Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
4c7a953c4dc033b56702614b01dfd810
 
Truyện ngắn 3 kỳ
 
NguyÍn Ng†c ƒn Cái ñói Trong Tù (1)
Con người ta sống ở đời, ai cũng biết tới mấy chữ “Tứ Khoái” mà trong đó cái Ăn được xếp hàng đầu. Ông bà ta hay nói Miếng ăn là miếng tồi tàn hay là Ăn để mà sống chớ không phải sống để mà ăn tất cả chắc cũng chỉ vì muốn giáo dục con cái khôngnên coi miếng ăn là quan trọng để làm giãm phẩm giá con người. Khổng Tử cũng đã nói: Người quân tử ăn chẳng cầu no, ngủ chẳng cầu an ...

Nhưng quanh đi quẩn lại, có thực mới vực được đạo! Và trong suốt thời gian tôi là tù binh ở miền Bắc, chưa bao giờ tôi thấy thấm thía cái câu nói nầy hơn vì trong suốt gần năm trời, trong đầu không phải riêng tôi mà chắc là của mỗi anh em bạn tù, chữ Ăn là cái ám ảnh lớn nhất vì thiếu ăn là mình sẽ bị đói và chúng tôi, những tù binh của miền Nam bị đưa ra giam giữ ngoài Bắc là một nửa nước bị đói kinh niên nên làm gì bọn tù chúng tôi, bị giam giữ bởi những người đói thường xuyên mà không bị... đói thường xuyên? Tôi thì chẳng là người quân tử gì cả nhưng đúng là ăn chẳng cầu no (vì cầu thì làm sao được, cầu làm gì cái không thể có được?) vì lúc nào cũng chỉ mong có cái để dằn bao tử để mà sống, để mà vực được đạo!!

Tôi viết bài nầy để nhắc chuyện đã qua nên tôi có những dử kiện để so sánh giữa người tù sau 75 (mà VC gọi là cải tạo viên) và chúng tôi, những tù binh trước 75. Dĩ nhiên, bỏ qua những người xấu số bị đưa ra miền đói khổ thì đương nhiên sẽ bị đói không khác gì chúng tôi, những anh còn lại, bị giam giữ trong Nam hồi bắt đầu tập trung còn có chút đỉnh thức ăn, thuốc men đem theo và nhất là tiền, còn có thể xài được. Sau đó ít lâu thì ngoài cái gia đình tiếp tế, những người trong túi còn giữ tiền đã có thể mua thêm thức ăn ở ngoài dân chung quanh trại tù.

Còn chúng tôi, tù binh ngoài Bắc, 1 đồng trong túi không có, tin tức về nhà cũng tuyệt đối không, những cái bỏ vào miệng hàng ngày hoàn toàn dựa vào “lòng nhân đạo của Đảng và Nhà nước” thì phải nói, chúng tôi không đứa nào chết đói là nhờ Ơn Trời mà thôi... Tôi còn nhớ, đêm đêm nằm trên sạp trong lán trại, hể buồn buồn muốn chọc anh em chửi thì mình chỉ việc nhắc lại một món ăn của tiệm nào đó ở Saigon là lập tức sẽ được hàng trăm tiếng Đan mạch bắn xối xả về mình... Thậm chí, anh em BĐQ chúng tôi ở chung lán đã từng đề nghị sau nầy, nếu có cơ hội về Nam, mỗi năm mình sẽ tổ chức ngày gặp nhau để kỷ niệm thời gian ở tù ngoài Bắc và
thức ăn sẽ chỉ là CƠM TRẮNG với một muỗng cà phê NƯỚC MẮM là đủ sướng rồi !! Trong bài viết nầy, tôi xin phép được kể lại những câu chuyện liên quan tới cái ăn (tức là cái Đói) ở trong tù ngoài Bắc.

Cái láu cá của bọn cán binh ngoài chiến trường: Khi tôi mới bị bắt, họ giữ tôi trong một căn nhà lá trống trải giữa một cánh đồng. Căn nhà nầy chỉ có 3, 4 anh bộ đội nhóc tì mang súng đi vòng quanh để canh gác, còn thì trong nhà là gần 70 lính miền Nam, cái đau khổ là trong số đó chỉ có mình tôi là sĩ quan. Tôi biết được vậy là vì chỉ có mình tôi bị trói gô hai tay ra phía sau, nằm cạnh cái bếp lạnh lẽo vì chủ nhà không thấy đâu nữa, căn nhà thì trống trước hở sau, căn bếp tương đối nhỏ hơn các “phòng” khác nên chỉ có mình tôi bị bỏ trong đó. Còn các hạ sĩ quan binh sĩ thì không bị trói buộc gì cả và họ nằm ngồi tràn lan trong nhà với cái lệnh là không được ra ngoài sân cũng như vào trong bếp (có tôi trong đó) Tôi bị giữ ở căn nhà đó hơn 2 ngày, không tính ăn điểm tâm (dĩ nhiên là không có) còn lại phải là 4 bửa ăn chính thì trong 3 bửa, câu chuyện đã diễn ra như thế nầy: tới giờ ăn, một anh lính Quốc gia (cũng là tù binh, đương nhiên) gánh một gánh đi tới căn nhà giam giữ chúng tôi, (tôi có thể nhìn thấy anh ta qua những kẻ hở của phên vách cũng như về sau thì tôi mới biết đó là cái gánh cơm vắt) có hai anh bộ đội vác súng đi kèm 2 bên.

Tới trong sân nhà, anh lính để gánh cơm xuống, đổ cơm trong 2 cái thúng 2 đầu gánh xuống mấy miếng lá chuối mới được lót trên đất rồi anh quang gánh theo 2 chú bộ đội kia đi mất. Trong sân thì đám lính miền Nam (cũng đang đói rã người) tràn ra, dành giựt. Người lanh tay được 1 vắt cơm, còn kẻ chậm hơn một chút thì ngồi trơ mỏ (!), do đó, họ nuôi cái quyết tâm là lần tới sẽ giựt bạo hơn, dành hung hãn hơn để có ăn!! Và cái cảnh dành giựt đó diễn ra trước những cặp mắt thích thú của mấy thằng lính gác. Và anh em có nghĩ là không bị trói có khi còn không có miếng ăn vì không thể dành được huống chi cái thằng bị trói bị bỏ quên trong bếp thì làm sao có ăn? Ngày đầu tiên trôi qua, tính luôn từ bửa ăn cuối cùng của tôi là tôi đã không có gì trong bụng 2 ngày rồi với cái bửa ăn chiều dành giựt mấy vắt cơm còn kinh hoàng hơn bửa sáng nữa. Dĩ nhiên, anh em binh sĩ của mình đã vô tình giúp cho mấy thằng bộ đội những trận cười thỏa thích.

Buổi tối, khi có một số binh sĩ rằn ri ( vào lúc đó, đa số rằn ri bị bắt là BDQ nên họ tới gần bếp muốn bắt chuyện với tôi nhất là khi họ chợt nhớ ra còn tôi bị trói bỏ ngồi trong bếp nên làm gì có ăn, tôi liền lên tiếng giải thích câu chuyện cho anh em binh sĩ biết rằng họ nấu ăn không đủ số vắt cơm với số người với mục đích là để cho mình dành rồi có thằng bị bỏ đói. Tại sao anh em không bình tỉnh ngồi xuống, không dành giựt gì cả mà bóp mỗi vắt cơm làm 2, thế thì ai cũng có ăn tuy không no bằng ăn nguyên vắt nhưng mình là anh em đồng đội, sá gì nửa vắt cơm mà làm trò hề cho tụi nó?  Đa số lính ở chung nhà với tôi là lính rằn ri trong Nam ra và họ cho dù không phải BĐQ, họ cũng khoái ông bác sĩ rằn ri nên họ nghe lời tôi. Đám rằn ri nầy đàn áp làm đám lính địa phương quân, nghĩa quân dân ngoài đó phải chịu theo thôi. Từ bửa ăn trưa hôm sau là không còn dành giựt và ai cũng có phần (có cả tôi nữa tuy có nửa vắt cơm nhưng thắm tình chiến hữu lúc sa cơ) và tôi thích nhất là nhìn bộ mặt sửng sờ của mấy thằng VC khi lính Quốc gia mình tự nhiên chia phần ăn rất đàng hoàng... (tuy chỉ là cơm vắt chớ không có thức ăn gì cả)

Cơm: Người Việt mình hay gọi cái gì vào giờ ăn là cơm cho dù món chánh mình sẽ ăn không bắt buộc là cơm. Thí dụ: giờ cơm, mời ba vào ăn cơm đi con ... cho dù bửa ăn hôm nay sẽ là bún, hủ tiếu, phở  gì đó vv... Ở tù, chúng tôi cũng quen gọi là  “đi lảnh cơm” hay “chia cơm”, “bới cơm” vv... nhưng cái mà mấy thằng trông coi tù cho tù ăn thì hầu như là không phải cơm trong 90% trường hợp. 10% sung sướng được ăn cơm thực sự đã xảy ra lúc mới bị bắt trong vài ngày đầu, VC đã không có cái gì ngoài cơm cho chúng tôi ăn nên chúng tôi được ăn cơm và chỉ cơm mà thôi chớ không có bất cứ gì khác để đi chung cho dù là một muỗng nước mắm, một con cá khô hay vài cục muối cũng không!!

Lần khác được ăn cơm là lúc chúng tôi ở làng (hay xã?) Bất Bạt thuộc tỉnh Sơn Tây trên con đường trở về Nam do trao trả tù binh. Lần nầy thì chúng tôi ăn cơm với thịt ba rọi kho sản xuất ở Bulgary!! Dĩ nhiên, khi tôi đánh 2 dấu thang sau chữ Bulgary, anh em nghĩ tôi có ý châm biếm sao đó, và anh em có lý. Làm sao một nước Đông Âu mà biết kho thịt heo ba rọi? Tuy nhiên, phải nói thật, thời gian ăn cơm với thịt heo kho Bulgary là thời gian chúng tôi được ăn ngon nhất trong suốt thời gian ra ngoài kia ở với Bác! Trừ lúc đi đường thì khỏi bàn vì đó là trường hợp đặc biệt, cái thông thường nhất thay cho cơm ở trại chánh ngoài Lạng sơn là bắp (hay Cao bằng? tôi cũng không biết cái trại tù nó nằm thuộc tỉnh nào nữa, chỉ biết nó ở con đường từ Thất Khê tới Đông khê mà Thất khê thì thuộc Lạng sơn, còn Đông khê thì thuộc Cao bằng). Liều lượng thông thường mấy tù “anh nuôi” cho chúng tôi biết là bắp độn khoảng 95% tới 100%, còn lại là gạo! (cũng lại chấm thang!) có nghĩa phần trăm gạo sẽ là từ 5% xuống tới 0%. Anh em chắc nghĩ bắp (mà mấy thằng khốn nạn gọi là ngô) chắc cũng OK cho tù hơn là không ăn gì.

Dĩ nhiên, bao giờ có ăn cũng hơn là không ăn gì nhưng tôi cần nói rõ hơn cái món bắp để quý vị am tường. Quý vị nào đang ở bên Mỹ có bao giờ ăn thử loại bắp người ta trồng để cho bò ngựa ăn bao giờ chưa? Tôi không biết cái món bắp dành cho chúng tôi từ đâu tới mà đúng là lúc đầu, khi tôi nghe “được” độn bắp, tôi cũng nghĩ thế nào cũng đở hơn. Nhưng không, bắp nầy phải dùng chữ “sỏi” mới đúng vì những hạt bắp cứng như sỏi đá, mấy anh tù nhà bếp phải ngâm ngay buổi chiều hôm trước khi mới lảnh bắp ra khỏi nhà kho để nấu vào trưa và chiều hôm sau, vậy mà trưa hôm sau, khi ăn “cơm”, chúng tôi đứa nào mặt cũng nhăn nhó, nhai chầm chậm lần mò từng miếng vì nếu nhai nhanh, thế nào hạt bắp cũng làm mẻ vài miếng răng của mình. Tệ hơn là nếu răng của người nào bị mẻ hay rớt miếng trám ra mà lọt miếng bắp vào thì bảo đảm, con người đau khổ đó chỉ ước mơ được chết còn sướng hơn ... Cá nhân tôi thì tổng cộng có 4 cái răng ra đi không hẹn ngày về trong tù và độ hơn chục cái ngày về Nam phải trám mệt xỉu. Cũng may là mấy nha sĩ với tôi coi nhau như đồng nghiệp nên tôi cũng không tới nổi tốn kém gì nhưng thiệt tình, tôi đã hổ thẹn khi hả miệng cho bạn bè chữa răng mà sao răng của tôi thiệt quá tệ!! Và khổ ghê, bắp là món chúng tôi phải ăn thường nhất trong đời tù!

Cái món thường xuyên kế bắp là “bo bo”. Dĩ nhiên, anh em nào đọc bài nầy mà đã rời khỏi VN sau 75 thế nào không ít thì nhiều đều đã hân hạnh nếm mùi bo bo tơi tả rồi. Nhưng anh em thân mến ơi, xin quý vị cứ tưởng tượng trộn lẫn (độn) gạo với bo bo với tỉ lệ 95% bo bo với 5% gạo thì quý vị sẽ giống chúng tôi ở trong tù. Tôi xin nói vài hàng để quý vị nào may mắn vượt thoát được ngay ngày đứt phim hiểu được bo bo là gì và ăn nó sẽ cảm thấy như thế nào. Bo bo là một loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, còn bo bo là ... lúa đời! (chúng tôi gọi thế) Ở Âu Mỹ, người ta trồng bo bo cho ngựa ăn (cái đó thì tôi biết chắc) còn từ nước nào đem qua nước VN Dân chủ Cộng hoà giàu mạnh và nhân đạo cho tù ăn thì thiệt tình tôi không biết, ăn vào bụng rồi nó ở trong bao tử  mãi không chịu tiêu nên con người mình cứ ì à ì ọc thật là  khó chịu không thể tả, giá mình là ngựa thì chắc sung sướng được một chút vì ăn đúng món hẩu, còn thì anh em chúng tôi vì không phải là ngựa nên người nào người nấy mặt mủi xanh dờn ...
Sau bắp và bo bo là . Cái nầy thì có đở thiệt. Chắc hảng mì nào đó, sau khi đóng gói thì có mì vụn rơi rớt tràn lan trên đất, họ liền hốt lại đóng thành bao bì gởi sang cho nước bạn anh em là nước cai tù chúng tôi. Vì vậy, mì tuy lạt nhẽo, dở chưa từng thấy nhưng ít ra nó không tổn hại cho sức khỏe của 2 hàm răng bằng bắp và hại cho bao tử bằng bo bo nên anh em cũng cảm thấy hạnh phúc tương đối tuy trong mì, chúng tôi vẫn cắn và nhai phải những thứ mình có thể nhặt được từ mặt đất...

Lâu lâu thì chúng tôi được phát khoai mì (ngoài đó gọi là sắn) hay khoai lang. Khoai mì thà ăn không chớ nằm trong mấy hột cơm thiệt rõ chán và ăn chừng vài ngày anh em ai cũng cảm thấy chóng mặt (Tôi có nghe nói khoai mì ăn sống rất độc, còn nấu chín thì không sao nhưng cái vụ chóng mặt nầy thật tôi cũng không biết tại sao, chỉ lý luận cái gì bất thường là có vấn đề sao đó. Dĩ nhiên khoai mì mà chúng tôi ăn bao giờ cũng nấu “rất chín”, thiếu điều muốn rả ra luôn. Hỏi bạn bè làm anh nuôi thì được giải thích, khoai mì nấu mềm rục ăn dễ hơn (và dễ tiêu hơn)... Nghe vậy thì hay vậy chớ ý kiến ý cò làm gì trong tù? Nhưng thấy vậy chớ thật tình thì khoai mì mà độn thì sướng hơn khoai lang. Người bình thường đi chợ mua, đương nhiên khoai lang mắc hơn khoai mì và ăn thì khoai lang cũng ngon hơn khoai mì. Nhưng ở tù thì đâu có bình thường? Khoai mì nấu rục ăn còn đỡ, còn khoai lang loại phát ra để nuôi tù là loại khoai mà dân ngoài đó họ chê, loại hợp tác xã trồng ra tệ quá bán không ai mua thì nhà nước mua giá rẻ cho tù ăn. Tiếng Việt mình có chữ, khoai lang sùng, khoai sượng, khoai gì gì nữa không biết nhưng cái miếng khoai độn (90% là khoai) trong tù thì vừa đắng, vừa hôi, ăn thật là kinh hoàng. Nhưng vẫn phải ăn!  Ăn để mà sống!

Thức ăn : Nói tới cơm mà không nói tới thức ăn thực là một thiếu sót lớn lao và có thể nói, thức ăn là một đề tài quá nhiều chuyện để kể lại. Thôi thì bạ đâu kể đó, nhớ sao nói vậy không có thứ tự lớp lang gì mới có thể nói được.

Món thức ăn thông thường nhất là... không khí!! Cơm sẽ ăn với... không khí. Đừng hỏi tại sao về bất cứ vấn đề gì cả vì khi căn bản đã vô lý thì không còn cái gì là có lý hết. Nếu nói về không khí thì có gì đâu mà nói nên tôi xin phép được kể những thời điểm mà thức ăn là... cái gì có thể... cầm được.

Hồi ở K5 (đây là K5, chữ của mấy thằng ngoài đó chứ không phải Khóa 5 đâu nha) ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi ở đó gần 1 tháng và đôi ba ngày 1 lần, đám tù sĩ quan (lúc nầy có con số cố định là 33 người cho tới khi ra tới trại chính) có nhiệm vụ đi khuân gạo về cho trại tù (gồm độ 400 người với các anh em hạ sĩ quan và binh sĩ nhưng VC cho sĩ quan đi vác gạo cho cả trại - chúng nói để bù lại những ngày hạ sĩ quan và binh sĩ phải phục vụ cho sĩ quan -) Chỗ lảnh gạo cách trại chừng 10 km, (đó là do mấy anh tác chiến rành về đi đứng nói, ước lượng trên số bước chân và thời gian trên đường chớ tôi thì tư cách gì mà biết được bao xa để nói) đi về là 20km, trại thì ở trên đỉnh một ngọn đồi cao, đường đi qua đủ mọi cảnh vật, đồng ruộng, rừng núi, băng suối đủ thứ, hể thấy biển xa xa ở chân trời phía đông là sắp tới chỗ lảnh gạo. Bận đi tay không, bận về có bao gạo 25kg trên vai, đường đi thì lổm chổm băng rừng, vượt suối, bởi vậy, anh em chúng tôi đi từ sáng sớm mà về tới trại thì đã tối mịt.

Tôi thì còn đỡ nhờ xuất thân con nhà nghèo  cũng quen lao động tay chân, lại có chút đỉnh võ nghệ nên khuân vác kể ra cũng OK, chỉ tội trong nhóm sĩ quan chúng tôi, mấy ông thần tác chiến thì ai cũng không sao cả, chỉ có một ông đàn anh là BS Vũ vi Tiến, trưng tập khoá 13 (tương đương K17HD) nguyên TĐ4TQLC và dược sĩ Trần đình Mậu, trưng tập khoá 14 (tương đương K18HD) nguyên BV Quân Dân Y Quảng trị, hai ông nầy, anh Tiến thì người cao gầy, tướng tá thư sinh tay yếu chân mềm, còn DS Mậu thì to con bằng cở bao gạo 25kg mà anh vác, cái khổ là 3 chúng tôi là dân  ngành Y với nhau nên hay đi chung với nhau nên tôi đi với 2 ông nầy đúng là về sau hơn ai hết thảy, thằng nhóc tì bộ đội cứ thúc súng vào lưng chúng tôi hoài...

Tôi còn nhớ cái con suối mà chúng tôi phải đi qua, chúng tôi phải bước qua từng cục đá, nước thì chảy xiết. Đặc biệt có một chỗ mà chúng tôi phải thảy bao gạo lên trên cục đá trước rồi mới leo lên sau, sau đó mới leo xuống phía bên kia rồi cỏng bao gạo xuống vác đi tiếp, chỗ đó là chỗ anh Mậu của chúng tôi khổ nhất. Anh thấp người, cao không bằng cục đá, bởi vậy việc ảnh thảy bao gạo lên trên cục đá là không thể được, chúng tôi phải thảy bao gạo lên cho ảnh rồi khi chúng tôi ở trên cục đá là phải thò tay xuống kéo ảnh lên vì ảnh cũng không thể tự trèo lên cục đá được! Còn cái gạo mà chúng tôi vác về là gạo Trung cộng (viết chữ Tàu tùm lum ở ngoài bao) mà gạo thì cũng không phải gạo. Hột gạo có hình thù như hạt cốm dẹp, màu lại ngà ngà chớ không trắng như gạo, nấu kiểu nào thì tôi không biết (ở K5, anh nuôi là nhóm hạ sĩ quan và binh sĩ) chỉ biết khi ăn (với không khí) nếu mình cứ nhai hoài thiệt lâu tự nhiên mình sẽ thấy nó ngọt nên dễ ăn một chút. Muối không có, không có cái gì hết để cải thiện bửa ăn... cho tới ngày cuối cùng ở K5 trước khi di chuyển đi trại khác.

Trại gọi tất cả tù binh tập họp và phát mỗi người một cái muỗng cà phê (mà chúng gọi là cái thìa và bảo phải giữ cho tới chết vì đó sẽ là lần phát cái muỗng duy nhất, không bao giờ có phát muỗng nữa, nếu ai làm mất sẽ ráng chịu không có muỗng để xài khi ở tù) rồi chúng tôi xếp hàng một, lần lượt đi tới trước một cái bàn. Anh em tưởng tượng dùm tôi trên bàn có cái gì? Haha ... chỉ là một chai nước mắm! Một anh cán, cầm chai nước mắm, thái độ vô cùng trang trọng giống như một anh chào rượu vang trong một nhà hàng sang trọng, chỉ thiếu có cái khăn trắng quàng trên cánh tay, nghiêng chai nước mắm rót cẩn thận vào cái muỗng của anh tù đang đứng trước bàn. Khi nước mắm gần đầy cái muỗng cà phê thì anh cán ta ngưng lại, nhấc cái cổ chai lên chờ anh tù kế tiếp đưa cái muỗng ra rồi rót tiếp...

Và ... bửa cơm chiều hôm đó ở K5 là bửa cơm ngon nhất trong thời gian ở tù cho đến lúc đó. Chúng tôi về đến lán, tìm đủ mọi cách để có thể để cái muỗng cà phê xuống mà không đổ nước mắm ra ngoài vì nếu bạn tay cầm muỗng nước mắm thì còn một tay, làm sao cầm chén cơm lên ăn được? (đủa thì chúng tôi dùng cây rừng, ráng tìm càng thẳng càng tốt, càng trơn láng càng tốt, dĩ nhiên đa số đôi đủa thì giống như hai cái cẳng đứng khuỳnh khuỳnh, cubitus varus hay cubitus valgus tùy hứng, còn thân đủa thì mắt sần sùi, và cơm vô miệng được cũng không phải dễ, chắc tại vậy mà VC không phát thức ăn vì nếu có thức ăn, chúng tôi cũng sẽ không thể gắp được với đôi đủa dã chiến tệ như vậy) Tôi thì gác được cái muỗng cà phê nước mắm trên một cục đá nhỏ (quên nói, chúng tôi ngồi dưới đất ăn từng carré bốn người) và ráng thăng bằng cho cái muỗng khỏi lật để sau mỗi và cơm, tôi sẽ dùng tay kia nâng cái muỗng lên miệng để thè lưỡi nếm miếng nước mắm. Có người để sao đó mà cái muỗng ngã lăn đổ mất hết nước mắm, anh chàng muốn chảy nước mắt nhưng anh em đã chia cho anh ta để anh ta cũng có một cái thè lưỡi sau mỗi và cơm... Và nói lại lần nữa, đây là bửa cơm ngon nhất từ lúc bị bắt của tôi. Bởi vậy, như trên tôi đã nói, anh em chúng tôi ước hẹn nếu có ngày về, chúng tôi mỗi năm sẽ gặp nhau ngày kỷ niệm thời gian ở tù và ăn cơm trắng với nước mắm. Quý vị ơi, đừng hỏi tôi nước mắm đó là nước mắm nhỉ, nước mắm Phú quốc hay nước mắm gì gì, tôi chỉ biết muỗng nước mắm đó ngon nhất trên đời, bao nhiêu năm sau, cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ có được một muỗng nước mắm ngon như vậy.

Hồi ở K3. Trại K3 không biết thuộc quận huyện xã xiếc nào, chỉ biết thuộc tỉnh Nghệ An mà thôi. Khác với K5, trại K3 nằm giữa rừng già mà theo tôi nghĩ, chắc là một trong những khởi điểm của cái gọi là đường mòn Hồ chí minh. Vì sao tôi nói vậy?

Số là đường mòn HCM khởi điểm từ Nghệ An, đi trong núi dọc Trường sơn nhưng không phải đi một lèo từ Nghệ An vào tới miền Nam mà là chia ra từng chặng một gọi là trạm. Những trạm nầy có đánh số (kiểu gì tôi không biết) và bộ đội trên đường đi, tùy theo đi vào Nam hay trở ra Bắc (như chúng tôi bị) thì sẽ đi vào ban đêm để tránh máy bay oanh tạc (thời gian tôi bị bắt thì máy bay Mỹ oanh tạc từ vĩ tuyến 20 nghĩa là từ Nghệ An trở vào nên con đường từ Nghệ An về phiá Nam là không an toàn cho bộ đội nếu di chuyển ban ngày) còn ban ngày thì sẽ nghĩ ở lại một trạm, nơi đó sẽ có cơm ăn nước uống và chỗ ngủ để chờ tới đêm sẽ đi tới trạm kế tiếp vào sáng mai. Chuyện bên lề: đoàn tù đang lê bước đi từ trạm A tới trạm B, dọc đường một toán dân công đàn bà gánh thương binh qua mặt chúng tôi, rồi khi chúng tôi vẫn còn trên đường chưa tới trạm B thì đã gặp đám dân công nầy sau khi bàn giao thương binh ở trạm B đã trên đường về trạm A trở lại! Mặc dù chúng tôi chân không giày, bụng trống không, tinh thần rã rời nhưng vẫn phải công nhận bọn dân công nầy đi nhanh ghê thiệt.

Bởi vậy sau nầy ra tới trại chính, chúng tôi được biết mấy chị “dân công gái” nầy có biệt danh là “Voi Trường sơn”!  Trở lại câu chuyện, có 3 hôm liên tiếp, ban đêm chúng tôi lếch thếch kéo lê đôi chân để tới sáng ra, khi tới cái mà mấy bộ đội dẫn tù cho biết là trạm thì cái trạm nầy đã biến mất trên bản đồ! Bọn bộ đội đứng ngoác mồm chửi giặc Mỹ tưng bừng, còn chúng tôi thì ... đói! vì khi cái trạm đã bị bắn tan thì chúng tôi làm gì có cái để ăn? Ba ngày liên tiếp như vậy, 3 ngày chúng tôi lủi vào rừng cây rậm rạp để ngủ chờ đêm tối là 3 ngày đói rã rời.Khát thì không sao vì trong rừng có suối nước chảy trong veo, uống vô có bệnh tính sau, còn đói thì thật khó xử! Một ngày thì bộ đội mở cái túi gạo đi đường ra, cả đám hùn lại được vài lít gạo, chia cho đám tù mấy trăm mạng thành ra chúng tôi mỗi 4 người chia được khoảng một nhúm gạo lọt lòng bàn tay, có bộ đội cho chúng tôi mượn con dao găm, tôi thì nhờ lúc nhỏ sinh hoạt Hướng đạo cũng lâu năm nên kể ra cũng tháo vát chút đỉnh, tôi bèn mò xuống suối nhổ hết mấy cây môn rừng, cắt lấy củ,rồi cắt cả chuối rừng gọt lấy nõn chuối  Thế là một nhúm gạo độn với củ môn rừng và nõn chuối, tôi nấu thành nồi “cơm” cho cả 4 đứa ăn no.

Hồi đầu, có anh nói môn rừng độc lắm, ăn ngứa chịu không nổi, tôi nói, chừng nào ngứa tính sau, môn nào cũng là môn... Còn hỏi tôi nấu làm sao? Xin thưa, nấu kiểu Hướng đạo là như thế nầy, thay vì lửa ở dưới đáy nồi, ở đây, mình không có nồi thì chúng tôi đào đất hình dáng như cái nồi, lót lá chuối rừng cho đừng dính đất và giữ nước phần nào, đổ hết ba cái bá xị lạng xuống, đổ nước vô, phía trên tôi dùng cây che ngang che dọc rồi lót lá chuối bên trên, sau cùng mới nhóm lửa bên trên mặt đất (ngay trên cái nồi dã chiến) Dĩ nhiên, khi lửa cháy, tuy có lót lá chuối nhưng lá chuối cũng cháy rồi mấy cái cây làm sườn cho cái nắp cũng cháy và tro than rớt tràn xuống nồi cơm. Nồi cơm thì nước cũng bị “leaked” ra đất chung quanh nên cơm cũng khô lại trộn thêm tro than của cái nắp nồi nhưng, than ôi, có còn hơn không! Chúng tôi cũng ăn được và không có đứa nào chết cả! Ngày hôm sau khi tới trạm kế cũng đã biến mất thì bộ đội móc ra cái món gọi là “lương khô” để chia cho tù ăn. Lương khô của bộ đội giống như bánh in đậu phọng làm ở bên Trung cộng, ăn độ vài ounces, uống nước vô, nó sẽ nở phình ra làm bụng nghe no liền! Thiệt hay! Nhưng tới ngày thứ ba thì bộ đội không khác gì tù, đứa nào đứa nấy mặt méo xẹo vì cái đói tới đây đã quá thảm thiết...

Cũng may sau đó là những trạm chưa bị “giặc Mỹ” bỏ bom nên câu chuyện đi đường không có gì đáng nói cho tới khi đến tại K3. Lúc đó khoảng 1, 2 giờ sáng gì đó (tôi đâu còn đồng hồ nên đâu biết, chỉ biết là đã khuya lắm rồi và chúng tôi đi bộ cũng đã lâu lắm rồi mới tới đây) đám chỉ huy trại tập họp anh em tù binh lại và chia nhóm ngay tại chỗ, dĩ nhiên 33 sĩ quan thì ở chung với nhau. Họ đưa 33 anh em chúng tôi tới một khu khác (sáng hôm sau tôi mới biết là khu sĩ quan thì riêng biệt với anh em hạ sĩ quan binh sĩ chớ không chung đụng - tuy khác lán - như ở K5) Sau đó, họ khuyên chúng tôi nên nằm xuống ngủ một chút rồi sẽ dậy ăn cơm, chúng tôi thì từ khi mang kiếp sống tù binh thì toàn ngủ trên đất nên khi được lệnh ngủ là anh em ai cũng lăn quay ra đất ngủ liền một khi vì theo sinh lý bình thường của con người, ai cũng muốn ngủ về đêm cả nên tuy hổm nay, phải di chuyển ban đêm và ngủ ban ngày nhưng thực tình, ban ngày anh em chúng tôi cũng ít ai ngủ trong khi ban đêm, chúng tôi vừa bước đi vừa ngủ là chuyện bình thường.

Chuyện bên lề: ai muốn không tin cũng được nhưng tôi quả quyết là con người có thể vừa đi vừa ngủ nếu thiếu ngủ cùng cực. Bởi vậy, tôi còn nhớ, đôi khi vì một lý do nào đó mà đoàn tù đang đi bổng đứng lại, thế là mấy anh đang ngủ tiếp tục bước và đụng vào anh phía trước đã đứng lại nên chúng tôi té đùng cục một đống và sau đó là chúng tôi cười vang lên cả rừng khuya... Và cũng nói thêm là sau Vĩnh Linh thì sĩ quan cũng không còn bị trói xâu như trước nữa. Trở lại K3, chúng tôi ngủ đã say lắm nhưng bổng bị dựng dây để... ăn cơm! Trời vẫn tối mịt, không biết là mấy giờ sáng. Anh chàng, có vẽ là Trưởng trại giải thích với chúng tôi là khẩu phần ăn của chúng tôi ở 3 cái trạm bị bắn mất tiêu làm chúng tôi bị bỏ đói nay chúng tôi được “truy lảnh” có nghĩa là chúng tôi sắp được ăn cái phần ăn của chúng tôi trong 3 ngày bị đói dọc đường. Rồi đám “anh nuôi” (ma cũ ở K3) dọn cơm ra, chúng tôi ngồi xuống theo carré và bắt đầu ăn. Thức ăn ở đây là cải chua làm mặn giông giống như dưa mắm, cơm thì độn mì nhưng ăn tha hồ cũng như thức ăn cũng tha hồ, wow! Tôi ăn một lúc 7 chén cơm với thức ăn là dưa mắm kiểu K3 đàng hoàng tới phình bụng ăn hết nổi mới thôi. Nhìn sang anh em thì ai cũng vậy. Sau đó, có anh em bình luận: Đm, có ăn thì ăn đi để ngày mai bị đói nữa không chừng... Và quả thật, bửa ăn tối đầu tiên ở K3 cũng có kỷ niệm để đời cho tôi giống như bửa ăn cuối cùng ở K5 vậy.

Ngày Quốc khánh:  Quốc khánh ngoài Bắc là 2/9, lúc đó chúng tôi đã “an bề gia thất” ở trại chánh ngoài Lạng sơn, Cao bằng. Cuộc sống (nói về ăn) ở trại chánh thì chắc khỏi diễn tả vì nếu mình là tù của thằng đói thì làm sao mình không bị đói? Nhất là đói triền miên, đói thê thảm... Nghe bộ đội, quản giáo nói chuyện với nhau mới biết chúng nó đang mong tới ngày Quốc khánh quá chừng. Tù ngạc nhiên, bọn nầy yêu nước ghê nhỉ? Tôi hỏi thẳng một chú nhóc bộ đội trên đường đi lao động mới biết sự thật phũ phàng, bộ đội trông chờ Quốc khánh là vì
ngày Quốc khánh, chúng nó sẽ có thịt để ăn. Tôi hỏi thêm mới biết, mỗi năm, bộ đội anh hùng của ta được ăn thịt 2 lần chính thức, đó là ngày Quốc Khánh và ngày đẻ của anh Râu. Chú nhóc còn bảo tôi, đừng có no, các anh cũng được ăn thịt như bộ đội chúng tôi vậy! Kể ra, hiện nay tôi đang cử thịt, chỉ ăn rau cải và cá, nhưng nếu năm tôi ở tù ngoài Bắc mà tôi cử thịt được chắc đỡ bị thèm.

Chung quanh tôi, anh em tù binh nhiều người có vẽ mập ra, tưởng gì họ bị phù vì bị hypoazotemie quá nặng. Protein không tìm thấy đâu cả, ngay cả glucid cũng làm gảy hay nhẹ là mẻ răng thì cái ăn nầy không thể liệt là đệ nhất khoái được. Bởi vậy, nghe chú nhóc bộ đội nói, tôi cũng nghe lòng “phấn khởi hồ hởi”, mong tới ngày Quốc khánh để chào mừng... miếng thịt! Gần tới Quốc khánh, bộ đội dắt ở đâu đó về một con trâu già, ốm lòi xương, đem cột ở cây cọc giữa thửa ruộng trước cổng trại. Không mất gì con trâu nầy hết xí quách, không còn kéo cày hay làm gì khác được nên hợp tác xã trong vùng đã bán cho bộ đội. Anh em tù binh Y khoa nói đùa, cớ mình cần học anatomie con trâu thì mượn con trâu nầy được vì bao nhiêu cái xương nó lòi ra ngoài hết trơn...

Quốc khánh Eve: bộ đội vác súng AK ra, bắn cho con trâu già một phát rồi sau đó, 4, 5 thằng xúm nhau làm thịt. Chừng mấy tiếng đồng hồ, chỗ con trâu bị cột hôm qua chỉ còn lại miếng da trâu hồi mới thì máu đỏ hỏn nằm trơ trọi trên cánh đồng đã gặt còn toàn gốc rạ nhưng chỉ lát sau, miếng da đỏ hỏn trở nên đen kịt. Mấy thằng tù đói ngồi trên đồi trong trại nhìn xuống thắc mắc đủ điều, nào là bộ đội vác hết thịt về rồi chừng nào chia cho tù đây? nào là tù có 208 thằng, bộ đội chỉ có 40, hy vọng tụi nó chia cho mình nửa con trâu còm cũng đỡ vã!  Rồi tới miếng da trâu, họ hỏi tôi vì nghĩ tôi là bác sĩ, đương nhiên tôi phải biết hết mọi thứ! tại sao màu đỏ của máu lại trở nên đen kịt như vậy? Tôi giải thích cùi, thì máu ở ngoài trời ngã màu phải thành màu đen chớ.

Và kết quả của phần thịt ngày Quốc khánh là : sáng 2/9/72, quản giáo phụ trách nhà bếp ra lệnh cho mấy tù binh “anh nuôi” ra ruộng nhặt miếng da trâu vào để nấu cho anh em tù ăn với nhau mừng ngày Quốc khánh! và nhờ đó tôi mới biết, màu đỏ của máu của miếng da trâu biến thành màu đen là vì có khoảng hàng triệu con ruồi lằn đen thui đậu trên đó chớ không phải máu ngã màu gì hết!! Tội mấy anh nuôi, họ đem miếng da trâu về, cạo rửa thật sạch bên có lông (bên ngoài) và bên có ruồi đậu cả ngày thì họ ráng kỳ cọ đủ kiểu. Họ chỉ sợ anh em ăn vô trúng thực bậy bạ vì nội nhìn con ruồi lằn là ai cũng nghĩ tới con ruồi lằn bay đầy ở Lăng Bác... Sau màn cạo rửa, họ cắt miếng da trâu thành hàng ngàn miếng nhỏ xíu rồi nấu với nước có nêm muối, và đó là thức ăn với cơm mừng ngày Quốc khánh trong tù của chúng tôi. Ai cũng nghe có mùi protein với lớp mở đóng trên mặt cái tô đựng nước da trâu nhưng đố có ai gắp được một miếng gì trong cái tô nước đó... Tất cả da trâu đều đã nấu tan thành... “cao” hết rồi.

l
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020