Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019
Tháng Năm năm 2019 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC, Centers for Disease Control) công bố kết quả thống kê cho thấy có sự giảm thiểu đáng kể về bệnh Tiểu Đường loại 2 ở Mỹ.
Từ 1990 đến 2009, tức sau gần 20 năm, dịch bệnh Tiểu Đường loại 2 (TĐ 2) đã khá phổ biến, và gia tăng 4.4% mỗi năm. Thế nhưng, từ 2010 đến nay, tỷ lệ ấy đã giảm sút rõ rệt, nên hôm nay số bệnh nhân mới bị (mắc) chứng TĐ 2 đã giảm 35% so với trước đây khi cơn dịch đang hoành hành.
Sự giảm thiểu này được ghi nhận trên mọi màu da, mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, và bất kể trình độ học vấn trên khắp nước Mỹ.
<https://www.cdc.gov/media/releases/2019/p0529-diabetes-cases-decline.html>
Cùng thời gian ấy, Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (AMA , American Medical Association) công bố thống kê của chứng Mập Phì trên người Mỹ thì tỷ lệ có vẻ nặng hơn, thay vì 34-35% như các năm 2005-2012, (thì) nay đã lên đến gần 40%.
<https://www.ama-assn.org/delivering-care/public-health/adult-obesity-rates-rise-6-states-exceed-35-7>
Các con số này khiến nhiều chuyên gia gãi đầu gãi tai vì từ lâu họ đã tin rằng chứng mập phì do ăn nhiều là một nguyên do chính gây ra TĐ 2. Vì thế có người đã gọi đó là một nghịch lý (paradox), vì rõ ràng người Mỹ vẫn ăn quá nhiều và không tập thể dục siêng năng nên chứng mập phì cứ gia tăng trong khi TĐ 2 lại bớt đi đến 35%!
Không những tỷ số bệnh giảm, mà còn theo CDC, bệnh nhân TĐ 2 ở Mỹ sống lâu hơn và ít bị các biến chứng về tim mạch hơn trước. Đây là một thắng lợi lớn cho ngành Y Tế Hoa Kỳ trong cuộc tranh đấu để khắc phục dịch bệnh TĐ 2 nhưng không ai biết rõ lý do đưa đến chiến thắng vì người Mỹ vẫn còn quá mập như đã trình bày ở trên.
Khoảng năm 2010, sau việc hoàn tất của cuộc khảo cứu lớn ACCORD của Viện Y Học Quốc Gia Mỹ (National Institute of Health , NIH) về TĐ 2, chúng tôi đã viết bài trên Diễn đàn ‘SVQY.org’ về việc hơn 22% người Việt cao niên ở California bị TĐ 2 và khuyên tất cả nên dùng thuốc Metformin và tránh dùng Insulin, đồng thời không nên ám ảnh với việc kiểm soát đường máu thái quá. Ngoài ra, nên chú trọng về dinh dưỡng, thể dục, cùng dùng thuốc statin trị cao mỡ và dùng thuốc ACE Inhibitor hay ARB để chữa trị huyết áp cao.
<https://www.svqy.org/type2diabetes.html>
Nhiều người Việt bán tín bán nghi về việc hạn chế dùng Insulin và không cần kiểm soát chặt chẽ glucose trong máu . Nhưng từ năm 2012 thì gió đã xoay chiều như chúng tôi viết 2 năm trước đó, các hiệp hội Y Sĩ chuyên khoa về Nội Tiết và Tiểu Đường cũng đổi đường lối như trình bày trong SVQY.org. Rồi mới đây nhất, tiêu chuẩn về HGb A1C cho TĐ 2 cũng đã được điều chỉnh, vì như chúng tôi đã nói từ 2010 rằng bệnh nhân TĐ 2 sống lâu và ít bị biến chứng nếu HGb A1C của họ có trung bình khoảng 7.3 . Tất cả những tiến bộ và thay đổi trên đã góp phần giúp bệnh nhân sống lâu và ít bị biến chứng nhưng vẫn không giải thích được tại sao người Mỹ mập thì vẫn mập nhưng ít bị TĐ 2 hơn ngày trước!
Thí nghiệm về Xi Rô Bắp Fructose Cao ( High Fructose Corn Syrup, HFCS) trên chuột cho thấy HFCS không gây mập phì nhưng gây ra rối loạn biến dưỡng kháng insulin trên chuột tương đương với TĐ 2 trên người. Kết quả nghiên cứu từ các đại học Oxford ở Anh và USC ở Mỹ vào năm 2012 cho thấy các quốc gia dùng nhiều HFCS có tỷ lệ TĐ 2 cao, và cao nhất là ở Mỹ.
<https://www.medicalnewstoday.com/articles/253484.php>
Trong gần 10 năm qua người Mỹ đã từ từ kiêng dùng thực phẩm và nước ngọt có chứa HFCS như bài phân tích về kỹ nghệ đường ngọt sau đây:
<https://www.foodbusinessnews.net/articles/12234-sweetener-supplies-seen-tighter-in-2019>
Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ TĐ 2 đã giảm 35% chăng?
Ngoài ra, người Mỹ đã ngưng tiêu thụ trans-fat thực vật và nhờ vậy mà biến chứng tim mạch của TĐ 2 cũng suy giảm.
Tóm lại, những gì chúng tôi viết về TĐ 2 trên người Việt cao niên ở Mỹ ngót 9 năm trước vẫn còn áp dụng. Ngoài ra đồng bào chúng ta nên xem kỹ thành phần thực phẩm trên nhãn hiệu để tránh tiêu thụ HFCS là một trong những nguyên nhân đưa đến dịch bệnh TĐ 2 ở Mỹ; còn chứng mập phì lại là chuyện khác.
Phạm Hiếu Liêm, MD
Jackson T. Stephens Professor of Geriatrics, ret.