TẢN MẠN VỀ MỘT BÀI HÁT NÓI CỦA NGUYỄN KHUYẾN:
“ BÙI VIÊN ĐỐI ẨM TRÍCH CÚ CA”
Bác sĩ Nguyến Đương Tịnh trong bài “ Men rượu trong Đường Thi” nói rằng nếu ai hỏi trong tứ đổ tường, chàng thích món nào nhất thì chàng không ngần ngại mà trả lời là Tửu, chàng còn nhấn mạnh thêm Tửu trên Sắc vì Sắc với thời gian còn tàn phai chứ Tửu thì càng lâu càng ngon.
Không biết có những ai phản đối chàng nhưng có một bậc tiền bối đã không đồng ý là Tú Xương khi ông thú thực là:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.
Không biết có những ai đồng tình với chàng nhưng có một bậc tiền bối đã có phong cách như vậy vì trong hầu hết các thi ca của ông thì thi liệu sung túc và phổ quát nhất chính là Rượu: đó là Nguyễn Khuyến khi ông tự thú trong bài thơ:
CHỪA RƯỢU
Những lúc say sưa cũng muốn chưà
Chừa được nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.
Tôi lại có ý kiến khác là cần phân biệt trong cá nhân Nguyễn Đương Tịnh có hai chân mục diện, một khi còn là chàng trẻ tóc xanh thì tôi nghĩ hẳn là chàng sẽ lâm cảnh sắc bất ba đào dị nịch nhân, và một khi chàng đã trở thành ông lão tóc bạc thì giống như là Nguyễn Khuyến, mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nguyễn Khuyến khoái rượu tới nỗi còn viết trong Di Chúc Văn, dặn dò con cháu:
Việc tống táng nhung nhăng, qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu hoa...
Âu Dương Tu (1007-1072), một trong bát đại gia Tống Đường tự hào có sáu cái nhất gồm 10,000 cuốn truyện, 1,000 cuốn thơ, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu, một đôi chim hạc tóm lại đầy đủ cầm kỳ thi tửu nhưng không có bóng dáng mỹ nhân.
Kim Thánh Thán (1608-1661) có đề cập tới 33 cái khoái của ông, và đây là:
Cái khoái thứ 3: ” Một bạn cố tri xa cách cả mười năm, bỗng tới tới thăm. Mở cửa vái nhau xong, chưa kịp hỏi han gì về đường đi nỗi bước, cũng chưa kịp mời bạn ngồi giường hay ghế mà chạy vội vào trong bếp hỏi nhỏ vợ nhà có sẵn rượu không? Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đi đổi lấy rượu, tính ra đãi bạn rượu được ba ngày. Chẳng cũng là một cái khoái sao?”
Còn đây là cái khoái thứ 16: “ Đêm đông uống rượu, trời bỗng chuyển lạnh, mở cửa sổ nhìn ra ngoài trời thấy từng cụm tuyết lớn như bàn tay phủ đầy ba bốn tấc. Chẳng cũng khoái ư?”
Chưa hết, ông kể thêm về cái khoái thứ 21: “ Một hàn sĩ thèm rượu, tới mượn tiền nhưng ngại ngùng nói bâng quơ những chuyện đâu đâu, đoán được khổ tâm của bạn,vào trong nhà lấy đủ số tiền bạn muốn mượn rồi hỏi bạn nế không có việc gì gấp thì ở lại uống vài chén rượu, chẳng cũng khoái sao?”
Tuyệt nhiên trong tất cả những cái khoái của ông không thấy nói cái khoái nào về đàn bà.
Các cao thủ về rượu tuy vậy cũng chưa ca tụng rượu tới mức như Đào Tiềm, tửu nhập thi xuất, viết tới cả 20 bài thơ nhan đề Ẩm Tửu, thế mà vẫn còn lép vế với Lưu Linh (Người đời Tấn, 210-270, một trong Trúc Lâm Thất Hiền) còn nâng rượu lên cao qúy hơn một bực nữa qua bài thơ Tửu Đức Tụng/ Đức Uống Rượu.
Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân đã bình bài Tửu Đức Tụng như sau:
Uống rượu say được như tiên sinh thực là hiếm có. Say mà tới nỗi lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, trút sạch được hết lợi dục, quên bỏ được hết việc đời, kẻ giàu sang, người quyền thế mà lòng còn như con sâu róm, con tò vò thì quả là một cái say thú vị, làng say vị tất có mấy ai hưởng được. Nên tưởng những kẻ chưa tới được cảnh say, chưa được biết say là thế nào, là gì cũng chẳng nên bàn tán về cái say, cười người say chưa thấy đâu mà lại bị người say cười lại. Còn những hạng người say mà nói năng lảm nhảm, làm điều càn rỡ, phạm những việc thương luân bại lý thì là tội nhân của Lưu Linh chứ đâu phải là đồ đệ của Lưu Linh. Nói rộng ra, giới tưủ hay kiêng rượu đúng như Phật dậy cố nhiên là đáng trọng, nhưng uống rượu mà vui tươi, tao nhã như tiên sinh thì cũng không thể khinh được.
Nói chuyện về rượu thì liên tu bất tận, riêng thơ về rượu cũng cả ngàn bài, hơn nữa trong bài viết hôm nay qúy vị đã được hai nhà thơTrúc Cư và Con Cò mời cụng ly mỗi người cả chục lần qua các bậc tiền bối trong thơ Đường, tôi không muốn làm qúy vị mềm môi chén mãi say tít cung thang nên chỉ giới thiệu một bài hát nói của Nguyễn Khuyến dưới đây, ngoài nhan đề là Túy Ông Ca/ Khúc ca Lão Say còn có tên là
BÙI VIÊN ĐỐI ẨM TRÍCH CÚ CA Nguyễn Khuyến diễn nôm
1.Túy Ông chi ý bất tại tửu Túy Ông ý chẳng say vì rượu
2.Nhi tại hồ sơn thủy chi gian Say vì đâu nước thẳm với non cao
3.Sơn mịch mịch thủy sàn sàn Non lặng ngắt, nước tuôn ào
4.Ngô dữ từ chi sơ cộng thích Tôi với bác xưa nay cùng thích thế
5.Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch Đời trước thánh hiền đều vắng vẻ
6.Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh Có người say rượu tiếng còn nay
7.Sở dĩ chung nhật túy đồi nhiên Cho nên say khướt cả ngày
ngọa tiền doanh Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng
8.Chu Bá Nhân độ giang tam nhật tỉnh Chu Bá Nhân thuở trước sang sông
bất vi thiểu Chỉ tỉnh rượu ba ngày không phải ít
9.Mạc khiếu! Mạc khiếu! Kêu gào thế
10.Hà sự đương sơ mạc tiếu cười chi cho mệt
11.Tửu hàm bạt kiếm chước điạ sa mạc ai Chớ buồn khi nghe tiếng hát làng say
12.Khuyến quân cánh tận nhất bôi. Xin người gắng cạn chén này.
Bên trên tôi nói chỉ giới thiệu một bài hát nói, hoá ra nói vậy mà không phải vậy vì Nguyễn Khuyến đã dùng ảo thuật biến cả 12 bài thơ của các tiền bối hóa thành một bài hát nói độc đáo của mình, cho nên tựa đề mới viết là Trích Cú Ca nghĩa là trích các câu thơ mà làm thành bài hát nói này. Vậy thì ta phải trở lại đọc từng câu xem ông đã trích thơ của ai?
Theo giới nghiên cứu thơ thì câu thứ 1 và 2, ông đã trích từ bài Túy Ông Đình Ký của Âu Dương Tu đời Tống. Âu Dương Tu có một cái đình nhỏ tại núi Lang Nham khi bị biếm làm thái thú Trừ Châu. Tại Túy Ông Đình này ông thường cùng bạn hữu uống rượu ngâm thơ. Ông giải thích cái biệt hiệu Túy Ông của mình, đại ý tuy tên là Túy Ông nhưng không phải say vì rượu mà là say vì cảnh sơn thuỷ qua câu Tuý Ông chi ý bất tại tửu/ Nhi tại hồ sơn thủy chi gian.
Câu 3, tác giả An Dương trên mạng đoán lấy từ hai câu thơ trong bài Lâm Giang Vãn Độ cuả Phùng Khi Ưng đời Minh, “ Bề cổ nhập vãn sơn mạc mạc/ Mã đề đạp sạn thủy sàn sàn” nghĩa là, “ Trống nhỏ trong mây núi tịch mịch/ Vó ngựa đạp cầu (treo) nước róc rách.” Giả thuyết này có vẻ không vững. Vây thì xuất xứ từ đâu, chưa rõ.
Câu thứ 4, ông trích từ bài phú Tiền Xích Bich của Tô Thức tức Tô Đông Pha (1036-1101) một trong Đường Tống bát đại gia, làm khi đi chơi thuyền dưới chân núi Xích Bích vào ngày rằm tháng 7 Nhâm Tuất, 1082 trong đó có đoạn như sau – Phan Kế Bính dịch:
...Duy giang thượng chi thanh phong ...Chỉ có ngọn gió mát trên sông
Dữ sơn gian chi minh nguyệt Cùng là vừng trăn sáng trong núi
Nhĩ đắc chi nhi vi thanh Tai ta nghe nên tiếng
Muc ngộ chi nhi thành sắc Mắt ta trông nên vẻ
Thủ chi vô cấm dụng chi bất kiệt Lấy không ai cấm,dùng hoài không hết
Thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã Là kho vô tận của tạo hóa
Nhi ngô dữ từ chi sở cộng thích... Là cái thú chung của bác và tôi...
Sau đó, tới muà đông ông cũng lại đi thuyền chơi và làm một bài phú khác gọi là Hậu Xích Bích.
Hai câu 5 và 6 trích từ bài Tương Tiến Tửu/ Mời Rượu của Lý Bạch, Con Cò Thơ dịch như sau:
...Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch ...Thánh hiền xưa rồi sẽ lu mờ
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh... Đời lưu danh những kẻ say sưa...
Xuất xứ của bài thơ này là khi đó Lý Bạch, vào niên hiệu Khai Nguyên, được Phủ Doãn Thái Nguyên là Nguyễn Dần mời tới chơi, được tiếp đãi ân cần, còn được phụ thân của bạn tặng một chiếc áo lông cừu và một con tuấn mã đáng giá nghìn vàng. Trên đường về Lạc Dương Lý Bạch bất ngờ gặp Nguyễn Đan Khâu cùng Sầm Huân, thế là bày tiệc rượu dưới trăng tâm tình. Hai người thấy Lý Bạch uống hết chung này sang chung khác sợ qúa say, bàn nhau khích họ Lý làm thơ, mới nói rằng, “ Nghe bằng hữu uống một đấu rượu thì thơ tuôn tràn như nước mà thấy đã uống hai ba đấu rồi mà sao thơ đâu?” Lý Bạch tuy biết mình mắc mưu nhưng cũng đứng lên vỗ ngực nói, “ Thơ ở đây này!” rồi xuất khẩu thành bài thơ trên, với 4 câu kết Con Cò Thơ dịch như sau:
…Ngũ hoa mã ...Ngựa qúy đẹp
Thiên kim cừu Áo ngàn vàng
Hồ nhi tương xuất hoán mỹ tửu Cứ sai đi đổi lấy rượu ngon
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu. Uống cho sầu vạn cổ không còn.
Câu 7 cũng trích từ thơ Lý Bạch trong bài Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí/ Ngày Xuân Say Nói Chí Mình với bốn câu đầu được Con Cò Thơ dịch dưới đây:
Thế sự nhược đại mộng Thế sự như mộng lớn
Hồ vi lao kỳ sinh Hơi đâu mà nhọc thân
Sở dĩ chung nhật túy Say cho ngày tiêu hết
Đồi nhiên ngọa tiền doanh... Ra hiên mái ngủ lăn...
Câu 8 trích từ thư của Trần Tuyên đời Lương gửi cho con người anh trong đó nêu lên chuyện Chu Bá Nhân tức Chu Nghị khi qua sông chỉ tỉnh có ba ngày và cho thế cũng không phải là ít, nguyên văn như sau, “ Tích Chu Bá Nhân độ giang, duy tam nhật tỉnh, ngô bất dĩ vi thiểu.” Chu Bá Nhân làm quan đời Tấn tới chức Thượng thư Tả bộc dịch, gặp thời loạn, cáo quan, độ giang về Giang Đông. Ông uống rượu liên miên, thường chỉ tỉnh được tới ba ngày là nhiều.
Câu 10 lấy từ Tống sử kể chuyện vua Chân tông không có hoàng nam nên làm lễ cầu tự. Ngọc Hoàng hỏi chư tiên có ai muốn xuống trần làm hoàng tử, quần tiên đều im lặng, riêng có Xích Cước đaị tiên nhoẻn cười, Ngọc Hoàng thấy thế liền cho ông xuống đầu thai làm con trai Chân Tông nhưng từ khi sinh ra, đứa bé ngày đêm khóc không ngừng, xong nhờ có một đạo sĩ vào nói với đứa trẻ, “ Hà tự đương sơ mạc tiếu” thế là đứa bé nín ngay.
Câu 11 trích từ bải thơ Đoản Ca Hành Tặng Vương Lang Tư Trực của Đỗ Phủ.
Xuất xứ của bài thơ như sau: Đỗ Phủ năm 768 dọn nhà từ Qùy Châu tới Giang Lăng, gặp tại đây một chàng trai trẻ họ Vương có tài chí mà chỉ được một chứa quan nhỏ là Tư Trực nên bất đắc chí từ quan, về đất Thục nên Đỗ Phủ làm bài thơ đưa tiễn này với câu mở đầu, “ Vương lang tửu hàm bạt kiếm chước địa ca: Mạc ai!” nghiã là Chàng Vương rượu say, kiếm chém đất, ca rằng: Đừng buồn!
Câu 12 trích từ bài thơ tứ tuyệt Vị Thành Khúc của Vương Duy, Hoàng Xuân Thảo dịch như sau:
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần Vị Thành mưa sớm bụi mù tăm
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân Quán khách xanh xanh thắm liễu hàng
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu Xin người cạn hết một ly rượu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân! Tây khỏi Dương Quan đâu cố nhân!
Vị Thành là Hàm Dương thời xưa, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Dưng Quan nằm phía Nam Ngọc Môn Quan, thuộc tỉnh Cam Túc.
Nguyễn Khuyến đã tóm 12 bài thơ của người đúc kết thành bài hát nói của mình thật là tài tình và chúng ta tưởng chỉ đọc một bài thơ mà hóa ra đã thưởng thức ngẫu nhiên 12 bài thơ của các bậc danh sĩ.
Nói theo kiểu Thánh Thán, đọc như vậy chẳng là mệt sao? Nghỉ thôi! dù cũng thấy là một cái khoái. Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Mời người uống cạn chén rượu này thôi.