Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
gsdha5
GSDaoHuuAnh
Giáo SÜ ñào H»u Anh
 
NguyÍn Vi‰t CÜ©ng & Hà Ng†c ThuÀn
 
 
Trân trọng giới thiệu bài viết của BS Nguyễn Viết Cường (YKSG 1975) đọc trong buổi Bình Dân Hội Ngộ vinh danh GS Đào Hữu Anh (QYHD) và bài góp ý của BS Hà Ngọc Thuần
Ban Biên Tập


=====

Kính thưa Quí Thầy Cô , quí vị quan khách,quí anh chị và các bạn đồng môn.

Thật là một vinh dự cho lớp Y Khoa 1975 được thay mặt cho các anh chị BS và các cựu SVYKSG để vinh danh và cám ơn thầy Đào Hữu Anh trong dịp Bình Dân Hội Ngộ hôm nay.

Trước hết xin được nói qua tiểu sử của thầy :

Thầy học Dự Bị Y Khoa PCB Đại Học Hà Nội 1952.

Di cư vào Nam năm 1954 , tiếp tục theo đuổi ngành Y tại ĐHYK Sài Gòn , lên ngoại trú rồi nội trú các bệnh viện.

Thầy trình luận án BSYK năm 1960 , sau 5 năm tu nghiệp tại Mỹ từ 1960-1965, thầy trở về VN làm tại BV Bình Dân rồi tham gia vào ban giảng huấn của trường Y Khoa Đại Học Sài Gòn trong chức vụ Trưởng Khu Cơ Thể Bệnh Lý.

Thầy được giao phó thêm chức Phó Khoa Trưởng ĐHYK Sài Gòn từ năm 1970-1975 và Quyền Khoa Trưởng 1971-1972 , Thầy vừa đóng góp trong việc điều hành trường Y Khoa và việc giáo dục giảng dạy đào tạo nhiều thế hệ Bác Sĩ Y Khoa Việt Nam.

Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh một vị thầy trẻ trung , khoan thai trong bộ y phục giản dị quần đậm mầu , áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần tay xách chiếc cặp da khoan thai trong khuôn viên của trường Y Khoa Đại Học, Sài Gòn , đó là thầy Đào Hữu Anh.

Trong giờ thự tập tại Khu Cơ Thể Bệnh Lý ,khu giảng đường hay trong sân trường , thầy không ngần ngại trả lời các thắc mắc của SV , thầy cho chúng ta sự tự tin khi đặt câu hỏi và không làm cho chúng ta mất tinh thần.

Sau biến cố tháng 4/1975 , trường cũ đã đổi vắng đi một số thầy và không thấy hình bóng quen thuộc của thầy Phó Khoa Trưởng Đào Hữu Anh trong sân trường. Nhưng bên kia bờ đại dương , thầy lại tiếp tục trách nhiệm của một Vị Giáo Sư , một phó khoa trưởng của một trường YK Đại Học Sài Gòn đã lưu vong. Ngay từ những ngày đầu tị nạn , thầy đã cố tìm một lối đi cho các BS VN có thể trở lại việc học và hành nghề..

Giáo Sư Anh đã cùng Dr. Ira Singer thuộc AMA phối hợp với các Giáo Sư Y Khoa Việt Nam thành lập một Hội Đồng Y Khoa Lưu Vong cấp bằng tốt nghiệp cho các BS Việt Nam trong đó có cả lớp Y Khoa 1975 để chúng ta có thể thi ECFMG, FLEX , đi training và trở lại hành nghề ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nếu không có sự can thiệp của thầy Anh với AMA thì con đường trở lại ngành Y của lớp YK 1975 sẽ rất gian nan , chúng em lớp Y Khoa 1975 không bao giờ quên được công ơn đó.
Thầy cũng còn lo cho các lớp YK tốt nghiệp sau 1975 bằng cách chứng nhận các BS này đã học đủ các môn khoa học căn bản tại ĐHYK Sài Gòn để họ có thể thi National Board part I và xin vào học tiếp tại các trường  Đại Học Y Khoa.

Vào những ngày đầu di tản năm 1975 trong cuộc đời lưu vong , thầy đã lưu tâm ngay đến các học trò , làm sao cho các BS VN có thể trở lại ngành Y, Thầy đã phải trả lời hàng trăm lá thư của các BS , SVYK lo lắng thắc mắc làm sao có thể hành nghề lại , soạn giấy chứng nhận , giấy giới thiệu ..công việc đòi hỏi nhiều thời gian và tài chánh và thầy đã luôn luôn sốt sắng trả lời cho từng cá nhân và chưa bao giờ hỏi bưu phí.

Sự tận tâm của thầy là gương sáng để chúng em noi theo.

Từ khi thầy về định cư ở quân Cam , California , thầy lúc nào cũng vui vẻ tham dư các sinh hoạt của các lớp Y Khoa SG , thầy cô đã không quản ngại đường xa tham dự kỳ họp mặt kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp của lớp Y 1975 tại Vancouver hè 2015.

Thật là một thiếu sót khi nói đến thầy mà quên sau lưng sự thành công của một người đàn ông luôn có sự giúp đỡ của một người bạn đồng hành đó là cô Anh , những công việc và sự hy sinh của thầy Anh không thể nào thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ , khuyến khích và thông cảm của cô Anh. Mong cô nhận nơi đây sự cám ơn chân thành của chúng em.

Thật may mắn , hạnh phúc cho lớp YK 1975 nói riêng và toàn thể các cựu SVYK đại học Sài Gòn đã có được một vị giáo sư tận tâm đáng quí như Thầy Đào Hữu Anh.

Chúng em xin chúc Thầy Cô nhiều sức khỏe và tiếp tục sinh hoạt với gia đình Y Khoa trong tương lai.

Nguyễn Việt Cường YK 1975



Giáo-Sư Đào Hữu Anh có 3 người em trai: hai người giữa là Đào Hữu Phan và Đào Hữu Giao (?), tốt-nghiệp Dược Khoa và Luật Khoa, who's who tôi không được rõ lắm. Người em út là Đào Hữu Châu, nét mặt không giống GS ĐHA, nhưng cũng khôi-ngô và thân-thể rất cường-tráng; Đào Hữu Châu cũng là luật-sư và dưòng như đã qua đời.

Châu là bạn cùng lớp vớí tôi năm 1955-1956, lớp Đệ Tam 3B3 Trung-Học Chu Văn An. Cùng trong lớp có Phạm Chí Công (sau này dậy toán tại Pháp) là em của niên-trưởng Phạm Tu Chính, nay cũng ờ Pháp, Nguyễn Thanh Giản, đã qua đời, em của niên-trưởng Nguyễn Thanh Giá, đã qua đời và là anh của BS Nguyễn Thanh Châu, hiện hành-nghề tại California, và Bùi Thế Phụng, em của niên-trưởng BS Bùi Thế Cầu, và có lẽ là anh ruột của BS Bùi Thế Chung, hiện ở Hoa Kỳ. Cũng trong lớp còn có Nguyễn Hoàng Hải và Nghiêm Sỹ Tuấn. Nguyễn Hoàng Hải là người thành-công nhất trong số các Bạn cùng Khoá theo học y-khoa; Nghiêm Sỹ Tuấn đã hy-sinh vì Tổ Quốc từ năm 1968.

BS Nguyễn Việt Cường YK 1975 viết: "Thầy ... đào-tạo nhiều thế-hệ Bác-Sĩ Y-Khoa Việt-Nam". Trong tình anh em xin sửa lại: nhiều Khóa hay nhiều Lớp (liên-tiếp trong nhiều năm); tiếng Pháp là "promotion". Thế-hệ là "génération", đại-khái là từ đời ông đến đời cha rồi đến đời con... Như Giáo-Sư Hoàng Cơ Nghị (Bác ruột của Niên Trưởng Hoàng Cơ Lân) thì có làm thầy hai thế-hệ , là thầy dậy Cha tôi ở Trường Bưởi khoảng năm 1930, và dậy Anh ruột tôi ở Trường Trung Học Chu Văn An ( là hậu thân Trường Bưởi) vào năm 1957. Xin Anh BS Cường đừng giận tôi nhé. Nếu có thầy nào vừa dậy BS Bạch Đình Minh vừa dậy BS Bạch Thế Thức thì đúng là đào-tạo hai thế-hệ như BS Nguyễn Việt Cường viết. Nhưng nhiều thế-hệ thì hơi ... nhiều.

GS Đào Hữu Anh có người bạn cùng lớp là BS Đào Quốc Anh, là con trai của văn tiền bối rất nổi tiếng là Cụ Đào Trinh Nhất. Hiện cả hai vị Hữu và Quốc đều còn sống và thỉnh-thoảng cũng vẫn còn có người lầm-lẫn hai vị với nhau.

GS Đào Hữu Anh có cuộc sống thanh-bạch. Theo chính giáo-sư kể lại trong một dịp nào đó (nếu không đúng xin cáo lỗi và rút lại chi-tiết này) thì việc chỉ-định ngành theo học tại ngoại quốc - như Giáo-Sư Đào Hữu Anh học Cơ Thể Bệnh Lý - là do sự xếp đặt của GS Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm. Giáo Sư Trần Anh du-học là về nhân-chủng-học (anthropologie), không trùng-hợp với khoa cơ-thể-học mà Giáo-Sư Nguyễn Hữu đã đậu thạc-sĩ từ nhiều năm trước và là giáo-sư titulaire. Tuy vậy cũng vẫn không tránh được những xung-khắc về sau này, như chúng ta đã biết ít nhiều.

GS Đào Hữu Anh trở về nước năm 1965 và có một Phòng Thí Nghiệm (có lẽ là tạm) đặt tại Bệnh-Viện Bình Dân. Người vui nhất là Giáo Sư Nguyễn Văn Út. Thầy Út vẫn thường gửi xét-nghiệm tới Thầy Nguyễn Huy Can và nhiều khi không đồng ý với kết-luận của Thầy Can.  Thầy Út thường gửi thêm tới BS Nguyễn Lưu Viên tại Viện Pasteur Saigon để tìm một ý-kiến thứ hai. BS Viên trong một bài hồi-ký kể lại là khi được qua Pháp học về cơ-thể bệnh-lý, ông thầy người Pháp lại khuyên là nên qua Mỹ mà học vì tại Mỹ khoa này tiến bộ rất nhiều trong khi ở Pháp có phần chậm hơn. Vậy GS Đào Hữu Anh đúng là đáp-ứng nhu-cầu cần-thiết.

Khi GS Đào Hữu Anh tham-dự những buổi "trình bầy trường hợp bệnh-lý" (présentation de malades) thì Thầy là người nói sau cùng theo đúng lối người Mỹ. Anh bạn tôi là BS Dương Hồng Huân có du-học ở Mỹ, cho biết là những buổi clinical meeting ở bệnh-viện Mỹ bàn luận rất tường tận, có thể nói là tới "orgasme intellectuel" (!). Một Anh bạn khác là Hà Chu Hằng nay ở Canada cho biết là nếu chúng ta thích những buổi clinical meeting theo lối đó thì nên đọc báo New England Journal of Medicine.

Tôi cũng nghe lời mua báo được mấy năm nhưng rồi đọc không nổi và không hết - vả lại hành nghể general practice tại Úc thì không cần giỏi đến mức-độ đó. Nhưng nếu siêng-năng chăm-chỉ thì cũng thành một y-sĩ vào hạng khá. Ngày nay Anh Em đều có qua những khoá học tại Mỹ, con cháu học tại bệnh-viện và đại-học Mỹ, chuyện này chẳng có gì lạ, nhưng ngày đó 1965 tại Việt-nam, những buổi học-tập ấy thật là mới mẻ. Thỉnh-thoảng mình cũng nhớ ra là nhờ công ơn bố mẹ nuôi cho nên người, bây giờ được vinh-hạnh ngồi cùng với những đầu óc ưu-tú của đất nước, cũng là có phần có phước nhiều lắm lắm.

Chúng ta nhìn lại thì thấy Thầy Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm ngoài việc lo giảng-dậy và đào-tạo các bác-sĩ y-khoa - sao cho so với Đại Học Sorbonne ở Paris nếu có kém sút thì cũng không kém sút quá nhiều - còn phải lo việc đào-tạo nhân-viên giảng-huấn cho sinh-viên y-khoa under graduate. Trong khi trợ giúp của người Pháp có phần bớt đi thì sự trợ giúp của người Mỹ tăng dần lên. Đặc-biệt là có Giáo-Sư Jacques Meyer May, gốc Do-Thái, quốc-tịch Pháp, nguyên Giáo-Sư Ngoại Khoa (trước GS Pierre Huard); khi ảnh-hưởng của Phát-xít Nhật bắt đầu lớn mạnh tại Việt-nam GS May bỏ Hà-nội, sau đó sang Mỹ (?) trở thành người Mỹ, và trở lại Y Khoa Đại Học Saigon giúp-đỡ rất nhiều, dường như kể cả việc anh chị em tốt-nghiệp YKĐH Saigon được chấp-thuận cho ứng thí ECFMG.

Trở lại chuyện histopathology of the skin, tại thành-phố Brisbane và ngay tại bệnh-viện Royal Brisbane Hospital có một chuyên-gia trẻ là David Weedon, đã hoàn thành  khoảng những năm 1980s, một bộ sách rất lớn dầy chừng 2000 trang, dường như cũng được biết đến nhiều trên thế-giới. Nếu Thầy Nguyễn Văn Út gặp được ông này chắc Thầy mừng lắm. Tôi rời Trường YK Saigon giữa năm 1966 nên không biết Phòng Thí Nghiệm của GS Đào Hữu Anh tại Bệnh Viện Bình Dân về sau ra sao, và tôi cũng không biết GS Đào Hữu Anh có chuyên về skin hay không - Riêng tôi, khoa này là khó lắm, và tôi cũng ít làm skin biopsy, thường là gửi bệnh nhân cho skin specialist lo liệu tất cả.

Tại Australie nghề pathologist (ana path) kiếm được nhiều tiền, hàng thứ hai, chỉ sau chirurgie cosmétique. Ngoài những biopsies... những cuộc giải-phẫu cắt bỏ đều có làm anapath. Thậm chí một cái sebaceous cyst đã lấy ra đầy-đủ (minor surgery) cũng vẫn gửi đi ana path để chắc chắn là đã lấy hết. Đó là 40 năm về trước; ngày nay thì đã có nhiều thay đổi.

Tuy-nhiên như GS Phạm Biểu Tâm và GS Đào Hữu Anh đã bỏ quên lợi-tức cá-nhân mà lo việc giảng dậy, những gương sáng đó thật là hiếm có và anh em môn đệ ghi nhớ không bao giờ quên được. Còn việc đánh giá từng người là chuyện không thể làm được, vì "nhân vô thập toàn" và con người trong cơn gió lốc, trong những hoàn-cảnh khó-khăn khác biệt của từng người từng lúc, không thể quy-định những hành-vi một cách trói buộc và gay-gắt được.

Vài chuyện luộm-thuộm lôi-thôi xin góp ý cùng Anh Em Y Khoa 1975.

Thân mến

Hà Ngọc Thuần Y Khoa 1966
Brisbane Úc Châu ngày 29.08.2017


Loading
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017