Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
1470c-_wuvftzllcchozpnbq86b-tggosild4gidqsuhvziqcjdt_r3j5yyg0qjjum85otsrwu5npt7l4gud8a2b-tnwxwnpk8dwtvvkao0rc-zfd_zxldnrbq1qqfxnb7lkosolcxjaocipzje2sr7woow433-h240
 
 
 
Hoàng Dung Vi‰t vŠ m¶t vÎ chÌ huy Çáng kính:
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020


Nhân ngồi tưởng niệm 45 năm ngày mất nước, tôi được đọc bài nói chuyện của y sĩ trung tá Hoàng Như Tùng về tướng Nguyễn Khoa Nam.  Bài viết đã gợi cho tôi nhiều hồi tưởng và cảm nghĩ.  Dĩ nhiên, bản thân và nhân cách của tướng Nguyễn Khoa Nam cũng như cái chết của ông đã đặt ông lên ngôi cao của những anh hùng.  Nhiều tác giả, cũng như những người cộng sự của ông đã viết về tướng Nam.  Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy tôi cần phải viết đôi giòng về tác giả bài nói chuyện kể trên, y sĩ trung tá Hoàng Như Tùng, hiện đang cư ngụ tại Houston.

Tôi được chỉ định về làm việc tại Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ khỏang cuối năm 1973, sau khi mãn khóa tu nghiệp Thần Kinh Tâm Lý.  Lúc đó, bác sĩ Tùng làm chỉ huy trưởng, nhưng nhiệm vụ của anh là chỉ huy bao quát đủ mọi thứ để điều hành bệnh viện nên chúng tôi làm việc trực tiếp và gần gũi nhiều hơn với  y sĩ thiếu tá Nghiêm Xuân Tuân, chỉ huy phó kiêm trưởng khối chuyên môn.

Anh Tuân là người đẹp trai, giỏi chuyên môn, nói chuyện duyên dáng, chỉ huy khéo léo nên chúng tôi làm việc rất thoải mái.  Mấy sĩ quan độc thân chúng tôi ở một dãy nhà nhỏ trước cổng trại được anh cắt ra một thương binh thặng số lo vệ sinh và nấu ăn.  Dù rất bận rộn về việc công cũng như tư (phòng mạch anh đông khách nhất Cần Thơ), thỉnh thoảng anh cũng theo chúng tôi đi đánh mạt chược “cho mấy cậu có cơ hội gỡ gạc ” (nhưng thường là nước chảy chỗ trũng).

Vì trực tiếp dưới quyền anh Tuân nên suốt hơn một năm làm việc, ít khi tôi được tiếp xúc gần gũi với anh Tùng, tuy anh cũng ở trong khuôn viên bệnh viện, cách khu độc thân khoảng hơn 200 thước.  Chiều về, hết giờ làm việc, tụi tôi chơi domino, thường thấy hai ông bà kê ghế ngồi tâm tình dưới gốc cây trước nhà.

Không gần gũi nhiều, nhưng vì anh Tùng quá hiền và bộc trực, nên thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện về anh, thường chỉ là những chuyện nho nhỏ  về tính hiền lành của anh (được vui nhộn hóa để cười đùa với nhau).  Chẳng hạn, chuyện một hôm anh  vào làm việc với cái mặt hầm hầm, nói với lính:” Kêu ngay bác sĩ Lâm lên đây” (y sĩ thiếu tá Lâm, trưởng khu ngoại thương, khác với bác sĩ Trần Mộng Lâm, khoa nội thương).  Một lúc sau, bác sĩ Lâm vào văn phòng của ông.  Hai người đóng cửa nói chuyện với nhau một hồi,  thấy bác sĩ Lâm mặt đỏ gay vùng vằng đi ra.  Lúc sau, bác sĩ Tùng cũng đi ra nhưng mặt lại buồn thiu, mắt đỏ hoe (anh em bàn nhau chắc là anh vừa cãi nhau thua).

Một chuyện khác do bác sĩ Phan Vỹ, một đàn anh nhiều lớp của tôi, kể lại:  Hồi xẩy ra vụ biến động Miền Trung năm 1966,  tướng Nguyễn Chánh Thi theo mấy ông “thầy” nổi loạn, quân y viện Nguyễn Tri Phương đóng sát Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1.  Quân Y Viện bị một cổ đôi tròng,  theo Thi hay theo Kỳ ? Theo Thi thì chắc chắn hậu vận không khá, mà theo Kỳ thì tai họa ngay trước mắt.  Chỉ huy trưởng là bác sĩ T. vào Sài gòn khai bệnh ở luôn, đỡ phải chọn lựa.  Chỉ huy phó Hoàng Như Tùng ở lại, dĩ nhiên  sau đó lãnh đủ và được đưa vào Sài gòn để rồi ra Phú Quốc. Nhưng anh lại quen biết tướng Loan, được tướng Loan đưa về Sài gòn bằng máy bay của ông.  Ít lâu sau anh được cất nhắc làm chỉ huy trưởng QYV Phan Thanh Giản và lên trung tá.  Anh Vỹ vừa kể lại cái hoạn nạn trên trời rơi xuống của anh Tùng, bạn anh, vừa cười ngất.

Tuy nhiên, đổi về Cần Thơ trễ, nên muốn mở phòng mạch thì hết chỗ, chỉ huy trưởng của tôi phải qua quận Bình Minh bên Vĩnh Long mở phòng mạch buổi sáng.  Đường xá xa xôi, lại phải qua phà, anh phải đi rất sớm, khoảng 5 giờ sáng để về trước 9 giờ.  Mọi chuyện bình thường cho tới giữa năm 1974, tướng Nam về làm tư lệnh Quân Khu IV, ông này lại hay có thói quen thỉnh thoảng 8 giờ sáng bất chợt đến thăm các đơn vị xung quanh.  Vì các bác sĩ bệnh viện bắt đầu làm việc lúc 9 giờ cho nên, đó là lần đầu tiên vị  chỉ huy trưởng của tôi sang thăm khu độc thân, gặp mấy chúng tôi ưu ái dặn dò là nếu có tin tướng Nam ghé thăm trước 9 giờ, tất cả phải quân phục chỉnh tề sang làm việc “lấy đông làm vui”.  Cũng may, tướng Nam phải đa đoan về chiến sự nên chỉ đến thăm vào chiều ngày 30 tháng tư, 1975.  Vả lại, ông đã áy náy quá đáng, vì bệnh viện làm việc hữu hiệu và tướng Nam rất có cảm tình với Quân Y.  Hồi ở Nhảy Dù, ông đã rất coi trọng anh Trần Văn Tính, y sĩ trưởng của ông nên đã kéo theo anh Tính khi ông về nắm sư đoàn 7.  

Trở lại những ngày cuối tháng tư 1975.  Đó là những ngày sôi động,  nhưng tình hình ở Cần Thơ lại yên tĩnh.  Quân ta vừa mới thắng ở Chương Thiện, kéo về được một khẩu 160 ly.  Quốc lộ 4 vẫn thông thương và có vẻ như tướng Nam muốn đánh đến cùng.  Tuy nhiên, sáng ngày 30/4, khi chúng tôi đang ngồi ăn sáng thì nghe trên đài tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng. Kể từ lúc đó, chúng tôi mới bắt đầu hoang mang và dự cảm được những ngày đen tối sắp tới.  Trở về bệnh viện, ông chỉ huy trưởng Tùng lại có vẻ bình tĩnh, trấn an anh em, nghĩ rằng hòa bình đã tới, mọi chuyện sẽ không đến nỗi nào.  Anh nói tối hôm qua, đề đốc Đặng Cao Thăng gọi cho anh rủ đi nhưng anh không đi.  Anh Lâm nội khoa cằn nhằn “Thế mà anh không nói gì cho anh em biết”.

Buổi chiều ngày 30, khi các anh khác đã về nhà, tướng Nam vào thăm Quân Y Viện, anh Tùng kêu mấy thằng độc thân đi theo anh đón tiếp.  Anh dẫn tướng Nam đi thăm tất cả các khu trong nhà thương.  Tướng Nam lặng lẽ, ít nói, nhưng vẫn trả lời khi có thương bệnh binh hỏi.  Tôi chỉ nhớ một câu “Tôi ở lại với anh em”. 

Tướng Nam về xong, chúng tôi mò qua doanh trại sát cạnh là Liên Đoàn 74 Quân Y.  Liên đoàn trưởng, bác sĩ Lưu đã đi, để lại văn thư chỉ định y sĩ thiếu tá Nguyễn Khoa Lai, chỉ huy trưởng Trung Tâm Tiếp Huyết  thay thế.  Bác sĩ Lai cũng là người họ hàng của tướng Nam. Khác với tướng Nam nghiêm nghị ít nói, bác sĩ Lai lại  là người xuề xòa, vô tư.  Chúng tôi cùng bác sĩ Lai đánh mạt chược cò con, nhưng đầu óc rối tung, đâu có ai để ý đến ăn thua.  Khoảng 8, 9 giờ tối, bác sĩ Lai nhận được một cú điện thoại của những “người anh em bên kia”.  Có lẽ đã được báo trước, cú điện thoại rất vắn tắt, anh Lai đứng lên nói là họ nhờ anh Lai làm trung gian để tiếp xúc với tướng Nam và anh phải đi.  Trước biến cố lịch sử này, anh Tựu, y sĩ của liên đoàn, xung phong làm tài xế cho anh Lai.  Sòng mạt chược tan và chúng tôi về ngủ.

Những gì xảy ra trong đêm 30 tháng tư, chúng tôi không rõ, chỉ biết là sáng hôm sau, khi ngủ dậy, chúng tôi  được anh Tùng cho biết là khoảng 3 giờ sáng, anh bị Bệnh Viện Dân Y gọi điện thoại đánh thức dậy để sang mổ cho bác sĩ Nguyễn Khoa Lai, bị bắn thủng ruột, còn bác sĩ Tựu thì bị bắn chết, xác bỏ ở một góc đường.  Nhiều năm sau, gặp lại bác sĩ Tùng, tôi cũng quên không hỏi thêm chi tiết về những việc này.  Tôi nghĩ khi hai anh Lai và Tựu trở về vào ban đêm, quân ta đã buông súng nên Việt Cộng đã vào thành phố, hai anh lại chạy xe Jeep nên bị chúng bắn.

Vừa nghe xong tin hai anh Lai và anh Tựu bị nạn, chúng tôi càng bàng hoàng hơn khi nghe tin hai tướng Hưng và Nam lần lượt tự sát.  Anh Tùng sau khi mổ cho anh Lai xong, lại tất tả sang Quân Đoàn và cho chở tướng Nam về Quân Y Viện.  Thi hài ông được đặt ở Phòng Nhận Bệnh.  Chúng tôi, quân nhân cơ hữu và một số thương bệnh binh, tự động đứng sắp hàng lần lượt chào kính vĩnh biệt vị tư lệnh. Ông nằm trên brancard, mặc quân phục chỉnh tề, nét mặt thanh thản, trên tóc còn vương vài vệt máu.  

Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, một toán Việt Công khoảng 6, 7 người mặc thường phục vào QYV tiếp xúc với anh Tùng. Những người nói trên chắc chỉ là những người của một toán tiền sát vào thăm dò bệnh viện trước nên hai bên không nói chuyện nhiều và khoảng nửa giờ sau, chỉ huy trưởng Hoàng Như Tùng tập họp tất cả binh sĩ dưới quyền ở sân cờ, giới thiệu những người “anh em bên kia” (!).  Sau đó, anh ra lệnh làm lễ hạ kỳ và rồi, anh chính thức báo tin “thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, vị anh hùng của chúng ta đã tự sát” (nguyên văn lời anh), yêu cầu  mọi người đứng yên, bắt đầu một phút mặc niệm dành cho tướng Nam.  Tôi liếc nhìn mấy tên Việt Cộng xem phản ứng của họ, họ cũng lặng lẽ đứng yên.

Chiều hôm đó, tôi nhớ là một chiều mưa, anh chỉ huy trưởng và dược sĩ thiếu tá Mai Bá Vị lo liệu chu đáo lễ an táng cho tướng Nguyễn Khoa Nam và anh Tựu tại Nghĩa Trang Quân Đội.  Anh Tùng đã kể lại là bác sĩ Lê Văn Thuấn, chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Cần Thơ biếu hai quan tài tốt nhất.  Bác sĩ Thuấn cũng là một nhân sĩ trong tỉnh, từng được Cộng sản móc nối, nên chiều ngày 1/5, ông có vào QYV trấn an các anh em và khuyên “nên theo giòng nước mà đi”.  Dù lập trường của ông ba phải, nhưng ông đã tỏ ra quí trọng tướng Nam.  

Sáng ngày hôm sau, 2 tháng 5,  đoàn tiếp thu chính thức của VC do bác sĩ Tám Thiện và chính ủy Chín Quảng vào Quân Y Viện. Họ tập hợp chúng tôi nói chuyện tại phòng họp.  Tám Thiện khệ nệ đeo K54, trấn an mọi người xong thì Chín Quảng lên tiếng khoe khoang những hiểu biết về chủ nghĩa Cộng Sản.  Nhưng sau đó, buổi nói chuyện riêng của họ với anh Tùng chắc chắn nghiêm trọng hơn, vì buổi tối, anh Tùng mò qua trại độc thân nói chuyện với chúng tôi, mặt anh buồn buồn “chúng nó embêter moa quá”.  Người Cộng sản ngoài việc buộc tội anh theo Mỹ Ngụy, lại còn tra hỏi và đe dọa anh về việc anh chôn cất và tưởng niệm tướng Nam. Dù bản tính dễ dãi, anh vẫn thẳng thắn trả lời là “đời ông ấy để cho lịch sử xử”.   Một người hồn nhiên và nhân hậu như anh tất nhiên đã rất thất vọng về những người như thế.  Có lẽ anh đã không muốn nói cho chị biết sợ chị buồn, đành chạy qua tìm mấy thằng độc thân chúng tôi chia sẻ và chúng tôi đã chỉ biết ngồi yên, không biết nói gì..

Sáng hôm sau, 3/5,  một lần nữa, một cảnh thương tâm đã diễn ra, một hình ảnh mà tôi không bao giờ quên là những người chiến thắng đuổi hết những thương bệnh binh dù nặng hay nhẹ ra khỏi bệnh viện, chúng tôi bất lực nhìn theo những thân hình gầy guộc, băng bó còn loang vết máu dìu nhau và cõng nhau ra khỏi bệnh viện mà rơi nước mắt. Thú thật đó là lần đầu tiên tôi được thấy và trải nghiệm được bộ mặt thực của người Cộng sản. Trùng hợp là buổi chiều hôm đó, anh bác sĩ Tám, người miền Nam đi nhậu với chúng tôi, và anh có trách là tôi Bắc Kỳ di cư biết Việt Cộng như thế sao không nói gì cho anh em trong Nam biết. Tôi chỉ biết cười trừ.

Đuổi hết những thương bệnh binh, chúng tôi biết thân phận nên cũng rời khỏi bệnh viện.  Trước khi rời bệnh viện, bộ đội vào lục xét khu độc thân, lấy tài sản những người đã bỏ đi.  Ngoài cái tủ của anh Bình, anh Thăng, không biết chúng lấy được những gì, còn có anh dược sĩ Nguyễn Văn Hầu, cuối tháng tư lòi ra là Việt Cộng nằm vùng.  Nhưng  chẳng may hôm 30 lại đi đâu họp mấy ngày để lại chiếc xe Honda và mấy lạng vàng trong tủ.  Bộ đội hỏi chúng tôi, chúng tôi khai không biết anh đi đâu, chắc là di tản. Tài sản của anh trở thành “tài sản của nhân dân”.  Mấy hôm sau anh về khiếu nại với ban chỉ huy nhưng chắc vô vọng nên anh hỏi chúng tôi mấy anh bộ đội nào trong nhà thương vào lục soát.  Dù chúng tôi biết ai là “nhân dân” nhưng dại gì mà khai.  Anh chửi thề tùm lum.  Đó là cái tin vui duy nhất giữa giờ tuyệt vọng của chúng tôi.

Sau khi rời Cần Thơ về Sài Gòn, tôi đã không nhận được tin anh Hoàng Như Tùng cho đến hơn hai chục năm sau, sau khi anh đã ra tù và sang Mỹ. Tôi rất mừng là sau cả chục năm tù đày, phong thái anh vẫn như xưa. 

Tôi đã viết về vị chỉ huy trưởng cũ của tôi. Tuổi tác và cấp bậc khiến tôi không được gần gũi và biết nhiều về anh, nhưng trong suốt hơn một năm làm việc dưới quyền, tôi đã không nghe một lời tai tiếng, không một ai than phiền, có chăng chỉ là những chuyện vui nhỏ về tính tình hiền lành của anh. Cái gọi là khuyết điểm duy nhất theo tôi là bản chất hồn nhiên và cách suy nghĩ thẳng tuột của anh.  Tháng tư năm 75, anh lựa chọn ở lại, không thể bỏ đơn vị,  giản dị như anh đã từng ở lại Huế năm 1966.  Tướng Nam và anh Tựu mất, trong một hoàn cảnh hỗn loạn, anh đã lo lắng chu đáo lo tang sự cho hai người như lo lắng cho một người thân.  Chỉ có anh mới quyết định cho đơn vị làm lễ hạ kỳ và mặc niệm một cách vô tư vì theo anh, đó là bổn phận của người đơn vị trưởng và của một quân nhân.  Dưới sự đe dọa, anh vẫn thẳng thắn nói ra những gì anh nghĩ là đời tướng Nam sẽ để cho lịch sử xử.  Những người Cộng sản đã trách mắng, bôi lọ và sau đó đã đày đọa anh cả chục năm trời  về những chuyện đó nhưng  tôi nghĩ anh không hề hối hận.

Đó là những gì tôi biết về vị chỉ huy trưởng của tôi, y sĩ trung tá Hoàng Như Tùng.  Một quân nhân gương mẫu, một cấp chỉ huy đáng kính, một con người đôn hậu và … theo cá nhân tôi, một tâm hồn rất trong sáng hồn nhiên.

Y Sï Trung Tá Hoàng NhÜ Tùng