V ào đầu Thế Kỷ XIX không khí cách mạng lan tràn khắp nơi do ảnh hưởng của cuộc cách mạng Pháp và Hoa Kỳ, dân chúng toàn cầu hầu như đều trở thành các chiến sĩ sẵn sàng một lòng tranh đấu cho các lý tưởng tự do, dân chủ, công bằng và bác ái.

 

Sự bất mãn của người dân thuộc địa

 

Các thuộc địa cuả Anh tại Bắc Mỹ đã có số công dân lên tới gần một triệu và đa số bất bình vì không tự quyết định lấy được những chuyện lớn nhỏ, vì họ tuy có quốc hội nhưng các dự luật đưa ra đều cần sự chuẩn y của các thống đốc đại diện cho mẫu quốc.

         

Tại York, thủ đô cuả Canada-Thượng, một người Scotland tên là William Lyon Mackenzie ấn hành cuốn “ Colonial Advocate”, trong đó ông than phiền có một số người đầu óc thiển cận đã ảnh hưởng lên thống đốc khiến ông ta làm theo những gì họ muốn.

 

Tại Halifax, thủ đô của Nova Scotia, chủ báo Nova Scotian là Joseph Howe coi nước Anh còn dân chủ hơn là thuộc địa và nói chỉ xin điều gì đang áp dụng tại Anh thì cũng được áp dụng tại các thuộc địa.

         

Tại Canada-Hạ, đối lập với chính phủ là đảng Patriote lãnh đạo bởi Louis-Joseph Papineau, cũng là chủ tịch quốc hội, muốn hủy bỏ Hội đồng Lập pháp gồm những người do thống đốc chỉ định vì hội đồng này thường bác bỏ các dự luật do quốc hội đệ trình.

         

Trong tình trạng kể trên thì số dân các thuộc địa gia tăng vùn vụt. Vào khoảng đầu thập niên 1830, số di dân tới Quebec hàng năm vượt hơn số dân hiện tại và càng nhiều di dân tới thì sự yêu cầu này nọ cũng càng nhiều hơn.

 

Trong khi dân số Canada-Thượng tăng nhanh hơn nhưng dân số Canada-Hạ vẫn đông hơn, vào khoảng 400,000 gồm cả người Anh lẫn người Pháp, tuy khác ngôn ngữ và tôn giáo nhưng vẫn chung sống một cách hoà bình. Tại các vùng quê, chế độ lãnh chúa từ hai trăm năm nay vẫn được thực hành, các vị này thường lấy tô suất mỗi ngày mỗi cao khiến cho nhiều tá điền phải  tha phương cầu thực hoặc bỏ nghề nông lên các thành phố làm thợ thuyền.

 

Tại Canada-Hạ còn có đảng English Party gồm những người Anh, người Mỹ và Scots. Trong cuộc bầu cử ngày 21.5.1832 có xảy ra vụ nổ súng khiến ba người Canadiens bị lính bắn và đảng Patriote thắng vẻn vẹn có trên bốn phiếu cũng như vẫn thường thắng trong các cuộc bầu cử trước. Tuy dù đa số trong quốc hội nhưng như ta biết các dự luật được quốc hội thông qua thường bị thống đốc bác bỏ cho nên năm 1834 quốc hội đúc kết một bản gọi là “ 92 Quyết Nghị” đạo đạt thẳng tới London. Một doanh nhân Anh có thế lực tại Montreal trong một cuộc mit-tinh chỉ trích công khai đảng Patriote, và tuyên bô chế độ lãnh chúa là tham nhũng, bất công nên ném vào sọt rác.

 

Tại thủ đô York, giờ đã đổi tên là Toronto, cũng cùng năm 1834 William Mackenzie, nay là thị trưởng Toronto cũng đúc kết một bản báo cáo gọi là Tường trình thứ bảy về Bất Công”  trong đó chỉ trích gay gắt chính phủ Canada Thượng.

 

Tại Halifax, Joseph Howe, giờ là dân biểu quốc hội cũng viết báo những điều tương tự, còn nói vua Anh có it quyền hơn là thống đốc.

 

Trong hoàn cảnh dân chúng đang ngày càng bất mãn với chính phủ thuộc địa thì để đổ dầu thêm vào lửa một bệnh dịch tả do thuyền nhân từ Ireland đem tới khởi phát tháng 6.1832 từ Quebec, rồi Montreal, và lan tràn sang Canada-Thượng. Tổng số người bị chết vì bệnh dịch tả này tới cuối năm là 9,000, một nửa là tại Canada-Hạ. Về bệnh dịch tả này, một chương sau sẽ nói đầy đủ chi tiết hơn.

Bầu không khí nổi loạn đã nóng hừng hực và muốn sục sôi.

 

Cuộc nổi dậy của đảng Patriote

 

Năm 1837 khởi đầu với những viễn tượng u ám tại Canada Hạ, nhiều năm mất mùa liên tiếp gây ra cảnh nghèo đói, nhiều gia đình đã phải ăn thịt ngựa, có người còn không có lấy một củ khoai. Trong tình trạng đen tối đó, London còn bác bỏ “92 Quyết Nghị”, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự để chuẩn bị đối phó với đảng Patriote.

 

Quả thật, các bạo động bắt đầu xảy ra. Dân chúng vùng thung lũng Richelieu thoạt đầu dùng chiến thuật quấy rối bằng cách gây ồn ào gọi là “charivari” chung quanh nhà các quan toà, các đại diện chính phủ Anh, các người chống lại Patriote và tổ chức một cuộc mit-tinh tại thung lũng, khoảng 5,000 người, trương cờ của Patriote và nghe Louis J. Papineau kêu gọi phải giành lấy quyền tự trị và tự tổ chức lấy nền tư pháp với các quan tòa do dân chúng bàu ra.

Tại quốc hội, Bác sĩ Wolfred Nelson còn phát biểu mạnh mẽ hơn “Thời kỳ đã tới chúng ta phải nung chảy các muỗng niã thành các viên đạn”. Giám mục Montreal cảnh cáo Patriote về một cuộc nội chiến nhưng chẳng ai buồn nghe.

Cùng ngày hôm đó tại Place des Armes, Montreal, Chủ tịch nhà băng Montreal Peter McGill, tại một cuộc mit-tinh khác, cảnh cáo “Cuộc nổi loạn là một lăng mạ các công dân yêu chuộng hoà bình và không thể tha thứ”.

 

Tại Canada-Thượng, thị trưởng Toronto Mackenzie ủng hộ Patriote và các người cùng chủ trương với ông bắt đầu tổ chức các lớp luyện tập về quân sự. Thống đốc tuy có quan tâm về phe nhóm Mackenzie này nhưng thấy tình hình Canada-Hạ nghiêm trọng hơn nên ra lệnh cho toàn thể quân đội Canada-Thượng tiến sang Canada-Hạ với tư lệnh là tướng Colborne, một người từng chiến đấu bên cạnh Wellington chống Napoleon.

 

Quân Anh được lệnh tấn công vào các cơ sở chỉ huy của Patriote: St. Charles, St. Denis, kết cục Patriote không kháng cự nổi và Papineau cùng hàng trăm đảng viên Patriote phải chạy sang Mỹ. Bác sĩ W.Nelson đang trấn thủ vùng Deux Montagnes cùng hàng trăm Patriote tìm đường rút lui sang Mỹ nhưng đều bị bắt làm tù binh. Phần Papineau sau sống lưu vong tại Albany.

 

Tại Toronto, Mackenzie ngỡ là tất cả binh sĩ Anh đã sang Canada-Hạ nên ngày 4.12 tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng võ trang dọc đường Yonge, không biết rằng tại Toronto vẫn còn có sự hiện diện của 1,000 Vệ Binh nên khi hai bên đối diện, phe Mackenzie chỉ còn lại 400 người và chỉ một nửa số đó có súng ống. Cuộc đụng độ chỉ kéo dài chừng vài phút là phe nổi loạn bị dẹp tan. Phần Mackenzie chạy được sang Buffalo, New York, với án tử hình treo trên đầu.

 

Canada Tây và Canada Đông

 

London sau đó vào năm 1838 gửi sang Canada một thống đốc mới: John George Lambton, Hầu tước Durham, một người có tài ngoại giao khéo léo. Việc đầu tiên của ông là ra một bản tuyên cáo xin dân chúng coi ông như một người bạn sẵn sàng lắng nghe mọi than phiền cùng mọi yêu cầu và sẽ giải quyết một cách vô tư. Việc thứ hai là ông ân xá cho các Patriotes, đồng thời đưa tới Bermuda Bác sĩ Nelson cùng 8 lãnh tụ để quản thúc. Tuy vậy các dư đảng Patriotes vẫn tiếp tục hoạt động và được lãnh đạo bởi người em của Wolfred Nelson là Robert cùng với Chevalier de Lorimier dưới hình thức một tổ chức bí mật là “ Societé des frères chasseurs”.

 

Vào muà thu 1838 hầu tước Durham bị triệu hồi vì bị cho là đã vượt quyền hạn khi ân xá cho Patriote và tướng Colborne nắm toàn quyền hành tại Canada, một người rất cứng rắn và mạnh tay. Cũng mùa thu đó, khoảng 300 Frères Chasseurs từ bên Mỹ tràn sang Canada Hạ, tấn công lâu đài của lãnh chúa Beauharnais là Edward Ellice, giết chết 60 dân làng, bắt đi theo vợ chồng con trai Ellice, nhưng sau đó thả ra an toàn. Quân Anh sau đó tới đốt hết vùng Beauharnais và còn đốt luôn miền nam Montreal để trả miếng. Tiếp theo là thời gian 1838-1839 hàng trăm Frères Chasseurs bị xử treo trong đó có Chevalier de Lorimer hoặc bị đày đi Australia.

 

London sau đó theo khuyến cáo của hầu tước Durham nghiên cứu thể thức hợp nhất hai tỉnh Canada Thượng và Hạ làm một để tránh các cuộc nổi loạn, tuy nhiên khi mộng ước của Durham thành sự thật thì ông đã qua đời vì bệnh lao phổi khi mới 48 tuổi. Canada năm 1840 giờ tuy là một tỉnh, có một quốc hội nhưng vẫn được phân chia ra là Canada Tây và Canada Đông thay cho Canada Thượng và Hạ cũ.

 

 

Các nhà cải cách

 

Tại Halifax, Nova Scotia, Joseph Howe cực lực ủng hộ ý kiến của Lord Durham và khi ông so sánh cuộc sống cách biệt của những công tử con nhà giàu với các thanh niên công nhân, thì một phụ huynh giàu có cho là bị lăng mạ và thách Howe đấu súng. Người phụ huynh này bắn trước nhưng mà hụt, tới lượt Howe thì ông quẳng súng đi và nói “ Tôi không bao giờ có ý định bắn ông ta cả mà chỉ muốn cho ông ta một bài học về nhã nhặn”. Tại Toronto, một luật sư trẻ tuổi tên Robert Baldwin rất muốn có một chế độ dân chủ nhưng nhận định cần phải có sự ủng hộ của người Canada gốc Pháp thì mới có đa số trong quốc hội. Tại Canada Hạ, một người cũng có ý tưởng như Baldwin là Louis-Hippolyte La Fontaine là cần phải liên kết với người Canada gốc Anh để thi hành mọi cải cách.

 

Hiến Pháp 1841

 

Vào tháng 2.1841 một hiến pháp mới ra đời, lấy Kingston làm thủ đô, Canada Tây và Đông có số dân biểu bằng nhau dù miền Đông dân số đông hơn, cả Baldwin lẫn La Fontaine đều trúng cử dân biểu nhưng đảng Bảo Thủ bằng các thủ thuật không chính đáng vẫn nắm được đa số để chặn phe Cải Cách.

 

Trong khi đó các nạn dịch lại hoành hành dữ dội, khởi phát từ nhóm người di dân Ireland. Mặc dầu những bệnh nhân bị  cách ly tại đảo Grosse-Ile, Quebec, với các bệnh typhus, thổ tả, đậu mùa cũng không làm giảm bệnh lan tràn và số người bị chết tới cuối năm là 20,000 di dân Ireland.

 

Cuối cùng London đành phải ban quy chế tự trị cho các thuộc địa tại Bắc Mỹ và một cuộc bầu cử tự do được tổ chức tại Nova Scotia đem đến thắng lợi cho đảng của Howe năm 1848. Cũng vậy tại Canada liên đảng Cải Cách của Baldwin và La Fontaine cũng thắng trong cuộc bầu cử quốc hội. Cũng trong cuộc bầu cử này, Papineau trở về lại Canada và trúng cử dân biểu vùng St. Maurice, ông tìm cách để phân chia sự liên kết nhưng không thành công vì chủ trương chia rẽ của ông không hợp thời nữa nên ông rút lui khỏi chính trường, về sống tại lãnh địa vùng thung lũng Ottawa rồi mất năm 85 tuổi, trong khi William Mackenzie cũng được ân xá và trở về lại Canada năm 1849.

 

Bắc Mỹ thuộc Anh giờ đã có dân số lên tới hơn 2 triệu và thủ đô của Canada được di chuyển từ Kingston tới Montreal. Một biến chuyển về chính trị lại xảy ra. Nguyên do là chính phủ liên kết Baldwin-La Fontaine ra đạo luật bồi thường thiệt hại cho những người nổi loạn với nhà cửa bị thiêu hủy trước kia nhưng thống đốc mới Lord Elgin, con rể của Lord Durham rất bối rối trước sự chọn lựa: một là không chấp nhận đạo luật bồi thường thì đi ngược với nguyên tắc một chính phủ có trách nhiệm với dân do ông bố vợ đề ra, hai là chấp nhận đạo luật thì những người Anh tại Montreal lại phản đối cho là chính phủ tưởng thưởng cho những kẻ nổi loạn và sau cùng ông chọn nguyên tắc của ông bố vợ.

 

Thật như dự đoán, các người Anh cảm thấy bị phản bội, phản đối kịch liệt, cả trên tờ báo The Montreal Gazette và còn tổ chức mit-tinh tại Place d’ Armes, sau đó đốt cháy quốc hội và thư viện quốc hội. Sự phá hoại đã đi quá đà, đa số người Anh không ủng hộ việc làm của đảng Bảo Thủ mà ủng hộ khối liên kết Baldwin-La Fontaine, ngay cả Nhà Chung cũng lên tiếng đứng về phe đảng Tự Do.

Hai năm sau, Baldwin rút lui khỏi chính trường năm 1851 và La Fontaine cũng noi theo ít lâu sau, trở lại hành nghề luật sư. William Mackenzie sau khi lưu vong trở về, trúng cử vào quốc hội nhưng dân chúng thờ ơ nên cũng rút lui vào năm 1859.

 

Các người chủ trương quy chế Liên bang

 

Vào thập niên 1860, Bắc Mỹ thuộc Anh là một thực thể điạ lý và lịch sử rất đặc biệt gần như là bát nháo. Về hướng Tây Bắc, phần lớn đất đai còn là sở hữu của HBC mà Hoa Kỳ luôn luôn nhòm ngó vì đó là các cánh đồng thảo nguyên bát ngát chỉ có thưa thớt thổ dân cùng với các người lai và dân buôn bán lông thú định cư thôi. Phía bên kia dẫy Thạch Sơn là British Columbia đang có các cuộc chạy đua tới các mỏ vàng, cũng rất hấp dẫn đối với Hoa Kỳ. Tít xa về phương Đông là Newfoundland bao bọc chung quanh bởi Đại Tây Dương, vẫn chưa có tính cách pháp nhân rõ ràng, còn các thuộc địa Prince Edward Island, New Brunswick và Nova Scotia tuy không cách xa nhau lắm nhưng gần như sống biệt lập không có giao dịch gì với nhau cả.

Và nằm giữa của tất cả các thuộc địa trên là tỉnh Canada với hai giống dân, hai ngôn ngữ và hai tôn giáo.

 

Những cha đẻ của Liên bang Canada

 

Những người chủ trương hợp nhất các thuộc địa riêng biệt ấy lạ thay cũng rất khác nhau về nhiều thứ: điạ phương, tôn giáo, quan điểm chính trị, quyền lợi và cá tính. Nhưng có một điều họ giống nhau là cùng đã từng chỉ trích chính sách thuộc địa của chính phủ Anh cho nên đã đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

 

Người thứ nhất là John Alexander Macdonald, sinh ngày 11.1.1814 tại Ramshorn. Tuy sinh ra tại Scotland nhưng John đã tới Canada từ khi mới 5 tuổi. Ông học trung học tại Kingston, Ontario. Ông trở thành một luật sư và một chính khách lỗi lạc tại Canada Thượng, cao lớn, đẹp trai, tháo vát, nhiều nghị lực và có tài tổ chức lẫn thuyết phục duy chỉ có nhược điểm là nghiền rượu nặng.. Ông làm thủ tướng tất cả 19 năm chỉ cách quãng có 5 năm 1873-1878 do vụ tai tiếng về Canadian Pacific Railway CPR. Trong việc khai sinh ra Dominion of Canada, cả hai ông Cartier lẫn Macdonald đều có công sức và nhiệt tình như nhau nhưng lịch sử thiếu công bằng thường đã đề cao vai trò của Macdonald hơn có lẽ vì lúc thành lập thì toàn Canada đang thuc chủ quyền của nước Anh. Tuy nhiên tên hai ông đã nằm bên nhau trong phi trường Ottawa Macdonald-Cartier International Airport, trong Macdonald-Cartier Free Way tức HW 401.

 

Điều mà lịch sử chỉ trích ông mãnh liệt nhất là việc nhập cư của khoảng 15.000 người Tàu đã được mộ sang làm đường xe lửa vào thập niên 1880. Những người này được trả lương rất thấp, làm việc trong những điều kiện khó khăn về ăn uống, y phục, phòng và trị bệnh nên có tới trên 600 người bị chết về bệnh hoạn hoặc tai nạn. Đã thế mỗi người Tàu khi nhập cư đều phải trả thuế $50 và những người Tàu theo luật không được quyền bầu cử. Tuy nhiên sau này vào năm 1903 thủ tướng Wilfrid Laurier còn tăng thuế này lên $500. Lại cũng vẫn chưa tệ bằng bên Mỹ đã cấm người Tàu nhập cư năm 1982. Ông cũng bị cho là có óc kỳ thị chủng tộc trong vụ xử Louis Riel.

 

Về đời tư, ông kết hôn với một người bà con là Isabella, thường luôn luôn bệnh hoạn và được chữa trị tại Savannah, Georgia, trong nhiều năm. Hai người lấy nhau được 14 năm thì Isabella chết để lại một con trai. Năm 1867 trong khi sang London vận động với nữ hoàng Victoria công nhận Liên bang Canada, ông gặp một người quen cũ là Susan Agnes Bernard và hai người thành hôn ngay trong khi ông còn tại London. Bà vợ sau có với ông một con gái nhưng mắc tật hydrocephalia nên không đi được. Cuộc đời tư không lấy gì làm hạnh phúc của ông cộng thêm với bao mối lo lắng trong công việc khiến ông luôn luôn dùng rượu giải mối sầu vạn cổ cũng không khiến ta ngạc nhiên.

 

Người thứ hai là George Etienne Cartier, sinh ngày 6.9.1814 tại làng Saint Antoine trên bờ sông Richelieu, Quebec, gốc Pháp. Ông là con thứ bảy trong 8 con của một thương gia thường tự hào là dòng dõi của Jacques Cartier, nhà thám hiểm đã khám phá ra sông Lawrence, Quebec và Montréal. Sông Richelieu phát nguyên từ hồ Champlain, New York, chảy lên phía Bắc và đổ vào sông Lawrence, và là dòng sông chảy giữa biên giới hai tỉnh Ontario và Quebec. Khi ông sinh thì tất cả các thuộc địa Anh tại Canada mới có dân số là 500.000 trong số đó ba phần năm nói tiếng Pháp và Montreál, thành phố lớn nhất bấy giờ chỉ có 20.000 dân. Trong khi đó Hoa Kỳ có dân số 8 triệu người và luôn luôn nhòm ngó đất đai phương Bắc một cách ưu ái.

 

Cartier học trung học tại trường Collège de Montreal do dòng tu Sulpician Fathers quản trị, cũng là trường mà Louis Riel theo học. Năm 17 tuổi ông ghi tên học luật rồi trở thành một luật sư, từng chiến đấu tại St Denis bên Wolfred Nelson trong cuộc nổi loạn 1837 của Đảng Patriote, trốn sang Vermont, Hoa Kỳ một thời gian rồi trở về lại Montreal, trở thành một chính khách quan trọng. Cartier tham gia hội Saint Jean-Baptiste từ hồi trẻ và trở thành tổng thư ký năm 1843. Trong đêm dạ hội 24.6.1834 ông đã trình bày bài hát rất nổi tiếng do ông sáng tác là O Canada, mon pays, mon amour. Năm sau ông hát một bài khác cũng do ông làm ra là bài Avant tout je suis Canadien. Năm 34 tuổi ông là một dân biểu quốc hội và là một bộ trưởng, có tài hùng biện, đã có lần nói tại quốc hội liền 13 tiếng đồng hồ. Ông cũng nghiền champagne, tính tình hào hoa, rất thích các tiệc tùng và khiêu vũ.

 

Cartier ở Quebec và Macdonald ở Ontario trở thành đôi bạn thân, nương tưạ vào nhau và kết thành một liên minh chính trị. Những công trình của ông rất lớn lao: ông là người khởi xướng ra ý niệm liên bang Canada, thuyết phục Nữ hoàng Victoria chọn Bytown sau đổi là Ottawa làm thủ đô, thuyết phục hai tỉnh BC và Manitoba gia nhập Dominion of Canada, đề xướng và thi hành cộng trình làm đường hoả xa xuyên lục địa, thuyết phục HBC bán đất Rupert và New Territories cho Canada. Ông làm đồng thủ tướng với Macdonald trong hai nhiệm kỳ 1857-58 và 1858-1862.

 

Trong dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập Dominion of Canada, thống đốc Charles Monck báo tin mừng Macdonald, đương kim thủ tướng được ban phẩm hàm Knight Commander of the Bath còn Cartier và năm người khác phẩm hàm kém hơn một bậc là Companion of the Bath. Cartier từ chối, cho rằng đó là một sỉ nhục cho người Pháp, nên Macdonald phải vận động riêng cho Cartier được phong Bá tước cha truyền con nối và ông trở thành Sir.

 

Tuy nhiên một vụ tai tiếng đã xảy ra cho ông, bắt nguồn từ việc ông giao cho người bạn tại Montreal là Sir Hugh Allan làm chủ tịch công ty hoả xa CPR. Trong cuộc bầu cử 1872, Hugh Allan đã tỏ lòng biết ơn bằng cách gửi tiền tặng cho các ứng cử viên Bảo Thủ trong đó có cả Cartier và Macdonald. Chuyện này vỡ lở, Cartier lần đầu tiên thất cử và Macdonald phải từ chức thủ tướng tới 5 năm mới trở lại địa vị cũ.

 

Về đời tư, Cartier lấy vợ là Hortense Fabre, hai năm trước khi bước vào chính trường, vốn là con gái một thương gia giàu có sau trở thành thị trưởng Montreal, tuy nhiên tính tình và nếp sống của hai người không hợp nhau, nhất là Cartier thường la cà các hộp đêm, quán rượu, vũ trường. Sau ông có một tình nhân tên Luce Cuvillier, lớn hơn vợ ông 11 tuổi. Hai người công khai đi dự các buổi tiệc tùng, họp hành và bà vợ vốn là một tín đồ ngoan đạo cũng không gây chuyện gì ồn ào. Sau khi thất cử vài tuần, Cartier sang London để chữa bệnh Mal de Bright, một loại bệnh thận, được vài tháng thì mất tại đấy ngày 20.5.1873, sau được đem về Quebec chôn cất.

 

Người thứ ba là George Brown rất khác biệt với cặp Cartier-Macdonald, ông rất cao lớn, 6’ 4’’, người Scot, tín đồ Tin Lành không có thiện cảm với Công giáo và người Irish, có khuynh hướng Tự Do, rất ghét kẻ nghiền rượu nhất là không ưa  thích liên minh Cartier-Macdonald. Lúc này dân số Canada Thượng lại nhiều hơn Hạ và George chủ trương số ghế trong quốc hội cũng phải tùy theo tỷ lệ dân số. Ông sinh ra tại Scotland, theo gia đình di cư sang New York năm 1837 sau ông sang Toronto năm 1843. Tại đây, năm 1844 ông ra nhật báo The Globe, một tờ báo rất có uy tín thời đó. Ông tham dự cả hai hội nghị Charlotte Town và Quebec và chủ trương chế độ lưỡng viện với Thượng viện được chỉ định. Ông là dân biểu đảng Liberal, từng làm thủ tướng vỏn vẹn có 6 ngày từ 2.8 tới 6.8.1858 thì bị hạ qua một cuộc trưng cầu dân ý. Năm 1873 ông được đề cử vào Thượng viện Canada. Ngày 15.3.1880 ông bị một nhân viên tòa báo mới bị sa thải tên George Bennett bắn vào chân, vết thương làm độc và ông bị tử thương ngày 9.5.1880. Toà nhà ông ở tại đường Beverly Street, Toronto, số 186 được coi là một di tích lịch sử. Tên ông được đặt cho trường George Brown College vào năm 1967. Hai tượng đài kỷ niệm ông được xây cất ngay trước quốc hội Ontario và quốc hội Canada tại Ottawa.

 

Người thứ tư là Thomas d’Arcy McGee, sinh ngày 13.4.1825 tại Ireland, một nhà báo, nhà thơ. Năm 1848, 17 tuổi ông di cư tới Bắc Mỹ, thoạt đầu làm báo ở Boston rồi di cư tới Montreal đầu năm 1857, tiếp tục làm báo và cũng trúng cử dân biểu như ba người trên. Ông không tán thành chủ trương của George Brown và đả kích sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Ông luôn luôn trăn trở với ước vọng giải phóng Ireland khỏi Đế quốc Anh nên có thời gian ông trở về Ireland hoạt động trong phong trào Young Ireland chủ trương nổi dậy chống chính quyền Anh nhưng thất bại. Ông cộng tác với Macdonald và làm bộ trưởng Canh nông và Di trú. Trong việc giải phóng Ireland ông đổi quan niệm thôi tranh đấu bằng bạo lực mà theo mô thức Canada tìm quyền tự trị trong Đế quốc Anh một cách ôn hòa vì vậy ông bị các người Irish cực đoan trong phe đảng Fenians cho ông là phản bội Ireland. Ông đã tích cực hô hào các người Irish ủng hộ việc sát nhập các tỉnh thành một liên bang, ông tham dự cả hai hội nghị Charlotte Town và Quebec nhưng từ chối không đi sang London có lẽ cũng vì muốn tránh tiếng chì tiếng bấc của các đồng bào Irish.Tuy vậy vào ngày 7.4.1868 ông đã bị một đồng bào của ông, một phần tử nhóm Fenian bắn chết tại gia, một tuần trước ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 43.

 

Hội nghị thành lập Liên bang Canada

 

Vào năm 1864 sau khi cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ chấm dứt, chính phủ Anh lo sợ Mỹ có thể xâm chiếm các thuộc địa Anh nên chủ trương các thuộc địa này cần phải hợp nhất thành một lực lựơng phòng thủ mạnh hơn. Một sự lạ lùng xảy ra là George Brown gia nhập nhóm chủ trương thống nhất và kết quả là một Chính phủ Liên Bang ra đời. Thống đốc Monck nhân cơ hội này, khuyến khích các tỉnh duyên hải gia nhập và được thống đốc New Brunswich hưởng ứng. Monck vội tổ chức một hội nghị tại Charlotte Town, Prince Edward Island ngày 1.9.1864. Cả bốn ông Cartier, Brown, Macdonald, McGee cùng doanh nhân Alexander Galt đi chung trên chiếc tàu Queen Victoria tới dự hội nghị. Cartier là thuyết trình viên chính trong hội nghị vì ông là người khởi xướng việc thành lập một Canada thống nhất dưới hình thức một liên bang trong khi các tỉnh bang vẫn giữ những quyền song hành căn bản về giáo dục, ngôn ngữ, tôn giáo, luật pháp và phong tục, tập quán. Tất cả các đại biểu đều tán thành trên nguyên tắc quy chế tổ chức một liên bang cho các thuộc địa như vậy nhưng còn nhiều điều quan trọng cần phải thảo luận nên đồng ý sẽ tổ chức một hội nghị tiếp theo tại Quebec một tháng sau.

 

Hội nghị Quebec nhằm vào tháng 10.1864 giữa một trận bão tuyết nhưng vẫn có đầy đủ 33 đại diện và tiến hành một cách bí mật. Macdonald, có kinh nghiệm về luật hiến pháp, là thuyết trình viên chính, khởi đầu bằng cách nhấn mạnh về sự cần thiết một chính phủ liên bang với nhiều quyền hành nhưng các tỉnh cũng có những quyền hành đặc biệt song hành và chính ông đã thảo 50 quyết nghị trong tổng số 72.

 

Hội nghị cũng quyết định về thành phần Thượng Viện sẽ gồm ba vị cho Canada Tây, ba vị cho Canada Đông và ba vị cho các tỉnh Duyên Hải.

 

Hiến pháp mới 1864 cuối cùng được chấp nhận vào lúc 6 giờ tối với bản tuyên ngôn khác với lời lẽ trong bản tuyên ngôn của Pháp và Hoa Kỳ, có tính cách ôn hoà, êm dịu và thanh bình hơn. Hội nghị bế mạc sau ba tuần lễ ngày họp hành, đêm tiệc tùng bằng một buổi dạ hội 14.10.1864 với 1,400 quan khách.

 

Tuy nhiên không phải ai ai cũng đồng tình với chủ trương quy chế liên bang.

 

Tại Nova Scotia, tuy Howe không còn là thủ tướng mà là Charles Tupper nhưng uy tín của Howe vẫn còn mạnh mẽ và ông không tán thành mà còn nói một cách hài hước  Chẳng lẽ nước Scotland, nước Poland và nước Hungary cách trung tâm Âu châu cả 800 dặm mà lại hợp nhất thành một liên bang hay sao?

Tại New Brunswich thủ tướng Tiller là người ủng hộ quy chế liên bang nhưng chẳng may lại vừa thất cử và đảng cùng người kế nhiệm lại bác bỏ các quyết nghị tại Quebec.

Tại Canada Đông, Anton-Aimé Dorion cùng với đảng Rouges mà ông là lãnh tụ cho rằng quy chế Liên bang không có lợi cho người Pháp và quyết liệt chống lại sự sát nhập Canada Đông nhưng Nhà Chung lại đứng về phía Cartier kết quả là quốc hội phê chuẩn với tỷ lệ 91/33.

 

Sự khai sinh ra Dominion of Canada ngày 1.7.1867

 

Các quyết nghị tại Quebec tuy nhiên  còn cần phải được mẫu quốc Anh phê chuẩn cho nên một phái đoàn gồm Macdonald, Cartier, Brown và Alexander Galt tới London vận động nhưng còn một vấn đề khác đặt ra ngay khi đó là nếu được chấp thuận thì quốc gia mới này tên gọi ra sao? Nó không thể là một vương quốc, cũng không thể là một cộng hoà. Cựu thủ tướng New Brunswich Tiller, thường đọc kinh mỗi ngày, chợt nhớ tới câu “His Dominion shall be also from sea to sea ” và đề nghị gọi thực thể mới là Dominion. Và từ đó tất cả đại biểu đồng thanh quyết định đặt tên cho quốc gia mới tại Bắc Mỹ là Dominion of Canada.

 

Trong khi chờ đợi Hạ viện rồi Viện Quư tộc Anh duyệt y, Macdonald đi chơi lang thang khắp London, tình cờ gặp lại một bạn gái cũ là Agnes Bernard rồi hai người lấy nhau ngay tại London do một giám mục Montreal chủ hôn.

 

Đạo luật British North America cuối cùng được nữ hoàng Victoria ký ngày 29.3.1867.

 

Ngày 1.7.1867 đúng giữa trưa và giữa các tiếng pháo đại bác Dominion of Canada được khai sinh, gồm New Brunswich, Nova Scotia và liên tỉnh Canada (gồm Canada Đông và Canada Tây) với thủ tướng đầu tiên là John A. Macdonald và sau trở thành Sir John A. Macdonald.

 

Thomas d’ Arcy McGee, một trong những người chủ trương quy chế liên bang, đã vận động các người Irish ủng hộ Liên bang và trong cuộc họp quốc hội ngày 6.4.1868 ông tuyên bố ông không phải là đại biểu cho một chủng tộc hay một tỉnh nào mà nhấn mạnh bây giờ ông là một người Canada. Sau đó ông trở về nhà tại Ottawa với dự tính sẽ về Montreal tổ chức sinh nhật của ông cùng với vợ con nhưng khi ông vừa tra ch́a khóa vào phòng của ông thì một viên đạn bắn xuyên qua đầu ông khiến ông chết ngay lập tức. Hung thủ bắn ông cũng là một người Irish nhưng bất đồng ý kiến với ông tên là Patrick James Whelan, một phần tử thuộc nhóm Fenians đã theo  dõi ông từ Quốc hội. Whelan bị xử treo cổ trước 5000 người dự kiến, còn McGee, 43 tuổi, được dân chúng tiễn đưa trong một cuộc tống táng lớn nhất tại Montreal từ trước tới khi đó.

 

Cuộc nổi loạn tại Red River, Manitoba

 

Vào thập niên 1860, sau khi Dominion of Canada được khai sinh thì tại Canada Đông, Montreal đã là một thành phố lớn trong đó sự cách biệt giàu nghèo rất rõ rệt. Trên phía nam sườn Mount Royal, thường được gọi là Square Mile có những triệu phú người Anh kiểm st tới hai phần ba tài nguyên của tỉnh như McGill, Molson, Redpath, Ogilvie từng thường làm giàu trong các ngành thương mại như lông thú, rượu bia, đường, bột, hàng hải, v.v.. Người giàu nhất trong bọn họ là Hugh Allen, đã xây một dinh thự lớn gọi là Ravenscrag mà từ trên gác chuông với kính viễn vọng ông có thể nhìn được các đoàn tàu của ông đậu tại bến. Phần lớn những triệu phú này là người Scot tới Canada còn tay trắng nhưng qua sự làm việc cần cù đã xây được những cơ nghiệp vĩ đại.

 

Trong khi đó về phía cuối sườn đồi, gần sông, là những dân nghèo thường là người Pháp và người Ireland tới nỗi nhiều khi họ phải bỏ con cho nhà dòng chăm sóc trong số đó có một thiếu niên lai tên là Louis Riel. Riel đã được linh mục Taché tại St. Boniface ở Ruperts Land chọn lựa sau này làm tu sĩ. Trong khi học tại Collège de Montreal năm 1864, Riel nhận được tin buồn cha ông chết. Cha ông, Jean-Louis Riel từng là lãnh tụ của 6,000 người Pháp lai sống tại vùng thảo nguyên. Từ đó Louia Riel không cảm thấy hứng thú trở thành tu sĩ và tính tình trở nên bất thường. Sau khi tốt nghiệp, Riel đi làm thư ký trong ngành tư pháp để lấy tiền gửi về cho gia đình tại Red River vì là anh lớn của 10 người em. Riel trở về Red River hè 1868 vào đúng lúc dịch châu chấu đang xảy ra làm thiệt hại hết cả mùa màng, nhưng một sự kiện khác xảy ra còn kinh hoàng hơn thế nữa.

 

Đó là ngày 20.3.1869 HBC đồng ý bán đất Rupert’s Land cho chính phủ Canada với số tiền 1.5 triệu dollars, một vùng đất rộng mênh mông 5 triệu miles vuông, chiếm một phần tư Bắc Mỹ, bao gồm bắc Quebec, bắc Ontario, toàn Manitoba, hầu hết vùng thảo nguyên và một phần Nunavut.

 

Khế ước mua bán không đả động gì tới những người đang sống trên các vùng đất đó và như thế cũng có nghĩa là chấm dứt chuyện buôn bán lông thú và chuyện di cư những người mới muốn tới đây.

 

Tháng 10.1869 chính phủ Canada gửi người tới đo và chia đất thành từng ô vuông ngược lại với tập quán Quebec chia lô dài theo dọc sông với nhà thờ ở trung tâm. Khi ban trắc địa tới nhà Andre Nault, một người Pháp lai có họ hàng với Louis Riel, người này gọi Riel tới và Riel yêu cầu đoàn kiểm tra ngưng. Khi đoàn kiểm tra bỏ đi, Louis Riel bỗng được khối 6,000 người Pháp lai ca tụng là anh hùng nhưng 4,000 người Anh lai lại không có thiện cảm với Riel, e sợ Riel sẽ chèn ép họ.

Thủ tướng Macdonald biết vấn đề cần phải giải quyết thận trọng nên vội bổ nhiệm William MacDougall làm đại diện đầu tiên vùng North West Territories nhưng khi MacDougall và đoàn tùy tùng vừa tới biên giới thì bị các người lai Pháp chặn lại trong khi Riel cưỡi ngựa tới Fort Garry bắt luôn thống đốc Rupert’s Land và tuyên bố “ Các người Pháp lai chỉ công nhận Liên bang Canada nếu họ vẫn được giữ nguyên tài sản, công giáo và tiếng Pháp”.

 

Trong khi đó lại có tin đồn một dược sĩ ở Winnipeg tên John Schultz tổ chức một lực lượng võ trang chống lại Riel và còn treo giải thưởng trên đu Riel nên Riel phản ứng bằng cách bắt 45 người theo Schultz và còn lập một chính phủ lâm thời tại Red River.

 

Macdonald muốn xoa dịu sự bất mãn của Riel, hứa sẽ ân xá cho Riel, đền bù tiền bạc và cấp công ăn việc làm cho các lãnh tụ người Pháp lai và bảo đảm quyền sở hữu đất đai. Riel đồng ý, thả các người bị bắt tại đồn Garry. Nhưng phe Schultz không chịu lui và khích lệ các người Scot lật đổ chính phủ của Riel khiến Riel lại bắt nhốt một số khá đông tại đồn Garry lại, trong số đó có Thomas Scott đã nổi sùng chửi mắng những người theo Riel. Riel lần này phản ứng quá mạnh, bắt Thomas đem ra xử bắn. Đây là một lỗi lầm nặng của Riel đã chúng tay vào việc giết người dù dưới bất cứ lý do nào.. Một lực lượng 1200 binh sĩ Anh được gửi lập tức tới Red River để đối phó với tình hình dưới quyền chỉ huy của Đại tá Garnet Wolsely. Toán quân này phải trải qua ba tháng lội các đầm lầy mới tới được đồn Garry. Riel trốn thoát sang Mỹ rồi trở lại Canada, hai lần trúng cử dân biểu quốc hội liên bang tại Manitoba nhưng cả hai lần đều bị Ottawa loại bỏ.

 

Những người Canada gốc Pháp đòi hỏi miền Tây phải mở cửa tiếp nhận họ cũng giống như người gốc Anh và họ xem Manitoba là một trường hợp để thử xem  chính phủ Liên bang có giữ lời hay không? Ngày 12.5.1870 đạo luật Manitoba Act được quốc hội thông qua và Manitoba trở thành tỉnh thứ năm của Dominion of Canada.

 

 

Sự gia nhập Dominion of Canada của British Columbia và Prince Edward Island

 

Sau cuộc mạo hiểm của hạm trưởng Cook vào cuối thập niên 1700 vùng đất phía tây dẫy Thạch Sơn hầu như vẫn nằm tách biệt riêng một cõi. Hạm trưởng Vancouver, trước từng nằm trong toán mạo hiểm của Cook, trở lại vùng này và vẽ bản đồ suốt từ Oregon lên tận Alaska trong vòng ba năm. Cùng thời gian nhưng từ hướng đông tới mở đường sâu vào nội điạ là Alexander Mackenzie, David Thompson, Simon Fraser.

 

Vùng đất miền Tây này, bao gồm cả Washington và Oregon còn là đối tượng tranh chấp giữa HBC và người Mỹ, do đó có một thỏa ước 1846 xác định  biên giới phía nam của thuộc địa Anh chạy theo vĩ  tuyến 49, ngọai trừ Vancouver Island.

 

Mấy năm sau Vancouver Island trở thành một thuộc địa Anh với thủ đô là Victoria và James Douglas, một nhân viên của HBC được chỉ định làm thống đốc đầu tiên. Cuộc sống tại British Columbia tương đối êm ả, trầm lặng cho tới khi người ta chợt khám phá ra vàng tại hạ lưu sông Fraser vào năm 1857. Mọi người ùn ùn đổ xô tới vùng này tạo thành một cơn sốt vàng, đa số là người Mỹ với mộng làm giàu nhanh chóng, rồi họ còn kéo lên tít phương Bắc Klondike trong một thời gian khá lâu dài từ 1849 tới 1898 và thành phố Barkerville bỗng hiện ra gần như trong một đêm và trở thành nơi định cư lớn nhất tại miền tây Canada.

 

Để giữ gìn an ninh và trật tự, chính phủ Anh tạo ra một thuộc địa mới đặt tên là British Columbia với thủ đô là Westminster và thống đốc đầu tiên vẫn là James Douglas.

Cuộc chạy đua tìm vàng dần dần thưa thớt vì những người tìm vàng bỏ đi cho nên để giảm kinh phí, chính phủ Anh cho sát nhập hai thuộc địa làm một vn giữ tên British Columbia với thủ đô là New Westminster, sau đổi lại là Victoria.

 

Vào tháng 3.1867 Hoa Kỳ mua Alaska của Nga. BC tự cảm thấy bị Mỹ bao vây cả phía Nam lẫn phía Bắc, còn bên phía đông là dẫy Thạch Sơn. Dân số lại rất it, chỉ vào khoảng 40,000 mà ba phần tư là người thổ dân. Hoa Kỳ cũng ngỏ ý mua luôn BC nhưng Anh từ chối.

 

Một chủ báo “ Bristish Colonist” tên William Smith đến từ Nova Scotia, trúng cử dân biểu Vancouver Island và trở thành lãnh tụ phe đối lập, chủ trương BC gia nhập Liên bang Canada. Chính phủ Anh cũng hết sức khích lệ BC gia nhập liên bang nên một phái đoàn BC tới Ottawa năm 1870 để thảo luận với Cartier.

 

Cartier hứa hẹn sẽ làm đường xe lửa nối liền BC với Canada, khởi đầu trong hai năm và hoàn tất trong mười năm, ngoài ra còn hứa sẽ trả những món nợ của BC, đồng thời còn trợ cấp tài chính hàng năm.

 

Năm 1871, British Columbia gia nhập liên bang Canada và trở thành tỉnh thứ sáu của Dominion. Năm sau đó William Smith trở thành thủ tướng của BC.

 

Hai năm sau, năm 1873 Prince Edward Island cũng được Ottawa hứa hẹn tương tự như trường hợp BC nên trở thành tỉnh thứ bảy gia nhập liên bang.

 

Cuộc di dân tới miền Tây

 

Chương trình xây dựng đường xe lửa nối liền Đông Tây tuy có nằm trong kế hoạch của chính phủ như đã hứa hẹn nhưng việc thực hiện không phải không gặp nhiều trở ngại trong khi đó Hugh Allen lại có kế hoạch đầu tư riêng xây đường hoả xa với sự góp cổ phần từ những người Mỹ. Ngoài ra, dân chúng Ontario lại thấy sự xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa không cần thiết và không đem lại lợi ích cho nên Macdonald phải từ chức và người kế nhiệm là Alexander Mackenzie, người Sarnia, thuộc đảng đối lập Liberal.

 

Mackenzie chủ trương tiết kiệm, muốn ngưng việc làm đường xe lửa. Cũng trong thời kỳ này một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ, cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong Thế Kỷ XIX: các xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp, lương hạ, thiếu niên cũng phải đi kiếm việc làm, nhiều người bị đói rét. Dân từ Ontario, châu Âu và nước Nga, nước Anh kéo ùn ùn tới miền Tây hoang dại khiến việc làm đường xe lưả trở nên cần thiết. Cuộc di dân ồ ạt này mặt khác làm những người lai Pháp và cộng đồng công giáo dưới sự lãnh đạo của linh mục Taché tại St. Boniface, Winnipeg lo ngại vì những di dân mới này sẽ vượt qua số dân đang cư ngụ. Linh mục Albert Lacombe tại St. Mary, Winnipeg cũng đồng quan điểm và thấy cần phải cổ võ người Quebec tới Manitoba. Một người khác nữa là Louis Riel cũng bận rộn mộ người Pháp trong các công xưởng tại New England và tự xưng là sứ giả cua Thượng đế. Một linh mục tại Massachusetts nghĩ Riel bị mắc chứng điên khùng nên thông báo cho mọi người, kết quả là Riel bị gửi vào trại các người điên trong hai năm tại Beauport rồi Long Pointe, Quebec với chứng vĩ cuồng/megalomania nhưng dưới tên khác vì Riel vẫn còn mang án giết người.

 

Dân chúng Canada chán chủ trương hà tiện của Mackenzie, bầu Macdonald lại và lập tức ông tái thực hiện chương trình xây đường xe lửa và quảng cáo, khuyến khích dân các nước Âu châu, Anh, Scot và miền trung Canada tới các vùng đường xe lửa sẽ chạy qua. Chính phủ hứa mỗi người sẽ được 160 mẫu đất với tiền đặt cọc là $10.

Các di dân tới ồ ạt hết đợt này tới đợt khác mặc dầu có biết bao nhiêu gian lao như vượt núi, lội bùn tới đầu gối và đám muỗi bao vây ngày đêm tới nỗi một cô dâu mới cưới chịu không nổi đã lấy súng tự sát, chưa kể nhiều đêm trời lạnh xuống tới -50 C làm bày ngựa chảy cả máu mũi.

 

Mối lo ngại của các thổ dân miền Tây

 

Những sự thay đổi do người di dân tới làm những người thổ dân lo ngại thêm vì họ bị lây nhiều thứ bệnh trước không từng có, các trâu rừng dần dần bị săn bắn ăn thịt quá nhiều, lại thêm nạn nghiền rượu. Rượu người da trắng bán cho thổ dân tuy gọi là whiskey nhưng rất rẻ tiền,thường là cồn pha lẫn lộn với nhiều thứ như ớt, mực đỏ, thuốc lá, sà-bông vv không khác gì một loại thuốc độc.

 

Trong hoàn cảnh đó các thổ dân chỉ còn trông mong vào một lãnh tụ: đó là Crowfoot.

 

Crowfoot sinh khoảng năm 1830, thuộc bộ lạc Blood, tại Belly River gần Lethbridge, Alberta hiện nay, mồ côi cha khi hai tuổi và mẹ tái giá với một chiến binh thuộc bộ lạc Blackfoot. Năm hai mươi tuổi, Crowfoot đã dự hai mươi trận chiến, bị thương sáu lần và một viên đạn còn ghim trong người. Crowfoot thông minh, can trường, nóng tính nhưng lại có một bộ mặt đăm chiêu như một học giả, một thi nhân.

 

Linh mục Lacombe có bà nội là một người lai, ông nói giỏi cả hai ngôn ngữ Cree và Blackfoot, thường đi hoà giải giữa các bộ lạc nhất là giữa Blackfoot và Cree. Ông là người trông coi việc xây cái cầu thứ nhất tại Alberta và mở trường học đầu tiên tại đồn Edmonton, ông được các người thổ dân gọi là “Người của thiện tâm ”. Khi ông qua đời, cả hai bộ lạc Cree và Blachfoot đều giành thi hài ông nên họ thỏa thuận chôn ông tại vùng Cree nhưng trái tim ông thì chôn tại Midnapore, phía nam Calgary là vùng Blackfoot.

 

Trước 1874 chính phủ Canada không có chủ trương gửi các lực lượng cảnh sát tới các vùng thổ dân vì không muốn có sự xung đột nhưng sau khi các người săn bắn Mỹ giết 20 thổ dân Assiniboine tại Cypress Hills thuộc tây nam Alberta, cảnh sát mới bắt đầu tây tiến để duy trì luật pháp. Lực lượng này gồm phần lớn là các nông dân và nhân viên các cửa tiệm từ Ontario, Quebec và vùng Maritimes ký khế ước để đổi lấy một con ngựa, một bộ nhung phục tím và trợ cấp 75 xu một ngày.

Hành trình của họ kéo dài ba tháng, dọc đường thường thiếu nước, thiếu đồ ăn, ngựa bị chết và nhất là nạn muỗi bám nên trên 30 người đã bỏ cuộc, còn lại 251 cảnh sát viên với 24 sĩ quan tới Oldman River, nam Alberta và dựng đồn tên là Đại tá Macleod. Họ đã cấm bán loại rượu độc, duy trì an ninh, trật tự khá tốt khiến các tù trưởng rất hài lòng, mặc dầu số trâu rừng vẫn bị suy giảm đáng kể, từ khoảng 50 triệu con chỉ còn lại một phần tư.

 

Trong khi đó, việc xây dựng đường xe lửa vẫn tiến hành từ hướng đông về tây qua các vùng thảo nguyên, nơi đây chính phủ đã điều đình và ký với các thổ dân một thỏa ước trao đổi đất lớn nhất trong lịch sử bắc Mỹ. Các thổ dân đã đồng ý cho chính phủ sử dụng 200,000 feet vuông lấy sự cam kết của chính phủ bảo trợ các chương trình giáo dục, nhà ở, thuốc men, các dụng cụ cày cấy, ngoài ra mỗi gia đình còn được cấp phát một dặm vuông đất, với quyền được săn bắn và câu cá.

Tuy nhiên khi số các trâu rừng bị giảm sút nhiều hơn, các thổ dân không những thiếu đồ ăn mà còn thiếu cả đồ mặc, đồ che các lều, trong khi đó chính phủ cũng không có đủ tài chính để cứu  trợ khiến người thổ dân bất mãn.

 

Cuộc nổi loạn lần thứ hai của Louis Riel

 

Đúng vào tình trạng đó thì Louis Riel lại trở về năm 1884. Riel một mặt tìm cách liên kết với khối người di dân, một mặt tìm sự ủng hộ của các thổ dân Blackfoot và Cree. Thủ tướng Macdonald vội nhờ linh mục Grandin đi Batoche tìm hiểu xem Riel toan tính làm gì? Brandin tường trình Riel là một con người nguy hiểm, tự coi mình là thần thánh và có thể gây náo loạn.

 

Trong khi đó các di dân Saskatchewan và các người lai gửi kiến nghị thỉnh cầu bốn điều: xác nhận quyền đất đai, giảm thuế, kiểm soát tài nguyên và quyền được bầu người đại diện. Tới tận tháng Hai, Ottawa mới trả lời là sẽ thành lập một Uỷ ban nghiên cứu các đòi hỏi về đất đai.

 

Riel lúc này đã thành lập một chính phủ lâm thời Saskatchewan tại Batoche.

 

Trong khi đó thì George Stephen, chủ tịch Ngân hàng Montreal kiêm chủ tịch Công đoàn Hoả xa báo cho Macdonald là Công đoàn sắp vỡ nợ nếu chính phủ không trợ cấp thêm tiền. Macdonald chọn cách giải quyết bằng cách nêu lý do sự đe doạ của một cuộc nổi loạn để trì hoãn sự trợ cấp thêm cho George Stephen, đồng thời gửi một toán cảnh sát và vệ binh cùng trọng pháo dưới quyền chỉ huy của Leif Crozier tới Batoche đối phó với 1000 thổ dân dưới quyền chỉ huy của Gabriel Dumont. Trong một cuộc đụng độ tại Duke Lake, phe Crozier bị 12 người chết, 11 người bị thương và 5 ngựa chết. Phe thổ dân, 5 người chết trong đó có em của Dumont là Isadore. Các người di dân tuy ủng hộ Riel nhưng không muốn có tranh chấp võ trang và cũng không muốn thổ dân nổi dậy nên không ủng hộ Riel nữa, ngược lại các thổ dân bắt đầu đe dọa các di dân khiến nhiều khi họ phải trốn vào trong các đồn. Macdonald lại nhờ linh mục Lacombe đi tìm hiểu tình trạng và hi vọng cha thuyết phục được thổ dân Crowfoot nhưng cha báo cáo mọi sự đã muộn và thổ dân không còn tin cậy những người da trắng nữa. Các đơn vị Vệ Binh dưới quyền tướng Frederick Middleton được gửi từ Halifax, Toronto, Winnipeg và Quebec tới Batoche. Riel lâm vào tình trạng nguy hiểm vì các người di dân không ủng hộ nữa và chỉ có một nửa số người lai tại Saskatchewan ủng hộ ông thôi. Riel đành quay sang tìm đồng minh là các thổ dân.

 

Crowfoot không muốn cho thổ dân Blackfoot lâm chiến vì ông nghĩ chỉ là tự sát, tuy nhiên nhờ thái độ đứng giữa ông được chính phủ trợ cấp thực phẩm và sau đó Crowfoot đánh điện cho thủ tướng lời cam kết ủng hộ, khiến Riel giờ chỉ còn trông cậy vào thổ dân Cree nhưng cũng không được như ý cho nên Dumont, giờ là tướng của Riel, đề nghị dùng chiến thuật du kich chiến và phá hoại đường xe lửa. Trong một cuộc phục kích, Middleton bị thiệt hại 55 binh sĩ trong khi bên Dumont chết 4. Tuy nhiên cuối cùng các thổ dân không chịu theo Riel vì biết không thể chống lại chính phủ với binh lực hùng hậu, Riel thân cô thế cô đành phải ra đầu hàng và bị giam tại Regina rồi bị đem ra tòa xử tại đây.

 

Những người Anh thì cho Riel đáng tội treo cổ nhưng những người Pháp tại Quebec thì cho Riel là người vô địch trong việc bảo vệ quyền lợi cho người Pháp và công giáo. Quan tòa chọn dự thẩm đoàn bằng cách viết ra tên họ 36 người mà ông biết, bỏ vào trong một cái bình, lắc đều lên rồi rút ra 6 tờ giấy ghi tên họ nhưng không có ai là người Pháp và công giáo. Tòa bắt đầu xử vào giữa tháng 7.1885, luật sư của Riel chứng minh Riel không có tâm trí bình thường ngược lại với ý kiến của tướng Middleton, nhưng Riel không công nhận mình là người khùng điên và nhận mình là sứ giả của thượng đế và là người đã sáng lập ra Manitoba. Sau bốn ngày xử, các dự thẩm và quan toà kết án Riel bị tội treo cổ. Tại Ontario, dư luận cho vụ án Riel là công bằng, tại Quebec dân chúng cho Riel là một người tử vì đạo, vì quyền lợi người Pháp do đó phát sinh ra Đảng Quốc gia/PartiNational.

 

Sự hoàn thành đường hoả xa xuyên Canada

 

Trong khi Canada bị chia rẽ vì vụ án thì công ty hoả xa Thái Bình Dương/ CPR lại tiến hành việc liên kết Canada và chặng đường khó khăn nhất sắp hoàn thành, đó là đoạn vượt qua dẫy Thạch Sơn, cao 2000 feet trên mặt sông Columbia với những tai nạn núi lở, cầu sập vì đất sét quá lún, bão tuyết khiến cả hàng trăm người chết trong đó có nhiều người Tàu được tuyển mộ sang Canada làm đường xe lửa. Đoạn đường này sau được đặt tên Rogers Pass nguyên là tên của kỹ sư phụ trách Albert Bowman Rogers. Thêm một lần nữa George Stephen lại báo cáo CPR sắp bị vỡ nợ và lần này chính phủ đồng ý cho CPR vay thêm tiền.

Ngày 7.11.1885 đoạn cuối cùng được nối liền với toàn hệ thống đường rầy, một trong những công trình vĩ đại của nhân loại được khánh thành.

 

Ngày 16.11 cùng năm tại Regina, chín ngày sau khi hoàn thành đường xe lửa người ta trông thấy Riel mang một thập tự giá nhỏ bằng ngà, dẫn từ ngục ra bởi một toán cảnh sát bận nhung phục đỏ và hai linh mục rồi bị treo cổ trước bốn nhân chứng. Thi hài ông được chở trên xe lửa về vùng Red River và được chôn tại nhà thờ St. Boniface. Cùng với Riel còn có 8 thổ dân bị treo cổ trong đó có 6 người Cree.

 

Tù trưởng Cree hát trong tiếng khóc nghẹn ngào: “ Đâu rồi con trâu rừng? Đâu rồi những con ngựa của ta? Chúng đã đi mất và ta phải theo chúng thôi...Hãy trả lại ta  các thảo nguyên và ta thôi không đòi hỏi lương thực. Nhưng quá muộn rồi, quá muộn rồi, quá muộn rồi...”

 

Ngày 28.6.1886 chuyến xe lửa đầu tiên khởi hành từ Montreal chạy tới Vancouver trong 6 ngày, trên tàu có John A. Macdonald lần đầu tiên được ngắm cảnh miền Tây. Trên đường, ông dừng lại tại nhiều địa điểm, nói chuyện với dân chúng đồng thời để cổ động cho cuộc bầu cử sắp tới trong năm 1887 và kết quả là ông tái thắng cử với đại đa số. Bốn năm sau, năm 1891 ông bị stroke và qua đời một tuần sau vào ngày 6.6. Thi hài ông được chở trên xe lửa chạy từ thủ đô Ottawa tới Kingston chôn cạnh các thân nhân. Các công trạng của vị thủ tướng đầu tiên của Canada rất nhiều nhưng quan trọng nhất là ông đã kết hợp các tỉnh chia cách, riêng rẽ, khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo thành một nước Canada, đã xây dựng một đường xe lửa nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, con đường xe lửa dài nhất thế giới trong hoàn cảnh gần như bất khả thực hiện.

 

Tuy nhiên ông không còn sống để chứng kiến vào ngày 1.9.1905 các tỉnh Alberta và Saskatchewan cũng gia nhập Liên bang Canada và ngày 31.3.1949 thêm tỉnh thứ mười là Newfoundland, chưa kể thêm ba Địa Hạt/Territories là NorthWest, Nunavut và Yukon cấu thành một quốc gia rộng lớn thứ hai trên thế giới sau nước Nga.

 

Đạo luật Hiến pháp 1867 và Hiến pháp 1982

 

Như trên ta đã biết đạo luật BNA Act dự thảo tại hội nghị Quebec năm 1864, sau được Nghị viện Anh thông qua nguyên bản và được Nữ hoàng Victoria ký ngày 29.3.1867 có hiệu lực từ 1.7.1867 là ngày khai sinh ra nước Canada. Đạo luật này tạo ra quy chế tổ chức trong đó quyền chính phủ Liên bang song song với quyền mỗi chính phủ tỉnh bang. Cho đến năm 1949 tuy vậy chỉ có nghị viện Anh có quyền thay đổi các đạo luật. Từ đó thêm 19 đạo luật và năm 1982 đạo luật BNA đổi tên là đạo luật Hiến pháp 1867, đạo luật Canada Act 1982, đổi ra là đạo luật Hiến pháp 1982 theo đó quốc hội Canada có toàn quyền sửa đổi Hiến pháp và tên chính thức của quốc gia mới này là Canada.

 

Canada ngày 1.7.1867

 

Ngày 1.7.1867 đúng nửa đêm, từ Halifax tới Windsor, chuông reo đổ hồi, pháo nổ tưng bừng, pháo bông rực rỡ chiếu sáng màn trời đêm, súng nổ đì đùng, cả triệu người Canada đổ ra các đường phố để ăn mừng ngày khai sinh ra nước Canada. Chỉ mươi tiếng sau đó là các cuộc diễn binh, diễn hành sau các buổi diễn văn, tiếp theo là các cuộc picnic, những cuộc trình diễn ca nhạc ngoài trời. Đó cũng là ngày bốn tỉnh Nova Scotia, New Brunswick, Canada-Đông và Canada-Tây hợp nhất thành một nước mới với tên chính thức là Dominion of Canada.

 

Tại thủ đô Ottawa hàng ngàn người kéo tới đồi Quốc hội để nghe pháo binh bắn 100 phát súng chào mừng. Buổi sáng 7 giờ đám đông lại tập hợp để chuẩn bị nghênh đón thủ tướng John A. Macdonald cùng chính phủ, các thân hào nhân sĩ và Charles Monck, thống đốc đầu tiên của Canada.

 

Tại Quebec, tờ báo Journal des Trois Rivières viết rằng tiếng súng lẫn tiếng chuông báo cho mọi người hay chúng ta đã có chỗ đứng cùng với các quốc gia khác trên địa cầu.

 

Tại Montreal, báo Gazette gọi ngày 1.7 là ngày trọng đại nhất trong lịch sử Canada từ khi Jacques Cartier đặt chân tới Stadacona.

 

 

                                        Hội nghị Charlotte Town 9.1864

 

                                        Hội nghị Quebec 10.1864

 

Tem kỷ niệm hội nghị Quebec 1864

 

 

                              Bản đồ hành chính Canada: 10 tỉnh bang và 3 địa hạt

Sir John Alexander Macdonald                            Sir George Etienne Cartier

 

George Brown                                                   Thomas d’ Arcy McGee

 

 

CHÚ GIẢI

Danh sách những người tham dự Hội nghị thành lập Dominion of Canada

 

Participant

Province

Charlottetown

Québec

Londres

 

Sir Adam George ArchibaldAdams Georg Archibald

Nouvelle-Écosse

Fait

Fait

Fait

 

Jamie Roy

Ontario

Fait

Fait

Pas fait

 

Sir Alexander Campbell

Ontario

Fait

Fait

Pas fait

 

Sir Frederick Bowker  Carter 

Terre-Neuve

Pas fait

Fait

Pas fait

 

Sir George-Étienne Cartier

Québec

Fait

Fait

Fait

 

Edward Barron Chandler

Nouveau-Brunswick

Fait

Fait

Pas fait

 

Jean-Charles Chapais

Québec

Pas fait

Fait

Pas fait

 

James Cockburn

Ontario

Pas fait

Fait

Pas fait

 

George Coles

Île-du-Prince-Édouard

Fait

Fait

Pas fait

 

Robert B. Dickey

Nouvelle-Écosse

Fait

Fait

Pas fait

 

Charles Fisher

Nouveau-Brunswick

Pas fait

Fait

Fait

 

Sir Alexander Tilloch Galt

Québec

Fait

Fait

Fait

 

John Hamilton Gray

Île-du-Prince-Édouard

Fait

Fait

Pas fait

 

John Hamilton Gray

Nouveau-Brunswick

Fait

Fait

Pas fait

 

Thomas Heath Haviland

Île-du-Prince-Édouard

Pas fait

Fait

Pas fait

 

William Alexander Henry

Nouvelle-Écosse

Fait

Fait

Fait

 

Sir William Pearce Howland

Ontario

Pas fait

Pas fait

Fait

 

John Mercer Johnson

Nouveau-Brunswick

Fait

Fait

Pas fait

 

Sir Hector-Louis Langevin

Québec

Fait

Fait

Fait

 

Andrew Archibald Macdonald

Île-du-Prince-Édouard

Fait

Fait

Pas fait

 

Sir John A. Macdonald

Ontario

Fait

Fait

Fait

 

Jonathan McCully

Nouvelle-Écosse

Fait

Fait

Fait

 

William McDougall

Ontario

Fait

Fait

Fait

 

Thomas D'Arcy McGee

Québec

Fait

Fait

Pas fait

 

Peter Mitchell

Nouveau-Brunswick

Pas fait

Fait

Fait

 

Sir Oliver Mowat

Ontario

Pas fait

Fait

Pas fait

 

Edward Palmer

Île-du-Prince-Édouard

Fait

Fait

Pas fait

 

William Henry Pope

Île-du-P. Édouard

Fait

Fait

Pas fait

 

John William Ritchie

Nouvelle-Écosse

Pas fait

Pas fait

Fait

 

Sir Ambrose Shea

Terre-Neuve

Pas fait

Fait

Pas fait

 

William H. Steeves

Nouveau-Brunswick

Fait

Fait

Pas fait

 

Sir Étienne-Paschal Taché

Québec

Pas fait

Fait

Pas fait

 

Sir Samuel Leonard Tilley

Nouveau-Brunswick

Fait

Fait

Fait

 

Sir Charles Tupper

Nouvelle-Écosse

Fait

Fait

Fait

 

Edward Whelan

Île-du-Prince-Édouard

Pas fait

Fait

Pas fait

 

Robert Duncan Wilmot

Nouveau-Brunswick

Pas fait

 

 

 

Tham luận của Từ Uyên

 

Kỷ nguyên mới của Liên Bang Canada.

 

Từ khi Dominion du Canada hay tạm gọi Liên Bang hay Liên Minh qua hiến pháp 1867, Liên bang bước vào một kỷ nguyên mới có quyền đối nội với một chính phủ Trung ương cấp Liên bang và tại các Tỉnh bang cũng có những tổ chức tương đương thẩm quyền trong mỗi Tỉnh.

 

Tuy nhiên mọi việc đối ngoại vẫn do Chính quốc định đoạt khiến người viết mấy hàng này nghĩ cũng tương tự như chế độ Việt Nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp mà Hồ chí Minh kư ngày 6 Mars 1946 với Sainteny và nhượng quyền ngoại giao cho Pháp.

 

Thực vậy tuy mang danh Liên bang Canada với rộng quyền nội bộ và cũng trải qua nhiều biến động và cũng dẹp yên với ít nhiều máu đổ nhưng chưa phải là một nước độc lâp cũng v́ chưa có thẩm quyền đối ngoại. Do đó khi các cuộc chiến tranh mở rộng thuộc địa của Chính quốc mở ra qua Á Châu và Phi Châu, Canada cũng phải góp chi phí và đây là khởi đầu cho cuộc chống đối mới.

 

Cũng như các cường quốc khác tại Âu châu, Anh quốc cũng mở rộng đế quốc qua các cuộc chinh chiến mới hướng về Phi châu và Á châu. Và như vậy chi phí cho cuộc chạy đua rất cao và các nước trong Liên minh thuộc Anh cũng phải đóng góp một phần chi phí. Và càng ngày chi phí càng tăng thêm và cũng c̣n phải đóng góp phần nhân lực.

 

Trong trận chiến chống Boers (1899-1902 ) đă chứng minh các nhiệm vụ  đó.

 

Cũng cần nói thêm cuộc chiến này nhằm chiếm Nam Phi vốn thuộc Hoà Lan, Anh quốc yêu cầu Canada đóng góp và Chính phủ Canada do ông Wilfred Laurier, thủ tướng lúc đó đă trang bị và gửi giúp một đơn vị quân nhân t́nh nguyện qua trợ giúp. Ngày đó Canada chưa có một đạo quân chính qui nào. Sau này năm 1910 cũng chính ông Wilfred Laurier chấp thuận một đạo luật thành lập hải quân chiến đấu sẵn sàng giúp Anh quốc khi cần. Trước quyết định đó người gốc Anh nhất là nhóm trí thức trong chính quyền Canada rất hoan nghinh và mong chính phủ tăng cường thêm tư tưởng quốc gia Canada thân với Chính quốc và nhằm tiến tới việc chính quốc công nhận Canada là một nước đôc lập và có tiếng nói  trên trưng quốc tế. Họ cho rằng bắt đầu có quân đội có nghĩa là có thể là một nước độc lập không c̣n là một nước trong t́nh trạng Dominion như được thừa nhận trước đây.

Tuy nhiên họ vẫn muốn duy tŕ mọi liên hệ mật thiết với Anh quốc và theo họ: “Tiếng Anh sẽ là tiếng chính thức của nước và thiểu số gốc Pháp phải tuân theo pháp lư mới này “.

 

Trong khi đó số ngưới gốc Pháp nhận thấy nếu độc lập theo hướng này sẽ khiến tư tưởng đồng hóa trước đây lại tái diễn nhưng dưới chiêu bài một nước Canada hoàn toàn độc lập. Và một số trí thức gốc Pháp như Henri Bourrasa và Lionel Groux cũng đồng ư Canada độc lập nhưng đ̣i người gốc Pháp cũng có chỗ đứng quan trọng và lư thuyết độc lập tôn trọng quyền của người gốc Pháp phải được phát triển. 

 

Henri Bourrassa ngay từ 1899 đă không đồng ư với việc Canada phải đóng góp tài lực và nhân lực trong cuộc chiến tranh chống Boers và Pháp. Ông tuyên bố “Chúng ta không mang món nợ nào với người Anh” và theo ông Canada là của ngưi Canadien và do đó phản đối mọi đóng góp vào cuộc chiến của Anh quốc. Ông ước mơ một nước Canada Song ngữ và Song văn hoá. Hơn nữa cần phát triển sự có mặt của Canada trên quốc tế nghĩa là Canada phải có quyền đối ngoại không phụ thuộc vào Chính quốc.

 

Dĩ nhiên tư tưởng của Henri Bourassa không làm hài ḷng khối ngưới gốc Anh và do đó các dân gốc Pháp và các giáo sĩ Thiên chúa tại vùng miền Tây từ Manitoba, Saskatchewan và Alberta bị bạc đăi và nền giáo dục gốc Pháp bị hạn chế.

Trước t́nh trạng đó người gốc Pháp nghĩ nên tập trung tư tưởng này tại Quebec, nơi đa số c̣n là gốc Pháp và Lionel Groux trở thành lănh tụ mới. Ông này vừa là một giáo sĩ vừa là một sử học gia. Chủ thuyết của ông mang nặng tính cách lịch sử và tôn giáo và cho rằng dân gốc Pháp nên phát triển qua nông nghiệp và tại nông thôn cho hợp với tinh thần và văn hoá cổ truyền.

 

Tư tưởng này trái với thực tế trong thời gian này v́ việc kỹ nghệ hoá và đô thị hoá đang phát triển và đang mang lại phồn thịnh cho toàn quốc, v́ vậy ư kiến này không đạt được đa số ủng hộ tuy ông cho biết vẫn tôn trọng t́nh trạng Liên Hiệp chính trị như ấn định trong bản Hiến chương 1867. Tuy nhiên tư tưởng đ̣i hỏi quyền cho người gốc Pháp cũng đạt được nhiều kết quả và việc chống đối mọi bất công đối với người gốc Pháp cũng khiến bộ máy hành chánh nay bắt đầu mở rộng cho người gốc thiểu số này. Vài con tem đă mang h́nh người gốc Pháp.

 

Tư tưởng của Bourassa và Groux dĩ nhiên khiến giới trí thức và tuổi trẻ tin theo nhưng đa số chính trị gia phản bác. Ngay ông Wilfred Laurier tuy gốc Pháp và giữ chức vụ lănh đạo vẫn phải phục ṭng đa số gốc Anh và tuân theo luật lệ của Đế quốc Anh.

 

Một số người gốc Pháp khác như Louis Gouin và Louis Alexandre Taschereau cho rằng Henri Bourassa và Lionel Groux đang theo con đường quá khích.Họ đề nghị nên chủ trương hoà giải, một mặt bảo vệ quyền lợi người gốc Pháp nhưng cũng không nên khiêu khích khối người gốc Anh, nên theo con đường dung ḥa và hợp tác trong việc kỹ nghệ hoá và đô thị hoá, đồng thời tôn trọng tư tuởng song ngữ.

 

Hai tư tưởng trên tuy khác nhau trên chiến lược nhưng mang lại cho người gốc Pháp nay đa số đang sống tại Tỉnh bang Quebec một niềm tự tin và người gốc Pháp cũng có khả năng lănh đạo, nhất là sau chiến thắng của Salaberry tại Chateauguay khi đánh bại quân Hoa Kỳ năm 1813 đă chứng minh khả năng chỉ huy quân sự cuả người gốc Pháp.

 

Việc đ̣i hỏi cho người gốc Pháp đă dần dần phát triển và sau thế chiến thứ nhất, Canada đă được kư kết vào Hội Quốc Liên cũng như khi Anh quốc chính thức nh́n nhận Canada như một nước độc lập hoàn toàn năm 1931 đă khiến tư tưởng này lớn mạnh và đó cũng là một lư do đưa đẩy cuộc thành h́nh những phong trào và đảng chính thức đ̣i Québec độc lập nhưng không thành và khiến Thủ Tướng Pierre Trudeau năm 1981 sau một đêm đàm phán với các tỉnh nói tiếng Anh mang danh “La nuit des longs couteaux” đă quyết định long trọng mời Nữ Hoàng Anh qua Canada năm 1982 để trao lại cho Canada bản Hiến pháp 1867 từ lâu vẫn do Anh quốc giữ.

 

Tuy nhiên lịch sử c̣n dài và các chuyện về Canada và Quebec tới nay chưa chấm dứt.