Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Thành Kính Phân Ưu |
|
|
BS Phạm Hữu Trác (1934-2018) |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018
(Bài viết cho Nội San Y Giới Việt Nam Tự Do tại Pháp)
Cáo phó đưa tin:
Bác sĩ Vincent Phạm Hữu Trác. Thanh Tra Cục Quân Y QLVNCH. Nguyên hội trưởng Hội Y Sĩ VN tại Canada. Nguyên sáng lập viên & Chủ tịch Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do. Sáng lập viên & Chủ bút cơ sở Truyền Thông. Đã tạ thế lúc 17,44 giờ, ngày 09 tháng 8 năm 2018 tại Montréal-Quebec.
Người bạn của chúng tôi đã ra đi. Anh Phạm Hữu Trác là người hoạt động danh tiếng không chỉ với cộng đồng Y Giới Hải Ngoại, mà còn ở lãnh vực Nhân Quyền. Có nhiều bài viết vinh danh Anh, tôi chỉ xin ghi lại vài nét chấm phá về Anh như một người bạn của gia đình.
Vào mùa hè vừa qua, vợ chồng chúng tôi quyết định làm một chuyến du hành dài ngày suốt một tháng, thăm bà con họ hàng cùng các bạn hữu thân tình .Từ Paris bay qua Washington DC, rồi từ đây qua Cali, lại trở về để đi Canada.
Ngày thứ bảy 16 tháng 6 vừa qua, chúng tôi xuống phi trường Trudeau, Montréal, đã thấy vợ chồng chị bạn T.A và anh T.H.L ra đón, như dự tính nhờ họ đưa đến thăm anh Trác ngay chiều hôm đó. Nhà Tôi lần này rất cẩn thận đã ghi vào giấy, địa chỉ nơi cư ngụ của anh Trác: Số 6023/ 709. Les Galeries D'Anjou. H1M3X6. Vào cửa bấm số 4000, lên thang máy tầng thứ 7. Khu nhà hưu dưỡng nơi này rất thoáng mát, khang trang lịch sự.
Anh Trác gầy ốm hơn trước nhưng vẫn nói năng linh hoạt vui vẻ, anh cho biết thỉnh thoảng bạn bè đến đưa anh ra ngoài ăn cơm cũng vui. Nhà Tôi và anh Trác, hai người ngồi bên cạnh nhau thân tình kể chuyện đời xưa. Chiếc TV đối diện đang nói tin tức tình hình thế giới. Có lẻ TV này mở liên tục suốt ngày, như một người bạn lắm chuyện, kể huyên thuyên chuyện trên trời dưới đất, người này người nọ, việc này việc kia, nghe hay không cũng mặc kệ. TV là một người bạn ân tình ân nghĩa, luôn bầu bạn với người già cô đơn.
Nhà Tôi và Anh Trác cũng đã lâu không gặp nhau, kể từ khi Anh ấy bị bệnh phải vào nằm trong nhà hưu dưỡng này, không còn qua thăm Paris. Thỉnh thoảng chúng tôi có gọi điện thoại thăm Anh, Anh luôn trả lời vui vẻ, không bao giờ nghe Anh than vãn hay tỏ ra mệt mỏi vì bệnh tật. Người khác trong tình trạng như Anh có thể tỏ ra lo lắng bi quan, nhưng Anh không giống họ. Tuy nắng chiều hè xuống chậm, nhưng chúng tôi e rằng ngồi nói chuyện lâu, ngại Anh mệt, nên xin chào Anh ra về, Anh mời chúng tôi ớ lại ăn cơm, có sẵn thức ăn, Anh sẽ làm bếp. Ai nấy đều cười cám ơn sự sốt sắng hữu hảo của gia chủ. Chúng tôi rất vui khi thấy Anh có thể tự đi đứng dễ dàng. Khi ra về, chúng tôi không nói với Anh những lời an ủi như với một bệnh nhân, chỉ hẹn lần sau sang thăm Anh . Paris -Montréal đâu có bao xa, chỉ cách khoảng 6 giờ bay.
Không ngờ chưa đầy hai tháng sau, chúng tôi nhận được tin từ bác sĩ Bích Ngọc (Montréal) và bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp (Toronto) cho hay anh đã mất rồi. Lặng người đi một lúc, hình như mây không bay, gió không thổi. Tôi nhìn ra ngoài , ánh nắng về chiều đang đậu xuống rất thấp bên liếp cửa, mang theo chút xa vắng nào đó. Chúng tôi cả hai cùng lặng lẽ.
Nếu biết Anh ra đi nhanh chóng như vậy, hôm ấy, chúng tôi sẽ cầm lấy tay Anh nói thêm vài lời ân tình, sao chúng tôi không nói được với Anh đôi lời an ủi ? Không, Anh Trác không phải là người yếu đuối để nghe những câu an ủi tầm thường.
Nghe Nhà Tôi kể lại, hai người ngồi học cùng bàn năm đệ nhất Chu văn An (sau khi di cư vào Nam.). Sau Tú Tài 2, Nhà Tôi học Toán, còn Anh theo Y khoa. Lúc anh Trác còn đang học y khoa tại Saigon, Anh ấy thường xuyên tới nhà chơi. Nhà Tôi có mấy cô em gái, trong đó cô M.T xinh đẹp nhất. Cô bản tình hiền hậu, chân thật lại hơi nhút nhát. Cô có nhiều chàng theo đuổi. Anh Trác và cô M.T có tâm ý với nhau, nhưng chưa danh chính ngôn thuận. Sau đó có bác sĩ họ Nghiêm nhờ người quen biết đến thưa chuyện với ông bà cụ thân sinh Nhà Tôi xin cưới hỏi cô M.T. Hai cụ thấy bác sĩ họ Nghiêm này thuộc dòng gia thế, lại đang hành nghề vững chắc, nên bằng lòng. Anh Trác biết chuyện, gặp Nhà Tôi có ý trách móc sao để cho cô em đi lấy người khác. Nhà Tôi thật tình không biết chuyện tình ý giữa em mình với bạn, vì lúc bấy giờ Nhà Tôi bận đi dạy tư bù đầu tối tăm mặt mũi. Nhà Tôi hỏi tại sao không cho biết. Anh Trác tức mình nói " Con chó nhà cậu còn biết chuyện nữa là ." Sau đó Nhà Tôi bị động viên, lên Đàlạt sống, dạy Toán tại Trường Võ Bị Quốc Gia.
Tôi về làm dâu sau này, không biết chi nhiều chuyện hai người. Nhưng tôi nhớ mãi, đâu khoảng đầu tháng 4/75 , Tôi xuống Mỹ Tho trước khi vợ chồng con cái cô M.T lên tàu ra khơi. Cô nói nhỏ với tôi " Nếu sau này, chị có gặp anh Trác, nhờ chị nói với anh là em đi rồi ". Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của những ngày điêu đứng ấy, bỗng dưng cô lại nói một câu dặn dò như vậy. Nghe ra chẳng ăn nhập gì với tình thế đáng lo lúc bấy giờ . Nhưng thấy sao mà xót xa đến chạnh lòng. Đi lấy chồng cũng là đi xa, lần này lại càng xa hơn vì chẳng biết còn sống gặp lại nhau. Hay không bao giờ. Lúc ấy, ai ra đi, đều nghĩ rằng thôi thế là hết, là xa cách muôn trùng.
Những mối tình đầu đời dù không mang nặng dấu ấn sâu đậm, cũng chẳng dễ mấy ai quên.
Sau cuộc đào thoát thành công, gia đình cô M.T định cư tại Pháp. Gia đình Anh Trác định cư tại Canada . Có thể hai người gặp nhau qua đại hội Y Giới . Sau này, cô M.T bị căn bệnh ung thư, năm cuối cô lên Paris chơi ở lại nhà chúng tôi. Tôi gọi điện thoại cho anh Trác nói "Có cô M.T đang ở đây, anh muốn nói chuyện không ?" Tôi đưa máy cho cô. Hai người hỏi thăm chuyện trò. Thời gian sau đó cô mất, cô nằm chung trong huyệt mộ cùng với chồng đã ra đi từ mấy năm trước.
Lẩn thẩn vế những thứ tình, có người cho rằng tình yêu luyến ái giữa nam và nữ, là một thứ tình kỳ lạ nhất. Không biết nó thuộc thể loại gì, có lẻ thuộc thành phần dạng nước, hát hai ô .Có khi mặn chát như nước biển, có khi ngọt ngào mát rượi như nước sông, nước suối, nhưng đôi khi là nước mắt . Có người cho Tình Yêu có tính nhất thời, nhưng có người cho là muôn năm . Lại vinh danh đó một thứ tình đẹp nhất trong mọi thứ tình cảm, dù nó có bị bà già ác độc Định Mệnh làm cho thất điên bát đảo, nát gan đứt ruột, người ta vẫn cứ ca tụng nó hết lời!
Lúc Anh Trác sáng lập tạp chí Truyền Thông, anh gửi cho chúng tôi mỗi khi báo phát hành. Tờ tạp chí này thuộc loại nghiên cứu, được viết công phu nghiêm túc, có vài cây bút nổi tiếng cộng tác. Sáng lập một tạp chỉ, một tờ báo là cái mộng của người yêu nghệ thuật văn học. Vì nghệ thuật văn học, nên không hề chủ trương bán báo kiếm tiền, trái lại phải có tiền nuôi báo. Tạp chí này có những bài viết đi sâu vào từng vấn đề, nếu chịu khó đọc thấy rất hữu ích và giúp mở rộng tầm nhìn, Truyền Thông vừa chọn người viết mà cũng kén người đọc. Anh hỏi tôi có bài viết gì gửi cho báo. Nghĩ bụng mình là thứ viết lách trời ơi đất hỡi, viết tùy hứng, viêt lăng nhăng, mà Truyền Thông lại là tạp chí có chủ đề mỗi kỳ, nên tôi không dám. Nhưng bỗng đâu một hôm buồn tình, tôi viết câu chuyện về con chó của mẹ tôi, gứi cho Anh, Truyền Thông đăng ngay. Sau này chuyện con chó đó không biết ai phổ biến lên Mạng, luân lưu cho đến tận ngày nay (năm nay là năm Tuất). Đó là một kỷ niệm với Truyền Thông. Nghe nói sau khi anh Lê Phụng mất, không còn phụ tá đắc lực để lo cho báo nữa, một mình Anh không kham nổi, nên Truyền Thông nhắm mắt xuôi tay.
Có lần chúng tôi qua Montréal vào mùa Đông giá lạnh, trắng xóa một màu trắng, tuyết ở đây thật đẹp, tuyết đọng lại trên cây trên cành không chịu rơi xuống, tạo ra những mành gương treo lóng lánh.. Đến nhà anh, thấy rất nhiều báo chỉ tài liệu bừa bộn trên bàn, tôi ngồi đọc thấy toàn là tư liệu hiếm về chính trị lịch sử VN. Anh đọc nhiều biết nhiều, quảng giao rộng, chuyện gì hỏi anh cũng trả lời rõ ràng. Bất kỳ một biến cố nào, một nhân vật nào, một tác giả người Việt nổi tiếng nào, Anh cũng hiểu cũng biết, cũng đều quen. Anh hoạt động trong nhiều lãnh vực, không chỉ với cộng đồng Y Sĩ Hải Ngoại. Trí nhớ anh minh mẫn lạ kỳ, thuộc loại siêu , như một cuốn tự điển sống.
Anh ra đi, như mỗi một chúng ta cũng sẽ ra đi . Anh đi trước, mình đi sau . Giữa Trời cao và Đất rộng, ai cũng như ai với thân phận người. Nhưng trước mỗi một cái chết, tôi lại nhớ tới câu đã đọc từ rất lâu: " Đừng hỏi người ấy chết thế nào, nhưng hãy hỏi người ấy đã sống như thế nào" . Cách sống đẹp của anh, lưu giữ nghin thu.
Vợ chồng chúng tôi không bao giờ quên Anh.
Paris, tháng 8/2018. P.K.Viêm & T.T Diệu Tâm.