Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
8-caiTao
 
 
 
NgÜ©i Phàm ChuyŒn Lang Bang
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020

Lâu nay phàm tui  vắng mặt trên văn đàn, vì sau mấy bài viết từ hồi xửa hồi xưa, thì hết ý, tịt luôn, mặc dầu vẫn ham muốn cái chức văn sĩ vô cùng.

Nhưng vừa rồi, gặp ngài chủ bút TSYS, phán rằng:

-Cứ về viết đi, ta sẽ xét lại và cho đăng báo!

Phàm tui mừng quá, uống luôn 5 tách cà phê, thức trắng đêm viết lang bang hầu chư vị độc giả.

Số là tuần rồi, tui đi nghe nói chuyện về Chinh phụ ngâm tại Hội SAIM, bởi vì hồi xưa tui thuộc loại ‘’sinh viên nghèo, hiếu học, nhưng ham chơi’’, văn chương chữ nghĩa lem nhem, nên bây giờ  nhân dịp các học giả bàn luận, muốn nghe ké chút đỉnh.

Vừa bước qua cửa, đã thấy một dãy các vị đại huynh đang ngồi húp sâm bổ lượng:anh Bát sách, anh TTA,  Có thêm anh HMT từ Paris qua, toàn thành phần chức sắc: cựu chủ tịch, đương kim chủ bút, kiêm văn sĩ, thi sĩ, học giã, học thiệt …

Tôi rón rén đến ngồi phía sau, thì anh M. , chủ tịch SAIM,  đến bảo:

-Còn một chỗ ở trên, sao anh không ngồi ?

Tôi bối rối trả lời:

-Dạ tại trên đó toàn chức sắc, gần mặt trời nóng quá, tui sợ cháy.

Ảnh thương tình trấn an:

- Đừng sợ, ngồi gần mặt trời cho ấm.

Tôi rón rén bước lên ngồi cạnh đại huynh Bát sách, nhìn qua thấy người hơi xanh xao, tôi hỏi nhỏ:

-Dạo này đại huynh sức khỏe ra sao ?

Người nhăn nhó trả lời:

-Từ ngày moa về hưu, sao cứ bị hụt hơi hoài. Hồi xưa moa hát bài ‘’ Yêu em dài lâu’’ rất phê, bây giờ mới lên một chút là thiếu hơi, ngân không nỗi,  đành phải ngậm ngùi hát bài ‘’Nửa hồn thương đau’’.  Nghe nói toa có chơi âm nhạc, có biết tại sao  không ?

Tôi mới thưa rằng:

-Dạ đệ bỏ nghề cầm ca đã lâu, nhưng đệ nghĩ vấn đề này chắc không phải tại âm nhạc mà có thế tại chân khí huynh bị hao hụt. Chắc là vì dạo này huynh rảnh rang, đọc Liêu trai chí dị hơi nhiều, đêm đêm cứ gặp toàn Thanh xà, Bạch xà, bị chúng hút chân khí.  Bây giờ huynh phải tìm chân sư, luyện bộ Cửu dương thần công, chẳng bao lâu sẽ lấy lại chân khí, tha hồ ‘’Yêu em dài lâu’’.

Đại huynh ngồi trầm ngâm không nói.  Nhưng lát sau thấy đại huynh lên giáng giải về Chinh phụ ngâm khúc, thấy vẫn rất hùng hồn.

Tôi quay qua chủ bút T. T. A, thấy ảnh lăng xăng tới lui, phát biểu, có vẻ còn rất trẻ trung.  Nhưng chiều về, đưa mấy tấm hình chụp ổng lúc sáng cho bà xã coi, thì bả la lên:

-Trời ơi,  ông này hồi đó hoành tráng như Phan An, Tống Ngọc, mà bây giờ sao coi ổng râu ria, già quá vậy!

Tôi vội vàng rầy rà:

-Đừng nói bậy bạ, ổng theo mốt mới bây giờ, để râu ba ngày không cạo coi mới cool. .  Còn bà thấy ổng cách đây cả 20 năm, so với bây giờ  phải già hơn chớ, bà coi tui mới U70 mà coi cũng già quắc đây sao?Mà hồi trẻ ổng là ‘’hero’’ của tui đó ?

Bà xã mới ngây thơ hỏi:

-Bộ ổng có đóng phim chưởng với Jet Li hả? Sao tui coi phim Hero không thấy ổng đâu hết ?

Tui mới giải thích cho bả chuyện hồi xưa như sau:

Số là hồi tui học năm thứ tư YK SG, có một lần tui trực ở phòng cấp cứu BV Bình dân, nói trực cho oai chứ sinh viên thì chỉ lăng xăng làm thợ vịn, chực có ca tiếu giải phẫu thì mừng húm, năn nĩ đàn anh cho làm. Chiều hôm đó người ta cáng vào một người ở vùng quê, tụi tui vừa xáp vô thì bị bà y tá trưởng quát ngay:

-Mấy ông thầy dang ra, đi chỗ khác… chơi.  Ca này phải để nội trú!

Một lúc sau thấy nội trú T. T. A xuất hiện, mặt mày nghiêm trọng, khẩn trương như 3 ngày chưa uống… thuốc xổ, hỏi han chút đỉnh rồi đẩy luôn BN vào khu giải phẫu, tụi tui tò mò kéo theo coi thì bị đại huynh trừng mắt nạt liền:

-Mấy cậu không có việc thì giang ra. Đi theo nổ chết ráng chịu!

Lát sau thấy anh Trần thanh Lượng, lúc đó là Interne senior hay Assistant clinique gì đó tôi không nhớ rõ. Anh là người đàn anh mà tất cả chúng tôi đều thương và kính, sau 1975, anh vượt biển và mất tích.  Anh cho chúng tôi biết BN bị nguyên trái đạn M79 nằm trong đùi, nhưng chưa nổ, phải mổ lấy ra,  nhưng có thể nố bất cứ lúc nào.

Tôi còn thấy mấy chuyên viên tháo gỡ chất nổ xách đồ nghề đến, và mặc đồ trang phục để vào phòng mỗ. Cả mấy giờ sau mới thấy một ông bưng ra cái thùng cát, nói có viên đạn nằm trong đó. Thực ra tui cũng chẳng được vô trong để nhìn cuộc mỗ,, chỉ nghe nói là BS Lượng, với nội trú An phụ mỗ, đã lấy được trái đạn ra an toàn. Từ đó tôi phục mấy ổng hết nước.

Mỹ chế trái đạn M79 rất… đểu: khi bắn ra khỏi nòng súng, nó phải xoay đủ số vòng định trước rồi mới nổ, thấy nó nằm đó chưa nố, không biết đã xoay bao nhiêu vòng, lượm lên lúc lắc, đủ vòng, nó nố ngay trong tay. Sau này, tôi lại gặp trái đạn quỹ quái này, nhưng trong hoàn cảnh éo le hơn nhiều.

Số là hồi năm 1976, tôi đang được Bác và đảng cho tu nghiệp cải tạo ở Đại học máu Long khánh, tôi ở tại trại thiết giáp cũ, thuộc Sư đoàn 18 BB, sát ngay bên kho đạn của Sư đoàn.

Một buổi trưa, đang đợi đi lao động, bỗng nghe có tiếng nổ bên kho đạn, lúc đầu tụi tôi tưởng vệ binh đem súng đạn ra nổ chơi, như tụi chúng vẫn thường làm, nên vẫn ngồi yên, một lúc sau, tiếng nổ càng ngày càng nhiều, đan bay tới tấp, cây lá bị đạn chém rào rào, tụi tôi hoảng hốt phóng ra sân, thì thấy cả ngàn người chạy láo nháo, nhưng không ai biết phải chạy đi đâu. Theo bản năng, tui chạy ngược hướng đạn xuất phát, ra phía sau trại gần bờ rào, nhưng gần tới thì nghe súng bắn rào rào từ hướng đó, và thấy một nhóm hộc tốc chạy ngược về hướng tụi tôi, vừa chạy vừa la:

-Đừng ra đừng ra! Vệ binh nó bắn!

Cùng lúc,  một loạt đạn cào tung đất và chém ngã cây chuối bên cạnh người vừa
la.  Ph <http://la.ph/>ía trước đạn bắn tới, phía sau đạn đuổi theo, quýnh quá,  tôi phóng đại vào một nhà kho cũ, không vách, chỉ có mái tôn rách nát, nằm đại xuống nền. Trên nền nhà đã có la liệt người nằm san sát, giống như cá mòi nằm trên thớt, chờ làm thịt! Lúc đó, coi như cái chết không tránh được, tự nhiên tôi tỉnh táo lạ thường, nhìn chung quanh nhiều cảnh cười ra nước mắt:

Một anh vừa khóc,  vừa che đầu bằng… đôi guốc, hai anh dành nhau kéo qua kéo lại miếng tôn rách đắp lên người, làm như miếng tôn cản được đạn! Có người lâm râm cầu nguyện… nhưng đa số thì yên lặng, mắt mở to, thất thần.

Căn nhà kho cũ rộng chừng 50 m2, không vách, giữa nền có một đống gỗ vụn và đồ phế thải chiếm khoảng 3 m2,  mái nhà ngay phía trên bị tróc tôn, đế hở một khoảng trống.  Chúng tôi nằm san sát không hở một phân, chỉ trừ chỗ đống gỗ thì không nằm được. Thình lình tôi nghe tiếng “rầm”, nhìn lại thấy một quả đạn súng cối, lớn bằng bắp chân, rớt qua lỗ hỗng trên mái, nằm ngay giữa đống gỗ vụn.  Anh em đều quay nhìn, nín thở, chờ… chết! Một phút, hai phút… rồi 10 phút… đạn không nổ! Tôi nghĩ lại, chắc có ơn trên che chở cho anh em chúng tôi, vì cho dù đạn không nổ, nhưng nếu rơi lệch ra ngoài đống gỗ, thế nào cũng trúng vài người, và với sức nặng của quả đạn từ trên cao, thế nào cũng chết hoặc bị thương.

Tôi không nhớ đích xác thời gian nổ kéo dài bao lâu, nhưng đối với chúng tôi là cả vài thế kỹ.  Sau khi ngưng hẵng tiếng nỗ, chúng tôi bò dậy, như từ cõi chết bước trở lại cõi sống.  Bước ra sân trại, nhiều cảnh nực cười: anh thì đứng dưới giếng kêu ơi ới  vì lên không được, anh thì cắm đầu đại vô bếp, núp dưới chảo nấu cơm, tóc tai cháy xém…

Anh NĐCD, một người bạn cùng khóa YKSG 67-74 và học cùng trường trung học PCT với tôi, chui dưới giường làm bằng tấm sắt lót sân máy bay, kể ra cũng an toàn hơn chỗ tôi nằm lúc nãy, lại bị viên đạn súng cối rớt ngay ở trên, vỡ sọ chết tại chỗ.  Anh chết không thấy mặt con, vì anh đi trình diện lúc vợ có thai vài tháng, anh tin lời Bác đảng, đi học 10 ngày, rồi trở về trước khi vợ sinh.  Tụi tôi 6, 7 người,  bạn cùng khóa 17 Quân y Trưng tập, được phép tẩm liệm, và khiêng bạn ra chôn ở đồi cát sau  trại, không mộ không bia.  Mấy tháng sau, Bác và đảng ưu ái cho gia đình gởi quà nuôi tù, vì tù vừa đói vừa bịnh,  lao động hết nổi.  Gia đình anh bạn tôi vẫn gởi quà vào vì không biết anh đã chết, đối với Bác và đảng, tù chết là chuyện nhỏ, không cần phải thông báo cho gia đình. Hơn nữa, quà không có người lãnh, thì cán bộ lãnh giùm, xài giùm.

Sáng hôm sau, chưa hoàn hồn thì được lịnh đi lượm đạn. Sân trại rộng mênh mông, đạn đủ thứ nhiều như rải cát, tôi gặp lại những trái đạn M79 ngày nào, ngoài ra còn súng cối, lựu đạn, phải dàng hàng ngang, lượm đem bỏ xuống giếng cho nổ, không cần giải thích, ai cũng biết nó sẽ nổ bất cứ lúc nào. Tôi sợ quá dùng dằng không lượm, anh DS Lân đứng cạnh thì thầm một câu tôi vẫn nhớ đời: ’’Lượm đi ông, không lượm vệ binh nó bắn vào lưng, hay nó nhốt conex thì cũng chết thôi’’. Lượm trái M79 lên, người thẳng cứng như que củi, bước đi như robot, đến miệng giếng thả xuống rồi bỏ chạy, rồi tiếp tục trò chơi với tử thần cho đến khi dọn sạch.

Ở Sài gòn, dầu chính quyền bưng bít, ai cũng biết trại học tập Long khánh nổ, có tin đồn Sĩ quan học tập chết gần hết, số còn lại vượt rào bỏ trốn! Vợ tôi hoảng hốt lên thăm, đứng ngoài nhìn vô, thấy cảnh nhà cửa đổ nát, đạn rải đầy đường chưa lượm hết, mấy bà hùa nhau năn nỉ xin được gặp mặt chồng, nhưng các anh công an yêu dấu cương quyết từ chối, và động viên tinh thần:

-Các anh ấy đang hồ hởi phấn khởi học tập, không có chuyện gì xảy ra cả, toàn là tin đồn nhảm do phản động và CIA tung ra, đảng và nhà nước lo cho các anh ấy mọi việc, từ cái kim sợi chỉ, các chị không việc gì phải lo!Vào thăm chỉ tổ làm xao lãng tinh thần, không học tập tốt được!

Mấy bà đành khóc lóc kéo nhau về, hoang mang không biết chồng con mình sống hay chết.

Gần đây, tôi có nhận được qua mạng một bài viết về một cuộc giãi phẫu của một BS quân y Mỹ cao cấp, tôi không nhớ ở đâu. Ông ta đứng sau một bức tường cát, dung những dụng cụ có cán dài, để mỗ lấy ra viên đạn M79. Cuộc giãi phẫu được ca tụng như một kỳ công và can đảm. Ông ta xứng đáng được ca ngợi.

Tuy nhiên, tôi cũng nhớ tới các đàn anh và các bạn của tôi trong Quân y VNCH. Tôi chắc họ cũng đã thực hiện rất nhiều những phẫu thuật, những cấp cứu, trong những điều kiện nguy hiểm, khó khăn, làm không cần ai biết, ai khen, họ làm vì lương tâm và bổn phận. Những người đó đối với tôi đều là HERO.