________

 

                                          CẢNH III (30-35phút)

Thời gian: Giữa năm 1953

Cảnh trí: Một sân đình được trang trí thành một Toà án Cách Mạng Nhân dân ngoài trời, có cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm, có biểu ngữ căng với dòng chữ Toà Án Cải Cách Ruộng Đất, một biểu ngữ khác đề Đả Đảo Địa Chủ, có bục để phạm nhân đứng trước toà với bàn ghế

Nhân vật và trang phục: Toà gồm ba người: chánh án thành phần cố nông, công tố viên là Đội trưởng Đội Cải Cách và thư ký là Xã trưởng kiêm bí thư xã, một cố vấn Trung quốc và một thông dịch viên ngồi kế bên Toà. Ngoài ra còn có toán gồm bốn Dân quân du kích đeo súng, dân làng, cán bộ thông tin xã, các người đấu tố và vợ chồng một địa chủ trung nông tên Lý Luân, Thảo cùng với gia đình được bắt rễ gồm Lê Tư với  vợ và hai con nhỏ. Ba cán bộ cải cách cùng Thảo mặc quần áo nâu giống như nông dân, cánh tay đeo băng vải đỏ có chữ vàng CCRĐ, cố vấn Trung quốc và thông dịch viên mặc theo cán bộ Trung quốc; Lê Tư và vợ con quần áo vá chằng đụp; tội nhân áo dài đen, quần cháo lòng, đầu độ khăn xếp đen.

 

 

MÀN MỞ:

Thảo đang ngồi dưới gốc cây đa sân đình, cầm quyển sách, lẩm bẩm đọc nhan đề Cẩm Nang của Đội viên CCRĐ, nhưng không màng mở ra, chỉ than thở:

-          Rễ của mình cằn cỗi như rễ cây đa này, bắt rễ, xâu chuỗi mãi mà cái anh chàng Lê Tư này vẫn cứ ù lì chẳng tỏ vẻ hăng hái đấu tố chi cả. Chán mớ đời. Thân danh một thạc sĩ triết học, tốt nghiệp một trường Cao đẳng Sư Phạm nổi tiếng mà dạy một bần cố nông biết tranh đấu với điạ chủ cho quyền lợi của mình cũng không xong, nghĩ mà tức cười quá – bật cười như nổi cơn điên -  Mình đã xin khỏi đi mà trên cứ ép đây là cơ hội tốt để đem lý thuyết đấu tranh giai cấp ra thực hành, để học tập nhân dân. Chắc mình phải xin trở về lại căn cứ thôi. Miệng nói, tay đánh rớt cuốn sách xuống bên cạnh thiu thiu ngủ...

-          Lê Tư chạy ra:

-          Ông Thảo! Ông Thảo! À, quên...Đồng chí Thảo!

Thảo mở bừng mắt, vẻ ngạc nhiên.

  giải thích:

-          Cháu...cháu..

-          Ấy chớ! Tôi đã bảo ở đây không có ông với cháu gì cả mà. Chúng ta đều là đồng bào, đồng chí thôi. Bây giờ đồng chí là bình đẳng với mọi người, không có ai là chủ, ai là tớ. Đồng chí còn thuộc giai cấp lãnh đạo nữa kia đấy...

-          Ấy chết! Cái đó cháu không dám...

-          Lại xưng cháu nữa rồi!

-          Ấy tại vì quen miệng rồi... - Tằng hắng, lấy giọng – tôi đi kiếm ít lá về nấu thuốc cho vợ uống không thấy ông...à quên, đồng chí đâu thì tôi nghĩ bụng chắc tại ở nhà nóng quá nên đồng chí ra đình hóng gió...

-          Đồng chí và cả nhà chịu được thì tôi cũng chịu được chứ. Chúng ta giờ cái gì cũng Tam Cùng mà, cùng ăn, cùng làm, cùng ở, đồng chí nhớ không?

-          Dạ, dạ, nhớ...

-          Đã bảo cấm không được dạ nữa cơ mà?

-          lấy tay vả vào mồm: Tại cái mồm nó cứ bật ra dạ đấy chứ bụng đã nhất định thôi rồi.

-          Lát nữa là cuộc đấu tố sẽ bắt đầu rồi. Đồng chí ngồi xuống đây tôi hỏi. – Kéo Tư ngồi xuống bên cạnh – Lãnh trách nhiệm một bần cố nông nổi dạy chống địa chủ, lát nữa đồng chí liệu có làm được không?

-          Cháu...à quên, tôi là thằng vô học, Đội và đồng chí dạy nói làm sao thì tôi sẽ nói như vậy.

-          Vậy nếu toà hỏi đồng chí tên gì, gia cảnh ra sao, thì đồng chí trả lời thế nào?

-          Tôi tên Lê Tư, có vợ đang ốm và hai con, một đứa năm tuổi và một đứa mới hai tuổi

-           Nếu toà hỏi tại sao vợ ốm thì đồng chí đáp thế nào?

-          Ông..à, Đội đã dạy phải đáp là tại điền chủ ác nhân ác đức bóc lột sức...sức...lao động...của nông dân...

-           Đồng chí có biết Đội Cải Cách Ruộng Đất về đây để làm gì không?

-          Để lấy lại ruộng đất mà bọn điạ chủ đã ăn cướp của nhân dân để chia lại cho dân nghèo, các tá điền nghèo như bọn cháu...à quên như chúng tôi.

-          Được lắm, đồng chí học tập có phần tiến bộ rồi đó. Thế hôm nay vợ chồng địa chủ Lý Luân bị làng xã đem ra đấu tố, đồng chí có sẵn sàng muốn dịp này trả thù bọn cường hào ác bá đã đè đầu cưỡi cổ dân nghèo bấy lâu không?

-          Cháu...à tôi không muốn làm việc ác đức..

-          Xử bọn ác ôn phản động mà là việc ác đức sao đồng chí?

-          Nói nhỏ riêng ông nghe thôi: tôi vô học nhưng tôi có thờ tổ tiên, trời phật nên tôi không dám làm điều thất nhân đức.

-          Thế đồng chí cho việc xử bọn hút máu mủ nhân dân là thất nhân đức à?

-          Tôi không có học nên không biết thế nào là đúng, là sai; các đồng chí trong Đội bảo nó đúng thì tôi đành nhận là đúng nhưng tôi vẫn ngại nhúng tay vào những việc cùng hung cực ác này vì tôi muốn sống cho ra người và để phúc lại cho con cái. Thật ra mấy đứa được Đội chọn ra như cu Đấu, thị Tố để làm chứng, để hạch tội thì chúng không dám cưỡng lệnh Đội và Đảng, và quần chúng phải vỗ tay hoan hô cũng vậy thôi chứ thật ra thì ai cũng sợ trời quả báo. Tôi tin là Trời có mắt đấy ông Thảo ơi! Kẻ gian ác là Trời không dung tha đâu, không đời mình phải trả thì đến đời con, đời cháu mình chúng cũng phải trả thôi.

-          Thế theo ý đồng chí như vậy là Đội làm sai, làm bậy à?

-          Ấy chết! Đội và Đảng thì ai dám bảo làm sai, làm bậy? Để rồi sẽ bị ghép tội phản động mà tù rũ xương à?

-          Thế đồng chí không thấy nhân dân làng xã này căm thù mấy tên ác ôn bị đem ra xử hay sao?

-          Trong đám ác ôn ấy, có lẽ chỉ có tên lý trưởng là ác ôn thật thôi, còn thì đều là oan cả đấy, vì tôi biết bọn họ đều là dân ngu cu đen mà. Tội của họ chỉ là có chút của ăn, của để hơn chúng tôi một tí mà thôi, mà thật ra họ cũng sống chật vật và làm ăn vất vả lắm.

Cả mấy người bị đem ra đấu tố ấy thì tôi thỉnh thoảng cũng tới làm mướn cho họ nên tôi biết họ không hề ác với tôi và gia đình tôi. Khi con tôi ốm đau, tôi vẫn tới xin họ chút thuốc men, khi chúng tôi quá đói thì họ cũng cho chút gạo hẩm về nấu cháo ăn lót dạ. Để trả cái ơn đó mà nay lại bắt tôi phải bày tỏ lòng căm thù họ thì còn mặt mũi nào mà trông thấy bà con chòm xóm. Nói cho ông Thảo hay, trước đây ở cái xã này vẫn sống yên vui, ra đường gặp nhau vẫn chào hỏi thân mật, chỉ từ khi Đội cải cách về dạy đấu tranh giai cấp thì tình hình bỗng căng thẳng, gặp nhau thì tránh né, không nhìn mặt nhau mà cũng chẳng chào hỏi nữa và coi nhau như kẻ thù. Bây giờ như tôi đây, muốn kiếm chút việc làm cho có nồi cơm đầy cho vợ con cũng không ai dám mướn nữa vì sợ mang tiếng bóc lột. Khổ thế đấy! Không phải chỉ bọn họ khổ mà chúng tôi cũng khổ lây chứ có sung sướng gì đâu!

-          Số người đem ra đấu tố đợt này theo tỷ lệ Cố vấn đặt ra là 5% thì còn chưa đủ đấy. Đồng chí còn thấy ai phải đem ra đấu tố nữa không?

-          Chết! Chết! Điạ chủ đâu ra mà lắm thế?

-          Tôi cũng nghĩ như đồng chí và chuyến này về, tôi sẽ chất vấn đồng chí cố vấn Trung quốc về cái tỷ lệ quái đản này. Thế đồng chí không nhớ cái khẩu hiệu của Đội đưa ra là“ Thà tố oan mười người còn hơn là bỏ sót một kẻ địch” à?

-          Nhớ chứ. Thuộc chứ. Nhưng bụng cháu thì nghĩ là “ Thà bỏ sót mười người còn hơn tố oan một người” mới phải, nhưng bề ngoài cũng phải hoan nghênh theo Đội và mọi người thôi.

-          Thảo vỗ vai Lê Tư: Đồng chí thật là người tử tế, tôi thật tình rất qúy mến. Còn tôi, cấp trên phái về đây thì cũng phải thi hành các chỉ thị của cấp trên thôi chứ không hẳn là đồng tình. Tôi không ép đồng chí phải làm điều gì trái với lương tâm đâu. Lát nữa, đồng chí nghĩ sao thì cứ nói vậy. Có tiếng ồn ào Nhưng bọn họ đang kéo tới kia rồi, ta chuẩn bị thôi...

Hai người đứng dạy thì bỗng một toán người ồn ào kéo tới, mang biểu ngữ: Trí, phú, điạ, hào – Đào tận gốc, trốc tận rễ ! Đả đảo địa chủ ác ôn ! – đồng thời hô vang hai khẩu hiệu viết trên biểu ngữ. Những người khác thì cầm cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm. Họ đứng vòng quanh sân đình. Cùng lúc đó, vợ Lê Tư đang bệnh, đi không vững bước ra và Lê Tư chạy lại diù vợ và hai con lại đứng bên cạnh Thảo. Hai đứa nhỏ mừng rỡ kêu “ Bố! Bố! còn Tư hỏi vợ “ Mình đỡ chưa?”. Vợ Tư không trả lời, ôm ngực ho sù sụ.

 Tiếng loa chốc chốc lại kêu:

-          Yêu cầu đồng bào giữ trật tự.

Một lúc sau, tiếng loa kêu:

-          Các đồng chí Toà án Nhân dân và đồng chí cố vấn đang tới. Xin mời đồng bào nghiêm chào.

Bốn du kích bồng súng hô: Nghiêm! Chào ! Bốn người thong thả bước tới vị trí, giơ tay chào rồi ngồi xuống. Cử tọa vỗ tay hoan hô, trong khi thông dịch viên lặng lẽ ngồi xuống ghế phía sau cố vấn. Tiếng hô khẩu hiệu lại vang lên một lần nữa.

 Chánh án đứng lên trịnh trọng:

-          Tôi nong trọng tuyên bố tiếp tục phiên toà Cải cách ruộng đất đã khai mạc từ ba hôm lay. Yêu cầu Đội trưởng kiêm Công tố viên ra nệnh cho vợ chồng tội nhân Ný Nuân ra hầu toà.

Đội trưởng đứng dậy hô to:

-          Đưa điạ chủ ác ôn Lý Luân và vợ ra trình diện nhân dân và Toà án Nhân dân.

Một toán du kích đeo súng, cầm mã tấu kéo sềnh sệch một chuỗi xích sắt dài buộc chặt hai tay hai bị cáo, quần áo tả tơi, mặt mày tím bầm, khập khiễng bước ra và bị đẩy lên bục.

Trưởng toán hô:

-          Qùy xuống! Lấy báng súng đập vào đầu gối hai tội nhân

Quần chúng:

-          Đả đảo vợ chồng điạ chủ! Đả đảo Lý Luân!

Đội trưởng: chỉ vào mặt Lý Luân

-          Những tội ác của bọn địa chủ, trong đó có Lý Luân thì như Bác Hồ đã nói trong vụ Nguyễn Thị Năm là, “ Kể không hết tội, dù chẻ hết tre rừng. Rửa không sạch ác dù tát cạn nước biển.” Nhưng vợ chồng tên Lý Luân này rất ngoan cố, một mực kêu oan nên toà phải kéo dài thêm ngày hôm nay nữa, tuy nhiên việc đó cũng chứng tỏ rằng tòa rất công minh và vì thế cần có thêm bằng chứng nữa. Vậy đồng bào nào bị vợ chồng Lý Luân bóc lột, áp bức thì mời ra làm chứng. Đội trưởng vừa dứt lời thì trong đám đông có người nhẩy xổ ra, mặt hung hăng, dữ tợn, nói như hét lên:

-          Đấu: Tôi là Đấu, tên Lý Luân kia vẫn thường gọi tôi một cách khinh rẻ là cu Đấu. – Có tiếng cười ồ.

-          Chánh án đập bàn: Đồng bào giữ trật tự.

Vợ Lý Luân:

-          Đó là tên làng xã đặt ra, chúng tôi chỉ gọi theo thôi.

-          Đấu: Mụ câm miệng ngay đi. Gái đĩ còn già mồm. Chính mụ từng quyến rũ tôi nên thỉnh thoảng thấy tôi đói lại gọi tôi cho ít gạo về ăn để...để... có sức... phục vụ mụ tiếp.

-          Vợ Lý Luân: Mô Phật!

Xã trưởng hỏi:

-          Thế có bằng chứng hay có ai làm chứng không?

-          Ơ...ơ...chuyện đó bí mật thì sao mà có bằng chứng được.

-          Thôi được rồi, anh kể tội khác được không?

-          À...Còn lão Lý này nó ranh ma qủy quyệt lắm. Hồi cách mạng tháng tám nó giả đò hưởng ứng rồi nhờ đó làm chủ tịch xã nên tránh khỏi bị xử tội chứ trước đó nó làm tay sai cho thực dân, phong kiến bắt bớ nhiều người lắm.

-          Bắt những ai? Anh có nhớ tên không?

-          Ơ...ơ...lâu ngày quên mẹ nó mất rồi. Chỉ biết nhiều lắm...

Cử tọa lại cười ồ. Một người khác trong đám đông bước ra, chỉ vào mặt Lý Luân:

-          Minh: Mày nhớ tao chứ. Tao là trương tuần Minh bị mày bắt đêm nào cũng phải đi tuần tra để bắt người nhất là bắt cộng sản, mày nhớ chứ?

-          Dạ, tôi nhớ. Nhưng hồi đó xã ta đâu có ai là cộng sản mà bắt. Tôi chỉ bắt trộm cướp thôi, để các ông các bà nông dân ngủ yên và nghỉ ngơi sau một ngày làm ăn vất vả.

-          Cả thằng bố mày nữa. Nếu chức lý trưởng không béo bở vì bóc lột nhân dân thì sao lại truyền chức cho mày?

-          Đó là do dân bầu ra chứ đâu có ai truyền cho ai được. Bố ông còn sống đấy, bố ông xưa cũng làm trương tuần đấy. Có ai là cộng sản bị bắt ở xã này không? Bố ông có truyền chức cho ông không mà ông lại bảo bố tôi truyền chức cho tôi?

Trương tuần Minh nhẩy xổ tới tát vào mồm Lý Luân:

-          Câm ngay cái mồm không ông vả cho gẫy răng bây giờ.

Mọi người im lặng, không ai vỗ tay cả. Cả hai Cu Đấu và Trương Minh bẽn lẽn rút lui, lẩn vào đám đông.

Quần chúng lại hô to:

-          Đả đảo Lý Luân! Đả đảoI

Đội trưởng:

-          Mời chứng nhân Thị Tố.

Một phụ nữ còn trẻ bước ra, vỗ váy, chỉ vào mặt vợ Lý Luân:

-          Thị Tố: Mày có biết tao là ai không?

-          Vợ Lý Luân: Dạ. Biết. Bà là bà Tố, con nuôi của con. Hồi đói năm Ất Dậu, con đi chuà cầu xin cho những hương hồn xấu xố bị chết đói, đi giữa đường thì thấy ba người nằm còng queo, hai người là hai cụ thân sinh ra bà thì đã chết tự hồi nào, riêng bà còn thoi thóp, chúng con vội ãm bà về nhà, mời thầy lang tới chữa và cho bà ăn uống thì bà tỉnh lại, sau bà năn nỉ cho bà làm con nuôi, chúng con chỉ có ba thằng con trai nên vui lòng nhận bà cho có đủ mặt con, cho bà đi học cùng mấy anh bà nhưng bà không chịu học, đòi ở nhà phụ giúp công việc đồng áng.

Thị Tố ngắt lời:

-          Đúng là nhân nghĩa bà tú Đễ. Con nuôi gì đâu, chẳng qua là con ở không công. Rồi bà nói xấu tôi làm tôi ế chồng.

-          Tôi chẳng buồn cả đời vì chuyện chồng con của bà đấy thôi. Tôi có kiếm cho bà một cán bộ nhưng bà chê là cán ngố, bà chẳng thèm.Có tiếng xì xèo và tiếng cười khúc khích.

Lý Luân tiếp lời:

-          Tôi cũng giới thiệu cho bà một anh bộ đội thì bà bảo thằng này thầy bói bảo sẽ sớm đền nợ nước nên bà  sợ góa chồng sớm và bà cũng chê luôn đấy thôi.

-          Vợ Lý Luân: Bà còn nằng nặc đòi lấy thằng con út của tôi, bảo rằng giữa hai người không có máu mủ gì cả, nhưng vợ chồng tôi không chịu vì con nuôi cũng là con và như thế là phạm thuần phong mỹ tục, bà tức bà bỏ đi làm cách mạng nay bà về lấy oán trả ân. Hu...hu...

-          Thị Tố Chỉ vào mặt vợ Lý Luân:Thôi mụ đừng quen thói cả vú lấp miệng em!

-          Cu Đấu xấn xổ :  Thôi đừng gái đĩ già mồm. Vả vào miệng nó!

  Thị Tố ngẩng nhìn bàn chủ tọa, nói như đã thuộc bài:

-          Thưa các đồng chí toà án nhân dân. Với vợ chồng tên Lý Luân này, chúng ta phải đề cao cảnh giác. Như chúng vưà khai, chúng có ba thằng con trai. Toà và đồng bào có biết chúng đã mưu mô làm việc gì không? Thằng con trai cả, chúng cho làm nghề dạy học để lợi dụng học đường làm chỗ tuyên truyền cho chế độ thực dân phong kiến dưới hình thức khai hoá nhưng thật ra là để thi hành chính sách ngu dân, thằng con thứ hai thì chúng cho vào bộ đội để dò la, trinh thám báo cáo cho bọn xâm lược và quốc gia để phá hoại kháng chiến, thằng con út thì chúng cho làm nghề thầy đờn để dùng thứ nhạc lai căng ru ngủ quần chúng không còn hồ hởi mà vùng lên tranh đấu cho giai cấp công nông bị chúng bóc lột – quay nhìn toà rồi quần chúng – Toà và đồng bào có thấy chúng ác ôn ghê chưa?

Quần chúng lại hô vang dậy: Đả đảo địa chủ ác ôn! Đả đảo vợ chồng Lý Luân

Chánh án vỗ tay:

-          Tôi cực nực hoan nghênh đồng chí Thị Tố đã có trình độ giác ngộ cách mạng rất cao, đã ý thức rõ ràng về đấu tranh giai cấp, đã biết rõ quyền nợi của giai cấp mình và mưu mô thâm độc của giai cấp điạ chủ, thực dân, phong kiến. Xin toàn thể đồng bào hoan hô Thị Tố

-          Quần chúng: Hoan hô đồng chí Tố! Hoan hô!

-          Chánh án quay sang đội trưởng: đồng chí còn nhân chứng lào nữa không?

-          Còn,...còn một nhân chứng nưã. Đồng chí Lê Tư đâu? Xin mời ra đối chứng.

Lê Tư khi nghe tên mình bị xướng lên, hốt hoảng kêu : Ớ...ớ...Không...không...rồi bỗng sỉu, ngã lăn quay ra. Vợ Lê Tư ôm lấy chồng khóc bù lu bù loa

 Thảo vội nói to:

-          Đồng chí Lê Tư bị sỉu, xin tòa tạm miễn. Ban cứu thương đâu? Ra cấp cứu ngay!

Hai người đeo băng vải trắng ở cánh tay có dấu hiệu chữ Thập đỏ chạy vào đem cáng khiêng đi. Vợ con Lê Tư chạy theo.Thảo cũng đi theo vào hậu trường.

-          Quần chúng có tiếng lao xao: Bọn điạ chủ chúng phù phép đấy. Ác ôn ghê chưa. Đả đảo điạ chủ! Đả đảo Lý Luân!

Chánh án vỗ bàn:

-          Yêu cầu đồng bào im nặng. Bằng chứng thu thập được từ trước và từ mấy hôm lay thế cũng qúa đủ để kết tội rồi. Đồng bào còn ai có ý kiến gì nữa không?

Trưởng ban Thông tin xã:

Tôi là trưởng ban thông tin xã, tôi chỉ xin loan tin về phong trào đấu tố đang được thi hành rầm rộ khắp vùng tự do và được toàn dân hưởng ứng. Cả các văn nghệ sĩ cũng tích cực tham dự với tư cách thành viên của đội CCRĐ. Đây là những sáng tác của họ ngay tại hiện trường đấu tố và được đăng trên báo Cưú Quốc, tôi xin đọc để đồng bào nghe cho thêm phấn khởi và tham gia tích cực vào dòng thác cách mạng đang cuồn cuộn dâng lên. Trước hết là bài thơ của nhà thơ tên tuổi lẫy lừng Xuân Diệu:

      Anh em ơi ! Quyết chung lòng

      Đấu tranh tiêu diệt tàn hung địch thù

      Địa, Hào, Trí, Phú ra tro

      Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương

      Thắp đuốc cho sáng khắp đường

      Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay – mấy người cầm đuốc giơ cao lên

      Lôi cổ bọn chúng ra đây – lấy tay chỉ vào vợ chồng Lý Luân

      Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi

Mọi người vỗ tay rào rào và hô “ Trí phú địa hào/ Đào tận gốc, trốc tận rễ”

Sau đây là mấy câu thơ của nhà thơ vĩ đại của dân tộc...Tố...Hữu...

      Giết!  Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ

      Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong

      Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước, chung lòng

      Thờ Mao chủ tịch, thờ Staline bất diệt.

Mọi người lại hồ hởi vỗ tay và hò hét:
      Đảng Lao Động Việt Nam
! Mao chủ tịch muôn năm! Staline muôn năm!

Chánh án đợi tiếng vỗ tay lắng bớt mới trịnh trọng nói:

-          Trước khi sang phần nghị án, chúng tôi và toàn thể đồng bào có mặt thỉnh cầu cố vấn cho ý kiến.

Cố vấn và thông dịch viên thì thầm nói chuyện với nhau, rồi

Thông dịch viên đứng dậy:

-          Tôi xin thay mặt cố vấn phát biểu đôi lời. Theo ý kiến cố vấn thì các tội ác của địa chủ mới được tố cáo một cách nông cạn, hời hợt không thấm thía gì với tội ác thật sự bọn chúng đã gây ra. Cần phải noi gương Hồ chủ tịch đã viết trên báo Cứu Quốc với bút danh C.B. tức là Của Bác để tố cáo các tội cùng hung cực ác của địa chủ Cát Hanh Long tức mụ Nguyễn Thị Năm tại thí điểm Đồng Bẩm, Thái Nguyên. Ngoài ra, dù mụ có chút ít công lao với cách mạng và quen thuộc nhiều đồng chí cao cấp tại Trung Ương, nên đã vận động với chủ tịch xin giảm tội nhưng Hồ chủ tịch vẫn cương quyết y án tử hình để thi hành đúng chủ trương cuả chính sách Cải Cách Ruộng đất. Chúng ta hãy cùng nhau hoan hô Hồ chủ tịch.

Tất cả mọi người đồng loạt đứng dậy, nhất tề hô: Hoan hô Hồ chủ tịch! Hồ chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!

 Lý Luân chợt kêu to:

-          Cho tôi uống nước. Tôi khát quá...khát quá...Mấy hôm nay chẳng được ngụm nước nào cả. Nước...nước...

Vợ Lý Luân gào lên:

-          Cụ Hồ ơi! Cụ Hồ ơi! Oan chúng con qúa! Xin cụ thương chúng con! Xin cụ đèn trời soi xét...Hu...hu...Con ơi! Con ơi! Con đánh giặc nơi đâu mà không về cứu bố mẹ hả con?

Chánh án đứng dậy:

-          Tội vợ chồng Ný Nuân bóc nột lông dân quá rõ ràng và toà xử rất công bình và văn minh. Bây giờ toà xin ý kiến tối hậu của đồng bào, vợ chồng tên địa chủ ác ôn phải đền tội như thế lào?

-          Tử hình! Tử hình!

Vợ chồng Lý Luân cùng ngất sỉu tại chỗ.

Quần chúng vẫn hô:

 Giết! Giết!

Chánh án:

-          Yêu cầu đồng bào im nặng- quay sang hai bên thì thầm với xã trưởng và đội trưởng rồi dõng dạc tuyên bố:

-          Toà tuyên án tử hình Ný Nuân còn vợ Ný Nuân thì bị cấm cố chung thân, tịch thu toàn bộ gia sản để chia đều cho bần cố lông trong xã có tên trong danh sách của Đội. Án tòa thi hành tức khắc tại chỗ.

Toàn thể vỗ tay hoan hỉ trong khi Toán du kích lôi vợ chồng Lý Luân đi sềnh sệch, mấy đứa cháu Lý Luân chạy theo kêu gào “ Ông nội! Bà nội ! “ còn Thảo từ hậu trường chạy ra giơ tay như muốn nói gì rồi để tay vào ngực, cúi đầu như mặc niệm trong khi màn từ từ hạ. Màn vưà khép kín thì có bốn tiếng súng vang lên chát chuá khắp sân đình, xen lẫn với tiếng “ Nam mô A di đà Phật!“ Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Cưú khổ cứu nạn”“ Lạy Chúa tôi. Xin Chúa thương sót chúng con! “cùng tiếng la khóc inh ỏi.

 

_____________________________________________________________________

 

 

                                          CẢNH IV (25-30phút)

Thời Gian: 1958 cùng thời gian với vụ đấu tố các văn nghệ sĩ trong vụ Nhân văn-Giai phẩm.

Cảnh trí:

Cảnh một giảng đường trường Đại học Hà Nội, có tượng Hồ Chí Minh, phiá trên có treo biểu ngữ đỏ chữ vàng “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!”và “Quét sạch nọc độc Giáo dục và Văn hoá!”

Nhân vật: Chủ toạ đoàn gồm GS Nguyễn Lân, GS Phạm Huy Thông, đại diện Bộ Giáo dục kiêm Chủ toạ, Hiệu đoàn gồm Bí thư đoàn thanh niên Lao Động, Hiệu đoàn trưởng kiêm trưởng ban Tổ chức học tập vàThư ký buổi họp –Giáo sư Trần Đức Thảo, phó Giám đốc trường ĐHTổng Hợp kiêm Trưởng môn Lịch sử Triết học, cán bộ Lân, cụ Chấn là thân phụ của GS Thông, cử tọa là nam nữ sinh viên, các nhà báo và cơ quan truyền thông cùng những người hiếu kỳ tới xem chật kín hết hội trường,

 

MÀN MỞ:

GS Thảo ngồi một mình một bàn, kê dưới bục giảng, GS Lân, Thông ngồi một bàn với chủ tọa trên bục giảng, ba sinh viên ngồi chung một bàn đối diện với bàn của GS Thảo. Quần chúng và nam nữ sinh viên đứng lố nhố chật quanh phòng. Không khí ồn ào, náo nhiệt, căng thẳng...

Trưởng ban HọcTập ra trước micro, gõ gõ rồi nói:

-          Kính thưa Chủ tọa đoàn và qúy vị giáo sư,

Kính thưa qúy vị quan khách

   Các bạn sinh viên và đồng chí thân mến,

Chúng ta đã học tập về đường lối giáo dục và văn hoá của chính phủ liên tiếp mấy buổi rồi, nhưng do tấm lòng nhiệt thành của anh chị em sinh viên muốn tham gia ý kiến vào việc xây dựng một đường lối đúng đắn dưới ánh sáng của chủ nghiã Mác-Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt quá sự mong muốn của Hiệu đoàn nên chúng ta vẫn còn tiếp tục tới hôm nay và chỉ tới khi nào tất cả chúng ta đều thỏa mãn các ước vọng chính đáng của mình và đối tượng chịu nhận tội để chúng ta giúp sửa sai thì cuộc học tập của chúng ta mới coi là đạt được kết quả tốt đẹp và sẽ chấm dứt.

Trước khi bắt đầu vào buổi học, chúng tôi nhân danh Hiệu đoàn trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội kiêm Trưởng ban Học Tập, một lần nữa xin trân trọng cám ơn qúy vị giáo sư đã chỉ dẫn cho chúng em cái phải phải theo, cái xấu phải bỏ, nhất là các nọc độc tư duy cần phải quét sạch khỏi những tâm hồn trong trắng để mai này sẽ trở thành những con người cộng sản chân chính, phục vụ một nước Việt Nam cộng sản tiên tiến trên thế giới.

Cả hội trường vỗ tay thật náo nhiệt.

Trưởng ban nhìn tờ giấy trong tay:

-          Danh sách những người ghi tên phát biểu còn rất dài, tuy nhiên theo thứ tự thì bây giờ tới lượt bạn Nguyễn Khắc Thành, sinh viên năm thứ ba ban Văn. Xin mời bạn Thành!

Từ cử tọa, một thanh niên hăm hở bước tới micro, tay cầm giấy, trong khi nói thỉnh thoảng lại ghé mắt nhìn như để khỏi quên:

Thành:

-          Kính thưa Chủ tịch đoàn và qúy vị giáo sư

  Kính thưa toàn thể cử tọa và anh chị em sinh viên thân mến

Mấy hôm nay các bạn đã lần lượt lột cái mặt nạ giả danh yêu nước, thương nòi của giáo sư Thảo và đồng bọn, nhưng đây chỉ là bước đầu. Chúng ta còn phải tiếp tục tẩy sạch những nọc độc tư tưởng mà trước đây bọn họ đã gieo rắc. Cần nhổ sạch những thứ cỏ dại ấy trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa thơm ngát. Đối với chúng ta, nhu cầu trên càng cấp bách vì riêng trong phạm vi đại học, Trần Đức Thảo đã lợi dụng cương vị giáo sư để giảng dạy chủ nghiã Mác theo một tinh thần xuyên tạc tinh xảo với những dụng ý thâm độc. Nội dung giảng dạy của Trần Đức Thảo là nhằm gây nên những hậu quả tai hại và nguy hiểm giống như lối tác động tinh thần của cơ quan chiến tranh tâm lý của Mỹ Ngụy. Gần đây “ triết gia” Thảo còn pha chế “ chủ nghiã hiện sinh” với “ hiện tượng học” là những thứ triết học duy tâm cực kỳ phản động

Các giáo sư và nhiều tác giả khác đã viết nhiều bài báo vạch ra những luận cứ sai lầm của Trần Đức Thảo với dụng ý và phương pháp giảng dạy truyền nọc độc, nên hôm nay để không tốn thời giờ của quý vị tôi chỉ yêu cầu giáo sư Trần Đức Thảo phải triệt để đầu hàng cách mạng, thành khẩn cúi đầu nhận tội trước nhân dân. Đó là con đường cải tạo duy nhất của triết gia Trần Đức Thảo. Xin hết.

Thành nhìn Thảo, nét mặt hãnh diện, hả hê bước khỏi chỗ để micro trong khi cử toạ vỗ tay, đập bàn ầm ầm, hò hét “ Quét sạch nọc độc Trần Đức Thảo!” “ Quét sạch!

“ Trục xuất Trần Đức Thảo khỏi trường đại học!” “ Trục xuất!

Trưởng ban Học tập, tới micro:

-          Xin các bạn giữ trật tự. Sau buổi học tập này, tôi đề nghị chúng ta sẽ làm một kiến nghị xin bãi chức giáo sư của ông Trần Đức Thảo để chứng tỏ chúng ta quyết tâm nhổ hết các nọc độc tư tưởng, các bạn có đồng ý không?

-          Cử tọa lại la hét:

-          Đồng ý! Đồng ý!Quét sạch nọc độc Trần Đức Thảo!

Trần Đức Thảo giơ tay : Tôi xin phát biểu

Trưởng ban:

Chưa tới mục tự do phát biểu ý kiến. Xin giáo sư hãy chờ. Thảo cười chua chát ngồi xuống.

Bây giờ xin mời giáo sư Nguyễn Lân

Giáo sư Nguyễn Lân, tuổi trung niên, đeo kính, người hơi gầy, từ từ bước tới micro, tay cầm sẵn giấy giở ra đọc hơn là nói:

Trường đại học sư phạm có nhiệm vụ đào tạo những giáo viên tốt, nắm được những tri thức khoa học tiên tiến và thấm nhuần những phẩm chất cao qúy của nền đạo đức xã hội chủ nghiã nói chung và của Hồ Chí Minh nói riêng, để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, rèn luyện thế hệ trẻ thành những người thợ thuyền tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lân ngừng lại, nhìn quanh cử tọa, tằng hắng đọc tiếp:

Nhưng trong mấy năm vừa qua, kết qủa của nhà trường đã phần nào không đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và tấm lòng kỳ vọng tha thiết của nhân dân: một số các sinh viên tốt nghiệp về điạ phương đã dạy xằng, làm bậy khiến cho các cấp lãnh đạo bực mình, phụ huynh học sinh chán ghét và một số học sinh chịu ảnh hưởng xấu xa. Thực ra đây chỉ là một số nhỏ nhưng con sâu bỏ rầu nồi canh, nên đã xảy ra tình trạng đáng buồn là các khu, các ty Giáo dục rất e ngại khi được tin có những sinh viên tốt nghiệp ĐHSP được bổ nhiệm về điạ phương mình.

Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo – đưa mắt nhìn Thảo.

Một yêu cầu quan trọng mà nhà trường đề ra là giáo sư phải quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng cho sinh viên, khiến sinh viên thấm nhuần chủ nghiã xã hội khoa học, dùng chủ nghiã duy vật biện chứng mà giải thích mọi hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội, đứng trên lập trường Đảng, lập trường giai cấp vô sản. Nhưng Trương Tưủ và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của nhà trường để đả kích chế độ, đả kích đảng và xuyên tạc chân lý với dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ...

Thảo đứng lên, giơ tay

Trưởng ban: Xin để giáo sư Lân nói tiếp

Giáo sư Lân: Gần đây, nhờ học tập hai văn kiện do Thảo gửi đăng trên Nhân Văn số 3 và Giai phẩm Mùa Đông cùng với các bài viết của Tửu, chúng tôi mới hiểu hai người đó không phải chỉ là trí thức bất mãn mà rõ ràng là những kẻ có mưu đồ xấu xa về chính trị. Hai cái gai này cuả trường ĐHSP, chúng ta phải nhổ bằng kỳ được thì chúng ta mới hoàn thành được sứ mạng đào tạo các thế hệ tinh hoa phục vụ cho nhân dân theo kế hoạch trồng người Bác đã đưa ra. Riêng đối với anh Thảo – nhìn Thảo- với tư cách một bạn đồng nghiệp, tôi mong anh thành khẩn nhận tội thì chúng tôi sẽ xin Tổ chức khoan hồng cho anh để anh có thể tiếp tục phục vụ sinh viên và nhân dân theo con đường được Đảng chỉ dẫn .

Quần chúng lại la hét “ Thành khẩn nhận tội! Thành khẩn nhận tội!

Thảo đứng lên, giơ tay: Tôi có ý kiến

Trưởng ban lờ đi như không trông thấy Thảo và nghe Thảo nói. Thảo lắc đầu ngồi phịch xuống.

Xin các bạn giữ trật tự. Ta còn thời giờ cho một thuyết trình viên nữa và đây là một thuyết trình viên quan trọng. Xin giới thiệu giáo sư khoa trưởng ĐH Sư Phạm Phạm Huy Thông.

Cử toạ vỗ tay ầm ầm trong khi giáo sư Thông thong thả tới micro, tay cầm giấy nhưng chi hỉnh thoảng liếc qua như để khỏi quên thôi. Nhìn Thảo rồi bắt đầu:

Phạm Huy Thông:

Tôi và giáo sư Phó khoa trưởng Đại học Tổng Hợp Trần ĐứcThảo không lạ gì nhau vì chúng tôi từng là sinh viên cùng thời tại Pháp. Thật ra thành tích học thuật cũng như chính trị của Thảo ở Pháp trước đây, nhìn lại toàn là những thành tích bất hảo. Mất gốc rễ dân tộc, Thảo chỉ say mê với văn học Hy-Lạp, với triết học duy tâm từ Platon đến Hegel với những phương pháp suy luận trừu tượng, hình thức. Trở nên môn đệ của Jean Paul Sartre...

 Thảo nổi giận đứng dậy nói lớn: Sai, sai... Tôi chưa bao giờ là môn đệ của Sartre, tôi tranh luận với Sartre, tôi...

Chủ tịch đoàn đứng dậy, ngắt lời:

Ông Thảo, ông phải để cho thuyết trình viên nói. Dằn tiếng: Mời ông ngồi xuống

Thông mỉm cười, tiếp tục:

Theo hùa với Sartre, Thảo đã tham gia những hoạt động văn hóa và chính trị phản động của nhóm Les Temps modernes do Sartre chỉ huy, nêu cao thuyết Hiện sinh, một thuyết phản động về triết học và chính trị, chủ yếu nhằm chống lại phong trào cộng sản trên thế giới. Dưới chiêu bài hiện sinh, người ta thấy tập hợp đủ mọi hạng người phá hoại, Trotskist, vô chính phủ cùng mọi cỡ sa đoạ về chính trị.

Cử toạ vỗ tay rào rào, có tiếng hô “ Đả đảo Sartre! Đả đảo Trotskist! Đả đảo Trần Đức Thảo!

Chủ tịch đoàn đập bàn:

Trật tự! Xin giữ trật tự!

Thông nhìn Thảo và trỏ tay về phía Thảo:

Với hiệp định sơ bộ 6.3.1945 Thảo phỉ báng chính sách ngọai giao của ta, cho là đầu hàng, phản bội, ngoài ra Thảo còn phụ hoạ với bọn Trotskist thốt ra những lời thóa mạ thô bỉ – Thảo giơ tay lắc đâù nhưng chẳng ai thèm để ý – rất hỗn xược đối với các lãnh tụ của ta.

Mùa thu 1956, tưởng thời cơ đã đến, báo Nhân Văn chuyển hướng sang đấu tranh chính trị một cách rõ ràng và Thảo trong số báo số 3, đã viết bài “ Nỗ lực phát triển tự do, dân chủ” mở đầu cho sự chuyển hướng ấy, đòi trục xuất chính trị ra khỏi chuyên môn, tức là để bọn chúng mặc sức thao túng trong mặt trận văn hóa. Theo Hoàng Cầm thú nhận thì cái người trực tiếp và chủ yếu đề ra cuộc đấu tranh văn hoá chính là Thảo – chỉ vào Thảo, gằn giọng – chính là người đang ngồi trong hàng ngũ chúng ta kia kià nhưng thật sự đã đảm nhiệm một sứ mệnh chẳng khác gì một gián điệp văn hoá.

Cử tọa lại la hét ầm ỹ: Đả đảo gián điệp! Đả đảo gián điệp!

Thông giọng nghiêm nghị:

Đồng chí Tố Hữu , người chỉ đạo công tác tư tưởng và văn hoá đã nhận định rằng Thảo và đồng bọn đã xổ ra những luận điệu rõ ràng không nhằm mục đich nào khác

là chống lai lợi ich của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, kích thích chủ nghĩa cá nhân thối nát, tạo nên miếng đất tốt cho những hoạt động khiêu khích, phá hoại hòng làm thất bại cuộc cách mạng xã hội chủ nghiã ở nước ta. Cũng theo đồng chí Tố Hữu, chúng ta hãy tiến lên – giơ tay cao – tiêu diệt tận gốc đường lối văn hoá phản động của nhóm Nhân văn- Giai phẩm trong đó đầu sỏ chính là ông giáo sư Trần Đức Thảo kiêm phó khoa trưởng ĐH Tổng Hợp kia kià. Lấy tay chỉ vào Thảo.

Cử tọa hô vang: Tiêu diệt bọn phản động! Hạ tầng công tác Trần Đức Thảo!

Khi tiếng ồn ào lắng xuống, Thảo đứng bật dậy có vẻ chờ đợi đã lâu, giơ tay:

Bây giờ thì tôi được phép nói chứ?

Chủ toạ :

Giáo sư yên trí sẽ được nói vì chúng ta tôn trọng thủ tục phê bình và tự phê bình, tuy nhiên chiều nay còn mấy người muốn lên phát biểu ý kiến nữa, sau đó giáo sư sẽ tự kiểm thảo để cử tọa giúp đỡ giáo sư sửa sai , cuối cùng sẽ là phần xử lý nội vụ. Hơn nữa bây giờ là giờ giải lao – nhìn đồng hồ đeo tay - chúng ta sẽ tạm nghỉ một tiếng rồi sau đó lại tiếp tục. – đứng dậy – Tôi tuyên bố tạm nghỉ bồi dưỡng trong một tiếng rồi cuộc học tập về trường hợp đồng chí Trần Đức Thảo lại tiếp tục.

Cử toạ vỗ tay ào ào rồi giải tán, chỉ còn lại ban chủ toạ, ban hiệu đoàn với giáo sư Trần Đức Thảo thì có một cán bộ hấp tấp chạy vào đưa một phong thư cho chủ tọa rồi chào đi ra ngay.

Chủ tọa

mở thư đọc, ngạc nhiên rồi cho Chủ tọa đoàn và ban Học tập biết:

Đây là thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng, thủ tướng nói đồng chí Thảo đã đăng báo nhận các sai lầm khi nhận định về tự do và dân chủ mà không đặt ra hoàn cảnh đất nước còn trong thời kỳ đang phải đấu tranh với nhiều thế lực thù địch trong và ngoài nước đang lợi dụng tự do, dân chủ để phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Tuy nhiên chính thủ tướng đã đích thân ba lần mời đồng chí Thảo hồi hương để góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh đó. Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay cuộc kiểm thảo đồng chí Thảo đã kéo qúa dài, vừa làm chậm trễ việc học của các sinh viên, vừa gây ra dư luận bất lợi cho chúng ta với đồng bào trong nước và giới trí thức nước ngoài. Bây giờ – nói với Thông và Lân, ban Học tập và Hiệu đoàn - các đồng chí có thể về thôi, còn tôi sẽ liên lạc ngay với văn phòng thủ tướng xin chỉ thị tuy trong thư thủ tướng có nói chúng ta có thể giúp đồng chí Thảo cải tạo tư tưởng bằng cách gửi đồng chí Thảo đi thực tế để học tập nhân dân như bác Hồ đã căn dặn đồng chí Thảo khi gặp Bác hồi mới bên Tây về.

 Mấy người trong chủ tọa đoàn và ban học tập xì xào bàn tán rồi bắt tay chào nhau  ra về.

Chủ tọa tới gần Thảo, giọng thân mật, diụ dàng:

Buổi học tập và kiểm thảo coi như đã kết thúc theo chỉ thị của Thủ tướng. Tuy nhiên xin Giáo sư ngồi đây thêm chút nữa để tôi liên lạc với thượng cấp xem sao, sau đó giáo sư có thể thong thả ra về. Tôi vì nhiệm vụ thì cứ theo thủ tục mà làm thôi chứ thật tình không nghĩ rằng những lời họ tố giác giáo sư là hoàn toàn đúng vì chính họ cũng như tôi đã ở trong tổ chức thì nhất nhất phải làm theo ý hướng của tổ chức. Tôi mong giáo sư thông cảm.

Thảo cười cười:

Không có chi, không có chi. Đồng chí cứ làm nhiệm vụ của đồng chí. Tôi sẽ ngồi đây đợi vì thật ra tôi cũng chẳng có việc gì để làm.

Trong khi chủ tọa vừa bước ra khỏi thì cụ Chấn, thân phụ của giáo sư P. H. Thông, chống gậy bước vào. Thảo trông thấy vội đứng dậy chào.

Thảo:

 Chào bác. Bác cũng ở đây sao? Anh Thông có biết không?

Cụ Chấn:

Biết, biết chứ. Tôi vừa gặp nó xong. Tôi chửi nó một trận. Tôi bảo sao đối với bạn mày mà mày đặt điều ra như vậy, mà mày đối xử như thế. Song nó giải thích vì nó ở trong tổ chức thì phải làm theo tổ chức. Đúng thế anh ạ, bọn chúng mở miệng tố anh thế này thế khác chứ bụng chúng nó thì không nghĩ như thế đâu. Chắc anh cũng hiểu vậy, nên tôi mong anh đừng buồn. Trời Phật sẽ chứng giám lòng ngay, ý tốt của anh. Tôi cũng thay thằng Thông xin lỗi anh.

Thảo mau miệng:

Chết bác đừng nói thế. Bác đừng quan tâm nhiều tới chuyện này. Con cũng chẳng giận gì anh Thông đâu vì con hiểu mà. Vả lại sự thật vẫn là sự thật và ít lâu rồi nó sẽ lòi ra. Đã trễ qúa rồi, bác về nhà nghỉ thôi, khi nào rảnh rang con lại sẽ tới thăm bác.

Cụ Chấn:

Anh thật là người tốt. Anh nói thế thì lòng tôi mới bớt áy náy. Cho tôi gửi lời thăm hai bác Tiến nhé.

Thảo: Bố mẹ con thấy con gặp chuyện này cũng lo buồn lắm. Nhất là đi đâu, mọi người như có vẻ muốn tránh xa dù là chuyện này con làm không có liên quan gì tới bố mẹ con cả. Ngay cả cô Nhất, vợ con cũng bị đồng nghiệp xa lánh, thường rất tủi thân tuy không oán trách gì con cả.

Hai người còn đang dở dang câu chuyện thì  Lân xồng xộc đi vào, kêu to “ Anh Thảo”rồi quay sang cụ già, “ Chào cụ”

Cụ Chấn:

Thôi tôi về. Chúc anh vạn sự lành. Nhớ là tôi luôn luôn qúy mến anh dù chuyện gì chăng nữa nghe anh Thảo. Nhìn Lân nói” chào em.”

Thảo:

Dạ, bác về- cụ Chấn bước từ từ ra trong khi Thảo và Lân ôm chầm lấy nhau rồi buông ra.

Em từ đâu vào đây vậy?

Lân:
Em tới đây từ sáng để nghe ngóng tin tức về anh. Em có mấy thằng bạn đang học ĐHSP nên tới gặp tán dóc cho vui, không ngờ được chứng kiến màn anh bị đấu tố khủng khiếp quá.

Thảo:

Em vẫn làm ở Trung Ương chứ?

Lân: Anh Cả sau vụ sửa sai CCRĐ đổi sang lãnh đạo quốc hội, em cũng được ông kéo sang theo. Ông ấy không thể bỏ em vì chính em đã về tận Hành Thiện bí mật đưa bố ông ấy đi trốn nên mới thoát khỏi bị đấu tố trong vụ CCRĐ.

Em còn biết bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thấy vụ đấu tố các giáo sư lan rộng và kéo dài quá ảnh hưởng tới việc học của các sinh viên khiến các phụ huynh bất mãn nên đã nhờ bí thư đảng bộ Hà Huy Giáp viết thư lên thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp đấy. Có điều là tụi bạn em chúng bảo vì lệnh Đoàn và Đảng bảo làm, bảo tố thì chúng làm, chúng tố chứ thật sự chúng rất kính trọng anh và cho rằng những điều anh viết về tự do, dân chủ thật tình là không có gì sai quấy cả mà chỉ mong muốn cho đất nước tốt đẹp hơn và dân chúng được hưởng những quyền căn bản làm người thôi.

Thảo:

Tôi cũng biết thế nên tôi cũng không ân hận là đã viết và thản nhiên coi sự thế xoay vần và tình người ra sao thôi. Cô Nhất cũng cho tôi biết là tình cờ có gặp thủ tướng Đồng ở bờ Hồ và ông Đồng hứa với Nhất sẽ tìm cách can thiệp vì biết tôi không có ý tưởng xấu mà chỉ một lòng vì dân, vì nước thôi. Còn việc tôi bị tố đây chắc cũng tại vì không một lòng vì Đảng?

Lân: Em nghe mong manh, anh giữ kín nhé kẻo chết em, là dù sao họ cũng phải kỷ luật anh đấy, cũng như giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và Trương Tửu, nhưng nhẹ thôi, mục đích là cảnh cáo không riêng anh và ông Tường, ông Tửu mà tất cả những người trí thức khác hãy biết thân phận mình mà xử thế cho đẹp lòng lãnh đạo, nghiã là đừng nói xa gần gì về tự do, dân chủ.

Thảo: Nói toạc ra như Nguyễn Tuân nghĩa là phải biết sợ Đảng thì mới sống được chứ gì nữa. Khủng bố tinh thần và thể xác luôn luôn là chiến lược của cộng sản quốc tế để đàn áp đối lập và cai trị dân một cách êm thấm.

Lân để tay lên miệng: Suỵt...suỵt...Anh Thảo! Coi chừng...Tai vách mạch rừng...

Hai người còn đang xì xào thì nghe có tiếng người tằng hắng.

 Lân vội cầm tay Thảo:

Thôi em ra. Cụ Phan Khôi có gửi lời thăm anh đấy. Cụ có gửi đưa anh bài thơ của cụ và chúc anh vạn sự tốt lành.

Thảo Trong khi Lân đi ra thì Thảo mở thư của Phan Khôi ra đọc:

 “Anh Thảo

Tôi không biết viết gì cho anh trong hoàn cảnh này dù chúng ta đồng cảnh, chỉ có bài thơ cũ gửi anh, mong anh giữ vững tinh thần.”

Ngâm nga

Làm sao cũng chẳng làm sao

Dù có thế nào cũng chẳng làm chi

Làm chi cũng chẳng làm chi

Dù có làm gì cũng chẳng làm sao

Thảo cười ha hả: Chí lý! Ông già này tặng bài thơ đúng lúc quá Nhét bức thư vào túi.

Chủ tọa trở về, tới gần Thảo, vỗ vai:

Giáo sư về được rồi. Cứ ở nhà đợi chỉ thị. Hạ giọng - Nói thêm để giáo sư biết thôi, đừng có bảo với ai là tôi nói nhé, có lẽ giáo sư sẽ được gửi đi thực tế tại một  trại nuôi bò gần Ba Vì thì phải.

Thảo: Trại nuôi bò...mà bao lâu để tôi còn chuẩn bị?

Chủ tọa:

Tôi cũng không rõ, nhưng chắc chắn còn tùy thuộc giáo sư học tập cải tạo có tốt hay không nghiã là có tiến bộ trong tư tưởng và thái độ hay không.Tôi xin lỗi phải về văn phòng bảo thư ký yết thị ngay thông cáo bế mạc cuộc học tập theo chỉ thị của thủ tướng.

Thảo: trong khi chủ tọa bước ra thì ưỡn ngực, giư hai tay, ngẩng mặt ha hả cười như phát điên và nói to tiếng:

Ha …ha...Thực tế học tập tại trại nuôi bò. Ha...ha...Chẳng mấy khi mà được làm cowboy chăn bò...vỗ ngực...Giáo sư Trần Đức Thảo nay Đảng biến thành cowboy Trần Đức Thảo...ha...ha... trong khi màn từ từ hạ xuống

_____________________________________________________________________

 

                              CẢNH V (30-35 phút)

 

Thời gian : khoảng cuối tháng 4.1983

Cảnh trí : Cảnh phòng khách của một Việt kiều tại Paris. Mọi người ngồi trên ghế salon quanh một cái bàn, trên bầy các tách cà phê, báo chí và điện thoại, máy ghi âm, TV, radio...

Nhân vật:. Các Việt kiều: Khoa (chủ nhà), Ban, Lâm, Chi (nữ Việt kiều)

MÀN MỞ:

Khoa:

Trước hết tôi báo cho các anh chị một tin vui về bác Thảo là sau khi bị sứ quán Việt Nam cấm cửa không cho thuyết trình tại Nhà Việt Nam từ hôm 12.4 nữa thì may thay, ông bà Bình với George đã vận động cho bác một chỗ mới, còn khang trang gấp bội chỗ cũ là Nhà Văn Hoá Việt Nam cũng ở quận V, Rue des Écoles.

Tất cả xì xào: may quá. Bác Thảo chắc vui lắm vì vẫn có chỗ thuyết trình hàng tuần.

Khoa:

Nhưng lại có vấn đề khác gay cấn hơn là sứ quán Việt Nam đang ép buộc bác Thảo phải ngưng thuyết trình về các đề tài liên quan tới chủ nghĩa Marx và chế độ cộng sản, nếu không thì họ sẽ không chịu trách nhiệm gì về sự hiện diện của bác Thảo tại Pháp nữa, nói cách khác là họ muốn bác phải trở về Việt Nam và càng sớm càng tốt.

Ban đợi mọi người cất tiếng “ Ồ!xong:

Thế họ đưa bác sang đây làm gì vì ngay tại Sài Gòn, năm 1987 bác đã viết cuốn  Con người và chủ nghiã lý luận không có con người” được trí thức miền Nam và dư luận đánh giá là một văn bản phản bác chủ nghĩa giáo điều, tệ nạn sùng bái cá nhân, là  lời tố cáo một chế độ đã có quá nhiều thủ đoạn kìm kẹp, cữơng bách con người cứ phải bưng bít sự thật, phải dối trá, ngụy biện trong lý luận để củng cố địa vị và để chạy tội.

Chi:

Vì vậy nên ngay sau khi cuốn sách được phát hành ít lâu là có lệnh của Hà Nội bắt thành ủy Sài Gòn phải thu hồi và cấm phổ biến. Nhưng hậu qủa là số trí thức tới lui với bác Thảo lại càng trở nên tấp nập hơn khiến thành ủy phải ra lệnh đổi chỗ ở của bác Thảo từ khách sạn Embassy, Bến Nghé về đường Đề Thám và công an được lệnh ghi tên tuổi tất cả đám khách lui tới và  gây chuyện khó dễ, hăm dọa chưa kể có khi còn thuê tụi côn đồ hành hung nữa.

Khoa:

Nghe nói chuyến đi vào Sài Gòn đã làm thay đổi hẳn nếp suy nghĩ và cuộc đời của bác từ đó. Bác bảo là khi mới đặt chân tới thủ đô của miền Nam này, bác rất đỗi ngạc nhiên. Bác không ngờ qua bao năm chiến tranh mà sao Sài Gòn lại khang trang, hiện đại đến như vậy. Bác cứ ngỡ cả cái miền Nam này bị đói khổ vì bị Mỹ Ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc phải cắn hạt gạo làm tư để cứu đói miền Nam...Mà mọi người ở đây sao nói năng cởi mở qúa, chẳng e dè, sợ sệt gì cả, đúng là tự do ngôn luận thật sự chứ không phải là tự do nghe theo Đảng như ngòai Bắc. Bác cũng không hiểu vì sao chế độ miền Nam để Trịnh Công Sơn được tự do sáng tác và trình diễn

thoải mái những bản nhạc phản chiến bất lợi cho chế độ.

Chi:

Cuộc đời bác Thảo thật là một bi kịch, từ Paris tình nguyện về nước cũng gặp khó khăn mãi mới được cho về. Tới sau 54, về Hà Nội ít lâu lại bị vướng vào vụ Nhân văn-Giai phẩm và được mời đi chăn bò tại Ba Vì để học tập nhân dân. Tiếp đó, lại bị tống khứ vô Sài Gòn vì hồ sơ của bác Thảo có lời ghi “ hiện nay đối tượng này ở Hà Nội đang trở thành nơi thu hút và tập trung nhiều thành phần phức tạp khả nghi” Rồi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, ngồi chưa ấm chỗ lại được mời đi Paris cho khuất mắt vì trong hồ sơ lại ghi thêm là “số người phức tạp, khả nghi tới gặp Thảo ngày càng đông và một nguy cơ chính trị đang hình thành”. Còn bây giờ đang ở Paris lại được đảng chiếu cố yêu cầu trở lại Việt Nam, chuyến này chắc là họ có biện pháp triệt để và quyết liệt chứ chẳng chơi đâu. Thật đúng như bác nói ngay cái thân mình cũng chẳng phải là của mình nữa, mà là của đảng, “ bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Ban:

Thế bác Thảo tính sao?

Khoa:

 Nghe nói bác rất luyến tiếc Paris nếu phải dời khỏi nơi đây vì bác coi Paris như một quê hương thứ hai. Thật ra cũng có nhiều người muốn giữ bác lại và sẵn sàng tìm cách giúp đỡ bác nhất là về tài chánh để có chổ ăn ở tươm tất, để bác có thời giờ thảnh thơi nghiên cứu về chuyên môn của mình. Ngay cả các Hàn lâm viện Đức và Bỉ , từng nghe danh tiếng bác, cũng sẵn sàng chu cấp để bác có thể hoàn thành cuốn sách bác đang viết. Bác còn nói muc đích bác sang đây đâu phải là để giải độc Việt kiều như tòa Đại sứ vẫn tuyên truyền mà là để hoàn tất một cuốn sách về triết học để phản bác lại học thuyết Marx, chứng tỏ Marx đã sai lầm khi dựng lên một thiên đường ảo vọng trong đó không có giai cấp, một triết thuyết mới “ La logique du présent vivant”, tiếng Việt là Logic của hiện tại sinh động. Theo bác trên thực tế, tại các nước theo chế độ cộng sản một giai cấp Tư Bản Đỏ đã thành hình, nắm hết các tài nguyên đất đai nhân danh là của nhân dân mà đại diện nhân dân lại chính là ban Chấp hành Trung ương của đảng còn mấy ông trong bộ Chính trị thì chẳng khác gì các vua chúa trong chế độ phong kiến, vơ hết các đặc quyền đặc lợi, rồi truyền lại cho các Thái tử Đảng. Khi ốm đau thì họ có bệnh viện riêng, bác sĩ tài gỉỏi, thuốc men ngọai quốc. Ngay cả khi chết họ cũng còn phân chia giai cấp, được chôn riêng trong nghĩa trang đặc biệt.

Khoa: Theo bác, cái mà CSVN gọi là Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghiã là láo toét, ngụy biện vì cái chính sách đó đã bước ra ngoài hệ thống tư tưởng Marxist, đúng ra nó là một thứ  Xã hội Chủ nghiã theo Định hướng Kinh tế Thị trường nghĩa là theo định hướng Tư bản

Ban:

Thế bác Thảo đã có dịp trình bày gì với Hồ Chí Minh cái triết thuyết của mình không?

Khoa:

Nghe nói Hồ Chí Minh chỉ gặp bác trực tiếp một lần duy nhất khi bác mới về An Toàn Khu, cuộc gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng ấy hình như kéo dài không quá hai ba phút qua hai ba câu trao đổi, không... không phải trao đổi mà vẻn vẹn chỉ là một câu chỉ thị. Bác Thảo suốt đời còn nhớ mãi câu độc nhất ông Hồ nói với bác là, “ Này Chú Thảo! Bác biết là bên Pháp chú đọc nhiều sách báo lắm. Nhưng về đây thì phải cố gắng mà học tập nhân dân, nghe không?.” Nói xong, ông Hồ bỏ đi ngay không kịp nghe lời chào của bác Thảo nữa chứ đừng nói tới chuyện phát biểu ý kiến hay trình bày này nọ gì.

Ban: Đó là về mặt chuyên môn, nhưng đời sống tình cảm của bác hình như cũng chẳng êm chèo thuận lái thì phải?

Chi:

 Nghe bác kể thì bác và bà Nhất, hai người vốn quen nhau , yêu nhau và đã hứa hôn với nhau thời cả hai còn ở Paris. Bà Nhất học thi vào Sorbonne có nhờ bác Thảo kèm thêm về triết học. Sau khi bác Thảo về nước thì bà Nhất tốt nghiệp tiến sĩ Tâm lý thiếu nhi, rồi về Hà nội năm 1954 và nằng nặc đòi kết hôn mặc dầu hoàn cảnh hai người còn rất eo hẹp. Bà Nhất bị bệnh tử cung gì đó không có con được nên nhận một đứa con nuôi, lại càng làm tình trạng tài chính và tinh thần của hai người suy sụp thêm. Bác Thảo bảo sự ly dị xảy ra sau này là do ý của bà Nhất, tuy nhiên bác Thảo cũng nhận là do lỗi của bác hầu như không lo lắng gì cho vợ con cả. Chừng mấy năm sau thì bà Nhất lấy BS Nguyễn Khắc Viện vốn quen biết vợ chồng bác Thảo từ hồi còn ở bên Pháp. BS Viện có hỏi ý kiến bác Thảo và bác Thảo còn cám ơn BS Viện nữa vì BS Viện lúc đó có hoàn cảnh tương đối thoải mái hơn cả về tài chính lẫn xã hội, chưa kể còn là con cưng của chế độ nữa. Mặc dầu vậy, bác Thảo nói bác rất buồn để tình tan, duyên lỡ và quyết định không lấy ai nữa. Có điều bác kể thêm là “ông cụ” cũng gặp nhiều trở ngại về gia đình nhưng cách giải quyết thì khác hẳn.

Ban,Khoa:

Khác sao?

Chi:

Bác Thảo nói mọi người đều dư biết là “ ông cụ” đã lần lượt ăn ở với nhiều phụ nữ, từng có con ở Âu lẫn Á nhưng vì cuồng vọng chính trị cần phải chứng minh là người thanh cao, có đạo đức cách mạng nên “ ông cụ” đã phủi tay từ bỏ tất cả vợ con, không muốn nhìn nhận ai cả, có khi còn để cho họ bị thủ tiêu luôn. Bác bảo một người bạc tình, bạc nghĩa như thế mà lại còn tự viết sách đề cao chính mình thì làm sao mà có đạo đức được, nhưng bọn thủ hạ muốn tâng công cứ đề cao ông cụ lên như thần thánh, nào là vì nước quên mình, nào là tư tửơng Hồ Chí Minh này nọ trong khi chính ông cụ nói ông cụ chẳng có tư tưởng đếch gì cả ngoài những giáo điều của Marx-Lenine. Bác bảo nếu có thời giờ bác sẽ nói rõ hơn về ông cụ mà theo bác là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời, là một con khủng long ba đầu chín đuôi, là một con người trăm tên nghìn mặt cực kỳ vị kỷ, bất chấp những chuẩn mực của lương tri, của đạo lý.

Ban: Chắc sứ quán cũng e sợ có lúc bác khui ra ánh sáng hết những bí mật đen tối của ông cụ nên không muốn bác có mặt ở kinh thành ánh sáng này nữa. Thế còn gia đình, họ hàng của bác thì sao? Bác có tìm được sự an ủi hay đồng tình của những người thân thuộc phần nào không?

Khoa: Nghe nói thì cũng bi đát lắm. Bố bác Thảo nhiều lần chửi bác Thảo là triết gia trên mây, là phi-lô dốt- dốt chứ không phải philosophe -  dốt đây là ngu dốt đã dại dột dẫn xác từ bên Tây về đòi thay đổi một chế độ cộng sản độc tài trong nước, một ý thức hệ cộng sản tàn nhẫn quốc tế. Ông bố có lần tức giận qúa còn gọi bác Thảo là mày nữa. Mày về đây là mày tự giết mày rồi. Mà mày cũng giết cả tao lẫn mẹ mày nữa. Phải chi mày mà học được cái nghề gì như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì gì đó...thì đỡ khổ cho tao biết mấy. Phải chi mày cứ ở bên Pháp làm việc, mỗi tháng gửi về nhà vài chục francs thì cũng đủ cho bố mẹ mày vui sống cảnh già. Mày về đây là mày tự dẫn mày tới chỗ chết đấy Thảo ơi.

Cả ba người nhìn nhau vẻ ngậm ngùi

Chi thở dài: Bác Thảo đúng là một kẻ lữ hành cô độc!

Ban: Dù sao đi nữa thì bác Thảo phải tự trách mình trước hết, bác có học rộng mà lại sống tại một nước văn minh, có phương tiện truyền thông đầy đủ thì sao lại để bị mê hoặc, tự húc đầu vào rọ cho Cộng sản được tiếng thơm là có những trí thức tìm xin cộng tác vì họ có chính nghĩa. Bố mẹ bác trách bác cũng đúng đấy và đối với dân tộc ngày nay bị lầm than và mất đạo lý, đất nước bị lệ thuộc chẳng khác gì một thuộc địa thì bác cũng chịu trách nhiệm chứ.

Chi: Thật ra thì tất cả dân chúng miền Bắc đều bị cộng sản lừa bịp hết, như trong hồi ức của ca sĩ Ái Vân cũng viết, “Trước đây cứ nghe nói đồng bào miền Nam bị Mỹ Nguỵ kìm kẹp khổ sở lắm, cứ nghĩ là dân Sài Gòn nghèo đói lắm nên khi tôi được chọn làm xướng ngôn viên đài phát thanh mới tiếp thu thì cố mua hai ký gạo đem vào làm quà thiết thực giúp đỡ bà bác ruột. Vào tới nơi tôi rất ngỡ ngàng, chỉ cần nhìn cách ăn mặc, trang điểm, i đứng, lối ăn nói nhẹ nhàng, chỉ cần ra chợ mua gì có nấy kèm theo với lời cám ơn và cái túi nylon đựng đồ thì biết ngay mình không cùng đẳng cấp văn minh với họ, thì biết rõ mình từ trước tới nay vẫn bị lừa bịp bởi những thông tin, tuyên truyền sai lạc...”

Khoa: Thì bác Thảo cũng thú nhận bác đã nhận ra những sai lầm của chủ nghiã Marx quá trễ, bác cũng rất hối hận về sự cộng tác với cộng sản tới lúc hoàng hôn mới thức tỉnh, nhưng bác quyết tâm hối lỗi, chuộc tội bằng cách đoạn tuyệt với chế độ cộng sản và đưa ra một triết thuyết mới phản bác chủ nghĩa Mac-xít , đồng thời vạch ra những sai lầm và tội ác của các lãnh tụ và đảng cộng sản quốc tế và Việt Nam không e dè, kiêng nể gì nữa.

Chi: Tội nghiệp cho Bác Thảo! Cộng sản thì trù dập mà quốc gia cũng kết tội, gia đình thì oán trách mà vợ con thì chán bỏ. Biết bác có kịp chuộc lỗi của mình không vì tuổi bác cũng cao rồi?

Mọi người rót nước uống thì có tiếng điện thoại reo.

 Khoa: cầm máy nói, “ Tôi, Khoa đây...” và chăm chú nghe, có vẻ kinh ngạc, nói tiếp trước khi cúp máy, “ Có chuyện gì bác cứ cho biết, đừng ngại ngùng gì. Bọn này sẽ tính toán với nhau để tìm cách giúp bác. Nếu bác có rảnh thì mời bác tời bàn luôn thể, sẵn có Ban, Chi đang ở đây

Ban, Chi: cùng lên tiếng, bồn chồn:

Gì vậy? Gì vậy?

Khoa: Bác Thảo! Bác Thảo đấy! Bác nói tối nay nếu bác viết xong bài thuyết trình cho tuần tới thì bác sẽ tới và hỏi ý kiến chúng ta về một vài vấn đề. Bác kể chuyện tuần trước phải đi gặp đại sứ Trịnh Ngọc Thái và đảng cộng sản Pháp. Thái yêu cầu bác chấm dứt các cuộc thuyết trình về Marx, Lenine, Staline nếu không thì toà đại sứ chấm dứt mọi sự liên lạc và bác phải tự lo lấy chỗ ăn ở nghĩa là gián tiếp tống bác về nước. Đảng cộng sản Pháp thì gọi bác là kẻ phản bội lý tưởng cộng sản và còn lớn tiếng đe dọa những kẻ phản bội thì liệu mà lo bảo toàn tính mạng. Bác có vẻ lo lắm. Bác có kể chuyện với giáo sư Paul Ricoeur, ông này có nói lại cho các đồng nghiệp và giới trí thức Paris nghe nhưng mọi người đều bảo vì bác Thảo ở trong nước bị kìm kẹp lâu quá nên hãy còn sợ hãi và hoảng loạn tinh thần đó thôi. Còn chuyện bác toan tính họp báo và tuyên bố ly khai với chủ nghĩa Marx và chế độ cộng sản hình như đã lộ và chúng đã biết sao đó nên quyết định vào huà với nhau cùng đập bác chuyến này cho vỡ mày vỡ mặt luôn. Une fois pour toute!

Ban,Chi: Gì mà phản ứng dữ dội vậy?

Khoa: Tôi và chị Xuân Phương cũng đã đoán trước sau gì rồi cũng xảy ra chuyện trục xuất bác khỏi nhà khách nên chúng tôi cũng đã lo thu xếp đâu đấy cả rồi. Chị Xuân Phương đã liên lạc với Khoa trưởng trường Ecole Normal Sup. xin cho bác được trở về nội trú như hồi bác còn là sinh viên và nhờ sự can thiệp của mấy giáo sư, bạn cũ của bác Thảo nên nhà trường đã đồng ý rồi. Phần tôi thì nói chuyện với BS Quyền ở Cachan, BS Quyền nói sẵn sàng dành cho bác Thảo một phòng để ăn ở và một phòng để làm việc rất thoải mái và có thể dọn đến bất cứ lúc nào.

Chi: Thật ra thì chỗ ở của bác Thảo tại nhà khách của sứ quán cũng khó có thể ở lâu được. Tôi đã đến vài lần. Căn phòng gì mà chật hẹp, hôi hám, hình như bỏ hoang đã lâu và chẳng được dọn dẹp, tẩy uế, sơn phết lại gì hết nên mùi ẩm mốc nồng nặc. Bác Thảo nói đêm hễ cứ đèn tắt là gián bò ra như kiến, đang đêm nhiều khi giật mình tỉnh dạy vì gián bò cả lên mặt và khắp toàn thân. Chưa kể nếu muốn nấu ăn thì phải lích kích mang nồi niêu xoong chảo, gạo dầu muối mắm đồ ăn xuống ba đoạn cầu thang mới tới bếp tận dưới từng hầm. Nấu xong lại phải khuân tất cả lên phòng ngồi ăn nghiã là lại phải leo lên ba đoạn cầu thang, mà cứ hết một đoạn thang bác Thảo lại phải đứng nghỉ để lấy sức leo tiếp vì cơn suyễn muốn kéo tới.

Ban: Thế hồi ở trong nước thì sao? Có đỡ hơn không?

Chi: Ở trong nước cũng vậy, phải tự đi chợ lấy, nấu ăn lấy mà là nấu bằng củi khói cay sè chảy nước mắt nước mũi dàn dụa đến nghẹt thở mới có được một bữa ăn dù rất thanh đạm. Thỉnh thoảng bà vợ cũ, bà Nhất vẫn phải tới kỳ cọ hộ nồi niêu, quét dọn hộ nhà cửa. Phương tiện di chuyển thì có cái xe đạp peugeot con vịt ọp à ọp ẹp mà ngay mấy bà buôn đồng nát cũng chê. Ngay cả cái bà bán trà nước khu tập thể Kim Liên mãi sau mới biết đó là giáo sư Thảo còn cả mấy năm trời cứ tưởng là anh thợ nghèo kiết xác và dở hơi nào.

Khoa: Sau khi bác Thảo bị bãi hết mọi chức vụ tại trường Đại Học thì không nơi nào dám nhận một kẻ bị quy là phản động như bác nữa; bác phải bán lần lần tất cả những cái gì có trong nhà kể cả quần áo, đồ đạc, sách vở nhưng rồi cũng hết chỉ còn trơ cái thân xác ngày mỗi tàn tạ, sau bác phải thỉnh cầu cho bác dạy lại dù chỉ dạy Pháp văn thôi nhưng Đặng Thái Mai nói thẳng rằng “ cụ Hồ không muốn để Thảo đi dạy nữa”, kết qủa là bác nửa sống nửa chết vì  thiếu cơm áo đến nỗi bác phải chịu nhục viết đơn xin làm một chân thư ký quèn tại Viện Bảo tàng Lịch sử đang thiếu người nhưng đơn bác gửi qua Huy Cận, cựu bộ trưởng Văn Hoá, Cận với sự đồng ý của bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Văn Huyên, đưa đơn lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ngờ đâu Đồng cũng tránh né luôn, lại gửi lên Hồ Chí Minh xin chỉ thị thì Hồ phê rằng “ Chỗ của Thảo là trong địa hạt Triết học” thế là đơn coi như bị bác- Nhún vai và giơ cao hai tay...

Khoa :Nhưng thôi mình bàn chuyện trước mắt cái đã để lát nữa bác Thảo có đến thì mọi sự cũng tạm ổn định cho bác. Vấn đề chỗ thuyết trình, chỗ ăn ở như vậy coi như tạm ổn thoả, chỉ còn vấn đề tài chánh. Anh Lê Tiến, nhóm “Thân hữu Trần Đức Thảo” nói sẵn sàng kêu gọi mọi người tiếp tục ủng hộ tài chính như trước đây đã vẫn làm. Ngoài ra nghe nói chị Xuân Phương đang vận động với nhóm “Les Amis des Sciences” hình như cũng đã thoả thuận trợ cấp cho bác hàng tháng một số tiền là 10,000 francs, bắt đầu ngay từ tháng tới thì phải.

Ban vỗ tay nói lớn vui mừng: Hay quá! Hay quá! Số bác Thảo bắt đầu hên rồi. Đỡ vất vả rồi...

Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai...Ha...ha...Bác Thảo có thể hát La vie en rose được rồi...

Chi: Số tiền như vậy so với tiền lương tối thiểu hiện nay là 1,500 francs thì cũng kể như tạm đủ chi dùng một cách khá thoải mái rồi.

Có tiếng điện thoại reo. Khoa bắt máy: Tôi Khoa đây... rồi chăm chú nghe, xong cúp       máy, vẻ mặt lo lắng:

Khoa: BS Quyền. BS Quyền bảo nếu chúng mình gặp bác Thảo hôm nay thì phải thúc bác dọt ngay cho lẹ. Quyền bảo nếu họ biết bác Thảo định họp báo để chọn tự do thì coi chừng không đủ thời giờ mà họp báo nữa đâu. BS Quyền nhắc đi nhắc lại là nguy lắm đấy, thúc bác đánh bài tẩu ngay lập tức kẻo quá trễ. Với chế độ ấy và những con người ấy thì cái gì cũng có thể xảy ra nên đừng coi thường. Cứ xem việc Trotsky bị giết ở London thì biết.Tout est possible.

Chi: Hồi bác Thảo đòi chất vấn cố vấn Tàu về cái tỷ lệ quái đản 5%  bọn cố vấn cũng đòi đưa bác ra toà án CCRĐ để xử tử bác đấy thôi. Khiếp qúa!

Ban: Đây chắc không đến nỗi vậy đâu. Ngay giữa Paris chứ đâu phải Việt Nam với những bọn côn đồ do công an thuê mướn hay rừng rú Phi Châu gì mà áp dụng luật giang hồ.

Khoa: Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng mình cũng nên đề cao cảnh giác. Cẩn tắc vô ưu, các cụ đã dạy. Cộng sản luôn luôn lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Để tôi phone mời bác tới rồi chúng mình mừng bác, tôi có chai champagne sẵn đây, rồi chúng mình cùng thúc bác mau dọt cho lẹ, còn tới chỗ nào thì tùy bác chọn lựa.

Vừa lúc đó thì Lâm bước vào, vui vẻ ra mặt:

Lâm: Tôi vừa đưa bác Thảo đi nhà băng về ngang qua đây ghé cho các anh chị biết luôn. Bác Thảo đã mở chương mục và ký thác tấm ngân phiếu đầu tiên 10,000 francs. Bác sung sướng ra mặt vì từ nay khỏi phải lo kế sinh nhai nữa, có thời giờ viết sách và thuyết trình thoải mái, khỏi phải né tránh gì hết. Bác nói chắc tuần tới bác sẽ dọn ra khỏi Le Verrier và nhất định đoạn tuyệt với sứ quán..

Khoa: Hôm nay thứ năm 22.4 rồi. Cuối tuần này chúng mình có thể tới giúp bác một tay dọn nhà.

Chi: Có gì đâu mà dọn, toàn sách vở và báo chí không hà.

Khoa: Nhưng là những tư liệu qúy giá đấy, nhất là cho hậu thế. Ngay cả những buổi nói chuyện với bác tôi cũng đã thu âm và đang thu thập để có thể sau này in thành một tập để mọi người biết rõ tâm tư của bác hơn hay nói đúng hơn cuộc đời của triết gia Trần Đức Thảo, một kẻ lữ hành cô độc với những hối hận lúc hoàng hôn.

Lâm: Thế anh đã có đặt nhan đề cho tập sách đó chưa.

Khoa: Chưa. Có thể là “ Cuộc đời một triết gia” hay “ Những hối hận lúc hoàng hôn” Cái đó còn tuỳ tình huống xảy ra sau này. Còn nếu vì lý do gì đấy chưa thể hay chưa kịp xuất bản lúc này thì sẽ là “ Những lời trăng trối.”

Có tiếng điện thoại reo. Khoa  bắt máy, vẻ mặt từ lo âu đổi ra thất thần.

Khoa: Bà Bích Hồng, người giúp dọn phòng tại nhà khách. Bà báo tin bác Thảo không biết ăn gì bị ngộ độc, ói mửa tùm lum, sốt nóng mê man. Bí thư Hào đã tới phòng bác và báo cáo cho đại sứ Thái và ông Thái đang tới. Có gì thêm bà sẽ phone sau vì còn đang lo thay quần áo cho bác.

Mọi người nhìn nhau, bồn chồn, lo lắng.

Chi: Lời BS Quyền tưởng nói chơi mà hoá thật chăng? Không chừng bọn đao phủ đã dám ra tay xử theo luật giang hồ rồi.

Khoa: Tôi định đợi bác Thảo tới thì mở champagne  ăn mừng- giơ cao chai champagne-  mà ngờ đâu chưa kịp khui thì ... Oh! Là...Là... Tin buồn đã đến. C’est vraiment triste!

Lâm: Không biết bác có còn cơ hội để sử dụng món tiền trợ cấp hàng tháng kia hay không?

Chi: Tôi sợ không qúa...

Ban: Để tôi chạy tới nhà khách xem sao

Lâm: Tôi đi theo với

Chi: Tôi cũng đi

Chi, Ban và Lâm toan đi ra thì chuông reo. Khoa chạy tới cầm điên thoại nghe rồi đặt xuống

Khoa: Bà Bích Hồng nói Đại sứ Thái cho gọi xe cứu cấp đưa bác đi bệnh viện Les Broussais rồi. Toán cấp cứu hỏi, “ Trước đó bệnh nhân đã làm gì mà rơi vào tình trạng hôn mê?” Cán bộ Hào khai. “ Ông ta bị ngất xỉu rồi té ở cầu thang.” Toán cấp cứu hỏi, “ Té ở cầu thang mà sao không có thương tích gì?” Hào trả lời, “ Cái đó, tôi không biết, nhưng ông ta đã cao tuổi, bị xuyễn, lại trước đã vốn yếu sức lắm rồi” Mà phòng của bác cũng bị toà Đại sứ niêm phong rồi.

Lâm: Vưà đi ngân hàng với tôi mà sao lại yếu sức lắm rồi? Mà sao niêm phong vội vã thế?

Chi: Mà sao không khai bị trúng thực?

Ban: Thôi chúng mình chạy tới bệnh viện xem sao đã.

Tất cả đồng thanh: Đi! Đi! Đi ngay mới được! Sợ trễ quá rồi. Bác Thảo ơi! Ráng đợi bọn này nhé! Bác Thảo!

                                          MÀN HẠ

từ từ trong khi có tiếng nói của đài phát thanh:

“ Đây là Đài Phát Thanh France Info / Chương trình Việt ngữ. Chúng tôi mới nhận được thông cáo của toà Lãnh sự Việt Nam, nguyên văn như sau: Phòng hộ tịch Lãnh sự quán Việt Nam tại Paris đau buồn loan báo cựu giáo sư triết học Trần Đức Thảo tại Đại học Hà Nội đã tạ thế lúc 6 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1993, thọ 77 tuổi. Giáo sư được Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huy chương Độc lập hạng nhì vì các công trình khoa học. Lễ an táng sẽ được cử hành vào ngày 29.4 tại nghiã trang Père Lachaise, khu hoả táng.”

HẾT

CÁC TÁC PHẨM của Hoàng Xuân Thảo

THƠ          

      Niềm Vui Sáng Tạo                 Tự xuất bản                    Sài Gòn 1963

      Khung Trời Quê Hương         Làng Văn                        Toronto 1991

      Áo Trắng Tình Thâm              Hội QTYSVNTD/IV          Florida 1993

      Áo Trắng Tình Hồng               Tự xuất bản                     Toronto 2000           

      Một Thoáng Xót Xa                Tự xuất bản                    Toronto 2011

THƠ DỊCH:

      Một Lối Vào Đường Thi         Chưa xuất bản

KỊCH:

      Sang Sông                               Sinh viên Quân Y            Trình diễn tại Đà Lạt 1954

      Tiếng Pháo Giao Thừa           Tổng hội sinh viên VN    Trình diễn tại Sài Gòn 1956 

TRỤYÊN DỊCH: (Chung với Nguyễn Phúc Bửu Tập)

      Của Chuột Và Người              Tạp chí VĂN                     Sài Gòn 1964

      Of Mice and Man – John Steinbeck

      Cầu Nguyện                            Tập San Quân y              Sài Gòn 1965

      La Prière – Alexis Carrel

Kẻ Ngoài Lề                             Chưa xuất bản                Toronto 2000

      L’ étranger – Albert Camus

VIDEO CA NHẠC:                           200 video/YOUTUBE       Toronto 2011-2017