Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
1200px-War_flag_of_South_Vietnam.svg
PM0518_1024x1024
 
 
 
NguyÍn DÜÖng Løc Quân/Không Quân QLVNCH và Løc Quân Hoa Kÿ
M¶t vài nhÆn xét và kinh nghiŒm
   Có nhiều anh bạn hỏi tại sao N. lúc ở Việt Nam thì N. ở trong Không Quân mà sao sang Mỹ lại không gia nhập KQ Mỹ mà lại ở trong Lục Quân Mỹ. Cũng là tại số cả! Số là sau khi tốt nghiệp Y khoa N. tình nguyện gia nhập KQ Mỹ, đã đi khám sức khỏe trong KQ và được chấp thuận vào.

Nhưng khi đi chọn đơn vị làm việc thì KQ Mỹ không có chỗ (opening) làm việc ở vùng Hoa Thịnh Đốn trong khi đó thì Lục Quân có chỗ gần nhà nên N. xin thuyên chuyển về Lục Quân.  

Nói chung thì Lục Quân có nhiều đơn vị ở các tiểu bang và ở khắp thế giới còn KQ thì có ít hơn. Tuy vậy KQ Mỹ vì là một binh chủng mới, sinh sau đẻ muộn nên có các cơ sở, nhà thương hiện đại tối tân hơn nhiều nhưng đơn vị lại ở chỗ xa xôi hẻo lánh như Nebraska, Alaska, North Dakota hay Greenland (Đan Mạch) thành ra so sánh Lục Quân Mỹ và KQ Mỹ thì một bên  tám lạng một bên nửa cân!   

Nhận xét đầu tiên khác và rõ rệt nhất về nhà binh Việt Nam và Hoa Kỳ là luật pháp: luật rừng hay rừng luật. Đại cương ở Hoa Kỳ là xứ có nhiều luật (rừng luật) hơn tất cả các xứ trên thế giới. Lục Quân Mỹ cũng   không tránh khỏi. Ví dụ như là chuyện nhỏ nhặt là hộp khe để hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân tại cửa phòng khám bệnh cũng có điều lệ chỗ nào để được và phải đóng loại đinh nào chứ không được tùm lum muốn đóng đinh tường hay đinh xoắn ốc vào cửa hay tường. 

Hồ sơ thì phải giấu tên bệnh nhân và lý do khám bệnh không được tiết lộ khơi khơi để khi bệnh nhân khác đi ngang qua có thể trông thấy đọc được vì phải tôn trọng danh tính kín đáo của bệnh nhân. Hơn nữa, theo điều lệ (regulations) thì ghế ngồi chờ đợi tới lượt khám bệnh ở phòng đợi cũng phải ở xa chỗ khám vì sợ bệnh nhân ngồi ngoài có thể nghe thấy chuyện khai bệnh riêng tư của bệnh nhân khi được khám bệnh.   

Về hình phạt, Việt Nam có phạt củ hay trọng cấm rất dễ dàng. Các xếp ở Việt Nam nếu không được vừa lòng thì phân phát tù trọng cấm cho các nhân viên dưới quyền một cách rất phóng khoáng (cavalier) như chẳng hạn chuyện một ông xếp đi thăm viếng không báo trước một đơn vị xa xôi mà đơn vị trưởng ở đó đang được đi phép (mà ông ta không biết) thành ra không có mặt tại đó. Ông xếp cao đó bèn lấy cớ đi “thanh tra” kệ thuốc  và lẽ dĩ nhiên sẽ “khám phá” được một lọ thuốc trên kệ đã bị quá hạn ngày sử dụng.  

Ông ta bèn ra lệnh phạt củ 15 ngày trọng cấm ông đơn vị trưởng đó. Quân đội Hoa Kỳ thì khác: muốn phạt trọng cấm là đi tù thật sự nhưng chuyện phạt tù giam là cả một  vấn đề trọng đại như giết người, hiếp dâm, v.v… có ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp trong hay ngoài nhà binh của đương sự.

Như là chuyện Ch. Tướng P.W. Tibbets bị mất chức vì phát ngôn bừa bãi với nhân viên dưới quyền và lạm dụng công xa để di chuyển chuyện nhà thì bị mất chức (chứ không như ở VN xưa kia lạm dụng dùng xe Jeep như xe nhà).   

Lại nhớ đến vụ BS H. T. Nhơn có một thời làm loạn ở Quân Y Viện Nha Trang hành hung cấp trên và cấp dưới các nhân viên bệnh viện mà các cấp trên từ Cục trưởng Quân Y đến Chỉ huy trưởng Quân Y Viện và Tiểu khu trưởng cũng bó tay chịu trận để mặc ông ta thao túng! N. trong hơn hai mươi năm trong Quân đội Hoa Kỳ chả thấy ai bị giam trọng cấm vì một lọ thuốc quá ngày.    

Vài năm trước có một Y sĩ Đại úy M. G. Hamner thường trú học hậu đại học khoa tê mê có lỡ dùng thuốc sai lầm làm chết một bệnh nhân. Điều tra lên điều tra xuống, thượng cấp tha ông y sĩ đó vì có nhiều sự kiện không rõ ràng để mà buộc tội ông ta như là thuốc trên làm chết bệnh nhân hay là do bơm thuốc nhanh hay chậm, vì bị phản ứng anaphylaxis thuốc đó hay là tại vì thuốc đó cộng với các thuốc khác v.v…

Nhưng khổ cho ông y sĩ trẻ đó là vì bệnh nhân lại là một cô sinh viên trẻ trung con của một ông Đại tá Thủy Quân Lục Chiến đi mổ cắt một bướu lành nhẹ ở cổ, tưởng đi mổ buổi sáng, chiều ra về mà ngờ đâu lại mê man bất tỉnh rồi qua đời luôn.  

Ông bố Đại tá TQLC đó quá giận dữ lại thấy ông y sĩ đó không bị phạt nặng gì cả chỉ bị giấy khiển trách mà thôi! Ông ta thấy vô lý quá nên ông ta đùng đùng nổi giận đi kiện ông y sĩ đó. Nhưng trong lúc kiện   tụng, ông ta lại lên trình cho thượng cấp của ông là Đại tướng Tư lệnh TQLC.   

Ông này thấy bất công nên giận dữ sai Quân Pháp dưới quyền “to get it” nghĩa là tìm cách hạ sát ván ông y sĩ thường trú làm lỗi đó. Nào ngờ đâu ông y sĩ đó vì sợ bị phạt tù sẽ bị mất quyền hành nghề bác sĩ vĩnh viễn mất luôn một nghề kiếm khá nhiều tiền sau khi khổ sở học cả vài chục năm thành như con hổ bị chận đường cùng ông y sĩ kiếm một ông luật sư trứ danh cãi hộ.

Ông luật sư khôn ngoan này tìm các kẽ luật sơ hở để cãi văng là cuộc xử kiện này không theo đúng luật vì bị unlawful command influence (bị ảnh hưởng cấp trên bất hợp pháp) của ông Tướng Tư lệnh TQLC dùng quyền lực lạm ảnh hưởng tới luật pháp. Như vậy luật không được nghiêm minh nên Đại úy H. được xử nhẹ tội hơn!   

Chắc các bạn còn nhớ vụ cô Trung úy K. Flinn trong KQ Mỹ có mèo mỡ với lính dưới quyền nhất là với hạ sĩ quan hay binh lính mặc dù thuộc hệ thống quân giai hay không, (chả bù với các ông sĩ quan cao cấp có bà hai bà ba mèo chó với nữ nhân viên dưới quyền bị bắt tại chỗ mà không bị phạt nặng gì cả chỉ bị khiển trách mà thôi) trong khi đó thì cô ta lại bị xử dưới quân luật (court-martial).  

Cô ta sau đó được Bộ trưởng KQ cho ra khỏi KQ nhưng giải ngũ không có danh dự (dishonorable) vì tội trạng rất rõ ràng là cô ta đã được khuyên ngăn bởi cấp trên hai lần, hai vụ ngoại tình khác nhau không những với một hạ sĩ quan có gia đình lại với một người lính khác nữa. Ông luật sư này cãi lại là cô ta rất giỏi là nữ phi công B-52 rất có thể lên tướng được nhưng bị ghen tị bởi các nam phi công khác.

Ông ta lại dùng món đòn nam nữ bình quyền chính trị hóa tìm cách lôi cuốn các nữ Thượng nghị sĩ, Dân biểu làm to chuyện nên cuối cùng ông Bộ trưởng KQ phải nhượng bộ nuốt giận để cho cô K. này giải ngũ với danh dự (không được honorable thì khó kiếm việc tốt ở ngoài dân sự).   Còn ở Việt nam Cộng Hoà ngày xưa thì mèo mỡ trên dưới ngang dọc đầy đàn che dấu hay ngang nhiên đều coi như là thường tình không đáng kể!   

Thông thường các chuyện phạm tội nho nhỏ trong quân ngũ thì chỉ bị khiển trách (counseling) trên giấy tờ mà thôi. Nặng hơn một chút như đánh lộn hay say rượu thì bị Article 15 nghĩa là bị buộc tội trên giấy tờ nhà binh mà thôi, Có thể hình phạt là bị giữ trong doanh trại vài ngày hay tối đa thì bị dùng làm một lý do không tốt khi cấp trên xét cử thăng thưởng nhưng khi ra khỏi quân ngũ thì hồ sơ tòa án dân sự vẫn còn trinh bạch.

Tuy vậy Article 15 cũng phải được điều tra lên điều  tra xuống và phải có luật sư quân pháp xét xử các dữ kiện và bênh vực cho lính phạm tội chứ không như các ông xếp Việt nam xưa kia phân phát phóng khoáng các giấy trọng cấm như giấy confetti khi không được vừa lòng bởi các nhân viên dưới quyền.    Trở về chuyện đi thanh tra các nhà thương hay bệnh xá cũng có luật lệ rườm rà.

Thời N. trong quân ngũ có luật lệ rõ ràng theo đúng tôn chỉ của JCAHO (Joint Commission on Accreditation of Health Care Organizations) có nhóm chuyên viên (cả chục chuyên viên đủ mọi ngành) đi thanh tra báo  trước cả mấy tháng. Cũng có vụ thanh tra bất thần như khi có nghi vấn quan trọng nào đó nhưng ít khi xảy ra vì không muốn xáo trộn cuộc điều hành chữa trị của các cơ sở y khoa đó (đúng như khẩu hiểu ‘Tất cả cho bệnh nhân’ hay ‘Bệnh nhân là lý do tồn tại của cơ sở này’ chứ không phải lý do là thượng cấp muốn nặng phần trình diễn!)  

Chuyện nữa là KQ Việt Nam xưa kia đâu có chuyện màu da kỳ thị vì ai nấy đều một dòng giống Lạc Hồng cả, ngoại trừ vài trường hợp hiếm có như gốc Hoa/Miên hay gốc dân tộc thiểu số nhưng trong quân đội Hoa Kỳ thì họ rất sợ vụ kỳ thị da màu. Thành ra có nhiều vụ các chàng nhất là các nàng da màu thiểu số hơi một tí khi bị cấp trên khiển trách là nhanh nhanh đánh ván bài kỳ thị chủng tộc ra cãi bay tội trạng của họ.  

N. có được chứng kiến nhiều vụ cấp trên da trắng điên đầu khi điều hành đơn vị của họ. Khi N. làm Chỉ huy Trưởng N. dùng gậy ông đập lưng ông bằng cách chọn thượng sĩ thường vụ (First Sergeant- rất có nhiều quyền hành với binh lính- gần như là chỉ huy tất cả các binh lính dưới quyền) đơn vị là một người da màu thiểu số.  

N. để ý là trong quân đội Hoa Kỳ chỉ có 20% hay quá lắm là 30% là lính da màu thiểu số nhưng các thượng sĩ thường vụ hay sĩ quan điều hành mà là dân thiểu số thì chỉ hơi tốt giỏi một tí thì được thăng thưởng lên để cho tụi nó trừng trị lẫn nhau cho ông đơn vị trưởng (da trắng hay da đen) được tránh tiếng. Thành ra có vài sĩ quan và hạ sĩ quan da màu thiểu số lợi dụng cách đó mà vùn vụt được thăng bổng cao cấp một cách dễ dàng như vụ một ông tướng bốn sao mặc dù làm mất súng cá nhân khi ông ta là Đại úy mà vẫn được thăng thưởng sau đó lên tới làm bộ trưởng!    

Về huy chương thăng thưởng, phía Quân đội Hoa kỳ gần như là mỗi lần sau khi phục vụ ở một đơn vị (“tour”) 1 hay 2 hay 3 năm gì đó khi thuyên chuyển ra một đơn vị khác thì đơn vị cũ sẽ tưởng thưởng cám ơn bằng tặng cho một huy chương (vì vậy muốn lên lon hay muốn có nhiều huy chương đầy ngực thì nên thuyên chuyển nhiều trong Quân đội Hoa kỳ).  

Thường thường là được một huy chương kém nhất là Army Achievement Medal (AAM) nếu làm việc tầm thường mà không lỗi lầm, nếu làm giỏi giang hơn thì được huy chương cao hơn là Army Commendation Medal (ARCOM) hay xuất sắc hơn thì được Meritorious Service Medal (MSM) hay tuyệt đỉnh là Legion of Merit (LOM) thường được dành khi về hưu.  

Bên Việt nam thì hình như không được tưởng thưởng huy chương sau mỗi lần đổi đơn vị ngay cả khi xong  một chuyến phục vụ tại một đơn vị tác chiến đi hành quân mút mùa! N. không hiểu tại sao: hay tại Quân đội Việt nam nghèo quá không có ngân khoản mua huy chương, hay chỉ cho các đơn vị tác chiến tổng trừ bị như Nhẩy dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân hay Lực Lượng Đặc Biệt được gắn tại mặt trận, hay là tại các vị chỉ huy trưởng vì đóng bè kết cánh chỉ ở một đơn vị ngon dậm chân tại chỗ nên không muốn đàn em có nhiều huy chương? 

Muốn được huy chương thì trong Quân đội Hoa kỳ thì phải có hồ sơ đề nghị rồi được cứu xét rất kỹ lưỡng phải qua một hội đồng kiểm soát chứ khộng thể phát dễ dàng như phát kẹo. Huy chương cao cấp nhất rất được trọng nể là Medal of Honor do Tổng thống ban cho và được lãnh suốt đời một số tiền hàng tháng  (khoảng 1,400 đô -thời năm 2019 và được tăng hàng năm tuy theo vật giá gia tăng).   Không hiểu ở Việt nam Bảo Quốc Huân Chương có được thưởng hiện kim hay không (hay chỉ phát cho các Tướng “bị” cho về vườn như khi bị chỉnh lý hay bị đảo chánh).

Huy chương rất được quý trọng như chuyện ông Đô Đốc Hải Quân J.M. Boorda đã tự tử khi một ký giả khám phá là ông ta đã đeo huy chương có  chữ “V” (‘Victor’, chỉ được tưởng thưởng khi ở chiến trận thực sự mà thôi). (Ông ta không ở ngoài mặt trận). Tuy vậy trong Quân đội Hoa kỳ cũng có trường hợp sĩ quan cao cấp lạm dụng huy chương nếu khéo bầy vẽ (B.G. R. C.)  

Chuyện khác là y sĩ phi hành. Số là N. cũng có máu bay bổng nên tuy gia nhập Lục Quân Mỹ nhưng N. cũng tìm cách đi bay. Biết rằng trong Lục quân Mỹ cũng có nhiều máy bay (như các binh chủng Hải Quân, TQLC cũng có máy bay riêng) nhất là nói về tổng số máy bay (aircrafts) thì Lục Quân Mỹ có nhiều máy bay hơn KQ Mỹ vì không những Lục Quân cũng có máy bay "cánh cứng" mà lại có rất nhiều máy bay trực thăng hơn tất cả các binh chủng khác (nhớ cảnh tàu chiến Hải Quân Mỹ vứt bỏ dễ dàng các máy bay trực thăng của KQ Việt Nam khi di tản đáp lên tàu Mỹ hồi mất nước April 1975) nên Lục Quân Mỹ rất cần nhiều y sĩ phi hành (Lục Quân Việt Nam không có y sĩ phi hành). 

Thế là N. cũng được gửi đi học khóa Y sĩ phi hành và được dạy lái máy bay trực thăng. Vì muốn được lĩnh tiền bay nên mỗi tháng phải đi bay tối thiểu là sáu giờ bay thật hay ngồi trên máy bay cũng được kể như là có đi bay. Có một lần khi đóng ở bên Đức, N. đã đi bay với một phi công trực thăng, có một phi vụ rõ ràng. N. dụ ông ta đi bay tới một tỉnh nhỏ có một ông bạn bác sĩ Việt Nam cùng trường cùng lớp nhưng hành nghề bên Đức (BS D.Q. T.). Ông phi công đó vì nể N. là Y sĩ phi hành ông ta mỗi năm phải đi khám sức khỏe định kỳ thường niên nên ông ta bằng lòng lái tới đó.  

Lái tới đó đáp xuống heliport nhà thương ông ta không dám ở lâu như mèo mắc đái đòi về ngay vì bay như vậy là đi ngoài phi vụ sợ bị phạt tuy rằng trên máy bay đó chỉ có N. và ông ta mà thôi! Chả bù khi ở Việt Nam xưa kia có lần N. được một ông bạn phi công rủ đi bay ông ta lấy khu trục bay cùng N. đi lượn lên lượn xuống ngoài biển bay số 8 dễ dàng (fun ride) mà chả sợ bị khiển trách gì cả!  Về thuyên chuyển: ở Việt nam thì nếu ở đơn vị tác chiến thì 2 năm được thuyên chuyển.

Nhưng nếu đang ở một đơn vị ‘thơm’ nghĩa là có được kiếm chác thêm tí tiền còm như mở phòng mạch riêng hay làm thuê them thì có thể ở lại mút mùa nếu được xếp thương. Thành ra có chuyện bè đảng trung thành như ở một đơn vị nào đó đầy một binh chủng cùng với xếp lớn mặc dù đơn vị đó phục vụ cho toàn thể Quân đội! Bên Hoa kỳ thì không có chuyện đó: trước hết không được khám bệnh tư, sau đó muốn được thăng cấp thì nên thuyên chuyển nhiều vì có thêm ‘exposure’ nhiều kinh nghiệm hơn là ở một chỗ cũ. Khi được cứu xét lên lon thì họ chú ý chuyện đó.  

Một ‘tua’ (tour) bên Hoa kỳ là sau 2 hay 3 hay 4 năm là phải đi trừ khi thuộc một ngành chuyên môn như giải phẫu thần kinh (phải ở lại Tổng y viện) hay đang làm giáo sư chánh ngạch (tenure) giảng dậy. Thành ra bên Hoa kỳ có sự công bằng hơn: không thể kéo bè đảng với nhau thao túng tác oai tác quái được. 

Trở về thăng thưởng thì Quân y Hoa kỳ được chia ra 3 ngã: chỉ huy, lâm sàng (clinical-khám bệnh) và dậy học. Muốn lên Tướng thì ở ngã chỉ huy thì dễ lên hơn cộng thêm với đi thụ huấn các khoá binh nghiệp như sau đây: 

1- cấp Uý thì đi học khoá Captain’s Career Course (thay thế khoá CAS3 hay Combined Armed Services and Staff School). 

2- cấp Tá thì học khoá Command and General Staff College 1 năm tại Fort Leavenworth, Kansas (Cựu TT N.V.Thiệu, Đ.CaoTrí ...có học ở đó như TT D.Eisenhower, ĐT McArthur...) 

3- sau đó học Cao học Quân sự tại National Defense University gồm có National War College, D.D. Eisenhower School for National Security and Resources Strategy (thay thế Industrial College of the Armed Forces), College of Information and Cyberspace, Joint Forces Staff College. (Khoảng một năm thụ huấn).

Các khoá trên có thể học hàm thụ được nhưng lâu hơn. Ngoài vụ đi phục vụ thành công ở nhiều đơn vị lẫn đi thụ huấn nhiều khoá học cao cấp, nhưng cũng cần được may mắn vì N. cũng đã chứng kiến vài vị chỉ huy trưởng rất xuất sắc nhưng không được lên lon chỉ vì có binh lính dưới quyền vi phạm kỷ luật vì chỉ huy trưởng phải chịu trách nhiệm cho tất cả các thuộc cấp (như trường hợp COL R. E., COL A. B., MG K.C.K.) (trạnh nghĩ tới vụ H.T.Nhơn). 

Gần đây Quân lực Hoa kỳ lại còn bị ảnh hưởng về vụ #MeToo movement hay phong trào chống sách nhiễu tình dục, các ứng cử viên từ dưới tới lớn, từ nghị viên cho tới bộ trưởng hay Tối cao Pháp viện đều lo lắng bị các cử tri phái nữ lôi những chuyện lăng nhăng “he said, she said” cả mấy chục năm trước ra làm bêu xấu các ứng cử viên!  

Quân lực Hoa kỳ cũng không tránh khỏi “dịch” đó. Chẳng hạn chuyện cách đây không lâu có một ông Tướng hai sao R. Gonsalves (Thiếu Tướng) được bộ Quốc phòng Hoa kỳ đề nghị cho lên ba sao (Trung Tướng).  

Khi hồ sơ thăng cấp được chuyển lên Quốc Hội (Thượng Nghị Viện) cứu xét thì họ nhận được một thơ của một cô thư ký làm dưới quyền ông Tướng đó tố cáo là ông ta gọi cô ta là ‘sweetheart’ cách đây độ 10 năm! 

Thế là ông Tướng đó không những không được lên thêm một sao mà lại còn bị ép buộc phải về hưu vì bị nhúng chàm hết còn hữu dụng trong quân đội nữa. Đó là một ông tướng da trắng còn bị như vậy. Còn nếu là dân thiểu số thì lúc nào cũng như là ngồi trên ổ kiến lửa lúc nào làm chuyện gì cũng phải hỏi JAG (Judge Advocate General) cho đúng luật. 

Thành ra chung quy là mặc dù Hoa Kỳ là đứng đầu thế giới tự do nhưng  thật sự thì ai nấy đều bị bao bọc bởi nhiều mạng nhện rừng luật. Quân  đội Hoa kỳ nói chung, Lục Quân hay Không Quân Hoa Kỳ nói riêng, cũng  không tránh khỏi mạng lưới rừng luật đó lại còn bị một mạng lưới quân  pháp khe khắt tùy theo mỗi binh chủng nên làm việc gì cũng e sợ bị  dính trái luật từ lúc đánh nhau chiến trường (như lỡ thả bom tiêu diệt địch  đang trú ẩn trong một di tích lịch sử) cũng như làm những chuyện  thông thường đều phải đi tham khảo với luật sư quân pháp.  

Quân đội Hoa  Kỳ 24 tiếng trên tiếng đồng hồ tất cả mọi hành vi phong tác đều bị kềm kẹp trong quân luật cả, từ tóc dài ngắn ra sao, nam hay nữ, ăn mặc  nghiêm chỉnh như thế nào cho đến tác phong hành động ngoài công cộng.   

Vì vậy mỗi cô chú lính Hoa Kỳ hay được gọi là GI (Government Issue) nghĩa là thuộc chính phủ vì chính phủ lo hết tất cả các mọi mặt đời
sống của binh lính nên bị chi phối hoàn toàn bởi chính quyền. Đã thế Quân Đội Hoa kỳ lại bị kềm kế hơn nữa là các nhân viên dưới quyền nếu không  bằng lòng thì họ có thể khiếu nại với Dân biểu hay Thượng nghị sĩ ở vùng họ.  

Thành ra ở các đơn vị Quân đội lớn ở Hoa kỳ có cơ quan chuyên môn  giải quyết các vấn đề liên quan tới Congress (Congressional Liaison Office).   

Ở Việt Nam thì Quân đội là vua đến nỗi các Tỉnh Trưởng, Tiểu Khu Trưởng đều là nhà binh, dân chính chỉ lên tới phó Tỉnh Trưởng là hết! Thành ra Quân Đội Việt Nam là nhất.  

Như đã kể trên Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đã có ít luật hơn mà lại không được tôn trọng hay bị lạm dụng tùy hứng của các tai to mặt lớn ban bố phán xét mà chả cần phải theo luật pháp gì cả như là luật rừng. Ngẫm nghĩ đi ngẫm nghĩ lại không hiểu ở xứ nào “tự do” hơn đây! Hay là “luật rừng” đấu với "rừng luật” đây? 

Nguyễn Dương

Y sĩ Trung uý Lục Quân QLVNCH
Y sĩ Đại uý Không Quân QLVNCH
Y sĩ Đại tá Lục Quân Hoa kỳ (1992), hồi hưu 1999.
Cựu Y sĩ Trưởng Sư Đoàn 1 Thiết giáp Hoa Kỳ (tham dự Chiến Tranh vùng Vịnh-Desert Storm). 

Sep. 2019 


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020