Tìm Kiếm Bài Đã Đăng





 
 
Bản Cáo Phó

Bản Cáo Phó

Thủ bút của DS Bửu Tập gởi BS Trần Văn Tích

Thủ bút của DS Bửu Tập gởi BS Trần Văn Tích

Đơn vị đầu tiên trong quân đội mà tôi phục vụ là Trường Quân Y. Tôi thuộc Tiểu đoàn Sinh viên và Tiểu đoàn Sinh viên trực thuộc Trưởng phòng Huấn luyện, Dược sĩ Đại uý Nguyễn Phúc Bửu Tập.

Anh Bửu Tập cũng như tôi đều từng học Lycée Khai Dinh và đều cùng xuất thân Quân y Hiện dịch. Tôi học lớp thấp nhất của Lycée Khai Dinh còn Anh Bửu Tập chắc học trên tôi ít nhất cũng vài ba lớp. Hình như Anh có kể cho tôi nghe là Anh được học bổng toàn phần nên ở nội trú trong trường. Phần tôi thì vì học lớp thấp nhất nênkhi Nhật đảo chánh Pháp tôi chỉ mới lo làm thủ tục xin học bổng. Sau đó tôi phải tản cư về làng ở Quảng Trị nên bị trễ học đến mấy năm còn Anh Bửu Tập chắc không lâm vào hoàn cảnh thất học như tôi. Anh thuộc Khoá 4 Quân dược tốt nghiệp năm 1957 còn tôi thì ra trường cùng với Khoá 9 Quân y năm 1962, nghĩa là sau Anh Bửu Tập năm năm.

Tại Tiểu đoàn Sinh viên Quân y, một trong những việc làm của tôi là phụ trách văn thư. Tôi viết văn thư hành chánh bằng tiếng Việt nhưng đồng thời cũng viết thư giao thiệp cùng các giáo sư Y khoa người Pháp. Anh Bửu Tập là người đọc lại và sửa chữa các văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do tôi chấp bút trước khi Anh ký tắt để chuyển tiếp lên Chỉ huy phó ký tắt một lần nữa và cuối cùng đến Chỉ huy trưởng để ký tên rồi gửi đi.

Tôi nhớ có lần Chỉ huy trưởng Trường Quân Y muốn trả lời thư khiếu nại của một sinh viên quân y. Tôi lúng túng không biết nên sử dụng cách xưng hô thế nào trong đối thoại giữa Chỉ huy trưởng và Sinh viên. Tôi bàn với Anh Bửu Tập. Thời đó phương tiện thông tin chỉ có sách báo cho nên chúng tôi hầu như không có tài liệu tham khảo để xem các cấp chỉ huy quân đội nước ngoài tự xưng như thế nào với thuộc cấp. Tôi hỏi Anh Bửu Tập : hay là dùng chữ “bản chức“? Anh cười, bảo như thế nghe phong kiến quá. Cuối cùng chúng tôi đồng ý với nhau là tuỳ văn cảnh sẽ sử dụng cách xưng hô “Chỉ huy trưởng Trường Quân Y“ một cách chính thức hay là “tôi“ một cách thông dụng.

Cùng là dân Trung nên chúng tôi dễ chia sẻ một số suy tư liên quan đến chính trị. Tôi ra trường năm 1962. Năm đó chính trường quốc gia bắt đầu rối loạn vì những âm mưu chính trị liên quan đến tôn giáo. Anh Bửu Tập và tôi thiên về “biến động Miền Trung“ và thỉnh thoảng chúng tôi chuyền cho nhau đọc tờ Lập trường của nhóm Phật tử tranh đấu Huế. Chỉ có hai anh em tôi âm thầm tán trợ khuynh hướng chính luận của nhóm chủ trương tờ báo và không dám tỏ bày cho bất cứ sĩ quan nào khác trong Trường hay biết. Rồi một hôm anh Bửu Tập bảo tôi : tụi nó cho thằng Cao Huy Thuần một cái bourse đi Pháp rồi. Chúng tôi thông cảm nhau và chỉ biết nhún vai lắc đầu.

Một trong những công việc của Anh Bửu Tập là phụ trách tờ Tập san Quân Y Việt Nam.

Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức là người khai sinh ra tờ Tập-san Đại-học Quân-y Việt-Nam, Revue de l’École de Santé Militaire du Vietnam, Review of Military Medical School of Vietnam. Tập san đăng bài tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.Trực tiếp phụ trách thu góp, tuyển lựa, sửa chữa, bổ túc bài viết; trình bày thành quả trí tuệ của các tác giả góp bài là nhị vị đàn anh thuộc các khoá trước tôi : Dược sĩ Đại úy Nguyễn Phúc Bửu-Tập và Y sĩ Đại úy Hoàng Ngọc Khôi (sau này đều lên cấp tá). Số đặc biệt tháng mười năm 1961 xác định lập trường như sau : “Vị thầy thuốc, vì là một người nguyện theo đuổi một nghề nghiệp nhân đạo với đối tượng là chính con người, nên chống lại bất cứ hành động nào vô nhân đạo. Nghĩ như thế, anh em đã tự xác định một lập trường : Chống Cộng Sản.” “As a physician we must actively oppose any and all inhuman activities. We must, of necessity, declare ourselves completely anti-communist. This is our standpoint.” Thế đứng rõ ràng đó đến nay càng rõ ràng hơn. Tập san Đại học Quân Y Việt Nam ấn loát đẹp đẽ, trình bày trang trọng. Về sau, dưới quyền các vị Chỉ huy trưởng kế nhiệm Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức, tập san không còn phát hành theo một nhịp điệu ổn định hàng hai tháng và hình thức thì cũng suy thoái trầm trọng. Không rõ nó có còn tồn tại đến ngày mất Miền Nam không hay nó đã bị bức tử sớm hơn.

*
Khi chúng tôi rời Trường Quân Y, chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc với nhau. Anh Bửu Tập lên Cục Quân Y phụ trách ngành Quân dược còn tôi thì biệt phái cho các cơ sở dân sự. Đến khi Anh Trần Minh Tùng nhận chức Tổng trưởng Y tế thì Anh Bửu Tập theo Anh Trần Minh Tùng sang Bộ Y tế và giữ chức Đổng lý Văn phòng. Tôi bắt đầu có dịp nhờ vả anh Bửu Tập.


Nguyên tôi một mình vào Sàigòn sinh sống còn bố mẹ và các em vẫn ở lại Quảng Trị-Huế. Sau vụ Mậu Thân Huế, đại gia đình ngỏ ý muốn vào Sàigòn lập nghiệp cho gần gụi nhau. Các em tôi - em ruột, em dâu và em rể - đều là cán sự y tế hay y tá quốc gia. Tôi nhờ Anh Bửu Tập tiếp tay giúp đỡ để đơn xin thuyên chuyển về thủ đô của các em tôi được cứu xét thuận lợi và nhanh chóng. Kết quả là vào ngày 30.04, bố mẹ tôi cùng tất cả các em tôi đều ở Sàigòn.

Tôi phụ trách bệnh xá của một cơ quan trung ương lớn qui tụ hằng mấy ngàn nhân viên. Tôi xin Anh Trần Minh Tùng cấp cho bệnh xá một cái máy chữa răng vì tôi đã kiếm được nha sĩ phụ trách phòng nha khoa. Vẫn qua Anh Bửu Tập, Bộ Y tế cấp cho bệnh xá một máy chữa răng tạm xài được.Tuy nhiên vì máy cũ mà cơ quan thì được cấp ngân khoản lớn nên tôi đặt mua máy chữa răng mới ở Nhật Bản; thủ tục đang tiến hành mau lẹ và dễ dàng thì Miền Nam mất.

Có một thời gian nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, các món hàng nhập khẩu rất khan hiếm. Chị Bửu Tập quản lý một dược phòng lớn ở Chợ lớn, dược phòng cũng kiêm thêm việc nhập cảng hàng hoá từ nước ngoài. Các con tôi sinh 1959, 1960 rất cần sữa bột Guigoz hay sữa đặc Nestlé. Tôi lại nhờ Anh Bửu Tập để mua sữa cho các con. Tôi mua được sữa đặc Nestlé một cách đều đặn. Vẫn qua Anh Bửu Tập tôi sắm được một cái máy truyền hình hiệu Sharp của Nhật và một tủ lạnh hiệu National cũng của Nhật.

Tôi dến tiệm thuốc của Chị Bửu Tập hay lên văn phòng Đổng lý văn phòng dài dài vì những chuyện công có tư có như vậy. Anh Bửu Tập cũng thỉnh thoảng đến tôi chơi. Một hôm Anh đến nhà tôi và thấy tôi đang ngồi vẽ những hình ảnh cơ thể học với bút màu. Anh ngạc nhiên bảo : “Toa giỏi thiệt, sao toa cứ học hoài vậy?“ Anh đâu có biết tôi phải học cho bản thân vì tôi đang dạy cho tha nhân! Nhân tiện tôi mang các tài liệu nghiên cứu Đông dược của Nhật Bản mà tôi khổ công mua sắm được ra khoe với Anh. Tôi cho Anh xem hình màu khổ lớn, đẹp đẽ, rực rỡ, huy hoàng của các cây Cam thảo, Đương qui v.v..trong sách Materia medica Nhật. Tôi cho Anh xem cuốn JAPTA List, một loại Vidal hay Physician Desk Book của Nhật, trong sách đó Erythromycin có tên cạnh thang Bát vị. Tôi giới thiệu với Anh bài viết Dược điển Nhật bản do tôi phụ trách đăng trên tạp chí Phương Đông. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng Anh Bửu Tập không mấy mặn mà với Đông y Đông dược. Trong khi nhiều thân hữu gặp tôi là bàn bạc về những bài tôi viết trên Chính luận, trên Bách khoa thì Anh Bửu Tập không bao giờ đề cập đến chúng. Có nhiều buổi thuyết trình hay họp báo do các Anh Hoàng Văn Đức, Bùi Duy Tâm phụ trách với nội dung giới thiệu và/hoặc đề cao y học cổ truyền, được công chúng và báo chí hoan nghênh tham gia đông đảo; tại những buổi sinh hoạt văn hoá-chính trị-khoa học đó, tôi không bao giờ gặp mặt Anh Bửu Tập mặc dầu Anh vốn rất thân với Anh Hoàng Văn Đức.

*
Tháng tư 75 Anh Bửu Tập nhanh chân thoát được còn tôi thì kẹt lại, mãi đến 1984 tôi mới được Tây Đức bảo lãnh sang Đức. Tạm ổn định được cuộc sống tại hải ngoại, tôi sang Mỹ mấy lần. Ít nhất ba lần tôi gặp lại Anh Bửu Tập. Thực ra vì Anh Bửu Tập sinh sống ở Nam Cali mà mấy đợt sang Mỹ tôi đều ghé Santa Ana nên Anh dễ gặp lại tôi.

Một lần Anh đến nhà chở tôi đi Viện Việt học nghe Giáo sư Trần Ngọc Ninh thuyết trình. Một lần khác Anh đãi tôi ăn tiệm ở Little Sàigòn. Khi ăn xong, Anh chở tôi đi vòng vòng khu Sàigòn nhỏ và đi qua phòng mạch con trai Anh, bác sĩ Vĩnh Khiêm, chuyên khoa tim mạch nghe nói rất thành công, có nhiều thân chủ. Đó là những dịp chúng tôi cùng nhau nhằc lại các kỷ niệm về những bạn bè cũ ở Trường Quân Y. Tôi kể cho Anh nghe là tôi ở tù cộng sản chung với Anh Lê Phước Thiện, Chỉ huy phó cũ; Anh Lê Phước Thiện mập mạp to cao như vậy mà được Việt cộng “cải tạo“ cho thành gầy nhom. Chúng tôi nhắc đến các Anh Ngô Văn Nhâm, Đinh Đại Kha và nhất là Hoàng Ngọc Khôi. Khi tôi gõ máy viết những dòng này thì còn lối năm chục ngày nữa sẽ bầu Tổng Thống Mỹ. Anh Hoàng Ngọc Khôi tuy ở Canada nhưng hết lòng ủng hộ Tổng Thống Trump còn tôi thì tuy ở Đức nhưng không chống cũng không phò Trump. Tôi nghĩ rằng hương linh Anh Bửu Tập có nhiều phần chắc chẳng bận tâm nhiều đến chuyện ủng hộ hay chống đối Tổng Thống Trump, khác với thái độ nhuốm màu trần ai tục luỵ của chúng tôi.

Cảm động nhất là dịp Anh Bửu Tập chở Anh Trần Minh Tùng đến thăm tôi khi tôi ở Santa Ana. Lúc này Anh Trần Minh Tùng đã bị stroke rồi nên đi đứng có phần khó khăn và nói năng cũng không lưu loát. Tôi nhớ lại thời gian tôi phục vụ tại Trường Quân Y với Y sĩ Trung tá (sau này lên Y sĩ Đại tá) Trần Minh Tùng là Chỉ huy trưởng. Chính Anh Trần Minh Tùng đã đề cử tôi sang Phủ Đặc uỷ trung ương Tình báo để phụ trách bệnh xá Phủ và cũng chính Anh Trần Minh Tùng đã phê vào quân bạ của tôi : “Đứng đắn, khôn ngoan, nhưng khó sử dụng!“. Thực ra, những lời phê vào quân bạ chỉ có sĩ quan phụ trách Phòng nhân viên - có trách nhiệm giữ quân bạ - được đọc và theo nguyên tắc, là một bí mật hành chánh, không có phép tiết lộ cho sĩ quan đương sự biết. Tuy nhiên vì Cục Quân Y biệt phái tôi cho Bộ Tổng Tham mưu để phụ trách Bệnh xá Phủ Đặc ủy đồng thời kiêm nhiệm Trưởng ban Quân y tại CMEC (Combined Material Exploitation Center, Trung tâm Khai thác Quân dụng Việt Mỹ) là một cơ cấu quân báo thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Phòng Nhì nên tôi có dịp quen biết và làm thân với một số sĩ quan hành chánh trong số có viên đại uý trưởng phòng hành chánh Trung tâm Thẩm vấn Hỗn hợp Việt Mỹ, Combined Military Investigation Center, trụ sở bí mật ở khu Chợ cá Trần Quốc Toản; cơ quan này giữ hồ sơ quân đội của tôi. Tôi thiết lập ngoài Bảng cấp số một phòng phát thuốc tại CMEC, trụ sở bí mật trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Các sĩ quan và binh sĩ thuộc bốn Trung tâm Hỗn hợp - đều do Mỹ thiết lập - rất vui mừng vì có thể đến xin cấp thuốc thoải mái, nhất là các thuốc thông dụng mà Quân đội cung cấp rất dồi dào. Viên đại uý sĩ quan hành chánh phụ trách giữ hồ sơ quân nhân - kể cả quân bạ của tôi - đã hỏi tôi vào một dịp xin thuốc bổ cho gia đình : “Sao trong quân bạ của Thiếu tá lại có lời phê “Đứng đắn, khôn ngoan, nhưng khó sử dụng“? Tôi cười xoà nhưng không trả lời vị đại uý.

Ngoài những dịp gặp mặt hàn huyên ở Cali, tôi thường trao đổi với Anh Bửu Tập những bài tôi viết có nội dung liên quan đến giáo lý nhà Phật mà Anh Bửu Tập hết sức sở trường và tâm đắc. Anh dịch thơ Tagore, Anh đọc sách Love Wins của Rob Bell. Anh luận bàn về trợ tử dưới nhãn quan Thích giáo. Anh tìm hiểu địa vị phụ nữ trong Kinh Phật. Anh đọc nhiều báo chí Phật giáo trong số có tờ Viên Giác ấn loát ở Đức. Biết được điều đó tôi viết bài về Kệ Lý Trần và đề tặng riêng Anh. Anh viết tay gửi cho tôi mấy dòng tri kỷ mà tôi giữ như những bút tích kỷ niệm trân quý bên cạnh các bút tích của Linh mục Bửu Dưỡng và hai nhà văn Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến cùng quí Anh Hoàng Văn Đức, Nguyễn Văn Thọ, Vũ Ngọc Hoàn.

*
Anh Bửu Tập mất ngày 21.02.2020 mà mãi tận cuối tháng tám đầu tháng chín năm nay tôi mới biết, hoàn toàn do tình cờ đọc một câu của anh Hà Ngọc Thuần ở Úc viết trên mạng lưới ở Diễn đàn Sinh viên Quân y Hiện dịch. Tôi bàng hoàng hỏi thăm thêm mới được Anh Phạm Anh Dũng chuyển cho xem nguyên văn lời Cáo phó của các Cựu Sinh viên Khoá I Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức Nam Định.

Tập san Y sĩ Canada rất chăm chỉ và chu đáo đăng cáo phó nhưng cho đến số mới nhất, số 220 tháng 09.2020, vẫn không hề có cáo phó liên quan đến Anh Bửu Tập. Tôi hỏi Anh Thân Trọng An và được trả lời là không ai cho biết tin nên không thể đăng cáo phó. Tôi xin Anh Thân Trọng An vui lòng đăng cáo phó về Anh Bửu Tập vào số 221 tháng 12.2020 sắp tới, đồng thời tôi hứa sẽ có bài tưởng niệm Anh Bửu Tập để xin đăng trên số báo liên hệ.

Phật học, Thiền học là nỗi niềm đam mê của Anh Bửu Tập. Đây là lĩnh vực tưởng chừng xa lạ với văn chương, mà tôi thì vốn nghiện nặng văn chương. Thiền học hết sức tiết kiệm tư duy bằng ngôn ngữ mà lấy sự giác ngộ bằng phương pháp trực quan - truyền tâm - làm cơ sở. Trong khi đó thì văn chương chính là và chỉ là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng một con người thấm sâu tinh thần Phật học như Anh Bửu Tập, một con người đã từng trầm mặc suốt cuộc đời, trước lúc giã từ thế giới sắc tướng mà sang bến bờ không tịch, thế nào cũng có những phút giây chấp nhận rằng cái có giá trị hiện thực duy nhất chỉ là cái thoáng qua, rất khó nắm bắt được, không thể diễn tả được bằng bất cứ cái gì, ngoại trừ cảm xúc, cảm hoài, cảm kích, cảm thông. Anh Bửu Tập chắc chắn đã vừa tiệm tu nhưng cũng đã từng đốn ngộ để chấp nhận rằng bản thân mình đã vượt khỏi vòng luân hồi của pháp tướng, thoát được sự chi phối của thế giới hữu hình. Là một Thiền sư, Anh tuy viên tịch nhưng do giác ngộ lẽ đạo nên châu thân vượt khỏi vòng sinh tử để khai hoa vĩnh cửu, bất chấp mọi biến động pháp tướng. Tính chất ngắn ngủi vô thường của khung thời gian trần tục chín mươi năm tròn chắc hẳn đã được Anh cùng Gia đình ghi nhận chẳng phải để bi luỵ yếm thế mà để vượt lên khỏi nỗi sầu cố hữu, hầu đạt đến tâm thái toàn giác.

Không có được dịp may hiện diện bên Anh Bửu Tập lúc Anh thoát trần nhập diệt nhưng có nhiều dịp may giao thiệp cùng Anh thuở Anh còn tại thế, hôm nay tôi xin mượn chữ nghĩa để thành kính tỏ bày tấc lòng tưởng niệm gửi muộn màng đến Anh.

15.09.2020

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021