Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018
(Riêng tặng cho một người anh em sinh viên quân y hiện dịch)
Chúng tôi có một diễn đàn riêng tư gọi là “Diễn đàn Sinh viên Quân y Hiện dịch“ qui tụ các anh em sinh viên y khoa Trường Y khoa Sàigòn trước 1975 muốn phụng sự Tổ Quốc và Quân Đội trong tư thế người sĩ quan quân y hiện dịch. Vì anh em đang bàn về tiếng hô “Phắc“ trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà nên tôi chợt nhớ tới thơ Louis Aragon.
Louis Aragon sinh năm 1897 tại Paris, mất năm 1982 cũng tại Paris. Như anh em chúng tôi, Aragon học y khoa tại Val-de-Grâce năm 1917, gặp André Breton tại Trường Quân Y, sớm tham gia văn nghệ. Cùng với André Breton sáng lập tạp chí Littérature (Văn học) năm 1919.
Một thời gian tham gia phong trào nghệ thuật đa-đa cùng với Paul Eluard. Năm 1921 tách khỏi đa-đa để theo trào lưu siêu thực. Rồi Aragon gia nhập đảng cộng sản Pháp năm 1927. Năm 1928 gặp Elsa Triolet(*), em vợ Maïakovski(**). Sau ba lần thăm Liên xô (1930,1931,1932) Aragon sáng tác các thi tập Persécuteur persécuté 1930-1931 (Kẻ hành hạ bị hành hạ), Hourra l'Oural 1931 (Hoan hô Oural) ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô. 1933-1934 cộng tác với tạp chí Humanité (Nhân đạo), 1937 khai sinh tạp chí cộng sản Ce soir (Chiều nay). Tham gia chiến tranh Tây ban nha. Les Cloches de Bâle 1934 (Chuông thành Bâle), Les beaux quartiers 1936 (Những khu phố sang trọng), Les Voyageurs de l'Impériale 1942 (Những khách ngồi tầng lầu xe ca), Aurélien 1944 (Ô-rê-liêng) là những tác phẩm phục vụ nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Pháp.
Trường thiên tiểu thuyết Les Communistes 1949-1951 (Những người cộng sản) mô tả sự suy đồi của xã hội tư sản Pháp. Những tác phẩm Le Crève-cœur 1941 (Nát lòng), Cantique à Elsa 1942 (Ca ngợi En-xa), Les Yeux d'Elsa 1942 (Đôi mắt En-xa) nói lên những tình cảm tha thiết của thi sĩ đối với tổ quốc, tình yêu, ký thác lòng căm thù kẻ địch mãnh liệt và niềm hy vọng ở ngày mai. 1954 Aragon được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Pháp. 1959 xuất bản Elsa (En-xa), lại ca ngợi mối tình Elsa.
Trong tuyển tập trích dẫn, giải thích và phê bình văn học XXe Siècle, Les Grands Auteurs Français (Thế kỷ XX, Các Tác giả lớn người Pháp) do André Lagarde và Laurent Michard hợp sọan, Nhà Xuất bản Bordas, Paris, 1988, chương giới thiệu Louis Aragon và trào lưu tư tưởng siêu thực, có bài thơ nhan đề Les débuts du fugitif (Bước đầu lưu vong) trích từ Les Destinées de la Poésie 1925-1926 (Số phận thi ca) với đoạn thơ sau đây:
Vous pouvez toujours me crier Fixe
Capitaines de l'habitude et de la nuit
Je m'échappe indéfiniment sous le chapeau de l'infini
Qu'on ne m'attende jamais à mes rendez-vous illusoires
Suy tư chủ đạo của thi sĩ trong đoạn thơ trích dẫn này là đào thoát khỏi một quê quán của các thói quen độc đoán, mơ tưởng một thiên đường tự do sáng tạo và sáng tác, từ chối thừa nhận tuân theo “các viên đại úy của tập quán“ (refus d'obéir aux “capitaines de l'habitude“). Những người biên soạn tuyển tập văn học sử chú thích chữ “Fixe“ như sau : “A ce commandement, les soldats s'immobilisent aux ordres du capitaine.“ (Khi nghe lệnh này thì hàng binh sĩ đứng nghiêm theo chỉ huy của viên đại úy.) Tại sao là đại úy mà không là thiếu tá nhỉ? Chắc vì khi lên tá rồi thì Trần Văn Tích không còn là tiểu đoàn phó của sinh viên quân y Nguyễn Ngọc Khôi!
Xin dịch thoát như sau:
Các người cứ hô “Phắc“ đi
Bọn đại úy của tập quán và của đêm tối
Ta đào thoát mãi mãi dưới mũ che của vô biên
Chớ có chờ đợi gặp ta tại những hò hẹn hão huyền
Vào giai đoạn sáng tác này Aragon còn theo trào lưu văn học siêu thực nhưng nhà thơ vẫn có cá tính mỹ học độc đáo : xem chủ nghĩa siêu thực như một mốc khởi đầu thay vì như một hệ thống tư duy hay một học thuyết văn chương. Le monde à bas, je le bâtis plus beau (Thế gian này tôi xây dựng nó đẹp đẽ hơn).
Tôi thích Louis Aragon mặc dầu nhà thơ là một người cộng sản. Những bài thơ với các đầu đề Ce que dit Elsa (Những điều En-xa nói), “Je vous salue ma France...“ (Xin chào nước Pháp của tôi...) khiến tôi mê mẩn. Tôi thuộc lòng đoạn thơ sau đây của Aragon và đã từng trích dẫn nó nhằm chấm dứt một bản văn chính luận tố cộng do tôi chấp bút:
Lorsque vous reviendrez car il faut revenir
Il y aura des fleurs tant que vous en voudrez
Il y aura des fleurs couleur de l'avenir
Il y aura des fleurs lorsque vous reviendrez
(Khi Anh về vì Anh phải trở về
Anh muốn bao nhiêu hoa cũng sẽ có
Sẽ có hoa mang sắc màu tương lai
Sẽ có hoa khi Anh trở về)
Thi sĩ dùng động từ ở thì vị lai nhưng dường như cảm thấy như vậy chưa đủ nên Aragon bổ túc thêm với hình tượng văn học ẩn dụ hoa mang màu sắc tương lai.
Cộng đồng tỵ nạn cộng sản Nga đã trở về sau bảy mươi ba năm để cắm lại ngọn cờ tam sắc trắng xanh đỏ của chế độ Nga hoàng trên đỉnh điện Kremlin. Cộng đồng tỵ nạn cộng sản Cuba chưa trở về sau sáu mươi mốt năm. Cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam cũng chưa trở về sau bốn mươi hai năm. Nhưng chúng ta sẽ trở về. Chắc chắn chúng ta sẽ trở về vì chúng ta phải trở về. Trở về với hoa mang màu sắc tương lai tươi thắm.
28.12.2017
(*) Elsa Triolet có khuê danh là Elsa Yourievna Kagan, tự Elsa, sinh năm 1896 ở Moscou, mất năm 1970 ở Saint-Arnoult-en-Yvelines. Bà là em ruột của Lili Brik, vợ Maiakovski. Thoạt tiên Elsa Triolet đứng trên lập trường mác-xít để sáng tác, đề cập đến những đề tài chính trị và xã hội nhưng với văn phong trữ tình, ướt át, có duyên, nhiều tính sáng tạo. Ở giai đoạn cuối đời khuynh hướng sáng tác đượm màu hoài nghi chủ nghĩa. 1943 Les amants d'Avignon (Những người tình ở Avignon) và tập truyện Le premier accroc coûte 200 francs 1944 (Vướng mắc đầu tiên giá 200 quan), giải thưởng Goncourt 1944 viết về kháng chiến chống Đức. Elsa Triolet cũng dịch thơ Maïakovski.
(**) Trong bài này tôi ghi các nhân danh, địa danh theo tiếng Pháp.