Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Giáo Sư, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn. (Hình: Phạm Gia Cổn cung cấp) |
|
|
Nhạc sĩ Mạc Vũ - Phạm Gia Cổn. (Hình: Phạm Gia Cổn cung cấp) |
|
|
Nha Sĩ Lý Văn Quý. (Hình: Lý Văn Quý cung cấp) |
|
|
Nha Sĩ Lý Văn Quý trong lễ mãn khóa trường Quân Y. (Hình: Lý Văn Quý cung cấp) |
|
WESTMINSTER, California (NV) - Bốn mươi bốn năm sau cuộc chiến Quốc-Cộng khốc liệt, những người chiến sĩ VNCH năm xưa hầu hết đã nghỉ ngơi, chấm dứt quãng thời gian đầy biến động để vui hưởng cảnh an nhàn. Thế nhưng vẫn có nhiều người “chưa chịu về hưu.”
Điều lạ là nghề nghiệp của họ vốn đòi hỏi những nỗ lực không mệt mỏi, sự chính xác, tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao. Đó là những y bác sĩ từng phục vụ trong quân đội hay ngắn gọn hơn là những y sĩ quân y.
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với Giáo Sư, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, một người khá quen thuộc đối với cộng đồng người Việt tại vùng Nam California, và Nha Sĩ Lý Văn Quý, cũng là một người được nhiều đồng hương biết đến.
Phạm Gia Cổn làm bác sĩ ở Mỹ vì “tự ái dân tộc”
Tầm 7 giờ sáng, trong khi nhiều người chưa ra khỏi giường ngủ, thì Bác Sĩ Phạm Gia Cổn đã mở cửa lớp thể dục Khí Công Hoàng Hạc tại trung tâm Lạc Hồng, thuộc thành phố Westminster.
Suốt 13 năm, từ lúc sáng lập đến nay, cuộc sống và niềm vui của ông có lẽ gắn liền với môn khí công này.
Tại đây ông tận tụy chỉ dẫn miễn phí cho mọi đồng hương phương cách để giữ gìn sức khỏe, tái lập và củng cố sự quân bình âm dương trong cơ thể, mang lại cho người tập một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, khiến gia tăng niềm an lạc, hoàn chỉnh nhân cách và một đời sống tốt đẹp hơn.
Bác Sĩ Cổn ít muốn nói về cá nhân cũng như những năm tháng hào hùng, phục vụ trong quân đội với tư cách bác sĩ quân y thuộc binh chủng Nhảy Dù. Với ông, mọi thứ đã qua.
Có may mắn là đến Mỹ ngay từ năm 1975, nhưng tại Hoa Kỳ lúc đó chưa có một cộng đồng người Việt mạnh mẽ như ngày nay, Bác Sĩ Cổn phải bắt đầu lại từ đầu, vừa lo sinh kế, vừa trau dồi Anh ngữ, giữa một xã hội hoàn toàn khác biệt với Việt Nam về mọi lãnh vực. Ông được một bác sĩ Mỹ đón qua Florida, nhưng chỉ ở được vài tuần, rồi vì bực mình do bị kỳ thị, ông quyết định tách ra, làm y công từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng cho một bệnh viện được vài tháng.
Sau đó ông tham gia vào khóa học của Hiệp Hội Bác Sĩ Hoa Kỳ AMA (American Medical Association) tại Miami, Florida, để đi tiếp con đường học hành, ông phải thi lấy bằng ECFMG (The Educational Commission for Foreign Medical Graduates) cho người “ngoại quốc” tạm gọi là để “tương đương với bác sĩ Hoa Kỳ.”
Học xong, ông rời Florida đến một thành phố nhỏ tại Georgia. Chưa biết bắt đầu nghề nghiệp cách nào, ông xin vào một nhà hàng của người Tàu làm phụ bếp. Sau khi biết đã vượt qua kỳ thi ông qua Houston, Texas, để có thể lấy bằng tiếng Anh dễ dàng hơn. Thời gian này ông kiếm được việc cao hơn một chút, là làm “technician” về lọc thận. Sau khi có bằng tiếng Anh, ông chuyển đến Chicago, vào nhà thương làm bác sĩ nội trú một năm, rồi tiếp tục làm bác sĩ thường trú.
Qua lại Florida, ông quyết tâm phải lấy bằng bác sĩ chuyên khoa với mức tối đa và đã đạt được kết quả là trở thành một bác sĩ chuyên khoa gây mê. Bác Sĩ Phạm Gia Cổn kể, sở dĩ ông quyết tâm như vậy chính là để người Mỹ khỏi coi thường và kỳ thị người Việt.
Với những thành tích sáng giá đó, nhiều đại học của Mỹ muốn mời ông về làm việc, giảng dạy. Ông chọn làm giáo sư tại Đại Học UCLA vì là nơi gần gũi và nhiều cơ hội sống chung với cộng đồng Việt Nam. Ông đã mang sở học của mình để giảng dạy suốt 28 năm từ năm 1982 đến năm 2010. Ông cũng từng là chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Không mở phòng mạch khám bệnh, ông còn được xem như một bác sĩ nghèo nhất vùng Little Saigon.
Nghe ông kể một cách sơ lược, tưởng chừng như mọi thứ đến với ông một cách dễ dàng. Nhưng chắc chắn đó là một nỗ lực lớn lao hiếm có người đạt được, ngay cả với người bản xứ. Hỏi thêm về nỗ lực đó, Bác Sĩ Cổn chỉ cười “phương châm của Nhảy Dù là Cố Gắng mà.” Thật bất ngờ! Ngoài lòng “tự ái dân tộc,” phương châm đơn giản của người lính mũ đỏ lại là động lực chính để vị y sĩ quân y VNCH trở thành một giáo sư đại học Hoa Kỳ.
Nhớ về một thời chiến tranh, Bác Sĩ Cổn tâm sự, giữa chiến trường cận kề với bom đạn và cái chết, ông cũng sợ vì không trực tiếp chiến đấu, nhưng quên cả sợ khi làm nhiệm vụ và hết mình với trách nhiệm của một bác sĩ quân y, để kịp thời cứu chữa cho những người lính bị thương tích khi xung trận. Ngoài ra, nhiệm vụ của một Quân Y Sĩ trong Sư Đoàn Nhảy Dù còn hành quân cùng các Tiểu Đoàn tác chiến, là săn sóc thương bệnh binh, làm Dân Sự Vụ khám bệnh cho thuốc dân chúng trong vùng sau khi đánh đuổi quân địch quân và kiểm soát an ninh, tại hậu cứ thì khám bệnh cho gia đình binh sĩ trại gia binh.
Về Khí Công Hoàng Hạc, nhờ nhiều năm tháng tìm hiểu về môn khí công, từng là chưởng môn võ Thiếu Lâm, võ sư Ðệ Cửu Ðẳng Huyền Ðai Hiệp Khí Ðạo; có sở trường về âm nhạc, ông chơi kèn saxophone, sáng tác nhiều ca khúc phổ từ thơ và cũng là người sáng lập ra ban nhạc Star Band. Ông phối hợp cả y, võ, nhạc vào làm một để những đồng hương cao niên có một phương pháp giữ gìn sức khỏe và mọi lứa tuổi có thể luyện tập thể dục một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Đồng thời đó còn là một sự cống hiến lớn lao cho xã hội.
Năm nay 76 tuổi, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, với phong thái rất trẻ và đầy ắp niềm lạc quan về cuộc sống.
Lý Văn Quý thành danh vẫn không quên “cái nôi” Quân Y
Nha Sĩ Lý Văn Quý tiếp chúng tôi tại tư gia. Chiếm trọn một phòng lớn trong nhà ông là một sân khấu mini với đủ thứ loa, máy móc, nhạc cụ như dành cho một ban nhạc thứ thiệt, còn ở một góc phòng khách là hệ thống máy điện toán với bốn màn hình sát nhau. Nha Sĩ Quý năm nay 68 tuổi, sắp bước vào tuổi thất thập nhưng trông ông “trẻ hơn tuổi” khá nhiều.
Vốn là một cán bộ phụ trách quân nha của trường Quân Y, sau khi ra trường phục vụ hơn bốn năm với tư cách y sĩ nha khoa trong quân đội VNCH, Nha Sĩ Lý Văn Quý cũng như nhiều người khác phải đi “học tập cải tạo” ngay sau Tháng Tư, 1975. Ông qua Mỹ theo diện H.O. từ Tháng Ba, 1991.
Đặt chân đến Mỹ, ông không nghĩ mình có thể tiếp tục hành nghề như một nha sĩ tại đất nước Hoa Kỳ. Lúc đó ông đã sẵn sàng làm một người thợ lao động chân tay cho các hãng xưởng, hoặc chạy bàn cho một tiệm McDonald’s nào đó miễn là có thể sinh sống và lo cho tương lai con cái. Nhưng những bạn bè quân y qua Mỹ trước đó, báo cho ông là tại Mỹ ông có thể thi lại để lấy bằng hành nghề.
Theo ông, nhờ các giảng sư, nhất là Giáo Sư Nguyễn Văn Thơ - cựu khoa trưởng Nha Khoa, cựu bộ trưởng Giáo Dục VNCH - đã vận động với Hiệp Hội Nha Sĩ Hoa Kỳ ADA (American Dental Association) để họ công nhận bằng nha sĩ của VNCH. Sở dĩ được như vậy, là vì thời của Nha Sĩ Quý học tại Sài Gòn, tất cả sinh viên đã được đào tạo theo tiêu chuẩn và giáo trình của Hoa Kỳ, có giáo sư Mỹ qua Sài Gòn giảng dạy. Vào trường, ông còn gặp lại các vị thầy cũ đó tại các trường UCLA, USC, UT (The University of Texas)…
ADA cho phép các nha sĩ Việt Nam mới qua được thi lại để lấy bằng hành nghề, tất nhiên việc thi lại này cũng giống hệt như cuộc thi của các nha sĩ Mỹ. Cũng khởi đi từ “Dental National Board,” Part 1, rồi đến Part 2, sau đó mới thi “State Licence” (bằng hành nghề của tiểu bang). Ngoài ra, đối với người “ngoại quốc” như người Việt, còn phải thi thêm Part 3 trên mẫu, như thế còn khó hơn một sinh viên học tại Mỹ. Có nhiều người đành vào trường để “học lại cho khỏe,” hoặc sẽ học hai năm theo chương trình “Foreign National Program” rồi thi lấy “License.”
Theo ông, nếu muốn đổi đời thì phải cố gắng học để thi đậu. Ông cho biết ông có may mắn là sau ba tháng đến Mỹ ông đã thi đậu Part 1, sáu tháng sau ông đậu tiếp Part 2 và chỉ khoảng một năm ông đã vượt qua cả bốn kỳ thi. Ông cũng may mắn có khoảng thời gian hành nghề lại tại Sài Gòn sau khi ra khỏi trại tù nên tay nghề không bị thui chột. Theo ông, ngoài việc nhờ các thầy cũ vận động, bạn cũ giúp đỡ còn phải ghi nhận rằng do xã hội Mỹ cởi mở và tạo cơ hội ngang nhau cho tất cả mọi người. Nếu có đủ trình độ thì đều có thể hành nghề như nhau.
Với vấn đề trở ngại về ngôn ngữ, Nha Sĩ Quý lại cho rằng do mình may mắn đã được cha ông - một trung tá Nhảy Dù - cho đi học trường Pháp, nên khi đến Mỹ ông không khó khăn lắm khi “chuyển hệ.” Một cách học tiếng Mỹ hiệu quả theo ông là chịu khó coi ti vi, xem thật nhiều phim Mỹ để tập nghe và đến siêu thị bắt chuyện với người Mỹ để luyện diễn đạt và mau chóng hội nhập. Đối với ông, việc hòa nhập không mấy khó khăn.
Một phần quan trọng, theo ông là do từ khi thi tuyển vào trường y vốn đã rất khó, sau đó thi tiếp vào quân y lại là một tầng khác của cuộc tuyển lựa tài năng. Như thế, mỗi một y sĩ quân y đã phải trải qua nhiều lần gạn lọc về khả năng, thêm nữa ở trong môi trường quân đội phải trải qua những kỳ huấn nhục, trải qua những kỷ luật để rèn luyện ý chí, tinh thần. Đó cũng là lý do hầu hết các y sĩ quân y khi qua đến Hoa Kỳ hầu hết đều có thể hành nghề trở lại, và coi như đều thành công tại đây.
Từ năm 1992, Nha Sĩ Quý đã trở lại với nghề, vài năm sau ông đã tự mở phòng mạch riêng và theo ông nhờ có đông đảo đồng hương hỗ trợ, nhất là thời gian các gia đình H.O. qua Mỹ, họ đã đến với ông để được khám chữa. Ông hay nói nhờ may mắn, nhưng rõ ràng nếu không có ý chí vươn lên thì khó có thể gặt hái được kết quả. Từng lấy bằng MBA về thị trường chứng khoán, từng học và kiếm thêm tiền nhờ thiết kế website, đối với ông, sự thành công trước hết là do cố gắng, nỗ lực của bản thân nhưng quan trọng vẫn do Thượng Đế phù trợ, ông khiêm tốn và thật tâm nghĩ vậy.
Hiện tại, phòng mạch của ông vẫn hoạt động toàn thời gian nhưng riêng ông chỉ còn làm bán thời gian. Thời giờ của ông hiện nay còn dành phần lớn cho trang Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y, mà ông là người điều hành như một chủ bút suốt gần sáu năm nay.
Cứ mỗi hai tháng một lần, diễn đàn online đó lại ra một số để thành một nhịp cầu nối những người đã một thời từng là sinh viên quân y, hệ thống máy điện toán đồ sộ ở nhà ông là để phục vụ cho tờ báo online này. Ông cũng viết những bài về chuyên môn nha khoa hoặc đăng tải các bài về y tế thường thức để hướng dẫn, giúp đỡ đồng hương. Diễn đàn online đó còn cập nhật mục Quân Y Nha Dược Sĩ QLVNCH Hy Sinh Trong Cuộc Chiến với nhiều chi tiết về nhân thân, góp phần soi rọi lại các gương hy sinh của người chiến sĩ VNCH.
Ý thức dân tộc của một trí thức, cũng khiến ông góp một phần trong các hoạt động hỗ trợ phong trào dân chủ, nhân quyền trong nước. Được biết ông cùng với ông Nguyễn Hiền là đồng dịch giả tác phẩm “Cưỡi Ngọn Sấm” (Ride the Thunder) của Richard Botkin. Ông còn là đồng sản xuất cho cuốn phim cùng tên, kể về cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam, tái hiện thảm cảnh trong các trại tù “cải tạo” ngày xưa.
Cũng đam mê âm nhạc, Nha Sĩ Lý Văn Quý còn là một tay đàn guitar, một giọng ca bán chuyên nghiệp cho nhóm nhạc…
Có lẽ cũng giống như Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, âm nhạc vừa là môn nghệ thuật không biên giới vừa là nhịp cầu khiến con người dễ gần gũi với nhau, mang những tâm hồn lại gần bên nhau. Họ đang sống đẹp như những bông hoa đang tỏa hương lặng lẽ.
Như trong một bài báo của nhà báo Thanh Thương Hoàng: “Theo sự nhận xét của tôi với sự quen biết lâu năm trong giới y sĩ, tôi thấy các bác sĩ Việt Nam hầu như ông nào cũng có ‘máu’ văn nghệ trong người. Ông thì sáng tác nhạc và ca hát, ông thì viết văn làm thơ hay họa. Có lẽ do nghề nghiệp với tấm lòng cứu nhân độ thế, tình cảm chan chứa với đời, với người, nên ngoài những giờ phút hành nghề, các vị trải lòng mình lên trang giấy hay qua tiếng đàn ca hát góp thêm nguồn vui sống cho đời.”
(Uyên Vũ)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019