Phương pháp thường dùng để thống kê nhanh số người chết trong đại dịch vẫn còn sơ hở, và đại dịch có thể đã cướp đi nhiều mạng sống hơn so với số liệu cho thấy.

Trong những thời kỳ biếnđộng - như chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh - các nhà nghiên cứu phải thống kê số lượng tử vong nhanh chóng, và họ thường sử dụng một phương pháp đã cũ nhưng đáng tin cậy: lấy số trường hợp tử vong thực tế ghi nhận trong thời kỳ biến động trừ đi số trường hợp tử vong dự kiến trong trường hợp không có biến động (thường là mức trung bình của 5 năm trước đó); con số dư ra sẽ là số người chết do hậu quả của biến động.

Đối với nhiều nhà khoa học, đây là cách hiệu quả nhất để đánh giá tác động của đại dịch. Nó có thể giúp các nhà dịch tễ học so sánh tác động của dịch bệnh ở các quốc gia và tính toán đâu là các điểm nóng COVID-19, dựa trên việc quốc gia nào có “số dư” lớn nhất.

Theo dữ liệu từ hơn 30 quốc gia có ước tính về số ca tử vong dư ra, đã có thêm gần 600.000 ca tử vong so với dự đoán thông thường trong khoảng thời gian từ khi đại dịch bùng phát đến hết tháng 7. Trong khi, chỉ có 413.041 trong số đó được chính thức ghi nhận là do COVID-19.

 

Một công nhân đào mộ tại một nghĩa trang gần Thành phố Mexico khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát. 

 

Nhưng số liệu vĩ mô này có một số sai sót. Nó không thể phân biệt giữa những người chết vì dịch bệnh và những người chết do các yếu tố khác liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như gián đoạn chăm sóc sức khỏe hoặc mất cơ hội điều trị do hệ thống y tế quá tải.

Phương pháp “số dư” cũng phụ thuộc vào việc báo cáo chính xác, kịp thời các trường hợp tử vong. Đây là yếu tố có thể gặp vấn đề do hệ thống ghi nhận tử vong kém phát triển, hoặc thậm chí bị thao túng. Và cũng như nhiều khía cạnh khác của đại dịch, số liệu thống kê cũng có thể bị chính trị hóa.

Các chuyên gia lo ngại rằng phương pháp thống kê đơn giản về số ca tử vong dư ra đã dẫn đến việc so sánh chưa thỏa đáng hoặc sai lệch giữa các quốc gia, và đã bỏ qua tình hình ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do thiếu dữ liệu.

 

Những sơ hở

Lasse Vestergaard là một trong những người đầu tiên nhận thấy thời điểm khi số ca tử vong bắt đầu tăng nhanh ở châu Âu. Vestergaard là nhà dịch tễ học tại Viện Statens Serum ở Copenhagen, lãnh đạo Dự án Giám sát Tử vong Châu Âu (EuroMOMO), có nhiệm vụ tổng hợp dữ liệu tử vong hằng tuần do mọi nguyên nhân ở châu Âu. Từ tháng 3 đến tháng 4, thống kê của EuroMOMO cho thấy số trường hợp tử vong thực tế năm nay cao hơn hàng chục nghìn so với dự kiến. "Số dư" này cao hơn 25% so với con số tử vong chính thức ghi nhận do COVID-19, có nghĩa là số tử vong được ghi nhận do COVID-19 vẫn chưa thể giải thích được mức gia tăng đột biến số người chết năm nay ở châu Âu. Nguyên nhân có thể là do trong thời gian dịch bệnh bắt đầu bùng phát, châu Âu thiếu xét nghiệm và không xác nhận được hết các ca bệnh. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng tính số ca tử vong theo những cách khác nhau - chẳng hạn như có nước không tính các ca tử vong xảy ra tại các viện dưỡng lão. Gần như không thể nhìn nhận tổng quát được tình hình các quốc gia đối phó với đại dịch.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu, nhà báo và chính trị gia chuyển sang tính toán số ca tử vong dư ra. Thay vì bị sa lầy bởi nguyên nhân tử vong, số liệu này so sánh tất cả các trường hợp tử vong vừa xảy ra trong một tuần (hoặc tháng) nhất định với số trường hợp tử vong mà các nhà thống kê dự kiến sẽ xảy ra trong trường hợp không có đại dịch.

Trang tin Nature thu thập số liệu từ một số cơ sở dữ liệu được duy trì bởi các nhà nhân khẩu học, cũng như từ các chương trình theo dõi do The Financial Times và The Economist vận hành, đây là hai trong số những bộ dữ liệu toàn diện nhất về số ca tử vong dư ra.

Phân tích của Nature cho thấy có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ tử vong giữa các quốc gia. Tại Mỹ và Tây Ban Nha - hai trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay - số ca tử vong được ghi nhận chính thức do COVID-19 chỉ bằng 75% và 65% số ca tử vong dư ra so với dự kiến. Ở những nơi khác, mức chênh lệch còn lớn hơn nhiều: chẳng hạn như ở Peru, số ca tử vong ghi nhận do COVID-19 chỉ bằng 26% số ca tử vong dư ra so dự kiến. Và một số quốc gia, chẳng hạn như Bulgaria, mặc dù có đại dịch, nhưng số người chết trong năm nay ít hơn so với các năm trước.

 

Đào sâu vào dữ liệu

Hầu hết các nhà nhân khẩu học đều nói rằng phương pháp tỷ lệ tử vong dư ra, dù cũ kỹ, là công cụ tốt nhất để sử dụng trong đại dịch. Theo thời gian, họ có thể đào sâu vào dữ liệu để hiểu thêm về tác động của đại dịch lên mạng người. Cuối cùng, họ có thể phân các trường hợp tử vong thành ba loại: tử vong trực tiếp, COVID-19 được ghi nhận là nguyên nhân; tử vong trực tiếp nhưng không được thống kê, virus là nguyên nhân nhưng không được ghi nhận chính thức; và tử vong gián tiếp, bởi những thay đổi do đại dịch gây ra.

Ở nhóm tử vong trực tiếp, số trường hợp mắc và tử vong thường được cập nhật hàng ngày bởi các cơ quan y tế địa phương và quốc gia. Nhưng ngay cả con số này cũng không rõ ràng như người ta tưởng, Maimuna Majumder, nhà dịch tễ học tính toán tại Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts, cảnh báo.

Rất khó để phân biệt giữa những người chết vì COVID-19 và những người bị nhiễm nhưng chết vì những nguyên nhân không liên quan. "Nếu bệnh nhân có cùng lúc hai bệnh, khi tử vong sẽ được phân loại là gì?", bà đặt vấn đề.

Ngoài ra, còn có những trường hợp tử vong trực tiếp nhưng không được thống kê, có thể do bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng khác với triệu chứng COVID-19 thông thường. Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại Đại học Florida ở Gainesville, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu chính xác các biểu hiện của bệnh". "Đột quỵ và thuyên tắc phổi là hai biến chứng có thể gây chết người của virus mà ban đầu có thể đã bị bỏ qua," Dean nói.

Những phân tích chính xác về tỉ lệ tử vong chỉ có thể thực hiện được ở các quốc gia có thu nhập cao với hệ thống đăng ký khai sinh và tử vong phát triển; các nước nghèo hơn rất dễ bị bỏ lại phía sau.

Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp tử vong là gián tiếp - kết quả của các tác động của đại dịch, chứ không phải do bản thân virus SARS-CoV-2. Một số bệnh viện báo cáo rằng những người mắc bệnh ung thư và các bệnh mãn tính đang bỏ qua các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ, khiến họ gặp nguy hiểm tính mạng.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), số lượt đến các khoa cấp cứu ở Mỹ đã giảm hơn 40% trong những ngày đầu của đại dịch, cho thấy nhiều người không muốn nhập viện. Và ngay cả khi họ đến viện thì các bệnh viện cũng ở trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Maimuna Majumder, nhà dịch tễ học tính toán tại Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts, nói: “Bạn chết vì căn bệnh khác, nhưng lý do bạn chết vì căn bệnh khác là vì hệ thống y tế để chăm sóc bạn không còn đủ mạnh.”

Dữ liệu sơ bộ từ CDC cung cấp cái nhìn sơ lược về những ca tử vong gián tiếp này: vào tháng 4, các trường hợp tử vong do bệnh tiểu đường được ghi nhận ở Mỹ cao hơn 20–45% so với mức trung bình 5 năm; tử vong do thiếu máu cơ tim cao hơn bình thường từ 6% đến 29%.

 

Một lễ an táng ở Manaus, Brazil. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 110.000 ca tử vong do COVID-19. 

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là phong tỏa và thay đổi hành vi như đeo khẩu trang và rửa tay có thể ngăn ngừa tử vong do các nguyên nhân khác - đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như cúm. Và với số lượng lớn người ở nhà trên toàn thế giới, tử vong do tai nạn giao thông và một số loại bạo lực giữa các cá nhân có thể cũng giảm. Những yếu tố này có thể "che đi" phần nào số người chết gia tăng do COVID-19 gây ra.

Hệ thống giám sát toàn cầu FluNet phát hiện ra rằng mùa cúm năm nay đã ngắn đi một tháng, có thể do việc phong tỏa nghiêm ngặt và tăng cường thực hành vệ sinh.

Một nhóm nghiên cứu do Debbie Bradshaw đứng đầu tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi ở Cape Town, cho biết, vào cuối tháng 3, với biện pháp phong tỏa được áp dụng, số ca tử vong phi tự nhiên đã giảm xuống còn một nửa so với con số dự kiến thông thường. Và khi tình trạng phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, con số tử vong phi tự nhiên đã quay trở lại mức dự kiến của chúng.

Các nhà nhân khẩu học có thể sẽ không bao giờ biết chắc chắn con số tử vong cuối cùng của đại dịch, Noymer nói. Một khi đại dịch lắng xuống, việc xác định ba loại tử vong sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Ông nói: “Chúng ta thậm chí chưa giải quyết được có bao nhiêu người chết trong trận dịch cúm năm 1918 sau hơn 100 năm phân tích các con số."

Cải thiện hệ thống trong tương lai

Trong tương lai, với dữ liệu đầy đủ về nguyên nhân tử vong, các nhà nghiên cứu sẽ có thể phân tích tác động của việc phong tỏa và các biện pháp can thiệp khác bằng cách xem xét mức độ tử vong trực tiếp và gián tiếp giữa các quốc gia. Nhưng tạm thời chưa thể làm điều đó ngay bây giờ, theo Andrew Noymer - nhà nhân khẩu học ở ĐH California, Irvine, khi đại dịch đang hoành hành và chưa có con số cuối cùng. Cố gắng thống kê ngay bây giờ "giống như cố gắng dự đoán tổng lượng mưa ở giữa một cơn bão," Noymer nói.

Ngay cả sau cơn bão, những phân tích này sẽ chỉ có thể thực hiện được ở các quốc gia có thu nhập cao với hệ thống đăng ký khai sinh và tử vong (CRVS) phát triển.

Irina Dincu, chuyên gia chương trình CRVS tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế ở Ottawa, cho biết ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc đếm số ca tử vong khó hơn nhiều. “Trên toàn thế giới, khoảng 50% số ca tử vong xảy ra trong một năm được ghi nhận," Dincu nói. "50% còn lại thì không. Chúng vô hình."

Cố vấn CRVS Gloria Mathenge có thể nghĩ ra rất nhiều lý do tại sao những cái chết này lại "vô hình". Trong vai trò của mình tại Cộng đồng Thái Bình Dương, một tổ chức phát triển quốc tế ở Nouméa, New Caledonia, Mathenge giúp củng cố hệ thống dữ liệu ở các quốc đảo Thái Bình Dương như Kiribati và Tonga. Mặc dù tình hình đang được cải thiện, trung bình khoảng 20% số người chết trong khu vực không được ghi nhận.

Nhiều hệ thống hiện có bắt nguồn từ quá khứ thuộc địa, kết quả là, Mathenge nói, chúng không phản ánh các chuẩn mực văn hóa và xã hội đương thời - chẳng hạn như thực tế là nhiều người ở các nước thu nhập thấp và trung bình không chết trong bệnh viện. Vì vậy, bên cạnh việc bỏ sót tử vong do COVID-19, các nước này cũng không có cách nào đáng tin cậy để thiết lập đường cơ sở để từ đó tính toán lượng tử vong dư ra so với dự kiến để ước tính tác động của đại dịch.

Theo Stéphane Helleringer, nhà nhân khẩu học tại Đại học New York ở Abu Dhabi, để ước tính số người chết ở những nước này, các nhà nhân khẩu học sẽ phải dựa vào các phương pháp kém chính xác hơn như khảo sát từng nhà. Nhưng kiểu khảo sát này không diễn ra thường xuyên, Helleringer nói. "Vào thời điểm chúng tôi làm xong thì dữ liệu đã lỗi thời rồi."

Đối với một số nhà nhân khẩu học, việc ai đó chết vì COVID-19 hay chết do không được chăm sóc vì hệ thống y tế quá tải không quan trọng - theo một cách nào đó, tất cả các trường hợp tử vong đều có thể là do đại dịch.

Cũng có các nhà nghiên cứu rất muốn tách biệt những trường hợp tử vong do virus corona gây ra với những trường hợp do hoàn cảnh, để họ có thể xây dựng bức tranh chính xác về mức độ nguy hiểm thực sự của virus này.

Nhưng hiện tại có rất ít thời gian để thực hiện những phân tích như vậy, vì đại dịch đã làm quá tải hệ thống khai tử. Các chính trị gia, giới truyền thông và công chúng đang yêu cầu số liệu thống kê hằng ngày hoặc hằng tuần, mà thường những số liệu này nếu muốn chính xác sẽ mất hằng tháng để tổng hợp. “Chúng ta sẽ hiểu rõ nhất về tỷ lệ tử vong khi nhìn lại sự việc", Noymer nói, vì cần thời gian và công sức để biên soạn và phân tích giấy chứng tử. “Nhưng bỗng nhiên tất cả mọi người đều muốn biết những số liệu này theo thời gian thực.”

 

A screenshot of a cell phone

Description automatically generated

 

A picture containing screen, monitor, television, remote

Description automatically generated

 

 

 

A screenshot of a cell phone

Description automatically generated

 

A screenshot of a cell phone

Description automatically generated