Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
d616374b8108456d98c185603a16abc7
 
TrÀn Væn Tích
 
 
và nh»ng sai lÀm "ChÃt lÜ®ng" trong tri‰t h†c mác-xít
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019
Trong bài viết “Từ ngữ Việt quốc và từ ngữ Việt cộng”, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là chứng minh rằng hai chữ “chất lượng” vốn không phải là từ ngữ của Việt cộng như những từ “nguỵ quân nguỵ quyền, học tập cải tạo”, v.v.. Tôi cố tình bỏ qua một khía cạnh hết sức quan trọng: vai trò của khái niệm “chất lượng” trong triết học mác-xít. Dẫu rằng tôi không lạ là nhiều người Việt quốc gia dị ứng với hai chữ “chất lượng” chung qui cũng chỉ tại vì nó nằm trong phạm trù triết học duy vật “lượng biến thành chất”.

Lượng biến thành chất: nội dung

Phép biện chứng mác-xít coi sự phát triển của vạn vật trong thế giới như là bước chuyển từ những thay đổi có tính chất dần dần, nhỏ nhặt và tiềm tàng, tức là những thay đổi về lượng sang những thay đổi có tính chất căn bản, rõ rệt, quyết định, tức là những thay đổi về chất. Những thay đổi về chất thường không phải là những thay đổi dần dần mà là những thay đổi nhanh chóng đột ngột và tiến hành bằng những bước nhảy vọt từ một trạng thái này sang một trạng thái khác; các thay đổi đó không phải là ngẫu nhiên mà là tất yếu; nó là kết quả của sự tích lũy những thay đổi không rõ rệt và dần dần về lượng.

Nói cách khác, phép biện chứng mác-xít hiểu sự phát triển của mọi vật mọi giới như là sự biến đổi về chất của sự vật và của hiện tượng, những biến đổi về chất đó nối tiếp theo những biến đổi về lượng. Engel đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh luận điểm này: phải có một cường độ tối thiểu của một dòng điện nhất định (lượng) mới làm cháy đỏ được những dây dẫn điện trong một bóng điện (chất); mỗi thứ kim loại đều có một nhiệt độ nóng chảy nào đó (để lượng biến thành chất); mỗi chất lỏng, mỗi chất nước dưới một áp suất nhất định nào đó, đều có điểm sôi hoặc điểm đông nhất định (để lượng biến thành chất). Chẳng hạn nước đun thì nóng lên dần dần nhưng đến một nhiệt độ nào đó (lượng) thì chuyển biến rất nhanh, bằng bước nhảy vọt, thành hơi nước (chất).

Trong xã hội và về lĩnh vực chính trị, những thời kỳ cách mạng ngắn hơn nhiều so với những thời kỳ phát triển có tính chất tiến hoá. Cách mạng xã hội xoá bỏ ngay lập tức trật tự cũ và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hình thức mới trong đời sống xã hội. Như vậy, thực tế chứng minh rằng sự biến đổi, sự tiến hoá, sự chuyển hoá có hai hình thức: hình thức lượng và hình thức chất. Các thay đổi về lượng chuẩn bị cho những thay đổi về chất. Quá trình tiến hoá thoạt nhìn có vẻ muôn màu muôn vẻ nhưng thực chất chỉ là quá trình tích lũy dần dần, tiệm tiến của các yếu tố thuộc chất lượng mới đi đôi cùng sự tiêu vong huỷ diệt của các yếu tố thuộc chất lượng cũ; tỷ như nước bốc hơi dần dần trong những điều kiện tự nhiên, các loài động vật tiến hoá dần dần qua thời gian v.v..

Phong trào quần chúng có tính chất tiến hoá khi nào các phần tử tiến bộ (theo Mác là giai cấp công nhân) tiến hành một cách tự phát công tác hàng ngày của họ và làm cho chế độ cũ có những biến đổi nhỏ về số lượng. Phong trào quần chúng có tính chất cách mạng khi nào những phần tử nhất định trong xã hội (lực lượng công nhân tiến bộ) đoàn kết lại, cùng thấm nhuần một tư tưởng chung để rồi lao mình vào hàng ngũ kẻ thù nhằm tiêu diệt tận gốc chế độ cũ, để đem lại trong đời sống những biến đổi về chất lượng, hầu thiết lập một chế độ mới. Nói gọn lại, tiến hoá là một quá trình tăng lên từ từ, tuần tự của những biến đổi về số lượng; cách mạng là một sự thay đổi đột ngột, căn bản về chất lượng. Phong trào xô-viết Nghệ Tĩnh, thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, các hội nghị bí mật của Trung ương Đảng, những cuộc khởi nghĩa ở Bắc sơn, Nam kỳ, Đô lương, v.v., hợp thành các biến đổi về số lượng. Cách mạng tháng tám là thay đổi về chất lượng. Người cộng sản lý luận như thế đó.

Lượng biến thành chất: sai lầm

Người có đầu óc bình thường, không bị mê hoặc, không bị nhồi sọ thấy ngay rằng lập luận “lượng biến thành chất” là một lập luận rất khiên cưỡng, gượng gạo. Nước đun sôi đến 100°C dưới áp suất không khí thì bốc thành hơi, chúng ta có hai hình thức thể chất: thể lỏng và thể hơi. Không có lượng mà cũng chẳng có chất gì hết. Huống chi khoa vật lý chỉ rằng chẳng phải chỉ có mỗi một hiện tượng bốc hơi khi đun nóng nước. Bốc hơi xảy ra trên mặt nước nhưng trong khối nước thì có hiện tượng sôi lên của nước và khi nước từ trạng thái lỏng trực tiếp chuyển qua trạng thái khí thì xảy ra hiện tượng thăng hoa. (Tiếng Pháp: bốc hơi = évaporation, sôi lên = ébullition, thăng hoa = sublimation). Khi dòng điện đủ mạnh thì ngọn đèn sáng, khi pin đủ sức thì con chuột cạnh bàn phím chạy, đó chỉ là hiện tượng lý năng hay hóa năng biến đổi thành điện năng, chẳng có lượng và chẳng có chất gì ráo. (Hoặc giả xem đèn sáng khi đủ điện là một chất mới, chất ánh sáng?)

Trong sinh học, các học thuyết darwinisme (thuyết Darwin), évolutionnisme (thuyết tiến hóa), lamarkisme (thuyết Lamarck), mutation (hiện tượng đột biến) đã giải thích và liệt kê những qui luật khách quan khoa học liên quan đến sự phát triển của sự sống trên trái đất, đã nêu ra và nhấn mạnh tư tưởng về sự biến chủng của các loài sinh vật dưới ảnh hưởng của các điều kiện sinh hoạt, của hoàn cảnh bên ngoài. Các loài thực vật trực tiếp bị ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài nên phải thay đổi bản chất và tính chất cho thích hợp. Đối với các loài động vật có một hệ thần kinh và một kiến trúc cơ thể học phức tạp hơn thì ảnh hưởng ngoại giới tác động một cách gián tiếp thông qua những thay đổi về tập quán, do hậu quả của sự xuất hiện những nhu cầu mới. Những nhu cầu mới này bắt buộc các chủng loại phải rèn luyện thêm một số cơ quan bộ phận nào đó và trái lại phải từ bỏ sử dụng một số cơ quan bộ phận khác.

Việc rèn luyện và việc thôi sử dụng những cơ quan bộ phận nào đó dẫn tới những thay đổi trong toàn bộ cơ thể và trong nhiều chức năng thuộc cơ thể chủ hữu. Con chuột chũi sống mãi trong lòng đất sâu không cần tới ánh sáng nên dần dà thành mù, đôi thần kinh số II của nó mất hẳn chức năng sinh lý. Đôi cánh loài chim rất phát triển nếu so với đôi chi trên của loài người. Phôi thai học hiện đại chứng minh rằng bào tử và phôi thai từng trải qua những giai đoạn tiến hoá từ thấp đến cao. Cháu bé nằm trong bụng mẹ thoạt tiên có những cấu trúc cơ thể học của loài cá rồi loài bò sát và cuối cùng của loài có vú; sinh học thi vị hoá tiến trình phát triển đó khi bảo rằng cháu bé sống lại lịch sử tiến hoá của muôn loài trong triệu triệu năm tại tử cung của mẹ. Chẳng làm gì có số lượng, có chất lượng nào hết.

Lượng biến thành chất: tội ác

Ý thức hệ cộng sản cưu mang một khoa triết học tư biện, chỉ suy luận đơn thuần, lý thuyết mà không dựa vào thực tế, thực nghiệm; từ đó đạt đến những hệ quả tai hại hết sức nghiêm trọng như phủ nhận sự hiện hữu của gen.

Từ điển Triết học, M. Rô-Den-Tan và P. I-U-Đin chủ biên, in lần thứ ba, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1978, trang 201, viết nguyên văn: “Nhân tiện, chúng ta hãy nói đến cuộc đấu tranh giữa lý luận siêu hình về sinh vật học của phái Vét-man-Moóc-gan và học thuyết Mít-su-rin, học thuyết này cuối cùng đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Theo phái Moóc-gan thì sự phát triển của thực vật và động vật là một sự phối trí mới và một sự kết hợp mới thuần túy về số lượng của những cơ nhân (gène) bất biến. Dựa vào phép biện chứng, học thuyết Mít-su-rin đã đập tan những quan niệm phản khoa học ấy. Điểm xuất phát của học thuyết Mít-su-rin là: sự phát triển của giới sinh vật là một quá trình gồm những thay đổi nối tiếp nhau về chất do những thay đổi về lượng gây ra. Học thuyết ấy chứng minh rằng không bao giờ có một chất di truyền nào bất biến, rằng cơ thể càng thích ứng với điều kiện sống còn của nó thì cách biến hoá giữa cơ thể và ngoại giới cũng thay đổi theo và trên cơ sở đó tính di truyền cũng thay đổi nốt. Toàn bộ lịch sử xã hội cũng xác nhận quy luật chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất”.

Kế thừa và phát triển học thuyết Mít-su-rin (Ivan Vladimirovitch Mitchourine) một cách tuyệt vời là Lư-xen-cô (Trofim Denissovitch Lyssenko). Nói thực ngắn gọn, học thuyết Mitchourine-Lyssenko bác bỏ thuyết nhiễm sắc thể của phái Weismann-Morgan cùng những cái gen thần bí của thuyết này, bởi đó là một thứ học thuyết vô căn cứ. Tổng kết các thành tựu nghiên cứu dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin bách chiến bách thắng trong tác phẩm kinh điển Nông nghiệp sinh (vật) học, phát hành năm 1952, Lyssenko đã dẫn ra nhiều tài liệu thực nghiệm nhằm hoàn toàn bác bỏ chủ nghĩa Mendel-Morgan-Weismann và những định luật giả dối của Mendel trong di truyền học. Lyssenko được xem là đã sáng tạo nên nền “khoa học giai cấp”, đã khai sinh ra khoa “sinh học vô sản” chống đối lại “khoa học tư sản/sinh học tư sản”. Học thuyết Mitchourine-Lyssenko phù hợp với nhu cầu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa vì nó liên quan với thực tiễn mới của việc kiến tạo các nông trang tập thể, nó đáp ứng các nhu cầu của nền đại nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Khoa học vô sản tiến bộ phủ nhận hay chống đối nhiều lý thuyết khoa học tư sản lạc hậu. Chẳng hạn nó loại bỏ thuyết tương đối của Einstein ra khỏi vật lý học, nó kết án nặng nề thống kê học; tất cả chỉ vì đó là những lý thuyết khoa học tạch tạch xè (tiểu tư sản). (Chính vì thế nên khoảng năm 1978, khi Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng du thuyết Hoa Kỳ và bị sinh viên Mỹ chất vấn về thống kê học trong các báo cáo liên quan đến hậu quả di truyền của chất độc da cam thì ông ú ớ gần như cứng họng không trả lời nổi). Được Staline, Mao Trạch Đông triệt để ủng hộ, Lyssenko quay qua tiêu diệt những khoa học gia không chịu a dua theo mình. Viện sĩ Vavilov chẳng hạn, bị đưa vào trại tập trung vì ông cho rằng học thuyết Mendel-Weismann-Morgan đề cao vai trò của các nhiễm sắc thể và của các gen là đúng đắn trong khi giới khoa học sinh học nông học tiến bộ Nga xô chủ trương trường phái Mendel là “kẻ thù của nhân dân xô viết”. Độc tài độc đoán trong khoa học, người cộng sản gọi những kẻ không theo mình là phản động, là duy tâm, là xét lại, là không tưởng; những kẻ này chỉ biết lý luận siêu hình, chúng chỉ suy tư hình thức, bọn họ theo đuổi những học thuyết giả dối, v.v..

Di truyền học ngày nay phủ nhận hoàn toàn tính di truyền của các đặc tính thủ đắc. Nếu anh không may bị gãy tay vì tai nạn hoặc nếu cánh tay anh bị khuyết tật nhẹ do bẩm sinh thì con cái anh chắc chắn vẫn sẽ có cánh tay lành mạnh. Nếu một lực sĩ điền kinh Thế vận hội có những bắp chân rất nảy nở thì không nhất thiết con cái ông ta cũng sẽ có những bắp thịt cẳng chân phát triển như cha.

Ứng dụng học thuyết gen vào sinh học, vào y học, giới nghiên cứu đã đạt được những thành công rất ngoạn mục trong các lĩnh vực phòng ngừa điều trị một số bệnh di truyền và sản xuất hoóc-môn hay prôtêin, v.v..

Nhiều nhà khoa học cổ vũ học thuyết Mendel-Weismann-Morgan đã lãnh giải Nobel Y học và Sinh lý học qua những công trình ngoạn mục liên hệ đến nhiễm sắc thể, đến gen, đến hệ gen:

1933 : Thomas Hunt Morgan;
1958 : George Beadle, Joshua Lederberg, Edward Tatum;
1962 : Francis Harry Compton Crick, James Dewey Watson, Maurice Hugh Frederich Wilkins;
1965 : André Lwoff, Jacques Monod, Francois Jacob;
1969 : Alfred Day Hershey, Max Delbrück, Salvador Luria;
1978 : Wener Arber, Daniel Nathans, Hamilton Smith;
1980 : Jean Dausset, George David Snell, Baruj Benacerraf;
1983 : Barbara Mc Clintock;
1985 : Josef Goldstein, Michael Brown;
1993 : Richard Roberts, Phillip Sharp;
2002 : Brenner Sydney, John Sulston, Robert Horvitz.

Jacques Monod (Nobel 1965) đã từng tranh luận kịch liệt với những chuyên gia sinh học, di truyền học người Pháp thân cộng hay cộng sản để chống lại lyssenkisme vào mùa hè 1948. Cái vòng kim cô ý thức hệ cộng sản, qua Lyssenko, đã không tròng được lên đầu những người có đầu óc sáng suốt, có lương tri lành mạnh. Tại Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức cũ), dưới sự lãnh đạo dũng cảm của nhà khoa học Hans Stubbe, người ta chỉ giảng dạy sơ sài học thuyết Lyssenko tại các trường học, coi như một biện pháp đãi bôi trong khi trên nông trường, trong phòng thí nghiệm, học thuyết Lyssenko không hề được đá động đến. Kết quả, năng suất ngũ cốc của Đông Đức vẫn vượt trội hẳn Nga Xô và Cộng hoà Dân chủ Đức vẫn giữ ngôi vị quán quân toàn châu Âu về sản xuất hạt giống.

Còn ở Việt Nam? Tất nhiên Lyssenko là thần tượng; đến nỗi Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng từng trồng ngô theo học thuyết Lyssenko. Trong cuốn tự truyện Đường vào khoa học của tôi, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1978, trang 60, ông Tôn Thất Tùng cho biết: “Tôi cũng thử trồng ngô theo lý luận Lit-xanh-cô: tôi gieo rất dầy, nhưng ngô lớn lên có bắp rất nhỏ, và hạt rất thưa”. Ít nhất ông Tôn Thất Tùng không lừa bịp khi cho biết như vậy.

Tín lý “lượng biến thành chất“ do bản tính bất khả tư nghị của tín lý đó trong hệ ý thức mác-xít, cung cách định nghĩa “chất lượng” về khía cạnh là một phạm trù triết học duy vật biện chứng, đã nhuốm máu khoa học gia Liên xô cũ dưới thời đại hung thần Staline. Trong toàn bộ khối cộng sản - kể cả nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - thì “lượng biến thành chất“ đã góp phần xây dựng nên một nền khoa học ngu dân, bịp bợm, xảo trá nhưng lại ngông cuồng, ngạo mạn, kiêu căng với những thần tượng được tôn sùng chiêm ngưỡng. Bên cạnh Lư-xanh-cô/Lit-xanh-cô của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có Kim Phượng Hán còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có Nguyễn Thiện Thành.