CHƯƠNG V
TRẢI QUA MỘT CỤÔC BIỂN DÂU
Sự hưng thịnh và suy vong của Tân Pháp (Nouvelle France)
Trong thế kỷ XVII, người Iroquois trở thành một lực lượng quân sự đáng quan ngại nhất là sau khi họ đã lần lượt tiêu diệt người Mohican rồi chiếm cứ cả vùng thung lũng Hudson và tiêu diệt luôn cả người Huron. Giờ họ quay sang địch thủ còn lại là các cư dân người Pháp lúc đó chỉ mới có khoảng 350 trong khi dân số Iroquois là 12,000 và lúc nào họ cũng có sẵn sàng 2,000 chiến binh. Đầu năm 1643 họ bắt đầu tấn công Ville Marie và Trois-Rivières rồi vây hãm suốt 20 năm khiến các cư dân Pháp không mua bán, trồng trọt, săn bắn hay đánh cá gì cả đành phải sống bằng ăn thịt gia súc tới nỗi một con ngựa cũng chẳng còn. Số cư dân bị giết lên tới 10%, một toán gồm 16 người Pháp liều lĩnh đi ra khỏi đồn, men theo sông Ottawa bị phục kích, chết 11 còn 5 bị bắt và bị ăn thịt, nhất là trái tim được người Iroquois coi là khi ăn sống sẽ tăng cường sức lực.
SỰ HƯNG THỊNH CUẢ TÂN PHÁP
Thuộc điạ Tân Pháp chỉ chờ ngày tận diệt thì may thay vị thủ tướng Pháp cũ vốn là người không thiết tha gì tới các thuộc địa qua đời, đồng thời vua Louis XIV mới đăng quang, tuy mới 22 tuổi nhưng có hùng tâm muốn mở mang các thuộc địa, với sự cố vấn của tân thủ tướng Jean-Baptiste Colbert đã hủy bỏ One Hundred Associates và biến Tân Pháp thành một tỉnh của Pháp, đồng thời bổ nhiệm một thống đốc/Governor có nhiệm vụ chính yếu về địa hạt chính trị và quân sự với một quản đốc /Intendant chuyên trách về hành chính và tài chính.
Colbert chủ trương một chính sách thương mại ba chiều giữa mẫu quốc Pháp với hai thuộc địa Canada và Caribbean đại khái như sau:
-Thuộc địa Canada cung cấp da hay lông thú, cá, gỗ và khoáng sản
-Thuộc địa Caribbean cung cấp rum, đường, mật mía
-Pháp cung cấp vải vóc và chế tạo phẩm.
Vào tháng 6.1665 người dân Tân Pháp rất hưng phấn khi thấy 4 chiếc tàu chở nhiều đại đội tinh nhuệ Pháp với vị thống đốc đầu tiên de Courcelle, quản đốc đầu tiên Jean Talon, và tư lệnh De Tracy tới Quebec. Tất cả thuộc dân cùng bắt tay kiến tạo một thành phố với đầy đủ tiện nghi, các binh sĩ mãn hạn ở lại được tặng đất và tiền, các sĩ quan còn được tước phong làm lãnh chúa, tóm lại mọi sự thăng tiến tốt đẹp chỉ còn thiếu có đàn bà.
Bộ trưởng Colbert có nhãn quan tinh tường, thấy cần phải gia tăng dân số nên vào tháng 10 cùng năm 1665, nhiều tàu tới liên tiếp, nhưng không chở theo binh sĩ hay ngưạ mà cả hàng trăm, rồi bao nhiêu hàng trăm đàn bà, được gọi là “ Con gái của Vua” nhưng hầu hết đều là con nhà nghèo khó hoặc vô gia cư vô nghệ nghiệp, một số nhỏ mồ côi, du thủ du thực, một số it hơn nữa con nhà đàng hoàng nhưng người nào cũng có chút hồi môn của nhà vua cấp cho và hầu hết thành hôn chỉ sau khi tới Tân Pháp chừng hai ba tuần lễ. Số con gái vua theo nhiều sử gia khoảng 850, trước khi họ tới thì tỷ lệ đàn ông gấp 6 lần đàn bà, nhưng chừng 20 năm sau khi họ tới thì số lượng hai phái xấp xỉ nhau.
Jean Talon còn khuyến khích chuyện thành hôn sớm, trai dưới 20, gái dưới 16 mà kết hôn được thưởng 20 livres ngày hôn lễ, vợ chồng nào càng có nhiều con thì càng được thưởng nhiều thêm, kết qủa rất thành công và thuộc địa Tân Pháp vào năm 1670 đã có dân số là 10,000. Ông còn làm luật phạt những con trai không chịu lập gia đình như không được quyền đi săn bắn hay buôn bán tuy có điều tức cười là chính bản thân ông lại không hề lấy vợ. Jean Talon chỉ làm hai nhiệm kỳ, cả thẩy có 6 năm mà thực hiện được rất nhiều công trình, xây dựng bến tàu đầu tiên, nhập cảng các gia súc, thành lập các cộng đồng, khuyến khích việc dệt vải, thiết lập đầu tiên chế độ phục cấp gia đình, khuyến khích việc mở mang các cửa tiệm, các lữ quán, nói tóm lại đã làm Tân Pháp tiến triển trên mọi phương diện. Jean Talon ôm mộng một đế quốc Pháp tại Mỹ Châu, khuyến khích các đoàn thám hiểm đi sâu vào các rừng rậm để tìm thêm các bộ lạc mới và kiếm thêm đất mới mặc dầu đã có nhiều người cảnh cáo không đủ người để phòng thủ một mảnh đất qúa rộng lớn. Những người đi xông xáo vào các khu rừng chưa khai phá để buôn bán có một biệt danh mới là coureur des bois/ lâm du tử. Chỉ trong vòng hai chục năm, thuộc địa Tân Pháp đã mở rộng từ Hudson Bay tới vịnh Mexico, ngang tới lưu vực sông Mississipi. Việc này làm gai mắt các người Anh kế cận gồm 100.000 cư dân trong khi Tân Pháp mới chỉ có 10,000.
Người lãnh đạo tâm linh Tân Pháp là giám mục Francois de Laval de Montmorency, một người rất quả quyết và khắc khổ. Laval thuộc dòng Jesuits, thụ phong linh mục năm 1647. Năm 1653 ông gặp cha Alexandre de Rhodes, tình nguyện đi Á châu và được chỉ định đi Bắc Kỳ nhưng Portugal phản đối vì cho rằng các tu sĩ Jesuits thường bênh vực qúa đáng các người bản xứ khiến gây ra nhiều chuyện lộn xộn. Sau vua Louis XIV đề nghị với La mã cho ông sang làm giám mục Tân Pháp và ông tới Quebec ngày 16.6.1659. Khi đó Tân Pháp chỉ có dân số khoảng 2,000 tập trung tại ba nơi là Quebec: 1,200, Trois Rivières và Montréal mỗi nơi vài trăm người.
Ông là người quyết liệt chống lại việc bán rượu cho thổ dân. Năm 1662 ông đích thân về Pháp yêu cầu triệu hồi thống đốc Pierre d’Avaugour đã cho phép bán rượu cho thổ dân và Louis XIV đã nghe theo. Ông là người sáng lập Viện Thần học Quebec năm 1663 sau trở thành Đại học Laval. Trong thời kỳ trông coi giáo phận Tân Pháp ông đã cho xây cất được rất nhiều nhà thờ, tuy nhiên các nhà chức trách không mấy ưa ông vì ông thường đụng chạm tới họ và một thống đốc đã than phiền là Giám mục Laval không nghe ai hết ngoài Chuá.
Ông đảm nhiệm chức Thống đốc tạm thời hai lần, năm 1663 và 1682. Ông dâng hết tài sản của ông cho giáo hội Quebec và chọn Quebec làm nơi sống cuối đời, mất ngày 6.5.1708. Năm 2014 giám mục Laval được phong Thánh bởi Giáo hoàng Francois. Năm 2018 ông được bộ Văn hoá và Truyền thông Canada công nhận là Người của Lịch sử.
Về dòng các bà sơ thì hoạt động rất hăng hái có Mère d’ Youville đã sáng lập ra dòng Grey Nuns chuyên về các công cuộc từ thiện như lập nhà dưỡng lão, nhà cho trẻ mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, trợ giúp những người lâm cảnh hoạn nạn với tiền kiếm được do làm vườn bán hoa, mở tiệm bánh, làm các sản phẩm thủ công nghệ. Mère d’ Youville về nước Chuá năm 1771 và là người sinh trưởng tại Canada được phong Thánh đầu tiên vào năm 1994.
Tân Pháp cũng có chế độ nô lệ là người da đen hoặc thổ dân. Họ được đối xử ra sao nếu đem so sánh với chế độ nô lệ tại Mỹ hay tại Anh. Để trả lời xin đọc một điều trong bộ luật Code Noir tại Tân Pháp: Nếu một người da đen toan trốn, ta sẽ cắt tai hắn và nung lửa đóng dấu hình hoa huệ trên vai; nếu hắn toan trốn lần thứ hai ta sẽ cắt gân cẳng sau; nếu hắn liều lĩnh tái phạm thì xử tử.
Tân thống đốc Tân Pháp Bá tước de Frontenac, vận động sang đây cũng nhằm mục đích làm giàu, rất hăng hái trong công cuộc bành trướng đất đai nên đã liên kết với La Salle, một người tu xuất đang cạnh tranh với các thương gia một cách bất chính là bán rượu rẻ tiền không nguyên chất cho các thổ dân để đổi lấy da và lông thú có giá trị gấp trăm lần. La Salle còn bị ám ảnh muốn đạt tới vinh quang bằng cách tìm ra đường biển nam dẫn tới Trung Hoa.
Vào muà thu 1679, ông khởi đầu nhiều chuyến thăm dò sông Mississipi và tháng 4.1682 sau 4 năm thám hiểm ông đã biến vùng Louisiana thành một lãnh thổ của vua Pháp và được phong làm Toàn quyền lãnh thổ mới này. Trong những cuộc thám hiểm sau đó tại vùng châu thổ sình lầy Mississipi, La Salle cưỡng bách các thuộc hạ chấp hành một cách gian lao khiến nhiều người bị chết và họ nổi loạn, bắn chết La Salle. Kết quả những việc làm qúa trớn khiến công qũy thiệt hại, thổ dân bất bình, các thương gia chán nản dẫn tợi hậu qủa Frontenac bị triệu hồi nhưng sự thể có lẽ đã hơi muộn.
Thống đốc New York lo ngại trước sự bành trướng của Pháp, xúi dục người Iroquois nổi dậy chống Pháp trong khi người Pháp lại liên kết với các bộ lạc phía tây và súi họ chống lại người Anh. Năm 1687 một phái đoàn chừng 40 người Onondaga tới gặp người Pháp để đề nghị ký hòa ước thì bị bên Pháp bắt hết và đưa về Pháp làm nô lệ, sau đó còn tiến sâu vào vùng người Seneca đốt phá, hủy hoại muà màng và tất nhiên người Iroquois phải trả thù và cứ thế cuộc xung đột kéo dài mãi.
Trong tình hình gây cấn đó thì chiến tranh xảy ra giữa hai mẫu quốc Anh và Pháp vào mùa xuân 1689. Tại Bắc Mỹ, vào sáng sớm ngày 5.8.1689 khoảng 1,500 người Iroquois tấn công LaChine, chừng 100 người Pháp kể cả đàn bà, trẻ em bị bắt đi hoặc bị giết và Lachine bị thiêu hủy. Lịch sử gọi vụ này là cuộc tàn sát Lachine. Năm 1692 Iriquois đột kích một nông trại nhưng chủ trại đi vắng nên con gái 14 tuổi tên là Madeleine de Verchères trá hình bằng cách mặc đồ lính, bắn súng báo động các hàng xóm, đã cùng mấy người em chống trả lạị quyết liệt khiến các thổ dân phải rút lui. Madeleine được lịch sử ca tụng như một anh thư không khác gì Joan of Arc.
Frontenac xin trở lại làm thống đốc 10 năm sau để dẹp thổ dân Iroquois, một đồng minh của người Anh và khi Iroquois tấn công thì Frontenac quyết định phản công lại người Anh ngày 14.2.1690. Phiá người Anh đối phó bằng cách gửi một hạm đội dưới quyền chỉ huy của William Phips gồm 34 chiếc tàu chở 2,300 binh sĩ, từ Boston theo sông Lawrence tới bao vây Quebec và gửi tối hậu thư: Ông được có một giờ để đầu hàng. Tuy nhiên lần này Quebec có 3,000 binh sĩ với nhiều súng đại bác trên đồi cao bắn xuống sông khiến nhiều tàu của Anh bị hư hại. Quân Anh còn bị thêm dịch đậu muà hành hạ và muà đông đã tới kề, nên sau ba tuần đành rút lui.
Phần người Iroquois, cũng bị dịch đậu muà hoành hành nên đành ký hoà ước với Pháp vào muà hè 1701 tại Montreal, cam kết sẽ đứng trung lập trong cuộc tranh chấp giữa Anh và Pháp. Buổi lễ ký kết được tổ chức rất long trọng, bên Iroquois có 1,300 thổ dân đại diện cho 40 bộ lạc. Hoà ước Montreal ký chính thức ngày 4.8.1701 chấm dứt 100 năm chiến tranh giữa người Pháp và Iroquois.
Trong cuộc chiến lấn đất chiếm dân của các di dân Pháp, lịch sử còn ghi tên Pierre le Moyne d’ Iberville, là người Canada đầu tiên được ân thưởng Chevalier of the Order of St. Louis, một quân công bội tinh cao nhất tại Pháp và trở thành Sieur d’ Iberville.
Bố của d’Iberville, Charles tới Canada khi 15 tuổi và là một nô bộc cho các tu sĩ Jesuits nhưng khi ông qua đời 44 năm sau thì đã trở thành một lãnh chúa và là một trong những nhà giầu nhất Montreal.
Pierre cùng với 11 anh em đã chiến thắng hầu hết các trận chiến trên lục địa Mỹ châu, tại Hudson Bay, tại Newfoundland rồi thiêu hủy toàn thành phố St. John. Năm 1701, Louis IV chỉ thị cho ông thiết lập một tiền đồn tại cửa sông Mississipi để ngăn chặn quân Anh không tiến xuống phía nam được, tiền đồn này 17 năm sau trở thành New Orleans.
Tới giữa Thế Kỷ XVIII dân số tại Tân Pháp đã tăng lên 50,000, hầu hết có một đời sống sung túc và sung sướng hơn tại mẫu quốc nhiều. Các nhà thương, trường học mở ra trong đó có bệnh viện Port Royal và College of Quebec với chương trình giống hệt như tại Pháp. Quebec đã trở thành một Tiểu Versailles.
SỰ SUY VONG CỦA TÂN PHÁP
Tại Âu châu, cuộc chiến gọi là Spanish Succession chấm dứt năm 1713 với hoà ước Utrecht, theo đó Louis giành được ngai vàng Spain cho Philippe of Anjou với điều kiện sau này không được thừa kế Louis tại Pháp, nhưng tại Mỹ châu, Pháp thay vì phải trả tiền bồi thường chiến tranh, phải trả lại Anh vịnh Hudson, tất cả vùng Acadia tức Maritimes và Newfoundland. Pháp chỉ còn được giữ Ile Royale tức Cape Breton, Ile St Jean tức Prince Edward Island và đảo St Pierre and Miquelon. Vì Ile Royale là chỗ duy nhất cuả Pháp ngó ra Đại Tây Dương để đánh cá, người Pháp xây tại đây một đồn lớn và kiên cố nhất tại bắc Mỹ thời đó là Louisbourg vào năm 1720.
Số phận người Pháp vùng Acadia
Acadia là một thuộc địa sớm nhất của Tân Pháp – địa danh Acadia có lẽ lấy từ tên vườn Arcadia trên thiên đường theo thần thọai Hi Lạp. Acadia là cửa ngõ của sông St. Lawrence, là một điạ điểm chiến lược để bảo vệ Quebec và các thuộc địa nội địa. Trên thực tế Acadia còn là một vùng đất phì nhiêu, không có bệnh dịch và người Pháp với thổ dân – Mi’kmaq - đã sống chung hoà bình, thân thiện. Khi Port Royal được thành lập, các di dân đã kéo về đây định cư, tuy nhiên lãnh địa này bị buộc với kết qủa cuộc chiến tranh tại Âu châu giữa Anh và Pháp do đó trong vòng 100 năm Acadia từ 1613 tới 1710 đã 11 lần thay đổi chủ nhân.
Cuối cùng năm 1710 Francis Nicholson chỉ huy quân Anh với lực lượng 45 chiếc tàu chở 3,500 binh sĩ tấn công Port Royal dưới quyền thống đốc Daniel de Subercase với lực lượng phòng thủ chỉ có 300 lính vừa ốm vừa đói nên bên Pháp đành phải đầu hàng và Acadia lọt vào tay người Anh từ đó. Francis Nicholson, để vinh danh nữ hoàng Anne đổi tên Port Royal thành Fort Anne và cộng đồng dân cư được gọi là Annapolis Royal
Năm 1713 theo hiệp ước Utrecht, Acadia được trao cho người Anh và tại đó có chừng 2,000 nông dân Pháp theo công giáo không chịu tuyên thệ trung thành với vua Anh theo Tin Lành.
Người Anh lúc đó chưa đủ mạnh nên lờ đi nhưng 5 năm sau lại yêu cầu họ tuyên thệ khiến cư dân Pháp phải cầu cứu thống đốc Louisbourg. Rồi 10 năm sau nữa, vào năm 1750 người Anh lại yêu cầu họ tuyên thệ nhưng có điều khoản nói họ sẽ không bao giờ bị trưng dụng để đi đánh người Pháp và 4,000 người Acadian đã đồng ý. Số người Acadia như vậy đã tăng lên gấp đôi, lại có sự trợ lực ngấm ngầm của đồn Louisbourg nên người Anh cũng có chương trình xây dựng một tiền đồn tại Halifax. Kế hoạch được thực hiện với đại tá Edward Cornwallis xuất phát từ Anh với 2,500 người để thành một thuộc đia hùng mạnh và tới Halifax ngày 21.6.1749. Khi việc xây dựng Halifax hoàn tất, thủ đô Nova Scotia được rời từ Annapolis về đây với tân thống đốc là Cornwallis.
Người Acadia ngỡ là được sống yên ổn vì giữ trạng thái trung lập nhưng người Anh thì nghĩ khác, họ vẫn tin là người Acadia trung thành với Pháp, ngoài ra người Anh còn có manh tâm chiếm hết mảnh đất màu mỡ nhất Bắc Mỹ lúc đó.
Tháng 7.1755 thống đốc mới Lawrence lại yêu cầu người Acadia tuyên thệ nhưng không có điều khoản miễn trừ như trước nữa và người Acadia từ chối. Ngày 5.9.1755, thống đốc ra thông cáo mời các người Acadia tới nhà thờ trung tâm Grand Pré nghe tuyên cáo của Hoàng Gia và hơn 2,000 người đã có mặt. Bản tuyên cáo như là một trái bom vì theo đó người Acadia không phải là công dân, là lệnh trục xuất tất cả người Acadia thuộc nam giới từ 10 tuổi trở lên, đồng thời tịch thu tất cả động sản lẫn bất động sản nghĩa là vơ hết sạch sành sanh. Đám đông kêu uà lên phản đối nhưng thống đốc đã chuẩn bị lực lượng quân Anh sẵn sàng ra tay bắt hết cả đám đông hôm đó, đưa thẳng ra bến tàu dưới họng lưỡi lê và ngọn súng bỏ lại hết vợ con.
Cuộc trục xuất khởi đầu. Họ bị chở đi New York rồi từ đó bị phân tán đi khắp 13 thuộc địa Bắc Mỹ. Một số lớn sau tìm về cư trú tại đảo Ile Royale và Ile St. Jean nhưng số phận họ vẫn chưa yên vì sau này khi Louisbourg bị thất thủ, nhiều người trong bọn họ bị gửi đi các trại tập trung tại Anh khoảng 7 năm, một số bị chở về Pháp nhưng người Acadia đã xa Pháp trên 100 năm không còn cảm thấy Pháp là quê hương họ nữa. Số lớn sau đi tìm Louisiana làm nơi cư trú trở thành người Acadia-lưu vong mà con cháu họ sau này trở thành người Cajuns.
Năm 1755 người gốc Pháp tại Acadia có khoảng 12,000, sau 5 năm chỉ còn lại 2,000 rồi dưới 1,000. Cuộc trục xuất được thi hành bởi Trung tá Winslow, thuộc Massachusetts. Cảnh tượng thê thảm, bất nhân này đã được một quân y sĩ người Anh ghi lại ra sao ta cũng đóan biết được rồi. Một phần ba những người bị trục xuất chết vì các bệnh truyền nhiễm, một phần ba tới cư trú tại Louisiana, số còn lại tha phương cầu thực khắp mọi nơi trên châu Mỹ. Thống đốc Lawrence chết bất ngờ trong một buổi dạ tiệc năm 1760 tại Halifax. Trong danh sách thiết lập bởi John Robert Colombo với tựa đề Những người Canada bị khinh bỉ nhất từ xưa tới nay, Charles Lawrence được xếp hạng thứ nhì.
Năm 1764 lệnh trục xuất người Acadia bị bãi bỏ và khoảng 3,000 đã trở lại Nova Scotia tuy tất cả đất đai của họ đã đổi chủ và từ nghề nông họ phải chuyển sang ngư nghiệp hoặc lâm nghiệp. Tháng 12.2003 thủ tướng Jean Chrétien đã ra một bản tuyên cáo xác nhận việc trục xuất người Acadia là sai lầm và bất công.
Sự xây dựng Louisbourg
Nước Pháp do hiệp ước Utrecht 1713 tuy bị nhường cho Anh rất nhiều đất đai tại Bắc Mỹ nhưng vẫn chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tương lai giữa Anh và Pháp. Ngay mùa hè 1713 họ đã có chương trình xây dựng một đồn kiên cố tại Ile Royale tức Cape Breton với tên là Louisbourg – tên của vua Louis - và cổ võ các cư dân Newfoundland di cư tới đó. Người Anh ngược lại có những biện pháp để ngăn ngừa người Acadia tới Louisbourg như cấm không được đóng thuyền hay nhập cảng thuyền, cấm được bán tài sản và gia súc, tóm lại muốn trốn đi thì chỉ có tay không. Công cuộc xây dựng một thủ đô hành chính và quân sự khởi đầu từ 1719.
Mục đích cuộc kiến tạo Louisbourg, một công trình 26 năm, hoàn tất năm 1745, là:
- khai thác ngư sản
- chỗ định cư cho các người Acadia và các di dân
- bảo vệ Quebec và cửa ngõ sông St. Lawrence
- trung tâm liên lạc thương mại giữa các thuộc địa và mẫu quốc.
Về dân số, sự tăng trưởng rất mau chóng. Thuở mới thành lập chỉ có 16 đàn ông, 10 đàn bà và 23 trẻ em. Năm 1719 dân số là 823, năm 1726: 1,296, năm 1734: 1,616 tới năm 1752 lên tới 4,174. Về thương mại, sự thành công khá rõ rệt, hàng năm số tàu tới Louisbourg không dưới 200.
Tuy nhiên về phương diện quân sự thì đồn không có thuận lợi về phòng thủ, vị trí nằm giữa các đồi bao chung quanh, kiến trúc lỗi thời không chống nổi các súng đại bác. Ngay năm 1745 một lực lượng Anh tới từ New England đã chiếm được nhưng sau do hiệp ước Aix-la-Chapelle Louisbourg được trả lại cho Pháp năm 1748.
Các cuộc xung đột giữa Anh và Pháp
Vào giữa thập niên 1700 người Pháp với dân số chỉ vào khoảng 60,000, chiếm lãnh phần lớn Bắc Mỹ gọi là Tân Pháp gồm Acadia, Quebec, các vùng dọc theo sông Mississipi và St.Lawrence. Ngoài ra các thổ dân đồng minh giúp họ kiểm soát phương tây, từ Detroit, thung lũng sông Ohio suốt tới Louisiana.
Phần người Anh có dân số đông hơn, khoảng hơn một triệu, nhưng lãnh thổ ít hơn, từ Halifax tới Savannah, Georgia. Dẫy núi Allegheny đã chặn đường họ tiến về phía tây.
Các thổ dân, gồm khoảng 200 bộ lạc luôn luôn thay đổi đồng minh, chống đối lẫn nhau nhưng nói chung thì nghiêng về phía Pháp hơn.
Mặc dầu giữa Anh và Pháp luôn luôn có sự kình địch nhưng tổng quát thì vẫn có một nền hoà bình bề ngoài tựa như một niềm yên lặng của biển cả, báo hiệu một cuộc phong ba, bão táp dữ dội bất ngờ. Sau đây là các trận chiến giữa Anh và Pháp mở màn cho cuộc chiến tranh bảy năm 1756-1763.
Sông Ohio, phiá tây rặng núi Appalachian cũng như sông Mississipi vẫn được coi là con đường chiến lược đi sâu vào nội địa Bắc Mỹ. Năm 1747 các cư dân Anh tại Virginia mở rộng địa hạt về phía tây và thành lập Công ty Ohio để khai thác đất đai tại vùng còn đang có tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp. Năm 1749 vua George II ban cho công ty 200,000 mẫu đất chung quanh sông Ohio để chiêu mộ thêm dân cư.
Năm 1752, Paris phái Nam tước Longueuil sang làm thống đốc Tân Pháp với nhiệm vụ là bảo vệ vùng thung lũng Ohio đồng thời lập các đồn lũy từ phương Bắc Louisbourg xuống phương Nam New Orléans để phòng thủ Tân Pháp. Suốt năm 1753 người Pháp ráo riết thực thi chương trình xây đồn lũy tại thung lũng Ohio và xây thêm đồn Beauséjour tai Acadia, vùng hãy còn tranh chấp.
Thống đốc Virginia Robert Dinwiddie cho việc xây đồn của Pháp như vậy là không đúng luật nên sai thiếu tá George Washington đem thư tới đồn Le Boeuf yêu cầu Pháp rút quân. Chỉ huy trưởng đồ là Saint Pierre trả lời sau ba ngày là ông phải trình lên thượng cấp quyết định. Vào mùa xuân 1754 thống đốc Virginia chỉ thị cho trung tá Washington trở lại thung lũng Ohio với 200 quân và các thổ dân. Trên đường đi, Washington cho xây đồn tại Pittsburgh rồi tiếp tục xây một đồn khác tại Willis Creek là đồn Cumberland. Quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Contrecoeur tới bao vây đồn Pittsburgh, yêu cầu họ rút lui, sau đó tiếp tục xây và đổi tên đồn là Duquesne. Thống đốc Virginia tức thì điều động Washington trở lại vùng Ohio và trên đường đi ông cho xây thêm đồn Necessity tại Great Meadows. Contrecoeur thay vì tấn công, ngày 23.5 gửi Sieur de Jumonville đi cùng một tóan hộ vệ 32 người và cả một người đánh trống tên La Batterie để thi hành thủ tục trao tối hậu thư cho Washington yêu cầu rút lui quân. Washington được tin báo vội đem 40 quân cùng khoảng 30 thổ dân tới chặn đường và nổ súng, giết 10 quân Pháp trong đó có Jumonville và La Batterie, bắt 21 tù binh.
Bên Pháp bèn cử đại úy Villiers đem quân tới cùng với 500 quân của thiếu tá Contrecoeur, cộng thêm lực lượng thổ dân tới bao vây rồi nã súng vào đồn Necessity của Washington ngày 3.7.1754. Nửa đêm hôm đó, Washington đầu hàng và được rút quân về lại đồn Willis.
Chính phủ Anh phản ứng, với sự ủng hộ của bộ trưởng ngoại giao Pitt gửi sang Virginia hai trung đoàn bộ binh 44 và 48 cùng với một đại đội pháo binh dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Edward Braddock kiêm Tư lệnh quân Anh tại bắc Mỹ. Tại đây Braddock thành lập thêm hai trung đoàn 50 và 51.
Chính phủ Pháp biết tin cũng vội gửi sang Tân Pháp 3,000 quân còn hai chiếc tàu nữa thì bị hải quân Anh chặn bắt. Ngay tại Tân Pháp các thanh niên từ 16 tới 60 tuổi đều phải tham gia các đại đội Vệ Binh, tổng số lên tới 13,000 người.
Bên Anh thấy vậy cũng bắt thanh niên gia nhập Vệ Binh như bên Pháp, ngoài ra còn có điạ phương quân tại 13 thuộc địa, tổng số lên tới 16,835 vào năm 1759.
Tháng 4.1755 thống đốc một số các thuộc địa Anh tại Mỹ họp tại Alexandria, Virginia quyết định tấn công nhiều mặt: tại Niagara do thống đốc Massachusetts là William Shirley chỉ huy, Hồ Champlain tại New York bởi đại tá Johnson, Fort Beauséjour tại Nova Scotia bởi Trung tá Robert Monckton và đồn Duquesne tại Ohio thi do chính tướng Braddock cầm quân.
Tướng Braddock dẫn 2,500 binh sĩ tiến vào thung lũng Ohio, bị lọt ổ phục kich, bị thương 550, chết 450 người kể cả Braddock, bên Pháp chỉ chết 23 người và bị thương 20 nên chiến trận coi như kết thúc. Ngoài ra ba sĩ quan phụ tá của Braddock thì hai bị thương, chỉ riêng Washington là không sao cả. Bên Anh chỉ có một thắng lợi là chiếm được đồn Beauséjour tại Nova Scotia và từ đó kiểm sóat được Acadia .
Cuộc chiến tranh bảy năm 1756-1763
Ngày 17.5.1756 hai nước Anh và Pháp tuyên chiến với nhau và sự kiện này được gọi là cuộc chiến tranh bảy năm. Cuộc chiến tranh này xảy ra tại Âu châu và là cuộc tranh hùng đồng thời cũng là cuộc tranh giành thương mại giữa hai cường quốc Anh và Pháp. Phía liên minh với Anh có Thổ và Portugal, bên liên minh với Pháp có Áo, Thuỵ Điển, Nga sau thêm cả Spain. Trong khi Pháp nhằm chiến trường tại Âu châu là chính thì ngược lại Anh nhằm tiêu diệt hạm đội Pháp và chiếm các thuộc địa hải ngọai. Trước khi cuộc chiến tranh bảy năm khởi phát thì tại bắc Mỹ lực lượng của Pháp bị yếu thế qúa rõ ràng so với của Anh, toàn thể dân số Canada lúc đó chỉ dưới 60,000 trong khi bên 13 thuộc địa của Anh tại Mỹ là trên 1.2 triệu. Để bù lại sự chênh lệch này, lực lượng thổ dân ủng hộ Pháp nhiều hơn.
Quebec là trung tâm chỉ huy của lực lượng Pháp với rất nhiều các binh sĩ và người tỵ nạn. Vị tổng tư lệnh là thống đốc Tân Pháp, hầu tước Vaudreuil sinh ra tại Tân Pháp, nhậm chức từ 1755 còn tư lệnh quân đội là hầu tước Montcalm được bổ nhiệm tháng 4.1756, một binh gia chuyên nghiệp được gửi tới từ Pháp. Hai người không chỉ tính tình khác nhau mà chiến lược cũng khác nhau, Montcalm chủ trương chiến thuật cổ điển, tấn công với lực lượng mạnh còn Vaudreuil nghiêng về chiến thuật du kích của thổ dân vì cho rằng cách phòng thủ hữu hiệu nhất là đánh mau, đánh mạnh rồi rút lui. Sĩ quan cận vệ của Montcalm là Bougainville cũng thấy chiến thuật của thổ dân tốt hơn, ngược với chủ tướng vì cán cân lực lượng hai bên qúa chênh lệch. Vào lúc cán cân quân sự nghiêng về phía Anh như vậy, các cư dân Pháp lại có khuynh hướng phản chiến, cho rằng tranh giành đất đai không đáng vì lúc đó vừa khí hậu khắc nghiệ, vưà tiếp tế khó khăn, lại còn thêm các thổ dân quấy nhiễu, thường tới đốt nhà cửa, lột da đầu, chặt các ngón tay, chân chưa kể còn ăn thịt luôn tù nhân nữa. Ngay tại Pháp, Voltaire trong cuốn tiểu thuyết Candide, cũng viết rằng chẳng bõ đánh nhau vì vài mẫu tuyết phủ.
Sự thất thủ đồn Louisbourg
Tại Âu châu, Pháp vẫn có thế thượng phong về quân sự, nên người Anh cho rằng phải tìm chiến thắng tại Bắc Mỹ là chiếm đồn Louisbourg, tượng trưng cho sức hùng mạnh của Pháp. Thọat đầu bên Pháp có vẻ thắng thế trong suốt hai năm 1756 - 1757, quân Pháp chiếm lần lượt vùng Ngũ Đại Hồ và hồ George, tiến tới Philadelphia chỉ còn cách 50 miles, khi đó là thành phố nói tiếng Anh lớn thứ hai, sau London.
Năm 1757 quân Anh dưới quyền chỉ huy của Sir Francis Holburne với lực lượng gồm 20 chiến hạm lớn, nhỏ đã vây đánh Louisboug nhưng phải rút lui vào tháng 9. Anh tăng cường lực lượng tại bắc Mỹ, gửi sang thêm 11,000 người, thành lập được tất cả 21 tiểu đoàn và 7 đại đội biệt lập trong khi Montcalm chỉ nhận được thêm 2 tiểu đoàn và như vậy có tổng cộng 8 tiểu đoàn để chống lại quân Anh..
Thêm nữa, hải quân Anh lúc này rất mạnh so với Pháp, bắt đầu chặn hết các đường tiếp viện cho Canada, lần lượt các đồn Pháp bị bao vây rồi thất thủ hoặc phải phá bỏ đồn lũy và rút lui tới phòng tuyến cuối cùng là Louisbourg. Khi quân Pháp phá huỷ và rút lui khỏi đồn Duquesne năm 1758, quân Anh cho xây lại và goị là đồn Pitt, tên tân thủ tướng Anh, đồn Pitt sau phát triển trở thành Pittsburgh ngày nay. Pitt dồn hết năng lực vào chiến tranh, cho rằng chiến trường chính của nước Anh lúc đó không phải là Âu Châu mà là bắc Mỹ và ông quyết tâm đánh gục Pháp tại đó.
Tháng 6.1758 tướng tư lệnh Anh, Jeffrey Amherst chỉ huy một hạm đội xuất phát từ Halifax, chở 12,000 binh sĩ bao vây đảo, chặn đường tiếp tế và tiếp viện trong khi đồn Louisbourg chỉ có khoảng 4,000 người phòng thủ gồm cả binh lính lẫn tự vệ quân.
Tướng Anh Jeffrey Amherst bắt đầu chiến dịch theo phong tục cổ, gửi tặng vợ thống đốc Pháp hai trái táo và thống đốc Pháp tặng lại nhiều chai sâm banh. Người có công đầu trong việc chiếm Louisbourg là Trung tướng James Wolfe, ông đã đổ bộ quân lính vào nơi hiểm trở và gai góc nhất tại Ile Royale, một sự kiện mà quân Pháp nghĩ là bất khả kháng nên kết qủa là Louisbourg bị mất vào tay quân Anh sau gần hai tháng chiến đấu và đầu hàng vào ngày 26.7. Trong trận này quân Anh bị chết 200 và bị thương 360 trong khi quân Pháp bị chết 410, bị thương 400 và bị bắt làm tù binh 5,640. Hai năm sau, đồn này bị quân Anh phá hủy hoàn toàn.
Sau chiến thắng này, Amherst được thăng chức Tổng Tư lệnh quân Anh tại Bắc Mỹ để chuẩn bị chiến trường tấn công Pháp. Cũng trong tháng 8.1758 quân Anh chiếm được đồn Frontenac tại Kingston khiến Pháp mất quyền kiểm soát vùng hồ Ontario và đồn Duquesne mất liên lạc với Canada khiến tháng 11.1758 Pháp phải bỏ đồn này.
Trận chiến Quebec
Tương quan lực lượng : Bên phía Anh mạnh hơn Pháp rõ ràng với tỷ lệ:
Số tàu thuyền: 3/1
Quân số: 4/1
Ngân qũy: 10/1
Thực vậy, cuối xuân 1759 mẫu quốc Anh gửi sang Canada một hạm đội dưới quyền chỉ huy của đô đốc Charles Saunders, gồm 29 tàu, mỗi tàu chở 800 người, 22 chiến hạm, 80 tàu vận tải, 53 thuyền nhỏ chở 15,000 binh sĩ, 2,000 khẩu đại bác với 40,000 viên đạn, tất cả bằng một phần tư lực lượng hải quân Anh với số người trên tàu nhiều hơn số cư dân Quebec và đoàn tàu hùng mạnh kéo dài 100 km trên sông St. Lawrence mắt ai cũng nhìn thấy được. Hai vị chỉ huy tối cao là Jeffery Amherst và James Wolf cũng có bản tính và chiến lược khác nhau, Amherst thận trọng bao nhiêu thì Wolf liều lĩnh bấy nhiêu như trận Louisbourg đã chứng minh, trong khi Amherst chỉ huy quân tiến dọc theo sông Lawrence một cách chậm chạp, đánh chiếm từng đồn một thì Wolf, đúng 32 tuổi, được giao trọng trách đánh thẳng vào Quebec. Wolf theo các sĩ quan thân cận kể lại thì ông không hề sợ chết nhưng lại rất sợ thất bại cho nên ông lúc nào cũng có tinh thần quyết thắng.
Phiá bên Pháp hai vị chỉ huy tối cao là thống đốc Vaudreuil – thống đốc đầu tiên sinh tại Canada - và Tư lệnh quân đội Montcalm cũng có bản tính và chiến lược khác nhau. Vaudreuil chủ trương luôn luôn ở thế chủ động, tìm quân Anh mà diệt còn Montcalm chủ trương chỉ đánh khi bị tấn công và đánh xong là rút và dưỡng quân. Ngoài hai vị này còn một nhân vật cũng rất quan trọng là người nắm giữ cái hầu bao tức tiền tài tên là Francois Bigot. Ông bị chỉ trích là trong khi dân chúng đói kém thì ông vẫn nhởn nhơ tiệc tùng và một số các sử gia quy tội ông là có trách nhiệm trong việc suy vong của Tân Pháp. Trong danh sách những người Canada bị khinh bỉ nhất ông xếp hạng nhất. Tuy nhiên sau này một số sử gia khác cho rằng ông bị kết tội oan vì binh sĩ vẫn được no ấm mà ông chỉ là con dê tế thần.
Ngày 27.6 quân của Wolfe đổ bộ xuống Ile d’ Orleans, và lần đầu tiên Wolf quan sát thấy Quebec được phòng thủ rất vững chắc với những bức tường thành dựng đứng và thật cao, Montcalm dùng chiến thuật cho các thuyền nhỏ chứa chất nổ lao vào các chiến hạm nhưng chưa tới gần đã bị bắn nổ tung hết. Trước khi trận đánh lớn xảy ra, cả hai tướng Montcalm và Wolfe đều cảm thấy ngày tận thế.
Quebec lúc đó có những cư dân đã thuộc thế hệ thứ năm của những người di dân đầu tiên. Họ tự hào là người Canada chính cống – Canadiens hay Habitants - và có vẻ bất mãn với mẫu quốc tỏ ra lạnh lùng với các người con xa xứ.
Montcalm kêu gọi mẫu quốc tăng viện nhưng chính phủ Pháp có vẻ không tha thiết, chỉ gửi cho 400 người hầu hết đang bệnh hoạn.
Trận chiến Quebec khởi đầu bằng một sự bao vây. Tối 12.7.1759 cuộc pháo kích khởi đầu và tiếp tục không ngừng khiến chỉ trong vòng một tháng, một nửa thành phố đã bị tiêu huỷ và lương thực gần cạn, tuy nhiên Montcalm hi vọng muà đông sắp tới sẽ đem thắng lợi lại cho Pháp.Hai bên đánh nhau giằng co mãi không phân thắng bại.
Phần tướng Wolfe rất lo lắng cho một viễn ảnh là với lực lượng viễn chinh mạnh như thế mà lại rút lui tay trắng, ông đi lại dọc sông quan sát và một ý kiến táo bạo chợt nẩy ra: Đêm 12. 9 ông cùng mấy trăm binh sĩ lặng lẽ lên ca-nô lúc hai giờ sáng, tới bốn giờ đổ bộ ngay tại Anse-au-Foulon, lặng lẽ trèo lên sườn núi cao 150 feet trong 6 tiếng đồng hồ và tới sáng 13.9 khoảng 6 giờ sáng thì leo lên được đồi Abrahams và chiếm được hết đồi chỉ có một số ít quân canh giữ trong khi lực lượng chủ yếu của Montcalm trấn thủ cách đó một giờ đi bộ, còn Bougainville chờ đợi chống trả quân Anh tại một địa điểm cách đó ba giờ đi bộ. Được tin đồn phòng thủ chính Quebec đã lọt vào tay quân Anh, thoạt đầu Montcalm còn cho là tin đồn nhảm, cười bảo sĩ quan hầu cận, “Bộ họ có cánh mà bay lên đó à?” nhưng ngay sau đó biết đó là sự thật nên ra lệnh cho Bougainville cùng đem quân về để chiếm lại – quân mệt mỏi vì đói, lạnh, mất ngủ - trong khi Wolfe ra lệnh phòng thủ với 4,500 quân và hai khẩu đại bác. Montcalm nghĩ còn nhiều quân địch quanh quẩn đâu đó nên không đợi cánh quân Bougainville gồm 3,000 sắp tới hợp lực, đã hấp tấp ra lệnh tấn công ngay nhưng quân Pháp sau 15 phút lâm trận bị yếu thế phải rút lui vào rừng. Trận chiến đã xảy ra rất ác liệt, Wolf đã xung lên tuyến đầu và bị thương, ông đươc khiêng lui lại sau trận tuyến chừng 100 yards, vẫn cầm mũ sua quân tiến lên nhưng y sĩ thây máu từ ngực ông chảy ra chan hoà, bắt ông nằm xuống để băng bó. Sĩ quan hầu cận báo tin quân Pháp chạy rút lui, ông còn ra lệnh cuối cùng, “ Bảo ngay đại tá Burton đi thật nhanh tới Charles River, chặn đường rút lui của quân địch qua cầu”, sau đó ông lẩm bẩm mấy lời cuối cùng, “ Giờ xin cám ơn Thượng đế, tôi được chết với lòng bình yên.” Sau khi Wolf tử thương, quyền chỉ huy thuộc về Thiếu tướng Robert Moncton nhưng chỉ vài phút ông cũng bị bắn xuyên qua phổi và được cấp tốc tản thương. Lệnh cuối cùng của Wolf không kịp thi hành và quân Pháp đã rút lui được qua cầu St. Charles. Đại tá Carleton bị thương nặng và Thiếu tá Barre cùng leo đồi Anse-au-Foulon với Wolf bị bắn bể ngực cùng với một con mắt lòi ra ngoài.
Bên phía Pháp, sau khi cả ba trung đoàn trưởng đều bị chết hoặc bị thương nặng thì tới lượt Montcalm bị đạn thủng bụng và được cõng đi nhưng ông chết hôm sau tại thành Quebec. Vị tướng thay ông chỉ huy Senezergues cũng tử thương liền tại trận, vị chỉ huy tiếp đó là Nam tước de St. Ours cũng không thoát chết .
Tới 11:45 thì thiếu tướng Anh Townsend mới biết quyền chỉ huy chiến trận rơi vào tay mình và ông phải đối diện với quân của Bougainville xuất hiện khoảng giữa trưa với 2,000 quân và đại pháo nhưng Bougainville khi phát giác đồi Abrahams đã bị chiếm thì không muốn thí quân như Montcalm nên rút về vùng Sillery Woods và để quân Anh làm chủ chiến trường.
Thiệt hại của hai bên khá lớn, bên phía Anh bị thương vong là 664 binh sĩ kể cả 58 tử vong. Phía bên Pháp theo Townsend số thương vong là 1,500 nhưng theo Vaudreuil là 644 người trong đó có 44 sĩ quan.
Vaudreuil tới gặp Montcalm đang hấp hối và xin Montcalm ý kiến – lần đầu tiên ông làm vậy – Montcalm cũng lần đầu tiên cố vấn cho Vaudreuil – theo ông chỉ còn ba đường không ngon sơi cho lắm. Một là căn cứ theo tinh thần đang xuống của binh sĩ thì đầu hàng. Hai là phản công tức thời nhưng không nắm chắc phần thắng. Ba là rút lui về khu vực sông Cartier, hợp với quân của Lévis tại Montréal để chiếm lại Quebec. Vaudreuil họp hội đồng chiến trang ngay chiều hôm đó và chọn giải pháp thứ ba, rút ngay về sông Cartier cách Quebec khoảng mi.
Trong khi đó tại Quebec city, chỉ huy trưởng là Jean-Baptiste de Ramezay xin chỉ thị của Vaudreuil thì Vaudreuil cho rằng Quebec không thể giữ được . Ramezay họp hội đồng chiến tranh thì 13 phiếu đồng ý đầu hàng chỉ có 1 phiếu Freidmont đòi tiếp tục chiến đấu tuy phải giảm khẩu phần lương thực vì không có đường tiếp tế. Tuy nhiên một đoàn quân do Francois Gaston Chevalier de Lévis , giờ thay thế cho Montcalm đang tiến từ Montréal tới tiếp viện gặp Vaudreuil ở khu vực sông Cartier, rất tức giận, mắng đoàn quân của Vaudreuil là hèn nhát rồi tiếp tục tiến quân và ngày 18.9 thì ông tới Saint Augustin, chỉ còn cách Quebec một ngày đường nhưng ngày 17.9 thì Rameza đã đầu hàng và quân Anh đã chiếm Quebec rồi và phòng thủ với 60 đại bác và 58 khẩu Howitzers, tiếp theo tuyết bắt đầu rơi nên đem quân trở về lại Montréal. Trận Quebec quân Anh thắng lớn. Cổ nhân vẫn nói “ Nhất tướng công thành vạn cốt khô” nhưng ở đây không đúng chút nào. Cả hai tướng thắng Wollf lẫn tướng bại Montcalm đều tử thương, chưa kể mỗi bên đều có số binh sĩ tử thương khoảng 650 người.
Ngày 18.9.1759 cờ Anh phấp phới trên thành Quebec.
Hiệp ước Paris 1763 giữa Anh và Pháp về Canada
Quebec sau khi bị quân Anh chiếm đóng trở thành một thành phố đổ nát, hoang tàn do chiến tranh và bị bệnh hoại huyết/scurvy hoành hành. Từ giữa tháng 9 có tới 2312 mắc bệnh này và 682 bệnh nhân bị chết. Thêm đó muà đông vụt tới, binh sĩ vừa đói vừa rét nên tổng số binh sĩ bị chết lên tới cả ngàn.
Sau trận chiến Quebec, Townsend muốn được hồi hương nên Murray lên thay thế làm tư lệnh quân Anh khi vừa 39 tuổi. Các sĩ quan dưới quyền đều cho rằng Murray có đầy đủ đức tính cuả một người chỉ huy ngọai trừ tính quá thận trọng.
Vào tháng 4.1760 Murray cho kiểm điểm quân số thì được báo cáo 2,299 đang bệnh, 1,000 chết vì bệnh trong số đó 700 thi hài còn đợi tan băng tuyết mới đem chôn, tổng cộng lực lượng phòng thủ chỉ trông cậy vào xấp xỉ 3,000 binh sĩ.
Tại Montreal, tướng Lévis đã suy luận đúng là thay vì đối kháng với Anh vào tháng 9.1759 thì bây giờ lực lượng quân Anh yếu kém hơn khá nhiều nên ông sửa soạn kế hoạch tái chiếm Quebec, trong khi cả hai phía đều bị cắt đường liên lạc với mẫu quốc và cả hai bên đều hi vọng được tiếp viện khi tàn mùa đông. Thế cờ đã đảo ngược lại, giờ tướng Anh James Murray lại lo phòng thủ còn tướng Levis lại sửa sọan tấn công. Murray được tin tình báo quân Pháp đang có những dâú hiệu tiến chiếm lại Quebec nên ông cẩn thận cho lập các đồn bao quanh Quebec trong vòng 8 km. Ông còn sợ dân chúng là đội quân thứ 5 nên sau một thời gian khuyến khích họ ra đi, nay ép buộc tất cả phải rời khỏi Quebec trong vòng ba ngày nhưng được quyền đem theo tất cả cái gì của họ. Ông cũng tiên đoán là khi băng tuyết tan, các đường bộ sẽ lầy lội và quân Pháp sẽ theo đường sông tiến vào và cho hai tàu chiến đậu chặn ngay trước Quebec.
Về phía Pháp Lévis tích cực chuẩn bị mọi việc trong tháng Ba, dự định sẽ tấn công càng sớm càng tốt vào tháng Tư nhưng việc quan trọng là phải có đại pháo và ông thâu góp lại từ các nơi cũng chỉ có được 12 khẩu, thật ra chưa đủ hoả lực để tấn công Quebec. Ngoài thiếu đại pháo, quân Pháp còn thiếu cả quân trang, quân lương cùng các võ khí, sĩ quan thiếu gươm, binh lính thiếu lưỡi lê nhưng bù lại tinh thần binh sĩ rất cao, ai nấy nóng lòng chiếm lại Quebec.
Lực lượng của Levis khá hùng hậu gồm 5,000 quân chính quy thì 3,000 sẽ dự trận Quebec, 1,000 lính thuỷ. Ngoài ra Lévis còn có 7,000 Tự Vệ Quân cùng 300 thổ dân nhưng ông không tin tưởng gì mấy ở đám quân sau này.
Ngày 20.4 đoàn quân lên đường đi Quebec trên 400 chiếc thuyền và hai chiến hạm. Ngày 25.4 họ đổ bộ tại Pointe aux Trembles và bộ binh được lệnh đi ngay suốt đêm để sáng hôm sau đã có mặt tại đồi Abrahams nhưng thám báo cho hay là đường đi qua Cap Rouge đã bị quân Anh đóng chốt. Lévis cho thuyền chở quân vượt qua Cap Rouge tới Saint Augustin thì đổ bộ vào lúc 10 giờ sáng 26.4 với ba khẩu đại bác. Lévis chỉ định thiếu tướng Bourlamaque dẫn một đoàn quân tiền phong đi trước và họ tới sát tiền đồn Sainte-Foy của Anh. Đoàn quân Lévis tiến sau bị gặp bão lúc 5PM ngày 26.4 vẫn phải đi suốt đêm, có khi phải lội sông đóng băng vì cầu đã bị quân Anh phá. Lévis gặp lại Bourlamaque bàn kế hoạch tấn công nhưng phải đợi tới 10AM thi ba đại pháo mới tới. Lévis hạ lệnh xuất phát tức thời nhưng do đường lầy lội nên tới giữa trưa mới tới đối diện với nhà thờ Sainte-Foy giờ là pháo đài của quân Anh, cách Quebec City chừng 5 mi. Bên Anh cho đại bác bắn vào đoàn quân Pháp gây ít nhiều thiệt hại. Tuy nhiên vì biết lực lượng bên Pháp mạnh hơn nhiều, Murray cho lệnh đồn Sainte-Foy rút lui sau khi cho nổ tung nhà thờ lúc 2PM. Sáng sớm ngày 28.4, quân Pháp chiếm một tiền đồn khác Dumont’s Mill cách Quebec có hơn 1 mi và hai tiền đồn nhỏ tại Anse-au-Foulon.
Quân Pháp do đó được rừng Sillery che chở để tiến quân vào Quebec. Tuy nhiên Lévis rất đỗi ngạc nhiên khi biết Murray đã chia quân ra thành hai binh đoàn từ Quebec tiến ra để chặn quân Pháp nhưng đoàn quân này không phải là đoàn quân đã đánh bại Montcalm mà là một đoàn người ốm yếu, bệnh hoạn không có tinh thần chiến đấu vì bị bao vây qúa lâu. Thấy tình hình bất lợi Murray hạ lệnh cho binh sĩ rút lui về thành lại, phần quân Pháp qúa mệt mỏi cũng không ngăn chặn được cuộc rút lui của quân địch.
Kết quả cuộc chiến Sainte-Foy, quân Pháp bị thương 640 và bị chết 193 thương vong tổng cộng là 22%, bên Anh bị thương 829 và bị chết 259 thương vong tổng cộng là 28%.
James Murray lại mắc phải cái lỗi lầm của Montcalm, đem quân ra ngoài thành và bị phục kích tại Ste-Foy phải rút quân về thành cố thủ. Cuộc chiến xảy ra vào cuối tháng 4.1760 và lần này quân Pháp thắng trận và cờ Pháp lại tung bay trên thành phố Quebec nhưng chưa chiếm được đồi Abrahams.
Hai bên đều ngưng chiến chờ tiếp viện vì không bên nào có đủ lực lượng đánh thắng bên kia. Mẫu quốc Anh gửi tới 22 chiếc tàu và tới trước trong khi Pháp chỉ gửi 5 nhưng bị hạm đội Anh bao vây chỉ đi lọt được 3 chiếc. Một cuộc hải chiến xảy ra tại cửa sông Restigouche tại miền bắc New Brunswick, cả ba tàu Pháp thì một bị bắt và hai bị đánh chìm. Levis đành rút quân về Montreal bằng đường bộ, xuất phát lúc 10 giờ tối 16.5 không kèn không trống, không lửa không khói, bỏ lại không những đại pháo, nhiều quân trang võ khí mà cả người bi thương và người chết, chỉ để lại một số tự vệ quân làm nghi binh rồi rút lui hết ngày 17. Cuộc rút quân rất gian nan, mãi tới tối 19.5 quân Pháp mới vượt qua sông Cartier.
Amherst liền sau đó chỉ thị cho Murray sửa sọan kế hoạch chiếm Montréal, thành trì cuối cùng của Tân Pháp bằng nhiều mặt. Cánh quân dưới sự chỉ huy của Murray sẽ tiến tới trên sông Lawrence tức là hướng Đông Bắc của Montréal, một cánh quân khác gồm 3,400 chỉ huy bởi Thiếu tướng William de Haviland xuất phát từ hồ Champlain vào tháng 8 tiến ngược sông St. John và tới từ hướng Tây Bắc Montréal. Cánh quân thứ ba chỉ huy bởi Amherst xuất phát từ đồn Oswego đầu tháng 8 tiến tới đồn Frontenac, Kingston đi theo sông St. Lawrence tới Montréal từ hướng tây và như thế ba cánh quân sẽ bao vây Montréal. Phần Murray sẽ có 32 tàu võ trang , 9 chiến hạm cùng vô số thuyền bè với một lực lượng 2,200 binh sĩ. Lévis trong khi đó chỉ có 2,000 quân trấn giữ sông, phía dưới thác Richelieu nhưng ngày 26.7 Murray đã vượt qua một cách dễ dàng. Cuối tháng 8 thì cánh quân của Murray đã hiện diện tại Sorel.Cánh quân của Haviland thọc qua phòng tuyến 1,000 quân của Bougainville và gặp cánh quân của Amherst vào đầu tháng 9.1760 và Amherst tới Lachine ngày 6.9. Lúc này thì Lévis có lực lượng tổng cộng là 3,000 cộng với 500 tự vệ quân, trong khi quân số phiá Anh là 17,000.
Vaudreuil họp hội đồng chiến tranh cùng Lévis rồi điều đình với Amherst, kết cuộc là chịu đầu hàng không kháng cự ngày 8.9.1760 vì cán cân lực lượng qúa chênh lệch. Tại Bắc Mỹ, Anh còn chiếm được của Pháp đảo Guedeloupe năm 1759 và Martinique 1762.
Ngày 8.9.1760 Bắc Mỹ đổi chủ từ tay Pháp sang Anh, Tân Pháp bị xóa tên trên bản đồ và vua Anh George II có thêm 65,000 người Pháp trở thành công dân Anh. Tuy nhiên người Pháp vẫn còn cố vùng dậy một lần chót vào tháng 6.1762 và với lực lượng khoảng gần 1,000 trong đó có khoảng gần 200 lính đánh thuê người Ireland đã tấn công và chiếm được Fort William tại St. John, Newfoundland. Quân Anh dưới quyền chỉ huy của đại tá William Amherst – em của Jeffery – với lực lượng khoảng 1,700 trong đó cũng có lính đánh thuê người Đức và Thuỵ sĩ, chiếm đồn Signal nằm trên cao rồi nã súng suốt đêm xuống đồn William khiến quân Pháp phải đầu hàng ngày 18.9.1762, chấm dứt cuộc chiến bảy năm và Canada từ đó vĩnh viễn thuộc Anh quốc.
Hiệp ước Paris ngày 10.2.1763 được ký kết giữa ba chính phủ Anh, Pháp và Spain trong đó Pháp phải nhường cho Anh: Canada, toàn Acadia, Louisiana, vùng thung lũng Ohio và Ngũ Đại Hồ, ngược lại Anh chỉ để cho Pháp hai đảo nhỏ St. Pierre và Miquelon, quyền được đánh cá tại vịnh St. Lawrence và quyền tự do tín ngưỡng tức là vẫn giữ nguyên công giáo. Trong hiệp ước Pháp được giữ lại các đảo Guadeloupe, Martinique, St. Lucia còn Anh được các đảo Dominica, Grenada, St. Vincent, Grenadians, Tobago và một nửa Louisiana Đông gồm lưu vực sông Mississipi và dẫy nũi Appalachians.
Thống đốc mới của Quebec chính là tướng James Murray và ông rất ưu ái đối với 65,000 người Pháp Công giáo khiến cho một số doanh nhân Tin lành bất mãn trong đó có Thomas Walker đại diện cho chừng 200 người Tin lành Anh. Thomas yêu cầu không cho người công giáo được bầu cử, được làm quan toà và đem vụ này về kiện tại London nhưng bị bác bỏ vì London đồng ý với Murray. Murray sau được thay thế bởi Guy Carleton và ông cũng có tư tưởng giống như người tiền nhiệm, nên về London vận động kết quả là đạo luật Quebec 1774 ra đời, công nhận người Canada có quyền tự do tín ngưỡng, quyền đảm nhiệm mọi chức vụ công cộng, quyền tái lập luật pháp dân sự Pháp, quyền giữ thể chế lãnh chúa và sở hữu đất đai và quan trọng nhất Canada được coi là một thuộc địa người Pháp cuả đế quốc Anh.
Cuộc nổi dậy 1763 cuả thổ dân lãnh đạo bởi Pontiac
Sau Hiệp ước Paris, các thuộc dân Anh tiến sâu vào nội địa thay thế các thuộc dân Pháp khiến các thổ dân thuộc khối Liên kết Iroquois nhất là người Seneca , vốn là đồng minh của Anh, bất bình vì cảm thấy bị xâm lấn nhất là việc bán rượu cho thổ dân đã gây nên các tai hại rõ rệt. Một tù trưởng bộ lạc Ottawa tên Pontiac hô hào nổi dậy chống lại người da trắng vào tháng 5.1763 và được các bộ lạc Ojibwa, Ottawa, Potawatomi và Seneca hưởng ứng.
Trong thông điệp gửi cho chính phủ thuộc dân Anh họ nói, “ Các ông đã chinh phục được người Pháp nhưng không chinh phục được chúng tôi. Chúng tôi không phải là nô lệ của quý vị. Tất cả những hồ, những núi rừng này đều là do tổ tiên chúng tôi để lại. Đó là di sản của chúng tôi và chúng tôi sẽ không rời bỏ chúng”.
Xin mở một dấu ngoặc tại đây nhân dịp dân chúng Việt Nam phản đối việc Việt Cộng bán đất dưới hình thức cho thuê đất dài lâu trong tháng 6.2018, đã mặc nhiên nói với Trung cộng là:
“ Các ông đã chinh phục được đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu là bộ Chính trị, nhưng không chinh phục được dân chúng Việt Nam. Tất cả núi rừng, sông hồ , biển đảo này đều là do tiền nhân chúng tôi để lại và chúng tôi theo di huấn của Trần Nhân Tôn quyết không nhường, cho thuê hay là bán dù một tấc đất, bất kể thời hạn là bao nhiêu.”
Cuộc chiến đã diễn ra khá ác liệt giữa các thổ dân và 3,500 binh sĩ Anh, kéo dài hai năm làm 2,000 cư dân và 400 binh sĩ bị thiệt mạng, đã chiếm được 10 đồn Anh tại các quận Ohio và Illinois phía nam Ngũ Đại Hồ . Một hoà ước sau đó được ký kết trong đó có khoản nói người Anh chỉ là người thuê đất chứ không phải là chủ đất và thổ dân có quyền nắm giữ những cửa tiệm thương mại. Người Anh dù ký nhưng trong thâm tâm đâu có muốn giữ lời vì biết sau đó sự liên kết của các bộ lạc sẽ dần dần tan vỡ vì giữa họ cũng có đụng chạm quyền lợi. Sau đó chính Pontiac bị ám sát bởi một thổ dân thuộc bộ lạc đối nghịch. Tuy vậy để trấn an các thổ dân, vua George đã đưa ra tuyên cáo hoàng gia 1763.
Tuyên cáo Hoàng gia Anh 1763
Năm 1763 hoàng gia Anh ra tuyên cáo với những điểm chính sau đây:
- Miền châu thổ St. Lawrence được cải tên là Tỉnh Quebec với James Murray là Thống đốc.
- Tỉnh Nova Scotia được mở rộng bao gồm hết các tỉnh Duyên hải.
- Quan trọng hơn cả là sự phân chia đia phận cho các thổ dân trong đó cấm không cho các thuộc dân tiến về phía tây dẫy núi Appalachian và người nào muốn mua đất trong vùng này phải có giấy phép của hoàng gia vì vậy tuyên cáo hoàng gia còn được gọi là Luật về quyền cuả các thổ dân về đất đai. Những vùng cấm địa được quản trị bởi một Đổng Lý Sự Vụ Indian tại London. Tuyên cáo này chính thức công nhận quyền sở hữu đất đai cuả thổ dân qua điều khoản,“ Tất cả các đất đai chưa nhường hoặc chưa bán cho chúng ta là dành cho người Indians”.
Nhiều sử gia cho rằng tuyên cáo hoàng gia 1763 và đạo luật Quebec 1774 là hai trong những nguyên nhân chính của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ sau này.
CHÚ GIẢI
-Con đường tới vinh quang: Khi Wolf được lệnh đi bắc Mỹ, người yêu của ông, Katherine Lowther tặng ông bài thơ Elegy Written in a Country Churchyard của Thomas Gray trong đó có đoạn:
The boast of heraldry, the pomp of power
And all that beauty, all that wealth e’er gave
Awaits alike the inevitable hour --- The paths of Glory lead but to the Grave.
Truyền thọai kể rằng trước trận đánh cuối cùng Wolf đã đọc bài thơ trước mặt một số các sĩ quan, tới câu cuối giọng ông run run khi ông nói, “ Tôi thà viết ra được những dòng thơ này còn hơn là hạ được thành Quebec”.
Bài thơ này với bút của Wolf gạch bên dưới dòng chữ hiện được lưu trữ tại trường Đại học Toronto. Tướng Wolf chỉ sợ thất bại chứ không sợ chết khiến ta liên tưởng tới tướng Dương văn Minh thì ngược lại, thà làm bại tướng dù bị đời đời chê bai còn hơn là tử tướng nhưng giữ được vinh dự.
- Tên đồi Abrahams lấy từ tên một người lái thuyền và đánh cá trên sông Lawrence tên là Abrahams Martin. Ông tới Quebec năm 1635, được cấp 32 mẫu đất trong đó nằm đồi Abrahams sau khi được đặt tên là Coast rồi Street rồi Heights of Abraham, cuối cùng được gọi là tên hiện nay Plains of Abrahams.
- Các sử gia khi kể chuyện về cuộc chiến tại đồi Abrahams thường hay thêm chữ nếu. Họ bảo nếu Montcalm đợi Bougainville tới hợp thành một gọng kìm thì chưa dễ gì Wolf đã chiến thắng. Một số các sử gia khác lại bảo nếu lệnh của Wolf được thi hành thì 2,000 quân Pháp đâu có dễ gì mà rút lui an toàn khỏi cầu sông Charles.
-Tất nhiên sau này khi đọc sử tới hồi Tân Pháp bị mất cho Anh nhiều người Quebec không khỏi xót xa tiếc nuối. Nhưng sau đây là ý kiến của Henri Bourassa năm 1902:
“…Thật là điên rồ để phí thời gian bày tỏ những mối hận một cách vô ích và những ước vọng không thể đạt được...Giả thử hiệp định Paris cứu được chúng ta cho nước Pháp, chúng ta sẽ đi về đâu? Giả thử chúng ta tránh được cuộc khủng bố nhuốm máu của cuộc Cách mạng Pháp, có nhiều phần khả dĩ là Napoléon sẽ bán chúng ta cho Mỹ như đã bán Louisiana.”
- Henri Bourassa (1868-1912) vừa là dân biểu, vừa là nhà báo – sáng lập báo Le Devoir 1910 – luôn luôn tranh đấu nhằm các mục tiêu chính: Một Canada thống nhất, văn hoá Pháp được coi ngang hàng với văn hóa Anh, bảo tồn quyền hạn của các trường Công giáo, chống lại sự tách riêng Quebec cũng như sự Mỹ hoá Canada.
-Tại hội nghị Paris, Pháp đã cân nhắc sự chọn lưạ giữa Canada và Guadeloupe với Martininque, vào thời kỳ đó mối lợi do sản phẩm đường của hai đảo kia khá lớn trong khi tại Canada chính phủ Pháp còn phải bỏ tiền ra trợ cấp nên đã quyết định bỏ Canada cho Anh để giữ hai đảo kia.
Tham luận của TỪ UYÊN
Ai chịu trách nhiệm để mất Nouvelle France
Năm 2012 hai tớ báo Le Devoir và La Presse đă đang các bài tranh luận về ai chịu trách nh́ệm việc Nouvelle France, khiến một thuộc địa tầm cữ lớn của Pháp tại Mỹ Châu bị lọt vào tay người Anh trong thời gian quá ngắn.
Thực vậy như phần trên anh bạn tôi đă tả rơ từng trận đánh qua ngày tháng, địa danh và cả tên tuổi những danh tướng dự trận của cả hai phiá. Và rơ ràng thất lợi về phía nước Pháp.
Các cuộc tham luận đều khác nhau về trách nhiệm để mất Tân Pháp (Nouvelle France) rất sôi nổi.
Những người quá nóng giận cho rằng việc Thống Đốc Vaudreuil sinh tại Tân Pháp và cha ông ta đă là quí tộc trước đây, đă sai lầm khi không tiếp tục chiến đấu sau khi Tư lệnh quân đội, hầu tước Montcalm đă tử trận tại Abraham. Và khi quân Anh vây hăm Montreal, Thống đốc Vaudreuil đă kư hàng uớc 1760 và không chiến đấu tiếp. Và đó cũng là lập luận của chính phủ Pháp sau khi kư Hoà ước 1763 nhận nhường cho người Anh đất Nouvelle France và được chấp nhận giữ được các đất thuộc Les Antilles như Guadeloupe và Martinique.
Và họ bắt buộc tự chữa tội bằng cách đem Vaudreuil và Bigot ra xử trong vụ Affaire du Canada và sau cùng tuyên bố Vaudreuil vô tội trong khi đó phạt Francois Bigot cựu Quản đốc phải bồi thường 1 triệu năm trăm ngàn livres coi như đă tham nhũng trong thời gian tại chức và không tiếp liệu cho quân đội tham chiến.
Tuy nhiên sau đó các nhà b́nh luận hiện đại cho rằng đơn phương kết tội Bigot và Vaudreuil là không đúng, hai ông không phải là ngưới chịu trách nhiệm duy nhất.
Phê b́nh và tranh luận về các trận chiến ta thấy có nhiều khuynh hướng khác nhau. Ngay trong chiến trận Việt Nam từ 1945 tới 1975 biết bao sử gia tới nay cũng chưa đồng ư về các chiến dịch từ Cao - Bắc Lạng trên đường số 4 năm 1950 và trận Điện Biên Phủ năm 1954, ai thật sự chỉ huy ? Trần Canh, Vi quốc Thanh, Lă quí Ba về phía Trung cộng hay Vơ nguyên Giáp về phía Việt Cộng ? Và sau này từ hiệp định Genève, Thỏa ước Paris, và miền Nam thua trận cũng vẫn là đề tài tranh căi và chưa ai chứng minh nổi nguyên nhân.
Trận chiến để mất Nouvelle France từ 1760 tới nay gần 200 năm vẫn c̣n được nhắc nhở. Không phải là chính trị gia hay chỉ huy quân sự, ai cũng biết một khi lâm vào một cuộc chiến ta cần ít nhất ba yếu tố: Lănh thổ, Dân số và dân t́nh, và Hệ thống chỉ huy.
Lãnh thổ
Nouvelle France mang tiếng được Samuel de Champlain tới từ 1608 nhưng cho tới 1663 mới chính thức được chính quốc nh́n nhận như một thuộc quốc v́ dân sống tại Canada ngày đó phần lớn là dân gốc Pháp và các thổ dân luôn luôn hợp tác giúp đỡ việc săn bắn kiếm lông thú và các sản phẩm khác gửi về chính quốc trực tiếp hay gián tiếp tay ba qua các đảo Les Antilles
Từ khi vua Louis XIV muốn có nước Pháp hùng mạnh ông cũng muốn các thuộc địa cải tiến và theo đúng hệ thống chỉ huy của Pháp : Quân chủ chuyên chế và Canada từ nay có Thống Đốc, Quản đốc, Hôi đồng quản trị.
Dân số và dân tình
Vị quản đốc tài giỏi nhất là Jean Talon đă cải tổ hành chánh rất nhiều và mặc dù qua nhiều biện pháp : khuyến khích việc di dân, gửi tới 800 phụ nữ qua nhằm tạo dựng hôn nhân sớm với cư dân đang ở trong t́nh trạng « Trai thừa, gái thiếu » tưởng thưởng cho gia đ́nh nhiều con v.v. nhưng tới khi láng giềng phiá Nam Pháp khởi cuộc chiến từ 1754, t́nh trạng dân số Tân Pháp không mấy khả quan. Toàn thể chưa tới 70.000 và phải bảo vệ và khai thác một vùng lănh thổ quá bao la.
Lănh thổ quá bao la khó bảo vệ mà dân số chỉ dưới 70.000 dân dù các biện pháp khuyến khích di dân, khuyên công chức và binh lính khi hết hạn lưu trú nên ở lại sinh sống nhưng không đạt kết quả mong muốn và v́ vậy không đủ năng lực cung cấp cho chính quốc đầy đủ những nhu cầu. Cũng v́ lẽ đó có tin Colbert đă ngưng việc viện trợ cho Nouvelle France và có thể đó là một toan tính không muốn giữ đất này nữa.
Quân đội theo thống kê chính thức gồm 15 tới 16. 000 nhưng ch́ có 3.865 quân chính qui c̣n lại là dân vệ ngựi canadien sinh đẻ tại đất này và một số thổ dân thân chính quyền thuộc địa.
Tuy nhiên qua nhận xét của nhiều quan sát viên, dân canadien sinh ra và lớn lên tại thuộc địa tâm tính và vóc dáng cũng khác ngưới Pháp chính quốc khá nhiều.
Trước tiên họ ít học và tuy giọng nói chưa mất âm hưởng người chính quốc nhưng các từ ngữ đă khác, họ sống chung với binh sĩ và với thổ dân nên nói năng không lễ độ và c̣n có những từ ngữ mới do học được của thổ dân.
Họ không nghĩ họ là người Pháp v́ họ sinh trưởng tại nơi đất này nên coi nơi này là quê hưong của họ và họ là người Canadien.
Tính t́nh của họ cũng khác người dân quê chính quốc, họ cởi mở hơn nhưng rất bướng tuy nhiên họ vẫn tôn trọng cấp trên. Vóc dáng họ cao lớn hơn dân chính quốc nhờ quen chịu lạnh và nguồn dinh dưỡng khả quan hơn nhờ săn bắn và hải sản.
Trước t́nh trạng và dân số cùng dân trí như vậy việc chỉ huy khi bị xâm lăng ắt gặp trở ngại.
Hệ thống chỉ huy
Trong bất cứ hoạt động nào cũng cần một phương thức chỉ huy nhất quán và một cuộc phối hợp nhịp nhàng mới mong thành công. Và chúng ta thấy tại xứ Tân Pháp có ba điều thất lợi.
-Lănh thổ quá lớn lao khó bảo vệ v́ cần quân số đầy đủ.
-Dân số quá ít từ 60.000 tói 70.000 so với địch đang có trên 1 triệu dân.
-Đă vậy giữa hai vị chỉ huy tối cao lại không chung quan điểm.
Thống đốc Vaudreuil là dân sinh trưởng tại địa phương nên chủ trương du kích chiến và đánh vào hông địch quân trong khi Tướng Montcalm vốn là danh tướng nên muốn dùng chiến lược trực diện dù đây là cuộc chiến pḥng thủ. Đă đành với chính sách pḥng thủ, nhờ vị trí kiên cố và thông thuộc địa h́nh. Quân tấn công phải cần gấp ba số quân pḥng thủ mới mong thắng, nhưng quân pḥng thủ cũng cần nguồn tiếp liệu vũ khí cần thiết cũng như cần tinh thần chiến đấu vững mạnh.
Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, trong mọi cuộc chiến dù để bảo vệ chính nghĩa hay nhằm củng cố ư đồ tham vọng, các phe lâm chiến phải cần Đồng Minh hỗ trợ.
Tân Pháp hay Nouvelle France lâm vào cuộc chiến từ 1754 trước cuộc chiến 7 năm tại Âu châu lấy ai làm đồng minh ngoại trừ chính quốc. Vậy mà ngay từ khi Samuel Champlain qua đất này từ năm 1608, Anh quốc đă có mặt tại phiá Nam vói 13 địa điểm và đă nghĩ ngay việc xâm chiếm đất này.
Các vị có trách nhiệm tại phần đất này luôn luôn tỏ ư e ngại và từ Thống đốc La Galissonière năm 1747 và tới Đức cha Pontbriand đă cảnh giác nguy cơ và yêu cầu chính quốc viện trợ và cho biết có thể cần nhiều tiền viện trợ nhưng trong tương lai phần đất này sẽ đem lại thịnh vượng cho chính quốc. Nhưng chính quốc ít chú ư tới các lời cảnh giác này.
Không được chính quốc viện trợ vùng Tân Pháp thất thủ chỉ là chuyện thời gian.
Anh Hoàng ngọc Khôi đă tả rơ nhưng khi chính Pháp kư thoả uớc Paris với điều khoản 4 đă cam kết giao cho Anh hoàn toàn phần NF và sau đó c̣n mang Vaudreuil và Bigot ra kết tội làm mất N.F. Và từ đó dư luận cho rằng Pháp đă mang Vaudreuil ra coi như dê tế thần nhưng không được dân chúng cả chính quốc cũng như tại thuộc địa đồng ư và cho rằng chính nước Pháp đă cố tâm bỏ rơi Nouvelle France từ lâu và không trả lời khi các nhà cầm quyền tại thuộc địa và cả các nhà truyền giáo thỉnh cầu.
Chúng tôi t́m được một tại liệu do Laurent Veyssiere nói rơ vụ này và khẳng định chính ngay từ 1749, trước cuộc xâm lăng cả 5 năm Colbert đă nghĩ :
1/ Chi phí dành cho việc phát triển Nouvelle France quá cao trong khi đó các nguồn lợi không khả quan và việc giao thông khó khăn và nguy hiểm v́ cửa sông mùa lạnh bị đông cứng.
2/ Ngân khoản này nên mang vào bổ túc cho ngân khoản thành lập một lực lượng hải quân hùng mạnh cho nước Pháp v́ so với Anh quốc, hải quân Pháp thua kém nhiều nên khó thắng trận. Nhờ đó hải quân Pháp đă từ 20 đơn vị nay tăng lên tới 270 sau 10 năm.
3/ Nouvelle France vừa xa vừa không đem lại cho Pháp nguồn lợi ngay trước mắt, trong khi đó Les Antilles mang lại mía, đường và rượu Rhum và lại gần Pháp hơn và giao thông thuận tiện trong toàn thời gian.
Và cũng v́ lẽ đó khi phải lựa chọn bắt buộc giao cho Anh Quốc một phần thuộc địa, Pháp đă không ngần ngại kư ngay trong khoản 4 của Hoà ước như sau :
« Sa Majesté très chrétienne cède et garantit à Sa Majesté britanique en toute propriété le Canada avec toutes ses dépendances ainsi que L’ile du Cap Breton et toutes les autres iles et côtes dans le golfe et le fleuve Saint Laurent. De son côté Sa Majesté britanique convient d’accorder aux habitants du Canada la liberté catholique. »
Như vậy rơ ràng Pháp bỏ rơi Canada để đổi lại chút ân huệ người dân đất này c̣n quyền theo Thiên chuá giáo. Sử gia Lucien Bely đă viết:
Nước Tân Pháp chẳng có một tiềm năng nào cho Pháp về kinh tế trong khi đó Pháp chỉ chú trọng tới các đất vùng Caraibes v́ nguồn lợi nơi này mang lại cao hơn v́ ngay từ cuối đời Louis XIV đường mía và rượu Rhum mang cho Pháp đă đứng hạng nh́ trong thế giới sau Anh quốc và Bresil.
Để đánh lạc dư luận Chính phủ Pháp cho biết trong cuộc đàm phán thỏa ước Paris đă đề nghị Anh trao trả cho Pháp Canada để đánh đổi lấy đất Hanovre nhưng Anh không chịu nên việc đ̣i lại Canada không thành.
Người ta cũng tự hỏi tại sao ngay khi Montreal bị vây hăm Vaudreuil không chống cự và ngay 1760 đă kư hàng ước để bị coi như phản quốc.
Có các sử gia khác giải thích thái độ này rất khôn ngoan v́ khi thấy thành phố Quebec do việc Montcalm chống trả Wolfe đă bị tàn phá và sau khi bị chiếm đóng dân chúng đă bị đối xử rất tồi tệ nên nghĩ rắng kư hàng ước khi 16,000 quân địch bao vây để tránh thiệt hại vật chất và nhân sự, và c̣n một điều ít người hiểu rơ khi kư hàng ước này Vaudreuil đă nghĩ rằng đây chỉ là một tạm ước v́ từ trước tới nay số phận thuộc quốc Canada luôn luôn đổi thay tùy theo chính quốc thắng hay bại. Kinh nghiệm các thỏa ước trước đă khiến nhiều phần đất Nouvelle france đổi chủ và Vaudreuil tin rằng nếu Pháp chiến thắng trong trận chiến 7 năm, các ḥa ước mới sẽ thay đổi qui chế Canada Như vậy ai sai, ai đúng? Nhưng ngày nay đa số đều nghĩ chính nước Pháp đă bỏ rơi thuộc địa xa vời này từ lâu.
Tuy nhiên De Gaulle năm 1967 khi tới Montreal và trên bao lơn Toà Đô chánh Montreal ông tuyên bố “Vive le Quebec libre ” đă khiến Vaudreuil được trả lại danh dự và được coi như đă thay mặt Thủ tướng Choiseul trước đây đă kư thỏa ước 1763 nhường Quebec cho Anh qưốc xin lỗi người dân Canadien gốc Pháp
Lời nói này đă khiến Chính phủ Canada mời De Gaulle trở lại Pháp, nhưng đem lại nhiều thay đổi trong vài năm sau về vị trí tỉnh bang Quebec trong Liên Bang Canada.
New France before 1700
New France 1700
New France before 1763
British Canada 1763-1775
Trận
chiến trên đồi Abrahams
Đồn Louisbourg