CHƯƠNG IV
BẤT KIẾN BA ĐÀO TRÁNG/AN TRI VẠN LÝ TÂM? (Cao Bá Quát)
Sóng lớn mạnh không thấy/ Trí vạn dặm ai hay?
Muà hè 1977, tôi vừa xong một năm nội trú tại đại học Laval, Quebec và đậu bằng hành nghề tại Canada và Mỹ, lòng vô cùng khoan khoái sau một thời gian rất cực nhọc để trở về nghề cũ. Tôi dự định sẽ tiếp tục học chuyên về nội khoa trong năm tới nhưng trước hết phải xả hơi cái đã. Hai vợ chồng đang bàn tính đi đâu thì chợt trên TV đang quảng cáo chương trình du lịch tại vùng duyên hải đông bắc Canada, thường vẫn gọi là vùng Maritime gồm bốn tiểu bang Newfoundland, Prince Edward Islands, New Brunswich và Nova Scotia.
Tôi chú ý nhất là câu nói của người quảng cáo, “ Canada vạn sự khởi đầu là tự Newfoundland” tuy tôi thật sự lúc đó đâu có ý niệm mảy may gì về lịch sử cái xứ cờ Lá Phong tôi đang sống từ ngày 21.5.1975. Cũng vào thời kỳ đó chúng tôi mới mua được chiếc xe của hãng Chevrolet nên tôi nghĩ bụng sao mình không lái xe tiếu ngạo giang hồ một chuyến về miền duyên hải này nhất là hồi nhỏ tôi vẫn mê tắm biển, ngoài bắc thì Đồ Sơn, Sầm Sơn còn trong nam thì Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu mà tại đây tôi đã phục vụ trong tiểu đoàn 6 Nhảy dù hai năm. Thêm nữa Quebec City nằm sát ngay các tỉnh duyên hải này nên rất thuận tiện đường đi. Tôi cũng cần nói thêm là một trong các bản nhạc tôi ưa thích và thường hay ngêu ngao hát là bài Bánh Xe Lãng Tử của Trọng Khương trong đó có những câu tôi rất khóai và nhớ mãi tới bây giờ:
Bánh xe quay nhanh nhanh/ Chiếc thân xe rung rinh/ Chìm trong làn cát trắng/ Xe nhịp nhàng quay bánh lướt/ Hồn ta mờ khuất trong mêng mông. Ta luyến lưu một kiếp giang hồ/ Dù rằng cuộc sống vô bờ/ Tim nồng giòng máu vô tư...
Thế là chúng tôi gồm vợ chồng thay nhau làm tài xế với năm đứa con một buổi sáng đẹp trời lên xe đi tiếu ngạo giang hồ. Xe hơi hồi đó băng trên còn là ghế liền được phép ba chỗ ngồi nên tương đối cũng thoải mái.
Chúng tôi còn đem theo một chiếc lều, mỗi khi hoàng hôn xuống trên dọc đường lại tìm một KOA/Kamgrounds of America gần chỗ định tới dựng lều và nấu ăn lấy, thường còn đem theo cơm nắm, ruốc chà bông, giò chả, lạp sường vv...vưà ăn vừa hưởng gió mát trăng thanh rất thú vị hơn là ngủ trong hotel hay motel.
Trong chuyến đi này chúng tôi nhằm hai mục tiêu:
Thứ nhất là Newfoundland vì tò mò muốn biết cái miền mà người Âu châu đã đặt chân tới trước tiên tại Canada sau đó lại bỏ đi mấy lần rồi mới định cư hẳn. Newfoundland bao vây bốn bề là biển, bờ biển thường là các vách đá lở chởm, có chu vi dài tới 29,000 km. Về diện tích, NFL là tỉnh bang lớn thứ tư tại Bắc Mỹ, chỉ sau Alaska, Texas và California còn so với nước Anh thì nó rộng gần gấp đôi.
Thủ đô của NFL là Saint John, do nhà thám hiểm John Cabot đã đặt chân tới đó đúng ngày lễ St. John The Baptist 24.6.1497 nên ông đặt tên là Saint John. Trên thực tế thì mãi tới ngày 5.8.1583 Sir Humphrey Gilbert mới tuyên bố chính thức NFL là thuộc địa đầu tiên của Nữ hoàng Elizabeth I. Tuy là thuộc địa đầu tiên nhưng trớ trêu thay, NFL lại là tỉnh bang thứ 10 sát nhập vào Canada muộn hơn hết cả.
Saint John có nhiều cái nhất như sau:
-Điạ thế là cực đông nhất so với tất cả các tỉnh tại Bắc Mỹ, do đó còn là nơi mặt trời mọc lên trước nhất trên khắp đế quốc Anh.
-Có nhiều sương mù nhất thế giới: ít nhất là 124 ngày một năm.
-Gió trung bình mạnh nhất Bắc Mỹ: 25 km/ giờ
-Mây che phủ nhiều nhất tại Canada và Bắc Mỹ: Nắng nhiều lắm là 1,497 giờ/năm.
-Có nhiều loại cá voi nhất – trên 10 loại, nên thu hút nhiều du khách tới ngắm cá voi do các tours tổ chức.
-Tại đây một khoa học gia Ý Guglielmo Marconi đã nghe được điện thoại vô tuyến lần đầu tiên trên thế giới từ Cornwall, Anh quốc năm 1901.
Thứ hai là Vịnh Fundy vì tại đây có mức thuỷ triều lên xuống cao nhất thế giới.
Do vị trí đặc biệt vịnh Fundy, nằm giữa tỉnh bang New Brunswich phía tây bắc và tỉnh bang Nova Scotia, hướng đông nam, trung bình mỗi ngày thuỷ triều lên hai lần và xuống hai lần. Mỗi lần lên hay xuống, mực nước thuỷ triều dâng cao trung bình là 16 m – có năm tới gần 22 m - cao bằng tòa nhà năm tầng và lượng nước đổ vào bờ là 160 tỷ tấn, hơn tất cả lượng nước thuỷ triều dâng lên của tất cả sông ngòi trên toàn thế giới cộng lại.
Tại NFL khách du lịch còn được xem các loại cá voi – trên 10 loại nhưng điều tôi thích thú nhất là được ngắm sao, thứ nhất vì từ ngày sang Canada, bó mình trong thành phố với đèn điện sáng tương suốt đêm, lại còn bao bọc chung quanh bởi các cao ốc hỏi làm sao tìm lại được cái cảnh trăng sao vằng vặc giữa trời để đếm một ông sao sáng, hai ông sáng sao..., thứ hai trời gần bắc cực này trở nên trong vắt về đêm nên có hằng hà sa số cơ man nào là sao sáng để ngắm chứ không phải cảnh “Nhìn cá cá lặn, trông sao sao mờ.”.
Bánh xe lãng tử trong chuyến đi đó đã quay khoảng gần 2,000 km đi và về tuy nhiên sự thích thú đã làm quên hết mọi mệt mỏi mà bây giờ tuy tóc đã bạc phơ, đầu gối đã muốn long, mắt mờ chân chậm nhưng mỗi khi nhớ đến những ngày tiếu ngạo giang hồ ấy, bầu máu vẫn còn hăng tiết vịt.
Thủy triều lên và xuống tại vịnh Fundy
Tới đây xin trở lại với đề tài chính tại sao người ta lại nói vạn sự khởi đầu Canada là từ Newfoundland.
I. Những người thám hiểm đầu tiên tới Canada
Nước Canada được khai sinh ra với tên Dominion of Canada (Thuộc quốc Canada) là nhờ công lao của hai người, một người Anh, Sir John A. Macdonald, cũng là thủ tướng đầu tiên của Canada và một người Pháp, George-Étienne Cartier, cũng là người đã đề xướng ra ý kiến thành lập một liên bang Canada và tên hai người đã được đặt cho xa lộ 401 chạy từ Windsor, Ontario tới Quebec City, Quebec. Ngày khai sinh là ngày 1.7.1867 do Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh(British North America Act) và từ đó ngày 1.7 được coi là ngày Quốc Khánh Canada hay Canada Day. Thuộc quốc Canada khi thành lập chỉ gồm bốn tỉnh: Nova Scotia, New Brunswick và liên tỉnh Canada gồm Canada Thượng và Canada Hạ tức Ontario và Quebec sau này.
Tuy nhiên để tìm hiểu những người nào đã thám hiểm và đặt chân tới Canada trước nhất và ai đã đặt ra tên này cùng với nhiều địa danh khác, chúng ta phải trở ngược dòng lịch sử hơn một ngàn năm về trước.
Các cuộc thám hiểm vùng Bắc Mỹ của Người Vikings
Theo các sử gia, những người Âu châu đã tới Canada trước tiên là những người Norse còn gọi là Vikings, danh từ bao gồm các người gốc Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Theo ngôn ngữ cổ Norse, Vic là vịnh hay vũng và Viking là Người của biển cả nhưng vì một số trong bọn họ đã trở thành cướp biển hung dữ nên về sau danh từ Viking có ngụ ý xấu xa.
Nơi họ đặt chân là Labrador và Newfoundland, vào khoảng năm 1000. Họ đã lưu lại một thời gian, nhưng bởi thấy khí hậu quá khắc nghiệt và Labrador khi đó chỉ là bãi biển toàn đá lởm chởm nên bỏ đi. Các sử gia đưa ra nhiều giả thuyết về lý do người Vikings thích mạo hiểm vì ra đi trên biển vừa xa xăm vưà mù mịt thời ấy không chắc gì đã có ngày về.
Những người Vikings còn gọi là Norse tự họ nêu ra các lý do chính sau đây:
-Thích tranh đua và muốn nổi danh.
-Bản tính tò mò như ta thường nói “ Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”
-Tìm của cải như vàng ngọc, châu báu và các tài nguyên thiên nhiên khác.
-Thích cuộc sống tự do, không bị ràng buộc bởi pháp luật của các vua chúa càng ngày càng khắt khe.
- Chế độ phong kiến phong cho các lãnh chúa và các qúy tộc nhiều đất đai khiên người dân muốn đi tìm đất mới để canh tác.
- Một lý do nữa là người Vikings biết kỹ thuật đóng tàu thuyền một cách vững chắc hơn ai hết thời đó, nhờ vậy họ đã khám phá ra Iceland từ năm 870, rồi Greenland khoảng 982-983. Người Vikings tương đối lại còn rất rành rẽ về nghề đi biển, để đo vĩ tuyến họ căn cứ ở sự di chuyển của mặt trời và các ngôi sao nhưng họ chưa biết cách đo về kinh tuyến mà chỉ dựa phần nào vào sự di chuyển theo muà cuả chim cá, luồng sóng, rong biển mà thôi. Người Vikings với những lợi thế trên đã xông xáo đi khắp bốn phương, tới Anh, Ireland, rồi dọc theo bờ biển nước Pháp, qua eo Gibraltar, vào Địa Trung Hải, tới các đảo Corse, Sicily, Sardinia, Spain, Bắc Phi và Ý, Ai Cập, Thổ Nhĩ kỳ. Những tóan khác đi qua vùng biển Baltic, đi sâu vào nước Nga, tới tận miền Hắc Hải và biển Caspian. Những tóan khác nữa đi vào vùng Trung Đông rồi tới tận Ấn Độ, tóm lại người Vikings gần như lưu dấu khắp bốn biển.
Bản tính người Vikings rất mạnh mẽ, khí khái nhưng cũng rất ngang tàng và hung dữ khiến nhiều sắc dân vừa kính trọng, vừa sợ hãi.
-Iceland: Iceland được người Vikings tìm ra năm 870, thoạt đầu là đảo thuộc Na Uy, sau Na Uy hợp nhất với Thuỵ Điển 1319, rồi lại hợp nhất với Đan Mạch 1376 thành Kalmar Union 1307-1523 tới khi Union này rã đám thì thuộc về Đan Mạch, sau Thế Chiến I thì được tự trị tới sau Thế Chiến II trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập, có chân trong Liên Hiệp Quốc và NATO. Theo thống kê sau cùng, đảo có dân số là 348,580 sống trên 103,000 km2 với thủ đô là Reykjavik. Đảo này còn được gọi là đảo của núi lửa và băng tuyết.
-Greenland: Đảo này là đảo lớn nhất địa cầu, với dân số là 56,480 theo thống kê 2013, đa số là người Inuit đã di cư từ Canada sang vào TK XIII. Ba phần tư đảo bị phủ quanh năm bởi băng tuyết, thủ đô là Nuuk có dân số chiếm 1/3 toàn đảo. Đảo thoạt đầu thuộc liên quốc Na Uy-Đan Mạch rồi khi hai nước này tách riêng ra thì thuộc Đan Mạch năm 1814. Đảo từ năm 2009 tuy vẫn thuộc vương quốc Đan Mạch nhưng có quy chế hoàn toàn độc lập.
Cuộc khám phá ra đảo Greenland bởi một kẻ sát nhân, sống ngoài vòng luật pháp bắt nguồn từ một thảm kịch. Nguyên là một thiếu niên tên Eirik thường được gọi là Eirik tóc đỏ theo bố sang Iceland từ nhỏ. Tại đây Eirik trưởng thành, lấy vợ, sinh con trai tên Leif, có một nông trại khá sung túc, sau có vụ cãi lộn với hàng xóm, Eirik bản tính rất dễ nổi nóng đã giết hai người và phải di chuyển đi một nơi khác tại đảo. Tại chỗ mới này lại xảy ra chuyện cãi cọ về đất đai và Eirik lại giết thêm mấy người và lần này thì bị trục xuất khỏi đảo. Thay vì trở về quê hương, Eirik lái tàu băng qua các vùng băng tuyết và khám phá ra một đảo mới. Tại đây có đất đai có thể trồng trọt được, có nhiều nguồn thực phẩm như hươu nai, cá vv... nên ông tiếp tục sống tại đây ba năm liền rồi trở lại Iceland mộ thêm người. Ông đặt tên hòn đảo mới là Greenland để có sức hấp dẫn di dân, kết qủa là một đoàn tàu gồm 25 chiếc với khoảng ba, bốn trăm người đã theo Eirik lên đường vào muà hè chạy tới Greenland nhưng do trở ngại gây ra bởi băng tuyết chỉ có 14 chiếc tàu tới được đảo thôi. Nhữnng thổ dân tại đây thuộc sắc tộc Inuit cũng tương đối không gây khó khăn gì nhiều trong việc định cư .
Năm 986, một cư dân Iceland là Bjarni Herjólfsson đi thăm bố tại Greenland nhưng tàu bị bão đánh giạt đi và khi biển yên lặng trở lại, đoàn tàu thấy một vùng đất lạ với rừng cây và đồi thoai thoải, những thủy thủ muốn đổ bộ nhưng Bjarni nóng lòng tìm cha cho nên cho tàu chạy thẳng và sau nhiều tuần lễ mới tới được Greenland. Khi Bjarni kể cho Leif, con trai của Eirik về chuyện này, Leif năm 1001 quyết tâm đi tìm, mua lại tàu của Bjarni, tuyển 35 thủy thủ đi cùng. Leif tới được đúng chỗ Bjjarni tả đã đi qua, đổ bộ và thấy toàn cảnh “ bên kia thì đá bên này thì khe”, nên đặt tên vùng đất mới này là Helluland có nghĩa là Thạch Địa, sau này có lẽ là Đảo Baffin. Leif cùng cả đoàn lái tàu theo hướng nam chừng hai ngày nữa, đổ bộ lên thì thấy nhiều rừng cây và gọi nơi này là Markland hay Land of Wood/ Lâm Địa tức là Labrador sau này. Họ trở lại tàu, lái về hướng bắc và tới một điạ điểm thứ ba thì quyết định ở lại đây qua mùa đông vì thấy ở đây có nhiều cánh đồng cỏ phủ sương, họ bứt những ngọn cỏ lên ăn thử thì thấy có vị ngòn ngọt có thể cho ngưạ bò ăn, có sông hồ và nhất là nhiều cá hồi lớn chưa từng thấy. Trong một cuộc đi thăm dò, họ sung sướng tột cùng vì thấy được rất nhiều nho dại mà các đảo Iceland và Greenland lẫn cả các nước Scandinavie đều không có vì qúa lạnh. Leif đặt tên vùng này là Vinland nghĩa là Wine Land, sau này là Newfoundland. Leif từ đó còn được gọi là Leif Hên / Leif the Lucky và nơi họ cư trú tương ứng ngày nay với L’ Anse aux Meadows.
Những người Vikings sau đó lấy Iceland và Greenland làm căn cứ xuất phát đã trở lại Labrador nhiều lần dưới sự lãnh đạo của Thorvald, em của Leif và cả của một người em gái cùng cha khác mẹ của Leif là Freydis và từ Labrador thám hiểm quanh các vùng Duyên Hải/Maritime gồm New Brunswick, Prince Edward Island, Nova Scotia và xuống phía nam tới Maine và tận vùng Gaspésie thuộc Quebec trong một thời gian khoảng ba năm.
Trong những cuộc mạo hiểm này, những người Vikings đã đụng độ các thổ dân Inuits mà họ gọi là Skraelings/Lũ Man rợ. Danh từ Inuit để chỉ các thổ dân tại Bắc cực, Alaska , Greenland và đông Siberia được Canada chính thức dùng thay thế cho danh từ Eskimo/Esquimaux từ 1970 bởi đó là tên do bộ lạc Algonquin đặt cho họ, có nghĩa là Ăn thịt sống còn họ tự gọi là Inuit.
Thorvald ít lâu sau bị chết do trúng tên của một thổ dân vào ngực. Thorvald yêu cầu được chôn tại vùng đất mới. Leif muốn đem thi hài em về Greenland nên sai đứa em út là Thorstein cùng vợ với một đoàn 25 thủy thủ đi Vinland nhưng do bão táp nên không bao giờ tới nơi. Thorstein về Greenland nhưng không chịu nổi muà đông và qua đời. Vợ của Thornstein là Gudrid sau tái gía với một cư dân Iceland là Karksefni, hai người này lại đi tới Vinland và gặp thổ dân nhưng lần này là để trao đổi hàng hóa như sữa dê để lấy da và lông thú, tuy người thổ dân thích các đồ dùng bằng thép nhưng Karlsefni vẫn còn nghi kỵ thổ dân nên không cho đổi. Tại Vinland, Gudrid sinh một con trai đặt tên là Snorri, trở thành đứa trẻ gốc Âu đầu tiên sinh tại Canada.
Các cuộc đụng độ giữa người thổ dân và di dân vẫn tiếp diễn và nhiều người thuộc cả hai bên bị chết nên sau ba năm tạm cư, cả đoàn lại trở về Greenland đem theo nho, da thú và gỗ. Họ có nhiều đất đai tại Greenland nên thấy sự thành lập một thuộc địa tại Vinland không cần thiết.
II. Các cuộc thám hiểm của người Anh - Newfoundland trở thành thuộc địa Anh
Năm 1492, nữ hoàng Spain Isabella và hoàng đế Ferdinand đồng ý cấp cho Christopher Columbus ba chiếc tàu sau khi Columbus cả quyết là ông có thể đi tới India bằng cách vượt Đại Tây Dương. Tuy nhiên Columbus chỉ đi tới vùng biển Caribbian Islands, có lẽ là Bahama mà ông ngỡ là India và gọi cư dân là indians. Dù thành công hay không, Columbus cũng mở ra một chân trời mới tức là Tây Bán Cầu mà xưa kia người Vikings chưa hề đặt chân tới. Người thực sự đặt chân lên Mỹ châu cũng là một người đồng thời với Columbus, đã tìm phương tiện tài chánh cho các chuyến hải hành của Columbus tên là Amerigo Vespucci và sau này họ của ông đã được lấy đặt tên cho America.
John Cabot
John Cabot là một người Ý, tên Giovanni Caboto, rất rành về hàng hải, và từng có kinh nghiệm đi các miền Địa Trung Hải và Trung Đông, tới cả Mecca. Ông là người đồng thời với Columbus và hai người còn quen biết nhau nữa. Khi biết Columbus tìm ra vùng Indies qua lối Đai Tây Dương, ông cũng muốn làm một hành trình tương tự nên muốn tìm người tài trợ, ông tới gặp hoàng đế Portugal và Spain, đề nghị xin đi thám hiểm Đại Tây Dương để tìm đường sang Á châu, theo con đường của Columbus vì cả Columbus lẫn ông đều nghĩ rằng trái đất tròn nên cứ đi về hướng tây qua Bắc Đại tây Dương tất phải tới Á châu với con đường gần và ngắn hơn.
Tại cả hai triều đình Portugal lẫn Spain ông đều bị từ chối, đành sang Anh thử thời vận. Nước Anh lúc ấy còn là một nước nghèo và nhỏ, dân số chỉ bằng một phần ba của Spain và bằng một phần bẩy của Pháp nhưng vua Anh là Henry VII lại đồng ý nhưng lại không trợ cấp gì.
Cabot đành sử dụng một chiếc tàu, Matthew cùng với một nhóm nhỏ thuỷ thủ 18 người. Cabot khởi hành năm 1496 nhưng gặp bão lớn đành phải quay về. Ông không nản chí, lại ra khơi vào mùa xuân sau với 20 thủy thủ hầu hết là dân chài Anh.
Lần này sau 5 tuần lể vượt Đại Tây Dương ông cập bến tại Labrador ngày 24.6.1497. Tại đây ông thấy có rất nhiều cá thu, nhiều tới nỗi chỉ cần dùng cái rổ cũng với lên được không biết bao nhiêu là cá. Ông và đoàn thủy thủ đổ bộ đi sâu tít vào trong nhưng chẳng gặp ai và nghi rằng đây chưa phải là China nên lại trở về Anh, bến Bristol, tuy nhiên ông đã dựng tại Newfoundland cột cờ vương quốc Anh.
Cabot được hoan nghênh nhiệt liệt, được nhà vua thưởng tiền và còn được vinh dự gọi là Đại đô đốc.
Ông lại đi chuyến thứ ba từ Bristol với một đoàn 5 chiếc tàu chở 300 người vào năm 1498 nhưng chuyến này tất cả tàu và người đều mất tăm tích luôn.
Con của ông, Sebastian Cabot tiếp tục cuộc hành trình của bố, khởi hành năm 1508 và tới được vùng giờ đã có tên chính thức từ 1499 là New Founde Lande. Tại vùng đất mới này, người Anh giờ đã là chủ nhân và tiếp đón nhiều tàu bè Spain, Basque, Portugal tới đánh cá thu và săn cá voi.
Sang thế kỷ XVI, thời đại Elizabeth I, vương quốc Anh gửi nhiều đoàn tàu đi thám hiểm các đại dương, nhưng người nổi tiếng là người của biển là Sir Francis Drake.
Sir Francis Drake
Năm 1577 ông được chỉ định chỉ huy một đoàn tàu đi tới miền Nam Mỹ lúc đó đã thành thuộc địa của Spain với hi vọng kiếm được thêm đất mới, gồm 5 chiếc tàu nhỏ với khoảng 200 thủy thủ. Đoàn tàu của ông đã đi vòng xuống Nam Mỹ sang Thái Bình Dương. Ông dự tính cho tàu chạy dọc theo bờ phía tây của châu Mỹ và xuyên qua Northwest Passage để trở lại Đại Tây Dương rồi về lại nước Anh.
Drake do đó là người Âu đầu tiên thấy bờ biển phía tây của Canada khi ông chạy tàu lên tới tận Vancouver, nhưng tới đây thời tiết qúa lạnh, ông phải quay về, đi về Indian Ocean, vòng quanh Cape of Good Hope và cặp bến Plymouth, Anh quốc năm 1580. Ông Drake như vậy là người Âu đầu tiên đã lái tàu đi vòng quanh thế giới.
Martin Frobisher
Năm 1576 Martin Frobisher được nữ hoàng Anh trao nhiệm vụ tìm đường Northwest Passage sang Thái Bình Dương. Đoàn tàu của ông vượt Bắc Đại Tây Dương và tới Labrador, Newfoundland rồi chạy ngược lên hướng bắc và ông là người đầu tiên khám phá ra vịnh Hudson trước Henry Hudson nhiều năm.
Sir Humprey Gilbert
Sir Humphrey Gilbert cũng được Nữ hoàng Anh trao nhiệm vụ tìm đường Northwest Passage nhưng lần này còn có trọng trách thành lập một thuộc địa trong thời hạn 6 năm kể từ 11.6.1578. Vào khoảng giữa tháng 11, Gilbert tập trung một hạm đội tại cảng Phymouth gồm 10 tàu, 570 thủy thủ, đa số vốn từng là hải tặc và 175 khẩu súng nhưng ba chiếc tàu sau đi theo sự chỉ huy của Henry Knollys rời hàng ngũ của Gilbert để đi làm cướp biển. Đoàn tàu bảy chiếc còn lại rời cảng Phymouth ngày 18.11 nhưng sau đó nhiều tàu bị hư hỏng nên cả đoàn phải trở lại cảng Cork. Khoảng tháng 2.1759 Gilbert lại lên đường vượt Đại Tây Dương nhưng cũng giống các lần trước lại phải trở lại cảng Dartmouth vào cuối tháng Tư. Gilbert vẫn không chịu bỏ cuộc, ông vẫn ôm giấc mộng tìm ra North West Passage để đi tới Cathay và cũng để lập thuộc địa và đối kháng với quyền lực cuả Spain. Gilbert quyên được nhiều tiền nhất là trợ cấp của thương gia Michael Lok, London để tiến hành chương trình chinh phục Bắc Mỹ. Martin Frobisher được chỉ định làm hạm trưởng và cả đoàn rời Anh vào tháng 6.1576 nhưng không tìm ra được North West Passage .
Hợp đồng 6 năm gần hết thì Gilbert vào năm 1583 lại quyên được một số tiền lớn từ các nhà đầu tư Công giáo Anh, đang bị luật lệ Anh xiết chặt, trước viễn tượng một vùng đất mênh mông chừng 9 triệu mẫu ( 36,000 km2) chung quanh sông Norumbega sẽ được chia cho những người đầu tư. Tháng 6.1593 một hạm đội gồm năm chiếc tàu ra khơi, nhưng một chiếc phải quay về, tàu Bark Raleigh. Mặc đầu bao trở ngại, sóng gió cùng hải tặc gặp trên biển, đoàn tàu cũng tới được Newfoundland.
Khi đoàn tàu tới cảng St. John thì tại đây đang có 36 chiếc tàu thuộc các nước Spain, Portugal, Basque, Pháp và Anh. Gilbert bất chấp sự hiện diện của nhiều nước này, lấy chiếu chỉ của Nữ hoàng Elizabeth I ra đọc và tuyên bố từ đây Newfoundland hoàn toàn chính thức thuộc chủ quyền của Nữ hoàng Anh ngày 5.8.1583 và bắt đầu thu thuế các thuyền chài. Buổi lễ được tượng trưng bởi sự kiện những người cư dân tặng cho Gilbert một con chó mà ông đặt tên là Stella. Gilbet còn tuyên bố Church of England là quốc giáo và kẻ nào xúc phạm tới Nữ hoàng Elizabeth sẽ bị xẻo tai.
Bảng ghi chủ quyền của Nữ hoàng Anh
Giờ phút cuối cùng cuả Sir H. Gilbert
Sau vài tuần, đoàn tàu lên đường trở lại Anh vì thiếu sự tiếp tế và Gilbert ra lệnh theo một hải trình khác, khiến tàu Delight là tàu lớn nhất bị mắc cạn, rồi chìm cùng 16 thủy thủ tại gần đảo Sable Island.
Khoảng còn cách Cape Race chừng 900 dặm, biển nổi giông tố và hạm trưởng tàu Golden Hind kêu Gilbert phải sang tàu của ông vì tàu Squirrel của Gilbert chở súng qúa nặng nhưng Gilbert vẫn ở lại tàu Squirrel của mình để rồi bị giông bão làm chìm trong khi Gilbert còn đang cầm sách đọc.
Sử chép cuốn sách ông đọc là Utopia của Sir Thomas More trong đó có đoạn: “ He that hathe no grave is covered with the skye: and, the way to Heaven out of all places is of like length and distance.”
Tuy Gilbert tuyên bố chủ quyền của nước Anh trên Newfoundland nhưng thực sự mãi tới năm 1610 nước Anh mới chỉ định thống đốc đầu tiên là John Guy tới đảo cùng 39 thuộc dân để khai khẩn đất đai, tiếp theo hai năm sau bởi một toán 16 phụ nữ tạo thành thuộc địa đầu tiên của nước Anh. Lịch sử ghi ơn John Guy và gọi ông là “Người cha của Newfoundland”.
Một cuộc diệt chủng tại Newfoundland
Trước khi các người Âu tới Newfoundland thì tại đảo này đã có thổ dân cư trú thuộc chủng tộc Beothuk, còn được gọi là Người da đỏ vì họ sơn lên mình thổ hoàng màu đỏ. Họ sống bằng săn gấu biển và bắt cá hồi trên sông. Sự xung đột về quyền lợi và sinh kế kéo dài suốt 200 năm từ 1613 tới 1823 thì số thổ dân Beothuk chỉ còn đếm được trên ngón tay vì họ vừa bị bắn giết, vừa bị luà vào trong rừng sâu không còn thức ăn. Chính phủ nhìn rõ thấy nguy cơ tuyệt chủng nên năm 1769 mới ra luật giết người Beothuk là một tội hình nhưng cũng chẳng có kết qủa là bao nhiêu. Thêm nữa, một thổ dân khác là Mi’ kmaq mới di cư tới đảo, được người Anh cung cấp súng với những tiền thưởng nếu giết được người Beothuk, trong khi người Beothuk lại sợ dùng súng.
Năm 1823 chỉ còn ba thổ dân Beothuk sống sót gồm một mẹ và hai con gái tới đầu hàng các thuộc dân da trắng. Họ bị bỏ đói và chết hai, còn lại một mình Shawnandithit, trước khi chết vì bệnh lao phổi đã để lại cho William Cormack những kỷ vật của chủng tộc Beothuk, một chủng tộc đã hoàn toàn bị diệt vong. Một số người tìm cách bào chữa cho hành vi diệt chủng này nhưng nhà nhân chủng học trong cuốn lịch sử về chủng tộc Beothuk viết rất rõ ràng: Yếu tố định đoạt trong cuộc tuyệt chủng giống Beothuk là sự đối xử tàn bạo và ác độc của những người thuộc dân Anh thuở ban đầu đã chứng tỏ một cách hành xử vô nhân đạo đối với thổ dân. Theo quy ước về tội diệt chủng của Liên Hiệp Quốc năm 1948 thì tất cả các thuộc dân đã có hành vi bạo ác với người Beothuk đều bị kết án.
III- Các cuộc thám hiểm của người Pháp – Canada trở thành thuộc địa Pháp
Jacques Cartier
Năm 1534 Cartier được vua Pháp trao nhiệm vụ đi thám hiểm Mỹ châu với hi vọng tìm lối sang Đông phương và tìm vàng. Ông được cấp hai chiếc tàu với 61 người. Cartier rời St. Malo, Brittany ngày 20.4.1534, tới Newfoundland ngày 10.5 rồi tiếp tục đi tới Labrador. Tại đây ông gặp các thổ dân và trao các vật liệu, dụng cụ bằng thép đổi lấy da thú. Cartier không thấy Labrador hấp dẫn nên ông tiếp tục đi về hướng tây, tới Prince Edward Island rồi New Brunswick và thấy đất đai phì nhiêu hơn. Khi tới vịnh Gaspé thì ông gặp các người Iroquois vùng St. Lawrence và gặp tù trưởng là Donnacona. Tại đây Cartier cho dựng một cột thánh giá có ghi “ Long Live the King of France”. Hai bên trao đổi hàng hóa và Donnacona sau đó còn cho hai con trai đi theo Cartier về Pháp để mua thêm các dụng cụ bằng sắt thép. Cartier tới vịnh St. Lawrence đúng vào dịp lễ kỷ niệm St. Lawrence nên Cartier gọi tên vịnh là Vịnh St. Lawrence.
Năm sau, Cartier trở lại với 3 chiếc tàu cùng 110 thủy thủ, gấp hai lần trước cùng với hai con của tù trưởng Donnacona. Tàu chạy trên sông St. Lawrence và khi gần tới Stadacona thi hai con của tù trưởng Donnacona vừa chỉ tay vừa reo lên Kanata! Có nghĩ là Làng tôi kia kià. Cartier lại lầm tưởng Kanata là chỉ toàn vùng cho nên gọi vùng quanh sông St. Lawrence là CANADA bao gồm Quebec, Trois Rivières và Montréal. Cartier cho tàu chạy tới làng Stadacona tức Quebec City hiện nay thì được Donnacona tiếp đón trong niềm vui vì gặp lại hai con trai.
Khi Cartier cho biết ông sẽ tiếp tục chạy ngược dòng St. Lawrence thì Donnacona có vẻ giận dữ vì sợ Cartier xâm phạm tới độc quyền buôn bán da và lông trước đó dọc theo sông. Tuy nhiên Cartier vẫn tiến hành ý định và tới làng Hochelaga nằm trên một hòn đảo tức Ile de Montreal thì được khoảng 2,000 thổ dân Iroquois chào đón rất thân thiện và còn mở tịêc khiêu vũ nữa. Ông được dẫn đi thăm làng và khi đi lên một ngọn đồi, ông lại cho cắm một thánh giá khác ghi chủ quyền của vua Pháp và ông đặt tên ngọn đồi này là Mont Royal sau trở thành Montréal. Đứng trên đồi ông nhìn thấy môt cái ghềnh nước chảy rất xiết và mạnh nên Cartier đành phải quay về Stadacona và qua mùa đông tại đây. Thời tiết năm đó lạnh sớm và rất khắc nghiệt nên khi tới làng Stadacona tức Quebec City, cả đoàn phải dừng lại, xây một đồn để tạm trú. Truyện không may xảy ra là một phần tư người trong đoàn bị bệnh rồi chết vì bệnh Scurvy/ hoại huyết, sau do thổ dân mách uống nước từ cây bách hương /cedar mới hồi phục.
Sự giao hảo giữa thổ dân Iroquois với toán thám hiển Cartier không được bền lâu vì sự nghi ngờ lẫn nhau. Trước khi về lại Pháp, Cartier làm một lầm lỗi lớn là bắt giữ tù trưởng Donnacona cùng với 9 thổ dân đem về Pháp làm con tin.
Vào tháng 10.1540, vua Francis phong ông tước đại đô đốc chỉ huy một đoàn quân viễn chinh lớn hơn gồm nhiều tàu với 1,500 binh sĩ có nhiệm vụ mở một thuộc địa và tìm đường sang Trung hoa. Tuy nhiên tới tháng 1.1541 nhà vua lại đổi ý phong Jean-Francois de La Roche de Roberval, là Hầu tước thuộc một gia đình qúy tộc làm tư lệnh đoàn quân viễn chinh còn Cartier chỉ là phó vì có lẽ nhà vua nghĩ Cartier chỉ giỏi về hàng hải nhưng không có tài về lãnh đạo. Trong khi đó 10 con tin Cartier bắt giữ thì 9 người chết kể cả tù trưởng Donnacona, chỉ có một cô gái trẻ sống sót và bị bỏ lạị Pháp.
Cartier rời Pháp muà xuân 1542 trước Roberval, trở lại Stadacona và báo tin Donnacona đã qua đời còn những người kia đã có vợ chồng với cuộc sống giàu sang tại Pháp nên chọn ở lại đó, nhưng các thổ dân Iroquois không còn tin ông nữa và có vẻ tức giận nữa, và từ bạn đổi sang thù, chống đối với thuộc dân Pháp kéo dài cả trăm năm.
Cartier và đoàn tùy tùng phải sống qua một mùa đông khắc nghiệt mà vẫn không có tin tức gì của Roberval, 35 người trong đoàn của ông bị thổ dân Iroquois giết trong các cuộc đụng độ nên Cartier bỏ ý định thành lập một thuộc địa mà quyết định quay về Pháp. Đoàn tầu mới vừa ra khỏi Newfoundland thì gặp đoàn tầu cuả Roberval ngày 8.6.1542, Roberval hạ lệnh cho Cartier quay lại Canada nhưng Cartier không nghe vì không muốn sống thêm một mùa đông đói rét nữa, vả lại trên các tầu của ông đang chở đâỳ quặng thạch anh mà Cartier tưởng là vàng và kim cương. Chuyến đi cuối cùng này của ông có thể coi như bị thất bại nhưng ông đã giành được vùng Canada cho hoàng đế Pháp.
Jean-Francois de La Roche de Roberval
Toán thám hiểm Roberval cũng không khá gì hơn toán Cartier, thời tiết khắc nghiệt, bệnh họan, thổ dân đột kích giết hại khá nhiều nên tới 1543, cả đoàn lại lê lết trở về và viễn tượng thành lập một thuộc địa gần như bất khả kháng. Tuy nhiên tới năm 1578, vua mới tại Pháp lại trao cho Hầu tước de La Roche chức vị Toàn quyền vùng Canada, Newfoundland, Labrador và Norumbega (thật sự không có địa danh này) để thành lập một thuộc địa Pháp và thiết lập các nhà thờ công giáo mặc dầu ông theo đạo Tin Lành.
La Roche đã tuyển mộ 10 người lính cùng với 40 người đi theo hầu hết hoặc là những tù nhân, hoặc là người trong đám du thủ du thực. La Rocque chọn chỗ định cư khởi đầu là một đảo ngoài khơi Đại Tây Dương, còn hoang dại nhưng không có cây cối gì cả là Sable Island, sống rất chật vật bằng đánh cá, bắn chim biển và cố gắng tạo các mảnh vườn giữa các đụn cát.
La Roche để thuộc địa này cho hai đại diện quản trị và ra đi với hai chiếc tầu tới Newfoundland. Toán ông đi sâu vào nội địa rồi thiết lập một trại định cư, có lẽ là vùng Saguenay hiện nay. Ông chú tâm việc đi tìm vàng và kim cương nhưng chỉ tìm được các loại quặng không có giá trị. Tới năm 1602, đảo Sable bị trở ngại về tiếp tế vì không có tầu nào ghé cái đảo toàn gió bão này cả, dân thuộc địa nổi loạn giết hai người đại diện rồi sau đó đảo và người bị chìm vào trong dĩ vãng. Sau chỉ còn chừng 11 người sống sót được các thuyền chài cứu đưa về Pháp năm 1603.
Khi trở về Pháp, Roche bị đưa ra một uỷ ban điều tra vì bị nhiều thuộc hạ tố cáo ông đã đối xử với họ một cách quá nghiêm khắc gần như là tàn bạo. Ông vẫn hoạt động trong các tổ chức Tin Lành, đạo của gia đình ông và trong một đêm năm 1590 sau khi từ phòng họp đi ra ông bị bắn vào đầu, tử thương.
Nước Pháp từ đó chán ngán trong việc tìm thuộc địa tại Bắc Mỹ mãi cho tới thời của Samuel de Champlain khoảng nửa thế kỷ sau mới tiếp tục.
Ghềnh Lachine
Bản đồ hành trình của Jacques Cartier
Cartier dựng bảng chủ quyền Canada cho vua Pháp
Samuel de Champlain
Samuel là con một thuyền trưởng người Brittany nên đã đi theo bố đi đánh cá từ hồi còn nhỏ và đã sớm biết phương hướng của các luồng sóng, biết lái thuyền theo hướng mặt trời và các vì sao, biết khi nào biển cả trở nên nguy hiểm và linh cảm khi nào sắp có bão táp, phong ba. Ngoài tài năng đi biển và lòng yêu thích biển khơi Samuel còn thích vẽ kể cả vẽ bản đồ. Nơi sinh sống của gia đình Samuel thường là nơi tụ họp của kẻ giang hồ đến từ khắp Âu châu nên Samuel còn biết nói tiếng Spain, tiếng Anh và vài thứ tiếng khác nữa. Thời Samuel trưởng thành cũng là thời có cuộc tranh chấp tôn giáo quyết liệt tới tàn sát lẫn nhau giữa Thiên Chúa giáo và Tin Lành. Gia đình Samuel là tín đồ Tin Lành khi đó chỉ chiếm khoảng 10% nên Samuel đã thận trọng cải đạo sang Công giáo. Ngay cả đức vua Henri IV cũng bỏ Tin Lành để theo công giáo với sự nghi ngờ của dân chúng.
Năm 1598 một người chú của Samuel được vua Spain trao trách nhiệm chở lính tới vùng Caribbian và Samuel đi theo tới các thuộc địa của Spain tại vùng Caribbean và Mexico và là một trong các người tùy tòng trong chuyến đi năm 1603 ngược sông Lawrence tới tận Tadoussac, rồi tít lên Lachine rapids. Samuel vừa vẽ bản đồ vừa ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy để về tường trình cho nhà vua về Canada, một vùng mà theo Samuel về phương diện trồng trọt cũng phì nhiêu giống y như nước Pháp. Trong chuyến đi thứ hai cùng với Pierre de Monts, Toàn quyền vùng Tân Pháp/ Nouvelle France hai người định thiết lập một thuộc địa vĩnh viễn tại vùng Acadia tức Maritimes tại cửa sông St. Croix tức New Brunswick ngày nay. Mùa đông tại đây qúa khắc nghiệt, lại thêm bệnh scurvy hoành hành nên 35 trên số di dân 79 bị thiệt mạng. Vào mùa xuân họ di chuyển tới một địa điểm trong vịnh Fundy và năm 1604 thiết lập lần đầu tiên một trại định cư vĩnh viễn người Pháp tại Port Royal, sau trở thành thủ đô của Acadia tức Nova Scotia. Sau ba năm tạm cư và sau khi độc quyền mua bán da và lông thú của Pierre bị bãi bỏ, đám thuộc dân chán nản, phải quay về Pháp.
Vào muà xuân 1608, Champlain giờ có chức vụ Thống đốc vùng Tân Pháp/New France, với sự ủng hộ của Pierre De Monts, chỉ huy tàu Don de Dieu/Gift of God cùng với hai tầu khác trở lại Canada thay vì Acadia. Triển vọng thiết lập một thuộc địa tại vùng Bắc Mỹ này lúc đó rất mong manh vì những thuộc địa trước đều thất bại và bỏ cuộc. Champlain sáng suốt nhận định ra nếu muốn định cư tại vùng đất mới này thì cần phải kết bạn với các thổ dân thay vì gây thù chuốc oán. Trên dọc sông St. Lawrence đi ra biển, Samuel gặp rất nhiều muông thú, gấu đen, huơu nai, hải ly, nhím, sóc, và rất nhiều cá hồi rồi khi nước sông bắt đầu đổi từ ngọt sang mặn ông gặp thác Montmorency. Thác Montmorency nằm sát phía Tây Quebec City, cao tới 83 m trong khi thác Niagara chỉ cao 53 m. Khi tàu vượt qua ghềnh, đứng trên boong tàu Samuel trông thấy trên bờ khúc eo sông mà thổ dân gọi là Kebec, chỗ mà trước kia Cartier đã tới và gọi là Stadacona, một sườn núi đá sẫm thẳng đứng sừng sững như một bức tường thành. Champlain nảy ra ý nghĩ đây sẽ là một chỗ phòng thủ rất lợi thế, lại có một cảnh trí rất đẹp và nhiều lọai cây. Ông cùng đoàn tùy tùng đổ bộ phiá sau bờ tường đá vào tháng 7.1608, gọi nơi định cư mới tại một eo sông St. Lawrence theo thổ ngữ Algonquin là Quebec (Thổ ngữ Kebec có nghĩa là Eo Sông) và cho xây dựng nhà cửa, các pháo đài với các súng đại bác để phòng thủ. Những thổ dân Montagnais tại đây, rất sững sờ vì chưa bao giờ trông thấy những kiến trúc vĩ đại như thế, hoan nghênh những di dân mới với hi vọng có đồng minh để chống lại người Iroquois lúc này không còn ở đây như thời Cartier nữa mà đã di cư về phía Nam. Sự giao tế giữa Champlain và thổ dân rất tốt đẹp với tài ngoại giao khéo léo và chủ trương thân thiện của ông, nhưng không phải ai cũng đồng ý với việc làm của ông mà lại cho ông là hèn yếu. Một nhóm người mà chủ xướng là Jean Duval bàn tính sẽ ám sát ông và trao thuộc địa cho những người Spain hay Basque tại hạ lưu Tadoussac nhưng một người trong nhóm lại trình báo với Champlain nên cả bọn bị bắt và đưa ra tòa. Duval bị xử treo cổ còn đồng bọn bị đưa về Pháp xử tội.
Muà đông đầu tiên là một thảm hoạ cho đám di dân và ngay cả thổ dân Montagnais cũng bị chết đói và chết rét rất nhiều mà Champlain cũng đành khoanh tay vì không đủ thực phẩm để cứu trợ họ. Mùa đông rồi cũng qua nhưng đám di dân Pháp từ 28 người chỉ còn lại 8, phần bị chết vì scurvy phần bị chết vì kiết lỵ. Mặc dầu trong đám di dân vẫn có người muốn thủ tiêu ông và phiá hạ lưu Tadoussac, nơi sông Saguenay đổ vào sông St. Lawrence, những người Spain và Basque vẫn rình cơ hội tấn công, Champlain vẫn không nhụt chí, quyết tiến hành cuộc thám hiểm thượng lưu với loại tầu nhỏ cùng 20 người mới tới vào đầu xuân và những thổ dân Montagnais.
Trên đường đi, Champlain gặp 200-300 thổ dân Wendar và Algonquin tới xin liên kết và yêu cầu giúp họ chống lại khối Ngũ Quốc/Five Nations của Iroquois tại phía Bắc tức tiểu bang New York ngày nay gồm Năm bộ lạc là Seneca, Caruya, Oneida, Onondaga và Mohawk. Các thổ dân còn giữ lề lối sống của thời đại đồ đá tuy nhiên chẳng bao lâu sau khi tiếp xúc với các thuộc dân mới họ dần dần bắt chước một số các tập quán mới của Tây phương và đặc biệt rất thích dùng các đồ vật dụng bằng sắt thép, nhiều khi mua không được thì ăn cắp và bị giết cũng khá nhiều.
Muà xuân 1609, Champlain thành lập một đoàn viễn chinh với 12 người Pháp và 300 thổ dân tiến vào vùng Iroquois nhưng khi đối diện với 200 người Iroquois tại Ticonderoga thì bên Champlain chỉ còn 2 người Pháp và 6 thổ dân vì những người đồng hành chán nản cuộc thám hiểm đã được Champlain cho phép trở về tầu theo ý nguyện, những người này nghĩ rằng không bao giờ họ có cơ hội gặp lại vị chỉ huy của mình nữa. Các thổ dân đi theo Champlain mách nước là ông phải nhằm bắn ba lãnh tụ của đối phương nên Champlain thị uy, bắn ba phát súng khiến hai người tù trưởng bị chết và một bị thương, thổ dân sợ qúa chạy trốn hết. Champlain để kỷ niệm cuộc chiến thắng này, đặt tên cái hồ nơi xảy ra đụng độ là hồ Champlain nằm giữa biên giới Quebec và Vermont. Đoàn ông đi tới vùng nằm giữa Quebec và Montréal, sau này được gọi là Trois Rivières hay Three Rivers gồm sông St. Maurice chạy bọc vòng hai đảo Ile de la Poterie và đảo St. Quentin rồi đổ vào sông St. Lawrence là công trình khám phá của Champlain và là thành phố thứ hai được thành lập tại Canada, sau Quebec. Tên Trois Rivières là do Sieur Dupont-Gravé, một chuyên viên trắc địa làm với Champlain đặt ra khi ông đi trên sông St Lawrence về hướng Montréal nhìn thấy địa hình chỗ đó tưởng là ba con sông. Các thổ dân Algonquin, Montagnais và nhiều bộ lạc khác, với sự yểm trợ của thuộc dân Pháp cũng hợp thành khối Liên Minh Huron để chống lại khối Iroquois.
Ghềnh Lachine vẫn luôn luôn ám ảnh Champlain như Cartier trước kia và ông cũng cảm nghĩ rằng bên kia ghềnh có thể là đường dẫn tới Cathay/ La Chine nhưng ghềnh này dài 3 km, rất mãnh liệt đã làm chết nhiều người muốn thử thách nó, dù tiếng nước chảy ầm ầm như sấm sét. Champlain từng chứng kiến một nhóm thổ dân quyết tâm chèo qua ghềnh nhưng rồi đều bị nước cuốn đi mất tích. Champlain biết là rất nguy hiểm nhưng ông vẫn cùng bốn người Pháp và một người tùy tùng tên Étienne Brulé dẫn đường ngồi trên một ca-nô là những người đầu tiên đã vượt ghềnh Lachine vào mùa hè năm 1611 và đi tới một chi nhánh Bắc của sông St. Lawrence, sông Algonquin sau gọi là sông Ottawa hay sông Outaouais. Sông Ottawa dài 1,271 km phần lớn sông chia đôi biên giới giữa hai tỉnh Quebec và Ontario.
Cuộc hành trình ngược sông Ottawa rất là cực nhọc, nhiều khi họ phải dùng dây thừng kéo xuồng, nhiều khi còn phải khuân thuyền đi bộ, chưa kể đây là vùng của thổ dân thuộc Liên Minh Iroquois. Sau khi vượt qua một đoạn sông rộng và yên tĩnh, sau gọi là Lac des Chats, Champlain theo lời khuyên của thổ dân dẫn đường bỏ đường sông mà đi theo các hồ nhưng khi tới Green Lake thì Champlain đánh rơi mất cái địa bàn nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Khi tới Muskrat Lake, Champlain được các thổ dân Algonquin đón tiếp với lòng kính phục vì đã nghe được chuyện Champlain vượt ghềnh Lachine và nhiều thác khác trên đường đi tới đây. Tù trưởng Nibachis đã mời Champlain cùng hút thuốc để ăn mừng cuộc chinh phục thiên nhiên. Champlain trở lại sông Ottawa, cũng lại phải vượt nhiều thác ghềnh nguy hiểm, và cũng gặp nhiều thổ dân Algonquin khác và hút thuốc, liên hoan cùng với tù trưởng Tessouat. Khi nghe Champlain toan tính đi ngược sông tới vùng thổ dân Nipissings thì Tessouat khuyên ông đừng nên đi vì bộ lạc Nipissings rất hung dữ, có nhiều ma thuật. Champlain nghe lời và quay về Quebec.
Vào mùa xuân 1615 Champlain sau khi từ Pháp trở lại Quebec, ông lại cùng khoảng 12 người ngồi ca-nô chèo ngược sông Ottawa nhưng đi về hướng Mattawa và tới hồ Nipissings, tại đây thổ dân lại tỏ ra thân thiện và không có chuyện gì xảy ra. Sau khi vượt qua hồ, Champlain tới một dòng sông về sau gọi là French River dài chừng 100 km. Trên đoạn sông này, lương thực gần cạn nên mọi người chỉ được ăn ngày một bữa nhưng hai bên bờ sông có đầy các loại trái dâu nên cũng không bị đói. Dòng sông này đưa toán Champlain tới một hồ nước ngọt mênh mông, tức là hồ Huron với rất nhiều loại cá lớn và quanh hồ là thổ dân Wendar vốn rất thân thiện với người Pháp.
Hành trình ngược sông Ottawa của Champlain
Ottawa River tại thủ đô Ottawa
Đoàn thám hiểm đi dọc theo Georgian Bay về hướng nam, đi xuyên qua vùng Thirty Thousand Islands chằng chịt tới miền quanh Midland và Barrie, Ontario ngày nay thuộc thổ dân Wendar với nhiều làng mà Champlain gọi là Huronia.
Champlain đích thân đi thăm thú vùng Huronia, thấy họ không phải chỉ là những người chuyên đi săn thú mà đã có các nông trại trồng trọt bắp, đậu, dưa và nhiều thứ khác, ông viết đã thăm 18 làng với 30,000 dân.
Năm 1617 Champlain thuyết phục Louis Hébert, một dược sĩ tại Acadia rời về Nouvelle France cùng với vợ là Marie và ba con, là những thuộc dân đầu tiên tại Tân Pháp khi đó chỉ vẻn vẹn có 70 người.
Năm 1627 ông thuyết phục Công tước Hồng y Richelieu (Armand Jean du Plessis ) đầu tư mạnh mẽ vào tân thuộc địa và Công ty One Hundred Associates thành hình để quản trị vùng Tân Pháp gồm nửa dân số là người thổ dân, nửa kia là người Pháp. Hồng y Richelieu nắm quyền thủ tướng từ năm 1624 khi vưà 39 tuổi cho tới khi ông mất vào ngày 4.12.1642. Hồng y Richelieu còn trực tiếp bỏ tiền túi để xây dựng đồn Richelieu ngay chỗ sông đổ vào sông St. Lawrence. Hồng Y Richelieu được ca tụng là một trong vài vĩ nhân của Âu châu cho tới cuối thời chiến tranh Napoléon.
Liên Minh Iroquois tỏ vẻ ngày càng gây hấn nên liên minh Huronia gồm thổ dân Wendar và Algonquin chuẩn bị tấn công với lực lượng chừng 500 chiến binh hợp cùng khoảng 12 lính Pháp cùng Champlain và còn hi vọng có thêm các bộ lạc phía nam, vùng Pennsylvania tiếp sức. Đoàn quân chèo tới một hồ lớn là hồ Ontario ngày nay, họ phải dấu ca-nô rất kỹ vì nếu bị chiếm mất thì hết cách trở về. Họ nhằm mục tiêu là bộ lạc Onondaga, vùng thượng New York hiện nay lúc đó đang được phòng thủ rất kỹ với bốn lần tường cao tới 10 m. Cuộc tấn công thất bại và sau khi Champlain bị thương vì tên bắn vào đùi và cẳng chân, phe Huronia đành phải rút lui.
Sau cùng Champlain tìm cách hoà giải được giữa các bộ lạc thì lại có một địch thủ khác vẫn ngấp nghé Canada từ lâu, đó là 5 anh em Kirke lãnh tụ của một đám di dân Anh tại Acadia, kéo một đoàn tàu tới chặn chốt cửa sông St. Lawrence và gửi tối hậu thư yêu cầu trao cho họ Quebec, và tất nhiên Champlain từ chối. Phe Kirke biết chưa đủ mạnh để tấn công bèn dùng chiến thuật bao vây, hễ thấy thuyền tiếp tế của Pháp tới cửa sông là dùng võ lực bắt giữ và tịch thu hết đồ tiếp tế, kết cục họ đã bắt được một đoàn tàu 18 chiếc với chừng 600 người, bò ngựa, thực phẩm và cả súng đại bác do One Hundred Associates gửi tới Tân Pháp.
Suốt cả một muà đông, cư dân Quebec phải bớt phần ăn, rồi ăn rau đậu, rồi chút súp cho đỡ đói lòng đợi muà xuân có tiếp tế, nhưng khi đoàn tầu xuất hiện thì là cả năm tầu đều thuộc băng đảng Kirke với hơn 600 chiến binh và đầy súng đạn, kết cục Champlain phải đầu hàng. Điều làm Champlain thất vọng hơn cả là một người thân cận tên Étienne Brulé mà ông coi như con nuôi đã phản lại ông và theo phe địch. Brulé sau bị thổ dân Wendar bắt vì tội phản bội và ăn thịt, có tài liệu nói vì vướng vào gái gú gì đó, phần Champlain bị phe Kirke giải về London. Một hiệp ước hoà bình vừa lúc đó được ký kết giữa Anh và Pháp nên Champlain được tự do trở lại Pháp và mãi tới năm 1632 khi vua Anh Charles trả lại Quebec cho Pháp đổi lấy một số tiền, ông lập tức trở lại ngay Canada khoảng tháng Ba, tháng Tư năm 1633. Ông buồn rầu trước cảnh một Tân Pháp hoang tàn vì bị anh em nhà Kirke lấy hết mọi tàn sản ngay cả cái khung cửa sổ cũng bị tháo lấy đi. Số cư dân cũng vẫn giữ nguyên là 77 người. Tuy nhiên ông vẫn hăng hái tiếp tục khai thác, mở rộng tới vùng Trois Rivières và dọc sông St. Lawrence. Số di dân do đó ngày một tăng và gồm cả nam lẫn nữ, năm 1634: 200, 1635: 300, 1636-1640: 1,000, 1640-1659: 3,500, 1660-1699: 9,000. Champlain phân phối các di dân dọc ba con sông lớn: St. Lawrence, Ottawa và Richelieu. Riêng về phụ nữ tới New France trong thời gian 1630-1680 là 1,100. Phần lới các di dân tới từ vùng Normandy với giọng mũi, giọng trầm của các nguyên âm và nhiều từ ngữ bắt nguồn từ tôn giáo từ đầu thế kỷ XVII.
Trong những năm tại Canada, Champlain trải qua 27 cuộc hải hành qua Đại tây dương, chở theo rất nhiều di dân, các nhà kinh doanh, các tu sĩ. Champlain bị stroke vào tháng 10.1635, qua đời năm đó đúng ngày lễ Giáng Sinh, thọ 65 tuổi, tại thành phố Quebec mà ông đã thành lập và lưu luyến, lúc này dân số đã lên khoảng trên 200 người. Không chỉ riêng người Pháp Quebec thương tiếc ông, gọi ông là “Le père du Canada” mà hàng chục các bộ lạc thổ dân cũng luyến tiếc ông như một người dũng cảm và một người bạn chân thành. Các sử gia nói nếu không có Champlain thì cũng sẽ không có Quebec, không có người Canada gốc Pháp tại Canada ngày nay. Còn người anh cả họ Kirke là David sau trở thành Thống đốc đầu tiên của Newfoundland, sau bị đi tù vì lạm dụng quyền hành và chiếm đất làm của riêng. Bản tính giặc thì dù làm thống đốc cũng vẫn là giặc.
Eo sông = Kébec = Québec
Hành Trình của Champlain
Sông St. Lawrence với các hồ thượng nguồn Tượng Champlain
Robert Cavelier de La Salle
La Salle sinh năm 1643 tại Rouen, học trường Jésuites de Rouen và trở thành giáo sư tại trường cho tới năm 1666. Năm 1667 ông rời tới với người anh là Jean tại Ville-Marie tức Montréal, ông được đất phong nhưng ông thích thú đi thám hiểm nhất là tìm con đường tới Á châu qua Đại Tây Dương.
Năm 1669 ông bán đất phong để có tiền thực hiện giấc mộng lớn. Chuyến đi đầu tiên đưa ông tới hồ Ontario nhưng cuối tháng 9 cùng năm ông bị bệnh và phải trở lại Montréal, người đời chế nhạo giấc mộng đi sang ước Tàu cuả ông nên gọi ông và đoàn tuỳ tùng là “ les chinois”, vùng đất phong của ông là “ LaChine”, tên này trở nên chính thức từ năm 1678 và cái ghềnh trong vùng là “ Ghềnh Lachine”.
Năm 1674 bá tước Frontenac tức thống đốc Louis de Buade cử ông về Pháp để được hưởng đất phong của đồn Cataracoui tức Kingston, Ontario ngày nay và khi được nhà vua chấp thuận, La Salle đổi tên là Đồn Frontenac để cám ơn bá tước Frontenac.
La Salle sau đó bỏ nhiều năm đi thám hiểm Ngũ Đại Hồ nhất là vùng Đại Giang tức Mississipi. Ngày 9.4.1682 Cavelier de La Salle chính thức tuyên cáo vùng đất thuộc lưu vực sông Mississipi là thuộc chủ quyền vua Louis XIV và lấy tên nhà vua đặt tên cho vùng đất mới này là Louisiana.
Năm 1683 ông về Pháp và thuyết phục nhà vua thành lập một thuộc địa taị đây và ông được phong làm thống đốc. Năm 1684 ông trở lại Mỹ với đoàn tầu gồm bốn chiếc: le Joly, la Belle, l’Aimable và le Francois. Tàu l’ Aimable bị hư và phải trở về Bretagne để sửa chữa, tàu le Francois bị hải tặc Spain chiếm giữ. Tàu l’Aimable sau gặp lại hai tàu kia tại Saint Domingue và La Salle quyết định đi thám hiểm vịnh Mexico nhưng bị lạc phương hướng và đổ bộ xuống một vùng thuộc Texas ngày nay.
Đoàn thám hiểm vừa bị các thổ dân đột kích, vừa bị bệnh chết và có mầm mống nổi loạn. La Salle đang bực tức, đối xử với các thủy thủ quá mạnh tay nên ngày 19.3.1687 bị một thuộc hạ bắn vào đầu tử thương. Trong những năm kế tiếp, người di dân Pháp đã thành lập được các thành phố như Nouvelle-Orléans và Bâton Rouge.
Vào năm 1755 khi các người Acadians tại vùng Maritimes bị người Anh trục xuất họ đã kéo tới Louisiana và thành lập một cộng đồng gọi là Cajuns. Tuy nhiên vào thế kỷ XIX Napoléon I đã bán Louisiana cho Mỹ lấy 15 triệu mỹ kim.
Các nhà truyền giáo
Trong suốt thời đại Champlain, tại Âu châu sau khi Martin Luther cải cách Thiên chúa giáo thành đạo Tin Lành năm 1517 thì xảy ra sự tranh chấp giữa hai tôn giáo nhiều khi đưa tới sự tàn sát lẫn nhau, do lý do đó một phần nào Henri IV cùng với Champlain muốn tìm một thuộc địa tại Bắc Mỹ để những người thuộc hai tôn giáo có thể sống một cách hoà đồng. Henri IV đã trao cho Champlain trọng trách vừa lập thuộc địa, vừa truyền đạo.
Những giáo sĩ đầu tiên đến Canada thuộc dòng Récollects (Franciscans) đã tới sống với người Huron nhưng đã áp dụng một chiến lược sai lầm là họ muốn người Huron tập trung lại trong các nông trại, mặc y phục theo tây phương, nói tiếng Pháp, theo tập quán Pháp nói tóm lại là trở thành giống như người Pháp. Chính sách này tuy được Champlain ủng hộ nhưng đã thất bại. Huron bắt nguồn từ tiếng của thổ dân là huré có nghĩa là tóc sù lởm chởm.
Marie de l’Incarnation thuộc dòng tu sơ Ursuline tới năm 1639, xây dựng một nữ tu viện để lo việc giáo dục các thiếu nữ kể cả thổ dân. Sơ Marie được người đời gọi là Thánh Teresa của Tân Pháp. Nữ Công tước d’Aiguillon, cháu của Hồng y Richelieu gửi ba sơ dòng Augustine tới xây dựng bệnh viện Hotel Dieu tại Quebec năm 1644, trở thành bệnh viện đầu tiên tại Bắc Mỹ vẫn còn hoạt động tới nay.
Jeanne Mance thành lập ngành Điều dưỡng tại Montréal, cộng tác với sơ Marie và cùng với Marguerie Bourgeoys thành lập giáo đoàn Notre-Dame. Sơ Marguerite đã mở trường học đầu tiên tại Canada. Sơ Marie được phong thánh năm1980 và sơ Marguerite năm 1982 đều bởi Giáo hoàng John Paul II.
Champlain đã mời được ba tu sĩ thuộc dòng Jesuits tới Quebec gồm trưởng toán là Paul Le Jeune cùng với Charles Lalemant và Jean de Brébeuf tới truyền giáo cho khối Huron nhưng th9t ra người Huron thích những người Pháp với súng ống để giúp họ chống lại khối Iroquois hơn là những người áo đen chỉ đeo chiếc thánh giá. Dòng jesuits được lập ra là để đi truyền bá đạo Công giáo chống lại đạo Tin Lành lúc đó đang đà phát triển.
Các tu sĩ Jesuits phải sống cùng người Huron cũng rất khổ cực, nhà cửa không có bàn ghế, ăn ngủ ngay trên đất, uống thì có vỏ cây làm thay chén, không có cả muối, bánh mì và chỉ có rượu cho làm phép thánh mà thôi, chưa kể cuộc chiến liên tiếp với Iroquois đem lại nhiều nguy hiểm, tuy vậy họ vẫn không nản chí. Vào mùa Giáng Sinh 1643, Jean de Brébeuf sọan một bài thánh với ca từ Huron gọi là Huron Carol hay Canadian Carol. Charles Lalemant cho xây dựng tại Midland, Ontario một nhà thờ tên Ste. Marie để làm cơ sở truyền đạo, gồm cả bệnh xá và nơi trú cho những người Huron tân tòng, như một tiền đồn tâm linh giữa một vùng hoang dã. Từ khi cộng đồng VN được thành lập tại Toronto và vùng phụ cận, cộng đồng công giáo vẫn tổ chức hàng năm lên thăm viếng đền thờ thánh tử đạo tại Midland.
Do thổ dân Iroquois đe dọa cuộc an cư lạc nghiệp của các di dân nên chínhphủ Pháp cử một sĩ quan Paul de Chomedey, Sieur de Maisonneuve tới xây dựng một đồn và thành lập một thuộc địa tại Montréal, cùng đi theo còn có tu sĩ Jean Jacques Olier de Verneuil và Jeanne Mance. Năm 1642 Maisonneuve đã thành lập được một làng công giáo đặt tên là Ville Marie trên đảo Montreal, sau này trở thành thành phố Montreal với gần giữa trung tâm là quảng trường Place Ville Marie. Maisonneuve sau đó làm Thống đốc từ 1642 tới 1669.
Tháng 5.1660 một chàng trai 24 tuổi có máu phiêu lưu mạo hiểm tên Adam Dollard des Ormeaux, với sự đồng ý của Maisonneuve, dẫn 16 người tình nguyện lái thuyền ngược sông Ottawa để đột kích phe Iroquois, tới Long Sault thì gặp 700 người Iroquois. Một cuộc chiến xảy ra kéo dài ba ngày, bên Adam có thêm chừng 40 người Huron hợp lực. Kết quả là phe Adam Dollard des Ormeaux bị tiêu diệt hết sau khi đã làm bên địch bị thương vong gấp 20 lần. Trận đánh này sau được ghi trong lịch sử là trận chiến Long Sault và được Canon Lionel Groulx viết dưới dạng một bi hùng kịch. Dollard vừa nêu một gương dũng cảm cho thanh niên vừa là một cảnh cáo cho thổ dân Iroquois.
Vì sự khủng bố của thổ dân Mohawk nên các di dân không dám tới, năm 1651 dân số Montréal mới có chừng 50 người nên ông phải về Pháp cổ võ sự di cư và mộ thêm được 100 người, trong đó có Marguerite Bourgeoys. Nhờ ông và các tu sĩ hết lòng phục vụ Montréal dân số năm 1666 đã tăng lên 659 người Pháp và 1,000 thổ dân. Ông mất tại Pháp ngày 9.9.1676. Trong lịch sử Canada ông được coi là người tạo lập ra thành phố Montréal. Ngày 1.6.1985 ông được Uỷ ban Xây đài Lịch sử vinh danh là Người của Lịch sử và sau này bộ Văn hóa và Truyền thông cũng vinh danh ông như vậy vào ngày 17.5.2013.
Khối Huronia cũng không may mắn gì hơn, vì trước khi người truyền giáo và các di dân tới, họ không hề bị mắc các bệnh như cúm, sởi, đậu muà nay họ bị nhiễm các bệnh mới lạ này và chết như ngả rạ khiến họ tin rằng những thầy áo đen đã đem cái chết lại cho họ. Người Iroquois lợi dụng cơ hội này tấn công người Huron nhằm độc quyền bán da và lông thú, người Huron muốn người Pháp cung cấp súng đạn để chống lại nhưng người Pháp từ chối. Quá phẫn uất, người Huron đã bắt và giết các nhà truyền giáo trong đó có Jogues, Lalemant và Brébeuf. Kết quả người Huron bị người Iroquois tiêu diệt và trong số 36,000 người chỉ còn sống sót chừng vài ngàn người phải tìm cách trốn đi sống rải rác tại các nơi khác và các cư dân người Pháp mất đi những người bạn và đối tác mua bán. Một số chừng 600 người Huron chạy theo các tu sĩ về sống tại Quebec City, vùng ngọai ô Lorette hiện nay. Cả hai tu sĩ Jean Breboeuf và Gabriel Lalemant sau được phong thánh năm 1930. Thi hài hai ông được chôn tại đền Thánh tử đạo tại Midland, Ontario cùng với 7 tu sĩ dòng Jesuits.
SƠ KẾT
Nước Canada được thành lập và tồn tại tới ngày nay, như ta biết, là do các cuộc di dân nối tiếp. Ngày mới lập quốc, năm 1867 dân số toàn quốc là 3.463,000 tới năm 2014 là 35.540,000.
Theo thống kê của thập niên 2010 thì kể cả số người sinh ra, người chết đi, người di dân mới tới, cứ mỗi ngày trung bình Canada có thêm 1,137 người. Một nhà kinh tế học Canada mới đây nói rằng Canada muốn trở nên một nước hùng cường về mọi phương diện cần phải có một dân số gấp ba hiện tại.
Vì vậy chúng ta thấy chính sách của chính phủ Canada là mở cửa tiếp nhận di dân mới hàng năm và trong thập niên hiện tại, trung bình Canada tiếp nhận thêm 250,000 người mỗi năm và khoảng 4 năm dân số lại tăng lên một triệu.
Những người di dân tới đầu tiên Canada là người Anh và người Pháp và vùng đất họ đặt chân đầu tiên xuống là Newfoundland rồi khắp vùng Duyên Hải/ Maritime tới Canada thời đó tức Quebec và Ontario. Những di dân này đã trải qua nhiều thế hệ với cuộc sống cơ hàn và cực nhọc, gian truân chứ không thoải mái như các di dân hiện đại chưa kể họ bị chết rất nhiều vì đói rét và bệnh hoạn hoặc bị tử thương trong các trận chiến giữa các người Pháp, Anh, Mỹ và thổ dân với nhau.
Những thuyền nhân Việt Nam trong khoảng thời gian 1979-1980 với số lượng 60,000 đã chiếm tới 25% tổng số di dân, là một đặc lệ của chính phủ Bảo Thủ Joe Clark ta nên ghi nhớ và tri ân tuy rằng Canada cũng cần có di dân. Cho tới nay tổng số người di dân đến từ Việt Nam là khoảng 300,000, đứng thứ năm trong các sắc tộc, sau Trung hoa, Phillippines, Ấn Độ và Jamaica.
CHÚ GIẢI
-Tên đảo Labrador là do những người Portugal đặt ra để gọi Đất của chủ điền/ Tierra del Lavrador.
- Iroquois có nghĩ là Sát Thủ, là tên do các bộ lạc đối kháng gọi bộ lạc iroquois vì người Iroquois rất hiếu chiến, hiếu sát.
- Tên America là tên lấy từ họ của một nhà thám hiểm người Ý Amerigo Vespucci, đi thám hiểm vùng đất mới 1499-1502 đã tới nhiều nơi tại Nam Mỹ như Guyana, Trinidad, Haiti, sông Amazon, Argentina và lấy chủ quyền nước Brazil cho hoàng đế Portugal. Một nhà vẽ bản đồ người Đức, sau khi đọc các thư gửi về nhà của Amerigo Vespucci đã đặt mảnh đất mới khám phá là America để vinh danh Amerigo.
-Vì ghềnh Lachine là trở ngại cho giao thông trên sông St. Lawrence nên vào năm 1824 người ta đã đào kênh Lachine được khánh thành vào năm 1825.
-Tại thành phố St. John, Newfoundland có một tấm bảng ghi hàng chữ “ Canada khởi đầu từ đây” thật ra cũng chẳng ngoa. Newfoundland về địa lý có thể coi là Ground Zero, là dià ngoài cùng của Canada, về lịch sử là thuộc địa đầu tiên của Anh tại hải ngọai và là nơi mặt trời lên trước tiên trên toàn đế quốc Anh.
Newfounland còn thu hút nhiều thuyền chài nhất từ khắp các nước tới đánh cá thu – được giới sành ăn gọi là thịt bò của biển cả - thường tới cả 10,000 chiếc tạo thành một cơn sốt kiếm cá không khác gì cơn sốt tìm vàng chỉ khác là có mùi vị hơn. Sir Francis Bacon năm 1608 còn cho rằng ngư sản tại Newfoundland không bao giờ cạn nguồn và có giá trị hơn tất cả các mỏ bạc tại Peru.
-Sự thành lập thành phố Montréal: Năm 1462 một nhóm tín đồ tại Paris muốn thành lập tại vùng hoang dã bên sông St. Lawrence một Tân Jerusalem và trao trách nhiệm cho một chiến binh trẻ tuổi vừa ngoan đạo vừa dũng cảm, thành lập một thuộc địa trên hòn đảo khám phá ra bởi Cartier, tên là Paul de Chomedey de Maisonneuve. Khi tới Quebec, những cư dân tại đây cho rằng nhiệm vụ của ông là một cuộc tự sát vì lúc đó thổ dân Iroquois đang đánh phá khắp dọc sông St. Lawrence khiến các cư dân phải chạy trốn và muà màng bị mất cả.
Maisonneuve không nhụt chí, tuyên bố ông đến đây không phải để bàn luận mà để hành động, đó là tạo lập một thuộc địa tại Montréal dù mỗi gốc cây có ẩn một người Iroquois. Ông tiến hành ngay công vịêc xây dựng với đoàn tuỳ tùng 40 người và gọi tên cộng đồng mới là Ville-Marie. Trong số những cư dân mới có một phụ nữ tên Joanne Manse, vốn là một y tá sau còn là một nhà chức trách có thể coi là người cùng thành lập ra Montréal cùng với Maisonneuve. Mance cho xây nhà thương đầu tiên là Hotel Dieu, trị bệnh cho cả thuộc dân lẫn thổ dân đồng đều. Dưới sự điều hành và phối hợp của Manse thuộc điạ nhỏ bé từ mấy chục người đã tăng lên 500 trong vòng 20 năm. Maisonneuve có tên trên bảng phố tại Montréal còn Manse, tôi không được rõ.
-Danh từ chỉ thổ dân Iroquois bắt nguồn từ các bộ lạc chống đối với bộ lạc Iroquois đặt ra: hiroqua có nghĩa là sát thủ.
-Thông ngôn chính của Champlain là Olivier Letardif là một trong những người quản trị Công ty One Hundred Associates, và tự ông đã khám phá ra Wisconsin. Ông chết đuối trên sông St. Lawrence trong khi bơi cứu một người Iroquois đang bị người Huron đánh đập cho chết vào năm 1665.
Tham luận của TỪ UYÊN
Sự hiện diện và việc ra đi của người Pháp tại Bắc Mỹ
Anh bạn tôi qua chương IV và có thể qua chương V anh viết lên phần lớn lịch sử nước Canada mà chúng tôi đang ở và tôi cũng xin tiếp theo để kể thêm chi tiết tại sao từ Jacques Cartier năm 1592 đă tới đất lạnh này và dựng chứng tích nơi này thuộc Pháp, và sau ba chuyến thăm lại nơi xưa, ông trở về Pháp với một chiếc tàu đầy quặng sắt và quặng thạch anh mà ông tưởng là quặng vàng. Truớc thất bại này ông không trở lại Bắc Mỹ và nhà vua cũng chán nản không muốn khai thác vùng này sợ tốn kém mà không mang lại cho nước một nguồn lợi mong muốn. Như vậy người Pháp mang tiếng “Có tiếng và không có miếng.” tại châu Mỹ. Tuy nhiên JacquesCartier cũng có công dựng tượng đánh dấu chủ quyền lịch sử của ngưới Pháp tại Mỹ châu.
Mặc dầu Jacques Cartier sau ba chuyến viễn chinh chưa lập mang lại lợi ích vật chất nào cho nước Pháp nhưng ông vẫn c̣n được đời sau tới nay ghi nhớ.
Tuy nhiên lúc này các tàu đánh cá vẫn tiếp tục lui tới vùng này và mang về chính quốc phần lớn là cá thu và đôi khi một số ít lông thú.
Cho tới 1598 nuớc Pháp mới nghĩ tới trở lại khai thác khu đất mới này và như anh Khôi đă kể Samuel Chaplain đă có công gây dựng nên Nouvelle France và coi như cha đẻ ra phần đất mang tên Nouvelle France hay Tân Pháp quốc..
Ta coi thử niên biểu của lịch sử Nouvelle France và sẽ thấy tại sao ngày nay chúng ta lại không c̣n sống trong phần đất mang tên Nouvelle France đáng lẽ phải là phần đất thứ hai của nuớc Pháp và phải giàu và mạnh. Vậy mà hiện nay ta đang sống tại Canada một nước độc lập nhưng c̣n trong Khối thịnh vượng chung Anh quốc, trên danh nghĩa vẫn có Nữ Hoàng Anh nhưng hoàn toàn theo chế độ đại nghị và từ quốc pḥng, nội vụ, ngoại giao không c̣n phụ thuộc vào Anh quốc nữa.
Và như vậy phải chăng những công nghiệp của các ông Jacques Cartier, Samuel Champlain khổ công xây dựng từ năm 1492 và 1608 đă là một miếng mồi ngon khiến người Anh chiếm đoạt để thành một thuộc địa mới và sau 1763 toàn Nouvelle France trở thành thuộc địa thứ 14 của Anh quốc v́ họ đă thiết lập 13 thuộc địa trên miền Tây Bắc Mỹ từ nhiều năm về trước và luôn luôn tranh chấp với đất Nouvelle France.
Và từ cuộc chiếm đóng Nouvelle France của Anh quốc năm 1760 và những ưu đăi nhằm thu phục nhân tâm vùng thuộc địa mới này cuả các vị Thống đốc Anh cai trị Nouvelle France cũ được đổi tên qua Tỉnh Quebec thuộc Anh đă lần hồi khiến mười ba thuộc quốc của Anh bất măn và do đó họ có cớ để ly khai với chính quốc tuyên bố độc lập và tách rời khỏi chính quốc từ đó Hoa kỳ tuyên bố “Độc lập” năm 1776 và trải qua nhiều biến động và sau thế chiến thứ hai nay đă trở thành một nước mạnh nhất trên thế giới.
Ta cũng nên điểm qua các diễn biến không hoà b́nh này ra sao.
Nước Nouvelle France 1634-1763
Ban đầu Pháp chỉ chú ư tới miền phiá Đại tây dương nhưng không thành công và chỉ từ khi Samuel Champlain tới năm 1608 và với chừng 30 người ông thành lập một địa đ́ểm tại nơi trước đây Jacques Cartier đă được thổ dân chỉ cho và mang tên là Canada và ông bắt đầu bắt liên lạc rất khéo với thổ dân vùng này và mang tên Quebec và từ nay thực sự cuộc xây dưng thuộc địa bắt đầu.
Trong khoảng thời gian từ 1608 tới 1627 cuộc thuộc địa hoá chỉ nằm trong tay các công ty nhỏ và công tác chính là đổi chác vật liệu kim khí khác với lông thú và bắt đầu khai thác thương mại qua trung gian của các công ty kinh doanh. Bộ lạc Huron giúp các công tác này rất thân thiện và khiến bộ lạc Iroquois thù ghét và nhằm tiêu diệt Huron.
Tới 1627 Tổng trưởng kiêm Hồng Y Richelieu thành lập một hăng lớn mang tên Hăng Tân Pháp Quốc (Compagnie de la Nouvelle France) để mong công cuộc thuộc địa hóa mau chóng hơn. Công ty này hứa mang qua vùng đất mới 4000 nhân công cần thiết nhưng chỉ tuyển mộ được 300 Tuy Công ty này lớn và tồn tại tới năm 1663 nhưng không phù hợp với chính sách thuộc địa cổ điển. Thuộc địa hóa cần một số đông dân ít di động và chuyên chú về canh nông trước để sinh tồn và sau đó khuyếch chương các chương tŕnh mới. Trong khi đó các công ty v́ lợi ích, chủ trương dùng nhân công ít nhưng năng động để đạt được tài nguyên chính lúc đó là lông thú và da thú đang được Âu châu ưa chuộng trong việc may áo choàng lông cũng như áo da đang thịnh hành và các cuộc trao đổi với thổ dân thường qua đổi trác da thú nhất là da castor lấy dụng cụ kim loại hay thực phẩm do người âu châu mang tới. Hơn nũa các giáo sĩ cũng trở qua vùng đất mới mong cảm hoá thổ dân và mong có một số đông dân theo đạo mới.
Tới 1663 chánh phủ Pháp thay đổi đường lối và áp dụng nền hành chánh thuộc địa giống như mẫu quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế và cử quan chức qua thành lập nền hành chánh theo khuôn mẫu quốc và nhằm tăng dân số bằng cách tuyển mộ và gửi qua thuộc điạ một số lớn chừng 800 phụ nữ trẻ, khoẻ, tự nguyện trong việc sinh con và nhờ đó sinh suất tăng tới 50/1000 và tới năm 1700 dân số tại nơi này lên tới 7200 so với 20 năm về trước.
Với sự tha hoá của nhóm quí tộc kèm theo t́nh trạng lănh thổ và quân sự thuộc địa luôn bị phần thuộc địa Anh thành lập tại 13 đ́ểm tại Mỹ từ Atlanta phiá Nam lên Massachuset phiá Bắc nḥm ngó và qua các cuộc chinh chiến tại chính quốc với bao nhiêu hiệp ước, biên giới và lănh thổ Nouvelle France biến đổi luôn. Đôi khi c̣n phải giao cho người Anh bên kia biên giới cảc cứ đ́ểm quân sự quan trọng như Fort Louisbourg vùng Le Breton và sau lại được hoàn trả.
Quân đội vừa ít lại chỉ tuyển mộ những người nhỏ tuổi, con nhà gia thế muốn thành quân nhân để hưởng quyền lợi cao hơn thường dân nên loại “lính kiểng “này vừa ít vừa kém năng lực nên việc mất Nouvelle France chỉ là thời gian
Tuy nhiên theo vài nhà viết sử th́ đây là thời đại hoàng kim của đất Tân Pháp Quốc với phương thức cai trị mới. Các thành phần chỉ huy nay vào tay lớp lănh chuá, quí tộc, lớp này nay có quyền hành lớn và có quyền cho phép các doanh thương hành nghề, Các nhà buôn từ nay trở thành người thọ thuế. Xă hội Xứ Nouvelle France từ nay thay đổi theo cải cách hành chánh
Xă hội Nouvelle France dưới thời thuộc địa Pháp
Trước thời gian 1663 Bắc Mỹ mang lại nguồn lợi cho người khai thác nhưng không mang nhiều cho nước Pháp và v́ lẽ đó chính quốc quyết định đổi nền quản trị mới tạo nên một xă hội khác trước.
Từ nay có Thống Đốc, có giới quư tộc lănh chúa , có quản trị viên ( Intendant ) và thay đổi các bậc thang xă hội và khiến các nhà khai thác cũ cùng các hậu duệ họ và thổ dân xưa nay hợp tác với họ và cả hàng giáo phẩm cũng cảm thấy mất quyền.
Đé quốc Pháp tại Mỹ châu ngày đó có khuôn mặt mới. Các giới coi như quí tộc sống sang trọng và luôn mở các cuộc tiệc tùng, tiếp tân như bên chính quốc trong khi đó các nhà doanh thương mất quyền lợi và đóng thuế cao.
Họ t́m cách giảm chi phí và phát hiện nhóm coureur de bois thành h́nh từ 1616 để phụ trách đi vào các vùng xa t́m kiếm lông thú từ năm 1645 cực nhọc hơn nên giá thành các bịch lông thú qua các vùng nguy hiểm hơn và sau khi đóng thuế đă khiến họ giảm lợi tức nhiều
Tuy nhiên có hai người tuy làm nghề coureur de bois nhưng đi xâu qua phiá Tây Bắc và lập nên công ty “Cie Baie Hudson “và tổ chức các địa điểm phân phối lông thú trong vùng mang tên Đất của Rupert, Các địa điểm này sau này được .Canada mua lại và thành lập các tỉnh miền Tây như Manitoba, Sakatchewan và Alberta.
Thêm vào đó các giáo sĩ cũng bắt đầu mở mang các cơ sở giáo dục và y tế khiến người dân Tân Pháp quốc từ nay văn minh hơn trước và mang tên là Canadiens
Kẻ thù cạnh nách.
Các thuộc điạ Anh tại Mỹ châu thường lo ngại việc phát triển của Tân Pháp Quốc và chú ư tới đường di chuyển qua khu cửa sông St Laurent Hơn nữa t́nh trạng và các vị trí của thuộc địa này tùy thuộc các cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp tại Âu Châu kết quả tùy theo các hoà ước và Pháp khi thua khi được khiến địa thếí của Tân Pháp Quốc cũng thay đổi luôn do đó tiềm năng quân sự miền này phe thuộc địa Anh đă biết hết , cứ đ́ểm quan trọng như Pháo đài Louisbourg đă có lần phải theo lệnh chính quốc trao cho người Anh và chắc chắn khi phải hoàn lại cho Pháp người Anh đă hiểu rơ t́nh trạng và các yếu đ́ẻm của căn cứ này..
Và ngay năm 1654 hai năm trước cuộc chiến tranh 07 năm giữa Anh và Pháp các phần thuộc địa Anh đă xâm lăng Nước Tân Pháp quốc. Tới 1656 nhân cuộc chiến tranh 07 năm chính thức khai mở tại Âu châu, quân đội thuộc địa Anh đă chính thức đánh lên miền Bắc và sau trận Abraham vùng Quebec hiện nay ,quân Anh đă thắng lớn và dù cả hai tư lệnh Wolfe bên quân Anh và Montcalm bên phiá Pháp đều tử trận Quân Anh dứt điểm tại Montreal năm 1960 và Thống đốc Vaudreuil đă đầu hàng và vùng Tân Pháp quốc ( Nouvelle France ) nay đặt dưới quyền quân đội Anh .quản trị
Tân Pháp Quốc vào tay Anh Quốc.
Qua Hiệp ước Paris 1673 kư cùng một lúc khi Pháp thua nước Anh tại Âu Châu năm 1663 Pháp có hai lưạ chọn, hoặc phải giao cho Anh vùng Tân Pháp Quốc hoặc vùng Les Antilles, nước Pháp đă hy sinh Tân Pháp Quốc và giao cho người Anh phần đất này. Đồng thờ́ Floride cũng được Espagne (Tây ban Nha ) nhường cho Anh và thành thuộc địa nưóc Anh tại miền Tây Mỹ châu. Pháp giữ lại Les Antilles với ư nghĩ vùng này trù phú hơn và đang cung cấp mía đường và gia vị cho Pháp.
Và thế là từ năm 1663 Tân Pháp Quốc mất hẳn và trở thành thuộc địa thứ 14 của Anh tại Mỹ châu và mang tên mới là QUEBEC.
Người Anh sau thời gian quân quản đă cử Thống Đốc James Murray qua cai trị vùng này như các vùng thuộc địa Anh khác,theo luật lệ Anh, bắt dân phải thề trung thành với Nữ Hoàng và dĩ nhiên gập không ít trở ngại khi vùng này từ nay phải tuân theo các phép của đạo Tin lành Nhưng nhớ ơn giáo phẩm Jesuites mở mang học vấn và thành lập bệnh viện ngựi dân Quebec mới chưa thể hội nhập vào đường lối cai trị của người Anh. Người Anh khi đó thấy một số dân Anh tại các thuộc địa thuộc Anh cũng bắt đầu chuyển tới thuộc địa mới để khai thác việc buôn bán lông thú. Các cựu quân nhân Anh cũng được khuyên ở lại nơi này.
Thế nhưng biện pháp mới này mang lại ít kết quả . Tới 1774 số người Anh tại Quebec mới này chỉ có 5000 so với 100. 000 người gốc Pháp và như vậy người Anh tuy nắm quyền nhưng trên phương diện dân số vẫn là thiểu số.
Và các Thống đốc mới như Carlton đă thay đổi việc cai trị và dung dưỡng phần đất mới này qua bản Quebec Act năm 1774 dành 4 đ́ểm lợi cho dân Pháp: Cho tôn giáo và luật lễ cũ c̣n chỗ đứng, người canadiens gốc Pháp cũng được phép gia nhập Hội đồng lập pháp . Đồng tḥi c̣n mở rộng thêm biên giới tới vùng Ohio.
Trước những biệt lệ rộng răi dành cho đất thuộc địa mới mang tên Quebec, dĩ nhiên chi phí phải nhiều hơn và các thuộc địa Anh tại Mỹ châu nhân dịp này phản đối việc đóng góp thêm và khởi loạn đ̣i tách rời khỏi chính quốc và tuyên bố Độc lập.
Quân đội Anh được gửi qua dẹp loạn nhưng thất bại. Một phần rút về chính quốc nhưng một số mang tên Loyaliste (Trung thành với nhà vua ) rút qua Quebec và như vậy làmthay đổi cuộc sống của người gốc Pháp vừa làm quen với chế độ mới nay phải lănh thêm số 40.000 người Loyaliste mới tới và những người này không chịu theo lối sống của người Quebec vừa được hưởng quyền đặc biệt của Quebec Act. Số người Loyaliste nhất định chỉ tuân theo các luật lệ hoàn toàn Anh quốc. Họ một phần là quân nhân tới từ chính quốc, nhưng một phần không nhỏ chính là lớp người trước đây đang sống huy hoàng tại các thuôc địa cũ của người Anh trên đất Mỹ nay khi Mỹ tuyên bố độc lập , họ muốn chọn vùng Quebec để c̣n có cơ hội sống dưới chế độ Anh như trước. Những người này bảo thủ nhất và chọn sinh sống phần lớn tại phần thuộc địa hướng Đại Tây dương, phần khác dồn về các khu Montreal và về phiá Tây địa danh này…Trước t́nh trạng này chính quyền thuộc địa ban đầu hướng họ qua đường Tây tiến. Họ thành lập các tỉnh Brockville, Kingston, Toronto, Hamilton và tới Windsor.
Canada Thượng và Canada Hạ (Haut et Bas Canada )
Tới 1776 Tuyên ngôn Hoa kỳ độc lập và chiến tranh chống chính quốc kéo dài tới 7 năm và năm 1783 sau hiệp ước kư kết tại Paris, Hoa kỳ độc lập ấn định biên giới mới giữa Hoa kỳ và Quebec và do đó cũng gây ảnh hưởng cho Quebec mới sau 20 năm thuộc về Anh quốc.
Phần đất phiá nam Đại Hồ và phần Trung Mỹ theo thỏa hiệp biên giới nay thuộc về Hoa kỳ kh́ến Canada gặp khó khăn, và các nhà khai thác vùng này phải hướng xa hơn về miền Tây, trong khi tại Montreal các doanh thương thành lập Công ty Tây Bắc ( Cie Nord Ouest ) nhằm khai thác hướng qua Thái b́nh dương. Trong cuộc khai thác mới này các nhà buôn gốc Pháp dần dần mất ảnh hưởng v́ kém vốn trong khi đó doanh thương gốc Anh có thể có tín dụng do chính quốc cung ứng. Và giới tư sản từ nay gốc Anh thành đa số. Hơn thế nữa nhóm Loyaliste bảo thủ vẫn không chịu phục ṭng Quebec Act và đ̣i thành lập một cơ quan dân cử thay chinh quyền thuộc điạ.
Trước các khó khăn chánh phủ Anh năm 1791 quyết định chia Quebec ra hai phần Haut Canada và Bas Canada ranh giới bằng con sông Outaouis chảy ra cửa sông St Laurent.và hai phần này có chính quyền riêng rẽ đồng thời lập thêm các vùng Nouvelle Ecosse, Nouveau Brunswick và đảo Cap Breton để nhóm Loyaliste khai thác
T́nh trạng hai phần Quebec Haut Canada và Bas Canada cũng gây nhiều tranh chấp và chúng tôi chỉ xin ghi lại vài nét chính
Tại Haut Canada các dân thường bị nhóm mang tên Family Compact thân chính quyền thao túng khiến nhóm khác thành lập đảng cải cách Parti Reform chống đối nhưng nhóm này thất bại và các đảng viên phải trốn qua Hoa kỳ hoặc tới Úc Châu.
Tại Bas Canada cũng xảy ra biến loạn v́ tuy người Anh thiểu số nhưng Thống Đốc cũng như những cố vấn do Thống đốc ủng hộ nhóm mang tên Château Clique nên luôn luôn vi phạm quyền của Lập pháp và tự ư đưa ra những biện pháp gây lợi cho nhóm này khiến dân gốc Pháp thành lập đảng Parti Canadien sau đổi thành Parti Patriote và do Papineau và Jean Robert Nelson lănh đạo chống lại. Bạo động nổi lên và chính phủ Anh mang quân từ Haut Canada qua dẹp và pháo kích vào nhà thờ. Papineau trốn qua Hoa kỳ và B.S Jean Olivier Chenier và 70 đảng viên bị sát hại, và 12 đảng v́ên bị sử giảo treo cổ. Tuy nhiên sau đó Robert Nelson tập hợp lại những người khởi loạn, tuyên bố Bas Canada đôc lập nhưng bị dẹp tan ngay.
Thêm vào đó nạn thất mùa tại Bas Canada do một thứ muỗi ăn hại lúa kèm theo tật bệnh nhất là bệnh tả gây nên phần v́ Bas Canada nhận thêm hơn 25 ngàn dân di trú mới và hệ thống y tế vệ sinh c̣n quá sơ khai.
T́nh h́nh hai phần Canada Thượng và Hạ bất ổn nên nhóm cải cách tại Canada Thượng sau khi thắng phiếu năm 1835 đă cùng nhóm cải cách Canada Hạ đề nghị thống nhất hai miền mong mang lại an lạc hơn
Từ Liên Minh Bán thuộc địa rồi Liên Bang
Trước những biến động của hai phần Haut và Bas Canada Anh quốc cử Durham qua để giải quyết t́nh trạng và ông đề xuất giải pháp tập hợp hai phần lại thành môt xứ có chung một cơ quan quản trị và lập pháp thống nhất mang tên Liên Minh Canada từ 1840. Nhưng cuộc thống nhất này lại không được cả người gốc Pháp và gốc Anh chấp thuận và do đó gây ra các cuộc biến động kèm theo nguyên nhân tranh chấp giữa hai sắc dân và lư do chính trị.
Tuy Durham đề nghị thành lập một chính phủ « Trách nhiệm « và môt Nghị Viện dựa theo dân số và tin rắng dù Bas Canada lúc này dân số trội hơn Haut Canda nhưng người gốc Anh tại Bas Canada cũ sẽ hợp tác với người toàn gốc Anh tại Haut Canada ra ứng cử và khi trúng cử sẽ ch́ếm đa số trong Nghị viện. Chính phủ tương lai vẫn giữ nguyên quyền cử các cố vấn và Anh ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức
Truớc t́nh trạng này ta nhận thấy tuy dân số cao hơn nhưng người gốc Pháp vẫn thua thiệt. Mặt khác việc di dân Anh qua thuộc địa được khuyến khích tích cực.
Tuy nhiên ngoài yếu tố chính trị về nhân số yếu tố kinh tế cũng khiến t́nh trạng liên minh này không mang lại kết quả. Từ trước chính sách « Thương vụ đặc lợi” độc quyền là đầu tầu của kinh tế Anh quốc và dành cho hàng hoá tới từ thuộc địa Mỹ một thuế suất ưu đăi nhẹ hơn các thuế quan đánh vào các hàng từ các nước khác và các hàng hoá này vẫn do Anh quốc độc quyền quyết đoán. Nhưng sau thời gian kinh tế Anh kém phồn thịnh, các chính trị gia Anh nghĩ rằng cần « Mậu dịch tự do « mới cứu văn t́nh thế và áp dụng chín sách này với các nước lân bang. Hàng từ thuộc địa từ nay không c̣n hưởng thuế suất đăc biệt như trước nên hàng hoá không bán được tại chính quốc v́ phí tổn chuyên chở quá cao không có mức lời.
Trước t́nh thế đó Chính phủ thuộc địa và các vị dân cừ t́m phuơng thức giải quyết và cố t́m cách ra thoát t́nh trạng độc tôn thương mại của người Anh và họ có quyền tự do buôn bán với các nước khác. Thống đốc Elgin cũng đổi đường lối cai trị, ông tôn trọng ư kiến của các dân biếu và ân xá những ngựi liên hệ tới vụ khởi loạn tại Bas Canada trước đây, khiến một số người gốc Anh bất măn nhưng vô hiệu và như vậy chính phủ thuộc địa Elgin mới thực sự thành « Chính phủ Trách nhiệm » lắng nghe ḷng dân.
Họ bắt đầu mở mậu dịch tự do với Hoa kỳ v́ gần hơn nên chuyên chở bớt tốn kém và nhờ đó hàng hóa tiêu thụ dễ dàng hơn.
Mặt khác dân số gốc Anh và nhất là Irlandais tránh nạn đói qua nước thuộc địa này càng ngày càng đông tuy nhiên người gốc Pháp vẫn đa số.
Để giải quyết, nông nghiệp phải cải tiến và các nghề mới phải thành lập và việc khai thái Gỗ và việc Kỹ nghệ hoá ra đời.
Trước sự thản nhiên như bỏ mặc của Chính quốc, ngoài việc Mậu dịch tự do với Hoa kỳ ban đầu khả quan nhưng sau nội chiến giữa nhóm Bắc và Nam Hoa kỳ, thoả hiệp này đơn phương bị Hoa kỳ hủy bỏ năm 1866, nhóm cái cách lúc này chiếm đa số trong nghị viện đă nghĩ tới phát triển và hợp tác với phần thuộc địa miền Đông và họ liên lạc với vùng Duyên hải tuy vùng này với dân số 800.000 chưa đáp ứng nổi thiệt hại khi Hoa kỳ bỏ tự do mậu dịch. Dầu vậy vùng duyên hải khi hợp tác cùng vùng Antilles cũng khiến thuộc địa tại Mỹ xuất cảng các sản phẩm nông nghiệp như luá ḿ, beurre, mỡ, fromage cùng các sản phẩm do kỹ nghệ tạo thành nhiều nhất là giầy dép, đinh, và các dụng cụ thông thường. Các tỉnh vùng duyên hải cũng nhận hợp tác với phần Canada và nhờ đó nền kinh tế thuộc địa văn hồi. Nhưng muốn phát triển thêm phải cần phương tiện giao thông chuyên chở và tư tưởng thiết lập đường hoả xa ra đời.
Hiến ước 1867 Liên bang Canada
Trước các nhu cầu phát triển nhà cầm quyền Anh quốc muốn thành lập từ lâu một chính thể Liên hiệp bán thuộc địa tập hợp các thuộc địa Mỹ châu thành một mối do một Chính phủ Liên bang duy nhất và ngay lập tức được vùng Haut Canada ủng hộ nhưng Bas Canada và các thuộc địa miền duyên hải chưa chấp nhận v́ Bas Canada đông dân gốc Pháp không muốn bị đa số dân gốc Anh chi phối khi chỉ có chính phủ liên bang duy nhất. Họ đ̣i hỏi có một chính phủ địa phương để bảo vệ thiểu số gốc Pháp khi gia nhập Liên bang Bốn tỉnh (nay mang danh Ontario, Quebec, New Brunwich, Nova Scotia). Sau này P.E.I. (Prince Edward Island ) nợ nhiều nên xin gia nhập và thành tỉnh thứ năm của liên minh. Lúc này Brish Columbia chưa gia nhập.
Từ nay tuy nước Anh c̣n hiện diện qua vị Toàn quyền nhưng phần c̣n có tên mới là Dominion (bán thuộc địa) đă có Thủ tướng và Chánh phủ qua hai cấp Liên bang cho cả phần thuộc địa nhưng tại mỗi Tỉnh từ nay cũng có chánh quyền cấp Tỉnh quản trị theo chế độ Đại nghị, có Viện Lập pháp và Tư pháp riêng.
Sau vài lần cải thiện Quebec bắt đầu có vị trí quan trọng tuy vẫn c̣n trong Liên minh nhưng người gốc Pháp có thêm nhiều quyền lợi hơn trước.
Một khi đă tạm ổn định, hoả xa về miền Tây được giao cho Công ty tư nhân C.P phụ trách v́ chánh phủ liên bang phải chú ư tới miền đất mới vô cùng quan trọng mà nước Hoa kỳ phiá Nam đang nḥm ngó. Hoa kỳ vừa mua được Alaska của Nga và muốn thôn tính luôn phần đất này. Phần đất này trước đây thuộc thẩm quyền cuả Công ty La Baie Hudson và chánh quyền Liên Bang đă mua lại không hỏi ư kiến các thổ dân và người Métis (Canadien lai) đang cư ngụ.
Louis Riel thủ lănh nhóm này phản đối và thỏa thuận thành lập tỉnh Manitoba năm 1870.Năm sau Liên minh lại thỏa thuận với British Colombia với điều kiện phải hoàn thành đường Hỏa xa xuyên Đông Tây trong ṿng 10 năm. Về phiá duyên hải P.E.I. v́ nợ nhiều tự ư xin gia nhập Liên minh và chỉ c̣n New Founland chưa gia nhập.
Như vậy tới 1880 Canada đă thụ đắc phần đất rộng lớn thuộc địa cũ của Anh từ Đại Tây dương qua Thái b́nh Dương ngoại trừ New Founland.
Để phát triển kinh tế Hoả xa cần phát triển và như trên đă kể Công ty Canadien Pacifique (C.P ) được chọn lưạ. để thành lập đường từ Đại Tây dương qua Thái B́nh dương.
Tạo dựng miền Tây.
Con đựng Hoả xa xuyên qua lục địa từ Đại Tây dương qua Thái B́nh dương thành lập nhưng khối lănh thổ miền tây Ontario phải tăng trưởng dân số mới mong khai thác và các chính phủ từ Anh quốc tới Liên hiệp thuộc địa phải nghĩ tới mang nhiều người di dân tới khu vực rộng lớn vừa thụ đắc mua lại của Công ty Baie Hudson.
Năm 1905 hai tỉnh mới Saskatchewan và Alberta được thành lập nhờ chính sách khuyến khích di dân . Họ được chia tùy tiện rất nhiều đất và vùng mang danh Prairie đă trở thành vựa luá không những đủ nuôi dân trong Canada mà c̣n xuất cảng rộng răi. Tuy nhiên c̣n gập trở ngại: Người Metis ( lai ) và thổ dân nổi dậy. Louis Riel bị xử giảo và người Metis và thổ dân bị đẳy lui về vùng xa hơn hoặc bị dồn vào khu riêng biệt.
Tuy nhiên để bảo vệ hàng hoá Canada chính phủ đánh thuế nặng các hàng nhập cảng tới 35%. Chính sách này tuy có hiệu quả giúp kỹ nghệ phát triển nhưng trái lại khiến người tiêu dùng hàng ngoại phải trả giá đắt hơn.
Một yếu tố khác không kém quan trọng, trong khi người di dân gốc Anh tăng gia rất mau, số người gốc Pháp không tới Quebec và dân số Quebec tăng trưởng qua mức sinh sản cao tới 50/1000 nhưng số tử vong cũng cao không kém Tử vong suất toàn dân luôn luôn tới 23/1000. Và tử vong trẻ em cao kinh khủng 150/1000
Tham dự Thế chiến
Sau khi đă tạm yên tới sự ra đời cûa Liên Bang Canada thay thế Liên Minh thuộc địa và trải qua nhiều thảo thuận rồi thoả thuận th́ chiến tranh 1914 phát khởi,
Viêc tham gia các cuộc chiến bảo vệ đế quốc Anh đă làm hai phe gốc Anh và gốc inhững người gốc Anh ủng hộ ngay nhưng người gốc Pháp c̣n lưỡng lự nhưng sau khi Thủ tướng tỉnh Quebec lănh tụ nhóm Quốc gia (Nationaliste) đồng ư v́ cho rằng phải tham chiến để bảo vệ không những Đế quốc Anh mà c̣n phải bảo vệ nước Pháp ngày xưa đă có công mở ra đất Nouvelle France.
Việc gia nhập Thế chiến có lợi ngay v́ khi tuyển binh t́nh nguyện ban đầu, số đông gia nhập khiến số người thất nghiệp giảm bớt. Đồng thời phải lo việc hậu cần cho tất cả v́ vậy khu vực chế tạo mở rộng nhằm cung ứng nào là binh phục nào là cung cấp lương thực cho quân đội v́ vậy tuy đôi khi nhu cầu beurre và bacon cho bính lính quá cao khiến dân chúng phải giảm bớt khẩu phần nhưng các doanh thương trong khu vực chế tạo mỗi ngày một giàu.
Tuy nhiên việc tuyển binh t́nh nguyện ngày càng khó và năm 1917 viêc động viên phải ban hành và gặp ngay số dân gốc Pháp chống đối, nhưng cũng bị dẹp yên
T́nh trạng hậu chiến
Sau chiến trận, Canada được tham dự hoà ước Versailles và trở thành Độc lập trên thực tế v́ trở thành thành viên chính thức của Hội Quốc liên (Société des Nations”
Tuy nhiên binh lính khi trở về cũng kém sức khoẻ v́ chiến đấu trong hầm hố kém vệ sinh và c̣n bị hơi ngạt hoá học của Đức gây ra thương tổn.
Tuy nhiên thời gian ngay sau chiến tranh kinh tế Canada vẩn c̣n phồn thịnh nhưng tới năm 1929 v́ cùng chiụ ảnh hưởng của việc thị trường chứng khoán suy sụp Canada cũng lâm vào tính trạng suy thoái.
Và cũng như Hoa kỳ việc khủng hoảng kinh tế sau khi này được giải quyết qua chính sách can thiệp (new deal tới năm 1936 t́nh trạng khả quan hơn.
Tuy nhiên tuy Canada đă kư riêng rẽ các thoả ước và là thành viên của hội Quốc Liên nhưng người Anh vẫn chưa công nhận thực trạng. Thủ tướng Liên Bang Mac Kenzie King cử Bộ trưởng Ngoại giao Kelton cùng Phụ tá Thủ tướng Tỉnh bang Canada tranh đấu và tới kỳ họp mang danh ODL (Conference on the operation of Dominion legislation vô cùng gay go, sau cùng năm 1931 Anh công nhận Canada Độc lập và bản Hiến ước năm 1867 được coi như Hiến pháp của Canada và ngày 1 Juillet 1931 nưóc Canada Độc lập ra đời.
Canada lại lâm vào cuộc Thế chiến thứ hai.
Lần này cuộc chiến lan rộng toàn cầu và mang lại cho Canada nhiều hậu quả mới.
Ngay những ngày đầu Chánh phủ trung ương đă tập trung quyền hạn cả từ hành chánh tới lợi tức và đă trở thành Tập quyền trong thời gia chiến tranh.
Năm 1940 các tỉnh đă thoả thuận sửa đổi hiến pháp và dành cho Chánh phủ Liên Bang trách nhiệm phân chia Phụ cấp thất nghiệp.
Tới 1942 các sắc thuế đều do Chánh quyền Trung ương thâu nhận và phân phát lại cho Tỉnh bang theo nhu cầu Chánh quyền cũng đă sửa soạn nhiều biện pháp hậu chiến nhằm ngăn ngưà mọi rối loạn khi chiến tranh chấm dứt và chương tŕnh “Bảo hiểm Y tế “ra đời cùng với “tiền phụ cấp cao niên” và phụ cấp dành cho trẻ em.
Và như vậy bắt đầu ra đời tinh thần “Một nhà nước phúc lợi “
Đồng thời trước việc v́ thanh niên nhập ngũ, phụ nữ cũng được tuyển dụng nên cũng có sẵn chương tŕnh hậu chiến dành cho phụ nữ ngoài việc cho phép phụ nữ từ nay có quyền bầu cử.
Vị trí tỉnh bang Quebec trong Liên bang
Sau hai cuộc Thế chiến và hậu quả mang lại một nước Canada độc lập theo chế độ Đại nghị và phân quyền giữa Chánh phủ Liên Bang phụ trách Ngoại giao, Quốc pḥng Kinh tế Tài chánh Giao thông và trao cho Chánh phủ các Tỉnh bang Giáo dục , Y Tế và môt số quyền nhằm bảo vệ quyền dân. Đặc biệt Tỉnh bang Quebec có thể thu thuế lợi tức cá nhân riêng biệt và thuế Liên bang được giảm bớt cho phù hợp với thuế do Quebec thu nhập. Từ đó Canada mang tên “Nhà nước mang Phúc lợi cho dân”, bảo đảm quyền lợi trẻ em, phụ cấp cho người cao niên và Y tế miễn phí và trở nên Thiên đường khiến nhân dân trên nhiều nước từ Âu qua Á và Phi t́m đường di dân qua vùng đất lạnh t́nh
nồng này. Quebec với qui chế đặc biệt cũng chưa chịu yên vị và đ̣i hỏi thêm nhiều quyền lợi hơn Vài cuộc xáo trộn xảy ra trong các thời gian sau này.
Chúng tôi sẽ nhắc tới trong các chương sau.