Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
19585_hq402lamgiang
 
 
 
Lê Thành Ý K› VÆt cho...
Xin chuyển bài viết Kỷ Vật Cho...  của BS Lê Thành Ý, nguyên Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y 22. Tác giả viết để tưởng niệm QYHD 21 Thái Văn Châu, Quân Y Sĩ Trung Đoàn 42 Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Năm 1975 Thái Văn Châu đã tử thương vì trúng đạn khi bơi ra tàu di tản ở Mặt Trận Quy Nhơn

Kỷ Vật Cho....

Tưởng niệm BS Thái Văn Châu QYHD Khoá 21.

Montreal hôm nay trời xám ảm đạm hơi lạnh vào những ngày đầu xuân làm tăng thêm nỗi buồn và lo âu vì lệnh cấm túc phòng ngừa sự lây lan đại dịch COVID-19.

Mỗi năm khoảng thời gian đầu tháng Ba, trên báo chí, truyền thanh, truyền hình tràn ngập tin tức về ngày quốc hận năm xưa,phim ảnh cuộc vượt biển thảm khốc năm nào.

Nhưng năm nay, thời sự về đại dịch COVID-19 chiếm hàng đầu. Chúng ta theo dõi hằng ngày diễn tiến lan lây toàn cầu của “Cô Vi”, hồi hộp với số tử vong tại Vũ Hán, tại Ý và Tây Ban Nha. Buồn rầu nhìn cảnh đoàn xe chở quan tài ở Ý, cảm động khi nhìn Đức Cha Francis lặng lẽ cầu nguyện một mình trước Đức Mẹ Maria.

Thật tình cờ, tôi tìm trên mạng một phóng sự bằng hình ảnh kỷ niệm này Quốc Hận của cuộc di tản thảm khốc của dân từ miền Trung và Tây Nguyên - hình ảnh hãi hùng của cuộc vượt biên lịch sử...

Thật thú vị, tôi tìm thấy hình chiếc Hải vận hạm HQ-402, con tầu đã cứu vớt chúng tôi trên sông Saigon 45 năm trước. Hình ảnh con tầu HQ-402, nằm im trên màn ảnh computer, tôi lắng lòng thả hồn về dĩ vãng...

Sau khi triệt thoái chiến lược từ Quy Nhơn, Sư đoàn 22 Bộ Binh về trú đóng tại căn cứ Hải Quân Bến Lức, với nhiệm vụ bảo vệ mặt phía Nam của Thủ đô Saigon với Sư Đoàn 7 Bộ Binh....

30-4-1975.

Hôm đó, từ sáng sớm, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh họp tham mưu hành quân như mọi ngày. Tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt.

Đột nhiên, một sĩ quan vào trình Tư Lệnh tay cầm một radio nhỏ.

Từ đó vang lên giọng nói của Tổng Thống Dương Văn Minh “tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà ngưng nổ súng và ở đâu ở đó... thảo luận về lễ bàn giao chính quyền...”

Thông cáo đến như một tiếng sét rung động mọi người. Thế là đầu hàng rồi!!!
Không khí buổi họp trở nên ngột ngạt, vẫn tiếp tục, toàn thể các sĩ quan hiện diện, uất ức không nói lên lời. Vài phút im lặng nặng nề trôi qua...

Anh em sĩ quan với vẽ buồn tủi hoang mang uất hận, đã đi đến một quyết định:

“Tan hàng và mỗi người tự do quyết định ở lại tại chỗ hoặc ra đi di tản xuống vùng IV (Bốn)".

Tất cả sĩ quan rời phòng họp và trở về đơn vị mình thu xếp.

Trở về Tiểu đoàn Quân Y, tôi họp gấp quân nhân hiện diện, trình bày tình trạng “đầu hàng” quyết định cá nhân ở lại hoặc di tản.

Chúng tôi xuống giang đỉnh neo ngay trong căn cứ Bến Lức. Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, tầu chở khoảng 20 người, tất cả thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, rời căn cứ ra sông Saigon rồi trực chỉ hướng Cần Thơ.

Vì giang đỉnh quá nhỏ với đáy bằng không thể vượt biển được. Sau 4 giờ loanh quanh ở cửa biển Vũng Tầu, hy vọng gặp tầu lớn vớt lên... Giang đỉnh đành quay lại Bến Lức...

Trên đường trở về thì gặp chiếc tầu to HQ402 từ từ tiến lại. Một tấm khăn trắng phất phới sau đuôi tầu.  Hạm trưởng chấp thuận đón thêm tất cả những người trên giang đỉnh.

HQ402 tiếp tục hành trình tiến về cửa biển. Tiến ra khơi Vũng Tầu, lúc trời thật tối.
Tin tức vô tuyến báo Quân Đoàn IV thất thủ. Chúng tôi nhìn thấy những con tầu khác trong đêm... tất cả các tầu họp thành đoàn đi về hướng Côn Sơn.

Đêm càng dài, HQ 402 được báo cáo nước biển đã vô hầm tầu, sau bao cố gắng tát nước, lệnh bỏ tầu được ban ra.

Số thuyền nhân được phân chia qua 2 chiến hạm HQ11 và HQ3. Tất cả quân nhân Sư Đoàn 22 Bộ Binh được chuyển qua HQ 11 mang tên Chí Linh. Và đoàn tầu tiếp tục đi về hướng Subic Bay, căn cứ Hải Quân Mỹ tại Phi Luật Tân...

Trên biển, ánh đèn của Đệ Thất Hạm Đội lấp lánh như những lâu đài nổi. Trên trời đầy sao, cảnh trông rất đẹp mắt, hữu tình, nhưng lòng buồn ngổn ngang thì cảnh có vui bao giờ....

7-05-1975

Đoàn tầu đã đến Subic Bay, một trong những căn cứ Hải Quân Mỹ lớn ở Thái Bình Dương.

Trời hôm nay sáng chói chan. Gió hiu hiu thổi, nhưng án binh bất động, chưa có lệnh lên bờ. Sau này mới biết là Phi Luật Tân sợ Việt Cộng trả thù, nên không cho hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà cập bến. Nhưng nhờ sự chỉ huy thông minh, khéo léo của Hải Quân Đại Tá Đỗ Kiểm và Đề đốc Donald Roane. Hạm đội Hải Quân Việt Nam, nay trao trả lại Hải Quân Mỹ tại căn cứ Subic Bay.

Do đó, một lớp sơn xám che phủ những chữ HQ đen bên hông đầu tầu, và lễ hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà được diễn ra sau đó...

Hôm nay trời sáng trong xanh, không có một vết mây. Gió nhẹ làm phất phới lá cờ vàng ba sọc đỏ...Sao nó đẹp quá!

Tất cả khoảng 40 người tề tựu ngay hàng thẳng lối trên boong tầu của chiến hạm HQ11 để dự lễ hạ kỳ lần cuối.

Và Quốc ca Việt Nam Cộng Hoà vang lên với giọng nghẹn ngào, những giọt lệ đã âm thầm rơi...

Đột nhiên, tôi cảm thấy có ai vỗ nhẹ vào vai tôi, nghe giọng nói nho nhỏ: “Bác sĩ, Bác sĩ có việc gấp”, tôi quay đầu lại và gặp anh y tá của HQ11, ra dấu cho tôi theo anh vào trong khoang tầu.

Trên một cái mền trải thẳng sàn tầu, một cô gái nằm bất tỉnh. Kế bên một bà cụ, có lẽ là mẹ cô gái, mếu máo nói ý định tự tử của cô bằng Chloroquine...

Sau khi khám bệnh nhân, không sốt, nhịp tim đều, nhịp thở nhẹ và đều, không phản ứng khi bấm đau. Chúng tôi liên lạc với bệnh viện Hải Quân Subic Bay và chuyển gấp bệnh nhân với diagnosis "SUICIDE with CHLOROQUINE." 

Song việc tản thương, tôi trở ra boong tầu. Lễ hạ cờ đã kết thúc. Tất cả mọi người đã tản mác, duy có vị hạm trưởng, vẫn còn đứng tại chỗ. Lá quóc kỳ xếp gọn trên tay ông, ông tươi cười trao tặng tôi lá quốc kỳ làm kỷ niệm. Chúng tôi xiết chặt tay nhau cùng nỗi ngậm ngùi khó tả.

Tiếng điện thoại reo lên liên hồi đã kéo tôi về hiện tại. Trên màn ảnh computer, hình ảnh lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà phất phới bay trên hàng chữ đỏ 45 NĂM NGÀY QUỐC HẬN.
Vâng đã 45 năm rồi, tôi vẫn giữ trang trọng lá cờ ấy trong tủ sách, để một ngày kia, tôi sẽ trao tặng lại cho Bảo Tàng Thuyền Nhân tại Ottawa, Canada.

Lê Thành Ý
Montreal 30-03-2020


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020