Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
 
 
NguyÍn HiŠn
BenDongSongKyNiem
Cûa Nguyên Bích Nghe CD "Bên Dòng Sông K› NiŒm"
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019
CD “Bên Dòng Sông Kỷ Niệm”, như tuyệt đại đa số CD của người Việt, chứa 10 bản nhạc. Theo giới thiệu trên website (1), sau khi nghe thử có thể mua qua hình thức download dưới dạng mp3 từng bản (US$ 0,99), hoặc cả đĩa (US$ 9,99). Những người coi bìa đĩa nhạc cũng là một tác phẩm nghệ thuật và muốn ngắm nghía nó (thú này dường như đã chết cùng với sự lụn tàn của đĩa vinyl) có thể mua CD theo kiểu cổ điển, với giá US$ 12,97 + cước phí bưu điện).

Tôi là một trong số những người này, để có thể, trong khi thả hồn theo tiếng nhạc thì mắt được thỏa mãn với design bìa CD qua hình minh họa sáu sợi dây đàn guitar đổ như thác xuống dòng sông uốn quanh.

***
Đẩy nhẹ chiếc CD vào máy, ngồi lim dim nghe tiếng vuốt trên những sợi dây guitar, tiếng bass rộn rã, và Quang Tuấn mở đầu “Đà Lạt ơi, dù cách xa đã nhiều năm mịt mờ…” (2), tôi ngạc nhiên khi thấy bản nhạc mang không khí rất khác so với những gì tôi đã được nghe từ những CD trước đây của Nguyên Bích. Nghe tiếp mấy bản nữa. Cho tới bản cuối lúc nào không hay. Không biết phải dùng từ gì: khúc mắc, khó hát, trình độ cao chăng…

Nói chung là… “không dễ nghe”. Khi nghe nhạc, tôi thường để trí tưởng tượng của mình đi theo giòng nhạc và tưởng tượng chúng sẽ diễn tiến ra sao, nhưng lần này tôi bị hụt nhiều. Sau khi đã nghe qua lần thứ hai, thứ ba, ngẫm lại, rõ ràng những bản nhạc Nguyên Bích chọn cho CD này đã đưa người nghe lên một nấc cao hơn, hay nói đúng ra, phần hòa âm làm tôi liên tưởng đến những bản thánh ca do các ca đoàn Công giáo trình diễn. Những bản nhạc mở ra một không gian rộng cho người nghe.

Tiếng dương cầm, vĩ cầm, guitar, bass… acoustic hòa cùng tiếng keyboard, sáo… trong phần nhạc đệm viết công phu là điểm nổi trội nhất, theo tôi, của CD này. Cũng vẫn là những bản cũ đó, nhưng qua phần hòa âm phối khí theo một cách hoàn toàn khác đã làm chúng mới hẳn. Được khoác cho bộ váy áo mới.

Để có thể diễn tả trọn vẹn những bản nhạc khó hát, Nguyên Bích đã tìm được Quang Tuấn và Bích Vân. Quang Tuấn đã từng góp mặt trong một CD trước (Đam Mê, 2013). Trong CD Bên Dòng Sông Kỷ Niệm, người ca sĩ với giọng ca trầm ấm, giàu cảm xúc và nam tính, có được 6 bài. Xen kẽ vào đó, Bích Vân, giọng nữ cao thích hợp trong sân khấu nhạc thính phòng lớn, với kỹ thuật hát vững vàng qua học hỏi tại nhiều trường thanh nhạc, đầy luyến láy, có 4 bài.

Một tương phản nam nữ quyện với sự hòa hợp trong phong cách trình bày, là một điểm đặc biệt. Quang Tuấn chủ về cảm xúc, Bích Vân chủ về phong cách, kỹ thuật. Hãy nghe bài số 2, bài được dùng làm tựa CD, trong phần kết Bích Vân đã tận dụng những lối luyến láy khác nhau:
“Thì anh ơi! Em thiết tha gửi tâm tư đang dâng trào, cùng bao nhiều xôn xao mong chờ, vì thương nhớ anh…” (Bên Dòng Sông Kỷ Niệm) (3).

Hay trong một ca khúc khác, Xin Rửa Tội Tôi (phổ thơ Du Tử Lê), cũng trong đoạn kết thúc “Đến một ngày mai, đến một ngày mai sống lại. Trong tay người mãi xa”, Bích Vân đã sử dụng ba cách láy khác nhau, tận dụng sở trường là tuy lên cao vút mà giọng ca vẫn trong vắt cùng với làn hơi vững, nhiều nội lực. Tôi đã nghe Elvis Phương và Tuấn Ngọc trình bày bản này, nhưng Bích Vân đã làm từng chữ, từng nốt nổi hẳn lên với cách diễn tả một tâm trạng cầu xin tha thiết. Phải chăng chỉ có giọng nữ mới diễn đạt được hết ý của tác giả, vì lời bài thơ viết cho người nam và ta không thể đòi hỏi một giọng nam như Elvis Phương hay Tuấn Ngọc khẩn cầu được.

Đối lại là giọng Quang Tuấn, theo tôi rất đạt ở những khúc tiếc nuối da diết cùng tiếng vĩ cầm: “Một thời say đắm xưa, khi nao còn hò hẹn. Kỷ niệm ân ái xưa chưa phai trên bờ môi” (Sám Hối). Hoặc đầm ấm trong tiếng dương cầm và guitar tí tách: “Hãy ngồi xuống bên nhau, nắm lấy đôi bàn tay. Lắng nghe tim kể chuyện, chuyện một đời yêu thương” (Tháng Ngày Mật Ngọt).

Nguyên Bích là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng. Nếu có đau buồn nhớ thương thì nhẹ nhàng lãng đãng, không đau khổ ủy mị.

“Ngại lời thơ chưa mê say và thắm như tình,
Ngại từng trang thơ chưa hay và thiết tha bằng,
Thì làm sao em thấu biết,
Để lòng em rồi cũng biết…
…thốt lên một lời “Yêu anh”.
(Yêu Em)

Đà Lạt Kỷ Niệm và Nồng Nàn là hai sáng tác của Nguyên Bích theo tôi hay nhất trong CD này. Rất tiếc, giọng Bích Vân nếu nổi trội ở những nốt nhạc cao thì lại khó diễn đạt được trọn vẹn sự đằm thắm êm dịu phải có trong Nồng Nàn, vì vậy “khúc hát năm xưa anh ca tặng, em nhớ mãi. Bông hoa anh trao nâng niu giữ gìn bên gối…” gợi cho người nghe một sự tôn thờ hơn là một trao gởi tình yêu.

Hai bài thơ năm chữ được Nguyên Bích phổ nhạc: “Tháng Ngày Mật Ngọt” (thơ Phạm Oanh) và “Từ Thơ Ấu Ngậm Ngùi” (thơ Du Tử Lê) cũng là hai sáng tác độc đáo trong CD, ngoài lời thơ hoa mỹ, còn ở phần nhạc đệm viết kỹ lưỡng, nhất là những chuyển đoạn. Chỉ có điều, nếu những người nghe kỹ, chắc hẳn sẽ đưa đến tranh cãi trong khúc coda của “Từ Thơ Ấu Ngậm Ngùi”, là lỗi của ca sĩ hay sơ xuất của người điều phối giàn thâu âm. Trong phần đầu, tôi đã cho cảm tưởng chung về CD này là có những bài khó hát, vì giai điệu và những quãng khó.

Đương nhiên, nếu chiếc CD chỉ có những bản lạ tai thì có thể đưa đến “sốc” cho vài người. Có lẽ biết vậy nên Nguyên Bích đã đưa vào CD này một số bản nhạc dễ nghe hơn, đó là những bản được nhiều người ưa thích và phần nào đã tạo được cảm tình đặc biệt của người nhạc sĩ trong giới thưởng thức nhạc êm dịu (qua những CD trước và trong nhiều buổi trình diễn), trong đó hai bản gây ấn tượng mạnh trong tôi là Sám Hối và Tình Si (cả hai bài đều lấy từ thơ của Mùi Quý Bồng). Và bản cuối cùng, Yêu Em, được trình bày qua nhịp điệu tango với phần đệm mới lạ, trẻ trung.

Sám Hối đã có trong những CD Sao Vội Nhạt Phai (Tuấn Ngọc hát), Hiến Chương Yêu (Vũ Khanh hát). Tình Si trước đây đã được một số ca sĩ trình bày, như Ngọc Huệ (trong CD Trọn Ngày Nhớ Em), Thanh Hà (trong CD Sao Vội Nhạt Phai) hay Vũ Khanh (trong CD Muôn Đời Yêu Chỉ Người Thôi) và cả Bích Vân trình bày theo phong cách lãng đãng của Jazz pha với Blue (Anh Khoa hòa âm). Giờ đây, nghe lại những bản này với tiếng hát của Quang Tuấn và Bích Vân và qua phần hòa âm của Hoàng Công Luận, mới thấy rõ vai trò không thể coi thường của phần hòa âm phối khí.

Nhưng cũng chính những bản này đã thôi thúc tôi tìm nghe lại những phiên bản do các ca sĩ khác đã trình bày. Để thích thú khi khám phá ra rằng Đêm Vô Định, ngoài Quang Tuấn trong CD này, đã từng được Quỳnh Lan và Bích Vân diễn tả với những tâm trạng khác nhau: một đầy hoài niệm, một xót xa, một hoang vắng. Đương nhiên chúng ta không thể kết luận phiên bản nào hay hơn, nó tùy thuộc vào cảm nhận của người nghe, và ngay cả vào thời điểm. Hơn nữa, kỹ thuật phòng thu, nhạc cụ, trào lưu v.v… luôn thay đổi và tiến triển theo thời gian.

Người nghe nhạc cũng khó tính hơn. Hiện nay, người thích nhạc Việt êm dịu có khuynh hướng trở về với nhạc có phần phối khí nặng về acoustic, và đòi hỏi phần hòa âm, các bè phụ… phải được soạn và thực hiện công phu. Âm thanh điện tử quá tuyệt hảo dễ đưa đến sự lập đi lập lại cứng ngắc trong khuôn đúc sẵn đã phải nhường một bước cho các nhạc cụ cổ điển chuyên chở được tâm tình của người trình tấu có dịp đồng hành. CD Bên Dòng Sông Kỷ Niệm của Nguyên Bích theo tôi đã đáp ứng được nhu cầu này, nếu không muốn nói là nổi trội hơn nhiều chiếc CD mà các ca sĩ mang theo bán trong những chương trình đại nhạc hội.

Rất tiếc, những người muốn sở hữu chiếc CD như một tác phẩm nghệ thuật có thể sờ mó được - như tôi - có thể sẽ thất vọng, vì hình thức của tờ bìa trước đã làm giảm giá trị tác phẩm một phần không nhỏ. Theo một quy luật bất thành văn, bìa CD nếu có trang để trắng có nghĩa là chúng được thực hiện vội vàng với giá rẻ và sẽ được bày bán nơi các sạp hàng lộ thiên ngoài chợ, không phải là một sản phẩm trang trọng để trong tiệm bán đĩa nhạc.

Chiếc bìa, nếu không có được hình thức một tập sách nhỏ, in lời các bài hát tiêu biểu hay hình ảnh có liên quan đến ca nhạc sĩ trong đĩa, thì cũng phải có màu, có nét design, có chữ ở tất cả mọi trang. Ai đó, khi đã chịu bỏ thêm vài đồng để nhận chiếc CD từ người đưa thư, thì chắc chắc có thể chịu thêm một hai đô nữa để có được một cái vỏ đẹp từ trong ra tới ngoài, bỏ lên giá nhìn cho mãn nhãn.

Hoặc giả, sự thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật đã thay đổi theo trào lưu hiện nay là dọn sạch nhà, mọi thứ chất lên “mây”. Như thế thì quá buồn cho nhạc sĩ và những người đã bỏ công làm một công trình vừa ý mà không được sự đáp ứng đúng mức.
Mong không như vậy.
Nguyễn Hiền


______
(1)
<https://store.cdbaby.com/cd/quangtuan2?

Những người muốn có chiếc CD “trong hộp” cũng có thể gởi mua thẳng qua địa chỉ của nhạc sĩ Nguyên Bích, 11034 Scarsdale Blvd Suite B Houston, TX 77089 (email: bichbinh@gmail.com), với giá US$ 10 và cước phí US$ 4 (trong Hoa Kỳ) hay US$ 8 (ngoài Hoa Kỳ).

(2) Nghe “Đà Lạt Kỷ Niệm” trong CD, với phần thực hiện video clip của Hoàng Khai Nhan:
<https://www.youtube.com/watch?time_continue=2&v=65zrfdQPM18>

(3) Nghe “Bên Dòng Sông Kỷ Niệm” trong CD, với phần thực hiện videoclip của HT Nguyen:
<https://www.youtube.com/watch?v=Rn0ke4O4xPI&list=PLKgcFDGT8WNIw3oUDZERHmbID1fHsjWvH&index=58>