Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Wikipedia trên internet là một hình thức tham khảo hết sức tiện lợi và hữu hiệu. Phần ngoại ngữ viết bằng các tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức rất đầy đủ và đáng tin, nhất là những phần thuộc các lĩnh vực khoa học, văn hoá, lịch sử, chính trị. Sử dụng Wikipedia ngay trên màn ảnh máy điện toán, không cần phải đi đâu hết, chẳng phải mang những cuốn sách dày cộp của các bộ bách khoa từ điển Encyclopedia Britannica, Larousse Universel hay Brockhaus, thật là bội phần thoải mái. Nhưng phần Wikipedia tiếng Việt thì thỉnh thoảng có những thiếu sót hay sai lầm.
Cố tình chối tội
Sai lầm có thể mang màu sắc chính trị. Đó là trường hợp liên quan đến Ông Nguyễn Mạnh Tường. Trước đây, tôi tố cáo ông Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã phạm trọng tội đối với dân tộc và tổ quốc khi hô hào cổ vũ Miền Bắc tiến hành chiến tranh xâm lược Miền Nam trong bài viết “Ông Việt cộng Nguyễn Mạnh Tường“.
Trong cuốn tự truyện viết bằng tiếng Pháp Un Excommunié, Hanoi 1954-1991: Procès d‘un intellectuel (Kẻ bị mất phép thông công, Hà nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức), do Quê Mẹ xuất bản năm 1992 tại Paris và căn cứ vào bản dịch của Nguyễn Quốc Vĩ, chúng ta được biết luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lợi dụng diễn đàn của Hội Luật gia Dân chủ ở Bruxelles, Bỉ, vào tháng Năm năm 1956, để một mặt, xúc phạm chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, mặt khác, vu cáo chế độ quốc gia.
Ông Tường cho rằng chính quyền Miền Nam đã gây ra cảnh chia đôi đất nước, tạo nên nỗi đau đứt ruột cho nhiều gia đình bị phân ly. Ông kết án chế độ quốc gia đã cho tàu tuần cao tốc bắn chết những người ưa chuộng tự do tìm cách vượt sông Bến Hải để mong đặt chân vào thiên đường xã hội chủ nghĩa. Ông tố cáo nền công lý tự do dân chủ đã sử dụng máy chém hành hình hàng loạt những công dân vô tội đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Và ông vận dụng tài năng hùng biện nhằm công khai cổ xuý chiến tranh Nam-Bắc, ông lớn tiếng hô hào xâm lược Việt Nam Cộng Hoà.
Chẳng bao lâu sau khi tôi vạch trần tội ác của ông Nguyễn Mạnh Tường, những người phụ trách Wikipedia tiếng Việt vội vàng xóa bỏ phần Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Bảo vệ Hoà bình ở Bruxelles, Bỉ, vào tháng Năm năm 1956. Họ chỉ còn ghi nhận rằng Ông Nguyễn Mạnh Tường đã hai lần tham dự các hội nghị quốc tế vào cùng năm 1952; lần thứ nhất ở Bắc kinh (Hội nghị Bảo vệ Hoà bình Châu Á-Thái Bình Dương) và lần thứ hai, ba tháng sau, ở Vienne (Đại hội Hoà bình Thế giới).
Wikipedia tiếng Việt - rõ ràng là do những người cộng sản hay thân cộng trình bày - đã thấy rõ tội ác ông Nguyễn Mạnh Tường trót phạm đối với tổ quốc và dân tộc tại Hội nghị Luật gia Dân chủ Bruxelles khi ông cổ vũ chiến tranh xâm lăng Miền Nam, từ đó Wikipedia Việt ngữ đã phản ứng bằng cách xoá bỏ phần tường thuật về vụ Ông Nguyễn Mạnh Tường tham dự Hội nghị Hoà bình Bruxelles ở Bỉ.
Viết về Trường Quốc học Huế
Wikipedia phần Anh ngữ, chuyên mục “Quốc Học-Huế High School for the Gifted“ ghi ở phần History như sau: “On 19 December 1946, during the confrontation against French Colonialists, the school was moved into two places: One branch called “Binh Tri Thien School” was located in Huong Khe, Hà Tĩnh province, and the other branch called “Huynh Thuc Khang School”, was located in Đức Thọ, Hà Tĩnh Province. The branch came back to Huế after ten years of disruption, and was conquered by French Colonialists as a barrack on April 29, 1955.
Đọc câu văn chót của đoạn văn này tôi không biết tác giả hay các tác giả muốn kể những điều gì khi họ dùng thể văn trần thuật để trình bày lịch sử Trường Quốc học Huế: họ bảo sau mười năm gián đoạn, Trường Quốc học di tản trở lại Huế ngày 29.04.1955 và bị thực dân Pháp chiếm đóng như một trại lính.
Wikipedia Pháp ngữ viết tương đối chính xác hơn, tuy rằng viết tiếng Pháp có phần loạng quạng: “L'école Quốc Học de Huế. (…) La partie restante (qui restait à Huế) fut interrompue dans son fonctionnement après dix ans, les Francais ayant pris l'école comme la caserne. Le 29/4/1955, l'école recouvra son fonctionnement normal, qu'elle continua jusqu'aujourd'hui. “Lẽ ra phải viết: “Les Francais ayant employé l‘école comme une caserne“ và “qu‘elle continue jusqu‘aujourdhui”.
Xưởng đẻ Từ Dũ
Mới đây trên internet xuất hiện bài viết của tác giả Dân Việt nhan đề Đụng độ ngôn ngữ. Bài viết khá dài và đứng đắn mực thước, có tình có lý. Tác giả trình bày những điều vô lý, lố lăng do chế độ cộng sản gây ra cho ngôn ngữ Việt Nam. Đọc hết toàn bài, tôi đặc biệt chú ý tới câu: “Và tệ hại hơn nữa, vào năm 1978, họ đổi bảo sanh viện Từ Dũ ở Sàigòn thành “xưởng đẻ Từ Dũ”.
Tôi ngạc nhiên vì chưa hề sống qua tình huống này. Đầu tháng Năm năm 1978 tôi chính thức phải làm việc với "cách mạng" (nếu không thì không có hộ khẩu). Lối giữa năm 1983 tôi được cho nghỉ việc để lập hồ sơ xuất ngoại. Trong những năm tháng đó (1978-1983), tôi dạy Giải Phẫu Sinh Lý cho khoá nữ hộ sinh mà khu nội trú nằm trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ, như thời Việt Nam Cộng Hoà.
Giảng đường cũng ở trong khu vực Bệnh viện. Tôi dắt xe đạp đi ra đi vào cổng chính của Bệnh viện không biết bao nhiêu lần nhưng nhớ là không hề thấy tấm bảng nào treo trên cổng chính với tên gọi “Xưởng đẻ“. Cổng này đối diện với tư gia Giám đốc Bệnh viện, thuở Giáo sư Trần Đình Đệ làm Giám đốc (trước 75), tôi hay đến nhà Giáo sư để gặp anh Trần Đình Chương, em ruột Giáo sư, học cùng khoá Y khoa với tôi.
Nhìn chung, quang cảnh khu ra vào chính của nhà thương trong các năm đó không có thay đổi nhiều và vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi đọc trên Wikipedia cũng như trên WikiWand câu sau đây: “Đến 1978, chính quyền Việt Nam thực hiện việc hạn chế sử dụng từ ngữ có nguồn gốc Hán Việt nên đã đổi tên Bệnh viện Bảo sanh Từ Dũ thành Xưởng đẻ Từ Dũ. Đến ngày 8 tháng 4 năm 2004, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Từ Dũ với tổng số giường là 1.000 giường.
“Như vậy, Wikipedia (và WikiWand) khẳng định là trong hai mươi sáu năm ròng rã (1978-2004), bệnh viện sản phụ khoa Từ Dũ thời Việt Nam Cộng Hoà được “cách mạng” đổi tên thành “Xưởng đẻ”! Nếu điều này đúng sự thực thì tại sao số người tận mắt trông thấy, đích thân đọc được bốn chữ “Xưởng đẻ Từ Dũ“ không nhiều?
Tại Sài Gòn có hai bảo sanh viện là Bảo sanh viện Từ Dũ ở đường Cống Quỳnh và Bảo sanh viện Hùng Vương trên đường Hùng Vương. Nếu chủ trương thoát ly ảnh hưởng văn hoá của kẻ thù phương Bắc qua hạn chế sử dụng các từ ngữ Hán-Việt (chủ trương này có thật) thì tại sao chỉ một mình Bảo sanh viện Từ Dũ bị đổi tên? Tại sao không ai thấy hay nghe nói là Bảo sanh viện Hùng Vương mang tên mới là Xưởng đẻ Hùng Vương? Xưởng là một cơ sở sản xuất hay sửa chữa công nghiệp hoặc thủ công nghiệp có qui mô nhỏ hơn xí nghiệp. Tại sao lại dùng chữ xưởng để chỉ một cơ sở y khoa? Đã gọi là nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán thì tại sao không gọi là nhà sanh Từ Dũ?
Tôi tìm cách hỏi thêm các nam nữ đồng nghiệp đàn em ra trường sau tôi và hiện đang hành nghề ở khắp nơi. Bác sĩ Nguyễn Tân Vinh, hiện ở Hoa Kỳ, cho biết năm 1977, Anh học năm thứ tư Y khoa và đi thực tập sản tại Bệnh viện Từ Dũ, tại đây Anh có thấy một tấm bảng nhỏ nền xanh viết chữ trắng với cái tên “Xưởng đẻ Từ Dũ”, nhưng tấm bảng này không treo trên cửa ra vào chính của nhà thương mà treo cạnh nhà để xe của nhân viên hay cạnh căng tin, lâu ngày quá anh không còn nhớ rõ nữa.
Bà Trương Kim Yến, cựu sinh viên y khoa Sài Gòn, qua Diễn đàn lớp Y khoa 1966-1973, kể rằng vào năm 1977, một hôm đi xe buýt trên đường Cống Quỳnh, Chị bỗng nghe hành khách trong xe ồ lên bàn tán xôn xao. Theo tay họ chỉ, Chị thấy tấm bảng treo trên cổng ra vào của Bệnh viện mang tên mới: “Xưởng đẻ Từ Dũ”. Điều này cũng được phu nhân Bác sĩ Lê Văn Thu, hiện ở Hoa Kỳ, xác nhận khi chị chạy xe gắn máy ngang qua bệnh viện cùng năm. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau thì tấm bảng bị gỡ bỏ.
Tóm lại quả có một thời gian - ngắn thôi, theo các nhân chứng và dài đến 26 năm, theo Wikipedia tiếng Việt - Bệnh viện Sản Phụ khoa Từ Dũ được mang tên gọi tiến bộ là “Xưởng đẻ Từ Dũ”.
Ngoài ra, nhìn chung Wikipedia tiếng Việt quả có giúp nhiều cho việc sưu tầm tài liệu, tìm thêm kiến thức, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những hạn chế. Tình trạng này khiến độ khả tín của Wikipedia Việt ngữ có phần nào thấp hơn Wikipedia Pháp ngữ, Anh ngữ hay Đức ngữ.
13.2.2019
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019