Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020
Đây là một đoạn văn dịch ngắn, dịch từ chương thứ 35 của cuốn “One Man’s Bible” của Cao Hành Kiện. Cao Hành Kiện (tên bính âm là GaoXijian) sinh tại Giang Tây, di cư sang Pháp năm 1987. Ông là người Trung Hoa đầu tiên được giải Nobel văn chương. (năm 2000). Trong cuốn “One Man’s Bible”, bản tiếng Anh, có lúc nhân vật chính được gọi là anh ( you), có lúc là hắn ( he)
“Anh là thằng hề !”
Ông cựu trung tá đã quạt hắn, nhưng lúc bấy giờ hắn đang được ưu đãi trong Ủy Ban Kiểm Soát Quân Đội. Hắn cũng là phó trưởng toán của toán công tác thanh lọc hàng ngũ cán bộ, mặc dù dĩ nhiên trong toán chỉ những thành viên của quân đội mới nắm hết thực quyền.
Anh đúng là một thằng hề. Anh là một hạt đậu bị hất tung một cách tội nghiệp trong phạm vi cái sàng chuyên chính vô sản, nhưng anh không nhảy ra khỏi sàng vì anh không muốn bị nghiền nát.
Anh phải hoan hỉ được nhân viên quân đội kiểm soát, cũng như anh phải tham dự những cuộc diễn hành mỗi khi Mao chủ tịch đưa ra các chỉ thị mới qua bản tin buổi tối trên đài phát thanh. Ngay sau khi những biểu ngữ được viết ra, mọi người tụ họp hết lại, xếp hàng và bắt đầu diễn hành trên đường phố, nhiều khi đến tận nửa đêm. Trong những tiếng cồng, tiếng trống, tiếng tung hô, hết toán này đến toán khác diễn hành dọc trên đại lộ Trường An từ tây sang đông, trong khi từ đông sang tây, cũng có hết toán này đến toán khác diễn hành cho toán bên kia coi. Anh cũng phải tỏ ra hồ hởi và chớ để cho người khác thấy là anh đang lo âu chuyện gì.
Thì chắc chắn anh là một thằng hề, nếu không, anh sẽ là “phân chó, không đáng là người.” Đó là lời cảnh cáo của chính Ông Già Mao, để phân định ranh giới giữa nhân dân và kẻ thù. Bị bó buộc phải chọn lựa giữa làm phân chó với làm tên hề, anh đã chọn làm tên hề. Anh hát thật to bài quân ca “Ba Điều Kỷ Luật Và Tám Điểm Cảnh Giác.” Như một người lính, anh đứng nghiêm trước chân dung vị Tổng Tư Lệnh treo giữa bức tường chính của mỗi văn phòng, và anh giơ cao cuốn “Mao Tuyển” có bìa plastic màu đỏ mà hô to “vạn tuế” ba lần. Sau khi quân đội nắm quyền, tất cả chuyện này đã trở nên một nghi thức bắt buộc mỗi ngày vào lúc bắt đầu và khi hết giờ làm việc. Nghi thức này được gọi là “nhận chỉ thị buổi sáng” và “báo cáo buổi tối.”
Vào những lúc đó, anh phải cẩn thận không được cười. Nếu không, anh sẽ bị những hậu quả nghiêm trọng, trừ phi anh muốn làm một tên phản động để hy vọng một ngày kia được coi như một vị thánh tử đạo. Viên cựu trung tá nói hoàn toàn đúng, anh là một thằng hề, nhưng anh đã không dám cười. Chỉ có ngay bây giờ, nhớ lại những thời gian đó, anh mới có thể cười, mặc dù anh thấy anh không thể cười nổi.
Hắn là đại diện cho một nhóm những tổ chức nhân dân trong một toán thanh lọc chỉ huy bởi nhân viên quân đội. Khi nhóm quần chúng và cán bộ chọn hắn làm đại diện, hắn biết ngày phán xét của hắn đã tới. Tuy nhiên, đám quần chúng và cán bộ của nhóm đó, khi trông đợi ở hắn để làm hậu thuẫn cho họ, họ không biết ngay trong lý lịch hắn, đã có một điểm đen là cha hắn đã “dấu một khẩu súng”, và điều này có thể khiến hắn bị đuổi ra khỏi cái đại gia đình cách mạng này
Trong buổi họp của toán thanh lọc, kiểm sát viên Trương đọc to một danh sách “kiểm tra nội bộ” - có nghĩa là danh sách những người mà sự kiểm soát nội bộ được thi hành. Đây là lần đầu tiên hắn được nghe từ ngữ này, và nghe xong, hắn thấy choáng váng. Công tác “kiểm tra nội bộ” không chỉ nhắm vào những người thợ bình thường, mà còn nhắm vào một số cán bộ Đảng. Việc thanh lọc bắt đầu với những “phần tử xấu” xâm nhập trong các tổ chức nhân dân.
Đây không còn giống như bạo lực của đám Vệ Binh Đỏ hai năm trước, cũng không phải tranh chấp võ lực giữa những chi phái của các tổ chức cá nhân. Đây là cuộc thanh lọc từ từ, chỉ đạo bởi nhân viên quân đội, và giống như một kế hoạch hành quân trong chiến tranh, nó được hoạch định, điều hành và chiến đấu theo từng giai đoạn. Ủy Ban Kiểm Tra Quân Đội đã gỡ hết những con niêm từ những hồ sơ cá nhân, và trước mặt kiểm sát viên Trương là một đống những tài liệu của những người “có vấn đề.”
“Các đồng chí, tất cả các đồng chí đây là đại diện của những tổ chức nhân dân. Tôi hy vọng các đồng chí sẽ gạt bỏ hết những vướng vất tình cảm tư sản và thanh lọc tất cả những phần tử xấu đã len lỏi trong những tổ chức của các đồng chí. Chúng ta chỉ có thể có một lập trường và đó là lập trường vô sản. Những quan điểm bè phái không thể được chấp nhận. Chúng ta sẽ thảo luận từng trường hợp, và sẽ quyết định ai ở trong danh sách thứ nhất, ai ở trong danh sách thứ hai. Dĩ nhiên, cũng sẽ có danh sách thứ ba, và bọn chúng sẽ được khoan hồng hay bị trừng phạt nặng nề tùy theo nếu có người tự đứng ra nhận tội và cũng tùy theo thái độ của chúng khi thú tội và khai báo!”
Kiểm sát viên Trương có khuôn mặt rộng và cằm vuông. Cặp mắt ông ta quét ngang đám đại diện những tổ chức nhân dân trong khi ngón tay dầy và to của ông nhấn trên chồng tài liệu. Sau đó, ông mở nắp tách trà, bắt đầu uống trà và hút thuốc.
Hắn thận trọng nêu lên vài câu hỏi, nhưng cũng chỉ vì kiểm sát viên Trương đã nói là có thể bàn cãi nội bộ. Hắn hỏi ông Lưu, cấp chỉ huy cũ của hắn và cựu thủ trưởng cơ quan, có những vấn đề gì ngoài vấn đề thành phần xuất thân địa chủ? Ngoài ra, còn một bà trưởng phòng, trong quá khứ, đã hoạt động nằm vùng cho Đảng và tổ chức sách động sinh viên. Theo những tài liệu mà nhóm của hắn điều tra, bà chưa bao giờ bị bắt, chưa bao giờ bị nghi ngờ có hoạt động chống Đảng hay đầu hàng địch. Tại sao bà cũng bị liệt vào danh sách được điều tra đặc biệt? Kiểm sát viên Trương quay lại, giơ bàn tay đang cầm thuốc lá lên và liếc nhìn hắn một cái. Đó là lúc mà viên cựu trung tá quạt hắn “Anh là thằng hề”.
Vài chục năm sau, anh có cơ hội đọc một số hồi ký để dần dần thấy rõ hơn những tranh chấp nội bộ trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trong những buổi họp của Bộ Chính Trị, nếu có ông tướng nào đưa ý kiến hơi trái ý một tí, có lẽ Mao Trạch Đông cũng đã liếc nhìn họ một cái như thế xong quay sang tiếp tục uống trà và hút thuốc. Rồi có những ông tướng khác nhảy ra quạt cho ông tướng kia một mách. Ông già Mao chẳng cần phải phí một lời nào.
Anh, dĩ nhiên không phải là một ông tướng. Viên cựu trung tá cũng đã mắng anh, “Anh là đồ côn trùng”. Đúng y trang, anh là một côn trùng thật nhỏ bé. Cái mạng con kiến của anh có đáng gì?
Sau công việc, hắn lấy xe đạp để trong nhà kho dưới nhà và đạp đi kiếm Lương Thanh, đang làm việc trong một văn phòng. Khi hắn theo phong trào khởi loạn (của Vệ Binh Đỏ) hai năm trước, chính Lương Thanh đã thay chỗ làm của hắn. Nhưng cuộc sống khởi loạn của hắn đã chấm dứt. Nhìn quanh không thấy ai, hắn nói với Lương “Đi đi, nhưng qua khỏi ngã tư hãy đi chậm lại. Tôi có chuyện muốn nói với anh.”
Lương nhảy lên xe đạp chạy đi và sau đó, hắn bắt kịp.
“Tới nhà tôi uống tí gì.” Lương nói.
“Có ai ở nhà?” Hắn hỏi.
“Vợ với con trai tôi!”
“Đừng, không tiện. Cứ vừa đạp xe vừa nói chuyện như thế này.”
“Chuyện gì vậy?”
Lương cảm thấy ngay là có chuyện nghiêm trọng.
“Anh có thấy lý lịch của anh có vấn đề gì không?”
Hắn không nhìn Lương và hỏi câu hỏi như không có gì quan trọng.
“Không có.” Lương xém chút thì ngã xuống xe.
“Anh có liên lạc với ai ở nước ngoài không?”
“Tôi không có ai là thân nhân ở nước ngoài.”
“Anh có bao giờ viết thư cho ai ở nước ngoài không?”
“Chờ chút! Để tôi nghĩ...” Lại đến đèn đỏ, cả hai đặt một chân xuống đường và ngừng xe đạp.
“Có. Tôi có viết. Những người ở cơ quan có hỏi tôi về việc này, nhưng chuyện này đã lâu lắm rồi...”
Lương gần như muốn phát khóc khi nói câu này.
“Đừng khóc, đừng khóc! Anh đang ở ngoài đường ...” Hắn nói.
Tới đây, đèn xanh bật lên, và một rừng xe đạp bắt đầu chồm lên phía trước.
“Nói cho tôi biết còn có chuyện gì nữa, tôi không liên lụy anh đâu.” Lương đã định thần trở lại.
“Người ta nói anh có thể là gián điệp, anh nên cẩn thận.”
“Anh nghe ở đâu ra ?” Hắn nói hắn không biết.
“Thật ra, đúng là tôi có viết một bức thư gửi đi Hồng Kông, cho một anh hàng xóm cũ. Chúng tôi cùng lớn lên với nhau, nhưng sau đó, một bà cô của anh ta kéo anh ta đi Hồng Kông. Đúng là tôi có viết một cái thư xin anh ta một cuốn tự điển những thành ngữ tiếng Anh, chuyện chỉ có thế, cũng nhiều năm lắm rồi! Lúc đó còn chiến tranh Triều Tiên, tôi mới ra trường, đang ở quân đội làm thông ngôn trong một trại tù binh ...”.
“Anh có nhận được cuốn tự điển không?”Hắn hỏi.
“Không! Anh muốn nói... Là cái thư không được gửi đi? Bị chận lại phải không?” Lương hỏi tiếp.
“Ai biết được.”
“Vậy là tôi bị nghi là có...liên lạc với kẻ địch nước ngoài?”
“Đó là anh nói chứ không phải tôi”
“Nhưng anh cũng nghi tôi?”
Lương quay đầu sang hỏi hắn.
“Tôi không muốn nói nhiều về chuyện này. Nhưng anh hãy cẩn thận!”
Một xe điện hai toa chạy ngang, Lương lạc tay lái xém chút đụng vào nó.
“Hèn chi họ thuyên chuyển tôi ra khỏi quân đội...”
Tự nhiên, tất cả đã trở nên rõ ràng đối với Lương.
“Nhưng tất cả điều đó đều không quan trọng lắm đâu”.
“Còn chuyện gì nữa ? Nói hết cho tôi nghe, tôi sẽ không lôi anh ra đâu, dù họ có đánh chết tôi.”
Xe đạp của Lương lại loạng choạng.
“Giữ lấy mạng sống khi bị lãnh chuyện này!” Hắn cảnh cáo.
“Tôi sẽ không ngu mà tự tử đâu! Tôi có vợ con!”
“Nhưng hãy cẩn thận.”
Hắn đạp xe quẹo theo góc đường. Điều hắn không nói là tên của Lương nằm trong danh sách thứ hai.
Ít năm sau... Bao nhiêu năm rồi vậy ?
Mười.... không, hai mươi tám năm sau, ở Hồng Kông, anh trả lời một cú điện thoại gọi vào khách sạn của anh. Đó là Lương Thanh, anh ta đọc trên báo về vở kịch của anh. Anh không nhận ra cái tên ngay, mà nghĩ chắc là người anh đã gặp qua ở đâu một lần, và người này muốn coi vở kịch của anh nhưng không mua được vé, cho nên anh vội vàng xin lỗi và nói kịch đã diễn xong. Anh ta nói anh ta là một đồng nghiệp cũ và muốn mời anh ra ngoài ăn. Anh nói anh sẽ phải bay đi nơi khác sáng hôm sau nên lần này không được, có lẽ lần sau. Anh ta nói, nếu vậy, anh ta sẽ lái xe đến ngay khách sạn để gặp anh. Thật là khó cho anh để chận anh ta lại, và chỉ sau khi đặt ống nghe xuống anh mới nhớ ra anh ta và nhớ lại cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai người trên xe đạp.
Nửa giờ sau, anh ta bước vào phòng anh. Anh ta mặc đồ lớn, giày da, áo lụa, cà vạt màu nâu sậm, nhưng anh ta không có vẻ hào nhoáng như những nhà tân triệu phú đến từ Lục Địa. Khi anh bắt tay, không thấy có đồng hồ Rolex, vòng vàng đeo tay dầy cộm hay nhẫn vàng cồng kềnh. Tuy nhiên, tóc anh ta đen nhánh, và với số tuổi anh ta, chắc là đã nhuộm. Anh ta nói là đã định cư ở Hồng Kông nhiều năm. Người hàng xóm thuở thiếu thời, người mà anh viết thư xin tự điển, biết được những gian truân anh phải trải qua vì bức thư đó, cảm thấy áy náy và đã tìm cách giúp để anh qua Hồng Kông. Anh ta bây giờ đã có công ty riêng, vợ con anh đã di cư sang Canada nhờ mua được chiếu khán.
Anh ta thẳng thắn kể lại, “Trong mấy năm nay, tôi kiếm được ít tiền. Tôi không giàu có lắm, nhưng cũng đủ để thoải mái dưỡng già. Con trai tôi đã đậu Ph.D. từ một trường đại học ở Canada nên tôi chẳng còn gì phải lo. Tôi đi qua đi lại, và nếu tôi không muốn ở lại Hồng Kông, tôi có thể đi ra bất cứ lúc nào.”
Anh ta cũng nói anh ta rất biết ơn những lời anh nói với anh ta hồi đó.
“Những lời nào?” Anh không nhớ được.
“Giữ lấy mạng khi bị lãnh chuyện đó! Không có những lời của anh, tôi sẽ không thể luôn luôn cảnh giác đề phòng hết những chuyện gì xảy ra.”
“Cha tôi đã không thể luôn luôn cảnh giác đề phòng.” Anh nói.
“Ông cụ tự tử hay sao?” anh ta hỏi.
“Ông cụ may được ông già hàng xóm thấy, gọi xe cứu thương đến chở vào bệnh viện và được cứu sống. Ông cụ được gửi vào một trại lao động cải tạo nhiều năm. Sau khi được giải tội và được thả, chưa đầy ba tháng ông cụ đã lăn ra bệnh rồi chết”.
“Lúc đó sao anh không báo động cho ông cụ biết.” Lương hỏi.
“Làm sao tôi dám viết thư lúc đó? Nếu họ biết được, mạng tôi cũng bị nguy “.
“Đúng thế, nhưng ông cụ có vấn đề gì vậy ?”
“Như chuyện của anh, vậy anh có vấn đề gì?”
“Thôi, đừng nói chuyện đó nữa!” Anh ta thở dài, ngập ngừng một lúc, hỏi “Còn đời sống anh ra sao?”
“Anh muốn nói về chuyện gì?”
“Tôi định hỏi anh. Tôi biết anh là một nhà văn, tôi định hỏi anh về chuyện tài chính ra sao. Anh biết...chắc anh biết tôi muốn nói gì, phải không?”
Lương không biết phải nói thế nào.
“Tôi hiểu anh muốn nói gì” Anh nói. “Tôi xoay sở được.”
“Tôi biết nhà văn ở Tây phương khó kiếm tiền, nhất là đối với một nhà văn Trung Hoa. Không giống như buôn bán.”
“Tự do”, anh nói. Điều anh muốn là tự do, tự do viết những gì anh muốn viết.
Anh ta gật đầu, rồi lại thu hết can đảm để nói:
“Nếu anh... Này! Tôi xin nói thẳng. Lúc này, tài chánh tôi bị kẹt và không sẵn tiền, nhưng nếu anh nói một tiếng. Tôi không phải là một trọc phú lớn, nhưng...”
“Nếu anh là một trọc phú lớn anh sẽ không nói chuyện kiểu này” Anh cười. “Một trọc phú lớn sẽ cho tiền để thi hành vài mánh khóe giúp họ buôn bán nhiều hơn với lục địa.”
Lương Thanh rút ra một tấm danh thiếp, viết thêm một địa chỉ và số điện thoại, đưa nó cho anh, nói “Đó là số điện thoại cầm tay. Tôi mới mua nhà, cho nên địa chỉ ở Canada sẽ không thay đổi”.
Anh cám ơn anh ta, nói anh không có vấn đề gì, và nếu anh phải nhờ vào viết văn mà kiếm sống, anh đã phải ngưng viết từ lâu. Anh ta thật sự cảm động và bật nói “Anh đang thật sự viết cho dân tộc Trung Hoa”.
Anh nói anh đang viết cho chính anh mà thôi.
“Tôi biết, tôi biết, viết hết về chuyện đó đi!” anh ta nói. “Tôi hy vọng anh sẽ viết hết về chuyện đó, viết hết tất cả về những thời gian không thích hợp cho những con người.”
Viết tất cả về những khốn khổ đó ư ? Anh tự hỏi sau khi anh ta về. Nhưng anh đã chán ngấy về tất cả những chuyện đó.
Tuy nhiên, anh có nghĩ về cha anh. Khi ông được giải tội và từ trại lao động cải tạo trở về, ông được phục hồi cả chức vụ lẫn tiền lương, nhưng ông nhất định xin về hưu và đi Bắc Kinh để thăm anh, con trai ông. Ông định sau đó du lịch và sống yên tịnh trong những năm cuối đời. Anh không thể nào biết sau một ngày dạo chơi tại Cung Điện Mùa Hè, ban đêm ông ho ra máu. Ngày hôm sau, ông vào bệnh viện khám bệnh và họ thấy có một vết đen trên phim phổi. Nó được xác định là ung thư phổi thời kỳ cuối cùng. Một đêm, bệnh ông trở nặng và phải nhập viện. Sáng hôm sau, ông chết. Khi ông còn sống, anh hỏi ông tại sao ông định tự tử. Ông chỉ trả lời giản dị là lúc đó ông không muốn sống. Tuy nhiên, khi ông đã có thể sống, và hơn nữa, muốn sống, thì ông lăn ra chết.
Khi những người được giải tội chết, cơ quan của họ thường tổ chức lễ tưởng niệm như một cách biểu lộ sự ái ngại với gia đình người đã khuất. Trong lễ tưởng niệm, người con trai, cũng là nhà văn, dĩ nhiên phải nói vài lời. Không làm thế là tỏ ra bất kính với người cha đã khuất núi và coi thường cấp lãnh đạo cơ quan, là những người đứng ra tổ chức buổi lễ. Hắn bị đẩy ra trước microphone và không thể từ chối trước hũ tro của thân xác người cha. Hắn không thể nói là cha hắn đã là một người của cách mạng, mặc dù ông không bao giờ chống đối cách mạng, và gọi ông là đồng chí cũng không thích hợp. Hắn chỉ có thể nói như thế này: “Cha tôi là một người yếu đuối. Cầu cho linh hồn ông được an nghỉ nơi Thiên Đường”.
Cho là, nếu có một Thiên Đường.