Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Thiếu Úy Dương Văn Chanh |
|
|
Trung Úy Phan Ngọc (khi còn học sinh) |
|
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Các Anh thân mến,
Tất cả chúng ta đã trải qua cuộc chiến cho Tổ Quốc. Đa số anh em chúng ta đã mang những thương tật trên thân thể và những vết sẹo trong tâm hồn. Một số không nhỏ anh em chúng ta đã bỏ mình cho Tổ Quốc. Hầu như tất cả chúng ta còn lại cùng gia đình và bao người thân quen đều phải gánh chịu nhiều hư hao mất mát, những gãy đổ phi lý, những điêu tàn cơ cực. Trong khói lửa binh đao. Sau ngày buông súng. Trong trại tù tủi nhục. Khi lênh đênh trên biển. Lúc làm lại cuộc đời trên xứ người. Hay đành tiếp tục cuộc sống trong nhà tù lớn tại quê hương…
Có cuộc chiến nào mà không có đau thương tàn phá. Có cuộc chiến nào mà không có chết chóc chia phôi, không có nước mắt và máu. Và chen vào giữa đời lính luôn có sự hiện diện của tình yêu. Vì chỉ duy nhất tình yêu mới có thể giúp đỡ, cưu mang và nuôi dưỡng người cầm súng quên đi bao gian khổ, bất chấp bao nguy hiểm thường trực, để sống sót vươn lên trong thử thách bão lửa. Cho dù đó là tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội sống chết bên nhau, tình nghĩa vợ chồng của đôi chinh phu chinh phụ. Là cuộc tình thơ mộng hay tình sầu giữa chàng lính chiến và em gái hậu phương, hoặc một chuyện tình đắm đuối trong lần về phép rồi dở dang oan trái vì hai phương trời cách biệt.
Tình yêu đó như thể một cánh hoa mọc giữa sườn đá. Một hơi ấm giữa cơn mưa rừng. Một cứu cánh bên bờ vực chết. Một vị ngọt giữa cái đắng, thần dược của nỗi đau trong đời chiến chinh. Một cái dù bao la che chở khi ta bị thương tật. Và một ánh sáng chớp vào tim trước khi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng sau một tiếng nổ lớn.
Ôi! Người lính, tình yêu và nỗi chết. Thử hỏi người trai nào sống trong thời chiến mà chưa một lần biết đến những danh từ trên! Có người lính nào mà không một lần nghĩ đến thân phận khi dấn thân vào sương gió?! Và còn gì tuyệt đẹp hơn khi tình yêu đến trong địa ngục biển lửa, nơi mà sự nguy hiểm, thử thách kề cận bên cái chết càng thôi thúc lòng tin yêu, nỗi nhung nhớ đến tuyệt hảo. Vì trong tiếng thì thầm của tình yêu thời chiến đã có sẵn chữ hy sinh. Vì khi tình yêu vừa len nhẹ vào đời người lính nó đã mang theo mầm mống của lo sợ tan vỡ, của mất mát chia ly và chết chóc.
Những tình cảm dạt dào thắm thiết của chàng nơi sương gió thương nhớ em ở làng xa, “chiều chiều ngoài biên cương, nhìn ra khơi ngàn sóng biếc mơ đến em bên bến sông buồn trông chờ” Là những thơ tình trang trải nỗi nhớ nhung của nhau. Những hẹn hò quý báu trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi. Những tâm sự thầm kín, những dự tính thơ mộng, những nụ hôn gắn bó, những hiến dâng tự nguyện. Để nhiều khi, những cuộc tình ấy đơm hoa kết nụ theo tháng ngày chinh chiến, cho dù về sau “…anh trở về bại tướng cụt chân”; hay cuộc tình vỡ tan khi tin em sang ngang đến giữa tiếng bom đạn. Và đôi khi cuộc tình bị chém ngang tim với tin dữ chàng vừa gục ngã nơi một tiền đồn không tên, rơi nhẹ vào chốn miên viễn không hận thù, bỏ lại cuộc đời trai trẻ và “người tình còn đó anh nhớ không anh”.
Trong thử thách, gần với nỗi chết, tình yêu nơi người lính càng sáng ngời hoa mộng, mang đầy từ tâm. Là nơi bám víu giữa những lằn chớp của bom đạn. Là nhung nhớ lơ lững giữa nguy hiểm. Là bao nhiêu lần mơ đến em. Là bấy nhiêu lần nguyện cầu khi không biết phải làm gì hơn. Là cảm nhận hạnh phúc tuyệt vời dù chỉ với lá thư tình mang trong ba lô hay một tin nhắn của người yêu từ phương xa. Hoặc đơn giản hơn là những bộc lộ thiết thực khi cảm nhận thiếu vắng em, những ao ước được dạo phố bên em, những cơn mê thèm ôm em. Ngay giữa những tiếng nổ. Giữa những đêm khuya trắng mắt. Trong những cơn say chưa đủ say. Khi không biết ngày mai sẽ ra sao:
“Mấy tháng rồi tao chưa thấy Sài Gòn
Mấy tháng rồi tao không được ôm em
Tao thèm làm tình như tao thèm sống
Tao thèm hôn em, hôn liên miên…”
*Mưa và Nỗi Chết ở An Lộc/ Tác giả Nguyễn Tiến Cung
Trong truyện “Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết” mà tôi tình cờ đọc lại trong thời gian chờ ra đơn vị, tại bệnh viện Đỗ Vinh, một câu truyện về người lính, tình yêu và sự chết xẩy ra như bao câu chuyện tương tự trong cuộc chiến hiện tại, nhưng không hiểu vì lý do gì cuốn truyện bấy giờ đã để trong tôi một ấn tượng sâu đậm. Có thể vì đó là thời gian tôi đang chơi vơi đeo đuổi mối tình đầu đời ở tuổi hai mươi sáu. Giữa những giường bệnh, giữa những tiếng rên đau, chửi thề, nghiến răng của thương binh, trong mùi ẩm ướt của sàn nhà, mùi bông băng thấm máu và của thuốc men, tôi chứng kiến bao nụ cười hạnh phúc của các đồng đội thương binh kề cận, do những người mẹ, người chị hay em, hoặc người tình đem đến. Là những thức ăn quen thuộc do nhà nấu, trái cây tươi mát đưa tận miệng. Là những e ấp nắm tay, những an ủi trìu mến. Là những ánh mắt thương cảm, ưu buồn lo lắng khi nhìn thấy vết thương nặng của người thân. Là những thăm hỏi, hay đôi khi chỉ là những câu nói bâng quơ, dù ngồi hằng giờ bên cạnh giường. Là những gói thuốc lá, ly cà phê đá, những chiếc khăn tay, những cuốn truyện từ các em gái hậu phương đem đến…
Trong “Một Thời Để yêu, Một Thời Để Chết”, chàng lính Đức Erust Graeber về thăm nhà lần đầu tiên sau 2 năm ở chiến trường miền Đông. Dưới khung cảnh đổ nát của thị trấn mình liên tục bị Đồng Minh oanh kích, anh tìm thấy được tình yêu với nàng Elizabeth Kruse, một người quen xưa của gia đình. Một tình yêu mãnh liệt giữa 2 con người không còn gì để phải sợ mất mát đã nẩy mầm giữa tiếng bom đạn và chết chóc rồi vươn lên thắm thiết giữa nồng nàn ân ái, khắc khoải, âu lo trong nỗi buồn mênh mang vô định của có nhau hôm nay, mất nhau ngày mai. Thay vì đào ngũ, Erust quyết định trở lại đơn vị để rồi gục ngã bởi viên đạn do chính những tên du kích Nga anh vừa thả ra, khi tay anh đang cầm lá thư của vợ báo tin có thai con mình. Truyện được kết thúc bằng một câu ngắn gọn “Đôi mắt chàng khép lại”. Khép kín luôn cả một khung trời, một giấc mơ hiền hòa bình dị vụt biến đi khi cái chết đến quá nhanh và phi lý. Dửng dưng. Không một dấu than. Không một dấu hỏi. Như một giọng hát soprano đang ngân lên thật mạnh và cao vút, bỗng đột nhiên ngưng…
Các Anh thân mến,
Thương tật hay chết chóc là chuyện không một ai mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận khi trời gọi ai nấy dạ. Cái chết đôi khi đơn độc trong tiểu đội khinh binh, đôi lúc vài ba mống cùng một lúc khi trung đội tiến chiếm mục tiêu. Có khi đi đoong luôn gần cả nửa đại đội vì bom bạn thả lầm, hay nhiều hơn nữa khi tiểu đoàn bị tràn ngập…Có cái chết đến nhanh sau một tiếng nổ lớn, có cái đến từ từ, quằn quại trong đau đớn. Có cái chết thật tức tưởi oan nghiệt, có cái vì can đảm đỡ đạn cho đồng đội bên cạnh. Người lính chết trong từng hố cá nhân, hay chung với nhau trong các đợt xung phong với xác quan và quân sát bên nhau, rải rác đây đó trên các nẻo đường đất nước. Chết toàn thây hay thân xác nổ tung? Chết mất tích trong bụi bờ, trên đường di tản, hay được chở về tận nhà trong hòm nhôm? Tuy nhiên chết trận quả thật ít khi được êm ả như cái chết của chàng Erust.
Để có thể hình dung gần cả trăm binh sĩ cùng chết một lần với nhau, xin hãy hồi tưởng đến câu chuyện một đại đội binh sĩ Nhảy Dù chết một lúc. Không phải trong khi chiến đấu chống quân thù như họ từng mong ước, cũng không phải trong một lần xung phong thẳng vào tuyến địch. Ngược lại, là cái chết tức tưởi trong một cuộc không vận từ chiến trường này đến một mặt trận khác. Phi cơ đang bình phi bỗng đầm sầm vào bờ núi phủ kín sương mù. Không một đèn đỏ nhá lên như khi người lính Nhảy Dù chuẩn bị bung mình ra khỏi phi cơ, không một dấu hiệu trục trặc động cơ hay khói tỏa trong thân máy bay.
Và đây chẳng phải là một cái chết như mơ. Ngược lại một cái chết kinh hoàng đổ ập cùng một lúc lên mọi người. Sau một tiếng nổ lớn, phi cơ tan vụn thành nhiều mảnh giữa những tiếng la hét trong phút chốc. Rồi lửa và lửa. Cháy và cháy. Những tiếng nổ phụ. Có những thân hình tung bay tứ phía, va chạm, gục ngã trong thân máy bay. Có nhiều người chết liền, thân thể cắt nát bởi các mảnh kim loại. Có những người chết hai lần, thân hình nát bấy do đạn và lựu đạn mang trên người nổ thêm. Có những kẻ oằn oại dăm ba phút trước khi lìa đời. Hay đau đớn hấp hối cả tiếng đồng hồ bên ngoài phi cơ, khi thân xác văng xa trên triền núi, máu ướt đẫm cỏ rừng trước khi vĩnh viễn nhắm mắt. Một cái chết bình đẳng dưới mọi hình thức cho cả quan lẫn quân. Cho cả 4 phi hành đoàn người Mỹ lẫn 81 quân nhân người Việt của Đại Đội 72 thuộc TĐ.7 Nhảy Dù.
Các chiến sĩ trong Đại Đội 72 là những ai? Họ là những chàng trai trẻ đi theo tiếng gọi non sông, tình nguyện nhập ngũ, động viên, kẻ trước người sau rời xa mái trường, quê nhà và người thân lên đường tòng quân bảo vệ đất nước. Họ thuộc mọi thành phần của xã hội tự do miền Nam, đến từ mọi nẻo đường, từ những chốn xa xôi hẻo lánh hay đô thị đông người, suốt từ Đông Hà Quảng Trị khô cằn tuyến đầu, ngang qua Cố Đô Huế rồi đến duyên hải nắng đẹp miền Trung, lên tận cao nguyên rừng xanh âm u, quanh quẩn thủ đô Sàigòn-Gia Định mến yêu, xuyên qua những mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ của đồng bằng Cửu Long đến tận Cà Mau… Bao gồm mọi tôn giáo, với đầy đủ giọng nói ba miền Nam Bắc Trung, đồng một lòng sát cánh chiến đấu bên nhau. Họ xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân hay các Trung Tâm Huấn Luyện quốc gia Thủ Đức, Quang Trung, TT Huấn Luyện Nhảy Dù…
Những người lính ấy đồng thời cũng là anh em trong cùng một gia đình, là con chú con dì trong dòng họ, cùng làng xóm phố phường, là bạn học cùng trường, từng quen biết nhau hay xa lạ nhưng cùng một lý tưởng, là những người con ưu tú tình nguyện gia nhập quân đội VNCH để chống trả kẻ thù xâm lăng. Vì là lính Dù, họ đều có chung một tầng số: thích mạo hiểm, thích xông pha, thích thử thách. Thương yêu Tổ Quốc. Trọn vẹn với nước nhà. Chí tình với đồng đội. Thích lối sống hào hùng, nay đây mai đó, là người của mây bốn phương trời, hoặc xanh cỏ hay đỏ ngực. Đi đông về ít. Đi có về không. Đồng mang nặng một tinh thần trách nhiệm cao độ, một tinh thần thượng võ hào hùng và một kỷ luật thép vô cùng nghiêm minh. Có sức chịu đựng bền bỉ, có khí phách của một nam nhân bất khuất, dũng cảm và gan dạ, sẵn sàng bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo.
Đó là Trung Úy Phan Ngọc Bích, người Đại Đội Trưởng, nước da ngăm đen của miền cát trắng Nha Trang, xuất thân từ trường TH Võ Tánh và tốt nghiệp khóa 15 Thủ Đức. Anh vào quân ngũ đơn giản vì nặng lời thề “làm trai thời loạn khi đất nước lâm nguy”, đang chống trả với quân thù được nuôi dưỡng bởi lòng hận thù của chủ nghĩa CS xâm lăng sắc máu. Ngày mãn khóa, anh tình nguyện vào Nhảy Dù vì yêu thích tác phong oai hùng của các Thiên Thần Mũ Đỏ. Qua mấy năm tôi luyện ở TĐ3ND, anh được thuyên chuyển về TĐ7ND sau trận Đồng Xoài và nắm ĐĐ 72 trong cuộc hành quân tháng 12, 1965.
Đó là Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân, người anh cả trong một gia đình gồm có một em gái và một em trai, từ làng Kế Môn, Thừa Thiên, đầu quân vào Nhảy Dù sau lần đi xem Nhảy Dù biểu diễn trên sông Hương. Trong chiến dịch Mùa Mưa tại Cao Nguyên, HS. Xuân có được cơ hội về thăm em gái mình “Anh ghé thăm tôi ở Pleiku, tặng tôi chiếc nhẫn vàng tây 2 phân ngay trước ngày anh bay đi Tuy Hòa…” bà Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại (Báo NV/ Houston, ngày 27 tháng 9, 2019).
Đó là Thiếu Úy Dương Văn Chánh, sinh ngày 8 tháng Giêng, 1940 tại Thanh Hóa. Th. Úy Chánh là em út trong gia đình 5 anh chị em vốn có liên hệ với Quân Đội nói chung và Nhảy Dù nói riêng, với chị cả là Chuẩn Úy Nhảy Dù Dương Thị Kim Thanh, tức phu nhân của Cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân, cựu chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù, và sau này là cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Thời trung học, Dương Văn Chánh theo học trường Chasseloup-Laubat, rồi Tabert Saigon và là một Tráng Sinh của Hướng Đạo VN. Chánh có vóc người tầm thước, da ngâm đen, rắn rỏi, giọng khàn khàn, tánh tình vui nhộn ưa đùa giỡn và nghịch ngợm với gia đình, tuy nhiên kín đáo khi ra bên ngoài. Anh rời trường Luật sau một năm học, lên đường tòng quân, vào Thủ Đức, tốt nghiệp khóa 18 vào tháng 3, 1965 và chọn Nhảy Dù.
Được điều động về làm trung đội trưởng của TĐ7ND, anh may mắn chỉ bị thương khá nặng ngay trận đầu đời lính của mình tại Đồng Xoài vào tháng 6, 1965, khi Anh vừa bò ra khỏi hầm thì một trái pháo súng cối địch rơi vào hầm giết chết 2 bình sĩ trong đó, mọi người chung quanh đều tưởng cả 3 người đã tan xác nên báo cáo Chánh tử trận. Th. Úy Chánh và một số chiến sĩ Nhảy Dù đã lẫn trốn trong rừng, 3 ngày sau họ mới có thể trở về trình diện với đơn vị. Trong thời gian dưỡng thương, anh về ở với gia đình cha mẹ, gần Bệnh Viện Chợ Rẫy. Đó là lần cuối cùng gia đình nhìn thấy anh trước khi anh lên đường tham chiến tại Cao Nguyên. (hình Th. Úy Dương Văn Chánh).
Và đó là các quân nhân Trần Hồng, cùng quê hương xứ sở với Hạ Sĩ Nhật Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Bình, Trần Quý, Nuôn Châu, Trần G.O, Trần Văn Thân, Lê Văn Hòa, Nguyễn Tuyết Thi, Lê Nguyên Thu, Nguyễn Văn Tài, Lâm Sỹ Đan, Lê Văn Suyên, Đỗ Văn Diên, Trần Văn Thân, Nguyễn Tài Văn, Nguyễn Tường Văn, Đỗ Văn Linh, Thy… mà tên và số quân được tìm thấy trên các thẻ bài trong 17 bao thu hồi hài cốt tháng 6, 1974. (tác giả Nguyễn Quân / 81 chiến sĩ ĐĐ 72, TĐ7ND tử nạn trên chuyến bay C-123 của Không Lực Hoa Kỳ - Dòng Sông Cũ/ May 6, 2019)
Và còn lại là các chiến sĩ vô danh mà hài cốt, hoặc nằm chung với nhau trong 17 bao chứa, hoặc tan tác thành tro bụi theo thời gian, rải rác trên sườn núi, hay vẫn còn trong thân máy bay, quá nguy hiểm cho lục soát tìm kiếm vì nhiều lựu đạn và đầu đạn M 79 chưa nổ.
Vậy những người yêu của lính hoặc những cô gái mà người lính đeo đuổi si tình là ai? Phải chăng họ là em gái của thằng bạn nối khố, là người con gái lớn lên trong cùng xóm, cùng một thị trấn, ở làng bên cạnh, trong một quận lỵ, một trường tiểu trung học, trên thềm đại học, cùng chung nhóm bạn. Là người quen biết trong gia đình. Là em thím Tư, là cháu mợ Ba, là bạn thân của nhỏ em, con gái ông Thượng Sĩ trong trại gia binh. Là những o thôn nữ mộc mạc đơn sơ trong chiếc áo bà ba trắng xanh đỏ tím vàng gặp trên đường chinh chiến khi dừng chân uống nước ở ven đường Anh nhìn thấy…
Em là người con gái Anh chưa quen biết nhưng chợt thấy giữa nhóm bạn cùng trang lứa trong quán chè, quán kem… đang ăn vặt bò bía, phá lấu nước mía ở góc đường, hoặc là những thiếu nữ dung dăng dạo phố Nguyễn Huệ, Thương Xá Tax mà Anh muốn tìm quen theo về tận nhà. Em cũng là người em hậu phương đến choàng vòng hoa chiến thắng “trong ánh vinh quang rộn ràng, anh bước hiên ngang về làng”, là người mà Anh tình cờ bắt gặp có một đôi mắt long lanh thơ ngây, đôi má hây hây và một nụ cười hồn nhiên khiến Anh bỗng vương vấn trong một chiều rực nắng. Đó là một mái tóc mây hồng nghiêng nghiêng sau vành nón trên cầu Trường Tiền khiến Anh mê mẩn dù lời nói khó hiểu” mô tê răng rứa - anh đừng đi gần tui mà tui ốt dột. Mạ tui thấy la tui đó!” Hay là một cô bé tóc ngắn có dáng nghịch ngợm chạy xe honda với câu nói thật ngộ “Tui hổng chịu đâu - Dzậy sao?!” Là một tà áo tím nên thơ với giọng nói nhẹ như gió thoảng của “cô em Bắc Kỳ nho nhỏ”…Là người cho Anh bao nổi nhớ, bao vấn vương. Bao mộng ảo, diệu kỳ.
Rồi chuyện tình của họ như thế nào? Cũng ngập ngừng, cũng lo sợ, lãng mạng và say đắm. Cũng liều lĩnh, bất chấp, nhanh chóng và thương đau. Đột ngột và lâng lâng tự nhiên đến như thể “nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hìu hiu!” Như một cơn “gió thoảng xa xôi, gió nào rung động tim tôi, hay là dư âm suốt đời!” Hay nhẹ nhàng buông thả trữ tình của “chưa nắm tay em mà lòng đã yêu, chưa uống môi em mà tình đã say!” Tình lính thường long đong ray rứt. Yêu trong vô vọng. Yêu trong cuồng si. Yêu trong chớp nhoáng. Tình lính “tính liền” với đám cưới trong ba ngày phép trước khi ra lại đơn vị.
Anh biết chăng Anh, em yêu Anh vì yêu dáng phong trần hiên ngang của Anh, yêu luôn cả mũ đỏ thiên thần và bộ đồ hoa dù? Có thấy chăng Anh, em yêu cái nhìn nồng nàn, đôi mắt rực lửa, nụ cười rạng rỡ với giọng cười sảng khoái của Anh? Như một Ngọc Lan, cô bé Bắc Kỳ của mùa Thu tóc ngắn, yêu sự chìu chuộng săn đón của Thiếu Úy Dương Văn Chánh, yêu luôn cả con đường từng chung lối, yêu vòng tay siết chặt, nụ hôn nóng bỏng mang theo mây trời và giông bão vào đời mình. Phải chăng Ngọc Lan đã từng mong đợi những lá thư tình đơn sơ gởi từ KBC xa lạ?!
Đã thích nghe Anh kể chuyện đời quân ngũ, xông pha ngoài trận tuyến. Yêu Anh, em đành thương luôn cả đầu tóc húi cao caré, làn da đen thui khét nắng và luôn cả mùi ẩm mốc của bộ đồ trận. Và từ khi em là người yêu của lính, em biết yêu nhạc lính, yêu màu tím hoa sim, biết lo sợ thấp thỏm đợi chờ tin Anh. Là biết cầu nguyện Ơn Trên gìn giữ Anh và theo dõi bước chân Anh qua những đêm trằn trọc khó ngủ. Anh biết chăng Anh khi yêu Anh là em chấp nhận những ngày cô đơn xa Anh, những chiều dạo phố một mình? Là ráng làm quen với tên xa lạ của những nơi Anh bước qua, là đến thăm Anh ở hậu cứ hay trong quân y viện.
Phải chăng Nha Trang từng đã ghi dấu mối tình học trò trong trắng của một Phan Ngọc Bích và bạn gái cùng trường Võ Tánh của mình? Phải chăng chị Phạm Thị Ngọc Thủy khi nhận làm vợ của Phan Ngọc Bích là chấp nhận thương đau thua thiệt? Là chắt chiu với tiền lính là “tính liền”. Có biết chăng rồi đây chị sẽ đếm những ngày xa chồng, sẽ sống tại hậu cứ ở Biên Hòa trong căn phòng nhỏ lợp tôn với hai quả tim đồng, và đành phó mặc tương lai cho số phận? Biết chăng chị khi lấy chồng lính là có ngày chị lỡ làng đời mình? Là có ngày chị phủ phục với 2 con còn thơ dại ở lứa tuổi 4 và 2 tuổi trước linh vị của chồng nhưng chẳng có lấy xác chồng để tiễn đưa? Mà đành tê tái, tủi thân với những dòng lệ tuôn rơi và những lời thì thầm yêu đương!!
Các Anh thân mến,
Trong giây phút phi cơ lâm nạn, người lính trận trẻ tuổi có kịp chăng Anh kêu lên Mẹ ơi, như Anh đã từng làm lúc còn ở với Mẹ những khi anh bị đau ốm hay khi vấp ngã? Nhớ chăng Anh những bước bình an bên cạnh Mẹ trên con đường làng? Có nhớ chăng Anh lời nói yêu đương tỏ tình của Anh với người thôn nữ trên đường hành quân lần trước? Có đủ chăng Anh thì giờ nghĩ đến người vợ bé bỏng cùng hai con thơ luôn trông ngóng chờ đợi Anh nơi hậu cứ? Hay có kịp thấy chăng Anh nụ cười ánh mắt của người em nhỏ Anh đang yêu mà anh đành bỏ lại tại Gia Định khi bước vào chinh chiến?! Và có đủ chăng Anh, người Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân, vài giây để mỉm cười khi biết mình đang nhẹ nhàng bay đến gần người vợ mới cưới bị trúng mìn chết trong lần về thăm gia đình vừa xẩy ra 2 tháng trước chuyến hành quân này? (hình của Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân)
Người chết trận chính thức giã từ vũ khí. Họ thật sự là những anh hùng đã đi vào huyết sử của dân tộc, là hồn thiêng của sông núi, là huyền thoại của đất nước. Không có gì cao quý hơn khi chết trận. Chết trận là chết không một than vãn. Không một ai oán. Không có lấy một lời trăn trối cho người yêu, không kịp một lời xin lỗi với vợ dại con thơ ở nhà. Nhưng khi người lính nhắm mắt buông xuôi, tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong ánh sáng vĩnh cửu của tin yêu, trong tình thương nhớ vô vàn của đồng đội và gia đình. Họ vĩnh viễn là cánh gió tung bay trên vạn nẻo đường đất nước.
“Mày nghĩ, tụi mình như cánh gió
Ai đi nhốt gió được bao giờ?”
** Lá Thư Pleime / Thiếu úy Dù Lê Anh Thái
Khi một người buông tay. Một người ngã. Một thoáng yêu nhau, Một thoáng ngậm ngùi, thì các bạn thân ơi, là những người sống sót qua cuộc chiến nay tạm dừng bước giang hồ, chúng ta cần phải ngồi lại bên nhau, xích sát vào nhau hơn nữa. Cho tình đồng đội vẫn trung tín. Cho khí thế vẫn dũng mạnh. Để tiếp tục đồng hành với nhau và chung sức giữ đời cho nhau. Trong tinh thần anh em đoàn kết một nhà. Trong tinh thần Cố Gắng Nhảy Dù muôn thuở:
Xin cùng nhau đốt nén nhang, nghiêng mình cầu nguyện cho anh linh 81 tử sĩ Nhảy Dù được an nghỉ ngàn thu.
Một lời tạ lỗi trong chua xót đến các Anh khi đất nước các Anh chết cho chính nghĩa nay không còn nữa. Dù lòng người tại Hải Ngoại, dù đồng đội các Anh luôn tiếp tục sát cánh dưới cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Một lời xin lỗi các Anh phải chờ đến cả 54 năm mới thật sự nghỉ ngơi trong ngôi nhà mới. Một ngôi nhà ấm cúng, ngay trong lòng thành phố luôn tràn ngập cờ VNCH. Bên cạnh những người thân yêu, những đồng đội xưa cũ và những đồng hương. Như thể tại một nước Việt Nam thứ hai bên ngoài lãnh thổ của xứ VN CS.
Một lời tạ lỗi đến các cô nhi quả phụ bị quên lãng trong bao năm, những người đã chịu những nỗi đau, những mất mát và những chấn thương không chảy máu ròng rã trên cả nữa thế kỷ.
Một lời tạ lỗi khi thân nhân các Anh không hiện diện đầy đủ trong ngày tiễn đưa các Anh - vì phương tiện thông tin không thể hoàn hảo với danh sách tử sĩ đa số vô danh.
Một lời cám ơn chân thành và sâu đậm cho đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang chúng ta, những người Việt tỵ nạn CS, và đặc biệt Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, mệnh danh là bạn của người Việt, đã cho phép Gia Đình Mũ Đỏ dự vào phần truy điệu, vinh danh và chôn cất các anh em của mình, 81 tử sĩ Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa, qua quỹ “The Lost Soldiers Foundation” mà trước đây chưa bao giờ có sự kiện tử sĩ không phải là công dân Mỹ được chôn trên đất Mỹ.
Nếu nước mắt chúng ta có rơi trong ngày đưa tiễn các Anh, xin hãy tự nhiên - Vì đây là những giọt lệ đồng cảm trân quý của đồng đội từng sát cánh hay nối gót các Anh trong lý tưởng chung - Vì đây là giòng lệ từ các thân nhân các Anh tuôn trào vì cảm thương người thân yêu của mình biền biệt ra đi nay bình an yên nghỉ sau một thời gian dài lạnh lẽo không bờ bến.
Nếu ánh nến có lung linh trong đêm nguyện cầu, hãy xem như những tiếng đập con tim tưởng nhớ và tri ơn các Anh. Như những lời thì thầm cầu kinh thương xót các Anh.
Hồn anh linh đã về nơi tiên cảnh
Trong quan tài ôm kín xác chiến binh
Anh ra đi vì nước quên thân mình
Nơi đất khách em ngậm ngùi tiễn biệt
Dẫu tha hương bao nhiêu người dân Việt
Đón anh về giọt nước mắt tiếc thương
Hỡi anh linh người chiến sĩ can trường
Mầu mũ đỏ, áo hoa dù bất diệt
Thân xác anh đã về nơi miên viễn
Hãy bình yên trong giấc ngủ ngàn thu
Tạ ơn anh, những chiến sỹ Nhẩy Dù
Đã dâng hiến một đời cho Tổ Quốc
(Lời Tri Ân Người Lính / Thái Thị Liên)
Xin hãy hiệp thông cầu nguyện Ơn Trên phù hộ và gìn giữ gia đình các tử sĩ.
Xin Ơn Trên cho quê hương Việt Nam sớm thoát gông cùm CS.
Xin Ơn Trên gìn giữ bạn và gia đình bạn
Cám ơn đời cho chúng ta vẫn còn có nhau.
Để, nếu có ngày về thăm nơi các Anh đã nằm xuống trong chốn hoang sơn, chúng ta sẽ thắp nhang mời hương linh các Anh dự tiệc, cùng nhau tâm sự chuyện đời, giữa tiếng rì rào của núi rừng và hương dại của những chùm hoa thạch thảo
Xin hãy cho tôi một lần đứng chào
Những người bạn đã nằm xuống nơi xưa
Xin hãy cho tôi một lần trở lại
Bung cánh Dù ngạo nghễ năm xưa…
https://www.youtube.com/watch?v=0TlQiarvnEc
Vĩnh Chánh,
Ngày 11 tháng 10, 2019
**.Chân thành cám ơn chị Thái Thị Liên, cư dân Orange County, đã sáng tác bài thơ “Lời Tri Ân Người Lính” để riêng tặng cho bài viết này.
*** Vô cùng cám ơn GS. Dương Văn Hóa, bào huynh của Thiếu Úy Dương Văn Chánh, nhà văn Phạm Tín An Ninh, Trung Tá Bùi Đức Lạc, Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu, Đại úy Hoàng Tấn Kỳ… đã giúp cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh quý giá xữ dụng trong bài viết. Với lòng quý mến
**** Trân quý nghĩa cử hào hiệp của vợ chồng BS. Nha Khoa Lý Văn Kim & Thúy Hà, New York, hội viên Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại, đã bảo trợ mua 400 cuốn sách “Tháng Ngày Tao Loạn” của tác giả Vĩnh Chánh, để giúp gây quỹ truy điệu, vinh danh, chôn cất và xây dựng tượng đài cho 81 tử sĩ Nhảy Dù. Tấm ngân phiếu $8,000.00 đã được trao tận tay cho Y Sĩ Thiếu Tá Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương và Đại Úy Hoàng Tấn Kỳ, Chi Hội Trưởng Chi Hội Mũ Đỏ Nam CA & Phụ Cận, vào đêm Đại Hội 39 của GĐMĐ, ngày 30 tháng 8, 2019 tại Khách Sạn Delta Marriott, Garden Grove. Với lòng mến phục.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019