Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
BS Trang Châu

BS Trang Châu

Cái –ng Nghe BŒnh Và M¶t Bài ThÖ
 
Trang Châu
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018
Tản Mạn
Phải thú thật tôi là một người hết sức may mắn.Chừng ba tháng, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, số y sĩ VN tị nạn ở Montréal, thuộc tỉnh bang Québec ( Canada ), là 80 người.Sau một phiên họp Hội Y Sĩ VN được thành lập và tôi được chọn làm thư ký của hội.Tôi thiết lập danh sách hội viên gởi lên Y Sĩ Doàn Québec.

Nếu tôi nhớ không lầm thì đầu năm 1976 Y Sĩ Doàn Québec thông báo sẽ mở một khóa huấn luyện  3 tháng nói là để giúp các y sĩ tị nạn VN thấu hiểu hơn một số bệnh thường thấy ở xứ lạnh mà ở xứ nóng ít khi gặp.Sau khóa học họ thông báo sẽ mở một kỳ thi để chọn một số đi làm nội trú vào tháng 6 cùng năm.Sau khi thi chừng một tháng thì có kết quả: 40 người được chấm đậu.Tôi nằm ở hạng thứ 20.Vui mừng và hồi hộp.

Vui vì được chấm đậu, hồi hộp vì không biết mình có được chọn đi làm nội trú trong năm hay không.Bất ngờ một tuần sau tôi nhận được thư của Y Sĩ Doàn báo tôi hai ngày nữa phải trình diện Ban Giám Học của Centre Hospitalier Universitaire de Sherbrooke (gọi tắt là CHUS) để nhận chỗ nội trú. Sherbrooke nằm cách xa Montréal chừng 70 cây số.Chúng tôi tới tấp gọi điện thoại cho nhau để biết ai có giấy gọi đi làm nội trú, ai không.Chỉ có 20 trên 40 người thi đậu được gọi đi nhận chỗ nội trú. Hỏi Y Sĩ Doàn họ trả lời tài khóa phụ trội cho năm 1976 chỉ đủ cho 20 chỗ nội trú. Như vậy 20 người còn lại phải chờ đến năm sau.

Tôi rất vui mừng được đi làm nội trú ở một bệnh viện đại học nói tiếng Pháp.Một số được chia đi làm nội trú ở các bệnh viện đại học nói tiếng Anh.Trước đó Y Sĩ Doàn  có gởi cho chúng tôi một văn thư hỏi về khả năng sinh ngữ Anh, Pháp của mỗi  người.

Mặc dù trước 75 tôi có học mấy lớp Anh văn ở hội Việt Mỹ  Sàigòn nhưng làm sao bằng vốn luyến Pháp văn tôi có được từ Tiểu, Trung và Đại Học.Cho nên tôi đã thành thật ghi: Tiếng Pháp đọc, nói, nghe đều ’’très bien’’ (rất tốt) còn tiếng Anh thì tôi ghi: đọc: ’’bon’’ ( tốt ),nói thì ’’passable’’ (tạm được) còn nghe thì ‘’faible’’ (kém). Chắc nhờ vậy tôi được gởi đi làm nội trú ở một bệnh viện nói tiếng Pháp như tôi hằng mong muốn. Chúng tôi có 5 người được Y Sĩ Đoàn giới thiệu đi làm nội trú ở CHUS. Xuống tới nơi ông bác sĩ Giám Học nói bệnh viện hiện chỉ có 4 chỗ nội trú. Người thứ 5 không có tên đành lủi thủi ra về chờ năm sau.

12 tháng làm nội trú của tôi suôn sẽ. Chỉ  khi còn một tuần nữa đến ngày thi lấy bằng hành nghề thì tôi là nạn nhân của một sự kỳ thị. Sự kỳ thị không đến từ phía các thầy, các thường trú, các nội trú hay các sinh viên da trắng mà đến từ một cô y tá! Hôm đó đi ‘’tour’’ các giường bệnh xong, 5 người chúng tôi gồm 1 thường trú, 2 nội trú (trong đó có tôi) và 2 sinh viên năm thứ 4 kéo nhau về quầy làm việc của các cô y tá để trả hồ sơ các bệnh nhân  cùng tiếp tục nghe anh thường trú  nói về một phương pháp trị liệu mới. Bất thình lình một cô y tá nhớm người, vói tay chụp cái ống nghe bệnh tôi đang đeo ở ngực đưa lên nhìn rồi nói :

-Tôi muốn xem ông có cầm nhầm cái ống nghe của bàn chúng tôi không ?

Tôi sửng sờ nhìn cô ta. Giữa 5 người đều mang ống nghe bệnh sao cô ta chỉ nghi một mình tôi có thể lấy nhầm ống nghe của bàn các cô thôi ? Có phải chỉ tại mình tôi là dân da vàng duy nhất trong đám da trắng? Có phải chỉ có da vàng, nhất lại là da vàng tị nạn, là tâm có thể bất chính thôi chăng?

Anh bạn nội trú da trắng, thấy cử chỉ thiếu tế nhị của cô y tá, kiếm cách đỡ lời:

-Có lẽ ống nghe của anh cùng màu với ống nghe của các cô.

Trên đường về nhà trọ tôi vẫn không nguôi  cơn giận, cảm thấy nhân phẩm  mình bị xúc phạm nặng nề.Tối hôm đó tôi nuốt tô mì gói không trôi,không tập trung được vào việc học dù ngày thi đã cận kề.Tôi ngồi bất động, hai tay ôm đầu gần cả giờ trước bàn học, không muốn khóc nhưng sao hai dòng lệ cứ chảy dài trên má. Đây là lần thứ hai, từ khi mất miền Nam, tôi không muốn khóc mà nước mắt cứ tuôn ra. Lần thứ nhất tôi khóc là lúc đứng trên boong chiếc tàu của Hải Quân VN, hát quốc ca, làm lễ hạ cờ VNCH trước khi tàu cập bến Phi Luật Tân vì nước này đã thừa nhận nhà cầm quyền Cộng Sản VN!

Không học được, tôi thấy mình phải viết một cái gì cho đầu óc bớt căng thẳng.Viết gì đây? Bất chợt tôi tự hỏi vì đâu mình ra nông nỗi này, vì đâu phải lang bạt đến xứ người để  bị người ta nghi ngờ, khi dể? Vì người đồng mình của mình.Phải rồi vì anh ta phản bội mình. Vào lúc đó, trong đầu tôi, tôi tự hỏi cái vụ Watergate, vụ ông Chánh từ chức, ông Phó bị lôi vụ trốn thuế không thay thế ông Chánh được, để cuối cùng đưa một ông dân biểu Quốc Hội lên làm Tổng Thống, không do dân bầu, bị bó tay nhưng không bị trói buộc vào những gì ông Chánh trước của người đồng minh hứa với ông Chánh của miền Nam thời đó, có phải chỉ là một màn sắp đặt? Và lạ lùng thay cho đến mãi tận ngày hôm nay tôi vẫn tự hỏi mình câu hỏi đó.

Và thế là bài thơ Gởi Người Đồng Minh Hôm Qua ra đời. Viết xong câu thơ cuối vào lúc 3 giờ sáng, tôi gục ngủ trên bàn học cho đến 5 giờ sáng thì thức dậy. Sau khi đọc lại bài thơ tôi nghe lòng nhẹ nhỏm, như đã trút được bao nhiêu bực tức, uất nghẹn trong lòng. Một điều rất ngạc nhiên dù thời gian vừa học thi, vừa trực gác bệnh viện, mỗi đêm  ngủ không quá 3 tiếng đồng hồ, hai hôm đi thi đầu óc tôi tỉnh táo vô cùng. Và tôi lại may mắn thêm lần nữa lấy được bằng hành nghề vào tháng 7 năm 1977.

Bây giờ đã 41 năm trôi qua, đọc lại bài thơ Gởi Người Dồng Minh Hôm Qua tôi thấy có đoạn, có thể vì bực tức, tôi trách móc hơi quá lời hay không đúng sự thật. Cho nên hôm nay, với tất cả khách quan có được, tôi đánh giá lại nội dung bài thơ của mình, nhìn bằng cái nhìn hôm nay về một quá khứ bi thương, còn giá trị nghệ thuật của bài thơ xin dành cho người đọc thẩm định.

‘’nhân danh Tự Do
‘’anh đến nước tôi
‘’biến mảnh đất hiền hòa
‘’thành tiền đồn máu lửa

Thật ra mảnh đất đã không hiền hòa từ thời người Pháp còn hiện diện. Nhưng mảnh đất về sau thành tiền đồn máu lửa thì đúng .

‘’anh có súng, có tiền
‘’chúng tôi có xương, có máu
‘’những tưởng tuy khác tương quan
‘’nhưng chung cùng lý tưởng
‘’nào ngờ xương máu chúng tôi đổ ra
‘’kéo dài thêm cuộc chiến
‘’chỉ để giúp anh chờ kiếm thời cơ
‘’treo cao giá món hàng
‘’nhân danh dân tộc anh
‘’chán ghét chiến tranh
‘’anh hy sinh dân tộc tôi
‘’ba mươi năm đỏ mắt
‘’mong chờ hoà bình

Những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam được giải mả sau này  đã chứng minh những lời tôi chua chát mỉa mai năm 1977 là không sai.

‘’kẻ thù gọi anh đế quốc
‘’chúng tôi gọi anh phù thủy mắt xanh
‘’bởi vì anh có tài thay đen đổi trắng :
‘’cũng những người lính Việt Nam
‘’ đáng thương gục ngã hàng ngày
‘’h ôm qua họ là những con thỏ con hèn nhát
‘’ khi anh muốn nhúng tay vào
‘’ng ày mai họ là những con sư tử oai hùng
‘’khi anh muốn rút chân ra

Tôi không nhớ rõ tờ Newsweek hay tờ Times dạo đó có lần đăng một bài chê bai binh sĩ VNCH hèn nhát, ví họ như những con thỏ, chưa đánh đã chạy. Và sau đó Mỹ ồ ạt đổ quân . Rồi chừng 7,8 năm sau cũng chính tờ báo đó lại có bài viết binh sĩ VNCH bây giờ đã trở thành những con sư tử. Và tiếp đến là Việt Nam hóa chiến tranh để Mỹ rút hết quân. Rõ ràng cái lưỡi không xương nên nhiều đường lắc léo!

‘’nhân danh quê hương tôi nghèo đói
‘’vì ruộng đồng bỏ hoang
‘’anh biến đất khô anh thành đồng lúa
‘’nuôi  sống nhân công anh
‘’có phải vì lòng anh so le
‘’nên gạo anh cũng hạt ngắn, hạt dài?
‘’có phải vì lòng chúng tôi cay thù, đau bạn
‘’nên nuốt từng miếng cơm
‘’nước mắt đầm đìa, giọt dài giọt ngắn? 

Ruộng đồng đất nước tôi bị bỏ hoang vì chiến tranh thì có thật. Nhưng tôi phải thú nhận tôi hơi ép và hơi ác khi lên án người đồng minh trồng lúa trên đất khô, không phải để ăn mà chỉ để xuất cảng, để tạo công ăn việc làm cho người dân xứ họ. Và trời đã phạt sự thiếu trong sáng này nên bắt gạo của họ so le, hạt thì ngắn, hạt thì dài. Nhưng khi tôi viết chúng tôi nước mắt đầm đìa giọt dài giọt ngắn thì cũng không đúng, không đúng vì không tới. Sự thật nước mắt chúng tôi thuở ấy không có giọt ngắn, toàn giọt dài!

‘’nhân danh phú quí
‘’anh vung vãi kim tiền
‘’khuynh đảo lương tâm
‘’đẽo mòn xã hội
‘’anh làm giàu những tên sâu bọ
‘’anh nuôi béo lũ tham ô

Tôi phải thành thật xin lỗi người đồng minh hôm qua.Qua đoạn thơ này tôi giận nên hơi mất khôn buộc tội anh không đúng. Anh có vung vãi kim tiền thật nhưng anh không có trách nhiệm gì trong việc đẽo mòn xã hội chúng tôi hay nuôi béo tham ô cả. Tham ô là cái tật xấu của một số người có quyền hành chúng tôi thời bấy giờ.

‘’hởi người đồng minh hôm qua
‘’có bao giờ anh được giấc ngủ yên
‘’không chập chờn hình ảnh
‘’hàng vạn người dày xéo lên nhau
‘’ đi tìm cuộc sống?
‘’có bao giờ anh thôi nghe
‘’những tiếng nấc bi thương
‘’những giọng gào uất nghẹn
‘’của người dân nhỏ bé chúng tôi
‘’trót mang một lỗi lầm rất lớn:
‘’quá tin lời anh!?

Hai đoạn thơ này, 41 năm sau, nếu cho viết lại tôi vẫn sẽ viết như thế, vẫn đặt câu hỏi như thế. Vì sao? Vì không thể nào viết khác hơn bất luận với trạng thái tâm hồn nào của một người Việt tị nạn như tôi.

‘’có bao giờ anh hay
‘’khi mỗi người Việt lang thang chúng tôi
‘’đi ngang qua đất nước anh
‘’tượng Nữ Thần Tự Do thẹn thùng cúi mặt?

Phải chăng đó là niềm kiêu hãnh nhỏ nhoi chúng tôi phải giữ để tự an ủi mình? Vâng, cách đây 41 năm tôi có viết một bài thơ trách người đồng minh hôm qua chỉ vì giận bị kẻ khác nghi ngờ mình cầm nhầm cái ống nghe bệnh.

Sau 41 năm tôi thành tâm sửa sai. Và, cùng với hàng triệu người dân miền Nam khác, tôi luôn luôn tri ân 58.220 quân nhân Hoa Kỳ tử trận, 254,256 quân nhân Hoa Kỳ bị thương tích cùng số quân nhân Hoa kỳ đến hôm nay tên vẫn còn ghi mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ, đã hy sinh tuổi trẻ, đem xương máu mình ra bảo vệ miền Nam chúng tôi chống lại sự xâm lăng của cọng sản Bắc Việt, được hậu thuẫn tối đa của cọng sản Nga,Tàu.

Nhưng  tôi vẫn mong  có ngày, dù phải đợi 10 năm, 50 mươi năm hay 100 năm đi nữa, một nhà cầm quyền của ngườì đồng minh hôm qua lên tiếng, nói một lời sửa sai đối với 19 triệu người dân miền Nam năm 1975 vì ,dù với lý do thầm kín nào đi nữa, đã bỏ rơi người đồng minh nhỏ bé của mình, nhỏ bé trong thân phận nhưng rất lớn lao trong hy sinh xương máu và trong đọa đày lao tù cải tạo vì hai chữ Tự Do.


Trang Châu