Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018
Hôm nay mùa Giáng Sinh, Trúc Cư bắt gặp một câu truyện hi hữu đọc trong tờ báo Le Parisien ra ngày 11-11-2017.
Trong tất cả những cuộc chiến tranh, những chiến sĩ bỏ mình trên trận địa, xác tan nát với đất cát và cỏ cây, trở thành những chiến sĩ vô danh, được những người còn sống hoặc thân nhân bạn bè gom góp đống thịt nát bầy nhầy chôn vào một huyệt chung, nên nấm mồ hay đài kỷ niệm thường mang tên là Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Vô Danh mà ta thường thấy mọc lên ở khắp nơi. Cho thấy con người càng ngày càng hung hăng chém giết nhau, số người chết không tên không thể đếm nổi.
Ba bộ xương nhưng chỉ có một tên
Tại vùng Fleury-devant-Douaumont (Meuse) miền đông bắc nước Pháp cũng có một đài tưởng niệm những chiến sĩ vô danh đã hy sinh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918. Tính cho đến nay vừa đúng một thế kỷ. Nhà cầm quyền nơi đó cùng ông thị trưởng thành phố liền có một chương trình trùng tu khu tưởng niệm, sửa soạn làm lễ một trăm năm tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước Pháp trong trận thư hùng trên vùng Verdun.
Vào ngày thứ tư mồng 6 tháng năm, năm 2015 chiếc xe ủi đất đào một hố sâu 2 thước ở Fleury-devant-Douaumont (Meuse) ngay bên dưới sân đậu xe của Đài Tưởng Niệm Verdun. Bỗng trong một lớp đất sét đen người tài công thấy xuất hiện một ít xương người. Ông ta liền thông báo cho sở Hiến Binh. Sở này liền báo cáo lên văn phòng ông Biện Lý. Một Bác Sĩ Giảo Nghiệm, ông Bruno Frémont đã được cử đến ngay tại chỗ. Ông này nay đã 62 tuổi nhớ lại ngày hôm ấy và nói rằng có ‘ba bộ xương người còn nguyên vẹn nằm chung với nhau ló ra khỏi đống đất sét rất cứng và ướt’. Chính ông cũng đã từng là bác sĩ cấp cứu của Sở Cấp Cứu vùng Verdun.
Chung quanh đống xương toàn là những đồ quân nhu sản xuất từ thời chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 được bới lên sau khi đã được cạo sạch đất. Những cái túi rết bằng da còn chứa mấy viên đạn súng Lebel, ‘ánh kim khí còn chiếu sáng ngời dưới nắng’. Một dây thắt lưng bằng da của quân nhân dưới thời tướng Nivelle. Những lưỡi lê Rosalie, một chiếc mũ Adrian, những chiếc giầy đinh, những khuy áo trận, những bình nước hai miệng. Chắc chắn đây là những chiến sĩ thuộc thế chiến thứ nhất. Bác sĩ giảo nghiệm bới ra từ đống đất sét một cặp kính kẹp mũi không có gọng và một be rượu nhỏ còn nguyên rượu bên trong, loại rượu bạc hà (alcool de menthe Ricqlès) thưở ấy các chiến sĩ thường dùng như là một loại bổ dưỡng tăng sức. Be rượu đã dùng chỉ mới hết một nửa. ‘Tôi ghé mũi ngửi cái nút, hãy còn thơm mùi bạc hà’ ông còn xác định như thế.
Đống đất bới lên từ cái hố này đã được đem đổ làm nền trên một khoảnh đất cách đấy chừng 200 thước. Ông liền ra lệnh dùng những cái sàng mau để sàng đất kiếm tìm thật kỹ trong đống đất ấy xem có còn gì nữa không. Thật là phép lạ ! Các nhân viên đã tìm thấy trong đó một cái mề đay hình quả trám dài 3 phân. Trên chiếc mề đay bằng hợp kim thiếc-nhôm có ghi tên Fournier Claude và con số 1900. Đây là tấm thẻ bài của quân nhân có khắc tên với năm nhập ngũ. Thẻ này thường được các quân nhân đeo trên cổ khi xung trận. Chẳng biết cái thẻ bài này có dính dáng gì với ba bộ xương kia hay không ? Ngay lúc ấy thì chưa có gì cho phép ông Bác Sĩ Giảo Nghiệm xác định chuyện đó.
Theo vết chân của đứa cháu ngoại
Sau nhiều cuộc tìm kiếm do một nhà báo của tờ báo l’Est républicain rất đam mê về trận chiến Verdun, nhưng cũng nhờ vào sự giúp đỡ của ban biên tập Souvenir français, cái dáng dấp của người lính Claude Fournier mới hiện rõ dần dần. Trong đống hồ sơ thuộc văn khố quân đội người ta được biết ông trung sĩ này là một trong những tay cột trụ của trung đoàn bộ binh 134, sinh năm 1880 ở Colombier-en-Brionnais (Saône-et-Loire) và đã chết cho nước Pháp ngày 4-8-1916 ở Douaumont. Nhờ có một bài báo của làng nói về chuyện này nên ông thị trưởng cuả Colombier-en-Brionnais cảm thấy rất háo hức vì dịp này đã làm xôn xao dư luận của 300 dân làng. Ông bèn cho khắc tên của Claude Fournier lên tấm bia của đài tưởng niệm các chiến sĩ tử trận 1914-1918. Lúc ấy ông đã 58 tuổi, ông bèn thúc đẩy cuộc tìm kiếm phả hệ của người lính này. Ông nói : ‘trong làng không còn ai mang cái tên này, khi tôi hỏi cũng không một ai biết gì hết. Vì hồi ấy Claude Fournier đã đi khỏi làng và làm nghề thợ làm vườn ở vùng Lyon’.
Cuối cùng tình cờ ông đã gặp được người cháu gái của người lính này. Cô này đã hướng dẫn ông đến đứa cháu ngoại của người quá cố. Robert Allard, 75 tuổi hiện cư ngụ ở Cannes (Alpes Maritimes). Ông bèn gọi điện thoại để nói chuyện. Ở đầu giây bên kia, kẻ đối thoại tỏ vẻ rất xứng xốt và cảm động : ‘Tôi rớt từ trên trời xuống hay sao đây ! Trong gia đình chỉ biết là ông ngoại tôi chết ở trận Verdun thế thôi. Có lẽ bây giờ người ta đã tìm thấy xác sau một thế kỷ !’ Ngay lập tức ông này nghĩ ngay đến mẹ của ông 101 tuổi vừa mới nhắm mắt năm 2011. ‘Cái hối tiếc của mẹ tôi là vẫn không được biết cha của bà nằm ở đâu’.
Sự xuất hiện của giọt máu đào thuộc giòng họ người chiến binh trên đã cho phép cuộc dò tìm di truyền tiến hành. Ở Verdun sau khi được giấy phép của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng, ông bác sĩ Bruno Frémont và cô Tania Delabarde, nhà nhân chủng học của Viện Giảo Nghiệm Paris bắt đầu lấy mẫu thử nghiệm ở xương đùi và răng của ba bộ xương tìm thấy nói ở trên. Những mẫu này được gửi đến một nhà Di Truyền Học ở Strasbourg (Bas Rhin). Về phần ông Robert Allard người ta lấy mẫu thử nghiệm ở nước miếng. Những hình ảnh của những mẫu này đã được đem đối chiếu. Kết quả : Cái đặc tính di truyền (ADN) của nhiễm sắc thể của đứa cháu ngoại rất ăn khớp với cái ADN của một trong ba bộ xương kia. Người chiến binh Claude Fournier, số quân 04329 đã được chính thức xác nhận sau đó.
Sở Hiến Binh tiến hành tạo hình bốn bộ mặt (portraits robots)
Người chiến sĩ vô danh nay đã có tên hẳn hoi. Nhưng bộ mặt thì sao ? Ông Robert Allard đã có một hộp ảnh cũ của gia tiên cất trong một xó ở ga ra xe hơi. Nhưng do một trận lụt vào năm 2015 ở Cannes, những tấm ảnh hư hết và mất hết. Viện Truy Nã Tội Phạm ở Pontoise (Val-d’Oise) bắt đầu nhập cuộc tìm kiếm. Trong cơ chế luật pháp, do phán quyết của ông Biện Lý của nền Cộng Hòa (Procureur de la République) viện này bèn tái tạo lại bộ mặt của Claude Fournier căn cứ vào cái sọ đã tìm thấy và đã được công nhận nhờ ADN. Gần 78 căn điểm ba chiều (scanner) trên độ sâu của hốc mắt, độ cao của gò má, của u chân mày và đường kính của hốc mắt… đã được ráp lại với nhau. Ông trung tá Nicolas Thiburce cho biết ở thời điểm này với những dữ kiện như trên thì chỉ có thể có được một bộ mặt rô bô rất thông thường thôi. Nhưng với những chi tiết của ADN của người chiến sĩ thì có thể có thêm đến 96% đúng với hình thật như là màu da trắng, mầu xanh lơ của con ngươi, mầu tóc nâu vàng.
Nhờ tạo hình ba chiều căn cứ trên ADN ông ngoại tôi gần như sống lại
Trên đây là lời nói của Robert Allard cháu ngoại của người lính Claude Fournier. Những dữ kiện khoa học không thể làm linh động vẻ mặt được, mà phần đông chỉ là do chủ quan của người nhìn. Các nhà chuyên môn đã đưa ra bốn bộ mặt khác nhau về tóc và râu. Cuối cùng bốn bộ mặt giả tạo đã được đem so với bức ảnh thật. Bức ảnh này may mắn làm sao lại được cô em họ rất xa của Robert Allard đưa ra. Trong bức ảnh này, Claude Fournier chụp chung với 14 quân nhân khác, ai cũng đội mũ và để râu. Một sĩ quan cao cấp nói : ‘tôi nhận ra ngay ông ta nhờ vào cái hình rô bô, nhưng những người khác chưa chắc họ đã thấy’. Chắc ý ông sĩ quan này không muốn nói rằng phương pháp tạo hình của ông là ‘nhất’. Trong lần này phương pháp tạo hình đã ‘tôn vinh’ người lính Fournier và hâm nóng lòng tưởng nhớ của mọi người. Sau đó một ông Đại Tá Hiến Binh đã gửi hết tài liệu này cho ông Robert Allard. Ông này đã nhận và đã nói qua nước mắt : ‘Không thể bảo rằng cái hình tạo đã giống hệt cái hình thật, nhưng nó đã làm ông ngoại tôi sống lại. Ông tôi chính là một vị anh hùng’.
Được chôn cất sau một thế kỷ
Sau nhiều cuộc tìm kiếm và giảo nghiệm, Claude Fournier cuối cùng đã không còn là chiến sĩ vô danh nữa. Ông đã được chôn cất với bảng tên tại nghĩa trang Douaumont ngày 21 tháng hai, ngày mà trận chiến Verdun nổ bùng. Chứng kiến lễ hạ huyệt có sự hiện diện của đứa cháu ngoại và ông quan tòa Colombier, ông Jean Paul Malatier cùng rất đông dân làng.
Lời bàn :
Với khoa học ngày nay và với sự tình cờ của cuộc sống, ‘phép lạ’ đã xẩy đến cho dân làng vùng Douaumont. Nhưng ta cũng phải công nhận là phép lạ ấy chỉ có thể xẩy đến đối với một dân tộc như nước Pháp vì những nhân viên chuyên các ngành trong việc tìm kiếm người đã mất tích hoặc thủ phạm rất có lương tâm nghề nghiệp, đã hăng say trong công việc và trong nhiệm vụ của mình.
Ta cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ đến biết bao nhiêu xác của người lính VNCH và của dân lành của miền nam trước kia đã rải rác trên đất mẹ Việt Nam. Những tên tuổi đã bị quên lãng và những linh hồn vất vưởng không hương khói, mà những kẻ cầm quyền hầu như không bao giờ quan tâm. Những cuộc chiến tranh tàn khốc xẩy ra trên vùng Âu châu không biết bao nhiêu mà kể, nhưng không hề có một ‘nhà tù cải tạo’ nào. Trái lại tại Việt Nam ‘nhà tù cải tạo’ mọc như nấm. Ta không biết có nên gọi là ‘người’ không những kẻ đang cầm quyền hiện nay ?
Cảm đề Người Về Từ Cõi Hư Vô
Oan hồn vất vưởng bấy lâu nay
Đã một trăm năm bỗng một ngày
Bia đá ghi công trên đất mẹ
Ngàn năm hương khói nhớ ơn người
Fournier tên Claude chàng tuổi trẻ
Nợ nước đền xong nát hết thây
Nhưng tấm thẻ kia, be rượu ấy
Linh thiêng kỷ vật kể từ đây.
Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh