Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019
Nguyên tác Anh ngữ của BS. Phạm Hiếu Liêm/ Bản Dịch của DS. Nguyễn Hiền
(Bài viết này tóm lược các ý chính cho ngắn gọn dễ hiểu hơn cho người đọc lớn tuổi đeo kính, trình bày bằng chữ lớn và xin phép bỏ các bảng tham khảo tiếng Anh của BS Liêm dù quý giá)
Trong một bài báo mới đây mang tựa đề “Tình trạng Sức khỏe của Người Cao Niên Hoa Kỳ gốc Á”, đăng trên tạp chí có uy tín Journal of the American Geriatrics Society đã tiết lộ nhiều hình trạng đáng lo nơi các Người Việt cao tuổi ở hải ngoại. Khi đối chiếu so sánh với những nhóm người Mỹ gốc Á khác trong văn hóa “dùng đũa” (Khổng giáo) như người Mỹ có gốc Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc, người Mỹ gốc Việt cao niên, được coi như một nhóm có trình độ học vấn kém hơn và nghèo hơn, lại có tỷ lệ cao hơn về bệnh tâm thần, và nhất là có tỷ lệ cao nhất về tiểu đường (22%).
Người ta có thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho phần lớn những phát hiện trên nơi các Cụ người Việt, ngoại trừ chuyện có tỷ lệ cao với bệnh Tiểu đường Loại 2. Bài viết này cố gắng đưa ra một lời giải thích có khả năng thuyết phục nhất về sự khác biệt và với hy vọng sẽ có thể mang lại một vài lời khuyên bổ ích cho những Cụ này về bệnh Tiểu đường Loại 2.
Tiểu đường Loại 2 là gì?
Tiểu đường Loại 2 là một chứng rối loạn từ lâu đã bị gán cho một cái tên sai, đã bị hiểu lầm và cho đến năm 2008, người ta vẫn còn hoàn toàn lầm lẫn trong chỉ dẫn về phương cách chữa trị.
·Khác với Tiểu đường Loại 1 (Tiểu đường ở Thanh thiếu niên) là bệnh đái tháo đường duy nhất đúng nghĩa, bệnh này do sự thiếu hụt sản xuất Insulin của tuyến tụy-- làm ngăn trở khả năng biến đổi chất đường glucose này thành glycogen để dự trữ, do đó lượng glucose trong máu tăng cao.
Bệnh nhân mắc bệnh Tiểu đường Loại 1 do đó phải được chích Insulin để giữ cho lượng glucose trong máu trở lại càng xuống mức bình thường chừng nào càng tốt. (Chữa trị: Nhiều người mang dụng cụ bơm Insulin có cài chương trình để rập khuôn sự phóng thích Insulin từ tuyến tụy đáp ứng nhu cầu vào những bữa ăn.)
·Sự việc lại không đơn giản như thế ở bệnh Tiểu đường Loại 2 vì sự gia tăng glucose trong máu lại gây ra bởi sự kháng cự của các mô chống lại hoạt động của Insulin vẫn được sản xuất (“Insulin Resistant”).
Tuyến tụy phản ứng lại bằng cách bơm thêm Insulin nhiều hơn nữa để lấn áp sự đề kháng này; kết quả là bị mắc chứng Insulin tăng trong máu, ngay cả khi đói bụng.
Ðề kháng lại Insulin rất có thể là do sự thấm nhập chất béo vào trong những cơ quan nội tạng và phản ứng viêm để chống lại tiến trình này.
Dòng thác lũ sưng viêm này và sự rối loạn chức năng của những tế bào mỡ là do hoạt động của những vi hạt organelles trong tế bào nhiều hơn là do adipokines, là những kích thích tố (hormones) có liên quan đến bệnh béo phì, hay là do cytokines (hoặc những chất gây viêm khác) dẫn đến chứng tăng mỡ trong máu, tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu mà kết quả cuối cùng trong nhiều trường hợp là sự hư hại các cơ quan nội tạng, thí dụ như những bệnh tim mạch, những bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại vi và chứng mất trí nhớ Alzheimer. Cũng cần ghi chú thêm là Insulin, tự thân, đã từng được coi là một chất kích thích có chiều hướng gây phản ứng viêm.
Một cách rõ ràng hơn, bệnh Tiểu đường Loại 2 không hẳn là do lượng đường (glucose) cao, mà đúng hơn là do sự gia tăng Insulin trong máu, gây ra sự sưng viêm và rối loạn chức năng của tế bào mỡ adipocyte.
Ðể chỉ chứng này, tôi thích gọi bệnh Tiểu đường Loại 2 là “Hội chứng kháng Insulin” (có người lại dùng những thuật ngữ Hội chứng Biến dưỡng và Hội chứng X).
Việc chữa trị bệnh Tiểu đường Loại 2 đã bị hiểu sai lạc ra sao trước khi có cuộc nghiên cứu ACCORD?
ACCORD (Action to Control Cardiovascular Risk in Diabetes) là một cuộc nghiên cứu rộng lớn, có hoạch định cẩn thận, với sự tham dự của nhiều trung tâm nghiên cứu, thực hiện trên bệnh nhân mắc chứng Tiểu đường Loại 2; cuộc nghiên cứu được bảo trợ bởi Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIH), khởi sự thiết lập hồ sơ bệnh nhân vào khoảng năm 2005 và cho tới nay (2010) đã thâu lượm được vài kết quả quan trọng:
1. Sự kiểm soát gắt gao lượng glucose trong máu bằng những chế độ dùng Insulin chặt chẽ làm tăng đáng kể số tử vong ở những bệnh nhân này, một điều làm những nhà nghiên cứu ngạc nhiên là họ chết vì những cơn đau tim và đột quỵ chứ không do phản ứng chống lại lượng đường trong máu thấp như người ta vẫn nghi ngờ. Nhánh nghiên cứu này đã chấm dứt trước hạn kỳ, vào năm 2008, do mối quan ngại về sự an toàn của những đối tượng còn lại của cuộc nghiên cứu.
2. Như đã được chứng minh trước đây, sự chế ngự chứng cao huyết áp đặc biệt hữu hiệu khi dùng thuốc ức chế ACE (ACE Inhibitor). Tuy nhiên, làm giảm áp suất tâm thu (systolic pressure) xuống mức thấp hơn 140mmHg không mang lại thêm lợi ích nào cho người bị cao huyết áp (và còn có thể nguy hiểm ở người cao tuổi).
3. Ðiều quan trọng là kiểm soát lượng chất béo trong máu bằng cách dùng những thuốc statine. Dùng thêm những thuốc fibrate để hạ lượng chất béo xuống nữa không giúp gì được cho một kết quả lâm sàng tốt hơn.
Trước khi có cuộc nghiên cứu mang tính mở đường này, các bác sĩ chỉ chăm chăm vào việc chế ngự lượng đường tăng cao trong máu ở những bệnh nhân bị bệnh Tiểu đường Loại 2 và chữa trị họ giống như phương thức chữa trị bệnh Tiểu đường Loại 1. Insulin khi đó thường được dùng khi thuốc uống không còn công hiệu để cố đạt được một lượng glucose khi đói bụng là 110mg% hay ít hơn, hoặc là khi lượng Glycosylated Hemoglobin (HGb A1C) cao hơn 7. Lượng Insulin được đưa thêm vào cho những bệnh nhân vốn đã có một lượng Insulin cao trong máu đã mặc sức tàn phá cơ thể họ và hiển nhiên đã đưa đến những kết quả xấu ban đầu như theo nghiên cứu ACCORD.
Cuộc nghiên cứu ACCORD sẽ được các bác sĩ hiện đang hành nghề thẩm định lại và sẽ được đưa vào trong những sách chuyên khoa Y trong thời gian tới.
KẾT LUẬN:
I) Một cách nhìn toàn diện, chế ngự Hội chứng Ðề kháng Insulin hay bệnh Tiểu đường Loại 2 bao gồm những điều sau đây:
a. Phải có một chế độ ăn hợp lý hàng ngày với một lượng calori giới hạn (trong khoảng từ 1700 tới 2000 Kcal mỗi ngày ở nam giới, ở phái nữ là từ 1500 tới 1800 Kcal mỗi ngày). Cách ăn theo kiểu vùng Ðịa Trung Hải (Mediterranean type diet) được đề cao do bởi tác dụng chống sưng viêm có được nhờ:
·chất mỡ đơn chưa no (mono-unsaturated fat, thí dụ như dầu ôliu) là chất chủ yếu trong thực đơn;
·dồi dào lượng acid béo omega-3 có trong đồ biển và chứa ít đường đơn (mono và diglycerides);
·ủ lượng chất đạm, ăn vào mỗi ngày ít nhất phải là 1,2 gram cho mỗi kg thể trọng (thí dụ cần 72 gram cho người cân nặng 60kg); và
·chỉ dùng chất bột/đường phức hợp (complex carbonhydrates).
b. Một thời khóa biểu tập thể dục ngắn, 15 - 30 phút mỗi ngày, trong đó bao gồm tập nhảy aerobic, thể dục dụng cụ nhẹ (callisthenic) cho hệ tim mạch và óc được dẻo dai, vài môn tập cử tạ cũng được khuyến khích để duy trì lượng cơ bắp, giúp thêm tác động trên sức kháng cự lại Insulin.
c. Theo dõi kỹ tình trạng cao huyết áp và cao mỡ máu như đã đề cập ở trên.
d. Chấm dứt việc bị ám ảnh bởi chuyện theo dõi lượng glucose. Kiểm tra lượng glucose mỗi ngày 1 lần khi bụng đói (fasting) là quá đủ; mọi mức dưới 200mg% đều có thể chấp nhận được. Ở bệnh Tiểu đường Loại 2 (Hội chứng Ðề kháng Insulin), kết quả tốt tương ứng với một trị số HGb A1C (chỉ số trung bình cho 3 tháng) trong khoảng 7,3 - 7,5; vì thế mọi trị số dưới 8 đều chấp nhận được.
Phép trị liệu duy nhất đã được chứng minh là có ích về lâu dài là Metformin bởi vì nó làm cho các “receptor-cảm-ứng-với-Insulin” (Insulin Receptors) nhạy cảm hơn. Những phương cách chữa trị khác hao tốn nhiều và làm cho kết quả glucose xem ra có vẻ tốt hơn, nhưng chúng không chứng tỏ được là có lợi cho bệnh nhân; ngược lại, nhiều khi cho thấy sự nguy hiểm tức thời (thí dụ Insulin, Avandia, v.v…). Cho tới ngày nay, lợi ích duy nhất đã được minh chứng trong việc kiểm soát chặt chẽ lượng glucose ở những bệnh nhân này là sự trì hoãn bệnh võng mạc do tiểu đường mà nguy cơ quá nhiều để có thể kể ra hết.
II) Vì sao người Việt cao tuổi lại có nguy cơ cao hơn về Hội chứng Ðề kháng Insulin (bệnh Tiểu đường Loại 2) và người ta nên làm gì thêm để phòng ngừa?
Bên cạnh cái nhìn toàn diện đã nêu ra trên đây, người Việt cao tuổi có những khó khăn làm cho Hội chứng Ðề kháng Insulin nặng thêm, với bệnh lý như sau:
1. Thiếu Vitamin D: Tình trạng này phổ biến ở những Việt kiều sống ở những quốc gia Tây phương. Sự thiếu hụt Vitamin D (với mức thấp hơn 33) làm cho các mô có khuynh hướng thiên về sự tạo tác dụng phá hoại do sưng viêm và làm trầm trọng thêm sự chống lại Insulin. Tất cả Việt kiều nên đi kiểm tra lượng 25-OH-Vitamine D và dùng Vitamin phụ thêm nếu mức này thấp. Vài năm trước đây cuộc nghiên cứu trong lãnh vực điều dưỡng ở Hoa Kỳ về chứng loãng xương đã bất ngờ cho thấy là nhóm được chỉ định dùng Vitamin D phụ thêm đã có một sự giảm thiểu bệnh Tiểu đường Loại 2 là 35%.
2. Sự tiêu thụ quá độ những “sản phẩm đã được hóa đường ở cấp cao” (hay AGEs, là tên gọi chung những chất đạm đã bị hư hại vĩnh viễn do những nhóm đường kết nối vào và làm phân hóa chúng). AGEs có thể được tạo ra ở ngoài hay bên trong cơ thể:
Ở trong cơ thể, chúng xảy ra khi sự chống lại Insulin là nguyên nhân gây cho monosaccharide tạo phản ứng kết nối để thành những hợp chất AGEs (thí dụ như HGb A1C).
Ở ngoài cơ thể, AGEs được cấu thành do đồ ăn bị nấu ở nhiệt độ cao; đun cháy đường (thắng đường để làm thành nước màu caramel) tạo nên một lượng lớn AGEs; cách nấu nướng của người Việt dùng đầy dẫy chất này (nước kho, nước màu, nước thắng v.v…) cần bớt đi.
AGEs tạo nên một phản ứng oxi-hóa mạnh mẽ nơi những mô sống và được xem như là nguyên nhân chính gây nên hư hại nội tạng ở giai đoạn chót trong Hội chứng Ðề kháng Insulin, đặc biệt là nguyên nhân gây nên đột quỵ và đau tim nơi những bệnh nhân hư hại chức năng thận. Giữ nhiệt độ thấp liên tục trong khi nấu (hấp, đun sôi), và chung với chất chua (dấm, chanh, me v.v…) sẽ làm giảm thiểu sự thành lập AGEs một cách đáng kể.
3. Dùng fructose quá mức trong môi trường sinh sống như ở Mỹ: Hoa Kỳ và những quốc gia kỹ nghệ hóa trên toàn thế giới đã tiêu thụ ít sucrose hơn (chỉ chứa 50% fructose) và nhiều HFCS hơn (HFCS: High Fructose Corn Syrup: mật đường chế từ bắp, chứa 78% fructose) trong 20 năm qua.
Gan của người chỉ có thể chuyển hóa khoảng 25gram fructose mỗi ngày thành năng lượng, phần còn lại sẽ thành chất béo triglyceride; acid béo không có VLDLs sẽ kích hoạt phản ứng sưng viêm nơi tạng phủ và phản ứng chống lại Insulin. Fructose cũng dễ dàng tạo AGEs.
Cuối cùng, mặc dù không có chứng cớ khoa học vững chắc, những cựu quân nhân Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Việt Nam đang bị bệnh Tiểu đường Loại 2 có thể lấy được tiền bồi thường cho việc họ bị bắt buộc tiếp xúc với Chất độc Da cam trong thời gian thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam. Có thể đây cũng là một phần của lý do giải thích tỉ lệ cao của người mắc bệnh Tiểu đường Loại 2 ở người Việt cao tuổi chăng?
BS Phạm Hiếu Liêm hân hạnh dành bài này cho những người Việt cao tuổi ở khắp mọi nơi.
Nguyên tác: Type 2 Diabetes: A Curse To Older Viet Kieu, Pham H Liem, MD, Professor of Geriatrics, Donald W. Reynolds Department of Geriatrics, College of Medicine at UAMS and Associate Chief of Staff for Geriatrics and Extended Care, at CAVHS; Bản dịch tiếng Việt: DS Nguyễn Hiền.