Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
 
 
NguyÍn HiŠn
chiec
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019
Chi‰c Xe ñåp Ngày XÜa



Khi tôi bước lên bậc Trung học, ba tôi hứa nếu cuối năm được điểm cao thì ba sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp mới mà tôi được tự chọn. Từ khi biết đạp xe hai bánh cho tới giờ, tôi chỉ đi xe đạp cũ. Những chiếc xe này là của hàng xóm cho, hoặc do ba má tôi mua của những người bán đồ cũ bày trước cửa nhà vào ngày lễ hội Koninginnedag.

Mỗi khi tôi có được chiếc xe “mới” theo kiểu này, thì chiếc cũ được chuyển sang cho con em. Nó còn xấu số hơn tôi, là con gái mà không được đi những chiếc xe màu xanh đọt chuối hay màu hồng, hai màu em tôi ưa thích. Ba má tôi chẳng giàu có gì khi lập nghiệp ở xứ người với hai bàn tay hoàn toàn trắng. Với nghĩa đen, tức là không có một tài sản gì mang theo được. Thêm vào đó, trước kia ba má tôi là công chức chuyên ngồi văn phòng, tìm được việc nhàn hạ lương cao nơi xứ người chỉ là chuyện nằm mơ.

Tôi cũng ráng chăm chỉ học, nhưng tính ham chơi làm sao bỏ dứt được. Cho dù cố gắng, nhưng rốt cuộc tôi chỉ lấy được những điểm “không đến nỗi tệ”. Tuy thế, trong kỳ nghỉ hè năm đó, ba tôi cũng đưa tôi ra tiệm xe đạp lớn nhất trong vùng, và tôi được, lần đầu tiên trong đời, sở hữu chiếc xe mới toanh, khung đen bóng có kẻ chỉ trắng và đỏ, bánh to có gai lởm chởm, với ba số trước năm số sau.

Bảnh hơn ba tôi, ông chỉ đi xe hơi cũ. Ba tôi nói vì ông sợ tôi bị bạn bè chọc là đi xe con nít cho nên mua xe mới cho tôi, chứ đúng ra với thành tích học vấn lôi thôi như thế phải chờ thêm một năm nữa. Rồi một lần nữa, ông nhắc tôi năm tới phải chăm chỉ hơn. Và nhất là đi đâu cũng nhớ phải khóa hai khóa, một khóa vòng gắn sẵn trong xe và một khóa xích móc dính vào cột đèn hay hàng rào.

Cố gắng chăm chỉ hơn thì tôi làm được, nhưng thói quen nhớ phải khóa xe sao khó tập quá. Cho tới nay, tôi đi đâu vất xe đó, những chiếc xe con nít cũ mèm anh em tôi bỏ lăn lóc ngoài đường hay dựng trước cửa cả bao nhiêu năm có sao đâu. Khu xóm tôi ở tuy không vào hạng an toàn lắm, vậy mà kẻ trộm dường như cũng thương trẻ nhỏ, bởi vì thường họ cũng có con, nên họ biết sự đau khổ của con cái.

Trong cả khu xóm, rải rác đây đó những trái banh tróc sơn, xe hơi nhựa trầy trụa, búp bê móp méo bỏ lăn lóc trước nhà, còn mũ nón găng tay lỡ bỏ quên cũng được người ta lượm lên móc vào những nơi dễ thấy. Chiếc khóa vòng tôi không thể quên, vì chìa khóa móc chùm một xâu với khóa cửa. Còn chiếc khóa xích, chỉ nửa năm sau là tôi thấy phiền toái mỗi khi phải tìm nơi khóa dính chiếc xe vào đó. Lắm khi mọi cột đèn hay hàng rào không còn một chỗ trống để chen chiếc xe vào giữa. Ba má tôi luôn nhắc chằng chằng là nhớ khóa hai khóa, và đã mấy lần tôi bị má tôi dựng dậy khi đã nằm trên giường, bắt tôi phải ra khóa dính chiếc xe vô rào sắt trước nhà.

Nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Bài học còn quên trước quên sau, nói gì tới việc khóa chiếc xe. Chưa kể mấy đứa bạn trong lớp cười tôi là thằng cù lần. Khi cùng nhau đi đá banh hay đi bơi, chúng khóa xe cái rột rồi cả lũ hè nhau chạy giỡn, trong khi tôi rị mọ với chiếc khóa xích.

Rồi một buổi sáng, khi sắp tới giờ đi học, tôi choáng váng khi phát hiện ra là chiếc xe không còn dựng bên rào nữa. Tôi khóc, sợ trễ giờ học thì ít mà tiếc chiếc xe bội phần. Má tôi la tôi một chập, bảo là đã nói nhiều lần mà không nghe.

Tôi cãi lại, nói là nhớ tối hôm trước có khóa cả hai chiếc. Thực tình, tôi cũng không nhớ rõ mình có khóa xe dính vô hàng rào hay không, những gì không là thói quen thì khó nhớ lại. Ba tôi lật đật khoác áo ấm, lấy xe chở tôi tới trường, và ngày đó sau buổi học tôi phải đi bộ về nhà. Quãng đường khá xa, tôi vò đầu bứt tai, suốt dọc con đường về nhà tôi ráng nhìn hai bên đường, rồi tạt vô cả những đường ngang. Thất vọng theo từng bước chân. Chiếc xe đã biến mất thực rồi. Tôi nhìn vô những nhà hàng xóm xem có ai lấy trộm không, tuy tôi biết rằng nếu họ lấy thì cũng không làm gì với chiếc xe đó được.

Những ngày sau đó là một cực hình. Má tôi nói tôi mượn lại chiếc xe cũ của con nhỏ em, chờ tới khi ba lãnh lương, xem có đủ tiền thì mua chiếc khác. Nhưng tôi thà đi bộ còn hơn mang chiếc xe con nít tới trường. Tôi đành năn nỉ má tôi chở tới trường mỗi sáng, và chiều thì ráng đi bộ về, vừa đi vừa cầu nguyện ơn trên cho thấy lại chiếc xe. Dĩ nhiên là sáng nào tôi cũng nghe lời cằn nhằn của má. Còn ba tôi, mỗi chiều đi làm về, trước khi ăn cơm ông lấy xe đi một vòng, bảo là kiếm xem có thấy chiếc xe của tôi ở đâu không. Rủi thay là khi mua xe, ba tôi không mua thêm bảo hiểm, vì thấy nó quá mắc so với giá chiếc xe.

Được bốn hôm, tới sáng thứ bảy khi tôi dậy ăn sáng thì ba tôi nói:

‘Sáng nay ba mới tìm thấy chiếc xe, ai bỏ nó nằm bên bờ lạch sau lùm cây, ba mới mang về kìa.’

Tôi nhìn ra sân trước, chiếc xe nằm ở chỗ cũ với chiếc khóa xích còn nguyên. Tôi vừa mừng rỡ vừa mắc cở, vì đã dối ba má là mình đã khóa xe cẩn thận. Và tôi đổ vấy:

‘Bị hồi nào tới giờ con không quen khóa xe nhiều như vậy. Cũng như ba, ba hút thuốc hoài mà đâu có bỏ được.’

Nhưng từ đó tôi đâm ra tởn. Ngày nào cũng khóa xe cẩn thận, đi đâu cũng vậy. Đúng ra là tởn tới già, vì cho tới nay, qua mấy đời xe đạp, lúc nào xe tôi cũng có hai chiếc khóa. Một phần vì xóm tôi ở ngày càng phức tạp, xe để trước nhà không khóa thì có khi nó bay hơi luôn không còn tông tích. Mà gia đình tôi ở đó đã quen chỗ, lại cũng không khá giả gì để dọn tới một khu khác vừa ý hơn.

Ba tôi rốt cuộc cũng bỏ thuốc lá. Một cách chật vật, tự hứa và hứa cả với má tôi, vậy mà rồi lại không giữ được. Phải sau nhiều năm, ông mới hoàn toàn thắng cơn thèm thuốc. Giá thuốc lá tăng chóng mặt góp một phần trong nỗ lực này. Nhưng có lẽ đã muộn. Không lâu sau đó ông qua đời vì ung thư phổi. Má tôi một mình xoay xở với đứa em tôi, trong khi tôi đã có gia đình và ở riêng, má tôi dứt khoát không muốn vợ chồng tôi phụ giúp.

Nhiều lúc tôi nghĩ nếu khi trước ba má tôi liều mua nhà thì với bảo hiểm nhân thọ kèm theo, căn nhà sẽ được dứt nợ và má tôi không phải chật vật như bây giờ. Nhưng ba má tôi là hạng người ăn chắc mặc bền. Ba tôi chu toàn được bổn phận lo cho vợ, và cùng với má tôi lo cho hai đứa con thành tài cũng là khó lắm rồi, chưa kể những giúp đỡ cho những người trong gia đình hai bên còn ở lại Việt Nam.

Rồi một ngày sau đó nhiều năm, khi đám giỗ ba tôi tàn, anh em tôi mở lại mấy cuốn album gia đình ra xem. Tôi thấy lại tấm hình ba tôi chụp hồi vừa mua chiếc xe mới cho tôi. Một tấm có ba người đứng bên chiếc xe, một tấm nhỏ em gái ngồi sau bám cứng be sườn. Vài tấm khác trong những năm tiếp đó. Tôi nhớ tới lần mất xe và nói với má tôi:

‘Con hên ghê. Không biết ai lấy mà họ nghĩ sao lại bỏ đó. Chắc là đám con nít trong xóm nghịch phá…’

Má tôi cười:

‘Hên gì mà hên. Xe mày có mất đâu!’

‘Ủa!? Nó mất thực mà, ba con kiếm mấy ngày mới ra mà má.’

‘Ba mày kiếm gì? Ổng bỏ trong nhà kho ngoài sau vườn đó, dọa cho mày sợ chứ mất mát gì.’

Mặt tôi đỏ rần. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ngay vợ tôi và mấy đứa con, mặc dầu tôi biết là mọi người đang hướng mắt về phía tôi. Khoảng sân sau là nơi tôi rất ít khi ra ngồi, ngoại trừ những ngày nắng, cả nhà nướng gà, nướng sườn ngoài sân sau và ăn cơm ngoài đó luôn. Nói gì là để mắt nhìn vào trong chiếc nhà kho cuối vườn.

Tôi sực nhớ ra là ba tôi nói thấy chiếc xe nằm bên bờ lạch, vậy mà hoàn toàn nó không có dấu vết bùn đất bám vào. Chiếc khóa vòng cũng không có dấu cạy mở. Đúng là thằng khờ. Và tôi chợt hiểu ra đó là bài học thấm nhất tôi học được từ ba tôi, qua một chuyện rất nhỏ. Nhưng còn những bài học khác suốt thời gian tôi được nuôi thành người như hôm nay, tôi đã quên hết rồi.

Nguyễn Hiền