Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
tranbichsan-content-content
 
TrÀn Væn Tích
 
 
cûa TrÀn Bích San Gi§i ThiŒu sách Væn H†c ViŒt Nam
Chúng ta đã có nhiều công trình biên khảo về nền văn học dân tộc của Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản, Phạm Thế Ngũ, Hà Như Chi, Phạm Văn Diêu, v.v… Đó là chỉ nói về Miền Nam, dưới chế độ quốc gia. Ở Miền Bắc cũng có nhiều tuyển tập văn học sử, phần lớn do một tập thể biên soạn.

Các tác giả sáng tác theo tinh thần quốc gia chỉ nhắm mục đích là cung cấp cho giới đọc sách một cái nhìn tổng quát về văn học sử Việt Nam. Đến lượt mình, Trần Bích San nêu rõ tâm nguyện khi chấp bút nơi trang 25 sách Văn học Việt Nam:Sách này được soạn thảo với mục đích bảo tồn sự trung thực của lịch sử văn học Việt Nam”. Như vậy, khác hẳn các nhà nghiên cứu văn học sử tiền bối, Trần Bích San không những là một người biên khảo văn học mà còn là một người lính chống cộng.
*
Tác phẩm Văn học Việt Nam phát hành cuối năm 2018, dày 1200 trang, in chữ cỡ lớn, do Nhà Xuất bản Cỏ Thơm ấn loát và tác giả cùng thân nhân phát hành.

Sách gồm 31 chương, bắt đầu với Chương 1 Nguồn gốc Văn học Việt Nam rồi qua các Chương 2 Chữ Việt Thượng Cổ, 3 Chữ Hán Chữ Nho, 4 Chữ Nôm, 5 Chữ Quốc Ngữ; kế tiếp là các Chương 6 Giáo Dục Nho Học, 7 Giáo Dục Pháp Thuộc, 8 Giáo Dục Quốc Gia, 9 Giáo Dục Cộng Sản, rồi đến các Chương 10 về Nho Giáo, 11 Quan Niệm Quân Tử - Đại Trượng Phu, 12 Mẫu Người Kẻ Sĩ, 13 Danh Vị Tam Nguyên, 14 Học Vị Phó Bảng. Từ Chương 15 Văn Khảo Khái Luận qua các Chương 16 Phương Pháp Biên Soạn Văn Học Sử, 17 Sai Lầm, Nghi Vấn Trong Văn Học Sử, 18 Trở Ngại Biên Khảo Nho Nôm, sách trình bày cung cách và tầm nhìn văn học sử cùng với những vấn đề tồn nghi. Lịch sử văn học dân tộc được ký thác trong các Chương 19 Trương Vĩnh Ký, 20 Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí, 21 Tự Lực Văn Đoàn, 22 Các Nhà Văn Nữ Chữ Việt, 23 Trào Lưu Văn Chương Lãng Mạn, 24 Khuynh Hướng Trào Phúng, 25 Thơ Văn Yêu Nước, 26 Thi Ca Dục Ái. Phần cuối gồm những Chương 27 Câu Đối, 28 Phê Bình Văn Học, 29 Truyện Ngắn, 30 Phóng Sự - Tuỳ Bút và 31 Ca Dao. Sách chấm dứt với ba Phụ Lục: Các Nhà Văn Nữ Chữ Quốc Ngữ, Mục Lục Tác Giả, Nhân Vật và Tiểu Sử Tác Giả.

Sáng tạo

Chương 2 Chữ Việt thời Thượng cổ là một chương mới, các sách viết về văn học sử dân tộc trước kia không có. Chương này trình bày các luận cứ nhằm chứng minh là người Việt có văn tự riêng từ đời thượng cổ căn cứ vào các di tích khảo cổ học. Sách còn giới thiệu cả bài hịch của Hai Bà Trưng viết theo tự dạng tiếng Việt thời cổ đại.

Các chương dành riêng cho hai vấn đề Danh vị Tam nguyên và Học vị Phó bảng là những chương chỉ giáo quí báu và khoa học, chúng được trình bày một cách có hệ thống về hai học vị thời phong kiến kèm theo danh tính và tiểu sử các vị tam nguyên (Lê Quý Đôn, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, Vũ Phạm Hàm cùng với giai thoại văn học) và một số vị phó bảng (như Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Diệu, Kiều Oánh Mậu, Phan Chu Trinh v.v..).

Riêng đối với Kiều Oánh Mậu, sách Văn học Việt Nam chỉ ghi nhận Ông là tác giả Bản triều Bạn nghịch Liệt truyện. Thực ra Kiều Oánh Mậu còn là một nhân vật văn học sử rất quan tâm đến nền văn học chữ Nôm nên đã diễn nôm các truyện Tỳ bà, Hương sơn Quan thế âm. Đáng nói hơn nữa, Kiều Oánh Mậu đã tiến hành chú thích rất công phu Truyện Kiều của Nguyễn Du, phân biệt rõ ràng các bản phường, bản kinh và trả lại tên gọi chính thức Đoạn trường tân thanh cho Truyện Kiều.

Chương 17 Sai lầm, Nghi vấn trong Văn học sử có thể được xem như một bản tập đại thành về những vấn đề còn tồn nghi liên quan đến thành phần chính thức của Tự lực Văn đoàn, đến năm sinh năm mất của một số nhân vật, đến hành trạng tiểu sử của một vài khuôn mặt, đến tác giả đích thực của một số tác phẩm văn học v.v…

Ca dao đã được đề cập đến ở Chương 1 nhưng Chương cuối, Chương 31 lại cũng mang tên Ca dao. Đúng ra nó phải mang tên “Ca dao Lịch sử” vì Chương này trình bày ca dao thời Nguyễn triều và nhất là ca dao thời hiện đại, ca dao đả kích chế độ cộng sản, gồm từ trang 997 đến trang 1023 với những tiểu mục Sau tháng Tư đen, Đổi tiền, Học tập cải tạo, Hợp tác xã, Đi kinh tế mới, Đào kinh, Phí phạm công quỹ, Vượt biên, Vượt biển, Cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979, Việt kiều, Khối Cộng sản tan rã, Đổi mới, Chế độ, Dân biểu nghị gật, Lãnh tụ, Cán bộ cao cấp, Đường lối cai trị, Tham nhũng thối nát, Phẩm chất Việt xuống thấp, Bán nước.

Kèm theo những phần do chính tác giả phụ trách viết, có những phần gọi chung là “Bài đọc thêm”, những phần này góp công vào việc giải thích chi tiết hơn, chu đáo hơn, cụ thể hơn những điều đã được ký thác trong văn bản chính.

Thiếu sót

Có những chi tiết tác giả chưa biết để nêu ra trong thành quả trí tuệ của mình.

Không những chỉ có Nam Phong được chuyển toàn bộ vào sáu dĩa DVD (tr. 644) mà Bách Khoa cũng được tàng trữ nguyên vẹn tại Thư viện Quốc gia của Quốc Hội Hoa Kỳ và thư viện Đại học Yale; mới đây tạp chí này còn được Diễn đàn Thế kỷ bên Mỹ số hoá toàn bộ và 426 số báo đã được điện tử hoá, qua công trình của nhà nghiên cứu văn học Phạm Phú Minh.

Trần Thanh Mại đã tìm ra khuê danh của Bà Huyện Thanh Quan là Nguyễn thị Hinh. Chữ “hinh” viết với bộ “hương” trong chữ Hán nghĩa là mùi thơm lan toả mạnh và xa, như nói hinh hương đảo chúc nghĩa là đốt hương cầu khấn; thuỳ hinh thiên tự nghĩa là để lại tiếng thơm ngàn năm. Khi Hiệp khách hành của Kim Dung sắp chấm dứt, người đọc có dịp làm quen với nhân vật nữ tên họ là Mai Văn Hinh, Văn Hinh có thể chuyển sang Anh ngữ thành literary perfume, một cái tên thực đẹp.

Trong tác phẩm của mình, Tác giả Trần Bích San chỉ có thể trình bày những kiến giải tưởng chừng đã ổn định nhưng thực ra không phải hoàn toàn chính xác.

Ví dụ, đối với Kinh Dịch, tác giả chấp nhận là đã được “Khổng Tử giải nghĩa” (tr. 290). Đó là một phần nội dung thuyết tác dịch tam thánh của Trịnh Huyền đời Đông Hán, theo thuyết này, truyền thuyết cho rằng Phục Hy chế ra quẻ, Chu Văn Vương viết Quái từ và Khổng Tử viết Thập dực. Tuy nhiên theo khảo chứng của các tác giả gần đây, thuyết này không đáng tin vì Phục Hy là một nhân vật hư cấu, huyền thoại, không có thật; vả lại Kinh Dịch không phải là tác phẩm do một nhân vật viết trong một thời đại. Chu Dịch đã được nhiều tác giả chuyển sang Việt ngữ, như Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, v.v…

Nơi trang 125, tác giả cho rằng Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận soạn có 9.353 chữ. Sự thực lịch sử phức tạp hơn. Hứa Thận căn cứ vào kinh điển cổ văn cùng các sách Sử lựu thiên Thương Hiệt thiên để biên soạn thành bộ tự điển Thuyết Văn Giải Tự vào năm Kiến Quang nguyên niên đời Hán An đế (121). Công trình trước tác đòi hỏi 23 năm. Nguyên bản sách này đã bị tàn khuyết, triều Nam Đường thời Ngũ Đại, Từ Huyền hiệu đính xác định văn bản thu chép được 10.516 chữ, trong đó có 1.163 chữ trùng lắp, còn lại 9.353 chữ. Năm 1963 sách được Trung Hoa Thư cục xuất bản. Trong lịch sử qua các triều đại, các bản chú thích Thuyết văn Giải tự có rất nhiều, ảnh hưởng lớn nhất là Thuyết văn Giải tự chú của Đoàn Ngọc Tài đời Thanh do Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã phát hành năm 1981.

Chế độ quốc gia vốn quan tâm rất lớn đến kho tàng văn học chữ Hán nên đã có nhiều cống hiến rất đáng biểu dương và trân trọng như thành lập Uỷ ban Dịch thuật thuộc Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá với người đứng đầu cơ quan là Mai Thọ Truyền, kế đó lại thành lập Trung Tâm Học Liệu với trụ sở ở đường Trần Bình Trọng. Ngoài ra còn có những tổ chức dịch thuật từ Hán sang Việt khác như Uỷ ban Phiên dịch của Viện Khảo cổ Sài Gòn, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam của Viện Đại học Huế, Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hoá Á châu, v.v…

Riêng Uỷ ban Dịch thuật của Phủ Quốc vụ khanh qui tụ nhiều ban, ngoài ban Hán, ban Nôm còn có các ban Trung Hoa học, Anh, Pháp, Nhật, Đức, v.v… Mỗi ban lại chia ra nhiều tổ chuyên môn như ban Hán văn có các tổ Sử, tổ Địa, tổ Triết. Đội ngũ dịch giả khá đông đảo, dễ đến hơn trăm người, nhiều người có danh vọng và uy tín như Đoàn Trung Còn, Lê Xuân Giáo, Lê Mạnh Liêu, Hoàng Khôi, Lê Xuân Mai, Tạ Quang Phát. Những dịch phẩm đã hoàn tất bao trùm các lĩnh vực văn, sử, triết, luật, địa, kinh... Xin liệt kê vài tác phẩm đáng để ý vì có giá trị đặc biệt về văn học lịch sử, do từng cá nhân hoặc do Phủ Quốc vụ khanh phụ trách dịch thuật, ấn loát và phát hành:

Quốc triều Hình luật do Cao Nãi Quang dịch, xuất bản năm 1956;
An Nam Chí lược, do Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam Viện Đại học Huế xuất bản năm 1961;
Ô Châu Cận lục do Bùi Lương dịch, xuất bản năm 1961;
Sử ký Tư Mã Thiên, Nhượng Tống dịch, xuất bản năm 1964;
Ức Trai tập, Hoàng Khôi dịch, xuất bản năm 1972 v.v…

Ngoài ra Công dư Tiệp ký của Vũ Phương Đề, Vân đài loại ngữ, Kiến văn Tiểu lục của Lê Quí Đôn, Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, v.v., cùng với Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo cũng được Trung tâm Học liệu tổ chức dịch thuật và ấn loát, phát hành trong khi Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị in tại Nhà in Tương Lai, đường Võ Tánh, Sàigòn cũng được đích thân Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên tái bản năm 1973 với phần chữ Nôm in rất mỹ thuật.

Các tài liệu tham khảo này in và đóng thành sách với trang giấy cỡ lớn, văn bản ít lỗi ấn loát và nhất là với ưu điểm nổi bật mà chỉ có sách dịch dưới chế độ quốc gia mới làm được, đó là việc in nguyên văn chữ Hán chữ Nôm kèm theo ở phần sau hoặc xen kẽ với phần dịch. Công việc in nguyên văn Hán tự không những giúp phổ biến rộng rãi các tác phẩm cổ mà các nguyên bản chữ Hán đính kèm dịch phẩm còn có tác dụng giúp người đọc có phương tiện và cơ hội thẩm tra lại những chỗ còn nghi vấn khi cần thiết hoặc cung cấp thêm tài liệu cho giới nghiên cứu tiến hành khảo dị.

Bổ túc

Chúng tôi trộm nghĩ sách Văn học Việt Nam cần được bổ túc bằng một chương riêng liên quan đến thi loại từ trong văn học Việt Nam.

Tất cả các tài liệu văn học sử Việt Nam từ trước đến nay không có tài liệu nào trình bày về thi loại từ. Trường Đại học Văn khoa Hà Nội trước 1954 và Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975, cả hai trường đều không có một giờ nào giảng về từ cho sinh viên. Thậm chí Giáo sư Văn khoa Trần Trọng San còn cho rằng “trong văn học Việt - Hán chỉ có độc nhất một bài từ: bài này làm theo điệu Vương lang qui do Đại sư Ngô Chân Lưu tặng sứ thần nhà Tống Lý Giác ở thời Lê Đại Hành (năm 907); trong văn chương chữ Nôm chỉ có mấy bài từ làm theo điệu Tây giang nguyệt trong truyện Sơ kính tân trang của Phạm Thái ở đời Hậu Lê”. Đến lượt mình, tác giả Trần Bích San chỉ có một lần duy nhất đan cử thể từ nơi trang 183 một cách ngắn ngủi, nguyên văn: “các bài từ của Phạm Thái”.

Từ là một thể loại thi ca cổ điển của Trung Hoa. Từ manh nha thời Nam triều, trưởng thành vào đời Đường, thịnh hành ở thời Tống. Từ sản sinh sớm nhất trong dân gian, gốc gác của nó vốn là chốn thanh lâu và các chuyên viên trình diễn từ đầu tiên là giới kỹ nữ. Từ là tổng hoà thi và nhạc bởi vì mỗi bài từ đều được viết theo một nhạc phổ mà thuật ngữ chuyên môn gọi là từ phổ và công việc đặt lời ca cho từ phổ được gọi là điền từ.

Bài ca của Đại sư Ngô Chân Lưu sáng tác để tống tiễn sứ thần Lý Giác thực ra làm theo điệu Nguyễn lang qui chứ không phải Vương lang qui. Nhà Trần tiếp sứ Nguyên là Trần Phu đã cho cử nhạc gồm các điệu Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên, Mẫu biệt tử, Vi sinh, Ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca, Giáng chân long, Nhập Hoàng đô, Yến giao trìNhất thanh phong. Đó là những khúc hát đã được Lê Quí Đôn ghi lại trong Kiến văn Tiểu lục, dựa theo Giao châu Thi tập của Trần Cương Trung; rất có thể đây là những điệu từ. Điệu Đạp ca chẳng hạn có lẽ là điệu Đạp ca từ. Bài từ cuối cùng là của Tản Đà, đó là bài Tống biệt viết vào năm 1917 theo điệu Hoa phong lạc.

Giữa hai thời điểm 907 và 1917 - hơn mười thế kỷ - thỉnh thoảng cũng có tác giả vận dụng thể từ. Về phái nữ có Liễu Hạnh tiên chúa với những bài theo các điệu Bộ bộ thiềm, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Nhất tiễn mai; Trương Quỳnh Thư trong Sơ kính tân trang với hai điệu Tây giang nguyệtNhất tiễn mai; Hồ Xuân Hương với điệu Xuân đình lan.

Về nam giới có thể kể chúa Trịnh Cương với điệu Kiều dương cách; Ngô Thì Sĩ với điệu Tô mộ già; Tùng Thiện Vương với rất nhiều điệu tập hợp trong từ tập Cổ duệ từ như Hoãn khê sa, Thanh bình lạc, Dương châu mạn, Mô ngư nhi, Giải bội lệnh, Lưỡng đồng tâm, Kim nhân bổng ngọc bàn, Pháp khúc hiến tiên âm; Đào Tấn với gần hai mươi điệu trong Mộng mai từ tập: Mãn giang hồng, Bồ tát man, Nhất lạc sách, Ngư phủ từ, Lâm giang tiên, Trường tương tư, Giá cô thiên, Ức Vương tôn, Ức Giang nam, Hậu đình hoa, Ỷ la hương, Ngu mỹ nhân, Tiểu trùng sơn, Như mộng lệnh, Điệp luyến hoa, Chuyển ứng khúc, Bốc toán tử, v.v.. Thi hào Nguyễn Du cũng có ít nhất một bài theo điệu Hành lạc từ và mười lăm bài theo điệu Trúc chi từ (mà tác giả Truyện Kiều gọi là Trúc chi ca). Ngoài ra các nhân vật hư cấu truyện Nôm như Vương Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tô Hữu Bạch trong Ngọc Kiều Lê tân truyện của Lý Văn Phức cũng đều có điền từ.

Phần “Bài Đọc Thêm” của Chương này sẽ giới thiệu vài ba bài từ kinh điển, quen thuộc chữ Hán của các tác giả Trung Hoa nổi tiếng bên cạnh các bài từ cùng điệu bằng chữ Hán hay chữ Nôm của nam nữ từ gia Việt Nam.

*
Khoa văn học sử có nhiệm vụ nghiên cứu các hiện tượng văn học, các phong trào văn học, các tác giả văn học. Văn học sử tìm hiểu quá trình phát triển của nền văn học dân tộc, khám phá những qui luật nội tại của văn học giúp áp dụng những qui luật ấy vào công việc phê bình và đính chính văn học. Văn học sử cố gắng giải thích những điều kiện lịch sử trong đó nền văn học dân tộc đã hình thành và tồn tại. Văn học của một dân tộc có những đặc điểm không giống với văn học của các dân tộc khác và nhiệm vụ của văn học sử là nghiên cứu những đặc điểm liên hệ; ví dụ một đặc điểm của nền văn học Việt Nam là sự phát triển song song của nền văn học viết bằng chữ Hán và nền văn học viết bằng chữ Nôm trong khung thời gian dài nhiều thế kỷ, hoặc một đặc điểm khác là sự chống đối mãnh liệt giữa hai nền văn học tạm gọi nôm na là văn học Việt quốc và văn học Việt cộng.

Ra đời trong bối cảnh lưu vong, Văn học Việt Nam của Trần Bích San đáp ứng được phần lớn nhiệm vụ mà văn học sử đã uỷ thác cho nó. Nó là một trân phẩm hiện đại, khoa học, nhân bản, khai phóng; nó đáng được xem là của gia bảo đối với những ai còn nặng lòng với tiếng Việt chữ Việt.

Bonn, CHLB Đức, 09.01.2019

Địa chỉ mua sách:

Tiến sĩ Trần Gia Thái, Ph.D., hoặc Trần Ngọc Châu, P.O.Box 740248, New Orleans, LA 70174, USA. ĐT: (504) 615-5606, (504) 263-5661; E.mail: chautran6@aol.com <mailto:chautran6@aol.com>.

Giá bán sách: $50. Độc giả ở Hoa Kỳ được miễn bưu phí. Tất cả tiền bán sách dùng tặng quỹ yểm trợ Thương Phế Binh VNCH của Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Được biết, bút hiệu Trần Bích San được tác giả chọn là để tiếp tục công việc văn chương còn dở dang của cụ cố nội Trần Bích San, tức Tam nguyên Vị Xuyên, đậu đầu liên tiếp ba kỳ thi Hương (năm 1864), thi Hội và thi Đình (năm 1865) dưới Triều Tự Đức, và cũng là nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ 19.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019