Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Thuở còn là sinh viên Điền Khải và một nhóm bạn cùng ở Đại Học Xá Minh Mạng Chợ Lớn những khi rảnh rỗi thường nhóm nhau đàn hát thật là vui. Tuổi hoa niên sung sướng vô lo không có bút nào tả siết. Không biết do đâu, Điền Khải cũng không nhớ được vì sao chàng lại có trong tay một cây đàn lục huyền cũ kỹ chàng thường dựng nó trong một góc nhỏ khiêm tốn ở đầu giường. Tuy nó xấu xí nhưng tiếng đàn rung lên êm tai và trầm ấm lạ thường.
Thuở ấy mỗi căn phòng có năm anh em ở chung nhưng không cùng khoa. Riêng phòng chàng ở, ngoài chàng và Trần Quý Trung (y khoa) còn có Lê Thành Trinh và Tchang Tê Uyên (kiến trúc), Nguyễn Khắc Ngữ (sử địa). Cứ mỗi khi rảnh rỗi hoặc sau khi đi ghi cours hay ở bệnh viện về, tắm rửa xong trong lúc ngồi đợi đến giờ ăn tại câu lạc bộ sinh viên chàng thường mang cây đàn ra ngắm nghía và ca hát nhè nhẹ một mình. Giọng chàng êm ấm và quyến rũ không hề làm cho bạn bên cạnh đang vùi đầu vào sách vở phải khó chịu, trái lại còn có bạn ở tận đầu nhà bên kia tường hát khẽ và gõ theo nhịp đàn. Những bản tình ca quen thuộc ai mà chẳng biết. Thường là những khúc nhạc của Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Hoàng Giác, Hoàng Trọng, Ngọc Bích hay Phạm Duy…
Điền Khải còn nhớ thời mới ở Hà Nội di cư vào dân miền nam chưa nồng thắm tình đồng hương lắm, có đôi khi nghi ngờ vì còn tin cộng sản nên nhiều lúc xẩy một vài chuyện gay go trong nhịp sống hàng ngày. Tiêu biểu nhất lại là ông Bửu Hội, người đã tìm ra thuốc chữa bệnh cùi, được ông Diệm gọi về giúp nước. Nhưng ác thay ông lại vụng về tuyên bố một câu xanh rờn : ‘Di cư là chạy theo chân thực dân pháp’ ! Ông không ngờ đã châm mồi lửa vào dầu. Một cuộc biểu tình của dân di cư nổi lên phản đối đã đón ông ngay tại sân bay Tân Sơn Nhứt. Đi đầu đoàn người là một số sinh viên Hà Nội di cư và người căng biểu ngữ đi hàng đầu chính là anh Đặng Vũ Biền (cố dược sư) cùng một số đông anh em trong đó Điền Khải không nhớ rõ, có thể là Roãn Quốc Sĩ, Nguyến Tư Mô, Vương Văn Bắc (cố đại sứ), Trần Thanh Hiệp…
Quả nhiên chuyện ông Bửu Hội trở lại quê hương đã không thành. Trong không khí ngột ngạt ấy sinh viên Hà Nội di cư cảm thấy có trách nhiệm một phần trong vấn đề làm sao cho dân miền nam hiểu rõ bản chất hiểm độc của cộng sản, và vì sao dân ngoài bắc phải bỏ nhà cửa đồng ruộng nơi chôn rau cắt rốn để ra đi. Với mục đích ấy Đoàn Sinh Viên Đại Học Hà Nội đã có ngay một chương trình phát thanh trên đài Sài Gòn, đã được bộ thông tin chấp thuận. Cái đinh của một giờ phát thanh vào lúc 20 giờ mỗi chiều thứ bẩy chính là bài bình luận chính trị dài hai mươi phút do anh Trần Thanh Hiệp (luật) hướng dẫn và do giọng ấm truyền cảm của Từ Ngọc Quang (y) và Phạm Văn Thuyết (luật-kinh tế) tuyên đọc.
Để lấp kín một giờ phát thanh và cũng là để thu hút khán thính giả bọn sinh viên trong đó có Điền Khải bèn trổ tài nghệ sĩ cây nhà lá vườn. Các đại nhạc khí phần nhiều có sẵn tại phòng vi âm. Ban nhạc gồm có Từ Ngọc Quang (banjo-mandoline), Trần Nguyên Bổng em Trần Thanh Hiệp (piano-accordéon-saxophone), Ngô Đình Thuấn (contre-basse), Điền Khải (guitare-chanteur), Vũ Hữu Bao (chanteur), Trần Tú (guitare), Nguyễn Hiệp (piano-accordéon). Cứ vào 8giờ tối mỗi thứ bẩy nhạc hiệu của Đoàn Sinh Viên Đại Học Hà Nội, bản Thăng Long Thành lại nổi lên. Gần như vào giờ đó toàn thể dân trong thành phố Sài Gòn đều lắng tai. Viết đến đây Điền Khải ngẫm nghĩ mà buồn cười.
Trước mỗi giờ phát thanh ngoài cây lục huyền mang theo chàng phải đeo thêm một cái kìm sắt để so giây đàn cho đúng với âm giai mẫu La trưởng. Vì bộ khóa lên giây đàn của chàng bị mất một cái nút nhựa. Phải dùng đến cái kìm sắt mới có thể vặn được ! Trần Tú là người lo thâu vào băng nhựa mỗi buổi phát thanh rồi đem nó về Đại Học Xá. Bộ máy thâu thanh này cũng do đài Sài Gòn cho mượn. Anh thường phát âm lại những bản nhạc đã được trình bầy để cho anh em cùng thưởng thức vào những giờ ăn trưa và vào buổi chiều tối. Thuở ấy (1954) những đỉa nhạc còn rất hiếm, gần như chưa có nên tiếng đàn giọng hát cây nhà lá vườn của bọn Điền Khải càng được anh em mến yêu bội phần.
Tuổi trẻ thường có những phút bồng bột kiểu nghệ sĩ tính nên thường hay bị chỉ trích. Tuy nhiên Điền Khải và cả bọn biết rằng chuyện mình làm khi mình còn trẻ, đang ham muốn thì cứ làm. Chứ đợi đến khi răng long đầu bạc thì chỉ còn là tiếc nuối thôi. Hồi mới vào nam, khi ông Diệm vừa lên làm tổng thống nắm chính quyền ông quyết tâm lập một đội quân hùng cường để bảo vệ phần lãnh thổ tự do còn lại. Tất nhiên tiếng gọi nhập ngũ được đáp ứng vô cùng đông đảo trong đó có hàng ngũ quân y. Lúc đầu rất rời rạc. Gần như hầu hết anh em di cư thuộc y khoa ngày ấy đã tình nguyện nhập ngũ. Không cần qua một kỳ thi nào.
Có lẽ đây là lần đầu tiên số sinh viên quân y hiện dịch đông đến thế. Trước đó mỗi khóa chỉ lèo tèo có dăm bảy người thôi. Sau khi lãnh lương tháng đầu thì Điền Khải tự mình đi may sắm một bộ ka ki, một cái mũ cát két, một đôi giầy, rồi tự mình gắn lon tùy theo cấp bậc và niên học. Một chi tiết nhỏ là thời ấy còn đang dưới ảnh hưởng của quân đội pháp nên anh em đều mang gạch lon ở cầu vai áo trên nền nhung đỏ (quân y) hoặc xanh lá cây (quân dược). Nhìn ngắm mình trong gương với lon nhung đỏ mầu máu Điền Khải thấy mình ‘oai’ quá. Quả thật trông nó nổi bật giửa những binh chủng khác, và điều này cỏ vẻ gây một chút ghen tức vu vơ trong các quân trường.
Mới ngoài hai mươi tuổi, cuối tháng chỉ vào trường quân y để lĩnh lương, hàng tuần chỉ đến trường vào sáng thứ hai để chào quốc kỳ và suy tôn Ngô tổng thống. Ngoài ra suốt cả tuần lễ chẳng anh em nào sờ đến bộ ka ki, không hề biết qua về quân sự, chỉ nhong nhong cưỡi xe đạp chạy đi thực tập tại khắp các bệnh viện hoặc đến trường y khoa ở 28 Testard để nghe các thầy giảng bài và ghi chép đem về Đại Học Xá để tối đến thắp đèn lên mà ‘tụng’. Cuộc đời sinh viên quân y hồi đó êm ả và nên thơ quá. Có xu rủng rỉnh trong túi bèn rủ nhau đi đến các tiệm nhẩy, chỉ một tháng đôi lần thôi. Chính cái máu nghệ sĩ nó đã đẩy Điền Khải vào môi trường này.
Có ba tiệm được bọn chàng thường xuyên chiếu cố, tất cả đều nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo: Mỹ Phụng, Văn Cảnh, và Tháp ngà (tour d’ivoire). Riêng tiệm Mỹ Phụng nằm gần khu chợ Bến Thành nhất. Có đến những chỗ này mới biết những từ thường được mọi người nhắc đến : ‘Cai gà’ là bà chủ cai thầu đám chị em vũ nữ, ‘chạy bàn’ là các cô được bà cai gà chỉ định đi tiếp khách vừa mới bước vào trong tiệm. Vì vậy Điền Khải và đám bạn lắm khi cứ ngồi lì kiểu ‘trồng cây si’ để các cô nếu có chạy bàn rồi cuối cùng cũng phải quay lại, làm nũng cười tình…
Sự đi lại nhiều lần khiến hai bên trở thành chỗ thân tình cho nên vào một dịp Tết năm ấy tại nhà hàng Mỹ Phụng, khi sắp đến giao thừa thì bỗng đèn tắt hết tối thui. Đúng lúc pháo nổ ran đèn đồng loạt bất sáng, Điền Khải và anh em xửng sốt thấy tất cả các cô cùng bà cai gà đều đến vây quanh bàn mình và đồng loạt nâng ly chúc mừng nhau… ! Ôi ! Trong cái bê bối ấy sao lại có niềm vui khôn tả ! Lê la trong các phòng trà tiệm nhẩy, còn gì bê bối hơn ? Sau này bà Ngô Đình Nhu đã xúi ông Diệm dẹp hết các điểm nóng. Chả biết đó là dấu hiệu tốt hay không.
Hôm nay cũng ôm đàn nhưng dưới bầu trời Ba Lê, Điền Khải bỗng nhớ lại cái thuở ban đầu ấy của tuổi hoa niên, chàng bỗng nổi hứng cầm bút viết mấy vần thơ Lục Huyền Cầm :
Lục huyền gẩy nhẹ khúc xa xưa
Say nắn cung đàn níu tuổi thơ
Âm hưởng lâng lâng hồn viễn xứ
Cung giai dồn dập gót giang hồ
Đôi hài nhẹ lướt êm trên sóng
Lơi lả vòng tay bước dại khờ
Thuở ấy xa xôi… Lòng lữ khách
Tình như con nhện mãi vương tơ
Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Lối xưa ,xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương....
(Bà Huyện Thanh Quan)