Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Lời mở đầu :
Cấp bậc của những nhân vật trong bài này là cấp bậc vào thời điểm của câu chuyện.
Lực lượng Tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gồm : Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Tại mỗi đơn vị Tiểu đoàn tác chiến của 2 binh chủng này đều có một Y sĩ.
Bài viết này đề cập đến một số Y sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã bị thương hoặc hy sinh vì tổ quốc trong khoảng từ 1964 - 1972. Tất cả những vị này đều tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ, từ Y khoa Đại học Sàigòn.
1.Y sĩ Trung úy Trương Bá Hân.
Trương Bá Hân tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tháng 11 năm 1963. Đơn vị đầu tiên của anh là một Trung đoàn Bộ binh ở Tuy Hòa. Sau một năm phục vụ tại đơn vị này, anh được thuyên chuyển về Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến.
Vào ngày 31 tháng 12 năm 1964, Tiểu đoàn 4 hành quân vào Bình Giả.
Xin mời đọc đoạn dưới đây của tác giả Trần Ngọc Toàn, lúc bấy giờ là Trung úy giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 1
”… Công tác chuẩn bị tản thương vừa xong thì đợt pháo đầu tiên trút xuống vị trí của Tiểu Đoàn 4 rầm rầm. VC đã sử dụng súng cối và đại bác không giật 75 ly nã đạn tới tấp. Đạn nổ cả trên ngọn cây cao su làm gãy cành đổ xuống rạt rạt. Vừa dứt đợt pháo. VC từ bốn phía tràn lên. Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đã
chống trả và chặn đứng nhiều đợt xung phong biển người của địch. Chúng dùng chiến thuật bao vây và chia cắt. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một khốc liệt. Ta và địch bám từng gốc cây cao su, từng bờ đất. Hai bên đánh nhau bằng cận chiến thật sự. Lực lượng tham chiến ước chừng một trung đoàn. Chúng từ khu rừng rậm phía trước tràn ra như nước vỡ bờ. Nửa giờ sau khi chạm súng, Thiếu tá Tiểu Đoàn trưởng Nguyễn Văn Nho và Bác sĩ Trương Bá Hân, Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn đã tử thương…”
Mặc dầu Tiểu đoàn trưởng đã hy sinh, nhưng người mang máy cho ông là Hạ sĩ Vân chỉ bị thương. Anh Vân hướng về phía Bác sĩ Hân đang ở cách đó không xa, gọi “Bác sĩ ơi ! Em bị thương”. Bác sĩ Hân đáp, giọng yếu ớt : “Chờ chút xíu tôi sang ngay !” Hạ sĩ Vân đoán chắc Bác sĩ cũng đã bị thương. Anh cố gượng đau bò về phía đó xem sao. Tới nơi Bác sĩ Hân còn thoi thóp. Vài phút sau, thì tắt thở. Đêm xuống, Hạ sĩ Vân chờ yên tiếng súng, cố bò từng chặng, vừa lê lết vừa nghe ngóng, về hướng làng Bình Giả.
Khi Đại úy Nguyễn Thanh Trí về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Nho, thì Hạ sĩ Vân sau khi vết thương đã khỏi, lại tiếp tục làm người mang máy truyền tin cho Tiểu đoàn trưởng. Chính anh đã kể lại cho người viết bài này những chi tiết kể trên, trong một cuộc hành quân tại Bà Hom, ven đô, vào tháng 4 năm 1966.
2.Y sĩ Trung úy Trần Ngọc Minh.
Bác sĩ Trần Ngọc Minh tốt nghiệp khóa 11 Quân Y, Hiện dịch vào cuối năm 1964. Anh được thuyên chuyển về Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, giữ chức vụ Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 3 vào khoảng đầu năm 1965. Cùng lúc đó Bác sĩ Nguyễn Văn Thế là Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến. Bác sĩ Thế có viết lại một kỷ niệm với Bác sĩ Minh như sau :
“… Y sĩ Trung úy Trần Ngọc Minh hy sinh trong trận Việt An, tháng 4 năm 1965. Tên anh sau này được dùng để đặt cho một Quân Y Viện, nằm kế Trường Quân Y : đó là Quân Y Viện Trần Ngọc Minh.
… Sau khi tốt nghiệp khóa 11 Quân y Hiện dịch vào cuối năm 1964, Bác sĩ Trần Ngọc Minh và tôi được thuyên chuyển về Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Kể từ đó, áo trắng của những Y sĩ thư sinh chúng tôi nay đã được đổi thành áo trận rằn ri..”.
Bác sĩ Minh được bổ nhậm Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi về Tiểu đoàn 4 -
…Một hôm, chúng tôi được chuyển đến Bà Hom, một ấp nhỏ ngoài Phú Lâm (để Tiểu đoàn 3 TQLC chuẩn bị lên đường ra miền Trung), trong nhiệm vụ bảo vệ vòng đai Thủ Đô. Trên đường ra Bà Hom cùng với Tiểu đoàn phó, Đại úy Nhơn, xe Jeep chúng tôi tình cờ gặp xe Bác sĩ Minh đi ngược chiều. Chúng tôi ngừng xe, bắt tay nhau trong nỗi vui mừng khôn xiết vì đã nhiều tháng (từ ngày là Y sĩ TQLC) chúng tôi chưa gặp nhau. Sau một hồi hỏi han trò chuyện thật cảm động, chúng tôi chia tay trong sự luyến tiếc. Bác sĩ Minh ghì tôi lại và nói : “Cẩn thận nhé Thế, moi ra miền Trung trước, sẽ gặp lại toi sau !”
Vài tuần sau đó, vào một buổi chiều, tại căn nhà lá ở Bà Hom, nơi dùng làm Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn Hành quân, tôi tự nhiên cảm thấy bồn chồn, lo lắng… Bước vội qua bên kia đường đất, tôi hỏi anh Hạ sĩ quan Truyền tin : “Có tin gì của Tiểu đoàn 3 không ?”. Anh đáp : “Bác sĩ, nghe nói Tiểu đoàn có đụng trận ở Quảng Ngãi và dường như có 8 người chết, không có Sĩ quan”. Tôi an tâm trở về Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, nhưng một lát sau, anh Trung sĩ Truyền tin trở qua gọi tôi : “Bác sĩ, em mới được tin, trong số những người chết có một sĩ quan là Bác sĩ Tiểu đoàn”. Tin này đến với tôi như sét đánh, làm tôi nghẹn ngào vì lần đầu tiên tôi nếm sự mất mát lớn lao của chiến trận. Tôi đã mất đi một người bạn thân, bạn đồng khóa, đồng hành. Giờ đây một mình trong TQLC, tôi cảm thấy lẻ loi vô cùng và tự hỏi : “Chừng nào đến phiên mình đây?” Nhớ lại lúc chia tay với Bác sĩ Minh, tôi trở nên dị đoan. Về sau, mỗi khi đi hành quân tôi không còn chào hỏi, không còn từ giã, chỉ lẳng lặng ra đi không một lời dù với vợ con. ..”
3.Y sĩ Trung úy Phạm Hữu Hảo
Phạm Hữu Hảo tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tháng 11 năm 1964.
Anh sinh tại miền Trung, da hơi ngăm ngăm, mặt mày vuông vắn, đeo kiếng trắng, tính tình vui vẻ, lúc nào cũng cười nói oang oang. Có thể nhờ thế mà anh được rất nhiều cô ưa thích. Mà cũng có thể anh có tài tán gái rất giỏi. Nhưng tán như thế nào thì anh không dạy ai mà cũng chẳng ai bắt chước được anh cả. Anh vui tính nhưng khi làm việc thì anh rất trọng kỷ luật. Cấp dưới sợ anh một phép.
Anh là Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến.
Ta hãy đọc đoạn dưới đây trích trong bài : “Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến bị Việt cộng phục kích tại Phò Trạch” của tác giả Phạm Văn Tiền.
”….Từ địa thế cao tại các hầm lô cốt cũ của Pháp để lại, địch đã mai phục từ 2 giờ sáng đồng loạt tác xạ tới tấp vào đoàn xe đang di chuyển, nặng nhất là khu trung tuyến nơi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, gần như tất cả xe thuộc Đại Đội Chỉ Huy đều bị bốc cháy ngay đợt khai hỏa đầu tiên. Vì ở xe đầu của Đại Đội 2 theo sát Đại Đội Chỉ Huy, nên tôi đã chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra quá chớp nhoáng và quá bất ngờ. Địch từ các hố cá nhân được đào sâu trong lòng đất, vùng dậy hò hét xung phong bằng kèn đồng dao găm và mã tấu.
Ta không kịp phản ứng lúc ban đầu nên chúng tha hồ ra tay sanh sát. Khi súng địch nổ bùng, các chiến sĩ Trâu Điên phản ứng tự nhiên bằng cách nhảy khỏi xe, tràn qua trái, băng qua đồng trống lối vài chục thước để chiếm lĩnh cao địa ở dãy đường rầy xe lửa. Nhưng địch đã nằm đầy nhóc tại phía này và quân ta đã xung phong vào chỗ chết. Trung úy Sơn-Xil cùng toàn bộ Trung Đội cảm tử quân của ông ta đã đền xong nợ nước. Xác ông ta nằm bên ven lộ cạnh thi hài vị Tiểu Đoàn Trưởng bầm dập bởi nhiều nhát đâm, nhát chém. Các Sĩ Quan khác như Bs Hảo, Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn, Thiếu úy Thái Bông, Ban 3, Thiếu úy Hưởng may mắn sống sót nhờ chạy lẫn khuất vào cái bụi rậm bên phải lộ sau khi đã bị thương nhẹ…”
Sau khi xuất viện từ Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y sĩ Trung úy Phạm Hữu Hảo gặp tôi (Y sĩ Trung úy Trần Xuân Dũng) tại trại Cửu Long, Thị Nghè.
Tôi hỏi : “Anh bị thương ở chỗ nào ?”
Anh vén ống quần bên trái lên. Vết đạn xuyên qua đùi trái đã lành. Được cái may là chỉ có bắp thịt ở phía trước đùi bị đạn xuyên nhưng xương đùi không gãy.
Anh Hảo nói : “Một người Y tá đã cõng tôi chạy ngược nơi phục kích, vào một bụi rậm nên thoát”.
Mấy hôm sau, anh cầm cái võng cá nhân bằng ny lông của anh, đưa tôi và nói :
- “Dũng ! Tớ sắp thuyên chuyển đi làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 11 Thâu Lựa Thương tại Thủ Đức. Tớ tặng cậu cái võng này, vì tớ không có dịp dùng nó nữa. Nó đã thủng 1 lỗ nhỏ. Viên đạn xuyên qua đùi trái của tớ rồi xuyên tiếp sang cái võng tớ đang đeo bên hông trái, trong trận phục kích ở Phò Trạch. Cậu hãy giữ nó làm kỷ niệm, và dùng. Tớ đã nằm trên nó những lúc hành quân. Hy vọng cậu cũng sẽ được may mắn như tớ.”
4.Y sĩ Trung úy Lê Hữu Sanh.
Lê Hữu Sanh tốt nghiệp Bác sĩ tháng 11 năm 1965.
Anh là bạn đồng khóa với người viết bài
này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thế có viết về Lê Hữu Sanh như sau :
“...Anh Sanh ra trường khóa 12 Quân Y Hiện Dịch, sau tôi một khóa. Một hôm, lúc về phép tại Saigon, trong quân phục rằn ri, tôi tình cờ gặp anh Sanh trước cổng Trường Marie Curie, lúc còn chưa chọn đơn vị. Nhìn bộ đồ trận tôi đang mặc, anh Sanh hỏi tôi: “Sao ? Anh thấy bên Thủy Quân Lục Chiến được không?” Tôi nửa đùa nửa thật: “Anh Minh tử trận rồi ! Mỗi người một số ! Thủy Quân Lục Chiến cực nhưng vui !” - “Như vậy, tôi sẽ chọn qua Thủy Quân Lục Chiến với Anh cho có bạn!” Anh Sanh đáp và Anh đã lựa Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Anh Sanh, không lâu, tử trận lúc làm Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến…”
Xin mời quý vị nghe Bác sĩ Võ Thương, một Y sĩ tại Bệnh viện 1 Dã Chiến Quảng Ngãi kể về trường hợp anh Sanh tử trận :
“…Sáng hôm nay trong buổi họp tham mưu tại Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2, tôi được biết một Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến vừa đến và đóng quân bên quận Sơn Tịnh. Người Y sĩ trưởng của Tiểu đoàn là Sanh, bạn tôi ở trường Thuốc. Sau buổi họp tôi đi thăm bạn ngay. Qua khỏi cầu Trà Khúc chừng nửa cây số về phía Bắc, tôi lái xe vào con đường lên núi Thiên Ấn. Không khí tươi mát của những vườn cây làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu sống ở quê nhà. Cuối con đường đất rợp bóng tre xanh, tôi nhìn thấy bóng dáng của mấy người lính trên đồi, bên kia cánh đồng lúa. Lúc xe đến chân đồi, tôi gặp người lính gác, ngỏ ý muốn thăm Sanh và được dẫn đến căn lều của Bộ Chỉ huy.
Nhìn thấy tôi, Sanh chạy ra tay bắt mặt mừng. Chúng tôi đi lên đồi, đường dốc thoai thoải. Cả sườn đồi là một thảm cỏ xanh, gió núi thổi qua còn mát lạnh hơi sương. Bầu trời xanh lơ cao vút. Dưới xa kia, dòng sông Trà Khúc như một giải lụa màu xanh mềm mại trên bãi cát trắng phau. Tôi nhìn Sanh đứng trên đồi, giữa thiên nhiên bao la. Khổ người cao lớn, da sạm nắng, mái tóc hớt cao. Sanh có vẻ chững chạc, uy nghiêm trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Tôi nghĩ thầm, người Sinh viên Trường thuốc hiền lành ngày xưa đã thay đổi nhiều. Sanh kể cho tôi nghe chuyện bạn bè ở trường, chuyện những kiều nữ của thủ đô… Giọng Sanh chợt có vẻ ưu tư :
“Bọn mình lặn lội khắp nơi, sống chết lúc nào không biết. Về Sàigòn, tôi cảm thấy vô cùng chán nản khi nhìn thấy Sinh viên xuống đường biểu tình ngày đêm…”
Tôi trở lại thăm Sanh vào ngày cuối tuần. Trời vừa xế bóng, ánh nắng chói chang trên trời cao. Tôi đến trước căn lều nhỏ khuất trong lùm cây, thấy Sanh ung dung đọc sách trên chiếc cáng vải, ngực để trần, mồ hôi chảy thành dòng, hơi nóng trong lều bốc lên hừng hực. Sanh rủ tôi đi tắm sông. Chúng tôi theo lối mòn đi xuống bến. Bây giờ là mùa nước cạn, dòng sông chảy gần bờ phía Bắc. Những xe đạp nước quay đều, đổ nước lên đồng mía. Sanh và tôi nhào xuống dòng nước mát lạnh ngọt ngào, quên hết những lo lắng trong hiện tại, những ưu tư với thời cuộc…
Sanh thách bơi thi đến chỗ vày cầu gãy đổ giữa dòng. Khi bám vào được những cây sắt cong queo, han rỉ nhô ra trên mặt nước, hai chúng tôi đều thở dốc và cười vang. Chúng tôi leo lên ngồi vắt vẻo trên cây đà gần mặt nước, buông thỏng chân trong dòng nước trong veo. Giờ tôi mới nhìn thấy chiếc quần tắm bó sát người thật đẹp của Sanh. Anh chỉ cho tôi xem chữ S hoa thêu bên góc, nét chỉ sắc sảo nổi bật trên nền vải màu nâu non. Bằng một giọng ngọt ngào Sanh nói :
-Của M.H thêu cho tôi đó.
Sanh đưa mắt nhìn theo cánh chim trời bay về phương Nam rồi quay lại nói với tôi :
-“Sau cuộc hành quân này, chúng tôi sẽ làm lễ cưới, anh cố gắng thu xếp về chung vui với chúng tôi nhé.”
M.H là sinh viên Văn khoa. Mấy năm về trước nàng bị lao phổi và nằm điều trị tại bệnh viện Hồng Bàng. Nhóm Sinh viên Trường thuốc thực tập ở đó kháo với tôi là đôi mắt của người bị bệnh lao đẹp long lanh khác thường. Tôi không tin nhận xét đó, nhưng quả thật M.H có đôi mắt đẹp trong sáng và hàng mi dài tha thiết.
Một chiếc lá trôi đến chỗ chúng tôi. Sanh và tôi cùng khua chân nhè nhẹ, cho đợt sóng nhỏ đưa đẩy chiếc lá khô bập bềnh trôi ra xa. Sanh cất giọng ngân nga gần như hát: “… tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa, mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ…”
Về phía Tây, mây trắng bay lang thang bồng bềnh. Gió trên sông đã chớm lạnh, chúng tôi lội vào bờ. Trên đường về, tôi thấy những người lính Thủy Quân Lục Chiến nấu bữa cơm chiều dưới tàng cây. Mùi khói tản mát trong sương chiều. Tôi nói với Sanh, nửa đùa nửa thật.
-Này Sanh, tôi có cảm tưởng như anh đang đi cắm trại trong sinh hoạt Hướng đạo. Tôi ở tỉnh nhỏ này nhiều lúc buồn chán, ao ước đi đây đi đó như anh và thỉnh thoảng được về Sàigòn.
Sanh cười nhẹ rồi trả lời :
-Hành quân không giống như đi cắm trại đâu, địch pháo kích và tấn công bất ngờ lắm.
Khi đến chỗ căng lèu, Sanh nghiêm trang nói tiếp :
-Anh thấy đó, lều của tôi căng bên bờ hố cá nhân. Đêm nằm ngủ, nghe tiếng départ là lăn ngay xuống hầm.
Tôi bắt tay Sanh rồi lửng thửng ra về. Xuống đến chân đồi, tôi dừng chân quay người lại. Ngọn đồi chìm trong hoàng hôn cô tịch, không một ánh lửa, không một bóng người. Tôi miên man nghĩ đến những đêm dài trong rừng núi, những hiểm nguy bất ngờ của người lính chiến, của Sanh.
Sáng nay, tôi đến bệnh viện sớm. Những chiếc lá khô rơi là đà trong cơn gió thổi qua hành lang dài vắng vẻ. Hầu hết thương binh đã được chở đi Tổng Y Viện Duy Tân tại Đà Nẵng để có giường trống cho thương binh của cuộc hành quân. Tiếng đại bác nổ dồn dập từ phía Tây Nam, tôi nghĩ đến cuộc hành quân, nghĩ đến Sanh đang lặn lội giữa bom đạn mịt mù…
Xe cứu thương bắt đầu chở thương binh đến bệnh viện. Phòng lựa thương trở nên bận rộn. Dưới mái tôn, hơi nóng hâm hấp phảng phất mùi bùn đất và mùi máu tanh. Từ khi mặt trận ở phía Nam Quân Đoàn I trở nên sôi động, Bệnh viện 1 Dã Chiến thâu nhận nhiều thương binh, và toán lựa thương làm việc rất mau chóng và hiệu quả.
Đến phiên tôi vào mổ. Người lính bị thương mảnh lựu đạn, gan, bao tử và ruột non bị lủng nhiều lổ nhỏ. Cuộc giải phẫu kéo dài nhiều giờ. Tôi xem vết khâu lần nữa và yên lòng khi thấy màu hồng nhạt đều hòa trên khoanh ruột non.
Cắt mối chỉ cuối cùng, vừa ngẩng đầu lên tôi đã nghe giọng nói điềm đạm của người chuyên viên đánh thuốc mê nói với tôi: “áp huyết 10 trên 7, nhịp tim 90”. Khẽ gật đầu tỏ dấu cảm ơn, tôi tháo bỏ bao tay và chiếc áo mổ rộng thùng thình, uể oải bước ra khỏi phòng.
Bên ngoài trời đã tối, tôi đi dọc hành lang về phía phòng lựa thương, nơi có ánh đèn nê ông sáng chan hòa. Phòng lựa thương đã vắng người, Y tá đang thu nhặt những mảnh vải rách nát, băng cá nhân đẫm máu rơi rớt trên nền nhà. Năm ba người lính Thủy Quân Lục Chiến ngồi trên băng ghế chờ xe về hậu cứ, bộ quân phục tác chiến nhàu nát còn lấm bụi đường. Sau mấy giờ đứng giải phẫu, hai chân mỏi nhừ, tôi ngồi xuống bậc thềm trước phòng lựa thương nhìn ra đêm tối, ánh hỏa châu sáng cả vùng trời phía Tây Nam. Thượng sĩ Mỹ, Y tá trưởng khối chuyên môn đem đến cho tôi ly nước đá lạnh. Anh ta nói vắn tắt cho tôi nghe công việc tiếp nhận thương binh trong buổi chiều. Nghĩ đến Sanh, tôi hỏi :
-Ông có nghe nói tình hình cuộc hành quân như thế nào không ?
-Thưa Bác sĩ, hình như là đụng trận lớn! Thượng sĩ Mỹ trả lời.
Một người trong nhóm lính Thủy Quân Lục Chiến nói chen vào :
-Thưa ông thầy, tụi tôi vừa vào đến đầu làng là đụng nặng. Tiểu đoàn trưởng, Sĩ quan Cố vấn Mỹ đều tử thương.
Tôi vội hỏi : “Bác sĩ Sanh có sao không anh ?”
-Bác sĩ Sanh bị thương ở đùi, tôi kéo ông ta vào nằm dưới bụi cây.
Rồi anh ta nói tiếp :
-Đến chiều thì Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn bị tràn ngập. Việt cộng nhào lên, gặp người bị thương là bắn chết. Tôi nằm trong bụi rậm cách chỗ Bác sĩ Sanh chừng mươi thước nghe rõ ràng:
-Mầy là Bác sĩ à ? Tao cho mầy phát súng ân huệ !
Người lính Thủy Quân Lục Chiến ngừng nói, cúi đầu cài điếu thuốc lên môi. Khuôn mặt sạm nắng đượm buồn. Mọi người lặng im.
Tiếng dế rúc ngoài bụi cỏ nghe rõ mồn một. Tượng sĩ Mỹ chợt lên tiếng :
-Sư đoàn báo cho biết sẽ còn chuyến trực thăng chở thi hài đến bệnh viện.
Tôi ngồi trên nền nhà rất lâu với nỗi thê lương ngấm vào tâm hồn. Người tôi rã rời, mệt mỏi.
Khi nghe tiếng trực thăng đáp xuống phía sau bệnh viện, tôi theo người Sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến đi nhận xác. Tiểu đội Chung sự khiêng những poncho chứa thi hài sắp thành hàng trước thềm nhà xác. Tôi đến từng chiếc poncho để tìm Sanh. Khi chiếc poncho cuối cùng mở ra, có người bảo là trực thăng bốc nhầm xác một quân nhân Mỹ. Tôi bước đến gần hơn, nhìn thi hài cao lớn với gương mặt méo mó, rồi nhìn mẫu băng cá nhân cột ngang qua đùi bên phải, tự hỏi có phải là Sanh không ? Tôi dùng kéo cắt doc ống quần, từ đầu gối rọc thẳng lên gần bụng và nhìn thấy ngay màu vải nâu non của chiếc quần tắm với chữ S thêu. Tôi nói với người Sĩ quan đó là thi hài của Sanh và tỏ ý muốn khâu lại vết thương cho người bạn học.
…Căn phòng im lặng, chỉ có tiếng máy điều hòa không khí. Thi thể Sanh được đặt trên bàn, tấm khăn trắng phủ đến ngang vai. Tôi đứng trước bàn mổ, lòng tê tái, ngần ngại chưa muốn kinh đông đến thi hài người bạn học. Trong giây phút, tôi nhìn vào gương mặt méo mó của Sanh. Nhìn vết thương tròn nhỏ trước trán, lấm tấm vết nám đen của thuốc súng. Xương mặt và xương sọ bể nát, mảng da sau gáy rách tả tơi. Tôi cố xếp lại những mẫu xương, máu và óc chảy ra ướt đôi bao tay, hơi lạnh thấm qua làm tôi rùng mình thảng thốt.
Tôi khâu vết thương đằng sau gáy, sửa cho khuôn mặt bớt méo. Dần dà đã thấy lại đường nét quen thuộc của Sanh. Đôi mắt tôi bỗng nhạt nhòa, lòng bồi hồi thương tiếc. Mới hôm nào chúng tôi còn bơi lội trong dòng sông Trà Khúc… chiếc quần tắm nàu, có lẽ là kỷ vật thương yêu nhất nên Sanh mặc vào người trước khi ra trận. Kéo tấm vải trắng phủ qua mặt Sanh, tôi bước ra khỏi phòng.
Trời đã gần sáng, những vì sao đêm chỉ còn rất lưa thưa...”
5.Y sĩ Trung úy Đ. Q. A.
Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ tháng 11 năm 1966, Đ.Q.A gia nhập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và trở thành Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến.
Vào khoảng tháng 2 năm 1967, Tiểu Đoàn 6 xuất quân lần đầu tiên. Khi tới Tân Uyên, đơn vị đóng quân. Vừa xong thì địch pháo kích. Y sĩ Trung úy Đ.Q.A bị thương rất nặng.
Sau giai đoạn đầu chữa trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, anh được chuyển về Bệnh viện Bình Dân ở đường Phan Thanh Giản, Sàigòn.
Tại đây Giáo sư Trần Ngọc Ninh đã tận tình chữa trị mấy tháng liên tiếp nên Bác sĩ A. không bị cưa chân. Sau đó anh được giải ngũ.
6.Y sĩ Trung úy Ngô Quang Trung.
Ngô Quang Trung tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tháng 11 năm 1966. Sinh trưởng ở trong nam, trong một gia đình rất giàu có. Có lẽ vì thế mà thời Sinh viên, anh ham chuyện ăn chơi nhiều hơn là việc học hành. Do đó người ta học 7 năm thì tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ, còn anh học hơn chục năm, có thể là 12 năm mới xong. Trong Y khoa Đại học, anh là đàn anh của rất nhiều người (nếu tính từ lúc anh bắt đầu học năm thứ nhất), nhưng sau đó anh lại hóa ra đàn em rất xa cũng của những người đó (nếu tính đến lúc anh tốt nghiệp Bác sĩ).
Đầu năm 1967 anh là Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.
Y sĩ Trung úy Ngô Quang Trung bị thương trong một cuộc hành quân vùng Tân An, Cai Lậy. Tiểu đoàn bị đụng trận khá nặng. Một viên đạn bay trúng nón sắt của Bs Trung, quay một vòng trong nón sắt trước khi văng ra ngoài, để lại những vết cháy da, nám tóc và máu rỉ ở da đầu.
Sau này, bên mé phải, một vết thẹo trên da đầu chạy dài từ thái dương bên tay mặt ra suốt phía sau, tóc không mọc được nữa.
Mới trông từ xa, người ta có cảm tưởng như Y sĩ Trung úy Ngô Quang Trung giắt 1 cây bút chì mầu trắng trên tai.
7.Y sĩ Trung Uý Đỗ Mỹ Ánh
Bác sĩ Ánh tốt nghiệp năm1969 tại Y Khoa Đại Học Sàigòn.Anh gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và trở thành Y sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 7. Bác sĩ Ánh rất say mê nhiếp ảnh.Lúc nào trên tay anh cũng có 2 hoặc 3 cái máy hình Leica, với đủ loại ống kính.
Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiểu đoàn 7 do Thiếu-Tá Nhã chỉ huy, được trực thăng vận vào vùng Hạ Lào. Ngày 13-1-1971, một hỏa tiễn địch rơi trúng ngay hầm Quân-Y. Bác sĩ Ánh bị thương mất một mắt.Trung sĩ I Phước tử thương.Vài người y-tá khác cũng bị trúng mảnh hoả tiễn.
8.Y sĩ Trung Uý Nguyễn Trùng Khánh.
Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ năm 1970, Nguyễn Trùng Khánh gia nhập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, về Tiểu đoàn 1. Anh đã bị thương nặng, què chân, gãy lưng, lủng ruột.
Anh đã kể lại trường hợp của mình như sau:
“…Chiều hôm sau trực thăng chở tôi đến chỗ đóng quân của Tiểu Đoàn 1. Tôi trình diện Trung tá Trí, Tiểu Đoàn trưởng. Ông ta cho tôi hay là Long - tên người Y sĩ bị thương - hôm trước mò lên đánh cờ tướng với ông rồi ngủ lại. Ban đêm Việt cộng pháo kích, Long bị mảnh đạn trúng xương sống, thương tích khá nặng có thể bị tàn phế cả đời. Hiện Long đã được đưa về Sài Gòn chữa trị. Vài tuần sau tôi có gặp Long tại bệnh viện Huê Kỳ ở Long Thành, anh nằm xấp trên chiếc giường quay, cô vợ trẻ xinh xắn săn sóc anh tận tình.
Ngày kế, Tiểu Đoàn lên đường. Một ngày bình thường, không có gì báo hiệu những biến cố sẽ làm xáo trộn cuộc đời của tôi.
Tôi còn nhớ rõ đó là một ngày đẹp trời, đoàn quân hăng hái lội qua đồng ruộng, thỉnh thoảng được ngồi nghỉ dưới gốc dừa bên một con đường đất rộng. Hai người cố vấn Mỹ vui vẻ bắt chuyện với tôi . Tôi cảm thấy hình như họ có cảm tình riêng với tôi, pha lẫn chút kính nể, tôi cũng không rõ tại sao hay có thật như thế không.
Xế chiều vào khoảng 4 giờ thì dừng quân ở một bãi trống. Bộ Chỉ Huy đóng tại một mô đất có vài cây thấp lè tè, xung quanh là đồng ruộng. Tôi đứng ngắm địa thế, và để ý thấy một đám lính tranh giành nhau một lùm cây nhỏ để lấy chỗ mắc võng. Bỗng nghe một tiếng nổ chát chúa. Tôi cảm thấy bàn chân trái bỗng như bị điện giựt, và một sức mạnh vô hình quật tôi té vật xuống đất. Chung quanh tôi mọi người nhốn nháo. Một người la lớn: “Cẩn thận. Tụi nó gài mìn Claymore”.
Anh Y tá trưởng lại gần giúp tôi xem xét vết thương. Kéo quần xuống, tôi thấy một vết thương nhỏ ở bẹn bên phải. Tôi nghĩ thầm:
- Bỏ mẹ rồi ! Đạn vào bên phải mà lại đau chân bên trái, như thế là nó đi xuyên chéo qua bụng dưới. Bọng đái và ruột già chắc nát như tương. Tuy nhiên mình vẫn cử động hai chân được, như vậy chứng tỏ các giây thần kinh còn tốt, không đến nỗi bị què quặt.
Tôi nhớ tới quan ba Tiền, hồi bị thương ở Long Khánh cũng chỉ lo ngay ngáy bị cưa giò. Anh chàng nằm trên cáng dặn đi dặn lại:
- Cậu nhớ bảo tụi nó đừng cưa nhé. Đi nhẩy đầm với chân gỗ thì xấu lắm !
Anh chàng bị bắn gẫy chân xương ống quyển, vài tháng sau thì lành, không bị tàn tật gì hết. Giờ đây đến phiên tôi bị “ghẻ”. Từ khi đi hành quân, tôi luôn đeo bên người một khẩu Beretta nhỏ Nếu thương tích đưa đến một tương lai vất vưởng sống lây lất nhờ vào kẻ khác thì tôi sẽ không ngần ngại gì mà không đưa một phát vào màng tang cho rảnh nợ đời. Do vậy tôi thẩm định thương tích của mình rất thận trọng. Tôi thấy bụng dưới từ từ phình lên một màu hồng hồng, chứng tỏ đang xuất huyết, cơn đau kéo đến làm tôi toát mồ hôi hột. Tôi ra lệnh cho y tá chuyền nước biển, chích một mũi Démérol cho đở đau và một phát Pénicillin để ngăn nhiễm trùng. Tôi nghe thấy cố vấn Mỹ gọi máy 25 xin trực thăng đến, người ta vội vã khiêng các thương binh lên. Có 3 người kể cả tôi, ông Trung tá Trí cho một Y tá đi theo để săn sóc.
Độ nửa tiếng sau thì trực thăng đáp xuống. Tôi nhận ra đây là phi trường Cần Thơ, người ta bắt đầu chuyển các thương binh xuống. Đến phiên tôi thì thấy hai người lính Mỹ ngăn lại, họ lôi anh y tá đi theo tôi lên, rồi trực thăng lại cất cánh. Tôi đoán có lẽ họ đưa tôi về Sài Gòn, nhưng chỉ độ 1O phút sau thì trực thăng lại đáp xuống. Tôi nhìn ra và không biết chỗ này là chỗ nào, tôi thấy mấy người chạy lại đều là lính Mỹ. Họ khiêng tôi vào một phòng có máy lạnh chạy ào ào làm tôi rét run cầm cập. Tôi nhờ một anh y tá Mỹ thông bọng đái và đưa nước tiểu cho tôi xem. Anh làm theo ý tôi. Khi thấy nước tiểu của mình trong vắt không có máu, tôi mừng quá xỉu luôn. Tôi biết bể bọng đái ở Việt Nam hồi đó thật khó mà chữa trị.
Giới Quân y ở Sài Gòn sửng sốt vì tin hai y sĩ bị trọng thương trong hai ngày liên tiếp. Nhưng quái đản nhất là trong ngày đầu, không ai biết tôi nằm ở đâu. Bộ Tư lệnh Sư Đoàn đánh điện hỏi các Quân Y viện đều không thấy tên tôi đâu hết. Có người đoán là Mỹ đưa tôi ra ngoài Hạm Đội 7 và không chừng tôi đang nằm trong bụng cá mập rồi. Sau cùng người ta nhờ cố vấn Mỹ liên lạc với người lái trực thăng tản thương hôm trước, hỏi xem hắn đã đưa tôi về chỗ nào. Hắn trả lời là theo lệnh - của ai tôi không rõ - hắn đã đưa tôi về Bệnh viện Dã Chiến của Hoa Kỳ ở Bình Thủy.
Khi tôi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong phòng lạnh, dây ống chạy tùm lum từ lỗ mũi, cánh tay, bọng đái. Một khuôn mặt có đôi mắt nâu hiền từ đang nhìn tôi mỉm cười. Người này tự giới thiệu:
-Tôi là Thiếu tá Y sĩ Boese. Tôi đã giải phẫu cho ông. Ông thấy trong người như thế nào ?
Tôi ngắm nhìn vị ân nhân của mình, trạc 3O tuổi, tóc nâu đậm thưa thớt, đầu hơi hói, đeo kính cận. Dáng người vừa vặn, không to lớn kềnh càng như những người Hoa Kỳ khác. Ông khuyên tôi nằm nghỉ rồi sáng mai ông sẽ lại thăm tôi nữa.
Tôi nửa tỉnh nửa mê thêm một ngày. Hôm sau thấy sảng khoái hơn. Bác sĩ Boese đến thăm bệnh tình của tôi rồi nói:
-Tôi đã phải cắt gần nửa thước ruột non của ông. Mảnh đạn đi xuyên qua ruột, cắt đứt mất một mạch máu nhỏ, nhưng các bộ phận khác đều không bị gì cả. Tôi đã mất rất nhiều thì giờ để nhặt những hạt cơm văng vãi tung tóe trong bụng của ông.
Ông vừa cười vừa nói câu sau. Tôi cũng nhếch mép mỉm cười theo. Cũng may hôm bị thương mãi tới hai giờ chiều mới ăn trưa, và tôi lại ăn rất ít. Bác sĩ Boese hỏi tôi:
-Có phải anh đang nhức ba ngón chân phía trái không ?
Tôi gật đầu. Ông ta giảng tiếp:
-Ấy là bởi vì mảnh mìn chạm vào dây thần kinh. Hiện giờ còn nằm đó, chưa lấy ra được. Ông cứ nằm ở đây mấy ngày để tôi săn sóc vết thương bụng của ông. Sau đó sẽ chuyển ông về Sài Gòn mới tính chuyện lấy mảnh đạn ra được. Vài ngày sau mẹ tôi lặn lội xuống thăm. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của bà mà nước mắt chạy quanh. Tôi biết đã làm bà buồn lòng rất nhiều vì cái tính hoang tàng của tôi. Tôi ngầm tự nhủ nếu qua khỏi tai nạn này, tôi sẽ sống có chừng mực hơn, tôi sẽ lấy vợ đẻ con để bà có cháu bế, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để vui lòng bà. Gia đình tôi ngoài mẹ tôi ra không ai thăm viếng tôi cả. Một phần có lẽ vì bận đi làm ăn, một phần vì họ hàng tôi từ trước tới giờ vẫn coi tôi là đứa ăn chơi lêu lổng, có chết cũng đáng đời. Tôi thì coi họ hàng như “pha” đã từ lâu, nên cũng chẳng trách ai được. Tôi nằm ở phòng hậu giải phẫu cả tuần lễ, suốt ngày đọc sách báo. Vết thương bụng từ từ lành nhưng ngược lại chân trái ngày càng nhức nhối khó chịu. Anh y tá đi theo săn sóc tôi ngày ngày vào thăm nói chuyện vẫn vơ nên tôi cũng đỡ buồn.
Ngày hôm sau có máy bay Caribou chở tôi về Sài Gòn. * Người ta đưa tôi vào bệnh xá ở Thị Nghè. Những ngày nằm ở đây là những ngày đen tối nhất trong đời tôi. Tôi không ăn uống gì được, đi tiêu chảy hoài hoài. Khổ hơn nữa là cái chân trái càng ngày càng nhức nhối khó chịu, phải chống gậy mới đi lại được. Tôi xin chích Démérol hàng ngày, sau khi chích thì cái đau không ở trong người mà lâng lâng ở bên ngoài. Nhiều đêm không nhắm mắt được phải xin chuyền Penthotal mới ngủ nổi. Cứ như thế tới hai tuần lễ, người tôi rạc hẳn đi…”
9.Y sĩ Trung úy Nguyễn Văn Hoàn.
Nguyễn Văn Hoàn tốt nghiệp Bác sĩ tháng 11 năm 1971.
Dáng người tầm thước. Ngay từ hồi còn là Sinh viên Y khoa, tóc đã hớt cao và ngắn, trông cứ như lính vậy.
Vừa ra trường xong, anh đến gặp người viết bài này, nói : “Anh Dũng ! Em sắp vào Thủy Quân Lục Chiến. Xin anh truyền cho em một ít kinh nghiệm.”
Tôi đáp : Cậu cần gì cứ hỏi ! Tôi biết gì sẽ nói hết.
Hoàn hỏi một số điều. Tôi trả lời từng điểm một.
Trước khi chia tay tôi bảo : “Hoàn ! Cậu cần nhớ thật kỹ, là khi đi hành quân, lúc nào cũng phải đeo khẩu Colt và cái bi đông luôn luôn có đầy nước, ở bên mình. Không được quên !”
Hoàn đáp : Vâng ! Em sẽ nhớ.
Sau đó anh trở thành Y sĩ Trưởng Tiểu đoàn 1 Quái Điểu do Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa (Râu) làm Tiểu đoàn trưởng.
Ngày 11-7-1972, Tiểu đoàn 1 TQLC được bốc từ nhà thờ 2 chuông Điền Môn, bằng trực thăng, để bay ra Triệu Phong, bất thần đổ trên đầu địch.Trong 32 chiếc trực thăng, có 17 chiếc CH-53. Mỗi chiếc loại này chở được 60 người.
Trưc thăng chở Tiểu đoàn trưởng đáp xuống xong, thì 2 phút sau đó, một chiếc CH-53, trong đó có Trung đội Quân Y, bị rớt và nổ tung. Sáu mươi người chỉ sống sót 12, trong đó có Bác sĩ Hoàn.
Khoảng một tuần lễ sau tôi từ trường Quân Y thu xếp đến thăm anh tại Bệnh viện Lê Hữu Sanh. Lúc trước anh vốn chẳng mập mạp gì. Bây giờ nằm trên giường, anh to như một con trâu mộng. Vì bị phỏng nặng, nên da thịt sưng phồng lên khắp, tăng thể tích của cơ thể. Mặt mũi cũng vậy, cho nên cái đầu trông như một trái bí đỏ. Mi mắt dầy mọng, che kín. Mắt anh không mở được.
Tôi vỗ vai anh hỏi : - “Hoàn, cậu thấy thế nào ? Cậu có nhìn ra được tôi không ?”
Hoàn reo lên ngay: - “A ! Anh Dũng ! Mắt em không mở được nhưng nghe giọng nói, em nhận ra được anh ngay! Nhờ anh mà em sống!” Tôi bảo : - “Cậu phải nói là nhờ anh em Thủy Quân Lục Chiến trong đơn vị mà cậu sống, chứ tôi có làm gì được cho cậu đâu !”
Hoàn nói : - “Để em kể anh nghe. Trực thăng bị trúng đạn lúc sắp đang đáp xuống. Cách mặt đất cũng gần. Bốc cháy liền. Khói đen um khắp cả. Bên trong trực thăng tối om, như đêm. Em nhìn lờ mờ cách chỗ em đứng có một khoảng sáng nhỏ. Em đoán đó là hướng cửa. Trong lúc khẩn cấp đó, mọi người xô đi xô lại chẳng còn thứ tự gì cả. Cứ hướng nào bớt nóng thì tất cả lại ùa về phía đó. Em cũng thế. Cố gắng lắm em mới tới được chỗ lờ mờ sáng đó, sau khi cố lách đi lách lại giữa đám hỗn loạn. Em đu lên, định chui ra. Không ngờ đó là một khuôn cửa sổ. Tấm kính chặn lại, không chui ra được. Em gắng sức dùng tay trái đu chặt, đưa tay phải với ra phía hông móc khẩu súng lục Colt đưa lên đập túi bụi vào tấm kính. Kính bể tan. Không khí ùa vào, đỡ ngộp vì khói đen. Em vùng lên, lao đầu qua cửa sổ phóng ngay ra ngoài.
Rớt xuống đất cái uỵch, em phóng mình chạy thật nhanh xa cái trực thăng. Càng xa càng tốt. Chừng một hai phút sau khi em thoát, thì trực thăng phát nổ. Em lăn mình xuống đất, quay đầu lại nhìn chỉ còn thấy lửa thật lớn bốc lên cao. Em lại ráng chạy thêm chút nữa, rồi kiếm chỗ nằm rạp xuống trốn, vì quanh đó toàn là đất Việt cộng đang chiếm.
Xe tăng Việt cộng phối hợp với bộ binh của chúng bắt đầu rời vị trí phòng thủ rượt đánh Tiểu đoàn 1. Có lúc em nghe chúng gọi nhau bằng tiếng Bắc.
Em bị phỏng nặng. Khát nước. Em với tay ra sau lấy cái bi đông nước. May quá, còn đầy. Em tu một hơi.
Em nằm yên lặng tại chỗ, cứ mong có quân ta đến. Nhưng không. Thỉnh thoảng có tiếng M16 lẻ tẻ. Em đoán là Tiểu đoàn bị thiệt hại nặng, tan tác. Chờ đến tối mịt, khi tiếng súng đã yên, em lắng nghe, cố định hướng. Bò từng chút một về phía em đoán có thể là tuyến bên mình.
Bò nhẹ, rồi nằm lại. Nghe tiếp. Rồi lại bò. Suốt đêm như thế. Khát nước chỉ dám nhắp từng chút. Khi gần sáng thì em không dám bò nữa. Kiếm chỗ nấp kín.
Ngày hôm sau, bi đông cạn khô. Không còn một giọt nước nào. Lúc nào buồn đi tiểu em mở nắp, tiểu vào trong đó, để dành lại uống. Khốn nỗi nước tiểu cũng ít. Càng lúc càng ít. Nhưng có giọt nào em cũng lấy giọt đó. Ban ngày em không dám di chuyển, nhúc nhích vì em biết xung quanh toàn là Việt cộng, nhiều như trấu.
Được cái may, mắt em không bị phỏng, nên nhìn vẫn rõ. Đêm thứ nhì, em lại định hướng. Em bò từng chút, về hướng nào có tiếng M16 hoặc có hỏa châu bắn lên. Các vết phỏng trên mình, đau nhức không tả. Khi gần sáng, em lại nằm tĩnh lại. Chỉ lắng nghe mọi thứ tiếng động, và đưa mắt nhìn qua kẽ lá, kẽ lúa. Khoảng 8 giờ sáng, em nghe tiếng người. Em tưởng là lính Bắc Việt đang ở gần chỗ em trốn. Lắng nghe thêm mấy câu, em hiểu ngay đó là Thủy Quân Lục Chiến. Mừng quá ! Nhưng em không dám đứng lên ngay, sợ rằng thấy bóng người nhô lên từ bụi cây, bụi lúa, là anh em bên ta sẽ nổ súng liền.
Em bèn la lên thật to : Quái Điểu ! Tôi là Bác sĩ Hoàn đây. Em la liên tiếp 2, 3 lần. Có tiếng hỏi : “Bác sĩ đang nằm ở đâu ? Đứng lên đi, có tụi tôi đây !”
Em bèn đứng lên. Ba bốn anh em Thủy Quân Lục Chiến chạy lại, dìu em về.
Hoàn nói một hơi. Nghỉ một chút, Bác sĩ Hoàn nói tiếp : “Câu anh dặn, lúc nào cũng phải đeo khẩu Colt và cái bi đông nước bên mình, đã cứu em thoát chết.”
Tôi nắm bàn tay anh thật chặt, mừng mà thấy một đàn em bị thương nặng nhưng đã thoát được tay tử thần.
Bác sĩ Trần Xuân Dũng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019