Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Alexandre Yersin (1863-1943)

Alexandre Yersin (1863-1943)

Th¿c Dân Pháp và C¶ng Sän ViŒt Nam
 
 
 
Ai Tàn Båo HÖn Ai? NguyÍn Ng†c Khôi


(Trong danh sách các sách tham khảo, tôi thường trích dẫn hai cuốn chính bằng tiếng Pháp. Tôi sẽ viết tắt trong ngoặc đơn hy vọng tiện cho người đọc.

1.Indochine ; la Colonisation Ambiguë 1858-1954 . Pierre Brocheux, Daniel Emery, éd. La Découverte 2001M sẽ viết tắt là ICA
2.Les Belles Heures de L’Indochine Française : Christiane d’Ainval ; éd. Perrin 2001 viết tắt là LBHIF. Đa-tạ)   
   

Thế hệ chúng ta khi lớn lên đều được dạy về thực dân Pháp với những bạo tàn của chúng: bắt giết những nhà ái quốc chống chúng, mang thanh niên Bắc đi đày tại mỏ than Hòn Gai hay mang đi vào cạo mủ cao su trong Nam, mỗi lần tảo thanh, lính Pháp đều bắt hãm đàn bà, con gái và không quên bỏ vào túi quần trận mấy con gà, vịt…

Các trung thần như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan thanh Giản đều tuẫn tiết vì thua trận. Thua cũng chỉ vì triều đình Huế thiển cận không sáng suốt như Minh Trị bên Nhật. Đánh với quân Pháp mà còn dùng súng “thần công” bắn đạn chì tròn nặng không nổ khi rớt xuống trong khi địch đã dùng đạn trái phá (obus). Tàu địch là tàu chạy bằng hơi và bọc thép trong khi tàu của ta làm bằng gỗ bọc sắt, bắn trúng là chìm. Đã thế còn giết người đi đạo Thiên Chúa và các giáo sĩ. Thiển cận quá mức, chỉ biết châu đầu thần phục Trung Hoa, lúc đó cũng không phải là Hán tộc mà là nhà Thanh, không văn minh gì hơn ta. Đánh nhau là phải tổn thất.

Khi Pháp nó đã quyết lấy nước Việt Nam làm thuộc địa mà không còn yêu cầu mở cửa và thiết lập cửa ngỏ buôn bán nữa thì bắt buộc nó phải cai trị khắc nghiệt với một triều đình ngoan cố. Chúng có bắn giết người vô tội, chúng có đày người kháng chiến đi Poulo Condor chứ không phải đưa đi Hòn Gai hay vào đồn điền cao su (sẽ nói thêm ở sau). Chúng còn làm nhiều điều ác nữa…

Nhưng rồi chúng ta cũng là thế hệ chứng kiến tận mắt chứ không phải học trong sách vở về cái bạo tàn của bọn Cộng Sản Việt Nam: giết người Quốc Gia Quốc Dân Đảng, Đại Việt, giết đại và cả tiểu điền chủ trong cuộc Cải Cách Ruộng Đât với những đợt tố khổ dã man, chôn người sống tại Huế hồi Mậu Thân. Tôi tự hỏi ai bất nhân hơn ai? Pháp là người ngoại quốc. Cộng Sản Việt Nam là người Việt Nam. Chúng bắt chước Sô Viết và Trung Cộng thanh toán người cùng máu mủ không theo chúng còn hơn thực dân.

Đã đến lúc sau khi kể tội thực dân Pháp, chúng ta nên nhìn lại một cách vô tư, khách quan và công bằng những gì Pháp đã thực hiện tại Viêt Nam trong 80 năm cai trị. Trước khi họ đến, nước Việt Nam là một nước hoàn toàn theo nông nghiệp trong khuôn khổ hạn hẹp, không có kỹ nghệ phụ giúp, nói trắng ra, xã hội ta ở vào thời đại Trung Cổ. Triều đình cũng không có kế hoạch hiệu nghiệm để tiếp tế gạo từ chỗ dư đến chỗ thiếu. Nạn đói xảy ra gần như mỗi năm.

Ngay trước khi chính quyền Pháp bắt tay vào việc phát triển dinh điền và đường xá lưu thông, các giáo sĩ truyền giáo đã cố gắng dạy dân những hiểu biết căn bản về canh nông để dẫn thuỷ nhập điền, v…v… Ngoài Bắc tôi nhớ người không theo Thiên Chúa Giáo nói ngạo người Thiên Chúa Giáo là: “Đi đạo lấy gạo mà ăn”. Câu này có phần đúng. Những vùng quanh Nam Định như Bùi Chu, Phát Diệm, Đò Lèn v…v… thời vua chúa lúc hay mất mùa, dân đói rách. Nhớ các tu sĩ Thừa Sai cố gắng mang hiểu biết ra dạy cho dân nên dân mới có gạo mà ăn. Câu chế riễu nhưng lại là sự thật. Nhờ công ơn của các tu sĩ thừa sai mà dân bớt đói.

Thời gian người Pháp cai trị Việt Nam cộng chung là 80 năm. Tuy nhiên những thập niên đầu, được gọi là thời gian của các Đề Đốc ( la période de amiraux), người Pháp còn lo chấn chỉnh an ninh, lấn chiếm đất đai của triều đình Huế. Một khi đã chiếm được rồi, đương nhiên người Pháp phải nghĩ tới chấn chỉnh và khai thác thuộc địa, không những để mang lợi về cho mẫu quốc nhưng cũng để tăng giá trị của thuộc địa. Đương nhiên dân thuộc địa được hưởng những kết quả của công cuộc khai triển này.

Chúng ta hãy xem xét từng địa hạt một cách khách quan và vô tư:

1 - Canh nông.          
            
Sản xuất lúa gạo-  Như đã nói trên, sản xuất lúa gạo đã được cải tiến tương đối trong những vùng có linh mục thừa sai. Nhưng từ thập niên 1860 cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, những chính quyền của Paul Bert, Paul Doumer, Albert Sarraut đã khuếch trương có hệ thống ruộng đất trồng gạo. Nếu lưu vực sông Hồng Hà có kết quả khiêm nhượng, ngược lại miền Nam,đúng hơn miền Tây Nam Kỳ với vùng đất đỏ là một cải cách ngoạn mục và thành công nhất mang Đông Dương vào vị trí xuất cảng gạo cạnh tranh với Bengale, Java và Miến Điện (ICA trang 120).

Bản tính người Pháp không thích đi lập nghiệp tại thuộc địa như người Anh, đất thừa, người khai khẩn thiếu, dân Việt Nam bắt đầu có đại điền chủ trong Nam như ông Nguyễn Hữu Hào, cha của Hoàng Hậu Nam Phương(LBHIF tr.148-149).2 Diện tích trồng thóc trong Nam Kỳ đi từ 315.000 hectares năm 1836 đến 2 303 000 hectares năm 1943. Riêng Nam Kỳ sản xuất được    3 100 000 tấn năm 1940. Bắc Kỳ sản xuất gấp 30 lần từ 1860 (khoảng 58 000 tấn) đến năm 1928 (1 797 000 tấn), năm kỷ lục ( ILCA trang 121).

Sản xuất cao su -  Người Pháp nhập cảng cây cao su từ xứ Brésil vào Việt Nam, nhất là miền Nam với ý định xuất cảng. Trồng cao su là đặc điểm của Nam Kỳ vì ly do hợp khí hậu. Tuyên truyền của Việt Minh trong chiến tranh nói là Pháp bắt phu tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào phục vụ tại đồn điền cao su hầu hết thuộc vào tay người đầu tư Pháp. Sự thật khác hẳn: người Pháp ký khế ước với phu Bắc Kỳ và Trung Kỳ với tiền lương nhất định để vào làm trong đồn điền cao su trong Nam.

Tiền  lương rẻ hay tương xứng là tuỳ theo người nhận định nhưng có khế ước hẳn hoi, không thể nói bắt phu được vì tư nhân không có quyền bắt phu đi làm lao động. Còn chuyện khi vào làm có những tay cai người chủ mướn trông coi phu phen có lạm dụng, đánh đập không là chuyện có thể xảy ra. Tựu chung, kỹ nghệ trồng cao su mang mối lợi khá lớn cho Việt-Nam. Tuy nhiên phần lớn các đồn điền cao su rơi vào tay người Pháp.

Cà Phê  -  Nhiều người không biết đồn điền cà phê đầu tiên người Pháp trồng ở Việt Nam là gần Kẻ Sở, Bắc Kỳ chuyên trồng loại Arabica. Dần dần lan đến Thanh Hoá, Nghệ An trước khi lên Kontum, Pleiku. Hiện nay Việt Nam là đứng thứ nhì sau Brésil xuất cảng cà phê, loại chính là Robustus hay người Việt gọi là cà phê chè. Việt Nam trồng ba loại cà phê: Arabica (cà phê chè), Robusta(cà phê vối), lyberica(cà phê mít)Năm 1938, 13 000 hectares đã sản xuất ra 1 500 tấn cà phê(ILCA tr. 125). Họ cũng phát huy nghề trồng trà(Kontum Pleiku, Darlac) và vùng đất đỏ miền Nam từ 1924. 1938: 3 000 hecrares sản xuất được 812 tấn xuất cảng về Pháp và sang Bắc Phi

1 - Kỹ nghệ

Song song với canh nông là kỹ nghệ. Quan trọng nhất là các mỏ than. Mỏ than Hongai đặc biệt là mỏ lộ thiên.Còn các mỏ khác như Quảng Yên, Cẩm Phả. Nông Sơn phía Nam Tourane sản xuất ít hơn các mỏ than ngoài Bắc. Đầu thế kỷ 20, Đông Dương đã sản xuất 200 000 tấn than, đến năm 1939 thì số lượng lên đến 1.8 triệu tấn, đứng thứ nhì xuất cảng than sau Mãn Châu( ILCA trang 123).  

Ngoài ra còn phải kể đến các mỏ kẽm và thiếc, v..v..

Thứ đến ta phải kể đến kỹ nghệ biến chế. Trong lãnh vực này Đông Dương bị giới hạn vì bị coi như cạnh tranh với mẫu quốc: nhà máy xi-măng, nhà máy điện, những nhà máy sản xuất và sửa chữa đường xe hoả, hải quân công xưởng, hãng làm thuỷ tinh, đồ gốm, đồ tráng men, năm nhà cất rượu do Công Ty rượu Đông Dương cai quản, các nhà làm bia, dầu, xà bông, ba xưởng thắng đường ngọt, 4 hãng thuốc lá v…v… Đặc biệt là công nghệ bông gòn để khỏi phải nhập cảng từ Ấn Độ. Việc dệt được đưa cho các tư nhân, nhưng dần dần được máy móc hoá. Điển hình là nhà máy sợi Nam Định. Tại Bắc Kỳ, các xưởng dệt đã nuôi ít nhất 120 000 công nhân (ILCA tr. 125). Đông Dương là nước kỹ nghệ tiến nhất trong tất cả thuộc địa Pháp. Chẳng thế mà Maurice Long đã tuyên bố vào năm 1921: “Đông Dương của chúng ta sẽ đứng hàng đầu trong các nước kỹ nghệ Á Châu (Notre Indochine, figurera bientôt au premier rang des pays industriels d’Asie”(ILCA trang133)

3 -  Hệ-thống hạ-tầng cơ-sở

Đường xá, kinh lạch, mỏ than và kim khí, các hải cảng.

Vì canh nông và kỹ nghệ nhiều ngành phát triển, nhu cầu thương mại đòi hỏi ngoài phạm vi sông lạch là nhu cầu đường xá, cầu cống được khuếch trương mau lẹ. Điển hình cầu Long Biên gần Hà Nội do ông toàn quyền Paul Doumer sáng lập. Cầu này được đặt tên là cầu Doumer trong thời Pháp thuộc.

Canh nông đòi hỏi nước tưới. Hệ thống kinh rạch trên khắp đất nước  là do người Pháp chủ trương, triều đình Huế không có một ý niệm gì. Đặc biệt nhất là hệ thống kinh rạch tại miền Nam rất công phu tỉ mỉ làm tăng hoa lợi lúa gạo rõ ràng ngoạn mục.

Hải cảng Hải Phòng, Tourane (Đà Nẵng) và sau này hải cảng quân sự Cam Ranh dưới thời Tướng Jean de Lattre de Tassigny đều do người Pháp xây cất để đáp nhu cầu xuất nhập cảng trong thương mại.

Hệ thống hoả xa đã được ông Paul Doumer hoạch định kể cả  con đường xuyên Việt.

Thủ Phủ, các tỉnh -   Hà Nội, Huế, Saigon đã có trước khi người Pháp tới nay được sưa sang với những dinh thự chính quyền, với đường phố rộng lớn, khang trang. Hai rạp hát lớn, một ở Saigon, cai thứ hai ở Hà Nội cũng được xây cất cho hoạt động nhạc kịch. Nhà hát lớn Hà Nội nhại theo Opéra de Paris. Chúng ta chưa kể đến những thiết kế văn hoá như viện bảo tàng Hà Nội, viện bảo tàng Saigon.

4 - Thương Mại.

Với sự có mặt của người Pháp, với đà khuếch trương của canh nông có thể xuất cảng, thương mại đương nhiên phát triển theo lối mới. Pháp lập ra Ngân Hàng Đông Dương với mục đích mậu dịch và cho vay. Hưởng lợi nhiều là người Hoa Kiều làm trung gian trục lợi người Việt chỉ vì người Việt không có ý niệm vay ngân hàng. Tệ hơn nữa là người Hoa Kiều áp dụng thủ đoạn đầu cơ tích trữ, cho đến thời Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn làm cho dân Việt không tiến trên đường thương mại như ý muốn. Những hải cảng Hải Phòng ngoài Bắc và Saigon trong Nam là hai hải cảng hoạt động mạnh nhất. Những hãng buôn như Denis Frères, Roque, Sensine et Chalès, Renard, cộng thêm các hãng Anh và Đức đã làm cho Saigon xầm uất hẳn. Saigon không đủ, còn thêm Chợ Lớn xuất cảng 1 140 000 tấn trong năm 1937 đã làm Saigon đứng thứ sáu trong tất cả các hải cảng của Pháp(ILCA trang 129).

5 - Giáo Dục.

Hầu hết các trường Tiểu Học, Trung Học dạy tiếng Quốc Ngữ hay Pháp đều do chính quyền thuộc địa dựng ra. Cuộc thi hương bằng Hán Văn cuối cùng năm 1915 diễn ra tại Nam Định. Chính quyền thuộc địa quyết định dùng quốc ngữ và pháp văn làm nền tảng học vấn cho người Việt. Nhu cầu cần người thông dịch cho ra Trường Thông Dịch (Ecole des Interprètes) sản xuất ra những Petrus Trương Vĩnh Kỹ, Paulus Huỳnh Tịnh Của trong Nam, Nguyễn Văn Vĩnh ngoài Bắc là những gương mặt lớn cho nền giáo dục Việt Nam.

Ta cũng cần nhắc tới các linh mục và các nữ tu-sĩ Thiên Chúa Giáo có công rất nhiều trong việc khởi đầu giáo dục tại Việt Nam. Trước khi Pháp chiếm Việt Nam , đã có Alexandre de Rhodes, vị ân nhân đã cũng nhiều tu sĩ khác lập ra chữ Quốc Ngữ với mục địch dạy dân đọc kinh bổn dễ dàng hơn.  Nhiềungười cho đến này còn lầm tưởng ông là người Bồ Đào Nha. Ông là người Pháp sinh tại Avignon. Thời ông sống, muốn đi lên tàu biển của Bồ Đào Nha đi sang những nước xa, người đi tàu phải lấy quốc tịch Bồ.

Do đó có sự hiểu lầm. Những tu sĩ lo về giáo dục phần lớn là các Sư Huynh lo việc giảng dạy con trai. Họ đã thành lập khoảng 15 cơ sở ngay từ khi đến Việt Nam vào năm 1866, mới đầu chỉ đến bậc Tiểu Học, sau đến bậc Trung Học. Họ lập trường Taberd nơi Hoàng Tử Bảo Long học. Ngoài Bắc họ lập trường Puginier … Các nữ tu sĩ có công nhất phải kể đến các Sơ St Paul-de-Chartres được gửi qua Saigon năm 1860. Họ lo cho khoảng 40 cơ sở: viện mồ côi, trường học, trại cùi, nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà cho người mù hay câm điếc và hai tu viện dạy người bản xứ đi tu theo giòng của họ. Nữ tu-sĩ có công nhất với đất nước ta mà ít người  Việt trong chúng ta biết hay nhắc đến là Sơ Benjamin Le Noël de Groussy đã xây nhà thương tại Saigon, Mỹ Tho, Biên Hoà và một chẩn y-viện tại Bà-Rịa.

Trong khi người Pháp và Việt ít sống cùng với nhau, bà đã lập ra trường nữ tu cho cả người Pháp lẫn Việt gồm 85 người Âu và 174 người bản xứ (LBHIF tr 176). Nhờ Nam Phương Hoàng Hậu học trường các mẹ nên các nữ tu-sĩ này với sự nâng đỡ và khuyền khích của Hoàng Hậu, mẹ Marie de Rosaire tên thật là  Madeleine de Gramont mới sang Đông Dương năm 1934 cùng vơi Mẹ Saint-Ambroise để thành lập Notre Dame de Lang Biang tại Đà Lạt. 1936 Nữ tu sĩ Saint Thomas D’Aquin được gửi đi Hà Nội lập trường Notre Dame de Rosaire. Trường Regina Mundi được thành lập vào năm 1950.

Bắt đầu từ khi Toàn Quyền Albert Sarraut qua, chính quyền Pháp thực sự mở rộng giáo dục tại Đông Dương. Không phải chỉ có các trường cho con cái Pháp học như Lycée Chasseloup Laubat, Albert Sarraut mà hầu hết các trường tiểu học, trung học dạy hai thứ tiếng như trường Bưởi sau là Chu văn An, Petrus Ký v…v…( LBHIF trang 162 đến 182). Vì các trường Việt cũng dạy 2 thư tiếng, thế hệ cha ông chúng ta viết và nói tiếng Pháp khá hơn phần lớn chúng ta.

Họ còn sáng lập trường Y-Sĩ Đông Dương (Ecole des Médecins Indochinois), trường Thú Y. Sau này Đại Học Hà Nội gồm các phân khoa Y, Dược, Luật, Văn Chương đều do công của họ. Việt Nam Cộng Hoà chỉ làm việc tiếp thu.

6 - Y-tế

Y như giáo dục, y tế cũng là công của người Pháp lập trường huấn luyện y-sĩ, dược sĩ, y-tá. Ngành y-tế cổ truyền hầu như không có gì ngoài thày lang và thuốc Bắc. Ngoài những nhà thương cho quân đội Pháp, các nhà thương được thành lập không những bởi các tu sĩ mà do cả chính quyền. Nhà thuơng Lanessan ở Hà Nội, Chợ Rãy Saigon, nhà thương và chẩn y viện các tỉnh đã được thiết lập bởi chính quyền “thực dân”.

Vài con số điển hình: trường Y Khoa Hà Nội mở ra năm 1902; khoảng chục ngàn giường trong tất cả các nhà thương miễn phí và mấy trăm chẩn y viện thôn quê vào năm 1930; 367 y-sĩ năm 1939 (151 bác sĩ và 216 y-sĩ Đông Dương; 3 623 y-tá và nữ hộ sinh, 760 bà mụ tại thôn quê đỡ đẻ cho 91 000 trường hợp). Chích ngừa bệnh đậu mùa bắt buộc từ năm 1930 tuy rằng đa số vẫn trốn chích ngừa các bệnh vì thiếu giáo dục.

Hai người Pháp mà ta có gọi là ân nhân trong y tế ngoài không biết bao bác sĩ quân y sang phục vụ tại Đông Dương nhưng cũng tiếp tay vào công việc chữa bệnh cho người bản xứ: Calmette và Yersin, môn đệ của Louis Pasteur.

Calmette được Louis Pasteur giao cho trọng trách lập ra Viện Pasteur Saigon. Nơi đây ông tổ chức việc sản xuất thuốc chủng ngừa bệnh chó dại và đậu mùa. Ông cũng chuyên về độc tố học (toxicologie), nghiên cứu nọc độc rắn và ong. Ông cũng nghiên cứu các chất độc trong cây cỏ và chất curare. Ông nghiên cứu về bệnh dịch tả và hiện tượng lên men của thuốc phiện và gạo. Sau này khi về Pháp, ông và Guérin sáng chế ra thuốc chủng ngừa lao.

Nhân vật thư hai còn sáng chói và đặc biệt hơn. Ông là ân nhân của dân Việt Nam. Ông cũng là học trò của Louis Pasteur. Là một người ít giao thiệp và lẻ loi, ông quyết định xuất ngoại sang Đông Dương và làm y-sĩ cho hãng Messageries maritimes lúc ban đầu. Sau nghe lời khuyên của Calmette ông phục vụ cho quân đội viễn chinh từ bậc nhì lên đến bậc nhất. Ông về hưu với cập bậc Y-Sĩ Trung Tá (có lẽ vì vậy mà người Việt gọi ông là ông năm (năm vạch).

Ông sống giản dị trong một mái nhà tranh tại làng chài lưới Nha Trang. Ông đi khắp đó đây và khám phá ra Đà Lạt, nơi mà sau này, với sự giúp đỡ của Paul Doumer, ông chọn làm nơi trồng cây Cinchonas sản xuất ra quinine chống bệnh sốt rét và cũng là nơi sau này người Pháp chọn làm nơi nghỉ ngơi vì khí hậu mát mẻ.

Khi xảy ra trận dịch hạch tại Hồng Kông vào năm 1894, ông sang Hồng Kông và có gặp Bác Sĩ Kitasato Shibasaburo dẫn phải đoàn chuyên gia Nhật sang nghiên cứu bệnh dịch hạch. Người Anh lúc đó nghiêng về phía Đức nên không cho ông vào trong bệnh viện Hồng Kông nghiên cứu như các bác sĩ Nhật. Nhờ mang theo dụng cụ vi trùng học từ Bệnh Viện Saigon, ông dựng một cái chòi tranh trước cửa bệnh viện.

Ông trả ít tiền cho những thuỷ thủ Anh có nhiệm vụ chôn cất nạn nhân dịch hạch, ông lấy được những cái hạch của bệnh nhân mang về chòi nghiên cứu. Vài ngày sau ông kiếm ra được con vi trùng ông nghĩ là nguyên nhân của bệnh. Ông viết về Paris và thư ông được đọc tại Hàn Lâm Viện Khoa Học và đăng trong số báo tháng 9 của Tập San Viện Pasteur (Annales de L’Institut Pasteur). Phía bên Nhật, ông Kisato cũng đăng lên khám phá nguyên nhân bệnh dịch về phía ông được đăng trên Lancet ngày 25 tháng 8, 1894.

Hai vi trùng của hai ông khác nhau. Vi trùng Yersin bất động và Gram -, vi trùng của Kisato là vi trùng+ và ngọ nguậy.  Cuối cùng vi trùng của Kisato là con pneumocoque, vi trùng của Yersin đúng là Yersinia Pestis. Phải chờ tới 4 năm sau 1898, Paul-Louis Simond mới tìm ra vai trò con dận chuột là con dận đưa vi trùng tới con người.

Để gây quỹ cho công việc nghiên cứu của mình, ông có sáng kiến nhập cảng cây Hevea Brasiliensis, cây cao su và bắt đầu lấy được nhựa cao su năm 1899 và được hãng Michelin mua ngay. 1915, như đã nói ở trên ông quay sang trồng cây Cinchonas để lấy chất quinine trị bệnh sốt rét. Ông còn trồng những cây có tính cách chữa bệnh như cacao, cà phê, sắn, dừa dầu, và cây dừa , v..v..

Năm 1902, toàn quyền Pháp ra chỉ thị cho ông lập và cai quản trường Y Khoa Hà Nội. Ông làm Khoa Trưởng được 2 năm rồi quyết định trở về “quê” của ông là Nha Trang. Ông lại phải nhận chức Tổng Giám Đốc các viện Pasteur Đông Dương và được bầu làm hội viên Hàn Lâm Khoa Học Pháp, phân khoa Y Khoa và Giải Phẫu.

Trong nhà ông tại Nha Trang suốt đời ông lo cho bệnh nhân nghèo và là chốn học và chơi của trẻ em. Ông thường đãi chúng với bánh kẹo và giúp chúng làm và thả diều.

Ông mất ngày 28 tháng 2 năm1943. Đám ma là hàng dài bất tận của những người Việt chịu ơn ông. Nơi an nghỉ của ông vẫn là Nha Trang trên một ngọn đồi nhìn ra biển. Bên cạnh có một cái miếu nhỏ lúc nào cũng có hương hoa. Năm 2012, một bức tượng đá hoa cương cao 4 thước 6 của ông được dựng trong công viên Yersin ở Nha Trang, do lòng nhớ ơn của dân tỉnh Khánh Hoà.

Tôi viết bài này không để biện tội cho thực dân Pháp. Tôi vẫn và luôn luôn ủng hộ chiến tranh bài thực dân Pháp dù lúc đó cuộc chiến do Việt Minh dẫn đầu. Tôi vẫn muốn trả thù cho Nguyễn Thái Học và 13 đồng chí lên đoạn đầu đài. Một người Pháp có câu bình luận làm tôi suy nghĩ: “Người Pháp đã còng tay người Việt và kéo họ từ thời Trung Cổ ra thế kỷ 20 ( Les Français ont entrainé par menottes les Vietnamiens du temps médiéval jusqu’au 20è siècle)”. Câu này làm tôi so sánh Pháp còng tay ông cha chúng ta và kéo họ ra tới thế kỷ 20 và bọn Cộng Sản Việt Nam từ thế hệ Hồ Chí Minh cho tới thế hệ Nguyễn Phú Trọng đã kéo dân tộc Việt Nam trở lại làm nô lệ cho Trung Hoa. Ai công ai tội?

Viết xong ngày 9 tháng 8 năm 2019

BS Nguyễn Ngọc Khôi
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2019